Những lập luận phản bác?

Các chế độ độc tài không phải chỉ đã viện dẫn những “thí dụ cụ thể” để lập luận rằng dân chủ không có lợi cho cố gắng phát triển. Họ cũng đã điều động những học giả, kể cả những học giả có tên tuổi, để xây dựng cả một học thuyết. Trong hầu hết mọi trường hợp uy tín của các học giả này chính là nhờ họ đã được các chế độ độc tài đề cao. Tuy vậy, cũng có những học giả vô tư, thực sự tin rằng dân chủ mâu thuẫn với phát triển. Trong một phần sau tôi sẽ trình bày lý do tại sao những người rất uyên thâm và xuất sắc cũng có thể sai lầm lớn trên những vấn đề thực ra khá giản dị.

Lý thuyết về mâu thuẫn giữa dân chủ và phát triển có lúc đã rất thời thượng, đến nỗi phần đông các học giả bênh vực dân chủ cũng chỉ dám biện hộ rằng dân chủ không có hại gì cho phát triển.

Tôi xin tóm tắt sau đây toàn bộ những lập luận của phe chủ trương dân chủ không có lợi cho phát triển. Công việc này đã làm mất khá nhiều thời giờ, nhưng đó là việc phải làm để giải quyết một lần cho tất cả những lấn cấn về quan hệ giữa dân chủ và phát triển.

Nói một cách tổng quát, phe phản bác dân chủ đưa ra ba lập luận cùng với những nghiên cứu thống kê về các nước đang phát triển.

Lập luận thứ nhất là các chính quyền dân chủ, vì lệ thuộc vào lá phiếu của cử tri, không dám thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để áp đặt tiết kiệm dùng cho đầu tư. Làm như thế họ sẽ bị cử tri trừng phạt trong lần bầu cử tới. Các chính quyền dân chủ vì vậy bắt buộc phải, một mặt, dành một phần lớn ngân sách cho các vấn đề xã hội thay vì tập trung tài nguyên cho phát triển và, mặt khác, nâng đỡ các kỹ nghệ tiêu dùng thay vì đặt ưu tiên vào những kỹ nghệ nền tảng cho phát triển (đây là một điệp khúc của lý thuyết những kỹ nghệ kỹ nghệ hóa).

Lập luận thứ hai là thế giới cạnh tranh gay gắt hiện nay (“hiện nay” ở đây có nghĩa là các thập niên 1960 và 1970 và những năm đầu của thập niên 1980) khác xa bối cảnh của các thế kỷ trước khi những quốc gia Tây Âu đầu tiên đã vươn lên. Phát triển ngày càng trở nên phức tạp. Nhà nước do đó sẽ phải can thiệp một cách thường xuyên và tích cực để chỉ huy cố gắng phát triển. Vì vậy nhà nước cần phải nắm thật nhiều quyền lực, nếu cần phải độc tài. Nhiều học giả còn bổ túc thêm bằng một lập luận khác: giai đoạn độc tài chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp có mục đích tạp trung mọi cố gắng xây dựng quốc gia và phát triển kinh tế, sau đó dân chủ sẽ đến một cách tự nhiên. Các vị này không nói rõ giai đoạn quá độ này có thể kéo dài bao lâu, cũng như hình thức dân chủ nào sẽ đến sau đó và đến như thế nào.

Lập luận thứ ba là một lập luận thuần túy chính trị. Nó có thể tóm lược như sau: các nước chưa mở mang cũng là những nước mà các định chế chính trị (luật pháp, chính phủ, quốc hội, các tòa án, v v.) còn mới và yếu; một chế độ dân chủ trong bối cảnh này sẽ đặt các định chế chính trị dưới áp lực quá mạnh của các đòi hỏi mâu thuẫn từ xã hội dân sự (tôn giáo, địa phương, nghiệp đoàn, hội đoàn) Do đó các nước chưa mở mang cần một chính quyền thật mạnh, nghĩa là độc tài, để bảo đảm sự ổn vững cần thiết cho phát triển.

