Ai cũng là nhà xây dựng

Chúng tôi đang ở trong một trường cao đẳng dạy nghề. Trong số chúng tôi người trẻ nhất là hai mươi ba tuổi. Cách đây hai năm một ông hiệu trưởng mới đến nhậm chức ở trường chúng tôi. Việc đầu tiên ông làm là tìm hiểu xem ông hiệu trưởng cũ đã làm những việc gì. Hoá ra, ông ta đã không bỏ phí thời gian. Theo lệnh của ông, tầng hầm của trường được đào sâu thêm mét rưỡi, được sửa sang cẩn thận, ốp gỗ quét sơn và biến thành nhà ăn. Còn nhà ăn cũ ở tầng trên cùng thì chuyển thành lớp học. Vì cái quan trọng nhất trong nhà trường là lớp học!

Ông hiệu trưởng cũ còn làm gì nữa? Những bức tường phòng học được quét vôi lại thành màu vàng, còn phòng ở thì quét vôi màu hồng.

Và thế là hết? Tất nhiên chưa. Trong các lớp học các bàn học đều là bàn hai người ngồi. Nhưng khi ngồi học hai người học sinh thường hay nói chuyện chứ không học. Nên ông cho thay hết bằng loại bàn một người.

Ông hiệu trưởng mới chỉ sau khi tìm hiểu xong những việc người tiền nhiệm đã làm mới bắt tay thực hiện chức trách của mình. Ông hiệu trưởng cũ được gọi là nhà xây dựng ư? Không sao, rồi mọi người sẽ được biết ai mới là nhà xây dựng đích thực.

– Cái gian phòng tối tăm này là phòng gì vậy?

– Nhà ăn ạ.

– Sao lại bố trí nhà ăn ở tầng hầm thế nhỉ? Ở đây làm sao mà ăn ngon miệng được. Đập bỏ hết và cho lấp đi!

Nhà ăn lại được chuyển về chỗ cũ. Các bàn một người được mang khỏi các lớp học. Và thay vào đó lại xuất hiện những bàn hai người.

– Có người ngồi cạnh học sẽ tốt hơn nhiều!

Những bức tường màu hồng trong các buồng được quét vôi lại thành màu trắng, còn những bức tường màu vàng trong lớp học thì thành màu xanh.

Sau khi sửa lại tất cả những gì người hiệu trưởng trước đã làm, sếp mới bắt tay vào thực hiện những ý đồ xây dựng độc đáo của mình.

– Lẽ nào một trường cao đẳng hiện đại mà lại không có bể bơi?

Mọi người đều thích ông hiệu trưởng mới.

– Con người này đúng là có năng khiếu. xây dựng!

Một bể bơi lớn được quyết định xây dựng ở chính giữa khu vườn. Người ta chở đến cát, sỏi, xi măng, sắt thép. Nhưng… đúng lúc đó ông hiệu trưởng được chuyển sang chức vụ khác, quan trọng hơn, và công việc xây bể bơi đành phải bỏ dở.

Ông hiệu trưởng mới được thay cũng là một người máu mê xây dựng. Những bức tường lại lấp lánh những màu sơn mới. Tầng hầm cũ lại trở lại thành nhà ăn. Gian nhà ở được cải tạo thành phòng chiếu phim. Những bàn học hai người lại bị dỡ bỏ đi.

– Đây là trường tiểu học hay sao?

Và thay cho các bàn học là những bàn làm việc.

Tất cả những thay đổi ấy không làm chúng tôi quan tâm lắm. Nhưng còn bể bơi thì sao đây? Phải, cái bể bơi mới lẽ ra đã có thể trở thành niềm tự hào của một trường cao đẳng hiện đại!

– Cái hố này là cái gì vậy? – Ông hiệu trưởng hỏi. – Còn cát sỏi, sắt thép ở đây để làm gì thế này?

– Thưa ngài, đây sẽ là bể bơi ạ.

