Cuối thế kỷ 19 chúng ta bị người Pháp đánh bại và khuất phục một cách dễ dàng. Thất bại này đầy hổ nhục vì nước Pháp lúc đó cũng đang chao đảo mạnh. Năm 1872 là năm quân Pháp đánh hạ Thăng Long, nghĩa là chỉ hai năm sau khi Pháp đại bại trước quân Đức, hoàng đế Napoléon III, cháu của Napoléon I, thua trận, bị bắt sống và đế quốc thứ hai của Pháp sụp đổ. Nhưng đạo quân viễn chinh của Pháp cũng không có bao nhiêu. Cả hai lần hạ thành Thăng Long họ đều chỉ cần vài trăm quân.
Cuối thế kỷ 20, khi nhiều quốc gia châu á khác cũng ở một tốc độ phát triển tương đương với chúng ta trong thế kỷ trước đã tiến lên mạnh mẽ, sự thua kém của chúng ta so với phương Tây vẫn tiếp tục trầm trọng thêm. Lợi tức bình quân trên mỗi đầu người của ta vào năm 2000 được ước lượng là 300 USD, nghĩa là chỉ xấp xỉ bằng 1/100 của Hoa Kỳ, Nhật và các nước Tây Âu mà thôi. Tóm lại trong hơn một thế kỷ đổi mới tuy chúng ta đã tiến triển khá nhiều, nhưng các nước tiên tiến còn tiến bộ nhanh hơn và khoảng cách giữa họ và chúng ta không hẹp lại mà còn rộng ra, trong khi nhiều nước cũng chậm tiến như chúng ta trước đây đã vươn lên mạnh mẽ.
Tại sao có sự thua kém đó?
Cần phải gạt đi ngay những câu trả lời quanh co: chúng ta không may mắn, chúng ta bị chiến tranh nhiều quá, các lãnh tụ của chúng ta tồi tàn quá, v. v… Đó không phải là những câu trả lời thực sự. Thế tại sao chúng ta lại gặp toàn những xui xẻo, tại sao lại chiến tranh nhiều quá, tại sao lại chỉ có những người lãnh đạo tồi? Định mệnh nào khiến chúng ta cứ, như Nguyễn Du nói, tìm toàn những ngả đoạn trường mà đi?
Khi một quốc gia thua kém mặc dù những điều kiện địa lý không đến nỗi quá bất lợi thì chỉ có thể có hai giải thích, một là con người tồi, hai là văn hóa tồi mà thôi. Nhưng có thực là có hai giải thích không hay chỉ có một? Tất cả các nhà bác học về nhân chủng, y khoa, tâm lý đều đã đồng ý với nhau về một kết luận: chỉ có một giống người trên thế giới này mà thôi và mọi dân tộc đều có những khả năng như nhau hay ít ra gần như nhau. Chỉ có những phần tử cực đoan và kỳ thị, thường thường vô học, mới phủ nhận kết luận này. Với thời gian càng ngày nó càng được xác nhận.
Có thể vẫn có những người hồ nghi về sự bình đẳng khả năng trí tuệ thực sự giữa những con người, coi đó là một xác quyết có tính cách triết học và nguyên tắc hơn là một sự kiện khoa học và khách quan nhưng cho tới nay họ chưa đưa ra được một lập luận giá trị nào.
Nhưng ngay cả nếu chúng ta chấp nhận để tạm không bàn cãi về sự hồ nghi đó thì vấn đề vẫn không đặt ra đối với người Việt nam. Người Việt nam qua tiếp xúc với văn hóa, khoa học và kỹ thuật phương Tây đã chứng tỏ khả năng hấp thụ nhanh chóng bất cứ một kiến thức nào. Hơn hai triệu người Việt hải ngoại, sau một thời gian thích nghi rất ngắn ngủi, đã đạt được một mức sống và một trình độ gần tương đương với dân tộc các nước tiếp cư. Con người Việt nam không tồi.
Nguyên nhân của sự thua kém bi đát hiện nay như vậy chỉ là vì văn hóa của chúng ta quá tồi mà thôi. Vậy chúng ta phải thay đổi văn hóa nếu muốn vươn lên.
Mà văn hóa là gì? Đó lại là cả một câu hỏi phức lạp có thể tranh cãi vô cùng tận. Nhưng trong sự suy nghĩ để đi tìm tiến bộ chung, chúng ta có thể tạm chấp nhận một định nghĩa thu hẹp: văn hóa của một dân tộc là toàn bộ những nhận thức và những giá trị đã tạo ra cho dân tộc đó một cách suy nghĩ và hành động, một cách tiếp cận và ứng xử với môi trường chung quanh.
