Một dân tộc bất khuất và tự hào?

…Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào
Sài Gòn ơi ta vẫy tay chào
cờ sao đang tung bay cao…

Xuân Hồng
(trích bài Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh)

Các nhà bình luận chính trị và lịch sử của ta dù là cộng sản hay không cộng sản đều đồng ý rằng dân tộc ta rất bất khuất và giàu tự ái dân tộc. Các thế hệ Việt nam lớn lên đều được huấn luyện để tin như vậy và tự hào về tính tự hào dân tộc của ta. Đó là một niềm tin cần thiết, và cũng có căn bản, nhưng tính bất khuất và lòng tự hào dân tộc có được thể hiện một cách thường trực hay không lại là cả một vấn đề.

Trong cuốn Mặt Thật, Bùi Tín, một cựu đại tá phó tổng biên tập báo Nhân Dân đã ly khai với đảng cộng sản, viết về quan hệ giữa các cấp lãnh đạo đảng cộng sản và các cố vấn Trung Quốc sang Việt nam hướng dẫn họ làm cải cách điền địa năm 1955 như sau:

[…] Mỗi lần các vị học trò này gặp đoàn phái viên quý báu của Mao chủ tịch, về Thủ ti cải cờ (Thổ địa cải cách, theo tiếng Bắc Kinh), họ chỉ có thái độ tiếp nhận ý kiến của chuyên gia, không dám hỏi lại, cũng không dám cãi lại. Anh bạn của tôi làm ở văn phòng ban Chỉ đạo hồi ấy (năm 1954, 1956) kể lại: Triết cố vấn, Triệu cố vấn và Vương cố vấn chuyên ngồi dựa vào ghế bành lớn, ưõn bụng ra phía trước, có lúc gác đại cả hai chân lên bàn, tay cam ly rượú mao đài, nhổ nước bọt ồn ào xuống đất, để phán bảo cho những người nắm vận mệnh của đất nước Việt nam. Thật thê thảm cho đất nước này! […]

Những người nắm vận mệnh của đất nước Việt nam mà Bùi Tín nói tới là các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc việt, Hồ Viết Thang, v.v… những lãnh tụ cộng sản nỗi tiếng sắt đá và độc đoán. Họ không coi ý kiến của người Việt nam ra gì cả, đến ngay sinh mệnh của người Việt nam cũng không có một tầm quan trọng nào dưới mắt họ. Họ tàn sát thẳng tay những người không đồng ý với chủ nghĩa cộng sản. Những ai đọc những sách báo của đảng cộng sản ngày trước, và cho tới gần đây, khó có thể không ngượng vì những lời tâng bốc không một chút dè dặt đối với Trung Quốc đàn anh, Liên xô vĩ đại, Lênin vĩ đại, Stalin vĩ đại, Mao chủ tịch vĩ đại. Họ xưng hô với khách ngoại quốc bằng Ngài, một tiếng mà họ không bao giờ dùng đối với người Việt. Sự kính nể người ngoại quốc không phải chỉ được thể hiện với các nước xã hội chủ nghĩa anh em mà ngay cả với các nước tư bản thù địch.

Trong hội đàm Paris (1968-1973), họ nhất định đòi nói chuyện với Mỹ chứ không thèm nói chuyện với phía Việt nam Cộng Hòa. Có người nói đó là một thái độ chính trị cần có để tự xác nhận như là đại diện cho toàn dân Việt nam và phủ nhận mọi tư cách của Việt nam Cộng Hòa. Nhưng kết quả của cuộc thương thuyết có bao giờ tuỳ thuộc ở thái độ này hay thái độ nọ đâu, nó luôn luôn chỉ tùy thuộc vào yếu tố duy nhất là tương quan lực lượng. Chọn lựa chiến lược của Mỹ dã như thế và tương quan lực lượng dã như thế thì dù Hà Nội có khinh miệt hay kính trọng chính quyền Sài Gòn, kết quả của cuộc thương thuyết vẫn như thế. Thái độ khinh miệt phe quốc gia của Hà Nội chẳng có ảnh hưởng cụ thể nào lên cuộc thương thuyết cả, nó chỉ nói lên một tâm lý tôn kính người ngoại quốc và coi thường đồng bào của mình. Nếu thực sự có tự ái dân tộc, họ đã phải tìm kiếm một giải phấp giữa người Việt nam với nhau. Nhưng tâm lý của họ là tâm lý trọng ngoại.

