Tới đây có lẽ một số độc giả đã cảm thấy mệt mỏi và chán nản với những biện luận về lịch sử và tư tưởng, nhiều vị chắc đã muốn gấp cuốn sách này lại và cất đi. Vậy để quí vị giải khuây chốc lát và lấy lại can đảm để đọc tiếp, tôi xin kể một vài câu chuyện cồ tích. Những câu chuyện này đều ngắn vì tôi chỉ biết một cách sơ sài.
Chuyện thứ nhất là Phù Đổng Thiên Vương, còn gọi là Thánh Gióng, có lẽ vì Gióng là tên nôm của làng Phù Đổng chăng? Điều này có thể kiểm chứng khá dễ dàng nhưng tôi vẫn không có thì giờ để làm. Hiện nay hàng năm, tại làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Vĩnh Phú vẫn có ngày hội lớn về sự tích Thánh Gióng.
Tục truyền rằng vào đời vua Hùng Vương thứ 6, nước ta, thời bấy giờ gọi là Văn Lang, bị giặc Ân đánh phá (không tài liệu sử nào cho biết giặc Ân là giặc nào), vua cho đi rao truyền trong nước tìm người tài ra đánh giặc. Lúc đó tại làng Phù Đổng, có một đứa bé đã ba tuổi mà vẫn chưa biết nói, chỉ nằm một chỗ, nghe tiếng loa truyền bỗng nhiên ngồi dậy, vươn mình thành một thanh niên cao một trượng, rồi theo sứ giả về cầu vua, xin đúc một cây rồi sắt và một con ngựa sắt. Được cấp roi, ngựa, chàng thanh niên liền nhảy lên yên. Ngựa sắt bỗng nhiên cử động được. Chàng thanh niên phi ngựa ra trận đánh tan quân giặc. Đến núi Sóc Sơn thì giặc tan hết và chàng thanh niên cũng về trời mất tích. Dân chúng tưởng nhớ tôn làm Phù Đổng Thiên Vương, hoặc Thánh Gióng. Đây là chuyện cổ tích mà lúc còn nhỏ tôi thích nhất bởi vì nó vừa là chuyện của một đứa bé, vừa là chuyện kiếm hiệp và cũng vừa là chuyện thần thoại.
Chuyện thứ hai là chuyện Chử Đồng Tử. Vào đời vua Hùng Vương 16, Chử Đồng Tử là một thiếu niên mồ côi mẹ sống với cha bằng nghề bắt cá trên sông. Hai cha con nghèo đến độ chỉ có một cái khố phải chia nhau mà mặc. Các bạn trẻ có lẽ không biết cái khố là gì. Tôi tuy không già lắm nhưng hồi còn trẻ ở nhà quê cũng đã được nhìn thấy những người mặc khố (ngôn ngữ nông thôn gọi là “đóng khố” thay vì mặc khố). Nó gần giống như một quần xi-líp, nghĩa là rất ít vải, tác dụng duy nhất của nó chỉ là để che hậu môn và bộ phận sinh dục.
Một hôm, giữa lúc cha đang đóng khố, Chử Đồng Tử đang trần truồng bên bờ sông thì một công chúa được lính hầu kiệu tới. Chử Đồng Tử hốt hoảng không biết trốn đâu bèn chui đại xuống bãi cát, lấy cát phủ lên mình. Không biết anh ta thở cách nào nhưng anh ta tự chôn khá kín, công chúa cũng như lính đều không thấy. Sự tình cờ đã khiến công chúa chọn ngay chỗ anh ta vùi mình để quây phòng tắm. Công chúa cứ thoải mái múc nước gội lên mình, cho đến lúc giật mình nhận ra một chàng trai cường tráng lõa thể ngay dưới chân mình bởi vì trong lúc xối nước cô đã làm trôi di lớp cát phủ trên thân Chử Đồng Tử. Thế là một đôi trai gái trần truồng gặp nhau trong một phòng kín. Công chúa như thế đã bị coi như mất trinh tiết với Chử Đồng Tử, nhà vua chỉ còn cách cho hai người kết hôn, và Chử Đồng Tử trở thành phò mã. Câu chuyện này rất vui, bởi vì nó vừa là một chuyện tình vừa là một câu chuyện của sự may mắn, một chàng trai đánh cá nghèo khổ tình cờ lấy được công chúa.
