Xếp hàng

Tôi vòng từ hiệu “Hàng nội hoá” ở phố Bachêcana sang nhà Bưu điện mới và thấy một dòng người xếp hàng dài lũ lượt. Hàng người như một cái đuôi! Mà không phải là một cái đuôi thường, đây là một cái đuôi có xoắn có nút hẳn hoi, như là một cái đuôi ngựa thồ.

Ngã tư bị nghẽn tắc. Bọn tài xế thò tay ra cửa sổ, đập thình thịch vào thành xe, càu nhàu.

– Đúng lúc này thì cấm còi! Các cậu cứ phóng qua cái đám này xem sao nào!

Còi nào cho lại được, có bắn cao xạ cũng chẳng ăn thua. Đoàn xe dùng chắn sốc gạt người để mở đường tiến lên với tốc độ mỗi mét năm phút, có khi còn ít hơn.

– Chen đi đâu thế!

– Nhìn đằng trước kia!

– Nhìn đằng sau xem!

– Đứng vào hàng đi!

– Hàng nào?

– Hàng nào chẳng được, cần gì!

– Bạn ơi, những người này không sao bỏ cho biết phép văn minh được. Chúng ta đang ở thế kỷ hai mươi. Mà thế nào là thế kỷ hai mươi? Là văn minh. Thế nào là văn minh? Văn minh thứ nhất là bom nguyên tử, thứ hai là xếp hàng. Muốn sao thì bạn cũng phải nắm được hai thứ này. Cẩn thận! Khéo bước hụt đấy!

– Không, ông bạn ơi, chưa đủ đâu. Văn minh còn là có nilông, chất dẻo, kẹo cao su. Ngoài ra xin báo cáo với ngài còn cả quần áo tắm nữa… Cẩn thận, mù à? Dẫm ngay vào chỗ chân rộp của người ta!…

– Còn lưỡi dao cạo an toàn “Gilét” thì sao? Các ngài quên à? Đã nói đến văn minh là phải nói đến “Gilét”.

– Thế còn “hu-la-húp”? Này, đừng có chen, đồ khỉ!

– Tôi biết rõ một điều: chừng nào chúng ta còn chưa biết cách xếp hàng thì chưa ra người gì cả. Ối! Lách đi đâu thế này?…

Đằng sau có người quát:

– Dẹp ra một tí! Bẩn đừng có trách!

Một người qua đường bảo bạn cùng đi:

– Đã có hàng thì phải xếp mới được! Nghe lời khuyên thông tuệ đó, tôi cũng đứng vào. Thật ra là thế này: Chỉ cần anh dừng lại một cái là đằng sau có một hàng nối ngay lập tức.

– Lạy trời phù hộ cho cái người đã nghĩ ra xếp hàng!

– Đừng quên tắc xi đấy nhé! Xếp hàng là một, tắc xi là hai.

Bà lão đứng trước tôi hỏi:

– Mua gì chẳng được? Đã có hàng thì cứ xếp.

– Chắc chắn người ta sẽ bán cho một thứ gì đây.

Mấy phút sau chính người nói câu đó lại hỏi người bên cạnh:

– Cậu có biết xếp hàng mua gì không?

Rồi anh ta lại phải trả lời đúng câu hỏi đó của người khác:

– Mua gì chẳng được.

Một người nói:

– Không có hàng thì làm sao dẹp được nạn đầu cơ.

Một người khác hùa theo:

– Cái bọn đầu cơ làm chúng ta khánh kiệt! Ai nghĩ ra cái lối xếp hàng này hay thật…

Hai anh cảnh sát, một người đứng cuối, một người đứng đầu luôn miệng hô:

– Đừng ồn!

– Đứng vào hàng!

– Dẹp ra cho xe đi!

Chúng tôi bước nhau tiến lên, đúng hơn là nối nhau từng tấc đất mà tiến. Chín giờ sáng tôi có hẹn một người. Bây giờ đã gần chín giờ.

– Này ông bạn, ông đến sau tôi. Đừng có làm trò cù lần như thế!

– Có nhà ông cù lần thì có, ông bạn chí tôn ạ. Tôi đứng đây từ bẩy giờ sáng. Người này đến cũng chen lên trước, người kia đến cũng chen lên trước, tôi đã không thèm nói, nhưng xem ra không nói không được.

Một người đứng trong hàng nói:

– Cuộc đời là thế bạn ơi, không làm gì được đâu. Như tôi ăn lương Nhà nước đã hăm hai năm. Những bọn nhãi ranh hôm qua, nay đã là trưởng phòng, giám đốc cả. Ai cũng thế, cứ đến là chen lên trước…

– Xin lỗi ông, sắp bán gì thế?

