Một phép mầu, một may mắn và một bài học

Nếu có một thành tích đặc biệt xuất sắc, có thể coi như một phép mầu của dân tộc ta thì đó là văn học. Xin nhấn mạnh cụm từ “của dân tộc ta”.

Độc giả đã đọc qua những trang trước của cuốn sách này chắc không nghĩ là tôi tự hào dân tộc thái quá, nhiều vị vì thế có thể hỏi “ta có gì xuất sắc về văn học”?

Quả nhiên ta có rất ít lý do để tự hào.

Về múa chúng ta quả thật là kém. Ta thua hẳn hai dân tộc láng giềng tầm vóc nhỏ hơn là Lào và Cam-bốt, và có thể nói là thua xa mọi nước khác. Trong bộ môn này chúng ta đội sổ trong số các dân tộc có lịch sử tương đối dài. Điêu khắc và hội họa cũng chỉ mới khởi sắc gần đây, vào đầu thế kỷ thứ 20, do người Pháp đem đến. Trước đây ta có rất ít tranh và không có bức tranh nào có giá trị. Ta cũng có nhiều chạm trỗ trên kèo cột, giường tủ với mục đích bằng trí nhưng có thể nói những chạm trỗ này hoàn toàn không có một giá trị nghệ thuật nào. Các tượng tạc và đúc của ta cũng thế, chỉ là những biểu tượng gợi ý chứ không thể coi là những tác phẩm nghệ thuật, các tác giả là những người khéo tay chứ không phải là những nghệ sĩ. Rất khó phân biệt một công trình nghệ thuật của ta thuộc thế kỷ thứ 10 hay thuộc thế kỷ 19 bởi vì không có tiến bộ. Tất cả chỉ dừng lại ở sự khéo tay tự nhiên của con người. Học giả Trần Quang Hải, kế nghiệp cha là học giả Trần Văn Khê, đã dày công biên khảo, thu thập gia tài âm nhạc của chúng ta qua các thời đại. Phạm Duy, người nhạc sĩ thiên tài với lòng yêu nước thiết tha, đã cố gắng vượt bực để vừa ký âm hóa vừa phong phú hóa cổ nhạc Việt nam. Tất cả những cố gắng đó đưa tới một bảng tổng kết đáng buồn: âm nhạc của ta cũng rất nghèo nàn. Nhu cầu nghệ thuật và sáng tạo hầu như hoàn toàn thiếu vắng ở dân tộc ta. Văn hóa nghệ thuật của ta chỉ là văn hóa nghê thuật nghỉ ngơi, nhàn dư chứ không phải là văn hóa nghệ thuật nhức nhối và khai phá. Không gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta không có tác phẩm đáng giá.

Nói tới văn hóa Việt nam thực ra chỉ là nói đến thơ văn. Và thơ văn của chúng ta chỉ xuất hiện từ thời nhà Lý, nghĩa là từ thế kỷ 11 trở đi Trước đó chúng ta có rất ít dấu tích thơ văn Việt nam. Có thể là do hoàn cảnh lịch sử, những thơ văn của người Việt đã có trước thế kỷ 11nhưng đã bị thất lạc. Nhưng cứ nhìn vào thành tích thơ văn của bốn thế kỷ Lý Trần, ta có thể khẳng định là thơ văn Việt nam trước đó nếu có cũng không. Đáng kể, cả về phẩm lẫn lượng. Bốn trăm năm độc lập, dưới hai triều đại mà chúng ta cho là huy hoàng nhất trong lịch sử, chắc chắn thơ văn Việt nam đã làm một bước nhảy vọt vĩ đại so với thời gian trước. Vậy nhìn vào thơ văn Lý Trần ta có thể hình dung được thơ văn trước đó.

Những công trình khảo cứu đã tổng kết được khoảng hơn sáu trăm bài thơ và văn đủ loại trong bốn thế kỷ. Cứ coi là một số đã bị thất lạc và cộng thêm một ngàn bài nữa để đưa con số này lên một ngàn sáu trăm thì, nói chung, chúng ta cũng chỉ sáng tác được mỗi năm bốn bài. Các bài lại thường thường rất ngắn, có khi chỉ vài câu thôi. Trung bình mỗi bài chưa tới một trăm chữ. Như vậy, ngay cả nếu ước lượng một cách rất rộng rãi thì trung bình trong bốn thế kỷ cực thịnh đó cả nước đã chỉ sáng tác được mỗi ngày một chữ!

