Di sản Xuân Thu – Chiến Quốc

Có thể nói lịch sử của nước ta thực sự bắt đầu vào thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Giai đoạn này tương ứng với thời các vua Hùng mở nước. Theo huyền sử thì nguồn gốc của chúng ta cũng bắt đầu từ vua Thần Nông bên Trung Quốc. Huyền sử chỉ có một mức độ chính xác rất tương đối nhưng ít nhất nó nói lên một sự kiện, đó là người Việt nam và người Trung Hoa có cùng một cội nguồn. Chắc chắn là cũng đã có những người tiền sử sinh sống trên đất nước ta từ trước và đã hòa nhập với người di dân từ phương Bắc xuống vào giai đoạn này, họ đông đảo hơn nhưng thành tố phương Bắc là chế ngự. Ngày nay hầu hết các họ của chúng ta cũng là những họ Trung Quốc. Như vậy giai đoạn từ Xuân Thu Chiến Quốc trở về trước có thể coi là lịch sử chung của cả hai dân tộc trước khi hai quốc gia riêng biệt được hình thành. Nhưng chúng ta cũng chỉ mới được độc lập không được bao lâu thì lại bị sát nhập vào Trung Quốc trong hơn một ngàn năm. Hơn nữa, một quốc gia không phải chỉ là lãnh thổ và con người mà còn là một nền văn hóa, mà văn hóa của ta thì chủ yếu là văn hóa Khổng Mạnh đã được tổng hợp trong giai đoạn này.

Nếu thời Xuân Thu Chiến Quốc kết thúc một cách khác đi, nghĩa là nó không kết thúc với một chế độ quân chủ chuyên chính tập trung, và với Khổng Giáo được lấy làm quốc giáo độc tôn, thì số phận và lịch sử của nước ta đã khác hẳn.

Tư tưởng Trung Quốc hình thành một cách thực nghiệm với thời gian, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc nó đạt tới một mức độ trưởng thành vừa đòi hỏi một cố gắng hệ thống hóa vừa cho phép những khai phá lớn khác. Nền văn minh Trung Quốc lúc đó như một cây đã đủ lớn và đến lúc trổ hoa. Cả một phong trào tư tưởng rộ lên như hoa nở mùa xuân. Các sách còn lưu giữ được, nhất là bộ truyện Đông Chu Liệt Quốc, mô tả một không khí tưng bừng khai phá tư tưởng. Có những nhà hào phú nuôi cả trăm, ngàn thực khách chỉ để biện luận tìm ra chân lý về vũ trụ, xã hội và con người. Cũng có hàng trăm, hàng ngàn biện sĩ đi khắp các nước chư hầu đề nghị với các vua chúa các lý thuyết trị nước.

Khí thế của phong trào tư tưởng này thật là mạnh mẽ và nhưng thành lựu của nó lại càng lớn hơn. Có thể nói tất cả những triết lý và học thuyết của Trưng Quốc đều xuất hiện trong giai đoạn này. Và cũng có thể nói là mọi khái niệm triết lý và chính trị đều đã được đề cập tới và đẩy khá xa. Ngày nay nói tới tư tưởng thời Xuân Thu Chiến Quốc người ta thường hay nhắc tới Lão Tử, Mặc Tử, Tuân Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi, Công Tôn Long, v.v… nhưng thực ra các triết gia và lý thuyết gia này không phải là đơn độc, họ chỉ là những phát ngôn viên còn được nhớ lại của các trường phái tư tưởng. Thời đó chưa có sự tranh giành tác quyền về tư tưởng.

Trường phái Lão Tử chẳng hạn đã đưa ra cả một triết thuyết về vũ trụ mà ngay cả trong thời đại khoa học ngày nay người ta cũng không thể đánh giá là ngây ngô. Có thể coi những khai phá của Mặc Tử trong thuyết kiêm ái như là những viên đá đầu tiên cho một chủ nghĩa dân chủ xã hội nhân bản. Mặc Tử, Tuân Tử và Hàn Phi khởi xướng ra chủ trương nhà nước pháp trị. Kiêm ái và pháp trị nếu được phối hợp và phát triển chắc chắn dẫn tới dân chủ. Công Tôn Long đi rất xa về lô-gích trừu tượng, phân tích rất sâu về nguyên ủy và hậu quả (trứng có lông) về sự vật và cách nhìn sự vật (ngựa trắng không phải là ngựa).

Nhưng cả một rừng hoa đó cuối cùng đã không kết trái, hay đều kết trái nhưng trái đã không chín được để sinh ra những hạt giống cho sự sống tiếp tục. Tại sao?