Chuyện thứ ba là chuyện Lưu Bình – Dương Lễ. Đây vừa là một câu chuyện về tình bạn, vừa là câu chuyện lập thân. Không biết câu chuyện xẩy ra ở bên Tàu hay tại nước ta nhưng hình như người Việt nam nào cũng biết.
Lưu Bình và Dương Lễ là đôi bạn thân thiết. Sau một kỳ thi Dương Lễ đỗ, được ra làm quan và sống phú quí, trong khi Lưu Bình thi rớt. Lưu Bình đến thăm bạn và bị Dương Lễ sai lính cầm roi đánh đuổi một cách khinh bỉ. Tức quá, Lưu Bình về nhà quyết chí học cho đậu để rửa nhục. Đang lúc túng thiếu thì bỗng nhiên Lưu Bình gặp được một cô gái xinh đẹp và có tài sản, bằng lòng lấy Lưu Bình và nuôi Lưu Bình ăn học. Hạnh phúc làm con người trở thành thông minh và chuyên cần, khóa sau Lưu Bình đỗ cao và trở thành quyền quí. Lúc đó Lưu Bình mới mời Dương Lễ tới nhà mình để chứng kiến sự giàu sang của mình, với dụng ý làm cho Dương Lễ phải xấu hổ vì sự bội bạc ngày xưa. Nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ là dịp để Lưu Bình khám phá ra rằng vợ mình thực ra là một tì thiếp của Dương Lễ, được gởi tới để giúp Lưu Bình ăn học. Dương Lễ đã giúp bạn một cách khôn ngoan, vừa làm nhục bạn để kích thích ý chí, vừa giúp phương tiện để bạn học thành công. Câu chuyện này đẹp và có giá trị giáo dục nên tôi được nghe kể khá nhiều lần và lần nào cũng thích thú lắng nghe dù đã thuộc lòng.
Chuyện thứ tư là một chuyện đã sử. Đó là câu chuyện Thị Lộ, còn gọi là chuyện rắn báo thù và liên hệ đến cái chết bi thảm của Nguyễn Trãi, một khai quốc công thần có công phò Lê Lợi đánh đuổi quân Minh giành độc lập cho nước ta và cũng là nhà tư tưởng chính trị lớn của nước ta. Sau khi giúp vua lấy lại được đất nước, Nguyễn Trãi được phong đứng đầu trăm quan, rời sau đó cáo quan về quê.
Khi về hưu, Nguyễn Trãi ra lệnh cho gia nhân dọn sạch khu vườn bấy lâu bị bỏ hoang nên đầy bụi rậm và cỏ đại. Đêm trước ngày khởi sự, Nguyễn Trãi nằm mơ thấy một con rắn biết nói tới xin ông hoãn lại việc dọn vườn vì nó mới sinh con nhỏ nên chưa thể đi ngay chỗ khác được. Cho là chuyện mộng mị vớ vẩn, Nguyễn Trãi không để ý tới và cũng chẳng nói với ai. Ngày hôm sau gia nhân dọn vườn và trình với ông đã thấy một ổ rắn, họ đã giết được bày rắn con nhưng rắn mẹ chạy thoát, họ chỉ chặt được một khúc đuôi. Tối hôm đó Nguyễn Trãi đang nằm đọc sách thì một giọt máu từ nóc nhà nhỏ xuống ngay cuốn sách thấm ba trang. Đó là máu của con rắn mẹ đã leo lên nóc nhà.
