Cướp đất của ai?

Các sử gia và các nhà bình luận vô tình hay cố ý đã làm cho nhiều người, Việt nam cũng như ngoại quốc, quên rằng miền Nam Việt nam đã được mở ra chủ yếu do một cuộc di dân hòa bình để khai phá đất hoang chứ không phải do một cuộc lấn chiếm bằng bạo lực bờ cõi sẵn có của một nước Cam-bốt hiền hòa.

Trong thâm tâm, đa số người Việt nam nhìn nhận như một sự thực không cần chứng minh rằng Việt nam có lỗi với Cam-bốt. Những vụ “cáp duồn” (tiếng Khmer có nghĩa là chém đầu người Việt) dù có gây ra nhiều phẫn nộ cũng không làm thay đổi được mặc cảm này. Đây là một trường hợp điển hình chứng tỏ phải coi chừng những sự thực không cần chứng minh.

Trái với một cảm tưởng rất lan tràn, Cam-bốt không phải là đất nước của những con người hiền hòa, nạn nhân của những tham vọng bành trướng và thống trị từ lân bang. Có thể nói đất nước Cam-bốt đã ra đời bằng bạo lực, đã trưởng thành trong bạo lực và đã suy tàn vì bạo lực.

Được bồi đắp từ lòng biển do phù sa sông Cửu Long, vùng đất gồm nước Cam-bốt và miền Nam Việt nam mới đầu thuộc đế quốc Phù Nam với những sắc dân đến từ biển, nhất là từ Indonesia và từ ấn Độ qua ngả Miến Điện và Thái Lan. Phù Nam đã mau chóng biến thành một đế quốc hiếu chiến. Vào thế kỷ thứ 7, người Khmer, một sắc dân theo văn minh ấn Độ, từ miền Nam Lào tràn xuống tiêu diệt đế quốc Phù Nam và dần dần khắc phục các sắc dân địa phương, chiếm quyền bá chủ trong vùng để lập ra đế quốc Khmer. Đế quốc Khmer còn tỏ ra hiếu chiến và bạo ngược hơn hẳn đế quốc Phù Nam. Đế quốc Khmer đã chế ngự được cả một vùng rộng lớn bao gồm cả Thái Lan, một phần Miến Điện và cả miền Nam Việt nam. Vào thế kỷ 12 đế quốc Khmer còn bành trướng về phía Bắc, chiếm gần hết đất Chiêm Thành, đến tận đèo Hải Vân của Việt nam hiện nay. Nhưng lãnh thổ thực sự của nó tập trung ở vùng Angkor. Nhưng đền đài Angkor không phải chỉ là dấu tích của một nền văn minh mà trước hết là di tích của sự tàn bạo. Những sử liệu ít ỏi còn lại, mà đặc sắc nhất là ký ức của Chu Tá Quan, một sứ giả của nhà Nguyễn có mặt tại Cam-bốt, mô tả cảnh những người nô lệ bị xiềng xích vào nhau để xây đền đài dưới sự điều động tàn bạo của các tăng sĩ và chiến sĩ Khmer. Họ phải lao lực đến kiệt sức và khi chết thi hài được lôi ra làm thức ăn cho cầm thú. Từ thế kỷ 13 trở đi, người Thái Lan bắt đầu tiến lên, sức mạnh của họ đã dần dần bắt kịp và vượt người Khmer. Họ giành được độc lập rồi tiến đánh trả thù người Khmer trong hàng thế kỷ đã bắt họ làm nô lệ xây đèn đài cung điện. Họ đã hủy diệt đế quốc Khmer, tàn phá Angkor Vát và bắt người Khmer về làm nô lệ xây đền đài cho họ. Nền văn minh Angkor cáo chung vào năm 1431 với sự phá hủy lần cuối cùng thủ đô Angkor. Đế quốc Khmer xây dựng trên sự tàn bạo đã sụp đổ trong sự tàn bạo. Sự tàn phá và tàn sát của người Thái Lan đã khủng khiếp đến độ tất cả dấu tích đồ sộ của trung tâm Angkor bị chìm mất trong rừng sâu và không một nhân chứng nào sống sót để nhớ lại sự hiện hữu của nó. Phải đợi đến năm 1850, một nhà khảo cứu Pháp mới tình cờ khám phá lại di tích Angkor mà ngay những người Cam-bốt cách đó hai trăm cây số không hề biết đến nữa.

Kể từ 1431 chung quanh Phnom Penh chỉ còn lại một triều đại Chân Lạp yếu nhược với ảnh hưởng không đáng kể trên những vùng đất trước kia thuộc ảnh hưởng của đế quốc Khmer.

Cuộc nam tiến của người Việt đã đến rất lâu sau khi vùng đất miền Nam trở thành vô chủ. Những người Việt đầu tiên khai phá miền Nam không phải là những đạo quân viễn chinh mà phần lớn là những người nông dân nghèo khổ, chạy trốn cuộc chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn. Từ năm 1623 trở đi, trong khoảng một thế kỷ rưởi, Việt nam đã sát nhập nhiều vùng đất mới ở phía Nam. Những những sát nhập hành chánh này chỉ là sự hợp thức hóa một thực tại; những phần đất ấy từ lâu đã do người Việt sinh sống và khai thác. Cuộc nam tiến của nước ta chủ yếu là một sự bành trướng trong hòa bình. Sự mở mang lãnh thổ Việt nam đã chấm dứt khi anh em Tây Sơn nổi lên năm 1771 và Việt nam bắt đầu lâm vào nội chiến.

