Chiếc đèn chùm năm vòi

Trong tiệm cà phê tôi gặp một người thấp nhỏ, hơi đậm. Anh ta là ai tôi không biết.

Đó là thời kỳ khó khăn, tôi bị thất nghiệp, không kiếm đâu ra tiền. Để cố cầm cự cho qua ngày, vợ chồng tôi phải đem bán dần những đồ đạc không thật cần lắm. Ít lâu sau chẳng còn gì để bán, trong nhà chỉ còn toàn sách, mấy cái giường và vài cái xoong.

Khi chủ nhà đuổi chúng tôi ra khỏi nhà vì không có tiền trả, tôi gửi vợ con đến nhà bố vợ. Quan hệ giữa tôi và bố vợ vốn dĩ đã không êm đẹp lắm, nên tôi chỉ dám đến thăm vợ con vào lúc mọi người trong nhà đã đi ngủ hết. Người ra mở cửa phải là vợ tôi – chúng tôi đã giao hẹn nhau như vậy.

Một hôm, vào lúc đêm khuya, tôi đến nhà bố vợ, khẽ gõ vào cánh cửa. Chính ông bố vợ ra mở. Thấy tôi ông không nói một câu, tắt phụt đèn rồi bỏ đi ngay. Trong bóng tối tôi bị vấp ngã đè lên không biết vật gì. Hoá ra đó là một đống sách. Khó khăn lắm mới đứng dậy được, tôi bắt đầu men theo tường lần mò đi tiếp. Bỗng tôi nghe thấy tiếng nức nở, tôi mở cửa căn buồng có ánh đèn và nhìn thấy vợ tôi và ông bố vợ – vợ tôi đang khóc, mắt sưng đỏ.

– Bảo nó đem cái đống giấy lộn ấy đi, không có tao đốt hết đấy – Bố vợ tôi doạ – Và chừng nào nó không kiếm nổi tiền nuôi vợ con thì đừng có vác mặt đến đây nữa.

Từ hôm đó suốt ngày tôi ngồi quán cà phê. Cái lão béo lùn giống tôi cũng đến đó từ sớm và ngồi lì cả ngày ở quán.

Một hôm mãi đến tối mới thấy lão ta đến. Trong tay lão ta cầm một cái đèn chùm năm vòi. Lão ta đặt cái đèn lên bàn và uống một tách cà phê. Từ đó lúc nào đến quán cà phê lão cũng xách theo cái đèn chùm. Lão đặt cái đèn lên bàn và ngồi đến tận tối mịt mới về.

Hôm sau tôi thấy một cái vòi đèn bị gẫy. Sau đó lại gẫy thêm hai cái nữa và cả năm bóng đèn bị vỡ. Ba hôm sau nữa thì không còn một vòi, một bóng đèn nào. Chỉ còn lại mỗi cái khung bằng thép mạ đồng.

Bây giờ tôi và vợ tôi phải gặp nhau trong công viên, hai chúng tôi đứng nói chuyện. Quyết định của bố vợ tôi là không thể không chấp hành: chừng nào tôi chưa nuôi nổi con cái thì ông cấm tôi gặp cả con gái ông. Còn nếu tôi không kiếm được việc làm và không có tiền thì có thể ông sẽ bắt tôi làm đơn ly dị con gái ông.

Tôi chấp nhận làm bất cứ việc gì. Nhưng đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối.

Một hôm tôi gặp người bạn cũ và kể anh ta nghe về tình cảnh của tôi.

Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì, kể cả làm phụ hồ trên công trường xây dựng, – tôi nói.

Bạn tôi rất thông cảm.

– Nếu đã đến nước này thì anh hãy thử đi buôn xem. Lúc đầu buôn bán mấy thứ hàng xén thôi. Bán mấy đôi tất, khăn mùi xoa chẳng hạn – trước mắt là kiếm để tự nuôi mình đã. Ngày mai anh đến đây tôi sẽ cho anh năm trăm lia. Rồi anh bắt tay vào việc ngay đi!

Tôi ghi địa chỉ của anh ta và chúng tôi chia tay. Tôi chỉ muốn nhảy cẫng lên vì sung sướng. Thời buổi này liệu còn mấy ai cho anh được năm trăm lia?! Nghĩa là vẫn chưa phải đã hết những người tốt.

Buổi sáng, trước khi đến nhà người bạn, tôi ghé vào quán cà phê. Một lát sau người đàn ông có cái đèn chùm xuất hiện. Anh ta ngồi xuống gần tôi và đặt cái đèn lên bàn.

– Khoẻ chứ? – Anh ta chào tôi.

