Chỉ vì sơ ý

Anh ta đang đứng ở bến ô tô buýt, trước cổng ngôi nhà của Bộ và đợi ai đó.

Từ trên ô tô buýt bước xuống một người đàn ông đeo kính và mặc áo măng tô nâu. Hai người ôm nhau. Đó là những người bạn cũ. Đã lâu lắm họ không gặp nhau.

Rồi những tiếng kêu vang lên:

– Ô-ô-ô!

– U-u-u!

Tiếp đó là:

– Cậu thế nào?…

– Không sao, còn cậu?

– Có gì mới không?…

– Lạy thánh Ala…

– Bọn mình vẫn sống bình thường…

Người đeo kính và mặc áo măng tô nâu bắt đầu mời bạn mình đến chơi.

– Đến thì đến, – người kia nói. – Nhưng mình đang đợi một người bạn. Chờ anh ta ra chúng ta cùng đi.

– Các cậu hẹn gặp nhau ở đây à? – Người đeo kính hỏi.

– Không, chúng tôi đi cùng nhau. Anh ấy có chút việc ở Bộ, phải ghé vào đó… Chỉ năm phút nữa sẽ ra thôi.

– Ồ, cậu đợi vô ích thôi. Anh ta sẽ không ra đâu.

– Sao lại không ra? Nhất định sẽ ra mà!

– Tớ cam đoan với cậu, anh ta không ra ngay được đâu

– Cậu biết anh ấy à? – Người bạn tò mò hỏi.

– Không biết. Nhưng chắc chắn anh ấy không ra ngay được đâu.

– Sao cậu có thể nói như thế về người mà cậu không biết?

– Anh ta sẽ không ra. Không cần biết anh ta tớ vẫn có thể khẳng định được điều đó.

– Nhưng tại sao anh ấy lại không ra? Anh ấy bước vào trong cái cổng này mà. Anh ấy lừa tớ để làm gì?

– Tớ không bảo là anh ấy lừa. Nhưng bất cứ người nào hễ bước qua cổng một cơ quan nhà nước thì đều…

– Anh ấy sắp ra ngay bây giờ đây này.

– Cậu đừng chờ, không ra đâu. Cho đến hết giờ làm việc anh ấy không ra đâu.

– Anh ấy là người giữ lời hứa lắm. Rồi cậu sẽ thấy.

– Cậu hãy tin mình đi, anh ấy không thể ra được mà!

– Nghĩa là, cậu cho rằng, trong lúc mình đang đứng chờ ở đây, thì anh ta đang ba hoa tán phét với một người quen nào đó? Nhưng, thứ nhất, anh ta không có ai quen ở Bộ này cả, thứ hai, anh ấy không phải loại người thích ba hoa tán phét.

– Cậu bảo anh ấy ghé vào Bộ có việc phải không?

– Đúng. Nhưng đó là việc đã được giải quyết rồi. Anh ấy chỉ rẽ vào lấy tờ quyết định đã được kí. Có thế thôi. Anh ấy chỉ vào văn phòng nhận tờ quyết định rồi ra thôi.

– Thế là rõ rồi. Cậu có thể đừng chờ anh ta nữa, nếu không cậu sẽ phải đứng đây cho đến hết ngày làm việc.

– Tớ đã nói với cậu là công việc đã được giải quyết rồi mà. Anh ta chỉ việc đến nhận tờ giấy ở văn phòng rồi về thôi.

– Không về được đâu, anh bạn ơi. Việc đó ngoài thẩm quyền của anh ta.

– Nhưng vấn đề đã giải quyết xong rồi mà! Còn nếu như gặp chuyện quan liêu phiền phức anh ấy cũng chẳng đợi đâu.

– Tớ thề có thánh Ala là anh ấy không ra ngay đâu. Thôi, ta đi thôi.

– Như thế không tiện.

– Cách đây không lâu tớ có việc phải ghé vào một công sở. Mà thật ra cũng chẳng có việc gì quan trọng… Tớ có một anh bạn quen làm việc ở đấy. Tớ ghé vào để mời vợ chồng anh ấy tối đến nhà tớ ăn cơm. Sau khi đã thỏa thuận xong xuôi mọi việc, tớ bước ra khỏi văn phòng, đi xuống cầu thang, bỗng nhiên tớ lạnh cả người. Tớ sờ tay lên đầu, không thấy cái mũ ở đó. Tớ nhớ lại: trước khi vào phòng anh bạn quen tớ treo cái mũ lên cái mắc áo ở ngoài hành lang. Khi ra về tớ chỉ mặc áo măng tô, mà quên mất cái mũ. Thề có thánh Ala, tớ chưa bước chân ra khỏi cơ quan, mới chỉ xuống có ba bậc thang. Tóm lại, tớ quay lại ngay chỗ giá treo áo, nhưng cái mũ đã biến mất. Chó thật? Không có cái mũ tớ không dám đi đâu cả. Đi đâu mà không có mũ tớ bị sổ mũi ngay. Hơn nữa đó lại là cái mũ Italia. Hiện nay có đốt đuốc soi cả ngày cũng không kiếm đâu ra cái mũ như thế. Đó là cái mũ của ông bố vợ tớ đi Italia về cho tớ. Tớ mới đội chưa được một tuần.