Ít lâu sau Nguyễn Trãi gặp Thị Lộ, một cô gái trẻ vừa xinh đẹp vừa giỏi thơ văn, ông bèn lấy làm thiếp và rất chiều chuộng. Một hôm, vua Lê (đây là Lê Thái Tông, con của Lê Lợi tức Lê Thái Tổ) du hành qua đấy bèn ghé thăm Nguyễn Trãi và ngủ đêm tại nhà ông. Thấy Thị Lộ xinh đẹp, vua bèn bảo Nguyễn Trãi để Thị Lộ ngủ với mình. Đêm hôm đó, không biết vua say sưa hoan lạc với Thị Lộ thế nào mà chết, Nguyễn Trãi bị buộc tội giết vua và bị giết cùng với cả họ hàng ba đời. Lúc đó người ta mới hiểu Thị Lộ chính là hồn ma của rắn mẹ hiện hình làm gái để báo thù Nguyễn Trãi, và giọt máu thấm ba trang giấy là điềm báo trước Nguyễn Trãi sẽ bị tru di tam tộc.
Câu chuyện này tuy thương tâm, nhưng có sức hấp dẫn đặc biệt. Nó ly kỳ và ma quái, hơn nữa nó lại là chuyện về rắn, con vật vừa kinh dị vừa quyến rũ.
Bây giờ, các bạn đã được giải khuây rồi tôi xin thưa một điều. Đó là những câu chuyện bề ngoài rất vô hại, và đôi khi còn có tính giáo dục, cũng có thể chuyên chở những giá trị rất độc hại. Càng độc hại hơn nửa khi chúng là những câu chuyện bà kể cho cháu, vì chúng ta tiếp thu một cách ngây thơ, vô tình và không cảnh giác. Những câu chuyện như thế tiếp thu ở tuổi thơ ngây đã là những dấu ấn đầu tiên trong trí tuệ và khiến chúng ta chấp nhận một cách thụ động, không bàn cãi những giá trị thực ra có tác dụng quan trọng đối với xã hội và con người.
Cả bốn câu chuyện này không vô tư như chúng ta tưởng, chúng đều có tác dụng truyền bá những giá trị cũng cố cho một trật tự có sẵn: quyền lực tuyệt đối của vua, lý tưởng nô dịch của kẻ sĩ, và thân phận thấp kém của phụ nữ.
Phù Đổng là một vị thần chứ không phải là một con người. Sinh ra được ba năm mà vẫn nằm im, rồi vươn vai một cái mà cao đến một trượng, rồi cưỡi ngựa sắt, một mình đánh tan giặc, rồi lên núi về trời. Một vị thần như vậy mà cũng phò vua thì chắc chắn vua phải là trời, và đã là trời thì dĩ nhiên quyền lực của vua phải tuyệt đối. Chuyện Thánh Gióng là một câu chuyện bịa đặt, có thể dựa trên một sự kiện có thực nhưng rất khác, trong mục đích đặt nền tảng cho chế độ quân chủ chuyên chế. Ngày nay trong nước đang có một khuynh hướng khai thác chuyện Thánh Gióng cho một mục đích chính trị đúng đắn, lấy gương Thánh Gióng cao thượng sau khi dẹp xong giặc đã bỏ đi để nhắc nhở đảng cộng sản và phê phán thái độ lì lợm khư khư giữa lấy quyền lực của họ. Tôi rất ngờ vực tác dụng của cuộc vận động này. Ví những chiến công của đảng cộng sản với Thánh Gióng là nhìn nhận rằng những cuộc chiến mà đáng cộng sản khởi xướng và điều động có chính nghĩa và có ích cho dân tộc. Điều này không hiển nhiên, nhưng không phải là điều tôi muốn bàn. Điều tôi muốn bàn là sự thiếu sức thuyết phục của lập luận. Tại sao lại phải bỏ ra đi sau khi đã lập công? Tại sao không ở lại tiếp tục giúp nước? Thực ra chúng ta không có quyền đòi đảng cộng sản phải ra đi chúng ta chỉ đòi họ ra đi khi không còn được nhân dân chấp nhận nữa. Chỉ có cuộc bầu cử tự do mới cho thấy nhân dân còn muốn họ ở lại hay không.