– Dào, chính tôi cũng chẳng biết nữa. Đúng hai tiếng rồi, người bảo bán lốp ôtô, người bảo bán dầu hoả.

– Tôi mua lốp làm gì?

– Cái nhà cô này, thế mà cũng đòi nói! Nếu thánh Ala đã cho ta lốp thì mai đây sẽ cho ta cả chiếc ôtô.

– Liệu có bán cả bốn chiếc lốp một lúc không đấy?

– Cái đó thì không biết. Chưa ai ra khỏi hàng, có ai mà hỏi.

– Thế họ chuồn đi đằng nào cả?

– Người ta bảo ra cửa sau để khỏi chen lấn.

Đến mười rưỡi. Dòng người mỗi lúc một dài.

– Nếu bán lốp thì phải có giấy cơ đấy. Không giấy không bán cho đâu.

– Giấy nữa? Giấy của Đảng dân chủ à? Sáng danh Chúa, chứng ta đều là người dân chủ cả đấy!

– Bán dầu thì thèm vào đứng.

– Bán gì chẳng được, miễn là có.

– Dầu đựng vào túi à? ác thật, nhà có can mà không mang đi kia chứ.

– Lấy tích kê đã, rồi chạy về nhà lấy can vẫn kịp.

– Lại còn tích kê nữa cơ à?

– Cậu ở đâu mà ngốc thế? Chẳng nhẽ người ta biết cậu hẳn! Đừng có hòng!… Này, còn phải nói thế nào nữa, đừng xô anh em thế!…

– Xin lỗi anh đằng sau họ đẩy.

– Ông hiểu cho, tôi còn có việc cần…

– Việc cần!… Xem ông ấy kìa! Theo ông, những người khác đều ăn không ngồi rồi cả hay sao? Ai chả có việc. Ông cứ chờ đấy, chẳng sao cả đâu.

– Tôi xin hỏi, không biết đến trưa có mua được không nhỉ?

– Tôi nghĩ rằng… Chen đi đâu thế này? Anh muốn ngồi lên vai tôi à?

– Không kính lão tí nào. Giáo với chả dục!

– Hẳn là ông đã ngoài bốn mươi tuổi?

– Sao anh lại nghĩ thế?

– Bởi vì khi người ta ngoài bốn mươi xuân, người ta thường cho rằng trên đời không còn ai lịch sự và tử tế cả…

– Ông có biết bán gì không?

– Inxulin.

– Inxulin? Nó là cái gì thế?

– Thuốc chữa bệnh đái đường.

– Vậy tôi dùng làm gì? Của nợ!

– Người anh em gàn quá đấy! Thế nào là của nợ?

– Cứ mua đi rồi bán lại. Ông Guinút hàng xóm nhà tôi chỉ có thế mà giàu to đấy. Mua ở đây có hai đồng rưỡi mà bán được những hăm nhăm đồng.

– Các ông biết không, thế hoá ra nước nhà có lĩnh vực hoạt động mới.

– Thế ông nghĩ sao? Này, xếp hàng không phải là chuyện đùa đâu. Người ta xếp hàng mà xây được nhà đấy… Bỏ cái cùi tay ra khỏi đầu tôi đi?

– Tốt nhất là ông cất cái đầu của ông ra khỏi cùi tay tôi thì có!

– Xin lỗi, ông làm ơn cho biết người ta bán gì vậy?

– Vải thô.

– Gì nữa? Mỹ chứ còn gì. Bây giờ cái gì cũng Mỹ cả.

– Không phải vải thô đâu. Không biết cũng đòi nói. Xi măng!

Bà già đứng trước tôi nổi giận:

– Không phải vải thô, không phải muối, cũng không phải dầu hoả. Các người không nghe đài hả?

– Nghe chứ. Nhưng sao?

– Ngài thị trưởng cấm mọi thứ xếp hàng, trừ xếp hàng mua cà phê thì được. Bây giờ còn xếp hàng gì khác ngoài cà phê nữa.

Cái tin cà phê truyền như điện trong đám xếp hàng.

– Cà phê à? Hay quá nhỉ!

– Cà phê thì tôi xếp hàng hai ngày cũng được. Cứ phải là mua được rồi mới chịu đi.

– Lệnh thế này: Chỉ được phép xếp hàng mua cà phê thôi. Xếp hàng mua thứ khác thì bị trừng phạt.