Có một sự kiện cần lưu ý là sau khi tiêu diệt được nhà Hồ (năm 1407), hoàng đế Trung Quốc là Minh Thành Tố đã ra lệnh cho quân Minh thu thập rồi tiêu hủy hay chở về Trung Quốc các tác phẩm bằng chữ Nho của Việt nam. Lệnh này đã không được thi hành nghiêm túc (tại sao? phải chăng là các quan nhà Minh thấy chẳng có gì đáng kẻ?) nên Minh Thành Tồ phải ra một lệnh thứ hai quở trách quan tướng nhà Minh và đòi phải thi hành triệt đề. Nhà Minh đã cướp mất của chúng ta những gì không ai biết rõ. Trong Việt nam Sử lược, Trần Trọng Kim dựa vào các pho sử có trước nói rằng quân Minh đã lấy của chúng ta 24 bộ sách. Thực tế có thể là hơn. Nhưng dựa vào những gì còn lại ta có thể kết luận là cũng không có gì đáng tiếc lắm, ít nhất về phẩm. Chúng ta hay nói tới các tác phầm của Chu Văn An, nhưng dựa vào những gì còn sót lại của Chu Văn An thì cũng có thể kết luận rằng các tác phẩm của ông cũng không có giá trị đặc biệt nào.

Thơ văn Việt nam thực ra chỉ khởi sắc dưới thời Hậu Lê với các tác giả Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, và chỉ phát triển mạnh từ thế kỷ 18 trở đi để đạt tới cao điểm vào thế kỷ 19 dưới triều Nguyễn, với các tác giả lớn như Lê Quý Đôn, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Chú, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê…

Sự khởi sắc đột ngột này có một nguyên nhân quan trọng, đó là thắng lợi của chữ Nôm trên chữ Hán.

Điều cần lưu ý là trong mười lăm thế kỷ đầu của công nguyên, ngay cả trong bốn thế kỷ Lý – Trần, các chính quyền, các vua chúa Việt nam và các sĩ phu Việt nam chỉ lo quảng bá tiếng Trung Quốc chứ không lo phát triển ngôn ngữ Việt nam. Không những không phát triển mà còn miệt thị (nôm na là cha mách qué). Điều khó tưởng tượng là các chính quyền và thành phần khoa bảng Việt nam đã say mê thực hiện một chính sách Hán hóa đất nước mình. Nếu văn hóa nước ta còn, và do đó đất nước ta còn, là vì họ đã thất bại! Công lao giữ nước như vậy không phải do các vua chúa, các anh hùng, các công hầu khanh tướng, cũng không do giới sĩ phu mà hoàn toàn do những người nông dân Việt nam.

Điều mầu nhiệm là mặc dầu bị chà đạp và miệt thị, không những bởi ngoại nhân mà còn do chính thành phần được coi là ưu tú của mình, xã hội Việt nam vẫn giữ được tiếng nói riêng của mình, để rồi dần dần tiếng Việt toàn thắng trên đất Việt. Người nông dân Việt nam đã giữ được ngôn ngữ của mình và khuất phục được giơi sĩ phu! Sau đó người Việt đã dựa vào chữ Hán để chế ra chữ Nôm mà tạo ra chữ viết riêng của mình, âm thầm tu bổ nó, dần dần biến nó thành một ngôn ngữ có giá trị văn chương.

Văn thơ chữ Nôm bắt đầu xuất hiện chính thức với bài “Văn Tế Cá Sấu” của Nguyễn Thuyên cuối đời nhà Trần, vùng lên mạnh mẽ vượt qua chữ Hán dưới thời Lê Trung Hưng (Trịnh-Nguyễn) để chiếm ngữ toàn bộ sân khấu văn chương dưới triều Nguyễn, chỉ để lại cho chữ Hán vai trò ngôn ngữ biên khảo. Sự thịnh hành của chữ Nôm đã giúp cho trí tuệ Việt nam phát triển, đã nâng cao trình độ sĩ phu Việt nam và làm xuất hiện những tác phẩm dài, thơ văn cũng như biên khảo, bằng chữ Nôm và bằng cả chữ Hán. Cần lưu ý là trong suốt thời độc tôn của chữ Hán chúng ta đã chỉ có những tác phẩm vụn vặt.

Từ đó cho tới thế kỷ 20, tổng kết văn thơ Việt nam, ngoại trừ bài Bình Ngô Đại Cáo, tất cả những tác phẩm lớn của chúng ta đều bằng chữ Nôm. Không có chữ Nôm thì chúng ta đã không thể có những tác phẩm để tự hào: Chinh Phụ Ngâm, truyện Kiều, Hoa Tiên, Nhị Độ Mai và những bài thơ bài phú bất hủ của Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến. Văn học của ta đã chỉ có giá trị sáng tạo từ khi chuyển sang chữ Nôm.

May mắn làm sao mà văn Nôm, tức văn Việt nam, nở rộ lên trong thế kỷ 19. Thử tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ 19, khi người Pháp áp đặt ách đô hộ lên nước ta và đem tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức, nếu lúc đó ta vẫn chưa có một văn học Việt nam riêng mà vẫn hoàn toàn dựa vào chữ Nho? Chúng ta sẽ không thể có Nam Phong Tạp Chí, Tự Lực Văn Đoàn với những tiếp nối của chúng. Chúng ta sẽ ở vào cùng một tình trạng bi đát như Lào và Cam-bốt hiện nay.

