“Cõng rắn cắn gà nhà”

Nếu nỗi oan khiên kéo dài của Lê Chiêu Thống có thể giải thích được thì sự lên án Nguyễn Ánh là cõng rắn cắn gà nhà lại càng khó hiểu.

Nguyễn Ánh bị nhiều người lên án là đã rước quân Pháp vào Việt nam, để rồi Việt nam bị Pháp đô hộ. Điều này hoàn toàn sai.

Nguyễn Ánh chết năm 1820, trong khi người Pháp chỉ bắt đầu xâm chiếm nước ta từ năm 1858, nghĩa là 38 năm sau dưới triều Tự Đức cháu nội ông. Hai vị vua nhà Nguyễn, Minh Mạng và Tự Đức, xứng đáng bị lên án nặng nề, nhưng không phải vì họ đã thỏa hiệp với Pháp mà vì họ đã chống Pháp một cách điên cuồng và mù quáng.

Nguyễn Ánh không phải đã không làm những việc sai trái. Năm 1784, ông đã gởi hoàng tử Cảnh theo giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện Louis XVI. Hai bên ký kết thỏa ước, theo đó Nguyễn Ánh sau khi thành công sẽ dành nhiều đặc quyền lớn cho người Pháp và nhượng đứt đảo Côn Lôn cho Pháp. Ông cũng đã cầu viện quân Xiêm sang Việt nam giúp đánh quân Tây Sơn. Nhưng cả hai việc làm đáng trách này đã không giúp được gì cho ông. Thỏa ước ký với Louis XVI đã không được thực hiện, còn đám quân Xiêm thì đã bị Nguyễn Huệ đánh tan nhanh chóng. Sau này Nguyễn Ánh thành công, khôi phục được nhà Nguyễn hoàn toàn dựa vào cố gắng của chính ông. Nguyễn Ánh có sử dụng một số tay đánh thuê người Pháp, nhưng đó chỉ là những cá nhân, điều này rất bình thường thời đó. Anh em Tây Sơn cũng đã sử dụng bọn cướp biển Lý Tài và Tập Đình; họ cũng cố tranh thủ sự ủng hộ của người phương Tây mà không được vì người phương Tây chỉ coi Tây Sơn là quân cướp.

Có người nói vì Nguyễn Ánh cầu viện mà người Pháp mới biết tới Việt nam. Lời buộc tội này lại càng ngây ngô hơn nữa.

Người châu Âu nói chung và người Pháp nói riêng đã đến Việt nam từ đầu thế kỷ 16, lúc tổ tiên Nguyễn Ánh là Nguyễn Hoàng chưa ra đời, rồi liên tục gia tăng sự hiện diện. Họ đã thiết lập nhiều trung tâm thương mại tại Hội An, Hà Nội và Hưng Yên. Người châu Âu đến nước ta là lẽ tự nhiên vì lúc đó họ đã mạnh và đang bung ra khám phá thế giới. Việc họ đến nước ta, đem theo một văn hóa và một kỹ thuật mới đáng lẽ phải là một may mắn lớn cho nước ta, chỉ tiếc rằng chúng ta đã không đủ sáng suốt để lợi dụng.

Nguyễn Ánh có công lớn với đất nước. Chính ông đã thống nhất được đất nước. Không có ông không chừng ngày nay miền Nam và miền Bắc vẫn còn là hai quốc gia riêng biệt.

Phe cộng sản mạt sát Nguyễn Ánh là điều dễ hiểu, nhưng điều ngạc nhiên là Nguyễn Ánh bị lên án một cách hồ đồ như thế mà không được minh oan một cách rõ rệt, trong khi tôn thất nhà Nguyễn, ngày trước và ngay bây giờ, không thiếu những người có kiến thức và trình độ cao. Đó là vì một bên có lý do để ra sức buộc tội Nguyễn Ánh, còn một bên dù muốn bênh Nguyễn Ánh cũng không thể bào chữa cho ông một cách thông suốt. Nếu muốn bào chữa cho Nguyễn Ánh thì phải mổ xẻ sự nghiệp của ông một cách khách quan nhưng điều này lại khó làm. Muốn nói rõ về Nguyễn Ánh thì bắt buộc phải nhìn nhận những sai phạm của ông đối với đất nước – cầu viện Pháp, cầu viện Xiêm, và cách đối xử thô bạo của ông đối với con cháu Tây Sơn. Cũng phải luận việc ông bội bạc và giết hại các công thần. Điều này các vua nhà Nguyễn không cho phép vì họ không thể chấp nhận một phê phán nào về ông tổ của họ. Sau này Ngô Đình Diệm, sau khi đã truất phế vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng không dại gì mà bênh vực ông tổ nhà Nguyễn. Sau Ngô Đình Diệm là chế độ của các tướng tá, trong đó nhưng vấn đề văn hóa, lịch sử không đặt ra nữa.