Mười một giờ trưa… Chỉ còn độ mươi bước nữa là tới quầy hàng. Các rèm cửa sổ đều buông kín nên không biết bên trong làm gì.

– Người ta có bán người không?

– Mỗi người năm mươi gam.

– Đừng hòng. Mỗi người năm mươi gam thì làm sao đủ cho mọi người được.

– Được có năm mươi gam thì riêng tôi, tôi chẳng thể đứng lâu như thế này được.

– Thì cốt sao được năm mươi gam đi. Rồi sau mình cho thêm hai cân đậu vào, trộn đều lên, thế là có hai cân rưỡi cà phê hảo hạng rồi.

Một người bảo bạn:

– Này, mình quên không mang tiền, cậu đưa cho mình hai đồng rưỡi đi.

Người kia đáp:

– Được thôi nhưng không phải cho vay: cậu đưa cho mình nửa suất cà phê của cậu.

Người la, người kêu cứu, người bị chen bẹp, người đánh rơi ví, người bị lạc bạn… Tóm lại đủ mọi cảnh trên đời… Người ta xô đẩy mọi phía, chèn ép mọi phía… Cuối cùng, tôi cúi đầu xuống chui vào tấm rèm sắt hé mở.

Người bán hàng hỏi bà già trước tôi:

– Cụ mua số mấy?

– Lại còn số nữa?

– Không số sao được? Cụ ơi, mau lên hết giờ rồi. Nói đi cụ!

– Đã xay rồi à? Cháu ơi, bảo họ xay cho già mịn vào nhé. Mịn nhất ấy…

– Mịn hay không thì cũng thế thôi, cụ ạ. Chỉ còn đằng có tuyết thôi.

– Cha mẹ ơi, già này sống đến bạc đầu mà chưa bao giờ thấy cà phê có tuyết cả.

– Cà phê gì nữa? Cháu hỏi cụ mua số mấy cơ mà?

– Số ba mươi lăm. Cho già loại có nơ ấy…

– Cụ lại nói chuyện gì vậy.

– Thế không phải cháu hỏi số giầy à?

– Cháu bán mũ, cụ ơi, mũ ấy mà,..

Người bán hàng lấy mũ trong hộp ra.

– Cha mẹ ơi, già mua mũ làm gì? – bà già nói – mà lại là mũ đàn ông nữa chứ…À, mà thôi, đã xếp hàng chắc là rẻ hơn. Thôi, cứ cho già một chiếc, già mua cho thằng con trai. Bao nhiêu ấy nhỉ?

– Sáu mươi tám đồng bẩy hào ba.

Bà cụ trả tiền và lấy một chiếc mũ màu cà phê. Bây giờ đến lượt tôi. Người bán hàng nói:

– Mũ Ý đấy thưa ông, ngày mai ông không mua nổi nữa đâu. Bây giờ mua cái gì cũng thế, không phải là dễ. Ông chọn mau lên…

Đông cũng như hè, có bao giờ tôi đội mũ đâu. Nhưng nghĩ một tí, tôi quyết định rằng nếu đã xếp hàng thế này hẳn là rẻ, tôi liền mua một cái.

Người đứng sau tôi kêu ầm lên, vẻ nóng ruột, tựa hồ người ta sắp bán hết mất mũ, không còn đến lượt anh nữa:

– Cho tôi bốn chiếc đấy nhé. Một chiếc số năm sáu và ba chiếc số năm bẩy. Màu nâu hoặc màu be.

Tôi trả sáu mươi tám đồng bẩy hào ba xu và lấy một cái.

Lối ra đầu kia. Phải trèo lên một cái thang rồi đi cửa sau phố khác. Lúc ấy là mười hai giờ kém mười lăm. Mua được cái mũ rẻ tôi mừng quá quên cả mệt.

Tôi ôm hộp mũ đi cho đến chiều tối. Lúc năm giờ chiều tôi, ra bến ca nô về nhà. Đến quầy vé tôi thấy có người gọi tôi:

– Giepđét!

Tôi quay lại thì anh Buckhan – “gương lé”, bạn học cũ với tôi. Anh ta bị đuổi khỏi trường Lixê vì hạnh kiểm xấu. Tôi sẽ kể hành tung của anh ta cho các bạn nghe. Dưới chân anh ta đặt một cái gương con để ngắm đùi các cô gái. Một bữa anh ta bị phát hiện và đuổi học. Từ đấy anh ta mang biệt hiệu “gương lé”. Lâu lắm tôi không gặp anh ấy.

– A, Buckhan, xin chào! Thế nào, khỏe chứ?

– Cám ơn, cũng khá.

– Bây giờ cậu làm gì?

