Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau

Tấm áo nâu,
Dắt dìu nhau vào chốn rừng sâu,
Dắt dìu nhau vào tới Cà Mau.
(Phạm Duy, Tình Ca)

Đại đa số người Việt nam nhìn nhận ông cha mình đã tiêu diệt Chiêm Thành và lấn chiếm Cam-bốt. Sự nhìn nhận này đi đôi với một mặc cảm phạm tội. Tôi đã nghe nhiều người than “Ông cha mình kể ra cũng ác thực!”. Tội ác của Việt nam đối với Chiêm Thành được coi là ghê gớm gấp nhiều lần đối với Cam-bốt vì Cam- bốt chỉ bị mất đất đai trong khi Chiêm Thành bị tuyệt diệt. Tháng 4 năm 1975 một đồng nghiệp, bàn về cuộc thảm bại của Việt nam Cộng Hòa và cuộc tháo chạy đẫm máu của dân và quân miền Nam trên quốc lộ 7B tại miền Trung, nói với tôi: “Đó là vua Chàm báo thù người Việt!”. Vua Chàm theo ngôn ngữ của anh là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, bởi vì ông Thiệu người Phan Rang, trung tâm chính trị của nước Chiêm Thành trước đây, nơi mà hiện nay vẫn còn Tháp Chàm, một công trình lớn của người Chiêm Thành.

Năm 1989, tôi có được mời tham dự một cuộc hội thảo quốc tế tại Paris về vấn đề Cam-bốt. Theo chương trình nghị sự thì mục đích của cuộc hội thảo là vấn đề Việt nam chiếm đóng Cam-bốt và những giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Tuy vậy cuộc hội thảo đã mau chóng biến thành một diễn đàn chống Việt nam, chống nước Việt nam và người Việt nam, chứ không phải chỉ chống chính quyền cộng sản Việt nam. Việt nam được mô tả như một dân tộc hiếu chiến và bành trướng, đã tàn sát dân tộc Chiêm Thành, chiếm đất đai của Cam-bốt và hiện đang âm mưu tiêu diệt Cam-bốt và Lào. Hiện diện trong hội nghị có đại diện các tổ chức đối lập Cam-bốt và nhiều chuyên gia Pháp về Đông Dương. Lúc đó cuộc chiếm đóng Cam-bốt của quân Việt nam đã kéo dài hơn mười năm. Các tổ chức đối lập Cam-bốt dĩ nhiên giành nhau chức vô địch chống Việt nam, nhưng các chuyên gia Pháp về Đông Dương cũng không nói gì khác, họ đều cảnh tỉnh người Cam-bốt hãy đoàn kết chống lại nguy cơ thôn tính của Việt nam mà họ coi là thường trực. Mặc dầu ngày hôm đó tôi được mời thuyết trình với tư cách một chuyên viên kinh tế và đề tài của tôi là nhận định về những khả năng phát triển của Cam-bốt, tôi đã cảm thấy phải lên tiếng bác bỏ những ngộ nhận quá lớn về lịch sử cuộc nam tiến của người Việt. Tôi đưa ra một số sự kiện và yêu cầu các chuyên gia về Đông Dương có mặt trong phòng hội đóng góp. Dĩ nhiên buổi hội thảo đã trở nên rất gay go, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là các chuyên gia khẳng định bản tính xâm lược của người Việt đã chỉ có một hiểu biết rất sơ sài về cuộc nam tiến của dân tộc ta. Bản tính xâm lược hiếu chiến của người Việt chỉ là một thành kiến chứ không phải một nhận định nghiêm chỉnh dựa trên tư liệu. Điều đáng nói là thành kiến này đa số người Việt nam cũng chia sẻ, vì chúng ta đã chịu quá nhiều ảnh hường của những luận điệu được lập lại nhiều lần trong suốt thời Pháp thuộc.

Chúng ta cần nhận thức rõ cuộc nam tiến của dân tộc ta vì hai lý do: một là vì đó là sự kiện rất vĩ đại đối với chúng ta, hơn một nửa lãnh thổ của ta đã có được nhờ cuộc nam tiến đó; hai là vì chúng ta cần chấm dứt một mặc cảm tội lôi không đúng.

Trước hết hãy nhìn lại trường hợp của nước Chiêm Thành.