Nguyễn Ánh bị buộc tội oan trong khi ông là người có công lớn, và hơn thế nữa tổ tiên ông còn có công rất lớn là đã khai phá ra một nửa đất nước.

Nếu ai hỏi tôi ai là người có công nhất đối với Việt nam, tôi sẽ lưỡng lự giữa Lý Công Uẩn và Nguyễn Hoàng. Lý Công Uẩn có công lập ra một quốc gia Việt nam thực sự, có kỷ cương, có triều chính, có văn hóa và đặt nền nếp cho Việt nam từ đó về sau (nhưng đồng thời ông cũng vô tình làm một điều tai hại là khẳng định vai trò của Khổng Giáo như một văn hóa chính thức). Nguyễn Hoàng có công mở ra một nửa đất nước, và đó cũng là nửa nước trù phú nhất. Lưỡng lự giữa hai người nhưng nếu bắt buộc phải chọn một người có lẽ tôi thiên về Nguyễn Hoàng.

Trước năm 1945, hình như không có chuyện buộc tội Nguyễn Ánh. Phan Chu Trinh, một người chủ trương dân chủ và công khai bài xích triều Nguyễn, khi xỉ vả vua Khải Định là hèn đốn đã viết:

Ai về âm phủ hỏi Gia Long,
Khải Định thằng này phải cháu ông?

nghĩa là cũng nhìn nhận Nguyễn Ánh là bậc anh hùng.

Sau năm 1945, nhà Nguyễn đã thoái vị, đảng cộng sản đã nắm chính quyền tất nhiên không còn muốn lòng dân nhớ nhà Nguyễn nữa. Lời cáo buộc Gia Long cõng rắn cần gà nhà bắt đầu từ đấy. Khi cựu hoàng Bảo Đại trở về thành lập chính quyền quốc gia, mạt sát và hạ bệ Gia Long dĩ nhiên nằm trong chính sách tuyên truyền của đảng cộng sản. Dưới chế độ cộng sản bênh vực Gia Long, chưa nói đến khen Gia Long, là phạm tội phản động.

Vụ án Gia Long tuy không ồn ào bề ngoài nhưng trong chiều sâu đã gây chia rẽ không nhỏ trong hàng ngũ miền Nam trước năm 1975. Tôi đều có nhiều dịp nhận ra điều đó. Một lần tôi được chứng kiến một cuộc cãi vã ngắn nhưng rất dữ dội. Trong một câu chuyện vãn, không hiểu tại sao hai nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh lại được đề cập tới. Một anh bạn khen Nguyễn Huệ là anh hùng, chê Gia Long là tầm thường, may nhờ Nguyễn Huệ mất sớm mà thắng được. Một anh bạn khác phản ứng một cách giận dữ: “Nguyễn Huệ là một tên tướng cướp gặp thời, Gia Long mới có công thống nhất đất nước”. Anh kia cũng không chịu thua. Cả hai đi tới kết luận là người trước mặt mình không có trình độ, rồi họ chấm dứt cuộc thảo luận với cùng một nét mặt khinh bỉ. Về sau tôi có hỏi người nọ về người kia, cả hai đều nói về nhau một cách nặng lời, chắc chắn là không thể hợp tác với nhau được nữa. Tại sao một giai đoạn lịch sử hai trăm năm về trước lại có thể chia rẽ những con người ngày hôm nay? Chúng ta đặt quá nhiều đam mê và xúc động vào một lịch sử rất không chính xác.

Thương nhau thương cả đường đi
Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.

Có lẽ nhiều người đã giận các vua Minh Mạng, Tự Đức mù quáng và ngoan cố làm mất nước, ghét Bảo Đại hèn nhát trác táng, rồi ghét luôn cả Gia Long.