Các tác phẩm và bài viết của trường phái chống dân chủ nhân danh phát triển rất dồi dào về số lượng trong suốt ba thập niên 1960, 1970 và 1980. Thuần túy lý thuyết cũng có, phối hợp lý luận với quan sát cụ thể cũng có. Khó có thể thống kê được số tấn giấy đã được dùng cho việc in ấn, nhưng tất cả đều chỉ xoay quanh ba lập luận trên đây.

Song song với cuộc tranh luận lý thuyết, nhiều học giả đã thực hiện những công trình khảo sát rất công phu trên nhiều quốc gia. Robert March công bố năm 1979 một thống kê về phát triển trên 98 nước trong thời gian 15 năm, từ 1955 đến 1970. Dirk Berg Schlosser công bố năm 1984 một công trình khảo cứu về các nước châu Phi; Dwight Kinh khảo sát sáu nước châu Á trong thập niên 1970; Yousseff Cohen khảo sát một số nước châu Mỹ La Tinh trong cùng thời kỳ; G. William Dick khảo sát các kết quả thống kê của 72 quốc gia trong thời gian từ 1959 đến 1968. Đó là chỉ kể một vài trong số rất nhiều công trình khảo sát qui mô. Các nghiên cứu về từng quốc gia một thì không thể đếm nổi bởi vì các chế độ độc tài tuy chủ trương “thắl lưng buộc bụng” đối với quần chúng dưới quyền cai trị của họ, nhưng lại rất rộng rãi đối với những công trình nghiên cứu có tác dụng đề cao họ. Bên cạnh những nghiên cứu theo đơn đặt hàng, hoặc theo mệnh lệnh, cũng có những nhà nghiên cứu đứng đắn thực sự muốn tìm ra trong kinh nghiệm cụ thể một liên hệ giữa dân chủ và phát triển.

Một trong những khảo sát cụ thể (case study) hay được viện dẫn nhất để chứng minh dân chủ không có lợi cho phát triển, hay nói một cách khác độc tài có lợi cho phát triển, là khảo sát so sánh giữa ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và đã chọn hai con đường khác hẳn nhau từ một nửa thế kỷ nay. Ấn Độ đa trở thành một nước dân chủ từ 1947 trong khi, ngược lại, Trung Quốc đã chọn chế độ cộng sản chuyên chính từ 1949. Theo mọi khảo sát nước Trung Hoa độc tài đã thắng nước Ấn Độ dân chủ trên tất cả mọi địa hạt kinh tế, dù là công nghiệp hay nông nghiệp, chứng minh một cách hùng hòn sự hơn hẳn về mặt kinh tế của một chế độ độc tài so với một chế độ dân chủ.

Tất cả những lý luận và khảo sát cụ thể đó đã cho phép một số người dõng dạc khẳng định: “dân chủ hay phát triển giữa hai cái đó phải chọn một”.

Tới đây, chúng ta có thể bắt đầu khảo sát các lý luận phản bác dân chủ. Trước hết là một vài nhận xét tổng quát:

– Các lập luận này đều dựa trên một định để được coi là một sự thực hiển nhiên không cần chứng minh là sự can thiệp mạnh của các chính quyền vào sinh hoạt kinh tế là một điều phải làm và nên làm. Sự “hiển nhiên” này hiện nay không còn “hiển nhiên” chút nào. Cùng lắm vai trò của nhà nước trong hoạt động kinh tế là một đề tài thảo luận; đối với đa số các nhà nghiên cứu nhà nước càng ít can thiệp càng hay.

– Các lập luận này nhìn phát triển kinh tế như một vấn đề thuần túy kỹ thuật, có thể giải quyết bằng những chương trình và kế hoạch. Các yếu tố tâm lý và văn hóa hoàn toàn vắng mặt. Tệ nạn tham nhũng cũng không được kể đến. Các học giả không coi tham nhũng là yếu tố quan trọng, hoặc coi nó là một tệ nạn nẩy nở và tác hại như nhau trong mọi chế độ chính trị. Ngày nay cách nhìn này đã bị bác bỏ. Kinh nghiệm đã đưa các nhà quan sát đến một đồng thuận: phát triển không phải là một vấn đề kỹ thuật mà chủ yếu là một vấn đề tâm lý và văn hóa. Mặt khác cũng không còn ai phủ nhận quan hệ giữa chế độ chính trị và mức độ tham nhũng.

