Một dân tộc sáng dạ?

Người Việt nam ta không những chỉ ham học mà còn học giỏi. Những trường hợp tôi đã kể cũng đã một phần nào chứng minh điều đó. Nhưng chưa đủ. Ngoài những nhân vật nổi tiếng như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, ta còn vô số những trường hợp thành công rực rỡ khác.

Nước Pháp mới đặt nền đô hộ trên nước ta từ 1883, thì chỉ cần tới năm 1900 đã có những người Việt tốt nghiệp các trường lớn nhất tại Pháp. Sang tới thập niên 1920, 1930 thì đếm không xuể những người tốt nghiệp các bằng cấp lớn. Tôi cũng có thể nhìn thấy sự thông minh của người Việt ngay chung quanh tôi.

Tôi đi du học năm 1961, đó là đợt du học sang Pháp thứ hai sau mấy năm gián đoạn. Sau vụ xung đột giữa Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Hinh, rồi vụ Bình Xuyên, liên hệ giữa Việt nam Cộng Hòa và Pháp trở nên căng thẳng và Việt nam không còn gởi du học sinh sang Pháp nữa cho tới năm 1960. Lúc đầu chỉ những sinh viên thật xuất sắc mỗi năm vài chục. Cho tới năm 1964 mới có phong trào ồ ạt gởi sinh viên qua Pháp, để du học cũng có mà để khỏi phải đi quân dịch cũng có, và trình độ mới sút giảm. Nhưng số sinh viên Việt nam vẫn còn rất ít so với các nước thuộc Pháp cũ. Tổng cộng chỉ vài ngàn. Vậy mà chúng tôi áp đảo hẳn các sinh viên ngoại quốc khác Trường khó đến đâu người Việt nam cũng vào lọt, bằng cấp nào sinh viên Việt nam cũng đậu, và thường đậu một cách vẻ vang.

Đi du học cùng năm với tôi có khoảng 50 người, trong đó một nửa là đi học bổng, một nửa đi tự túc. Nhóm học bỏng dĩ nhiên trội hơn, nhưng tất cả đều thành công vẻ vang và mau chóng. Ngay cả những người đi sau 1964 không được gạn lọc cũng đậu thành công trong việc học và sau này trong sinh hoạt nghề nghiệp.

Người Việt nam không những chỉ sáng dạ trong trường học mà còn có khả năng hấp thụ mau chóng các kiến thức trong cuộc sống. Không phải chỉ có những sinh viên mà ngay cả những người bình dân cũng chứng tỏ một khả năng học hỏi và suy nghĩ rất lớn. Trong trại cải tạo, chúng tôi thường đánh cờ giết thì giờ, và nhiều người chẳng có trình độ học vấn nào đáng kể mà đánh cờ cao một cách lạ lùng. Có một anh trưởng ấp chỉ học hết tiễu học mà hạ tôi dài dài, làm tôi có lúc lồng lộn lên vì đánh cờ vốn là một môn khá của tôi. Trong cả năm trời đụng độ với anh ta, mặc dầu suy nghĩ đủ mọi chiêu pháp, tôi không sao dứt điểm nỗi anh ta, cùng lắm là có qua có lại. Có một anh trung úy thuộc lòng tất cả mọi bộ kiếm hiệp của Kim Dung, một anh cán bộ xây dựng nông thôn chỉ nghe kể chuyện mà dần dần nhớ hết mọi chi tiết của truyện Tam Quốc. Tôi chỉ kể vài thí dụ, nhưng những thành tích tương tự như vậy có vô số trong đám hơn một ngàn tù binh trong trại. Những năm đi cải tạo cũng là những năm khiến tôi khám phá ra trí thông minh xuất chúng của người Việt.

Năm 1980, lúc đang loay hoay tìm cách vượt biên, tôi gặp Sáu Thinh. Năm 1954 anh ta đã ngoài hai mươi tuổi và đã bỏ học đi theo Việt Minh vài năm trước đó. Anh ta ra Bắc tập kết, vào đảng cộng sản đậu kỹ sư và làm trung tá tại bộ tổng tham mưu quân đội nhân dân tại Hà Nội, anh ta được ông Giáp quí mến. Vào năm 1975, anh ta mất niềm tin ở chủ nghĩa cộng sản, bắt đầu đề cao dân chủ trong các sinh hoạt đảng, rồi bị hạ tầng công tác dần dần. Sáu Thinh giúp tôi nhiều công việc chuẩn bị. Tôi rất phục Sáu Thinh về sự thông minh của anh ta, nhưng chính anh ta lại kể cho tôi nghe một giai thoại ngộ nghĩnh.