Tớ cứ chạy từ đầu hành lang này đến đầu hành lang kia: “Trời ơi, cái mũ của mình đâu rồi!”. Những người đến cơ quan cứ nhìn tớ mà cười. Làm sao họ hiểu được?! Còn tớ thì ngay lập tức bắt đầu sổ mũi. Vì thậm chí khi ở nhà, lúc nằm trên giường hay đi lại trong nhà tớ lúc nào cũng phải có cái mũ chụp vào đầu.

Tớ cứ vừa chạy khắp hành lang vừa hắt hơi. Mọi người cứ cười lăn ra. Một lũ vô lương tâm! Thú thực, chính tớ cũng hiểu cái cảnh ngộ tức cười của mình, nhưng tớ làm sao mà cười được.

Tớ chạy vào phòng anh bạn quen, hắt hơi rõ to rồi kêu lên:

– Không may rồi, bạn ơi! Tôi không may rồi! Cái mũ mất rồi!

– Khoan, cậu cứ bình tĩnh, chúng ta sẽ tìm thấy ngay thôi. – Anh ấy an ủi tôi.

Sếp của anh bạn tôi, cũng ngồi trong phòng đó, có vẻ cáu:

– Thưa ông, ông đừng quên là ông đang ở trong công sở! Ở đây không cái gì có thể mất được!

Lạy trời, chả lẽ tớ còn không biết các công sở của ta là như thế nào hay sao?! Mất thì không mất, chỉ có điều là tìm không thấy thôi! Còn nếu có thấy, thì cũng không dễ gì mà nhận lại được!

Tớ và anh bạn quen đi ra hành lang. Anh ấy gọi người bảo vệ đến hỏi:

– Ở đây ban nãy có treo cái mũ. Nó đâu rồi?

– Cái mũ ấy ạ?… Màu xanh lá cây phải không ạ?

– Phải rồi, phải rồi, màu xanh lá cây… – Tôi mừng quá.

– Chiếc mũ có lông, đúng không ạ?

– Đúng là có lông, người anh em ạ!

– To bằng ngần này, đúng không ạ?

– Phải, phải, to như thế…

– Có dải lụa đen phải không ạ?

– Chính xác!

Tại hành lang xuất hiện sếp của anh bạn tôi.

– Ông bạn thấy chưa? Tôi đã nói rồi mà. Ở công sở một cái kim cũng không thể mất được. Đừng nói cái mũ, mà đến cả hộp nữ trang cũng không ai lấy cả.

Người bảo vệ tại tiếp tục:

– Vành mũ hơi cong lên phải không ạ?

– Hơi cong, hơi cong, đúng rồi bác ạ!

– Phía trên đỉnh hơi bóp vào?

– Hoàn toàn đúng.

– Và có hai lỗ nhỏ cho thoáng khí?

– Phải, phải, có hai lỗ thoáng khí! Ôi, láy chúa bác làm ơn nói cho biết nó đang ở đâu đi!

– Tôi đã giao nó cho ông Vitgiani. Tôi cứ ngỡ có ai bỏ quên.

Tôi chạy đến gặp ông Vitgiani.

– Xin ông giúp cho,… – Vừa nói được đến đó tôi bắt đầu hắt hơi một chập như một tràng pháo liên thanh. Mấy bức tường rung lên như sắp đổ. Hiện nay ở nước ta người ta xây những ngôi nhà như thế này: anh chỉ cần nói nhỏ một tiếng thôi là âm thanh dội vào mấy bức tường và trần nhà vọng lại thành tiếng sấm vang khắp căn phòng. Ông Vitgiani quay sang hỏi cô đánh máy:

– Hồ sơ của cái mũ tìm thấy đâu rồi?

– Tôi chuyển cho phòng đăng kí rồi ạ, – cô gái đáp.

– Cái gì? – Tôi kêu lên. – Các vị lập hồ sơ về cái mũ của tôi thế nghĩa là gì?

Ông Vitgiani tức giận:

– Sao anh khéo bày ra cái chuyện mất mũ thế?! Anh lôi chúng tôi vào các công việc mất thì giờ này!… Sau đó lại tỏ ra ngạc nhiên tại sao chúng tôi phải lập hồ sơ cho nó. Vì cái mũ được tìm thấy ở hành lang. Theo anh, chúng tôi cần phải làm thế nào?