– Các lập luận này đầu coi là phát triển đồng nghĩa với phát triển công nghiệp. Dịch vụ và thương mại hầu như không đóng vai trò nào hay chỉ có vai trò rất thứ yếu. Quan điểm này ngày nay đã trở thành hoàn toàn lạc hậu, sau khi đã bị thực tế phản bác một cách phũ phàng.

Chính vì dựa trên những tiền đề đã bị bác bỏ mà ngày nay các lập luận này không còn được nhắc tới nữa và các lý thuyết gia một thời vang bóng bênh vực chúng cũng đã chìm vào quên lãng. Tuy vậy một lần cho tất cả, chúng ta hãy phân tích những lý luận này, bởi vì điều đáng tiếc là trí thức Việt nam chúng ta đầu tư rất ít vào tư tưởng, do đó những điều có thể rất cũ vẫn còn là mới với nhiều người Việt, kể cả một số chuyên gia kinh tế.

Lập luận thứ nhất (các chính quyền dân chủ thường phải đặt quá nặng các vấn đề nhân sinh và hy sinh những đầu tư cơ bản có tác dụng đẩy mạnh phát triển) chắc chắn phải khiến độc giả có cảm giác ngờ ngợ như đã gặp ở đâu rồi. Quả đúng như vậy, đằng sau lập luận này là lý thuyết về “các kỹ nghệ kỹ nghệ hóa” đã làm phá sản nhiều quốc gia, thí dụ như Algeria. Trong một dịp trước chúng ta đã đề cập đến lý thuyết này. Nếu quả thực các chính quyền dân chủ đầu tư nhiều cho sức khỏe và giáo dục, chú trọng thỏa mãn những đòi hỏi cấp bách của dân chúng và đặt trọng tâm vào các kỹ nghệ tiêu dùng thì hay biết bao. Sau bao nhiêu năm bị lôi cuốn vào những lý luận cao siêu về phát triển, các quốc gia đã khám phá ra rằng đầu tư vào giáo dục và sức khỏe là đầu tư có hiệu năng kinh tế cao nhất. Tiêu thụ, và đặc biệt là tiêu thụ trong thị trường nội địa, cũng đã được nhìn nhận như yếu tố cốt lõi của hoạt động kinh tế. Đầu tư vào kỹ nghệ tiêu dùng, trước hết là những kỹ nghệ sản xuất nhu yếu phẩm, cũng là đầu tư có tác dụng kích thích kinh tế lớn nhất. Ngược lại, đầu tư vào những kỹ nghệ nặng sản xuất hàng trăm ngàn tấn thép mà các kỹ nghệ tiêu dùng chưa đòi hỏi chỉ là phí phạm. Cũng thế, xây dựng những hạ tầng cơ sở chưa thực sự cần thiết cũng là một phí phạm khác, phí phạm trong phí tổn xây dựng, phí phạm liên tục trong phí tổn bảo trì, rồi cuối cùng cũng vẫn hư hỏng vì không được sư dụng. Nền tảng của kinh tế thị trường mà ngày nay không còn nước nào chối cãi vẫn là… thị trường. Phải sản xuất những gì thị trường chờ đợi. Có thể tiên liệu những nhu cầu của thị trường cho năm năm hay mười năm sáp tới, hay xa hơn nữa nếu có thể, nhưng không thể bắt thị trường phải tiêu thụ nhưng sản phẩm mà nó không cần, nếu không muốn bị đánh thức khỏi giấc mơ duy ý chí một cách tàn nhẫn.

Trên thực tế, điều đáng tiếc là các chế độ dân chủ đã không hành động như các lý thuyết gia phê phán. Trong phần lớn các nước dân chủ, giới chủ nhân thường hay dựa vào nhưng kẽ hở của luật pháp và thể yếu của giới công nhân, nhất là tại những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao, để giữ lương bổng ở mức độ thấp. Họ chèn ép công nhân trong mục đích đạt tới tỷ lệ lợi nhuận cao nhất với hy vọng tái đầu tư vào việc bành trướng xí nghiệp mà không ý thức được sự cần thiết phải gia tăng sức mua của quần chúng. Đây là một cái nhìn thiển cận mà nhà nước cần điều chỉnh vì lợi ích của giai cấp công nhân và vì chính lợi ích của giai cấp chủ nhân. Trong nhiều trường hợp, như tại ấn Độ, lớp người giàu có còn sử dụng tài sản tích lũy được cho những xa hoa phi sản xuất.