– Cảm ơn, còn anh? – Tôi hỏi, rồi làm như tình cờ nói tiếp: – Xin lỗi vì tò mò nhé, nhưng tại sao lúc nào tôi cũng thấy anh mang cái đèn chùm theo vậy?

– Đây không phải đèn chùm, mà là cả một cực hình, một nỗi khổ của tôi đấy!

– Sao thế vậy? – Tôi ngạc nhiên.

– Chuyện dài lắm. – Anh ta nói – không dễ gì xoay chuyển được tình thế khi nó đã trở thành tồi tệ. Cách đây không lâu tôi bị mất việc làm. Nhân tiện phải nói, ngay cả khi có việc làm gia đình tôi cũng khó khăn lắm mới xoay xoả được đủ sống. Chúng tôi không để dành được đồng nào. Hoàn cảnh có thể nói là cực kỳ bi đát. Tôi có vợ và hai con. – Thế thì giống tôi, – tôi buông một câu buồn bã.

– Anh không hiểu được những nỗi khổ của chúng tôi đâu!

– Tôi cũng có những nỗi khổ giống hệt anh!

– Lúc đầu chúng tôi phải bán đi đồ đạc. Chúng tôi phân loại đồ đạc ra thành những thứ thật cần thiết – nghĩa là những thứ mà không có thì không thể sống được – và những thứ hoàn toàn không cần. Rồi bắt đầu bán từ những đồ đạc không cần. Ít lâu sau chúng tôi hiểu ra là chúng tôi chẳng cần thứ gì hết, và đem bán sách.

– Hệt như hoàn cảnh của tôi rồi!

– Cuối cùng, khi chủ nhà tống cổ chúng tôi khỏi nhà thì chỉ còn lại mấy cái giường, sách vở và vài ba cái nồi niêu, bát đĩa.

– Và anh gửi vợ con đến nhà bố vợ phải không?

– Làm sao anh biết?

– Thì tôi cũng làm y như vậy!

– Phải, tôi gửi họ về nhà bố vợ. Ngay từ đầu quan hệ giữa tôi và bố vợ đã không được tốt đẹp lắm.

Có cảm tưởng như ông khách béo lùn kia đang kể về cuộc đời của chính tôi. Tôi nghe anh ta mà hết sức ngạc nhiên. Một đêm, anh ta đến nhà bố vợ. Người mở cửa lại chính là ông bố vợ. Thế là ông ta tắt đèn, ông thấp béo ngã ngay vào đống sách. Hệt như chuyện của tôi, không sai một chi tiết!

Thật không thể tưởng tượng được! Hay là anh ta nghe lỏm được chuyện của tôi, rồi nảy ra ý định chế giễu tôi?

– Tôi biết rồi, biết rồi, nói ngắn gọn thôi, – tôi kêu lên. – Đừng dài dòng nữa, anh kể về cái đèn chùm đi!

Tôi kể đây… Một hôm tôi gặp anh bạn cũ.

– Và anh ta cho anh năm trăm lia?

– Phải? Nhưng sau anh biết? Tôi chưa hề kể cho ai nghe mà!

– Chuyện đó cũng xảy ra với tôi.

– Được, thế anh đã nhận năm trăm lia chưa?

– Rồi.

– Còn tôi thì chưa nhận, nhưng tôi sắp đi nhận. Thế sau đó thế nào?

Khi tôi đến nhà người bạn, chân tôi như muốn khuỵu xuống vì đói. Hai ngày vừa qua tôi chỉ uống hai cốc nước trà. Người bạn cho tôi năm trăm lia. Tôi không muốn đem đi buôn hết ngay số tiền đó. Khi đi ngang qua một tiệm ăn, ánh mắt tôi dừng lại ở những món ăn bày trong tủ kính. Chân tôi bủn rủn. Phải vào ăn cái gì đã! Chỉ cần ba lia là có thể chén một bữa no nê? Nhưng tôi sợ phá tờ tiền chẵn. Chỉ cần phá lẻ ra là chúng sẽ tan biến ngay và anh sẽ chẳng còn lại đồng nào hết!

Khi đi ngang một quán bán chả nướng, mùi chả thơm phức phả vào mũi tôi. Không nhịn được, tôi bước vào, nhưng rồi lại vội vàng bước ra ngay. Lúc đầu phải kiếm tiền đã, rồi mới ăn sau? Ở một quầy bán bánh mì, mùi bánh mì mới ra lò làm đầu óc tôi ngây ngất. Hay là làm một cái bánh mì vậy? Không, tôi không có quyền!

