Người thay cả dàn nhạc

Có những người mà mỗi ngón tay của họ là một nghề. Các ngón tay của tôi thì không có khả năng gì đặc biệt. Tuy vậy, tôi không muốn nói sai sự thật, – khi có cơ hội thì ở một đám đông nào đó chúng cũng có thể véo trộm mông đàn bà. Nhưng cái biệt tài đó không đem lại cho tôi cái gì, ngoài những cái tát.

Tôi chỉ nắm được một nghệ thuật duy nhất. Những nhạc cụ của tôi là mũi và lưỡi.

Tôi biết dùng mũi bắt chước giống hệt tiếng kèn zurna, còn vừa dùng lưỡi vừa dậm chân tôi có thể bắt chước cả một dàn trống. Về lĩnh vực này thì không ai có thể bì được với tôi.

Song, không dễ gì kiếm ăn được bàng cái kèn mũi và cái trống miệng. Rất tiếc là do trình độ và thẩm mỹ âm nhạc của người ta không được cao lắm. Và, giống như bất cứ nhà nghệ sĩ không được thừa nhận nào, tôi thường xuyên bị đói.

Tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi để xin việc!

Người ta hỏi tôi:

– Thế anh biết làm gì?

Tôi không thể trả lời như mọi người khác: ”Tôi có thể làm bất cứ việc gì ông giao”.

Mỗi người cần có việc làm. Nhưng tôi là người ủng hộ sự phân công lao động. Và tôi cho rằng, nếu năng khiếu của tôi là thổi kèn bằng mũi và đánh trống bằng mồm thì như thế đã là đủ lắm rồi.

Nhưng tôi cứ vừa mở miệng nói ”thưa các vị, tôi có thể thổi kèn bàng mũi!” là lập tức mọi người cười rộ lên, chế giễu.

Thấy vậy tôi bèn nói:

– Các vị cứ cho phép tôi thử biểu diễn đã, rồi hẵng phán xét!

– Được, thế thì làm đi, – họ bảo: Lúc đầu tôi trình bày theo kiểu ứng tác. Thỉnh thoảng tôi lại gõ vào ”cái trống” của mình. Các thính giả của tôi hết sức thán phục. Nói các bạn có lẽ không tin, nhưng có bao nhiêu các vị quan chức với những khuôn mặt to bự nghiêm túc trong lúc nghe tôi chơi đã hưng phấn cao độ. Họ cởi cả quần áo và bắt đầu uốn éo lắc lư nhảy điệu nhảy của cái bụng.

Và các bạn có biết sau khi nghe tôi thổi ”kèn” họ nói gì không? Họ bảo tôi:

– Chà, chà, nếu con người này sống ở Châu Âu hay ở Mỹ chắc chắn anh ta sẽ thành tỉ phú.

Ở nước ta người ta an ủi những người đó như vậy.

Hóa ra, chỗ của chúng ta không phải ở quê hương mình, mà ở Châu Âu hay ở Mỹ. Té ra Đấng tạo hóa đã sinh ra hai loại người. Một loại là người Châu Á và Châu Phi, còn lại kia là người Châu Âu và người Mỹ. Và bởi vì người anh em đói của chúng ta được xếp vào hoại hai nên chúng ta không thể tìm được chỗ cho mình trong cuộc sống. Dù chúng ta có làm nên những điều kỳ diệu đến đâu chăng nữa chúng ta vẫn không có việc làm.

Thế rồi họ thưởng cho tôi một tràng vỗ tay hào phóng, vào dúi vào tay tôi dăm ba xu và đuổi tôi đi.

Bây giờ chắc các bạn đã hiểu tôi đã chịu bao nhiêu đau khổ vì nghệ thuật. Và giá như không gặp một ông chủ có trái tim rất nhân hậu, một người biết đánh giá nghệ thuật, tôi đã phải sống vất vưởng cho đến cuối đời như một anh nhạc công nghiệp dư, thổi kèn bằng cái mũi của mình.

Tôi làm quen với ông ta trong một sân khấu ứng tác, nơi một thời gian tôi phải thay thế cả một dàn nhạc. Các bạn ngạc nhiên ư?