Câu trả lời đầu tiên là, trái với văn minh phương Tây, thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có những tiến bộ về tư tưởng mà không có tiến bộ về khoa học thuần túy. Họ đã có những Socrate nhưng không có được những Archimède. Triết lý không có sự chuyên chở của khoa học kỹ thuật thì không bay bổng lên được và không ăn rễ được vào xã hội.

Giải thích như vậy cũng tạm ổn, nhưng chính sự thiếu vắng khoa học thuần túy cũng cần được giải thích.

Trung Quốc được thành lập trên lưu vực của hai con sông lớn, sông Hoàng Hà và sông Dương Tử. Cả hai con sông này đều là những dòng sông dũng mãnh đem phù sa và sự sung túc lại cho cái nôi đầu tiên của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng là một đe dọa kinh niên cho sự tồn vong của con người. Tới mùa lũ dòng sông có thể tràn bờ biến ruộng đồng thành biển cả, cuốn đi của cải và sinh mạng. Trong điều kiện như thế, ưu tiên thường trực nếu không muốn nói duy nhất của tập thể là chống lại nước. Các vị vua đầu tiên của Trung Hoa đều là những người có công trị thủy. Vua Thuần nhường ngôi cho vua Vũ vì ông Vũ có công đắp đê ngăn nước lụt.

Mọi xã hội hình thành bên cạnh nhưng dòng sông lớn với lưu lượng thay đổi đột ngột đều cần những vị vua có uy quyền tuyệt đối để áp đặt những cố gắng tập thể ghê gớm. Không phải là một sự tình cờ mà tất cả các chế độ được xây dựng bên cạnh những con sông lớn đều là những xã hội cực kỳ chuyên chế, dù là ở Trung Hoa, Việt nam, Cam-bốt, ấn Độ, Ethiopia, hay Ai Cập… nền tảng của các xã hội cổ xưa này là một khế ước bạo quyền bất thành văn nhưng rất rõ rệt giữa người chủ tể và dân chúng. Người chủ tể phải áp đặt những đòi hỏi thật dã man, đôi khi hy sinh cả một phần dân chúng, để đắp và bảo vệ đê điều, nhưng ngược lại chính nhờ những hy sinh kinh khủng đó mà cộng đồng tồn tại được thay vì bị nước cuốn đi. Các nạn nhân có thể nguyền rủa bạo chúa, nhưng con cháu họ lại mang ơn bạo chúa vì đã bảo đảm cho họ mùa màng và cuộc sống. Dần dần sự tàn bạo được chấp nhận như một định luật. Khổng Tử thừa hưởng di sản tinh thần của hệ thống xã hội đặt trên khế ước bạo quyền đó. Điều đặc biệt nơi ông là thay vì nhìn khế ước bạo quân đó như một cái tệ cần thiết ông lại thấy nó toàn thiện, toàn mỹ. Khổng Giáo chủ yếu là cố gắng để chính đáng hóa bạo quyền và nâng sự chấp nhận kiếp sống nô lệ lên hàng một đạo đức tuyệt đối.

Khổng Tử sống trong một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Với thời gian uy quyền của bạo chúa bị suy giảm vì hai lý do, một là đê điều tương đối đã ổn vững, công tác chủ yếu chỉ còn là giữ gìn và tu bổ, vai trò của bạo chúa không còn cần thiết như trước nữa; hai là xã hội ngày càng phát triển, mức sống cao hơn, dân số đông hơn, các nhu cầu mới xuất hiện, nhiều tiểu chủ địa phương xuất hiện và trở thành mạnh. Tới một mức độ chín muồi nào đó nhận thức về xã hội và cách tổ chức xã hội cần được xét lại. Đó là hiện tượng đã xảy ra dưới triều đại nhà Chu. Các sử gia vẫn thường nhận định là nhà Chu suy vì để mất uy quyền thiên tử, thực ra là vì xã hội đã tiến hóa và đòi hỏi một hệ thống chính trị khác.

Nhà Chu không còn uy quyền trấn áp các chư hầu nữa thì tất nhiên các chư hầu cạnh tranh và cấu xé lẫn nhau. ý hệ độc tôn quân quyền không còn hợp thời nữa thì tất nhiên xuất hiện những suy tư mới.

