– Khách sạn gì mà xây lâu đến thế kia chứ!
– Chứ gì, ngần ấy thời gian thì xây được cả thành phố chứ đâu chỉ là một khách sạn.
– Sao lâu thế nhỉ? Hay là ta chọn nhầm cánh thầu khoán?
– Khách sạn này cũng có mấy nhà thầu nước ngoài xin việc, không hiểu sao các ông ấy lại ưng nhà này, cũng chẳng phải vì nhà ấy đòi ít, cũng chẳng phải họ làm tốt các hợp đồng khác, cũng chẳng phải vì họ chiều mình. Sự thể ra sao tôi phải quan sát đã rồi mới dám nói.
Hoá ra là quan cũng nhiều mà cung cách cũng lắm; nào mở tiệc ăn mừng, nào cắt băng khởi công, nào quan lớn tự tay đặt viên gạch đầu lấy may. Rồi chiêu đãi dưới trên, ăn một miếng nhớ đời, rồi báo chí rùm beng, bài to, ảnh nhớn.
Ít lâu sau hàng rào khách sạn tương lai mọc lên.
Một hôm có 3 chiếc xe con đỗ cạnh công trường. Nào phải ai xa lạ, chính là các vị quan chức nước nhà bước xuống xem xét bề thế công trường.
– Sao hành lang lại hẹp thể nhỉ? – Ngài trưởng nhóm hỏi.
– Bẩm quan, cái đồ án thiết kế nó vậy. – Người kỹ sư đáp, – hành lang đã rộng đến năm mét…
– Chắc ông cho rằng chúng tôi không thấy cái khách sạn nào bao giờ hẳn? Tôi đã ở các ôten ngoại quốc, hành lang của họ còn rộng nữa. Thôi được cứ cho rằng hành lang theo thiết kế đi, nhưng số lượng hành lang ít quá. Khách sạn mà có mấy cái hành lang như thế. Không làm được thì thôi, đã làm thì làm cho ra làm. Tiền dân, tiền nước!. Phải biết xót chứ… Ông kỹ sư ngậm tăm.
– Còn các ngài nghĩ thế nào? Khách sạn lớn mà có mấy cái hành lang như thế chẳng phải là ít hay sao? – Quan lớn hỏi bầy tuỳ tùng.
– Hơi ít, thưa ngài.
– Dạ bẩm ít ạ.
– Ít quá chứ ạ…
Và thế là hợp đồng với nhà thầu ấy bị huỷ.
Trong lúc chờ giám định phân xử, bản thiết kế được thay đổi: hành lang nhiều hơn, rộng hơn.
Việc thi công đồ án mới đang triển khai thì một ngày kia lại có mấy chiếc xe con dừng bánh bên đường. Lại có mấy nhà đương chức đến nom việc. Đi đầu là một ngài bệ vệ nhất. Vừa thấy cái lỗ cửa ra vào, ngài hỏi liền:
– Chỗ này làm gì đây?
– Dạ, phòng khách đấy ạ, – đại diện hãng thầu mới đáp.
– Phòng khách? Phòng khách quái gì mà thế này?
– Dạ bẩm, việc chưa xong, mai kia chúng con lát đá sơn tường, kẻ hoa…
– Hiểu rồi, tức nghĩa là phòng khách chứ gì… Nhưng ta hỏi, phòng khách có phải là nơi đấu ngựa không? Làm gì có phòng khách như bãi quần ngựa ấy? Tiền dân, nghĩ mà xót ruột…
– Bẩm ngài, chúng con làm theo thiết kế…
– Lạy Chúa, cái mà các anh gọi là thiết kế, nó không phải là bài kinh Coran bất di bất dịch. Phải thay thiết kế, phải thay đi mới được.
Nhà thầu chịu nghe không dám ho he. Theo ý mới, các phòng khách đều được thu nhỏ.
Công việc đang chạy, thì một hôm lại có mấy quan phóng xe con đến xem khách sạn. Ngài đương quyền dẫn đầu đội khảo hạch nói chung là vui, nhưng đúng lúc ra đến cửa, ngài mới nhìn lên trần băn khoăn hỏi:
– Thế không làm mái vòm, trần cuốn à?
Câu hỏi làm nhà kiến trúc sư trẻ tuổi bủn rủn đầu gối, anh ta chết lặng đi mấy phút, bây giờ mới đủ sức định thần để hỏi lại.
– Xin ngài thứ lỗi, con không hiểu, ngài định nói mái vòm, trần cuốn thế nào ạ?…
– Đó mới là kiến trúc lối Thổ. Những người vào khách sạn sẽ là người nước ngoài, vì thế khách sạn phải theo lối Thổ ta… Anh xem nhà cửa nước Thổ bao giờ lại không có mái vòm, trần cuốn.
– Nhưng thua ngài, trong bản thiết kế…
– Thiết kế là cái gì? Nhờ nhà thầu làm thiết kế bao giờ chả vậy. Họ biết gì về kiến trúc và tâm hồn ta nào?