Tại sao một công chúa, chỉ vì vô tình nhìn thấy một thanh niên khỏa thân mà lại có thể bị coi là mất tiết hạnh? Một công chúa mà còn như vậy thì một cô gái con nhà thứ dân ra sao? Số phận người phụ nữ sao mà rẻ rúng thế! Câu chuyện Chử Đồng Tử không vô tư, nó có mục đích cũng cố sự thống trị của nam giới trên nữ giới, đồng thời nó cũng có mục đích tôn vinh quân quyền. Lấy công chúa được coi là diễm phúc lớn nhất của đời người. Bất luận công chúa tuổi tác nhan sắc, đức hạnh ra sao. Trẻ em Việt nam bị đầu độc nặng đến nỗi không có đứa nào đặt câu hỏi “thế Chử Đông Tử có bằng lòng lấy công chúa không?”. Câu chuyện không phải chỉ có mục đích giải trí, nó còn có dụng ý “giáo dục”.
Người “vợ” của Lưu Bình sau này sẽ tiếp tục là vợ Lưu Bình hay sẽ về với “chồng” cũ là Dương Lễ? Ở với Lưu Bình thì sẽ không còn được quí trọng vì đã qua tay Dương Lễ, nghĩa là đã “ô uế” rồi, mà về với Dương Lễ cũng không xong bởi vì cũng đã chung sống với Lưu Bình. Thân phận tì thiếp lầm lũi là lối thoát hợp đạo lý duy nhất cho cô. ở cương vị tì thiếp, cô có thể bị trao đổi một cách rất phải đạo như một vật dùng. Cái chữ “trinh” mà đàn ông bắt đàn bà phải tôn trọng như tính mạng chính họ lại chà đạp lên một cách thản nhiên. Nhưng chuyện Lưu Bình – Dương Lễ không phải là chuyện trai gái mà là chuyện quan trường. Nó cho thấy mộng đời duy nhất của thanh niên là thi đỗ để làm quan. Không làm quan thì không là gì cả, còn hễ làm quan thì có tất cả, nhà cao cửa rộng, thê thiếp đầy đàn. Cái lý tưởng mà đứa trẻ được nhồi sọ ngay lúc ra chào đời là cố học để làm quan, là “trong sách có gái đẹp”. Sách thánh hiền thật là cao quí!
Câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ còn chứa đựng cả một quan niệm về công quyền, đó là quan niệm “chức quyền” thay vì “chức trách”. Chức vụ là một địa vị cho phép thụ hưởng chứ không phải là một trách nhiệm. Lưu Bình cũng như Dương Lê chỉ mới đậu xong và ra làm quan đã lập tức trở thành giàu sang, phú quí. Đằng sau câu chuyện có mục đích giáo dục đó là cả một văn hóa tham nhũng.
Còn chuyện Thị Lộ? Câu chuyện này chắc chắn là một sự bịa đặt của triều đình nhà Lê để dùng sự huyền bí chạy tội ác man rợ tàn sát cả ba họ một khai quốc công thần. Nhưng nó cũng có tác dụng bình thường hóa bản chất thô bạo của văn hóa Khổng Giáo. Thị Lộ là phụ nữ và đã là phụ nữ thì nhân phẩm của bà không đáng kể. Bà là thiếp của Nguyễn Trãi, nhưng vua muốn thỏa mãn nhục dục bà cũng phải tuân theo. Cái chữ “tiết trinh” được đề cao như đạo lý tuyệt đối của phụ nữ cũng phải dừng lại trước đòi hỏi của nhà vua: Ở đây người đàn bà còn bị ví với rắn độc. Thật là tàn nhẫn, người phụ nữ Việt nam không những chỉ bị chà đạp, khinh bỉ mà còn bị thù ghét.
Còn Nguyễn Trãi? Vị đệ nhất công thần này từng nằm gai nếm mật cạnh Lê Lợi, bố của Lê Thái Tông, cũng phải nộp người yêu của mình cho một thằng bé bằng tuổi con mình hành lạc ngay tại nhà mình, không chừng còn phải lạy tạ ơn mưa móc và dọn giường chiếu cho nó. Và khi không may vua vì quá đê mê mà chết thì bị kết tội và bị giết cả ba họ. Vua là trời, quần thần không là gì cả. Một ông quan, nghĩa là một kẻ sĩ may mắn thành đạt, dù tài giỏi tới đâu đi nữa, dù chức phẩm cao tới đâu đi nữa cũng không hơn gì một con vật trước mặt vua, vua muốn nọc ra đánh vài chục trượng, muốn thiến, muốn giết bỏ tùy ý. Và muốn giết sạch cả cha mẹ, anh em, con cháu cũng được luôn. Vậy mà làm quan vẫn là giấc mơ của kẻ sĩ! Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện như thế làm sao lớn lên giữ được phẩm cách, làm sao tránh khỏi tâm lý vong thân?