Vua Sihanouk, bằng thái độ và bằng hành động của ông, lập lại y hệt hình ảnh của những vị vua Chân Lạp trong hai thế kỷ 17 và 18. Sihanouk trở mặt như chong chóng và đổi đồng minh như thay áo, ông được nhiều nhà bình luận chính trị phương Tây coi là khôn ngoan và mưu lược, nhưng tài trí của ông đã chỉ khiến nước Cam-bốt phải chịu những tàn phá kinh khủng nhất.

Các vị vua Chân Lạp, tổ tiên của Sihanouk, cũng đã cư xử không khác gì ông. Một vị vua Chân Lạp có thể ngày hôm nay cầu viện Việt nam để tranh ngôi vua với một người anh em họ, để rồi ngày mai lại cầu viện Thái Lan chống lại Việt nam và ít lâu sau thần phục Việt nam chống lại Thái Lan. Mỗi lần cầu viện ngoại bang họ đầu dâng lễ vật hay dâng đất. Việc dâng đất đối với họ không có gì là quan trọng vì trên thực tế đó là những vùng đất mà họ đã mất chủ quyền từ lâu. Việc dâng đất chỉ có nghĩa là nhìn nhận một thực lại và cam kết sẽ không quấy nhiễu.

Một câu hỏi có thể được đặt ra là tại sao người Cam-bốt lại thù ghét Việt nam hơn Thái Lan, trong khi Thái Lan đã xung đột nhiều hơn với Cam-bốt, đã sát nhập nhiều đất của Cam-bốt hơn, đã từng tàn sát người Cam-bốt một cách dã man, và nhất là đã tiêu diệt đế quốc Khmer?

Trước hết là sự xung đột giữa hai nền văn minh ấn Độ và Trung Hoa. Người Cam-bốt và người Thái Lan cùng chịu ảnh hưởng của văn minh ấn Độ nên dù đã có cả một quá khứ xung đột vô cùng đẫm máu họ ván thấy gần gũi với nhau trong khi người Việt nam, thuộc ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, đối với họ là những kẻ lạ mặt. Nhưng trầm trọng hơn nữa là chính sách chia để trị của chính quyền thuộc địa Pháp. Người Pháp đã tạo ra cái huyền thoại nước Việt nam tham đất và đói đất để biến Việt nam thành một de doạ và một đối tượng thù ghét cho người Cam-bốt.

Trong chiều sâu còn một hằng số quan trọng hơn mà ta cần nắm vững khi nhận định về những tương quan giữa nước ta và Cam- bốt: người Cam-bốt rất thực tiễn, họ không đặt nặng những vấn đề văn hóa và lịch sử mà hành động chủ yếu theo những cái lợi trước mắt. Cho tới nay, những người lãnh đạo Cam-bốt luôn luôn hòa hoãn với các quốc gia có thể có ảnh hưởng mạnh lên nước họ và sẵn sàng lấy thái độ thù địch với những quốc gia mà họ nghĩ là không có hay không còn khả năng để dọa họ, nếu họ thấy là có lợi. Họ thường có thái độ thù địch đối với Việt nam vì trong nhiều giai đoạn họ nhận định Việt nam vừa không có lợi gì cho họ lại vừa không làm gì được họ.

Cũng nên nhìn rô một đặc tính của người Khmer: trong suốt dòng lịch sử họ luôn luôn phải chịu đựng những chế độ hung bạo cho nên sự hung bạo đã ăn rễ trong dân gian; người Cam-bốt rất dễ bị sách động vào các cuộc thảm sát. Trong một quốc gia khác, nhưng lãnh tụ dù khát máu như Pol Pot cũng không thể gây ra một cuộc thảm sát như thế giới đã thấy tại Cam-bốt. Nhìn vào những gì người Cam-bốt đã làm với nhau, ta sẽ thấy rằng sự hung bạo của người Cam-bốt không phải là bằng chứng của hận thù, bởi vì họ hung bạo ngay với đồng bào họ. Do đó không nên coi những vụ thảm sát người Việt tại Cam-bốt như là dấu hiệu của một hận thù không thể vượt qua được.

Một số đông chúng ta không hiểu rõ lịch sử của chính nước mình, nhất là cuộc nam tiến của dân tộc Việt nam, và do đó vẫn còn bị ảnh hưởng của luận điệu của chính quyền thuộc địa Pháp, rồi cũng mang mặc cảm tội lỗi đối với Cam-bốt. Chúng ta đừng quên rằng, ngoại trừ một vài qui định hành chánh dưới thời Pháp thuộc không nhất thiết có lợi cho Việt nam, biên giới giữa hai nước không hề thay đổi từ hơn hai thế kỷ qua. Đó là một trong những biên giới ổn định nhất thế giới. Điều này đủ để bảo đảm cho khả năng chung sống hòa bình giữa hai nước. Chúng ta cũng đừng quên rằng về phương diện địa lý Cam-bốt cần Việt nam hơn là Việt nam cần Cam-bốt. Trong tương lai, nếu Cam-bốt gượng dậy được từ thảm kịch hiện nay, họ sẽ không có chọn lựa nào khác là hợp tác chặt chẽ với Việt nam, và lúc đó họ sẽ hợp tác với chúng ta một cách rất nồng nhiệt.

Điều quan trọng trong quan hệ với Cam-bốt là chúng ta cần từ bỏ một mặc cảm tội lỗi không đung để vạch ra một chính sách sống chung trên căn bản tương kính, có lợi cho cả đôi bên.

Đối với cuộc nam tiến mở nước của chúng ta, chúng ta cần ghi ân trước hết những hy sinh của những tổ tiên rất khiêm nhường của ta, những tấm áo nâu dắt dìu nhau vào chốn rừng sâu và dắt dìu nhau vào tới Cà Mau. Công mở nước là của họ chứ không phải của các vua chúa và các danh tướng.