– C-a-á-i g-i-ì? Bể bơi? Thật là điên rồ? Lấp ngay, lấp ngay tức khắc!

Và thế là bao nhiêu thứ bên cạnh hố: gạch, sắt thép, xi măng, – tất cả đều bay vèo xuống hố.

Những công trình xây dựng của người tiền nhiệm làm cho ông hiệu trưởng mới không hài lòng. Và ông quyết định phá bỏ hết.

– Những thanh niên thường không thể trở thành những công dân hữu dụng cho xã hội chỉ vì họ không biết nhảy. Đến những buổi vũ hội họ không sao khắc phục được sự nhút nhát của mình.

Một hôm ông hiệu trưởng nói và ra lệnh xây ngay một sàn nhảy ngay tại chỗ định xây bể bơi. Công việc bắt đầu được tiến hành. Người ta đổ đất lấp đầy bể bơi, sau đó san bằng và đổ bê tông rồi cho xe lu lăn nhẵn. Nhưng đúng lúc đang chuẩn bị đánh bóng lần cuối mặt sàn thì ngài hiệu trưởng lại được điều sang công tác khác, quan trọng hơn.

Người đến thay ông tỏ ra là một chuyên gia lớn về lĩnh vực xây dựng.

Ông bắt đầu từ những chiếc bàn trong phòng học.

– Ở đây là trường học hay sòng bạc vậy hả? Dẹp ngay những chiếc bàn này đi?

Những chiếc bàn to lại được thay bằng những chiếc bàn học trò hai chỗ.

Rồi những bức tường lại được sơn lại, màu vàng đổi thành màu hồng, màu hồng – thành màu trắng. Các phòng học, nhà ăn phòng ngủ được đổi chỗ cho nhau. Cuối cùng đến lượt sàn nhảy.

– Cái gì thế này? – Nhà chuyên gia xây dựng hỏi.

– Thưa, sàn nhảy ạ! Ngài hiệu trưởng cũ cho xây… Nhưng công việc chưa kịp hoàn thành…

– Cái gì?! Đây là sòng bạc, hay quán bar? Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các học sinh chậm phát triển như thế? Dẹp ngay, dẹp ngay tất cả!

Và sàn nhảy được phá bỏ.

– Điều cần nhất là một cơ thể cường tráng, – ngài hiệu trưởng dõng dạc tuyên bố. – Học sinh cần phải luyện tập thể dục.

Tại chỗ sàn nhảy người ta bắt đầu xây dựng một sân vận động nhỏ: một bên là sân chơi tennit, còn một bên là sân bóng rổ và vòng sắt của Thuỵ Điển. Người ta đào hố để chôn các cái xà và cột. Và công việc đang lúc khẩn trương nhất thì ngài hiệu trưởng lại được chuyển đi nơi khác.

So với ngài mới đến thì tất cả các hiệu trưởng trước đây đều không là cái gì? Ngay ngày đầu tiên vừa xem qua ngôi trường ngài hỏi ngay:

– Những chiếc xà với vòng này để làm gì đây?

Chúng tôi chưa kịp nói “Ông hiệu trưởng cũ định xây…” ngài đã ngắt lời và lớn tiếng yêu cầu:

– Dẹp những thứ rác rưởi này đi ngay?

– Thưa ngài, vâng ạ!

– Đây là trường học hay rạp hát đây? Cái trước tiên mà trường học cần là vườn hoa, công viên. Ở giũa thì có đài phun nước.

Rồi ngài hiệu trưởng mới – một thiên tài xây dựng – cho đập phá tất cả những gì mà bao nhiêu ông hiệu trưởng cũ xây nên, từ cái lớp vôi vữa cho đến bàn ghế. Công cuộc xây dựng lại bắt đầu từ đầu.