Văn hóa của một dân tộc là toàn bộ những giá trị đã được chấp nhận và tạo ra cách suy nghĩ, hành động và ứng xử của dân tộc đó. Khi nhận định về văn hóa cá nhân của mình, chúng ta thường mắc phải một sai lầm rất lòn là đồng hóa văn hóa với kiến thức, trong khi kiến thức chỉ là một phần không quan trọng của văn hóa. Chúng ta có thể có những kiến thức rất sâu sắc về y học, điện tử, động nhiệt học, kế toán và cả triết lý nữa, nhưng văn hóa của chúng ta, nghĩa là cách sống, suy nghĩ, hành động và ứng xử của chúng ta vẫn theo một hệ thống giá trị có sẵn nào đó.
Và văn hóa có cách lưu truyền của nó. Một số giá trị ban đầu, nảy sinh do một bối cảnh xã hội đặc thù hay được kẻ cầm quyền áp đặt tạo ra một nếp sinh hoạt xã hội. Đến lượt nó, nếp sinh hoạt đó, với những thể hiện vật chất và tâm tính, điều kiện hóa con người, để rồi con người truyền lại cho nhau qua các thế hệ. Chúng ta tiếp thu một văn hóa lúc mới chào đời khi trí tuệ còn non nớt chưa có khả năng tự vệ, chúng ta chấp nhận những giá trị của văn hóa đó như những sự hiền nhiên không cần bàn cãi, bởi vì những giá trị đó không đến với chúng ta bằng lý luận. Chúng đến với chúng ta qua kiến trúc của làng xã, phố phường, bề rộng của những con đường, hình dạng của căn nhà, kích thước của cái cửa sổ. Chúng đến với chúng ta qua sinh hoạt gia đình và bằng hữu. Chúng cũng đến với chúng ta qua những câu chuyện bà kể cho cháu, cô giáo kể cho học trò. Nói chung, chúng thường đến một cách gián tiếp và giấu mặt khiến chúng ta chấp nhận một cách vô tình, chứ không đến một cách trực tiếp và lộ diện để chúng ta có thể nhận định và chọn lựa. Chính vì thế mà một số người Việt nam có thể không hề nhìn thấy một lần trong đời cuốn Luận Ngữ và không biết gì về sử Trung Hoa mà vẫn thuộc văn hóa Khổng Giáo và vẫn là sản phẩm tinh thằn của Đông Chu Liệt Quốc. Một cách tương tự một người châu Âu dù chưa từng nghe nói tới Socrate, Plalon và chưa đọc một chuyện thần thoại Hy Lạp nào, vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Hy Lạp và vẫn là đứa con tinh thần của Ulysse.
Rất có thể là có những bạn đọc trẻ không hề biết tới một chuyện nào trong cả bốn câu chuyện cồ tích mà tôi vừa kề, nhưng không nhiều thì ít, và nhiều chứ không ít, các bạn vẫn chịu ảnh hưởng của những giá trị mà chúng chuyên chở, bởi vì các giá trì ấy đã được môi trường sinh sống và những người đã tiếp thu chúng trước truyền lại cho các bạn. Tôi thường được nghe nhiều vị phân vân nếu bỏ văn hóa truyền thống thì chúng ta còn lại gì, chúng ta có mất mát lớn hay không. Xin quí vị yên lòng, quí vị dù muốn cũng không bỏ được đâu. Chính tôi, một người phê phán gay gắt Khổng Giáo, tôi ván là một sản phẩm của Khổng Giáo. Một văn hóa cố sức sóng dai dẳng khó tưởng tượng nỗi của nó. Nếu thay đổi một nền ván hóa là việc dễ dàng thì bộ mặt thế giới đã khác hẳn, đã không có những quốc gia có lợi tức bình quân trên mỗi đầu người lớn gấp một trăm lần nhiều quốc gia khác.
