Dừng chân nghĩ lại

Nhân nói về cuộc nam tiến, cũng cần nhận định rằng lịch sử nước ta có cái gì đó thực u uất. Trong suốt quá trình mở nước và dựng nước của ta hình như các biến cố trọng đại lúc nào cũng khởi đầu từ những sự không may. Những người Lạc Việt đầu tiên đã từ Trung Hoa xuống miền Nam để tránh sự hà khắc, rồi hội nhập với người tại chỗ để lập ra nước Việt. Cuối thế kỷ 16, Nguyễn Hoàng vì sợ bị bách hại, đem dân vào Hoành Sơn, cùng với những người di dân Việt đã theo nhau đến đó từ một hai thế kỷ trước hội nhập với người Chiêm Thành mà mở rộng miền Trung. Cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn đã khiến một số đông đảo chạy trốn về phía Nam, tránh sưu cao thuế nặng và tránh cho con cái khỏi bị bắt lính, rồi miền Nam dần dần thành hình. Lúc nào cũng theo người Việt chạy trốn một sự bất hạnh rồi vô tình đi thêm một bước đường mở nước.

Sau năm 1975, chúng ta lại có một bạo quyền khác và vì đã tựa lưng vào biển cả, đàn chim Việt đã vượt trùng dương, tạo ra cộng đồng người Việt hải ngoại, tỏa sự hiện diện của Việt nam ra khắp thế giới.

Tất cả những biến cố này đều là những biến cố trọng đại và vô cùng ích lợi. Chúng nói lên khả năng phi thường của một dân tộc luôn luôn đủ khôn khéo để biến họa thành phúc. Nhưng đồng thời chúng cũng là một hổ nhục lớn cho những người lãnh đạo. Đến bao giờ chúng ta mới có thể chủ động thay vì chỉ phản ứng trước một tình thế bắt buộc? đến bao giờ chúng ta mới có thể có những chuyển biến tốt do chủ ý, xuất phát từ một dự tính lạc quan? Tất cả những câu hỏi này chất vấn những người có chức năng lãnh đạo đất nước, nghĩa là những người tri thức.

Đến đây, tôi đã mời độc giả cùng làm một cuộc hành trình khá dài qua lịch sử nước ta, từ lúc lập quốc cho đến khi đạt tới lãnh thổ hiện nay. Cuộc hành trình này chỉ có mục đích giúp ta nhìn rõ hơn chúng ta là ai, hay ít nhất đừng hiểu lầm chính mình. Chúng ta đã đi được một đoạn đường khá dài, và vừa đến một trạm xá thuận lợi để tạm dừng chân, ngồi xuống và nghĩ về mình.

Đối với một dân tộc, nghĩ về mình trước hết là nghĩ về lịch sử của mình. Có người từng nói hãy gõ cửa lịch sử để tìm câu trả lời cho tương lai. Có thể đúng, với điều kiện là chúng ta hiểu được ngôn ngữ của lịch sử để tiếp thu được những thông điệp của nó.