Người ta bắt đầu đào lên sân chơi thể thao mà việc xây dựng còn đang dở dang. Nhưng phải nói thật là công việc không đơn giản chút nào. Cứ mỗi lần định xây cái gì mới, – bể bơi, sàn nhảy, sân vận động người ta lại phải đổ nền bê tông cho nó. Người ta thử dùng mìn để phá – kính bay loảng xoảng, nhưng vẫn không ăn thua. Khi đó người ta phải cho chở đến những chiếc búa máy điện. Cũng vẫn không được. Việc đào chỗ này hoá ra còn khó hơn cả khoan tìm dầu mỏ. Cuối cùng người ta đành đổ đất lên mặt bê tông rồi rắc phân lên trên. Sau đó chở đến các loại cây, cỏ và hoa. Một ngôi vườn tuyệt đẹp mọc lên. Nhưng cũng không đem lại điều gì. Công việc phải dừng lại vì ngài hiệu trưởng – chuyên gia xây dựng – được chuyển đi chỗ khác, và thay vào đó là vị hiệu trưởng mới, cũng là nhà xây dựng. Ông hiệu trưởng mới lập tức trổ tài ngay. Nhìn thấy trên mặt đất xếp thành dãy những cây thông, cây cọ, từng đống phân, đống đất bùn, ngài quát ầm lên:

– Sao lại bừa bãi thế này được! Theo các anh, chỗ này là cái gì, vườn bách thú hay lâm trường?

Sau đó, hơi nguôi một chút, ngài nói thêm:

– Dọn sạch ngay tất cả đi! Chỗ này sẽ là sân trượt băng.

Khi người ta lát đá mặt sân để làm sân trượt, thì chúng tôi tốt nghiệp. Vào giờ phút long trọng trao bằng tốt nghiệp thì phần nền của sân được trải bê tông.

Sau khi rời trường tôi không biết những vị hiệu trưởng tiếp theo đã làm những gì. Từ đó đến nay đã được đúng hai mươi mốt năm.

Trường tôi có một truyền thống là mỗi năm vào dịp làm lễ ra trường cho học sinh người ta đều tổ chức Hội trường. Người ta mời về dự Hội trường cả những người đã tốt nghiệp các khoá trước. Như vậy các thế hệ già và trẻ được làm quen với nhau.

Xảy ra một chuyện là một người bạn cùng lớp ngày xưa với tôi đã trở thành hiệu trưởng của trường. Tôi cảm ơn anh ta đã nhớ đến tôi và mời tôi về dự buổi dạ hội truyền thống.

Chúng tôi thích thú đi tham quan ngôi trường đã hai mươi mốt năm nay chưa được nhìn lại. Ông hiệu trưởng, bạn tôi, giải thích cho các quan khách:

– Khi tôi được phái về đây, lớp học ở tầng trên, còn nhà ăn ở tầng dưới. Nhưng từ các cửa sổ tầng trên nhìn ra phong cảnh rất đẹp nên làm sao nhãng sự chú ý của học sinh. Vì thế tôi cho chuyển các lớp học xuống tầng hầm, còn nhà ăn đưa lên tầng trên. Ngoài ra tôi còn đổi lại vị trí của phòng thí nghiệm và phòng ngủ. Những phòng toalét kiểu Thổ Nhĩ Kì được tôi sửa lại theo kiểu Âu châu. Còn sơn vôi thì…

Đã đến giờ ăn trưa, cũng hệt như cách đây hăm mốt năm, một hồi chuông réo vang. Rồi một cảnh tượng hỗn loạn xảy ra. Những người tốt nghiệp thuộc các khoá khác nhau bổ đi mỗi người một ngả để tìm nhà ăn. Người thì chạy nhầm vào phòng ngủ, người thì chạy nhầm vào lớp học. Tôi thì đâm đầu vào nhà xí! Vì không biết một vị hiệu trưởng nào đó nảy ra ý nghĩ biến cái nơi vốn là nhà ăn thời tôi còn đi học thành nhà vệ sinh! Cuối cùng khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được nhà ăn. Sau bữa tiệc chiêu đãi ông hiệu trưởng nói với các học sinh mới tốt nghiệp:

– Các bạn trẻ của tôi! Nền văn minh tiến bộ lên là nhờ bàn tay những nhà xây dựng. Mỗi con người có giáo dục trân trọng gìn giữ tất cả những gì đẹp đẽ, cần thiết đã được tạo dựng nên từ trước khi có anh ta, sau đó anh ta đưa tất cả những cái đó đến trình độ hoàn thiện hơn nữa và chuyển giao lại cho bàn tay của những người khác. Văn minh, văn hoá cứ thế được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và như thế chúng ta sẽ góp phần làm cho văn minh ngày càng tiến bộ. Hãy đưa đất nước chúng ta tiến lên phía trước! Hỡi các đồng nghiệp trẻ của tôi! Nếu chúng tôi biết cách truyền cho các bạn lòng khao khát đối với công cuộc xây dựng, thì coi như chúng tôi đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của mình. Hãy trở thành những nhà xây dựng? Chúc tất cả các bạn thành công!

Lời phát biểu của ông hiệu trưởng được đón nhận bằng một tràng vỗ tay như sấm.

Sau đó chúng tôi tham quan “Phòng của những người vẻ vang”. Trên tường là những bức ảnh chụp cả người được phóng to của những người đã hoàn thành một việc gì có ích cho trường chúng tôi kể từ ngày nó được thành lập. Dưới mỗi bức chân dung là chữ ký phóng to của người đó.

Chúng tôi lần lượt đọc tất cả các chữ ký và được biết rõ ngay người nào đã làm cái gì:

Ngài Xaid – Người đầu tiên cho xây bể bơi ở trường.

Ngài Giêlian – Người đầu tiên cho xây sàn nhảy cho học sinh.

Ngài Rukhi đáng kính – Người đầu tiên thiết kế cho nhà trường một cái sân để học sinh tập ném tạ.

Ngài Rêgiati đáng kính – Người đầu tiên xây một công viên ngay trong trường.

Quý Ngài Akhmet – người đầu tiên xây cho trường một sân trượt băng. Và cứ thế kể về tất cả các vị hiệu trưởng, không thiếu một ai. Khi chia tay với tôi ông hiệu trưởng bạn tôi đưa ngón tay chỉ vào một khu đất xây dựng và nói:

– Vị hiệu trưởng trước tôi, cầu trời cho ông ta sức khoẻ, định xây ở chỗ này một sân đá bóng! Anh thử nghĩ xem, đây là chỗ nào – trường cao đẳng hay câu lạc bộ bóng đá?

– Thế anh định xây gì ở đây? – Tôi hỏi ông.

– Thú thực tôi cũng chưa quyết định dứt khoát. Cần phải xây một cái gì đó thật là… Anh có ý tưởng gì không?

– Có, tôi nói. – Nếu anh cho dựng ở giữa vườn hoa tượng của tất cả các vị hiệu trưởng đã lãnh đạo trường, thì một mặt, anh đã trả được cái nghĩa đối với họ, còn mặt khác – đó sẽ là điều giáo huấn đối với thế hệ trẻ?

Chúng tôi chia tay. Anh bạn tôi đã tiếp thu ý kiến của tôi một cách hết sức nghiêm túc. Ông đã cho đặt các bức tượng. Và khi đến lướt bức tượng của vị hiệu trưởng cuối cùng, tức bản thân ông, thì ông được điều sang công việc khác. Tôi nghe nói vị hiệu trưởng mới thay ông đã cho phá bỏ tất cả các bức tượng và xây dựng một nhà thờ.

Ông có xây xong được cái nhà thờ ấy không, hay mới xây được một nửa thì lại bị chuyển đi nơi khác – điều đó đến nay tôi vẫn chưa biết.