Phải, tôi đã thay thế cả một dàn nhạc, bắt chước kèn và trống. Nhưng nhiệm vụ của tôi không phải chỉ có thế: tôi phải ra sân khấu, hát các ca khúc và còn phải nhảy trong bộ váy đàn bà nữa. Ngoài ra, tôi còn phải ngồi bán vé, phải kê phông màn, tháo dỡ lều rạp. Nếu có diễn viên nào bị ốm, tôi còn phải nhận đóng cả vai của anh ta.

Một lần chúng tôi dựng vở ”Hămlet” của Sêchpia. Tôi được giao đóng vai Hămlet. Nhưng người ta không báo trước cho tôi biết là chúng tôi sẽ diễn vở Hămlet. Cũng có thể người ta đã báo nhưng tôi quên mất. Trước đó một ngày chúng tôi đang diễn vở ”Người bán đậu rang ở thành Khôkhorơ”, và tôi cứ tưởng sẽ tiếp tục diễn vở này. Thế là khi đến lượt tôi, tôi bước ra sân khấu với trang phục của người bán đậu rang thành Khôkhorơ, tôi vừa thổi kèn vừa đánh trống. Bỗng tôi nhìn cảnh bài trí và các diễn viên khác: chúng tôi đang ở nước Đan Mạch, trong cung điện nhà vua, nghĩa là, chính tôi là hoàng tử Đan Mạch. Thoạt tiên tôi rất lúng túng không biết làm gì. Nói chung là – tồn tại hay không tồn tại? Sau phút bối rối tôi quyết định: một khi vở diễn đã bắt đầu trước khi tôi bước ra thì phải đóng vai Hămlet thôi. Và nàng Ôphêlia đã đứng trước mặt tôi, do Êlêna, bà vợ to béo của ông Khristôs chơi đàn viôlông mặc chiếc váy nilông của con gái, đóng. Bộ ngực của bà rất to và sau chiếc váy mỏng nilông chật căng, cặp vú của bà hằn lên như cái chảo đồng mà ở nước ta người ta hay mua tặng đám cưới.

Tôi bắt đầu phần độc thoại của Hămlet:

– Ta sẽ thay cha ta trả thù bà hoàng hậu đã mất danh dự này, tức mẹ của ta. Ta là hoàng tử Hămlet! Và vụ án về cái chết bí mật của cha ta sẽ không bao giờ nằm trong hồ sơ với dòng chữ ”Những vụ án không tìm ra”. Ta sẽ viết đơn gửi Phòng giám định pháp y yêu cầu người ta cho khai quật tử thi của cha ta lên và sẽ khám phá ra bí mật của vụ giết người độc ác này. Và ta sẽ bắt ông chú sát nhân của ta giao cho cảnh sát.

Sau khi nói hết đoạn độc thoại đó, tôi gào to:

– Ôphêlia!. .. Ôphê-ê-li-a!. Ôphê-ê-li-a! …

Người nhắc vai nói khẽ:

– Này, cảnh sát đã nhắc nhở là vào giờ này những người bán hàng rong bị cấm hét to.

Nhưng tôi đã lao vào vòng tay của bà béo Êlêna.

Khán giả không thích tôi trong vai Hămlet. Có những tiếng la ó.

– Chúng tôi muốn nghe kèn cơ! Nghe kèn cơ! …

Những tiếng la hét khiến ông chủ chúng tôi giận điên người. Ông ra lệnh hạ màn và rít lên:

– Này, chàng trai, đây là sân khấu! Chắc anh tưởng anh đang ở cuộc mít tinh ngoài phố và muốn nói bất cứ cái gì nảy ra trong đầu thì nói đấy phỏng?

Rồi ông ta đuổi việc tôi ngay lập tức.

Quả thật. Khi người ta còn đang làm việc thì anh ta còn có thể vay tiền người này người khác. Nhưng ai dám cho một anh thất nghiệp vay tiền? Sau khi gói ghém chiếc quần của bộ quân phục mà tôi mặc ra sân khấu đóng vai Hămlet tôi bước ra khỏi nhà hát. Những kẻ ăn không ngồi rồi chỉ vào tôi bảo nhau:

– Có nhìn thấy không? Anh ta là nghệ sĩ đấy. Cái mũi của anh ta đúng là một cái kèn thực sự.

Có một người tiến lại gần tôi.

– Thưa ngài, – ông ta nói, – tôi muốn thưa chuyện với ngài.