Tóm lại đầu tư vào y tế, giáo dục và nâng cao mức tiêu thụ của quần chúng không những không tai hại mà còn là điều nên làm và phải làm. Một trong những khám phá quan trọng nhất của hai thập niên cuối của thế kỷ 20 là không những phát triển có thể mà hơn thế nữa còn phải đi song song với cải thiện dân sinh.

Lập luận thứ hai (về sự cần thiết phải gia tăng mức độ can thiệp của nhà nước vì bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh và hoạt động kinh tế ngày càng phức tạp, và do đó cần một nhà nước mạnh, nghĩa là một nhà nước độc tài) chưa bao giờ là một lập luận nghiêm chỉnh. Nó luôn luôn chỉ là một xác quyết suông dựa trên “dẫn chứng” là sự thành công của các nước cộng sản. Từ khi các chế độ cộng sản sụp đổ, và thế giới nhìn rõ những “thành tựu to lớn” của các chế đô cộng sản đều chỉ là bịp bợm, lập luận này đã mất hết nội dung.

Dĩ nhiên trong một nước chưa phát triển nhà nước bắt buộc phải trọng tài một cách khó khăn giữa những đòi hỏi mâu thuẫn, và chính đáng như nhau, với một ngân sách hạn hẹp, đặc biệt là trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, hải cảng, phi trường, hệ thống viễn thông, v.v…) và như thế cần phải mạnh. Nhưng thế nào là một nhà nước mạnh? Nhà nước mạnh không có nghĩa là nhà nước độc tài, có nhiều công an và nhà tù. Ngược lại. Sức mạnh của nhà nước, hiểu theo nghĩa sức mạnh để phát triển đất nước, chủ yếu dựa trên hậu thuẫn của dân chúng. Sức mạnh này các nhà nước độc tài không có, chúng dùng bạo lực để thống trị dân chúng và gặp sự chống đối của dân chúng. Sự chống đối có thể thụ động, không có tổ chức nhưng tổng kết lại cũng vẫn đủ sức để làm hỏng mọi kế hoạch của nhà nước. Trong thực tế, trong những quốc gia có tầm vóc lớn, các kế hoạch của những tập đoàn thống trị mù quáng tự coi mình đủ thông minh để suy nghĩ thay cho hàng chục triệu người, và xấc xược áp đặt sự suy nghĩ đó lên mọi người, chỉ có thể là ngớ ngẩn. Các chính quyền độc tài có thể thừa sức để bỏ tù những người đòi dân chủ, họ cũng có thể thừa sức để ngăn chặn sự hình thành của những tổ chức đối lập, nhưng không bao giờ đủ phương tiện để kiểm soát mọi hành động của mọi người và cuối cùng không bao giờ quản trị được xã hội một cách đúng nghĩa, ngay cả về trật tự an ninh.

(Tới đây tôi xin phép độc giả mở một ngoặc đơn về sự chống đối thụ động của dân chúng. Vợ tôi làm việc cho một hội từ thiện, hội Măng Non. Hội này mở những lớp dạy tiếng Việt tại Paris và dùng học phí thu được, cùng với sự đóng góp của các hội viên, để xây trường học tại những vùng nghèo khổ ở Việt nam. Hội cũng cấp nhiều học bổng mỗi năm và khuyến khích thân hữu nhận làm con nuôi một số học sinh mồ côi. Trong các hồ sơ xin học bỗng hay xin được nhận làm con nuôi, có rất nhiều học sinh có cha mẹ bị điện giật chết. Tôi tìm hiểu và được biết nguyên nhân: đó là công trình đường dẫn điện cao thế 500 KVA Bắc-Nam mà ông thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trương và đôn đốc. Công trình này là một trong những kế hoạch lớn nhất của nhà nước Việt nam trong thập niên 1990 và là cả một kỳ quan của sự ngu dốt mà chỉ có một chế độ rất độc đoán mới áp đặt được. Tại sao lại dẫn điện từ Bắc vào Nam? Miền Bắc không thực sự thừa điện mà chỉ tạm thời thừa điện vì chưa phát triển. Tải điện đi cả ngàn cây số cũng phải chịu những mất mát to lớn trên đường dẫn. Đây là một kế hoạch duy ý chí nhằm đặt miền Nam trong thế lệ thuộc miền Bắc về năng lượng để dễ kiểm soát. Công trình này mới đầu dự trù tốn kém 500 triệu đô la, sau điều chỉnh lại ở mức độ 800 triệu đô la, nhưng vẫn không đủ. Sau không điều chỉnh nữa mà cứ làm tới, theo tâm lý lỡ phóng lao thì phải theo lao. Nó đã là một phí phạm lớn nhưng nó còn tạo ra vô số thảm kịch về nhân mạng. Dân chúng ùa nhau cắt dây điện để bán làm đồng vụn. Tôi đọc trên báo trong nước có lần trong vòng một tuần lễ đường dây bị cắt trên hai ngàn đoạn. Số người đi cắt dây bị điện giật chết không biết bao nhiêu mà kể. Một số khác, có lẽ cũng đông đảo không kém, bị điện giật chết vì đụng phải dây điện rớt xuống đường).