Tôi dừng lại trước một quầy bán bánh vòng. Những chiếc bánh vòng của bước ta trông thật thơm ngon, ròn tan. Hay là mua một cái? Không! Tôi phải làm ra thật nhiều tiền và đưa vợ con trở về nhà đã!

Trời hôm đó nóng kinh khủng. Suýt nữa tôi đã xơi một cốc nước chanh đá. Nhưng may kiềm chế được.

“Rồi ông bố vợ sẽ thấy với năm trăm lia này mình sẽ làm được những việc lớn lao như thế nào. Lúc đó ông ta sẽ hối tiếc vì đã xử tệ với mình” – Tôi nghĩ thầm.

Tôi khát khô cả cổ nhưng không muốn phá nát tờ tiền chẵn này. Tôi không dám mua một cốc nước giá có mười xu. Không dám đi cả tàu điện mà cứ cuốc bộ.

Cuối cùng tôi đã đến khu chợ có mái. Khi đi ngang qua khu bán các loại đá quý, vũ khí và đồ cổ, tôi thấy một đám đông đang tụ tập. Hoá ra đang có phiên bán đấu giá. Trời đã về chiều. Sáng sớm mai, tôi nghĩ bụng, mình sẽ buôn một ít đào, lê đem về đây bán. Lúc này tôi chưa có việc gì. Tất nhiên có thể rẽ vào quán cà phê, nhưng tốn tiền uống chè với cà phê làm gì! Tốt hơn hết là vào xem cách thức họ mua bán như thế nào, cũng là giết thời gian nhân thể. Vì chưa bao giờ tôi bước chân vào khu này.

Tôi bước vào một gian phòng rộng. Có nhiều người đang ngồi trên những chiếc ghế nhựa. Tôi cũng ngồi xuống một chiếc. Người bán đấu giá rút từ trong cái bao to ra một chiếc máy ánh và xướng thật to:

– Máy ảnh nhãn hiệu “Rô-lây-phờ-lếch”, ống kính hai phẩy rưỡi, gần như còn mới nguyên, đang hoạt động tốt. Trị giá ba trăm lia. Ba trăm lia! Ai muốn mua? Ba trăm…

– Ba trăm mười – Có người nào đó trong hàng ghế kêu to.

– Ngài kia đã trả ba trăm mười… Ba trăm mười, ba trăm mười,.. – Người bán đấu giá tuyên bố.

– Ba trăm mười lăm! – Có tiếng ai đó hô.

Từ bốn phía bắt đầu nghe thấy những tiếng hô:

– Tôi trả ba trăm hai mươi!

– Bốn trăm năm mươi

Im lặng. Người bán đấu giá tuyên bố”

– Máy ảnh “Rô-lây-phờ-lếch”, kèm ống kính phụ và giá đỡ ba chân, đã được bán với giá bốn trăm năm mươi lia.

Một khách mua đến gặp người bán đấu giá;

– Cho phép tôi xem qua cái máy ảnh.

Người bán đấu giá đưa cho ông ta cái máy ảnh.

Người này xoay bốn phía ngắm nghía, rồi nói:

– Bốn trăm sáu mươi!

– Bốn trăm sáu mươi hai!

– Bốn trăm tám mươi!… Có ai trả hơn không?… Đã được b-á-á-n!

Người bán đấu giá gõ một tiếng búa. Viên trợ lý đưa chiếc máy ảnh, tờ hoá đơn cho chủ nhân mới của nó, ghi tên họ ông ta rồi nhận tiền.

Tiếp theo người bán đấu giá đặt trước mặt cái máy chữ.

– Máy chữ còn tốt, nhãn hiệu “Rơ-minh-tông”!… Đặt giá sáu trăm lia! – Sáu trăm lia!

– Sáu trăm linh một!

– Sáu trăm mười!

– Sáu trăm năm mươi!…

Trong đời chưa bao giờ tôi được chứng kiến một cảnh tưởng nào hồi hộp hơn. Số tiền được trả càng cao bao nhiêu thì không khí càng căng thẳng bấy nhiêu.

– Sáu trăm năm mươi nhăm!

– Sáu trăm tám mươi!

Tôi không ngồi yên được nữa, thỉnh thoảng lại phải đứng lên.

– Sáu trăm chín mươi!

– Bảy trăm!

– Bảy trăm mười!

Tôi bị lôi cuốn kích động đến nỗi quên hết mọi chuyện, hét lên:

– Bảy trăm năm mươi!

Tiếng hết của tôi to quá khiến cả gian phòng bỗng lặng đi một lát.

Người bán đấu giá nhìn tôi, tuyên bố:

– Bảy trăm năm mươi? Ai trả hơn không! Đã bán với giá bảy trăm – năm – m-ư-ơ-i!