Tôi đáp:

– Tôi không có thời gian. Những người muốn nói chuyện với tôi nhiều lắm. Ông phải xếp hàng chờ.

– Nhưng tôi có việc rất quan trọng muốn nói với ngài! – Ông ta năn nỉ.

– Nếu vậy hãy cho tôi điếu thuốc. Phải rít vài hơi thuốc tôi mới tỉnh táo được.

Ông ta đưa cho tôi điếu thuốc lá thơm. Chúng tôi ngồi lên ôtô của ông ta và ông ta đưa tôi đến một nhà máy lớn. Chúng tôi bước vào một văn phòng bài trí rất sang trọng. Ở đó đẹp đến nỗi tôi phải thốt lên:

– Đây mới đúng là nơi ”Hămlet”!

Người lạ mặt nói:

– Chúng ta hãy bàn ngay công việc. Tôi là chủ của nhà máy này.

– Lẽ ra ông phải báo trước cho tôi, – tôi đáp với giọng hơi bối rối, – ít ra là để tôi biết cách ứng xử.

– Không quan trọng, tôi là người dân chủ và tôi không coi trọng những chuyện như vậy, – người nói chuyện với tôi đáp.- Cậu hãy để tôi nói đây, – ông ta nói thêm, tự dưng chuyển sang xưng hô “cậu”. – Tôi là nhà doanh nghiệp, nhưng tôi không chèn ép quyền của ai cả.

– Chà, chà! Nghĩa là ông chịu đói.

Ông ta tức giận:

– Ngu ngốc! Tôi nói cho cậu biết, tôi là người phản đối sự bóc lột. Nếu cậu muốn cậu có thể hỏi bất kể người công nhân nào.

Chúng tôi xuống phân xưởng, tôi ngăn một người công nhân đầu tiên tôi gặp:

– Này, anh hãy nghe ông chủ anh nói gì!

– Ông chủ nói hoàn toàn đúng sự thật, – anh ta khẳng định: – Ở đây một ngày chúng tôi được nhận lương cao gấp đôi so với công nhân các nhà máy khác. Mỗi năm chúng tôi được nghỉ phép một tháng vẫn có lương. Nhân dịp năm mới và các ngày lễ khác đều có thưởng.

– Thế mới tuyệt vời chứ! – Tôi thốt lên với vẻ hoàn toàn bối rối.

Khi chúng tôi quay trở lại văn phòng, tôi hỏi:

– Ông là một người tâm thần hay một kẻ ngốc?

– Cả hai đều không phải, – ông ta đáp. – Tôi biết tôi đang làm gì.

– Vậy ông hãy kể cụ thể hơn, – tôi yêu cầu.

– Anh hãy nghe đây. Trước kia ở nhà máy tôi có ba trăm công nhân. Chắc anh cũng hiểu, họ được ít lương. ”Thế nào, nếu tôi tăng lương cho các anh mười phần trăm, thì các anh sẽ được bao nhiêu?” – Tôi hỏi. ”Được gấp đôi”, – họ đáp. Vậy là tôi giảm số công nhân xuống còn hai trăm. Năng suất nhà máy tăng lên gấp đôi. Tôi lại hỏi công nhân: ”Thế nếu tôi tăng lương cho các anh thêm mười phần trăm nữa, các anh sẽ làm bao nhiêu? – ”Làm gấp đôi”- Họ đáp. Tôi lại cho năm mươi công nhân nữa thôi việc. Năng suất tăng lên gấp bốn lần. Cuối cùng nhà máy chỉ còn lại hai mươi nhăm công nhân. Họ được một tháng nghỉ phép ăn lương, nhận được tiền lương nhiều hơn nhiều so với các nhà máy khác, còn tôi thì kiếm được nhiều gấp mười.

– Vậy ông muốn gì ở tôi?