Tôi nói với cô gái:

– Này, cô ơi… – rồi hắt hơi một cái mạnh đến nỗi làm giấy tờ trên bàn cô ta bay tứ tung khắp phòng.

– Trời ơi! – Cô gái kêu lên rồi nói giọng như khóc: – Suốt buổi sáng tôi vừa sắp xếp lại đống hồ sơ, bây giờ ông làm rối tung hết rồi. Bây giờ làm sao đây?!

Mọi người tức giận vì tôi đã hắt hơi không đúng lúc.

– Thánh Ala ơi! Này, cô cháu ơi, tôi đâu cố ý. Hắt hơi cứ như là mệnh lệnh của Sultanấy. Lúc muốn hắt hơi cô cứ thử nhịn xem!

– Thế ông không thể lấy khăn che miệng được hay sao?

– Ôi, cô bé ơi, nhưng hắt hơi đâu phải như người khách đến gõ cửa và nói: “Xin lỗi, tôi đến rồi đây…” Nó ập đến bất ngờ như viên thanh tra ấy chứ.

Cô gái bới tìm trong đống giấy rơi tứ tung dưới đất bản sao hồ sơ về cái mũ của tôi. Đó là một mẩu giấy nhỏ màu hồng. Bản chính thì được ghim vào mũ và đã gửi đến phòng đăng kí vào sổ, ở đây còn lại bản sao. Tôi liếc nhanh mấy dòng chữ. Tại góc trên bên phải có đánh máy: “Nội dung công văn: về chiếc mũ màu xanh lá cây, có lông, có dải băng đen và hai lỗ thoáng khí, tìm thấy ở giá treo mũ ngoài hành lang.”

Cô gái tìm trên đống giấy một con số nào đó và đưa cho tôi:

– Đến phòng đăng kí mà tìm.

Tôi chạy ngay đến gặp nhân viên phòng vào sổ.

– Xin 1ỗi, tôi đến mấy cái mũ…

– Số?

– Số năm mươi chín?

Anh nhân viên tìm một lúc trong cuốn sổ, cuối cùng hỏi:

– Về việc trả tiền nợ công tác phí phải không?

– Nợ nào, ông bạn? Công tác nào? Cái mũ của tôi, màu xanh lá cây, có hai lỗ thoáng khí…

Anh nhân viên tức giận.

– Tôi không có thì giờ quan tâm đến những cái lỗ trên mũ! Hãy nói số đi!

– Năm mươi chín, người anh em ạ…

– Dưới cái số này ghi nợ công tác phí đây thôi!

– A, trời ơi! Hóa ra anh hỏi không phải số mũ. Vậy mà tôi cứ tưởng… Phải, phải. Tôi xin lỗi. Đây, số công văn đây.

Anh nhân viên lại lật giở những cuốn sổ đăng kí.

– Cái này phải không?… Về cái mũ màu xanh lá cây, có lông, có dải lụa đen và hai lỗ thoáng khí, tìm thấy ở mắc treo áo ngoài hành lang?

– Phải, đúng rồi. Cầu thánh Ala ban thưởng cho anh! Thế là cuối cùng cũng tìm ra.

Anh nhân viên ngắt lời tôi:

– Đã gửi đến ông chánh văn phòng để lập biên bản.

Tôi chạy đến gặp anh bạn quen.

– Này, ở đây cậu có người che chở nào không?… Nghĩa là, có người nào có thế lực ấy, cậu hiểu không?

Cần phải cứu lấy cái mũ.

Anh bạn quen dẫn tôi đến ông phụ trách phòng các việc đặc biệt.

Ông này gọi ông chánh văn phòng đến:

– Tại sao không trả cho ngài đây cái mũ của ông ấy?

– Ai không trả? – Viên chánh văn phòng nổi cáu. – Ai cần đến cái mũ của ông ấy! Số năm mươi chín! Tất cả chúng tôi chả ai đầu to như thế. Đội vào có mà chụp đến tận mắt!

Đã có bao nhiêu chuyện như thế rồi họ còn làm nhục cái mũ của tôi! Đến đây tôi lại hắt hơi. May mà tôi kịp quay mặt vào tường, chứ không bao nhiêu giấy tờ trên bàn lại bay khắp phòng.

– Chúng tôi đã lập biên bản về nó, – ông chánh văn phòng tiếp – Ghim vào mũ và đã gửi đến phòng số 2.

– Ông hãy đến phòng số 2 mà nhận cái mũ của mình, – ông phụ trách phòng đặc biệt bảo tôi.

– Việc này đã không còn thuộc trách nhiệm chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ ngâm việc gì lâu. Có việc gì là chúng tôi làm cái thủ tục cần thiết và gửi đi ngay.