Các quan tùy tùng cúi cả đầu xuống.
– Nhà thế này thì ai cần? Nhất thiết phải có mái vòm, trần cuốn. Trông thấy tiền dân, tiền nước mà xót cả ruột.
Làm mái vòm, trần cuốn cho cả nhà thì tốn phí quá nhà thầu chỉ dám theo tinh thần dân tộc ở một đôi chỗ dễ nhất.
Công việc xây cất đã đến lúc hòm hòm thì giới chức quyền lại theo bánh xe con lăn đến. Ngài quyền cao đi trước buồn rầu nhận xét:
– Úi dà! Sao lại làm nhiều hành lang thế nhỉ? Phòng thì ít, lối lại nhiều. Ở đây dễ lạc như vào rừng… Thật xót tiền dân…
Làm đi làm lại mãi chẳng còn biết thời hạn ra sao? Công việc mịt mùng không dứt. Báo chí đã bắt đầu đưa đẩy. Muốn nhanh nhà thầu phải đổi kiểu mái. Nhưng những cuộc tranh luận bất đồng lại nổi dậy. Dùng ngói gì bây giờ? Ngói bản xứ hay ngói Mácxây. Cuối cùng phương án ngói bị đổ và mái được làm bằng bê tông thường.
Công việc gần xong thì bỗng bụi đường tung dưới bánh xe con.
– Thế gạch men đâu? Khách sạn Thổ mà không có gạch men là thế nào? – Các quan khách kinh ngạc hỏi.
Sau đó mọi người vào phòng khách. Phòng khách không có một cây cột. Ngài trưởng đoàn bảo:
– Ở đây không có cột, mà cột lại cần. Cầu trời cho mái đừng sập…
– Bẩm ngài an tâm, không sập được đâu ạ, chúng con đã tính.
– Đã tính? Đến lúc nó sập thì đem tính của các anh ra mà trừ à?
Ngài quay lại đám sau lưng:
– Thế nào, các ông, trần sập được chứ?
– Bẩm, được ạ…
– Thế nào cũng đổ, nặng thế kia cơ mà? Lại còn đồ đạc trên ấy nữa… Rồi người vào lại đông… Thế nào cũng đổ…
– Nổ như bom ấy chứ…
– Bao nhiêu là tiền vứt qua cửa sổ… Thật xót tiền nhà nước… các anh nghe không? Ai cũng bảo đổ… Thêm mấy cái cột có phải là lạ kiểu…
Chiều ý mới, các phòng khách đã có thêm cột.
– Một ngài dẫn đầu một đoàn lãnh đạo khác đã biến dãy cột vuông thành gạch vụn. Trong sách giáo khoa thư ngài học hồi bé, ngài thấy có ảnh đền đài Hy Lạp toàn cột tròn cả, chứ không lai căng thế này. Tiền nhà nước vứt ra cửa sổ thật là xót ruột…
– Bẩm quan, dễ như trở bàn tay thôi, chúng con sẽ có cột tròn.
Đến lúc tường ngoài đã chạm trổ hoa văn thì một quan lớn đến thăm, trách cứ:
– Những công trình hiện đại người ta dùng mặt tiền bằng kính chứ!
Cuối cùng rồi cũng đến lúc mọi việc coi là xong xuôi. Chỉ còn một việc cuối cùng. Một ngài quan khác nhận xét rằng cầu thang dốc quá, người đứng tuổi lên có phần mệt.
– Bẩm quan, còn thang máy. Vị nào trọng tuổi thì còn thang máy.
– Nếu vậy thì xây cầu thang làm gì? Các anh chả biết xót tiền quốc gia! Cầu thang cũng phải có ích chứ.
Sửa xong cầu thang. Một nhà kiến trúc sư nổi tiếng nước ngoài đến thăm.
– Một kiến trúc trứ tác! Xứng đáng làm đại bản doanh hên hợp quốc.
Gạch men mặt tiền và trên tường, mây hành lang, mái vòm, trần cuốn, chấn song sắt hình họa kim hương, mái nhà có ô văng, những thứ đó hoàn toàn theo tinh thần Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, chóp mái lại theo đúng phong điệu Bắc Âu. Những cầu vồng phòng khách mượn lối cung đình Thổ. Phòng khách chính giống lối đại sảnh, thậm chí còn lớn hơn những đại sảnh Aten… Rồi còn những mẫu mực xuất sắc của lối kiến trúc Ý… Nhà tắm, nhà vệ sinh rập theo kiểu Mỹ. Rồi lối xây Ấn Độ, đường Trung Hoa… Tất cả cùng nhau chen vai thích cánh.
– Tuyệt! – nhà đại kiến trúc ngoại bang thốt lên, – làm sao các ông có thể đưa nổi mọi lối kiến trúc vào một lâu đài như thế!
– Chúng tôi xây đi xây lại cái trứ tác này suốt chín năm đấy! Mà lại còn tằn tiện được bao nhiêu tiền dân!
Ông chủ nhiệm công trình tự hào đáp lại.