Nhưng cách vận dụng lịch sử thiếu lương thiện nhất vẫn thuộc về đảng cộng sản. Họ luôn luôn bóp méo lịch sử cho những mục đích tuyên truyền. Năm 1979 khi vừa cải tạo về tôi nghe đứa cháu gái tôi học lịch sử: “Năm… tên bán nước Gia Long đem quân đánh Phú Xuân”. Tôi giật mình, sách sử gì mà ngôn từ hạ cấp như vậy? Tôi đòi xem cuốn sách và còn thấy cả “tên cướp nước Triệu Đà”. Triệu Đà chết đã hơn hai ngàn năm nay cũng bị vạ lây, bởi vì lúc đó hai chế độ cộng sản Việt nam và Trung Quốc đang xung đột. Để ý đến cách dạy sử lúc đó, tôi phải phẫn nộ. Hình như Việt nam chỉ mới thực sự thành lập từ khi có đảng cộng sản.

Những đề tài thi sử thường gặp lúc đó là: “Đảng cộng Sản Việt nam thành lập ngày nào, năm nào?”, “Quân Dội Nhân Dân Việt nam thành lập ngày nào, năm nào?”, “Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm nào, ở đâu?”. Và câu hỏi quan trọng nhất: “Ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình, trước khi đọc tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã nói gì?” (Câu trả lời là “Bác Hồ đã nói: Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?“).

Sự sửa đổi lịch sử được thể hiện trên thực tế. Tại Sài Gòn, đường Nguyễn Hoàng được thay bằng đường Trần Phú, theo tên một cấp lãnh đạo cộng sản đã chết. Chúa Hiền, người có công khai mở miền Nam, nhường tên đường cho Võ Thị Sáu, một nữ cán bộ khủng bố cộng sản. Đường Gia Long dĩ nhiên không còn, nay là đường Lý Tự Trọng. Vô số công thần lập quốc bị xóa tên đường nhường chỗ cho nhưng cán bộ cộng sản không tên không tuổi. Từ ngày 30-4-1975, nước Việt nam không phải chỉ thay đổi hiện tại và tương lai mà còn thay đổi cả quá khứ.

Lịch sử là gia phả chung của đất nước, là ký ức tập thể của dân tộc, xuyên tạc nó là xúc phạm đến trí tuệ của dân tộc. Chưa nói rằng bôi nhọ một người đã nằm xuống từ lâu rồi cho một mục đích giai đoạn là một việc mà chỉ có những kẻ thấp kém mới làm. Làm như thế đang cộng sản cũng đã hạ giá chính cái lý tưởng của họ. Nếu lý tưởng của họ trong sáng, dự án chính trị của họ đặc sắc thì họ cần gì phải vận dụng những thủ đoạn tồi tàn như vậy?

Nhưng một câu hỏi cũng đặt ra cho chúng ta. Tại sao họ lại có thể làm như thế và một phần nào đó đã thành công? Đó là vì chúng ta thiếu một sử quan đứng đắn. Lịch sử của ta thiếu sót và thiếu chính xác, đó là một điều đáng tiếc; nhưng điều còn đáng tiếc hơn nữa là cách tiếp cận lịch sử của chúng ta. Chúng ta không coi lịch sử như một tài sản chung của dân tộc mà mọi người phải trân trọng. Từ bao đời rồi lịch sử vẫn chỉ được coi là một diễn đàn để hạ nhục đối phương và tâng bốc mình lên.

Tập quán đó dần dần ăn rễ vào tâm lý mọi người, trong tiềm thức chúng ta. Chúng ta không coi việc xuyên tạc lịch sử là nghiêm trọng, chúng ta không coi lịch sử là ký ức của những cố gắng dựng nước, trái lại chúng ta coi lịch sử như là sự nối tiếp nhau của những trận đánh tàn phá đất nước. Chúng ta đọc lịch sử một cách sơ sài và dựa vào lịch sử để đưa ra những phê phán hồ đồ nhưng chắc nịch. Các dân tộc khác có thể chia rẽ vì không đồng ý với nhau trên những việc cần làm cho hôm nay và ngày mai; người Việt nam lại còn có thể chia rẽ và hận thù nhau vì những chuyện đã hoàn toàn thuộc về quá khứ mà mọi người chỉ biết một cách rất mơ hồ.