Sự đụng độ giữa nước Việt nam cổ xưa (với các quốc hiệu Văn Lang, Giao Châu, rồi Đại Việt) với Chiêm Thành đã diễn ra ngay từ lúc Việt nam chưa thực sự thành một quốc gia độc lập. Đó là sự đụng độ giữa hai nền văn minh. Một bên là văn minh Nho Giáo và nông nghiệp dưới ảnh hưởng Trung Hoa, một bên là văn minh ấn Độ dựa trên hai giai cấp tăng sĩ và chiến binh. Trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, hình như lúc nào cũng có chiến tranh giữa quận Giao Chỉ thuộc Trung Quốc và nước Chiêm Thành. Từ khi Việt nam được độc lập, trong các triều đại kế tiếp nhau, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn, chiến tranh Việt-Chiêm là một hằng số. Lịch sử các triều đại Việt nam thường chỉ ghi vắn tắt kiểu “Năm…, quân Chiêm Thành sang quấy phá, vua sai… Đi tiễu trừ, quân ta chiếm được….” Cũng có đôi khi sử ta ghi lý do là vì Chiêm Thành bỏ lệ triều cống.

Nguyên nhân của những cuộc chiến liên tiếp gần hai ngàn năm này do đâu? Nếu dựa vào lịch sử Việt nam thì thường thường là do Chiêm Thành gây hấn trước. Mặc dầu vào các thời đại đó đánh Chiêm Thành là một lẽ thường không cần gì phải biện bạch, và do đó các sử gia không có lý do gì để xuyên tạc nguyên do, nhưng không thể lấy sử Việt nam làm sự thực tuyệt đối. Nền văn minh ấn Độ hồi đó lấy thần linh và chiến tranh làm nền tảng, nước Chiêm Thành coi chiến tranh là lý tưởng nên có thể họ gây chiến thường hơn, nhưng đó chỉ là suy luận. Xung đột Đại Việt – Chiêm Thành ngày nay đã thuộc hẳn vào quá khứ, cả Đại Việt lẫn Chiêm Thành đều đã là những nhân tố lịch sử cấu tạo ra nước Việt Nam ngày nay. Người Việt nam ngày nay không có lý đo gì để bênh bên này hay bên kia cả. Tất cả đều đã thuộc vào gia phả của chúng ta. Nhận định chỉ có mục đích để hiểu.

Vấn đề là qua cả ngàn năm đụng độ, Chiêm Thành và Đại Việt đã trở thành hai quốc gia không thể sống chung, chỉ một quốc gia có thể tồn tại và nước nào yếu sẽ bị tiêu diệt. Đó đã có thể là số phận của Đại Việt, nhưng đó đã là số phận của Chiêm Thành.

Cái lý “một mất một còn” có lẽ mọi người đều hiểu. Nhưng điều nghiêm trọng là nhiều người, kể cả người Việt nam, cho rằng người Việt có tội đã tàn sát và diệt chủng người Chiêm Thành. Điều này trước hết rất vô lý. Giả thử Đại Việt có tiêu diệt Chiêm Thành thực đi nữa thì một người Việt nam hôm nay làm sao biết mình có bao nhiêu phần trăm gốc Việt, bao nhiêu phần trăm gốc Chàm, hay bao nhiêu phần trăm gốc Hoa, gốc Miên, v.v… Để biết mình là tội phạm hay là nạn nhân. Điều này cũng hoàn toàn không được lịch sử chứng minh. Lịch sử ta có ghi lại nhiều cuộc tàn sát đã man trong nhiều lần chinh chiến qua nhiều thời đại vào lúc nước Chiêm Thành hãy còn nhưng không hề ghi chép một cuộc tàn sát sau cùng nào đưa đến sự diệt chủng của người Chiêm Thành. Vả lại trong thế kỷ chót của nước Chiêm Thành, thế kỷ 17, đã có rất nhiều thương nhân và giáo sĩ nước ngoài có mặt tại Đàng Trong nhưng không ai ghi lại một cuộc tàn sát nào cả.