Bỗng có một giọng nói vang lên:

– Bảy trăm năm mốt!

Tôi thở phào!

Vì nếu không ai trả hơn tôi biết làm thế nào? Cả thảy trong người tôi có năm trăm lia!

Cuối cùng chiếc máy chữ được bán với giá bảy trăm tám mươi lia.

Sau đó người bán đấu giá đặt lên bàn cái đầu máy khâu quay tay. Nó được định giá năm trăm lia. Bị lây cái không khí cuồng nhiệt của đám đông, tôi phải cố gắng lắm mới kìm được.

– Năm trăm mười!

– Năm trăm hai mươi! – Năm trăm năm mươi! – Năm trăm tám mươi!

– Sáu trăm!

Người cuối cùng, kêu to là tôi. Mọi người ngoái ai nhìn tôi. Tôi như người bị phỏng nước sôi. Một người lạ mặt ngồi cạnh tôi bảo:

– Nó không đáng giá sáu trăm đâu!

– Việc gì đến ông? Tôi trả tiền chứ ông trả à? – Tôi cắt lời ông ta.

– Tôi là thợ cơ khí, tôi biết, – ông ta nói.

– Tôi cũng hiểu biết về máy móc.

Chợt ông ta gào lên: – Sáu trăm linh một!

Lần thứ hai tôi lại thoát nạn!

Đến lượt cái lọ hoa cổ. Cứ sau mỗi lần nghe con số mới tôi lại nhẩy lên, và để ngăn mình không được nói tôi phải lấy hai tay bịt mồm lại:

Sau lọ hoa là đến bức tranh sơn dầu, rồi đến máy hút bụi.

Cuối cùng người bán đấu giá giơ cao cái đèn chùm:

– Đèn chùm năm vòi, còn tốt!… Giá bốn mươi lia!… Ai trả cao hơn? Bốn mươi lia!

– Bốn mươi mốt!

Có người bên trái kêu:

– Bốn mươi hai? Người bên phải:

– Bốn mươi nhăm!

Người ngồi trước:

– Bốn mươi tám! Người ngồi sau:

– Năm mươi!

Tôi không kìm được nữa, hét lên:

– Năm mươi mốt!

Không khí đã nóng bỏng đến độ tôi không làm chủ được mình nữa.

Người bên phải:

– Năm mươi ba

Bên trái:

– Năm mươi nhăm!

Tôi:

– Sáu mươi!

Trời ơi, tôi đã cố hết sức kìm chế mình, nhưng cái không khí ganh đua này mạnh hơn tôi.

– Bảy mươi!

– Bảy mươi mốt!

– Bảy mươi nhăm!

Mọi người đã bị quá kích động, bản thân tôi cũng không còn nhớ mình là ai, kêu lên:

– Tám mươi! – Một trăm!

– Một trăm mười!

Bên trái:

– Một trăm năm mươi!

Tôi:

– Hai trăm!

Bên trái:

– Hai trăm năm mươi!

Tôi và hắn thi nhau kêu. Hắn cứ trả cao hơn ít một, thì tôi trả cao hẳn lên.

– Hai trăm năm mươi mốt!

– Hai trăm sáu mươi!

– Hai trăm sáu mươi mốt!

– Hai trăm bảy mươi!

– Hai trăm bảy mươi mốt!

Cứ sau mỗi con số tôi lại thầm khấn “Lạy thánh Ala, cầu cho hắn trả cao hơn để cho cái đèn chùm thuộc về hắn!”

– Hai trăm chín mươi!

Nếu hắn trả “Hai trăm chín mươi mốt”, – tôi không tốn thêm một xu.

– Hai trăm chín mươi mốt!

Tôi quyên khuấy mất điều mình vừa nghĩ, kêu to:

– Ba trăm?

Cứ dần dần tăng lên, giá tiền đã vượt qua bốn trăm.

Cái gã cạnh tranh với tôi hét to:

– Bốn trăm linh một!

Tôi:

– Năm trăm!

Dường như lúc đó không phải tôi, mà là người nào khác kêu… Nếu hắn nói: “Năm trăm linh một” – tôi thề sẽ im ngay. Vì tôi không còn hơn một xu nào! Và anh có biết không, dường như cái gã ấy biết trong túi tôi có bao nhiêu tiền.

– Thôi, bước hãy lấy đi cho may mắn? – Hắn nói.

Cả gian phòng im lặng. Người bán đấu giá:

– Đèn chùm năm vòi!… Giá năm trăm lia! Ai trả hơn không?

