Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình

Trong cuộc chuyển hóa vĩ đại từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp và dịch vụ chúng ta gặp một trở ngại lớn: khí hậu. Chúng ta là một nước nhiệt đới, gần như nóng quanh năm, nhất là ở miền Nam. Sự phá hủy cây rừng từ nhiều năm nay, và vẫn chưa chấm dứt hẳn dù rừng không còn bao nhiêu, lại càng cho khí hậu thêm phần gay gắt khó chịu.

Khí hậu nóng làm cho con người uể oải, thiếu quyết tâm và mất kiên nhẫn. Các nước phát triển mạnh thường không phải là những nước nhiệt đới. Singapore là một ngoại lệ, nhưng Singapore không phải là một quốc gia theo đúng nghĩa của nó, mà là một thành phố và một hải cảng. Vả lại, đó là một đảo, được biển bao quanh và nhờ vậy gió biển cũng làm dịu bớt khí hậu, như tại Mã Lai. Có nhiều nhà nghiên cứu khẳng định phát triển là đặc tính của các nước hàn đới và ôn đới. Bắc Mỹ phát triển hơn hẳn Nam Mỹ, Bắc Âu vượt hẳn Nam Âu. Các nước châu á phát triển mạnh cũng thé: Nhật, Triều Tiên, Hương Cảng, Đài Loan và có lẽ sau này Hoa Lục, cũng đều là những nước lạnh, hoặc ít ra không nóng.

Có những nhà nghiên cứu xã hội lớn, như Max Weber và Alain Peyrefitte, không tin như vậy và giải thích bằng lý do văn hóa. Bắc Mỹ và Bắc Âu, theo họ, phát triển được nhờ tư tưởng Tin Lành phóng khoáng, trong khi Nam Mỹ và Nam ăn không phát triển vì ảnh hưởng giáo điều thủ cựu của Công Giáo. Phân tích này có phần đúng, nhưng cũng có thể giải thích rằng tại vì miền Bắc Âu lạnh, mà con người có nhiều sâu, phát triển óc phê phán và sáng tạo rồi chấp nhận Tin Lành.

Dầu sao thì khí hậu nóng cũng vẫn là một trở ngại lớn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đồng ý các vùng bờ biển phát triển mạnh hơn các vùng lục địa. Biển là kho tàng hải sản vô tận, là sự nới rộng của bờ cõi, và, quan trọng hơn hết, là khả năng giao thông vận tải quan trọng và quí giá vô cùng.

Khi vừa mới tốt nghiệp kỹ sư, tôi làm việc cho hãng Pechiney, công ty đứng hàng thứ nhì thế giới và thứ nhất tại châu Âu vào đầu thập niên 1970 về kỹ nghệ nhôm. Pechiney nhập cảng quặng nhôm từ úc và châu Phi. Nhà máy luyện nhôm nơi tôi làm việc nằm ở trung tâm nước Pháp, cách cảng Marseille chừng 400 km. Chi phí chuyên chở bằng đường biền từ úc tới Marseille gần 20.000 km, nhẹ hơn chi phí chuyên chở 400 km đường sắt từ Marseille đến nhà máy.

Ưu thế bờ biển – lục địa quan trọng không kém ưu thế lạnh – nóng. Người ta có thể quan sát rằng từ hai mươi năm nay tại Trung Quốc, vùng duyên hải đã phát triển vượt hẳn vùng lục địa. Ưu thế của bờ biển càng rõ nét trong trường hợp Trung Quốc nếu người ta nhớ lại rằng trong thập niên 1950 Mao Trạch Đông đã cho thi hành kế hoạch “đệ tam tuyến”, chuyển hết kỹ nghệ vào lục địa đề phòng ngừa một cuộc đổ bộ của Hoa Kỳ. Kế hoạch này đã biến Trùng Khánh thành thành phố đông dân nhất Trung Quốc, nó đã làm phá sản các vùng bờ biển.

