Giết hại công thần

Có một sự kiện gần như một định luật trong lịch sử Việt nam là những người dựng nên đế nghiệp thường hay giết hại công thần sau khi đã thành công. Tại sao? Câu trả lời gần như tự động là những người đó gian xảo, bội bạc. Xét cho cùng thì câu trả lời này không đúng.

Những người đã có khả năng qui tụ nhân tài, khiến họ tận tụy và nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử với mình tất nhiên phải có những đức tính đặc biệt. Họ phải là những người có khả năng thu hút, chinh phục lòng tin và sự trung thành bằng cách chứng tỏ tài năng và đức độ. Trừ một vài ngoại lệ rất họa hiếm, họ phải là những người khá tốt và thủy chung. Ngày nay một người tham gia một tổ chức chính trị chỉ kết bạn với lãnh tụ mà thôi, nếu thất vọng có thể bỏ ra đi, nhưng ngày xưa thì khác hẳn. Lãnh tụ không những phải là người lãnh đạo mà còn là minh chủ, một chúa công có quyền trên tính mạng của thuộc hạ. Các nhân tài ngày xưa vì vậy chọn chúa rất thận trọng, họ hỏi han về minh chủ, tới yết kiến minh chủ, quan sát từng thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, có khi xem tướng rồi mới quyết định vì đó là quyết định vô cùng quan trọng đối với họ. Họ khó có thể lầm được. Muốn được họ thờ thường phải là người có đức lớn. Trong vô số những người phất cờ khởi nghĩa chỉ có một người thành công thì người đó phải là người có bản lãnh phi thường, mà bản lãnh lớn nhất là qui tụ, điều động, chinh phục lòng tin. Khó mà có thể giả dối được bởi vì không thể đánh lừa một số người đông đảo trong suốt một thời gian dài tranh đấu cam go.

Vậy mà ông vua nào thành công dựng được nghiệp đế cũng giết hại công thần cả. Như thế việc giết hại công thần phải có một giải thích khác hơn là sự bội bạc. Giải thích đó là sự giết hại công thần là cần thiết trong lô-gích Khổng Giáo.

Khổng Giáo coi quyền của vua là quyền thiêng liêng của trời cho. Quần thần phải phục tùng vô điều kiện, có chết cũng không được thắc mắc. Đã là quyền thiêng liêng thì trời ban cho ai, người đó được. Đã là kẻ sĩ, nghĩa là đã từ bỏ mọi ý định làm chủ để chỉ nuôi giấc mộng làm tôi cho một minh chủ, thì dĩ nhiên phải tự coi là mình không có “mệnh trời” đó rồi. Hạnh phúc của kẻ sĩ chỉ là được vào chốn cũng đình, thấy mặt long nhan, được chút chức vị và hầu hạ một người được trời trao thiên mệnh. Nhưng những kẻ sĩ giúp một anh hùng lập nghiệp đế thì lại khác. Họ đã được gặp một người dựng nghiệp, nghĩa là còn có mệnh trời hơn hẳn những ông vua khác. Họ đã chia cơm sẻ áo, chen vai sát cánh với kẻ anh hùng đó. Họ đã chứng kiến những sự lo âu, hốt hoảng, những sai lầm và nhát sợ của người anh hùng đó. Họ đã chứng kiến tận mắt và đầy đủ một cuộc lập nghiệp đế vương và đã khám phá ra rằng cuộc dựng nghiệp này chẳng có gì là thần thánh cả. Họ không còn là nhưng kẻ sĩ chân chính nữa. Những công thần đã giúp vua dựng nghiệp cũng phải là những người rất đởm lược, họ dễ nhận ra là ông vua anh hùng nhất cũng không khác họ bao nhiêu. Họ đã nhìn thấy bí quyết dựng nghiệp, họ đã nhận ra sự tương đói của thuyết “thiên mệnh” và biết đâu họ đã thấy chính họ cũng có thể làm vua. Vì thế họ phải chết.

Kẻ đế vương thực ra cũng không có chọn lựa. Tất cả căn bản quyền lực của ông ta dựa trên sự chính đáng của thiên mệnh, ông ta không thể dung túng những kẻ không còn tin tưởng tuyệt đối ở sự huyền bí đó nữa và lại có khả năng ngang tầm với ông ta. Đó không phải chỉ là mối nguy mất ngôi vua mà còn là mói nguy mất mạng và tuyệt giống bởi vì trong hệ thống quân chủ chuyên chế, thiên mệnh đã được trao cho ông ta rồi thì chỉ có cái chết mới có thể tước đoạt, và nhổ cỏ thì phải nhỏ tận gốc. Những công thần có khả năng để dọa ngôi báu hay làm mất đi tính thiêng liêng của nó vì vậy phải bị tiêu diệt.

Nhưng những công thần trung thành tuyệt đối cũng không thể dung túng được, bởi vì họ để dọa trật tự của chế độ quân chủ tuyệt đối trong đó quần thần không hơn những con vật trước mặt nhà vua, vua muốn nọc ra đánh, muốn thiến tùy ý. Những khai quốc công thần không còn là những kẻ sĩ chân chính nữa vì họ đã quá quen với vua, đối xử với họ như vậy không khỏi mang tiếng tệ bạc, mà không đối xử như vậy thì không còn kỷ cương triều đình. Họ là những cái gai phải nhổ để trật tự vua tôi được trở lại bình thường.