Khi anh ta nói: “Ai trả hơn không?” – tôi nhìn khắp mọi người. Không có một người cao thượng nào lên tiếng cứu giúp tôi. Chỉ thấy có một người môi mấp máy, hay là tôi chỉ tưởng như vậy thôi? Tôi khích lệ ông ta:

– Thưa ngài, hình như ngài muốn nói gì?

– Không, không có gì, – ông ta đáp.

Thế là hết… Chà, lũ người bây giờ! Chẳng ai còn chút lương tâm gì! Khi bán những đồ vật khác, gã bán đấu giá còn cố ý dềnh dàng, nhưng lần này hắn vội vàng tuyên bố ngay:

– Đã bán, đã bán! – Rồi gõ một tiếng búa.

Rồi hắn chìa ngay cho tôi tờ hoá đơn, ghi tên và địa chỉ của tôi. Tôi thậm chí chưa kịp phản ứng hắn đã hoàn tất giấy tờ, nhận của tôi năm trăm lia và trao cái đèn cho tôi. Thằng cha ganh đua với tôi tiến đến gần tôi:

– Anh đã mua được đồ tốt! – Hắn nói.

– Làm sao anh biết nó là đồ tốt? – Tôi hỏi lại hắn.

– Vì tôi là chủ nhân cũ của nó!

Chắc hẳn anh đang bị kẹt nên phải bán nó đi. Thật đáng tiếc! Nếu anh muốn, tôi để lại cho anh với giá bốn trăm chín mươi lia?

– Anh đã gặp may, tôi không muốn lấy đi của anh cái đồ giá trị như vậy! – Hắn đáp.

– Tôi hoàn toàn không cần đến nó, anh hãy đưa tôi bốn trăm thôi, và lấy nó đi, – tôi nói.

Nhưng hắn lại nhắc lại là tôi đã gặp may, rồi bỏ đi.

-Này, thôi, tôi lấy ba trăm thôi, – tôi kêu với theo, nhưng hắn thậm chí không ngoái đầu lại.

Tôi nghĩ, tôi đã mua cái đèn không phải đắt lắm, nhưng tôi cần quái gì cái đèn? Tôi mang nó đến dãy hàng bán các đèn bàn và đèn chùm.

– Anh định bán nó bao nhiêu? – Những người bán hàng hỏi.

– Chiếc đèn này rất đắt, nhưng tôi chỉ lấy sáu trăm thôi.

Đám con buôn cười rộ lên.

– Với giá ấy chúng tôi bán cho anh hẳn mười cái mới tinh, y hệt như cái của anh?

– Tối đến tôi lại gặp vợ tôi ở công viên, cô ta bảo tôi:

– Bố bảo hoặc là phải ly dị, hoặc không thì phải đi chỗ khác. Anh phải kiếm việc làm ngay đi.

Tôi đưa cho vợ xem chiếc đèn chùm.

– Đừng lo, – tôi an ủi cô ta, – điều đáng sợ nhất đã qua rồi. Anh sẽ thuê một căn nhà khiến bố phải lác mắt. Anh đã mua đèn chùm rồi, em xem này, đẹp không, năm vòi hẳn hoi.

Vợ tôi ngồi trên ghế đá đứng phắt dậy, nhìn tôi chằm chằm, rồi không nói không rằng, quay lưng bỏ chạy.

Từ hôm đó đi đâu tôi cũng xách theo cái đèn này. Vì chẳng có chỗ nào cất. Và cũng chẳng có ai muốn mua. Tôi cứ kéo lê cái đèn này đi khắp nơi, kính và bóng đèn đã vỡ từ lâu, chỉ còn lại cái khung sắt. Tôi chỉ tiếc có một điều: có năm trăm lia mà chưa kịp ăn một bữa thật ngon! Giá đã tiêu được dù chỉ mười xu thôi, tôi cũng cảm thấy đỡ đau đớn!

Tôi thương hại nhìn ông béo lùn. Đã đến lúc phải đến nhà người bạn hứa cho tôi năm trăm lia. Tôi bước ra khỏi quán cà phê. Dọc đường đi tôi luôn nghĩ một điều: làm sao mà cái số kiếp nhà ông béo lùn này giống y chang cái số kiếp của tôi vậy?

Có thể các bạn cũng tò mò muốn biết điều đó? Vậy thì để tôi nói các bạn biết: con người thấp nhỏ, hơi béo, đã mua ở cuộc bán đấu giá cái đèn chùm giá năm trăm lia ấy, không phải ai khác, mà chính là tôi. Nhưng muốn để mọi người đừng cười cái ngu dốt của mình, tôi phải bịa rằng chuyện đó xảy ra với người khác, chứ không phải với tôi.

Thái Hà dịch