Về lập luận thứ hai này cũng nên lưu ý một lý do mà các lý thuyết gia bênh vực nó đưa ra: cần một nhà nước độc tài bởi vì tình thế mới đòi hỏi như thế, bối cảnh thế giới hiện nay khác với bối cảnh thế giới trong các thế kỷ 17, 18 và 19 khi các quốc gia phát triển đầu tiên xuất hiện. Một cách gián tiếp họ nhìn nhận Hoa Kỳ và các nước Tây Âu đã phát triển nhờ có tự do và dân chủ, một điều mà họ không nhìn nhận khi tranh cãi về chính các nước này. Rõ ràng là một cách tranh cãi không lương thiện.

Lập luận thứ ba (về nhu cầu cằn có ổn định xã hội để phát triển và do đó cần một chế độ độc tài) thì đúng là ăn ngang nói ngược, đổi trắng thay đen. Đồng ý, và đồng ý một trăm phần trăm, là phải có ổn định xã hội để phát triển, nhưng các chế độ độc tài có đảm bảo ổn định xã hội không? Hoàn toàn không? Chế độ độc tài cho phép người cầm quyền thay đổi luật pháp và lấy các quyết định một cách rất tùy tiện. Nay cho phép, mai cấm đoán. Đó là chưa kể người cầm quyền không cần tôn trọng những luật pháp mà mình ban hành, khi không giải thích chúng một cách tùy tiện. Trong một bối cảnh bấp bênh không tiên liệu được như vậy, ai có thể yên trí để làm những dự án đầu tư? (Phương châm của người kinh doanh tại Việt nam hiện nay là ba không: không làm lớn, không làm lộ và không làm lâu) Ngược lại, trong một nước dân chủ, hiến pháp và luật pháp là kết quả của những tranh cãi sâu rộng trong đó mọi ý kiến đầu được trình bày trước khi được biểu quyết một cách lương thiện cho nên phản ánh mọi nguyện vọng và do đó khó thay đổi. Luật chơi vì vậy rõ ràng và mọi người có thể tiên liệu được tương lai.

Sự gian trá của lập luận này là đồng hóa ổn định xã hội với sự kéo dài của các chính quyền, hai điều không những khác nhau mà còn mâu thuẫn với nhau. ổn định thực sự là luật pháp được tôn trọng và không thay đổi một cách bất ngờ, điều mà chỉ có những chế độ dân chủ pháp trị mới bảo đảm được.

Một điều rất cũ, quá cũ, nhưng cũng cần được nhắc lại vì quá quan trọng: các chế độ độc tài để ra tham nhũng. Độc quyền đưa đến lạm quyền và lạm quyền đưa đến tham nhũng, đó là một qui luật bắt buộc. Tham nhũng là gì nếu không phải là lợi dụng công quyền cho lợi ích cá nhân? Càng nhiều quyền thì càng dễ tham nhũng. Cho nên các chế độ độc tài dù quyết tâm chống tham nhũng đến đâu đi nữa cũng bất lực, tham nhũng chỉ tăng lên chứ không giảm đi như ta đã thấy trong trường hợp Việt nam. Muốn giảm tham nhũng thì trước hết phải giảm quyền lực nhà nước, muốn chống tham nhũng thì trước hết phải tôn trọng quyền tự do tố giác và phải tách bộ máy tư pháp khỏi sự kiểm soát của chính quyền, tóm lại phải có dân chủ. Có thể nói tham nhũng là 90% trở ngại của phát triển. Bất cứ một lý thuyết phát triển nào không kể đến sự tác hại của tham nhũng đều chỉ là lý thuyết suông.