Văn hóa quyết định tổ chức xã hội, và tổ chức xã hội quyết định chỗ đứng và sự hơn kém của các dân tộc. Chế độ cộng sản không phải là một sự ngẫu nhiên của lịch sử. Nó thành công và tồn tại được mà không gặp sự chống trả đáng lẽ phải có bởi vì nó chỉ là sự kết tinh của nhưng giá trị nền tảng của xã hội ta.
Tôi sinh sống bằng nghề kỹ sư cố vấn. Nghề nghiệp của tôi thường cho tôi cơ hội để thậm định giá trị của các hệ thống quản trị bằng tin học. Kinh nghiệm cho thấy chỉ có hai nguyên nhân đưa tới một hệ thống tin học dở: một là máy (hardware) dở, hai là các chương trình (software) được đặt vào máy dở. Cũng thế, khi một quốc gia lạc hậu và thua kém thì chỉ có hai giả thuyết: một là con người tồi, hai là văn hóa tồi.
Nhưng con người của ta không tồi, chúng ta khá thông minh và chúng ta cũng rất chăm làm. Vậy thì cái gì khiến chúng ta không vươn lên được nếu không phải là vì văn hóa của ta độc hại?
Muốn vươn lên chúng ta phải thay đổi văn hóa, nghĩa là các giá trị nền tảng. Nhưng đây lại là một việc rất gian lao vì, xin nhắc lại một lần nữa, văn hóa có sức sống rất dai dẳng. Nếu quả quyết và dứt khoát thì cũng chưa chắc gì sau 50 năm nữa chúng ta đã thay đổi được. Nếu lại còn lưỡng lự tiếc nuối thì không biết đến bao giờ.
Thế kỷ 20 đối với chúng ta đã là một thế kỷ của canh tân, nhưng chúng ta chưa đi đến đâu trên lộ trình canh tân, bởi vì chúng ta tuy đã thấy được sự lạc hậu của các giá trị cũ nhưng lại không muốn chấp nhận những giá trí mới. Cái gốc của chúng ta dở nhưng chúng ta lại sợ mất gốc. Chúng ta như người ra đi nhưng không biết đi đâu, cho nên chúng ta không thể đi xa.
Thế giới đang nhỏ lại và các dân tộc đang đến gần nhau. Không có những giá trị phương Đông và những giá trị phương Tây, chỉ có nhưng giá trị tốt và nhưng giá trị có hại. Những giá trị tốt là hòa bình, tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân quyền, nhà nước pháp trị, đối thoại, hợp lác, lợi nhuận, liên đới và môi trường. Những giá trị đó đã tạo ra sức mạnh của các nước phương Tây. Chúng không phải là những giá trị của phương Tây mà là những giá trị phổ cập của loài người, có sẵn trong mọi dân tộc và mọi nền văn minh, nhưng chỉ gần đây mới có một số ít dân tộc triệt để phát huy chúng và trở thành giàu mạnh hơn hẳn phần còn lại của thế giới.
Đến đây tôi xin khẩn khoản thưa với độc giả đôi lời tha thiết. Tất cả người Việt chúng ta, dù ở trong hay ngoài nước, dù ở lứa tuổi nào vẫn còn bị nhiễm độc rất nặng nề vì nền văn hóa Khổng Mạnh được du nhập vào nước ta với cái nội dung còn tồi tệ hơn nguyên bản của nó tại Trung Quốc. Xin chớ vội nghĩ rằng tư tưởng của chúng ta đã hoàn toàn đổi mới. Cái di sản văn hóa hai ngàn năm đó vẫn khống chế chúng ta. Chúng ta phải ý thức điều đó thì mới có hy vọng rũ bỏ được nó để bay bổng và tiến xa. Một bệnh nhân không biết mình mắc bệnh thì không thể chữa bệnh.