Mối liên hệ vua tôi, cốt cán của tư tưởng chính trị Khổng Giáo, đưa tới hai hậu quả.

Một là, kẻ sĩ, tinh hoa của xã hội, mất hết nhân cách, xã hội vì thế lẫn quẩn trong sự thui chột và hèn kém.

Hai là, các cuộc khủng hoảng xã hội rất khó có lối thoát. Kẻ sĩ chân chính không phải là người khởi nghiệp. Triết lý của họ là lúc khó khăn thì lánh mặt. Chỉ có một số rất ít có chí khí để tham gia tranh đấu trong thời ly loạn mà thôi. Những kẻ này phải chọn minh chủ thật kỹ. Trước hết minh chủ phải là người có chân mạng đế vương, nếu không thì theo ông ta chỉ uổng mạng mà thôi, sau đó minh chủ lại phải là người thật trung hậu, nếu không thì khi thành công mạng mình cũng toi mạng về tay ông ta. Lịch sử Trung Quốc không thiếu những chuyện những người giúp chủ dựng nghiệp, lúc thành công thì vội vã cao bay xa chạy. Kết quả là ít ai nhập cuộc, những loạn lạc thường kéo dài rất lâu, những kẻ có gan dạ dấn thân đã rất ít mà trong số này, những người tìm được minh chủ lại càng khó. Và những người dám đứng lên khởi xướng thì lại không thể kết hợp được với nhau, bởi vì không ai dám nhường ngôi minh chủ cho người khác, nhường ngôi minh chủ là nhường tất cả chứ không có thoả hiệp nào. Với thời gian “chọn đúng chúa mà thờ” trở thành một lo âu làm tê liệt những kẻ sĩ hiếm hoi có ý định cứu đời. Trong đa số trường hợp đưa họ trở lại sự thụ động cố hữu.

Ngày nay triết lý thiên mệnh của Khổng Giáo đã đi vào quá khứ, ít ai còn tin có nhưng kẻ có thiên mạng đế vương nữa. Nhưng cái tâm lý chọn minh chủ vẫn còn tồn tại, và bởi vì nó là một tâm lý, nó nấp kín trong thâm sâu của chúng ta, nó chi phối hành động của chúng ta một cách bí mật đến nỗi chính chúng ta không thấy. Hai câu chuyện sau đây chứng tỏ cái tâm lý mà ta tưởng như đã hoàn toàn biến mất thực ra vẫn còn lảng vảng đâu đây. Tôi kể ra chỉ để độc giả thấy rằng đoạn tuyệt với một văn hóa là một điều rất khó.

Cách đây không lâu, một lãnh tụ của một tổ chức chính trị có lúc gây được tiếng vang đã có nhã ý đến thăm tôi. Tôi hỏi anh lý do nào có thể khiến một người tham gia tổ chức của anh. Anh đắn đo rồi trả lời bởi vì người ta ngưỡng mộ một lãnh tụ như anh. Đó là một thanh niên hoàn toàn được đào tạo tại một nước tân tiến.

Tôi cũng biết hai người khoa bảng khác được đào tạo tại phương Tây. Không những chỉ có bằng cấp lớn mà họ còn thực sự có khả năng và bản lãnh lớn, tôi rất ngưỡng mộ họ. Câu chuyện của họ lại có liên quan tới chính tôi. Chúng tôi đã sát cánh cùng nhau tranh đấu cho dân chủ trong một thời gian. Có cố gắng dài hơi nào mà không có lúc đem tới sự mệt mỏi và nghi hoặc? Một hôm tôi được họ mời đi ăn tối cùng với một người lạ mặt mà sau này tôi được biết là một nhà tướng số nổi tiếng. Chúng tôi nói chuyện vui vẻ, nhà tướng số kia đặt nhiều câu hỏi về tôi. ít lâu sau cả hai bạn tôi tuyên bố ngưng hoạt động. Mãi về sau tôi mới hiểu là tất cả do bữa cơm tối đó. Họ đã nhờ nhà tướng số kia cho biết về tôi và kết luận của vị này là tôi không có tướng của một minh chủ.

Tôi rất buồn vì mất hai bạn đồng hành hiếm có, nhưng tôi rất kính trọng họ, họ là những trí thức hiếm hoi còn có ý định dấn thân, và thực sự đã vất vả với tôi trong một thời gian. Tôi chỉ giận cái tâm lý kẻ sĩ của Khổng Giáo không chịu cút hẳn khỏi tâm hồn người Việt. Tôi cũng không giận ông thày tướng kia vì thực ra ông ta nói đúng: thời này làm gì còn minh chủ, chỉ có những kẻ khùng mới nuôi mộng làm minh chủ mà thôi. Tôi chỉ muốn góp phần nhỏ bé của mình cho thắng lợi dân chủ mà thôi. Vậy mà cũng gian truân.