Giá đó là cái mũ trong nước sản xuất tôi đã nhổ toẹt vào. Nhưng đây là mũ Italia, hơn nữa lại là quà của ông bố vợ tặng. Loại mũ này bỏ ra hai trăm lia cũng không kiếm được!

Tôi thất thểu tìm đến phòng số 2. Ở ngoài cửa có một đám đông đang đứng xếp hàng, không thể nào lách qua được. Người nào cũng kể cho người bên cạnh nghe nỗi khổ của mình. Còn nỗi khổ của tôi là cái mũ.

– Ông phải đi lại đã lâu chưa? – một ông xếp hàng trước tôi hỏi.

– Từ sáng…

– Về việc gì?

– Về cái mũ, – tôi đáp và kể lại cho ông ta nghe đầu đuôi câu chuyện xảy ra với tôi.

Ông này tức giận:

– Sao lại thế được! Tôi đi đi lại cả nửa năm trời để xin giải quyết một việc mà vẫn chưa ăn thua gì. Vậy mà việc của ông mới từ sáng đã được giải quyết ngay?

– Ông ta hạnh phúc thật, – một người nào đó nói. – Số may mắn!

– May mắn gì ở đây? – Một người khác lâu bầu. – Chắc lại đút lót cho ai đó nên công việc mới được giải quyết nhanh như thế.

Hóa ra, việc cái mũ được giải quyết nhanh như thế là may mắn!

Cuối cùng tôi cũng chen được vào phòng số 2. Nhưng hóa ra người ta đã kịp chuyển cái mũ đến phòng khác rồi.

Tôi tức đến nghẹn cổ, nhưng không dám để lộ mà chỉ nhẹ nhàng hỏi:

– Sao các vị gửi nó đi nhanh thế?

– Trời ơi! Trời ơi! – Ông nhân viên kêu lên. – Ngâm thì họ không thích, thúc đẩy cho nhanh họ cũng không bằng lòng!

– Các vị cứ giữ lại cái mũ của tôi ở đây lâu hơn chút nữa có được không?

– Thưa ông, đây không phải phòng trông giữ quần áo!

Tôi nhớ đến một trò chơi thời trẻ con: người ta giật cái mũ trên đầu một người và bắt đầu ném cho nhau, còn chủ nhân cái mũ cứ nghển cổ chạy quanh, cố bắt lấy nó. Tôi lúc này cũng giống như vậy. Tôi không sao lấy lại được cái mũ của mình. Các thủ tục hành chính lần này được giải quyết nhanh đến nỗi khi tôi bay đến một phòng thì cái mũ của tôi đã được chuyển sang phòng khác.

Cuối cùng đến ngày thứ mười của cuộc rượt đuổi tôi mới tóm được nó trong phòng kho. Người giữ kho từ chối không trả cái mũ cho tôi.

– Việc này quan trọng. Tôi không thể trao cho ông được. Làm sao tôi biết cái mũ này có đúng là của ông không?

Tôi kể ra các đặc điểm:

– Số năm mươi chín. Ngoài đầu tôi ra, cái mũ này ai đội cũng sẽ rộng. Màu xanh lá cây.

– Hừm!… Chả lẽ trên đời này mình ông có mũ màu xanh lá cây?

– Có lông…

– Mũ có lông nhiều lắm. Thế ông có mang theo tấm ảnh nào của ông không?

– Ở một bên thành mũ có hai lỗ thoáng khí.

– Những mô tả của ông rất đúng với biên bản. Nhưng ngộ nhỡ ngày mai có người nào đến đây bảo cái mũ là của ông ta thì sao?

Cuối cùng tôi cũng chứng minh được cái mũ là của tôi. Người ta lại lập thêm một biên bản nữa. Tôi kí vào đó. Ơn chúa! Cuối cùng tôi lại được sở hữu cái mũ của mình.

– Giấy chứng minh của ông! – Người ta bảo tôi.

– Giấy chứng minh? Tôi không mang theo…

– Thế thì chúng tôi không thể trả được.

Xác định cái mũ là của tôi, tôi đã làm được, còn khẳng định tôi là tôi, tôi không sao chứng minh được. Tôi chạy về nhà mang giấy chứng minh đến. Rồi anh bạn quen giúp thêm một chút nữa. Thế là cuối cùng cái mũ đã nằm trong tay tôi. Nhưng cái gì thế này? Trước đây trên mũ chỉ có hai lỗ thoáng khí, còn bây giờ là hai trăm cái lỗ? Đó là kết quả của việc người ta ghim vào đó đủ các loại hồ sơ, biên bản. Không còn là mũ nữa, mà là cái rây bột! Không thể nào đội nó được nữa. Tóm lại, chỉ vì sơ ý tôi đã mất toi… cái mũ.