Theo lý luận thì cũng không thể có việc diệt chủng. Cuộc chinh phục Chiêm Thành trở thành dồn dập trong thế kỷ chót của nước này, nghĩa là thế kỷ 17, dưới thời các chúa Nguyễn. Các chúa Nguyễn đem được bao nhiêu dân từ ngoài Bắc vào khai phá Đàng Trong? Chắc chắn là không nhiều lắm, bởi vì ở thời đại ấy một con số khoảng một trăm ngàn người nhất định đã phải tạo ra một cuộc di dân rất qui mô được ghi chép lại. Nhưng lịch sử lại không hề nói tới một cuộc di dân lớn nào. Và từ thế kỷ thứ 17 trở đi, hai họ Trịnh – Nguyễn giao tranh với nhau, việc di dân vào Nam chắc chắn là rất khó khăn nếu có những người tiếp tục vào Nam thì cũng chỉ là nhưng chuyến đi lẻ tẻ. Dù ước lượng một cách rộng rãi tới đâu đi nữa thì người Việt từ Bắc vào khai phá đất Chiêm Thành từ thế kỷ 17 về sau cũng không thể quá một trăm ngàn người. Thực ra cuộc di dân đã bắt đầu từ rất lâu trước Nguyễn Hoàng. Dưới triều Lê Thánh Tông, người Việt đã vào tới Nha Trang. Nhưng đây chỉ là nhưng đợt di dân rất lẻ tẻ. Nếu chỉ dựa vào người Việt di cư hoặc đã định cư ở Đàng Trong thì các chúa Nguyễn nhất định không đương đầu được với họ Trịnh. Chắc chắn phải có sự hòa nhập giữa người Việt di dân và người Chàm tại chỗ. Sự hòa nhập này đã diễn ra một cách liên tục và âm thầm từ thế kỷ 11, nó đã chỉ tăng vận tốc dưới thời các chúa và vua họ Nguyễn. Một sự kiện đã được ghi nhận trong lịch sử là vua Minh Mạng đã từng bắt tất cả người Chàm phải mặc quần áo như người Việt và lấy họ Việt, nhất là họ Nguyễn. Biện pháp thô bạo này ít nhất chứng tỏ rằng không có sự tàn sát mà chỉ có sự hòa nhập, dù là hòa nhập bằng đồng hóa. Sự hòa nhập này cũng có thể nhận thấy ở ngay giọng nói của người miền Trung.

Sự hòa nhập liên tục trên một qui mô lớn đã khiến Đàng Trong của các chúa Nguyễn có đủ người để vừa khai khẩn miền Trung vừa khai phá miền Nam.

Trong sự hòa nhập này, chắc chắn người Chàm chiếm đa số, nhưng nó đã được coi như một sự Việt hóa bởi vì người Việt, kẻ chiến thăng, chiếm tất cả mọi vai trò lãnh đạo và áp đặt văn hóa, nếp sống của mình. Dần dần trọng lượng Việt tăng cao vì hai lý do. Lý do đầu tiên là điều mà một số nhà xã hội học gọi là định luật của đất: mỗi vùng đất tùy mức độ phì nhiêu và trong một điều kiện sinh sống nào đó có mật độ dân số riêng, dân số ít sẽ gia tăng mau chóng để đạt tới mức đó rồi khựng lại. Người di dân Việt nam và người Việt gốc Chàm chiếm được những vùng đất canh tác tốt nên sinh sản mau chóng hơn người Chàm thuần túy bị dồn vào rừng núi. Lý do thứ hai là sự Việt hóa càng ngày càng toàn diện do sự áp đặt văn hóa và nếp sống của kẻ chiến thắng.

Những người mà chúng ta gọi là người Chàm hiện nay chỉ là một phần của dân Chiêm Thành, gồm những người bất khuất không chịu sự đồng hóa của người Việt đã di tản vào miền rừng núi hiểm trở, và ở đó họ cũng chịu định luật của đất: thủy thổ đó, ở mức độ văn minh đó chỉ có đất sống cho từng đó người. Dân số của họ sút giảm đi với thời gian.

Dầu sao thì hiện nay cuộc tranh cãi về sự biến mất của nước Chiêm Thành cũng không còn là một đề tài thời sự nữa. Vấn đề đặt ra là đảm nhận sự hòa nhập đó, một sự hội nhập bất công đối với người Chiêm Thành vào giai đoạn đó, dù giải thích thế nào đi nữa chúng ta cần tìm ra một thái độ đứng đắn trong khi nhìn lại vấn đề Chiêm Thành. Những người Chàm đã mất hay còn sống, đã hội nhập hay chưa hội nhập phải được coi là những con người thực sự của đất nước Việt nam. Lịch sử nước Chiêm Thành, cũng như lịch sử Văn Lang, Giao Châu, Đại Việt phải được coi là lịch sử của Việt. Nam. Phạm Hùng, Chế Mân, Chế Bồng Nga phải được coi là các vị vua của Việt nam ngày xưa. Văn hóa Chiêm Thành cần được sưu tầm và gìn giữ như là tài sản của đất nước Việt nam.

Vấn đề Chiêm Thành ngày nay đã trở thành một vấn đề hoàn toàn Việt nam. Người Việt nam cần nhìn và đảm nhận lịch sử của chính mình một cách đúng đắn.

Đó cũng là một vấn đề hoàn toàn nằm trong chính sách đối nội của chúng ta, không giống như việc khai phá và hội nhập đất Chân Lạp.