Biển cũng làm cho khí hậu nóng bớt đi rất nhiều phần gay gắt. Nhờ biển và gió biển, khí hậu nước ta dễ chịu hơn nhiều so với khí hậu ở cùng vĩ độ tại Lào và Thái Lan. Trừ một vài tháng đặc biệt, ở vài nơi và trong vài năm khác thường, hàn thử biểu ít vượt quá 35oC. Nhiệt độ trung bình những tháng nóng nhất của nước ta chỉ là 28 hoặc 29 oC, nghĩa là một nhiệt độ tuy không thoải mái nhưng vẫn còn chịu đựng được.

Chúng ta có rất nhiều bờ biển và biển của ta rất tốt. Bờ biển của ta dài 3.200 km, còn dài hơn cả chiều dài thực sự của nước ta. Cả nước ta là một dải bờ biển, điểm sâu nhất trong đất liền tại miền Bắc là 600 km, trung bình bề dày của đất nước ta là 150km, tại Đồng Hới (Quảng Bình) bề dày này chỉ có 50 km.

Dọc theo bờ biển, chúng ta có khả năng thiết lập vô số hải cảng tốt. Hiện nay ta mới chỉ sử dụng một phần rất nhỏ của khả năng này với các hải cảng: Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Sài gòn. Tiềm năng hải cảng hứa hẹn một tương lai xán lạn cho kỹ nghệ đóng tàu, bảo trì và sửa chữa tàu và chuyên chở hàng hải. Những ngành này cho tới nay ta hoàn toàn không khai thác. Tuy có nhiều cảng thiên nhiên nước sâu, nhưng nói chung bờ biển nước ta lại rất xoải và có cát mịn, đo đó chúng ta có nhiều bãi biển thiên nhiên tuyệt vời. Đó là những tiềm năng du lịch nếu được khai thác sẽ đem lại một nguồn lợi rất lớn vì bờ biển của ta giữ nhiệt độ quanh năm trên 25 oC. Chúng ta là cửa mở ra Thái Bình Dương của cả bán đảo Trung-ấn. Người ta có thể làm việc và kiếm tiền ở Thái Lan, Lào, Vân Nam, nhưng người ta bắt buộc phải nghỉ ngơi và tiêu xài tại bờ biển Việt nam. Kỹ nghệ du lịch của nước ta, nếu được phát triển đầy đủ, trong trung hạn có khả năng thu hút vài chục triệu du khách mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người trong ngành du lịch cũng như trong các ngành liên hệ.

Vùng biền thuộc lãnh hải Việt nam có khả năng cung cấp hai triệu tấn cá mỗi năm. Bờ biển dài và thuận lợi của Việt nam cho phép đánh bắt thêm dễ dàng một trọng lượng cá tương đương trên biển cả. Ngư nghiệp và công nghiệp thực phẩm do nguồn hải sản cho phép ta nuôi sống một số người tương đương với nông nghiệp.

Bờ biển miền Nam còn cho ta một tiềm năng nuôi tôm cá rất quan trọng mà ta hiện chỉ khai thác được một phần rất nhỏ.

Ngoài ra, vùng Đồng Tháp thuộc đồng bằng Nam Bộ, với nguồn nước và nguồn cá to lớn của sông Mê Kông, còn là một tài nguyên lớn lao nuôi cá nước ngọt mà ta hầu như chưa khai thác.

Biển là tài sản quí báu nhất của non sông hoa gấm, có khả năng cao hơn nhiều so với nông nghiệp. Nhưng không phải ta chỉ có biển tốt mà ta còn có một vị trí vô cùng thuận lợi. Chúng ta là đường ra biển của Cam-bốt, Lào, Thái Lan và miền Tây-nam Trung Quốc, chúng ta nằm sát các trục giao thông hàng hải quan trọng và ở ngay trung tâm của một vùng phát triển mạnh.

Chức năng hiển nhiên của ta do biển đem lại là chức năng của một nước du lịch, công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ. Nguồn lợi chính mà biển đem lại là nguồn lợi của giao thương với thế giới. Nhưng muốn phát huy chức năng đó, điều bắt buộc tự nhiên là ta phải hội nhập với thế giới, có một chế độ chấp nhận được cho cả thế giới. Nghĩa là dân chủ.