Cái tâm lý trọng người ngoài khinh người nhà được thể hiện một cách ô nhục qua vụ xử án những người trong Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Miền Nam Việt nam của Lê Quốc Túy cuối năm 1984. Năm người bị kết án tử hình là Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân, Hồ Thái Bạch và Huỳnh Vĩnh Sanh. Dù chẳng có cảm tình gì với Mặt Trận này nhưng lúc đó tôi cũng tham gia tranh đấu để các bị cáo được xét xử một cách đứng đắn. Đó chỉ là một thái độ bảo vệ công lý, thái độ này cũng được kích thích bởi tình bạn với Trần Văn Bá mà tôi quen thân từ hồi còn hoạt động với nhau trong Tổng Hội Sinh Viên Việt nam tại Paris. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng tham gia đắc lực cuộc vận động này với chúng tôi.

Một sự kiện ngộ nghĩnh là một hôm tôi nhận dược một thư của Tòa Đại Sứ Hà Nội tại Paris. Thư gồm một phiếu gởi có en-tête và con dấu của tòa đại sứ, kèm với một cáo trạng đối với các can phạm. Theo cáo trạng này thì Mai Văn Hạnh là người chủ chốt nguy hiểm nhất, Trần Văn Bá là một người nông nổi nhiều anh hùng tính, Lê Quốc Quân là một người hoạt động đắc lực, hai người kia là tòng phạm.

Trong buổi họp tối hôm đó, tôi đưa văn thư này cho Nguyễn Ngọc Huy xem, Nguyễn Ngọc Huy nói: “Mai Văn Hạnh có thẻ thông hành Pháp, Huỳnh Vĩnh Sanh hồi trước đã có sắc lệnh nhập tịch Pháp dù không tới lấy thông hành, hai người này có thể thoát chết, nhưng ba người kia thì nguy”.

Quả đúng vậy. Mai Văn Hạnh, người được coi là chủ chốt nguy hiểm, và Huỳnh Vĩnh Sanh được ân xá, còn ba người kia – Bá, Quân và Bạch – bị đem xử bắn ngay một tuần sau đó. Hai năm sau, Mai Văn Hạnh được trả tự do cho đi Pháp. Tội nặng hơn nhưng nhờ có quốc tịch Pháp thì thoát, tội nhẹ hơn nhưng mang quốc tịch Việt nam thì bị bắn. Thực là một quan niệm kỳ cục về người Việt. Tự hào dân tộc ở đâu?

Lúc còn ở Sài Gòn, năm 1981, một hôm tôi gặp một anh chuyên gia Việt kiều mà tôi quen biết từ lâu. Anh ta du học tại Pháp, học rất kém, lận đận mãi rồi bỏ qua Canada. Tôi biết quá rõ anh ta để có thể bảo đảm là anh ta không có khả năng nào đáng kể. Nhưng anh ta có xe đưa đón trọng vọng và được rất nhiều quan chức cao cấp tham khảo. Trong khi đó những kỹ sư giỏi gấp nhiều lần anh ta, tốt nghiệp từ Mỹ, từ Pháp, từ úc, lừ Canada không thiếu gì, nhưng được xếp cho ngồi đánh cờ trong các cơ quan. Họ chỉ được tuyển dụng để nhà nước kiểm soát chứ không được sử dụng. Không ai cần biết ý kiến của họ. óc khinh thường người Việt nam mạnh đến nỗi ngay cả những người tốt nghiệp ở nước ngoài mà phần nào đã được Việt nam hóa cũng bị coi thường. Nếu nói là vì chúng tôi là “ngụy quân ngụy quyền cũ” nên không được trọng vọng như những “trí thức Việt kiều yêu nước”, thì cũng không đúng, bởi vì các kỹ sư có thẻ đảng hẳn hoi, tốt nghiệp từ Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan… cũng khá đông và nhiều người rất giỏi nhưng cũng chẳng được ưu đãi hơn chúng tôi bao nhiêu. Cũng có cả những chuyên viên tốt nghiệp từ Mỹ và Tây Âu tự nguyện về nước vì nhiệt tình với chế độ nhưng cũng không được trọng vọng như anh chuyên viên Việt kiều kia, bởi vì họ được coi là Việt nam.

Người cộng sản không có độc quyền về đặc tính thiếu tự hào dân tộc. Tôi đã ở trong lòng chế độ Việt nam Cộng Hòa để có thể xác nhận cái tính trọng ngoại khinh nội của chế độ. Tốt nghiệp ở nước ngoài là cái chìa khóa mở hầu hết các cửa, tốt nghiệp ở trong nước là cả một trở ngại lớn cho sự thăng tiến. Có phải là vì ở nước ngoài được huấn luyện kỹ hơn chăng? Lý cớ hơn là lý do. ở các Bộ Kinh Tế, Tài Chánh, sự nể vì người ngoại quốc nặng đến nỗi các tổng giám đốc các công ty nước ngoài không bao giờ thèm biết tên các giám đốc Việt nam, có chuyện gì họ gõ cửa thẳng các ông bộ trưởng và họ luôn luôn được tiếp đón niềm nở. Một tổng giám đốc công ty Pháp tại Sài Gòn cho tôi hay là ông ta bắt buộc phải tuyển dụng các cấp giám đốc, phó giám đốc người Pháp chính cống từ Pháp qua dù đắt gấp bốn năm lần một người Việt nam tài giỏi hơn bởi vì một người Pháp chính cống dễ nói chuyện với chính quyền Việt nam hơn là một người Việt nam. Ông ta nói với tôi như vậy giữa bữa ăn và tôi muốn độn thổ vì xấu hổ.