Thời Đông Chu Liệt Quốc chính là khúc quanh lịch sử vĩ đại đó. Nhưng tập quán chính trị chuyên chính đã kéo dài gần bốn ngàn năm và đã ăn rễ vào tâm lý con người nên các tham vọng chuyên chế dĩ nhiên còn rất mạnh và còn có chỗ dựa tâm lý mạnh. Phải có một phép mầu ghê gớm các xã hội thiết lập bên các dòng sông lớn mới lột xác và biến đổi được. Nhưng phép mầu đó đã không xảy ra tại Trung Quốc cũng như nó đã không xảy ra tại mọi nước khác. Người dân đã được điều kiện hóa để chấp nhận sự tàn bạo và như thế khi một chế độ tàn bạo cáo chung nó chỉ nhường chỗ cho một chế độ tàn bạo khác thích nghi hơn với thời đại mới. Giữa hai chuyền hướng bắt buộc phải có cho chế độ nhà Chu, một là chấm dứt khế ước bạo quyền, chính thức hóa sự tản quyền và nới rộng tự do cho dân chúng, hai là, ngược lại, tăng cường tới cực điểm bạo lực của trung ương để khuất phục các chư hầu và đập tan mọi ý đồ chống đối; cuối cùng Trung Quốc đã theo con đường thứ hai. Nhà Chu đã chấm dứt nhường chỗ cho nhà Tần với một bộ máy cai trị lớn hơn và mạnh hơn. Từ nhà Tần trở đi, một hệ thống chính trị khác, hệ thống quân chủ tập quyền và tuyệt đối dựa trên bạo lực không cần thiết đã ra đời thay thế cho hệ thống chính trị quân chủ dựa trên bạo lực cần thiết trước đó.

Ở đây cũng cần mở một dấu ngoặc để nói về một sự kiện rất đáng chú ý. Sở dĩ, trong các chư hầu, nhà Tần đã mạnh lên để tiêu diệt các chư hầu khác và gom thâu thiên hạ là vì đã áp dụng lý thuyết của Hàn Phi, chủ trương xiết chặt về chính trị nhưng cởi mở về kinh tế. Cái gọi là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay cũng không khác gì về nội dung, nó chỉ là một sự áp dụng lại một lý thuyết đã được đưa ra cách đây 22 thế kỷ. Nhà Tần đã chỉ tồn tại được vài chục năm bởi vì chính sách độc tài chính trị cởi mở kinh tế đã mau chóng tích lũy mâu thuẫn và đã sụp đổ. Đây là một bài học, lịch sử hình như đang diễn lại.

Nhà Hán sau khi đã tiêu diệt nhà Tần đã xiết lại luôn về kinh tế, đem Khổng Giáo làm quốc giáo độc tôn, cấm đoán mọi ý đồ xét lại. Từ đó chế độ chính trị Trung Quốc không còn thay đổi nữa và Trung Quốc dẫm chân tại chỗ hơn hai mươi thế kỷ.

Các xã hội nông nghiệp hình thành bên các dòng sông lớn đều mang một tật nguyền chung của các nền văn minh phù sa là tư tưởng và sáng kiến bị thui chột. Phải hàng ngàn năm mới đắp xong những con đê lớn với những chịu đựng ghê gớm. Cuộc sống đầy đọa và gắn chặt với đất đó đã nhồi nặn ra những con người chỉ quanh năm vất vả với đất để kiếm miếng ăn, dần dần sự thủ cựu và thiển cận biến thành một bản chất, không biết nghĩ và không dám nghĩ.

Chúng ta là một dân tộc như thế. Cả lịch sử lập quốc của ta đã chỉ là lịch sử con đê sông Hồng Hà. Ta hệ lụy với dòng sông hơn mọi dân tộc khác, đến nỗi gọi quốc gia là “nước”. Quốc gia của ta chỉ quanh quẩn là đất nước, núi sông, sơn hà. Chúng ta còn tật nguyền hơn mọi dân tộc phù sa khác. Trí tuệ của ta thui chột một cách thê thảm. Người Trung Quốc còn biết xét lại và đổi mới, dù chỉ là một cách vụn vặt, Khổng Giáo của họ qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyễn, Minh, Thanh; người Việt nam chúng ta thì hoàn toàn không. Người Trung Quốc còn biết dùng lịch phương Tây ngay từ đời nhà Minh; ta thì tới cuối thế kỷ 19 vẫn bám chặt lịch cũ thay đổi đã chỉ đến do sự áp dặt của người Pháp khi ta đã mất chủ quyền. Ta có một bờ biển dài và đẹp, mở thênh thang ra một đại dương hiền hòa nhưng ta vẫn chỉ sống đời này qua đời khác với đất như một dân tộc lục địa.

Đối với các dân tộc khác, tự do, dân chủ (hay nhân quyền cũng thế vì đó chỉ là những gốc nhìn khác nhau của cùng một sự kiện là con người được quí trọng, được phát huy hết khả năng của mình, được có ý kiến và sáng kiến) là một phương thức tổ chức xã hội; đối với chúng ta nó còn là một liều thuốc trị bệnh tê liệt trí não. Chúng ta là một bệnh nhân mà tự do là liều thuốc chữa. Chúng ta phải uống thuốc tự do nếu muốn lành bệnh để tranh đua với thế giới.