Tôi còn nhớ một bài thơ học thuộc lòng lúc ở lớp Nhất tiểu học, không biết của tác giả nào:
Trên dải đất chạy ven bờ biển cả
Dưới trời Đông Nam Á rạng màu xanh
Một giống người nhỏ bé nhưng tinh anh
Đã xây đắp một sơn hà gấm vóc…
Trong trí óc non yếu của tôi, nước Việt Nam ta rộng rãi và phì nhiêu, người Tàu chen chúc nhau phải di dân sang nước ta lập nghiệp. Đất nước ta, theo những bài học đầu đời của tôi và được nuôi dưỡng cho đến tuổi thanh niên, đầy tài nguyên phong phú. Nước ta đầy hứa hẹn và có một tương lai vô cùng xán lạn. ý nghĩ đất nước ta có tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú là ý nghĩ rất lan tràn. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu người quả quyết như vậy. Sau 30-4-1975, trong trại cải tạo, tôi được nghe rất nhiều sĩ quan, công chức của miền Nam cũ lên án đế quốc Mỹ là đã tới Việt Nam dề cướp bóc tài nguyên. Một anh cựu trung úy và tốt nghiệp văn khoa còn phát biểu rằng sở dĩ đế quốc Mỹ lập căn cứ Khe Sanh là vì ở đấy có một mỏ uranium lớn. Một công chức khác nói rằng Mỹ đến Việt Nam, hất Pháp ra là vì những giếng dầu khổng lồ của Việt Nam. Có anh còn nói các giếng dầu của Việt Nam, so với các giếng dầu ở Trung Đông như con voi so với con tem. Anh ta không giải thích tại sao Mỹ lại rút lui, bỏ rơi những giếng dầu khổng lồ đó.
Dĩ nhiên họ phát biểu vì hoàn cảnh. Họ thua trận, họ vào tù, họ phải mạt sát chế độ Việt Nam Cộng Hòa và đế quốc Mỹ đề mong được khoan hồng. Nhưng những điều họ nói về tài nguyên đất nước là thành thực. Họ tin như thế. Tôi hỏi anh sĩ quan đã nói về mỏ uranium ở Khe Sanh thì anh ta không có một dữ kiện nào cụ thề cả, nhưng anh ta tin như thế và tin chắc như đinh đóng cột.
Không hiểu vì lý do nào mà hầu hết mọi người Việt Nam đều có niềm tin sai lầm rằng đất nước Việt Nam bao la, tài nguyên của việt Nam vô tận. Cuốn Địa Lý Kinh Tế Việt Nam (Văn Trai, chủ nhiệm bộ môn Địa Lý Kinh Tế Trường Đại Học Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản lần thứ 4 năm 1990) khẳng định: “Các tài nguyên quặng mỏ nước ta có nhiều loại trữ lượng lớn, chất lượng cao, dễ khai thác, bảo đảm phát triển công nghiệp trong nước lâu dài và mạnh mẽ, đồng thời còn có thể xuất khẩu nữa”. Niềm tin ở tài nguyên to lớn của đất nước rất thường gặp trong nhiều bài viết, bài nói và tác phẩm của các tác giả thuộc mọi khuynh hướng chính trị. Niềm tin này tạo ra một sự yên tâm tai hại. Hình như mọi người Việt Nam đều tin rằng đất nước mình thế nào rồi cũng sẽ phú cường, do đó mà mất đi sự lo lắng cần thiết đề giữ gìn đất nước và xây dựng tương lai. Và cũng vì thế mà có tâm lý phá hoại và vô trách nhiệm.
Sự yên tâm này không những chỉ tai hại mà còn làm chết người. Đó là tâm lý ngự trị trong đầu óc những người lãnh đạo đảng cộng sản. Năm 1945 họ thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, họ đập phá tất cả các thành phố, đường bộ, đường sắt. Trong chiến tranh họ không bao giờ lưỡng lự khi phá hoại bất cứ một công trình nào. Một bài tình ca yêu nước của người cộng sản có hai câu:
Em đi phá lộ Đông Dương,.
Anh về đánh bốt Mỹ Lương, Đông Hà.
(Đánh bốt có nghĩa là đánh đồn. Trẻ em thường hát sai thành đánh đốt).
Thơ mộng quá! Còn ông Hồ Chí Minh? Ông phát biểu quyết tâm chinh phục miền Nam như sau: “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không thể nào thay đổi”. Ghê gớm không! Sẵn sàng chấp nhận chiến tranh đến sông cạn, núi mòn, không lý gì đến sự tàn phá mà đất nước có thể phải chịu đựng. Một lần khác ông tuyên bố rằng đế quốc Mỹ có thể gia tăng ném bom tại Bắc Việt, có thể phá hoại đường sá, hay tiêu hủy nhiều thành phố nhưng sẽ không bao giờ làm cho đảng cộng sản Việt Nam nhụt ý chí đấu tranh.
Độc giả đừng vội nghĩ rằng tôi đang chống cộng và kề tội người cộng sản. Tôi nghĩ rằng trong thâm tâm không nhiều thì ít ai cũng yêu nước, và người cộng sản cũng thế. Có lẽ sai lầm cơ bản là chúng ta không đánh giá đúng tiềm năng của đất nước và mức độ chịu đựng tối đa của nó. Chúng ta nghĩ rằng nước ta có tiềm năng vô tận và vì thế có bị đập phá cũng không sao.