Còn những khảo sát cụ thể?

Một cách vắn tắt, chúng đều vô giá trị.

Nguyên nhân đầu tiên là chính sự mơ hồ của việc phân loại các nước dân chủ và độc tài. Phần lớn các khảo sát này đầu được thực hiện trước thập niên 1980. Cho tới thập niên 1980, các nước kém mở mang thay đổi chế độ thường xuyên, một chế độ quân phiệt bế tắc phải nhường chỗ cho một chế độ dân cử, rồi sau đó một đại tá lại đảo chính tái lập chế độ độc tài. Có thể thành tích của một nước được coi là dân chủ thực ra chỉ là di sản của một chế độ độc tài, và ngược lại.

Sau đó là sự ngắn ngủi của thời gian khảo sát. Thời gian này thường chỉ là năm hay mười năm, trong khi mức dộ phát triển là thành quả của cả một quá trình dài.

Cuối cùng là sự thiếu chính xác của chính nhưng số liệu. Nếu các chế độ dân chủ thường khá lương thiện trong những số liệu thì ngược lại trong các chế độ độc tài các số liệu rất đáng ngờ vực. Độc giả muốn ý thức được điều này hãy thử tìm đọc các tài liệu của Bắc Triều Tiên, của Việt nam, hay các chế độ độc tài châu Phi để có một khái niệm. Cái gì cũng đẹp, cũng tốt, cũng vượt chỉ tiêu. Khổ một nỗi là các nhà nghiên cứu, ngay cả các chuyên viên của những định chế rất nghiêm chỉnh như Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, cũng bắt buộc phải sử dụng những thống kê chính thức vì không có dữ kiện nào khác.

Nhưng điều lý thú nhất là nếu những “khảo sát” đầu tiên đưa tới những kết luận có lợi cho các chế độ độc tài thì càng về sau các nhà nghiên cứu, sau khi đã vật lộn với những số liệu mà chính họ cũng phải nhìn nhận là không chính xác, càng kết luận là dân chủ không có hại gì cho phát triển, trong nhiều trường hợp họ còn thấy dân chủ có tác dụng tốt cho phát triển. Chấm, và chấm hết.

Sau cùng, nên nghĩ thế nào về sự so sánh giữa Trung Quốc và Ấn Độ?