Đến đây cần nhấn mạnh, và nhấn thực mạnh, một điều. Đó là nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy tất cả mọi giá trị, tốt cũng như xấu, đều hiện diện trong mọi nền văn minh, hay cũng như dở. Điều khác biệt là tầm quan trọng tương đối của các giá trị trong mỗi nền văn hóa. Các nền văn hóa khác nhau không phải vì chúng chứa dựng những giá trị khác nhau mà vì chúng dành cho các giá trị những trọng lượng khác nhau. Và sự khác biệt này có thể đưa đến những hậu quả cực kỳ lớn. Con sên cũng chuyển động, con ngựa cũng chuyển động, nhưng hai con vật này không chuyển động với cùng một vận tốc. Như vậy, trong cuộc thảo luận về văn hóa, chúng ta đừng nên mất thì giờ để biện luận Khổng Giáo cũng có cái này, Công Giáo cũng có cái kia, Phật Giáo cũng có cái nọ, v.v… Khi chúng ta nói cần thay đổi văn hóa (hay cần làm một cuộc cách mạnh văn hóa) là chúng ta muốn nói cần thay đổi trọng lượng tương đối của các giá trị dựa trên kinh nghiệm của những dân tộc tiến bộ chứ không phải là cần nhập cảng giá trị này, loại bỏ giá trị kia.
Không phải là một tình cờ mà Việt nam và Trung Quốc có thân phận gần giống nhau. Cả hai nước đều chịu những thảm kịch lớn, đều vướng mắc với một chủ nghĩa đã bị đào thải, đều thua kém bi đát trong khi những người dân của cả hai nước lập nghiệp tại nước ngoài đều khá thành công. Cũng không phải là một sự tình cờ mà Đảng cộng Sản Việt nam luôn luôn lẽo đẽo chạy theo Đảng cộng sản Trung Quốc như các vua chúa nhà Nguyễn lẽo đẽo chạy theo triều Thanh. Cùng một văn hóa đưa tới cùng một cách suy nghĩ và hành động, và cuối cùng đưa tới những chọn lựa giống nhau. Việt nam cùng một văn hóa với Trung Quốc, nghĩa là cùng đề cao một số giá trị và cùng xem thường một số giá trị khác, bởi vì đã bị lệ thuộc Trung Quốc trong hơn một ngàn năm và đã cố gắng rập khuôn theo Trung Quốc trong gian một ngàn năm sau đó.
Ngày nay, trước hoàn cảnh bi đát của đất nước, nhiều người đã thao thức đặt vấn đề làm thế nào để đưa đất nước đi lên. Đại đa số những phát biểu này thuộc hai loại.
Loại thứ nhất phân tích những sai lầm hoặc tố giác những đã tâm trong quá khứ đã đưa đến tình trạng hiện nay.
Loại thứ hai quay lưng lại với quá khứ và hướng về tương lai, gồm những đề nghị về kế hoạch và kinh tế, đôi khi dựa trên những thống kê được sưu tập khá công phu.
Tôi cho cả hai cách tiếp cận này đều không đúng. Nếu vẫn giữ nguyên một văn hóa cũ thì dù không làm sai lầm này người ta cũng sẽ làm sai lầm khác. Còn các kế hoạch kinh tế tài chánh thì tôi hoàn toàn dị ứng. Không phải vì ta thực hiện kế hoạch kinh tế này thay vì kế hoạch kinh tế khác mà đất nước ta sẽ khá hơn. Những “chuyên gia” nghĩ như vậy không hiểu gì về kinh tế và tạo ra cho người khác những ảo tưởng sai lầm. Họ không đóng góp mà còn đánh lạc hướng những suy tư khỏi nguyên nhân chính của mọi đau khổ của chúng ta hiện nay.
Chúng ta đã như ngày nay bởi vì chúng ta đã có một văn hóa tồi tệ. Chúng ta chỉ vươn lên được nếu ý thức được rằng văn hóa của ta tồi, cần phải thay thế bằng một văn hóa khác. Ngay cả nếu chỉ giới hạn trong phát triển kinh tế mà thôi thì cũng cần ý thức rằng phát triển kinh tế chủ yếu vẫn chỉ là một vấn đề tâm lý và văn hóa.