Sự khinh thường người Việt không phải chỉ có nơi những người cầm quyền mà còn có trong quần chúng Việt nam. Mới đây cháu tôi tốt nghiệp ở Hòa Lan xin đi làm cho một hãng Hòa Lan có chi nhánh ở Việt nam và bị từ chối. Ban giám đốc giải thích rằng họ không tuyền dụng cấp chỉ huy người Việt cho chi nhánh tại Việt nam vì lý do một người Hòa Lan da trắng mắt xanh dễ điều khiển người Việt hơn một người Hòa Lan gốc Việt. Người Hòa Lan học bài nhanh thật!

Tôi quen biết một nhà bình luận thời cuộc viết nhiều bài về Việt nam và khá nổi tiếng. Anh ta vẫn thường hỏi ý kiến tôi mỗi khi viết bài, và bù lại cũng giúp tôi một số việc. Bài của anh hay được các báo Việt nam đăng lại và được ca tụng như là rất đúng, rất thâm thúy, ngay cả bởi những tờ báo đả kích tôi một cách nặng nề, mặc dù những điều anh ta viết không khác gì những điều tôi viết vì một lý do giản dị: phần lớn những ý kiến của anh ta là ý kiến của tôi. Những người ca tụng anh ta và đả kích tôi không biết rằng chúng tôi quen nhau. Tôi cũng không dám nói cho anh ta biết là những người ấy chống tôi. Vì ngượng, vì tự hào dân tộc.

Xem lại phim thời sự trong những ngày cuối tháng 4-1975, có một cảnh làm tôi thực sự đau lòng. Một đại tá quân đội Việt nam Cộng Hòa đến phút chót vẫn còn hiên ngang trấn giữ cửa vào Sài Gòn. Tôi thán phục sự dũng cảm của ông, nhưng ông lại nói một cách hãnh diện trước ống kính của đài truyền hình Pháp: “Tôi không sợ bởi vì tôi đã từng là trung sĩ trong quân đội Pháp”. Làm đại tá quân đội Việt nam nhưng lại hãnh diện vì đã là trung sĩ quân đội Pháp!

Tôi còn có thể kể vô số những trường hợp khác mà tôi đã thấy và đã biết. Có phải vì chúng ta quá đinh ninh mình là một dân tộc bất khuất và giàu tự hào dân tộc rồi không thấy cần nuôi dưỡng tự hào dân tộc thực sự, hay vì trong thâm tâm mỗi người chúng ta không đánh giá cao chính mình, cho nên chúng ta coi thường những người giống mình?

Khi người ta có thể khinh bỉ, mạt sát và buộc tội một cách thậm tệ một người mà mình chỉ biết qua một số dư luận thôi thì phải chăng là người ta đang mạt sát chính mình? Điều người ta thực sự nói qua sự hung hăng vô căn cứ đó là: “Tao không cần biết mày là ai, đã thực sự nói và làm những gì, nhưng tao vẫn có thể mạt sát mày mà không sợ sai lầm, vì mày cũng là người Việt như tao, mà đã như tao thì mày chỉ có thể là lưu manh xằng bậy thôi”. Một người có niềm tự hào thực sự bao giờ cũng quí trọng những người giống mình.

Nhưng thực tế là chúng ta thiếu một cách tuyệt vọng tự hào dân tộc. Chúng ta cần khẳn cấp nghĩ lại mình. Một lòng tự hào dân tộc thực sự có thể thay đổi con người chúng ta và đất nước chúng ta. Chúng ta sẽ kính trọng lẫn nhau và ngồi lại với nhau để giải quyết những bất đồng thay vì khinh miệt lẫn nhau và chỉ tìm giải quyết với người ngoại quốc, hay cầu cạnh người ngoại quốc giải quyết giùm mình những vấn đề của mình.

Mà sự thực người Việt nam có thiếu anh tài đâu. Nguyễn Trãi đã từng viết: “Nước Việt Nam ta là một nước văn hiến… dù có lúc mạnh lúc yếu nhưng không thời nào thiếu hào kiệt”.