– Phò phạch!

– Phò phạch gì?

– Có gì làm nấy. Mình phò bọn con buôn đi bán hàng ế. Chẳng hạn hôm nay mình giúp một thằng Do Thái bán chín trăm bảy mươi cái mũ.

Nghe đến chữ “mũ” tôi đã giật mình, bèn hỏi:

– Cậu bán thế nào?

– Dễ thôi. Hàng của người ta xếp xó. Trong làng buôn ai cũng biết mình cả.

Hắn ta đến chỗ mình. Đôi bên thoả thuận hăm lăm phần trăm lãi suất. Đến ba giờ chiều mình bán hết trơn. Cầu trời phù hộ cho hắn, hắn phải trả mình tám trăm năm mươi đồng. Đáng lẽ mình được chín trăm đồng, nhưng cửa kính quầy hắn bị vỡ, thiệt hại chia đôi.

– Như vậy cậu làm sao bán được chỗ hàng ấy?

– Chỉ cần vài ba đồng là mình thuê được chừng mười lăm thằng ma cà bông. Trong nửa giờ bọn ấy tổ chức được một dãy xếp hàng trước cửa hiệu. Cũng chả đến nửa giờ đâu. Ai đi qua thấy xếp hàng cũng đứng lại. Cậu biết không, ở nước ta bây giờ người ta đâm mê xếp hàng. Mà khi xếp hàng rồi thì đuổi họ cũng không được. Sau đó thì cầu biết đấy. Như chiều nay chẳng hạn: chúng nó bán được hết mũ và đóng gọn cửa hàng. Dân chúng mua như cướp ấy. Vất vả lắm mới kìm được. Bọn ngốc nhiều lắm bạn ạ.

– Đúng đấy –  Tôi liền đồng tình.

– Cậu không thể hiểu hình dung được có bao nhiêu thằng ngốc trên đời.

– Hình dung được chứ. Lại còn những thằng ngu đến mức…

Thật là vô khối giống lừa.

– Giá cậu được nhìn mặt những thằng ngốc ấy…

– Nhìn cái quái gì? Mình biết thừa rồi. Nhưng loại mũ ấy có rẻ được chút nào không?

– Rẻ gì, thứ ấy cửa hàng nào chả có.

– Mình cũng muốn xem… Không, không phải xem lũ ngốc đâu, mình muốn xem mũ ấy…

– Còn mười lăm phút nữa ca nô mới đến. Đi với mình, mình sẽ chỉ cho cậu xem mũ ấy trong các cửa hàng.

Tôi nhìn những ô kính tủ hàng mà không dám tin vào mắt mình nữa: ở đâu cũng toàn thứ mũ tôi vừa mua sáng nay. Giá đồng loạt: sáu mươi tám đồng bảy hào ba xu.

– Như thế nghĩa là đáng lẽ được mua thoải mái trong bất cứ cửa hàng nào thì bọn ngốc kia nhất thiết phải chen lấn nhau xếp hàng, huých đạp lẫn nhau, xé quần áo của nhau rồi mới mua được thứ hàng đó với giá cả đó? – Tôi hỏi giả bộ như không có chuyện gì xảy ra cả. – Trên đời này nhiều thằng ngốc thật đấy.

Ngốc khổ ngốc sở ấy chứ! Ngày mai mình sẽ đi bán điếu cho cửa hàng Grant. Lão còn ế đến hàng ngàn chiếc điếu chứ không ít.

– Điếu cũng mua à?

– Bọn ngốc ấy cái gì chẳng mua. Bán điếu cũng mua mà thậm chí đến xe điếu cũng mua hết, miễn là xếp hàng. Mình chỉ sợ độc có mỗi một điều.

– Điều gì? Sợ không đủ hàng bán. Đám người ấy phá nhà chứ chẳng chơi.

Tôi với Buckhan – gương lé trở về chỗ canô. Đến nơi anh ta hỏi:

– Cậu cầm cái gì thế?

Tôi giấu hộp ra sau lưng để anh ta khỏi nhìn thấy nhãn.

– Mua một đôi dép về nhà ấy mà. – Tôi trả lời cho qua quít.

Về nhà tôi để mũ lên bàn.

Lúc làm việc thỉnh thoảng tôi ngẩng đầu lên nhìn. Một mặt nó gợi nhớ cái xuẩn ngốc của tôi, mặt khác, nó cũng là một nguồn an ủi; thật hú vía, suýt nữa ngày mai tôi đi mua xe điếu thì sao? Biết dùng nó làm gì được?

Đức Mẫn dịch