Nếu ngược lại ta ý thức rằng đất nước ta nhỏ bé chật hẹp, tài nguyên của ta ít ỏi, có lẽ ta sẽ hành xử rất khác. Ta sẽ quí từng con đường nhỏ, từng cây cầu, từng dãy phố, từng căn nhà. Chúng ta sẽ tránh được những phí phạm và những cuộc chiến tranh làm chết hàng triệu người và tàn phá đất nước.
Mà sự thực ta có gì đâu?
Mỏ quan trọng nhất trong đất liền của ta là than đá anthracite với trữ lượng 6 tỷ tấn. Sản lượng hàng năm là 8 triệu tấn, nếu khai thác tối đa có thể đạt tới 20 triệu tấn. Có nên khai thác tối đa hay không lại là một vấn đề khác. Nhưng ngay cả như thế sản lượng than dá của ta cũng chỉ bằng ba phần ngàn sản lượng hàng năm của thế giới, thua xa Cao Ly (77 triệu tấn), Ba Lan (150 triệu tấn), Đức (77 triệu tấn), Anh (93 triệu tấn). Đó chỉ là để kể một vài nước có diện tích tương đương hay nhỏ hơn nước ta. Và tất cả những nước này còn nhiều tài nguyên phong phú khác mà ta không có.
Mỏ sắt của ta, được kể như một tài nguyên lớn, chỉ có trữ lượng tổng cộng 540 triệu tấn – nghĩa là rất khiêm nhường, tương đương với sáu tháng sản xuất trên thế giới -, đã thế lại phân tán ra trên 200 mỏ, cho nên không thể khai thác qui mô được.
Các mỏ khác của ta đều không đáng kể. Thí dụ như nickel, một trong những tài nguyên được coi là quan trọng của ta chỉ có một trữ lượng tổng cộng cho các mỏ là 3 triệu tấn, nhưng phần lớn lại pha lẫn trong chrome, ở Cổ Định (Thanh Hóa), tương đương với một năm sản xuất của hòn đảo nhỏ xíu Nouvelle Calédonie.
Ngoài ra ta có hai mỏ khác có triển vọng khá là mỏ chrome ở Thanh Hóa (trữ lượng 21 triệu tấn) và mỏ apathite ở Lào Cai (trữ lượng công nghiệp 135 triệu tấn). Từ vài năm gần đây, Việt Nam trông đợi rất nhiều vào đầu khí. Nhưng đây cũng chỉ có thể là một hy vọng rất khiêm nhường.
Trữ lượng của ta, theo những ước đoán lạc quan, không bao nhiêu, chỉ vào khoảng 400 triệu tấn (thế giới: 400 tỷ tấn). Sản lượng dầu lửa hợp lý của ta sau này chỉ có thể đạt tới mức tối đa 15 triệu tấn mỗi nam, nghĩa là tương đương với một tuần lễ sản xuất của Mỹ, hoặc Nga, hoặc Saudi Arabia, trừ khi ta áp dụng chính sách ăn xổi ở thì, khai thác cho hết thực nhanh chóng và bất chấp tương lai. Trong trường hợp này những đầu tư thiết bị vào dầu lửa sẽ thành vô dụng sau một thời gian ngắn. Mặt khác, nhu cầu năng lượng của ta sẽ tăng lên mau chóng (ít ra ta phải hy vọng như vậy) cùng với đà phát triển, và các mỏ dầu chỉ giúp ta giảm nhẹ hóa đơn dầu nhập cảng mà thôi.
Khí đốt hy vọng mới của Việt Nam cũng vậy, với một trữ lượng 100 tỷ mét khối (hy vọng rằng ta còn tìm được thêm), 1% của trữ lượng trong vùng và 7 phần mười ngàn (7/10.000) trữ lượng thế giới, ta cũng chỉ có thể hy vọng bớt đi phần khí đốt phải mua vào mà thôi.
Nếu cần một con số nói lên sự nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên của ta thì đó là con số 13. Hiện nay, năm 2000 chúng ta đứng hàng thứ 1 3 trên thế giới về dân số với 78 triệu người, nếu không kiểm soát được đà gia tăng thì đến đầu thế kỷ 21 chúng ta sẽ qua mặt Đức (80 triệu dân) để lên hàng thứ 12, nhưng ta không đứng trong số 13 nước đầu, mà cũng không đứng trong số 30 nước đầu, về một tài nguyên nào cả.
Tài nguyên đã giới hạn như thế hiện nay chúng ta lại rất nghèo, rất lạc hậu, rất thua kém. Liệu chúng ta có một tương lai nào không? Và nếu muốn có thì phải làm thế nào? Hãy khoan trả lời những câu hỏi đó. Nhưng ngay tại đây ta có thể nói rằng ý thức được hoàn cảnh khó khăn của mình tự nó cũng đã là một hành trang quí báu, bởi vì nó cho ta một cách ứng xử đúng đắn, nó đem lại cho ta một thái độ lo lắng và thận trọng trong việc dựng nước, nó giúp ta ý thức được sự cần thiết của cố gắng.