Mới thoạt nhìn sự so sánh này có giá trị: cả hai nước đều là những quốc gia lớn, tầm vóc của chúng cho phép đại cương hóa các quan sát; hai quốc gia đã chọn lựa một cách quả quyết hai hướng đi khác nhau, Ấn Độ chọn dân chủ trong khi Trung Quốc đi theo chế độ độc tài cộng sản; thời gian quan sát cũng khá dài, gần một nửa thế kỷ. Tuy nhiên giá trị của sự so sánh chỉ dừng lại ở đó. Chúng ta cũng gặp phải sự sai lệch của những dữ kiện. Nếu các số liệu của Ấn Độ có thể coi là tương đối khả tín thì ngược lại những số liệu của Trung Quốc rất khó tin. Chẳng hạn như nông nghiệp của Trung Quốc được ghi nhận là đã tăng trưởng trung bình 3, 1% môi năm từ 1950 đến 1980 trong khi nông nghiệp của Ấn Độ chỉ tăng trưởng 2,3% mỗi năm. Sự thực mà mọi người đấu nhìn nhận là trong thời gian này, qua các giai đoạn “bước nhảy vọt” rồi “cách mạng văn hóa”, nông nghiệp của Trung Quốc suy sụp hoàn toàn, làm gần 50 triệu người chết đói. Cung trong thời gian đó không ai phủ nhận rằng Ấn Độ đã tiến từ địa vị một nước thiếu đói quanh năm tới tình trạng tự túc về lương thực và thực phầm. Những số liệu như vậy khiến sự so sánh không đứng đắn chút nào. Nhưng đó không phải là lý do chính khiến ta phản bác sự so sánh. Lý do chính là một người quan sát đứng đắn không thể nghĩ đến việc so sánh Ấn Độ và Trung Quốc. Lịch sử và văn hóa của hai nước quá khác nhau. Nếu căn cứ vào việc Trung Quốc theo chế độ độc tài đã phát triển nhanh hơn ấn Độ theo chế độ dân chủ để rồi kết luận dân chủ không có lợi cho phát triển bằng độc tài thì cũng ngây ngô như thấy con bò lớn hơn con chó rồi kết luận là những con vật có sừng lớn hơn những con vật không có sừng. Ấn Độ cho tới khi người phương Tây đến không phải là một quốc gia mà là cả một thế giới hỗn tạp với những tập quán và triết lý hủ lậu; xã hội phân hóa thành vô số đẳng cấp kỳ thị lẫn nhau; các triết lý không tìm cách cải thiện cuộc sống mà coi cuộc đời như một bể khổ vô phương cứu chữa; con người tìm hạnh phúc trong những suy tư siêu hình, tìm khoái lạc trong việc nằm trên bàn đinh nhọn hoặc thổi sáo cho rắn hổ múa. Trái lại Trung Quốc là một xã hội thực tiễn, đề cao cố gắng để giải quyết những nhu cầu vật chất. Trước đây không ai nghĩ tới việc so sánh Ấn Độ với Trung Quốc, nếu ngày nay người ta so sánh hai nước thì cũng vì Ấn Độ đã tiến lên, và tiến lên nhờ dân chủ.

Tôi không phản bác những khảo cứu so sánh, với điều kiện là phải so sánh những cái có thể so sánh. Muốn so sánh hiệu năng kinh tế của dân chủ và độc tài thì phải so sánh tình trạng của cùng một nước trước và sau khi thay đổi từ một chế độc độc tài sang một chế độ dân chủ, hay sang một chế độ tuy chưa phải là dân chủ nhưng với một mức độ tự do lớn hơn. Hoặc ngược lại từ một chế độ dân chủ, hay tương đối cởi mở, sang một chế độ độc tài. Như thế phải so sánh Đại Hàn Dân Quốc trước và sau Lý Thừa Vãn, Phi-líp-pin trước và sau khi chế độ Marcos bị lật đổ, Thái Lan trước và sau năm 1992, từng nước châu Mỹ La Tinh hay từng nước Đông Âu trước và sau cuộc chuyển hóa về dân chủ. Hoặc cũng có thể so sánh các chế độ khác nhau của cùng một dân tộc như hai miền Nam và Bắc Việt nam trước năm 1975, Nam và Bắc Cao Ly, Đài Loan và Hoa Lục. Nhưng so sánh này không cho phép bất cứ ngờ vực nào: dân chủ hơn hẳn độc tài về mặt kinh tế.

Nhưng cuộc thảo luận này có thể khiến cây che khuất rừng. Kinh tế không phải là tất cả. Hạnh phúc của một dân tộc không phải chỉ là lợi tức trung bình trên mỗi đầu người, càng không phải là tỷ lệ tăng trưởng 5 hay 10% mỗi năm. Còn nhưng điều cao hơn, và cao hơn nhiều. Đó là phẩm giá, là quyền được nói và làm điều minh muốn, là quyền được sống mà không sợ bị bắt giam vô cớ, được phát triển khả năng của mình mà không cần đút lót, và được tham dự vào những quyết định quan trọng cho cộng đồng. Những điều này chỉ có một chế độ dân chủ có thể đem lại. Các tập đoàn độc tài viện lý cớ phát triển kinh tế để hy sinh tự do. Lập trường này tự nó đã khó chấp nhận, điều còn khó chấp nhận hơn là vì chà đạp tự do và làm thui chột óc sáng tạo họ cũng ngăn chặn luôn cả phát triển kinh tế. Ho biện luận là cần hy sinh hôm nay cho ngày mai nhưng thực ra họ hy sinh hôm nay chỉ để hủy hoại ngày mai.