Các dân tộc châu Âu mặc dầu bị đế quốc La Mã đô hộ và áp đặt tiếng La Tinh cũng đã xây dựng được ngôn ngữ riêng của họ để dần dần thay thế tiếng La Tinh. Họ là những dân tộc tinh anh. Chúng ta cũng như họ. Nhưng dân tộc ta đã thắng một cuộc đấu tranh cam go hơn nhiều bởi vì chính những thành phần ưu tú của đất nước ta đã đóng góp phồ biến chữ Hán và ngăn chặn sự phát triển của tiếng Việt.

Các dân tộc châu Âu đã chỉ đạt tới nền văn hóa huy hoàng của họ sau khi họ tự giải thoát khỏi tiếng La Tinh để dựa trên ngôn ngữ của riêng mình. Cũng tương tự, người Việt đã chỉ đạt tới một nền văn học có giá trị từ khi dựa trên tiếng Việt. Đó là một bài học cần được ghi nhớ. Ngôn ngữ là dụng cụ của tư tưởng và tiến bộ, và mỗi con người chỉ phát huy được cao độ khả năng suy nghĩ và diễn tả của mình qua tiếng mẹ đẻ. Một giáo sư ngữ học người Pháp, người Mỹ dù bỏ cả cuộc đời để học hỏi và trau dồi tiếng Việt cũng không thể viết nổi những câu thơ của Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Trịnh Công Sơn. Ngược lại, một người Việt nam dù học tiếng Pháp từ lúc mới chào đời và đậu thạc sĩ văn phạm như Phạm Duy Khiêm cũng không thể đạt tới trình độ của những nhà văn lớn của Pháp. Vẫn còn lại một cái gì đó, một phần trăm hay một phần ngàn thôi nhưng quyết định tất cả, và phân biệt một tác phẩm kiệt xuất với một tác phẩm khá.

Xây dựng, mài dũa, hoàn thiện không ngừng tiếng Việt là nhiệm vụ trên hết mọi nhiệm vụ. Đó là dụng cụ không có không được của chúng ta để vươn lên. Cho tới nay sự quí trọng tiếng Việt của chúng ta còn ở rất xa mức độ cần có. Hàng chục thế kỷ khinh miệt tiếng mẹ đẻ vẫn còn để lại trong chúng ta những tàn dư tồi tệ. Khi viết một tài liệu bằng tiếng Việt, chúng ta (“chúng ta” ở đây xin hiểu là đa số) cảm thấy không cần lo âu gì cả, viết sao cũng được; trái lại, khi viết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, ta tra tự điển xem có đúng chính tả không, đắn đo không biết nên dùng chữ này hay chữ khác, hỏi ý kiến bạn bè, v.v… Chúng ta rất vô lễ với tiếng Việt.

Không thiếu những nhà bình luận viết không có bố cục và không ra câu cú. Câu văn dài lòng thòng, chấm phẩy tùy tiện, mệnh để chính và phụ hỗn độn, chữ dùng không chính xác và viết sai chính tả. Có cả những bài thơ mang những lỗi ngữ vựng rất thông thường.

Chúng ta đừng quên ngôn ngữ không phải chỉ là dụng cụ phát biểu ý kiến mà còn là cấu trúc của tư tưởng. Chúng ta suy nghĩ bằng ngôn ngữ trước khi diễn tả bằng ngôn ngữ.

Vợ chồng ông hàng xóm của tôi người Trung Hoa; họ ở bên Pháp đã hơn hai mươi năm mà vẫn không nói được tiếng Pháp. Mỗi lần có người Pháp đến hỏi họ đều phải cầu cứu chúng tôi. Chỉ sau này khi các con đã lớn và học khá họ mới không cần vợ chúng tôi nữa. Ông bà ấy nói bằng tiếng Việt để chúng tôi thông ngôn sang tiếng Pháp. Nhưng họ không phải là những người Việt gốc Hoa, mà là những người Miên gốc Hoa. Họ sinh ra và lớn lên tại Phnom Penh. Năm 1976 họ chạy trốn Pol Pot sang Việt nam và rời Việt nam sang Pháp hai năm sau. Thời gian hai năm đó đủ để họ nói được tiếng Việt và nhớ mãi tới hai mươi năm sau mặc dầu không hề cố gắng học tiếng Việt. Trái lại, từ khi tới Pháp họ đã theo học nhiều lớp tiếng Pháp nhưng sau hai mươi năm sống trên đất Pháp vẫn không nói được. Đó là vì cấu trúc của tiếng Pháp quá khác với cấu trúc của tiếng Tàu, trong khi tiếng Việt và tiếng Tàu khá gần nhau.

Vẫn còn nhiều người nghĩ rằng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, khi tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ quốc tế, chúng ta cần hoàn thiện tiếng Anh trước đã, tiếng Việt tàm tạm đủ dùng thôi cũng được. Như thế là quên rằng chúng ta suy nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ, nếu chúng ta không nắm thật vững tiếng mẹ đẻ thì chúng ta sẽ suy nghĩ kém, trí óc sẽ không thể phát triển tới mức tối đa được. Chúng ta sẽ thiếu một cái gì đó, cái một phần trăm hay một phần ngàn quyết định tất cả và phân biệt cái hơn hẳn với cái bình thường. Và chúng ta sẽ vĩnh viễn thua kém.