Sau ngày chiến thắng, Sáu Thinh cùng người em, là tiễu đoàn trưởng đặc công và được nhiều huân chương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vinh quang về quê cũ thăm bà mẹ già ở Rạch Giá. Bà mẹ đã ngoài bảy mươi lấy ghe máy chở hai con trai anh hùng dân tộc đi thăm bà con với tất cả hãnh diện. Nửa đường bất thình lình mấy hư. Hai vị anh hùng ngơ ngẩn không biết phải làm gì, bà cụ loay hoay mở bu-gi ra chùi vào quần rồi lắp lại. Máy nổ trở lại và ba mẹ con đi tiếp. Sáu Thinh nói với tôi: “Mình vừa phục vừa ngượng, không biết bà cụ học nghề máy lúc nào, ngày mình đi bà chỉ biết làm ruộng.”

Trong mấy năm qua lại miền Tây Nam Phần, tôi đã nhiều lần ngạc nhiên về sự khéo léo và nhanh trí của nông dân tại đây. Họ tự sửa chữa lấy máy bơm, máy cày, máy phát điện một cách thật tài tình, có khi còn đổi cả chi tiết máy để tăng hiệu lực. Vào những năm 1979- 1981, các bộ phận rời rất hiếm, hỏng bộ phận nào nông dân chỉ cần ra khu chợ sẽ có thể tiện làm cho ngay.

Do hay mua máy tàu đễ vượt biên, có khi cho chính mình, có khi cho bè bạn, tôi làm quen được với một tổ thợ máy gần Ngã Ba ông Tạ. Tổ hợp này gồm toàn bộ đội miền Bắc xuất ngũ ở lại miền Nam làm ăn, có người đào ngũ. Trước 1975, họ chỉ là những người lính xuất thân từ miền quê Bắc Việt và hoàn toàn không biết gì về máy móc. Họ đến với nghề máy chỉ vì có tư thế bộ đội, đảng viên nên không bị làm phiền phức và có thể di chuyển, chuyên chở dễ dàng những phụ tùng máy dầu lúc đó gần như là đồ quốc cấm. Mới đầu làm chung với những thợ máy miền Nam, về sau, khi những thợ máy miền Nam đã vượt biên hết, họ tự lập. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi họ trở thành những người thợ máy rất lành nghề, nhìn thoáng qua một bộ phận họ biết ngay là thuộc máy nào, mua được không, nếu không thì chế tạo như thế nào.

Một trong những vấn đề nan giải cho máy dầu dùng để vượt biên lúc đó là thiếu những bộ bạc sếch-măng, những vòng thép tròn nằm giữa pít-tông và xy-lanh. Bạc phải làm bằng thứ thép thật cứng mà Việt nam không có. Lúc đó bạc nhập cảng đã cạn rồi, mua rất đắt tiền mà cũng may lắm mới có. Dùng bạc nội địa thì rất nguy hiểm vì thép không đủ cứng để có thể chịu đựng được sự ma-sát liên tục của pít-tông xấp xỉ một ngàn chuyển động trong một phút. Một tỷ lệ khá lớn các tàu vượt biên bị hư máy giữa đường với những hậu quả bị thảm là do bạc bị gẫy. Tôi thường khuyên các bạn tôi là bằng bất cứ giá nào phải kiếm cho bằng được bộ bạc tốt. Vấn đề sau đó được giải quyết một cách ổn thỏa. Một tổ hợp cơ khí, cũng của các bộ đội gốc miền Bắc, lấy nòng súng đại bác cưa ra và tiện thành bạc. Không có thép nào cứng bằng thép của nòng súng đại bác. Việc họ tìm đâu ra nòng súng lại cả là một bí mật, họ nói đó là những khẩu pháo phế thải, nhưng tôi thấy có những nòng còn mới lắm. Đám anh em này làm tôi cảm phục vô cùng khả năng học hỏi và thích nghi mau chóng của người Việt, mặc dầu không thể tán thành việc họ lấy trộm nòng đại bác ở kho quân đội ra để tiện làm bạc sếch-măng.

Hơn tất cả mọi tài liệu, sách báo, chính những tiếp xúc với thực tế với những con người đã cho tôi nhìn thấy rõ sự sáng dạ và khả năng thích nghi nhanh chóng của người Việt. Chính vì thế mà mặc dầu những khó khăn và suy thoái trầm trọng về nhiều mặt ngày hôm nay tôi vẫn giữ được niềm tin vào tương lai đất nước.

Chúng ta có những con người rất hay.