– Tôi giải thích đây…. Bây giờ thì không thể giảm số công nhân được đi nữa. Và tôi muốn tìm mọi cách tăng năng suất lao động. Trong tất cả các nhà xưởng đều sạch một cách lý tưởng và trong các phân xưởng sạch sẽ công nhân sẽ làm việc tốt hơn. Các cửa sổ lúc nào cũng mở. Khi càng sáng sủa thì năng suất càng cao hơn. Sau đó, như anh biết đấy màu sắc khác nhau cũng có tác động khác nhau. Các màu xanh và trắng làm dịu mắt và dễ ngủ, vì thế các bệnh viện thường quét vôi xanh và trắng. Màu đen gây cảm giác nặng nề. Màu hồng và vàng dễ làm người ta sao lãng công việc. Màu đỏ và xanh lá cây làm người ta hồi hộp, máu sẽ chảy nhanh hơn trong huyết quản. Vì thế các phòng ngủ thường quét vôi đỏ. Tất cả các phân xưởng tôi cũng cho quét vôi màu này. Và năng suất lao động đã tăng lên gấp đôi.

– Nhưng cuối cùng ông muốn gì ở tôi?

– Anh biết đấy, tôi là người phản đối sự bóc lột. Nhưng tôi cần nâng cao hơn nữa năng suất lao động. Muốn vậy tôi phải thỏa mãn nhu cầu của công nhân về âm nhạc. Khi nghe nhạc người ta tự nhiên làm việc hăng hái hơn nhiều. Từ trước đến nay tại nhà máy tôi vẫn có một dàn nhạc, nhưng để nuôi họ tốn kém quá.

– Thế sao ông không mua một cái máy quay đĩa và cho mắc loa vào tất cả các xưởng?

– Âm thanh của nó có cái gì cơ khí. Nó tác động tới thần kinh con người, cản trở làm việc. Âm thanh phải tự nhiên cơ!

– Tuyệt lắm! Tôi đồng ý…

– Chỉ có một điều kiện: không được chơi nhạc trong nước. Anh biết chơi các bản nhạc phương Tây không?

– Còn phải nói!

– Anh hãy chơi thử cho tôi nghe một bản rapxôđia của Hungari xem nào!

Với cái mũi làm kèn và cái bụng làm trống tôi biểu diễn bản rapxôđia. Ông chủ hết sức kinh ngạc.

– Tuyệt vời, – ông nói. – Nhưng chỉ có trống và kèn không thì ít quá. Hai tay anh cũng phải làm việc. Như thế thôi sẽ tăng gấp đôi lương cho anh.

– Được, – tôi đồng ý… Tay phải tôi sẽ vỗ vào bụng, như một cái trống.

– Tuyệt! thế nhưng hai cái chân anh không làm việc à?

– Tôi sẽ gõ gõ hai đế giày như gõ đĩa.

– Tốt! Còn gì nữa!

– Còn gì nữa ấy à? Còn …còn …. khoan! Tôi nghĩ ra rồi! Tay trái tôi còn rỗi. Tôi sẽ vỗ vỗ vào mông để đánh nhịp.

– Còn gì nữa?

– Nhưng tôi phải để lại cái gì cho minh chứ?

– Thôi được. Như vậy là anh sẽ thay thế một dàn nhạc sáu nhạc công. Nếu tôi thuê một dàn nhạc như vậy tôi phải trả ít nhất hai trăm lia một ngày. Mà anh thì chắc sẽ đồng ý với năm mươi lia chứ?

– Rất cám ơn! Tôi thậm trí chưa bao giờ kiếm được năm mươi lia một tuần.

– Nếu vậy coi như ta đã thỏa thuận. Anh thấy đấy, tôi trả lương cho công nhân cao gấp hai, gấp ba lần các nhà máy khác. Nhưng vấn đề không phải ở tiền. Tôi không tiếc điều gì miễn sao năng suất lao động của công nhân được nâng cao. Hãy nói xem anh cần gì? Tôi sẽ quét vôi buồng anh màu xanh lá cây nhé? Hay màu đỏ? Đặt may cho anh bộ quần áo mới nhé? Sai người mang rượu đến nhé?

Tôi nhìn chằm chằm vào mặt ông chủ tốt bụng và nói:

– Tôi không cần ông làm gì cả. Tôi chỉ yêu cầu một điều: Nếu ông muốn khích lệ tôi làm việc, hãy thực hiện yêu cầu của tôi và hãy coi như chúng ta đã thỏa thuận.

– Nhưng anh yêu cầu gì?

– Tôi không muốn nhìn thấy cái bản mặt của ông. Có thế thôi.

Ông chủ reo lên sung sướng:

– Đồng ý – ông thét lên. – Nào, bây giờ hãy biểu diễn kèn đi!

THÁI HÀ dịch