Chỉ tại trời mưa

Tôi mở vòi ra – nước không chảy.

– Sao không có nước nhỉ? – Tôi kêu to hỏi vợ.

– Hễ trời mưa thì nước máy nghỉ! – Vợ tôi kêu to trả lời.

Phải đấy, dân Xtămbun ai cũng biết rõ: hễ trời lộp độp mưa là đường ống nước thành phố hỏng mấy tiếng đồng hồ liền, người ta bảo rằng ống nước bị bẩn, và chúng tôi đành ngồi khô với nhau.

Nhưng sáng hôm đó trời nắng.

– Mưa bao giờ nhỉ? Tôi lại hỏi.

– Cách đây một lúc lâu cũng có mấy hạt mưa đấy.

– Một lúc lâu là bao giờ?

– Làm gì có mưa. Thằng con tôi nói.

– Không, cũng có ít chút – đứa con gái tôi cãi.

Thế là tranh luận ầm ĩ: mưa hay không mưa.

– Nếu không mưa thì hẳn đã có nước máy – mẹ hai đứa ngắt đôi câu chuyện.

Nhưng cái lý do chết người ấy cũng không làm chúng nó im tiếng.

Tôi bước ra ban công.

– Có mưa không ấy nhỉ? – Tôi hỏi ông hàng xóm trước mặt.

Từ ban công đối diện, một người mặc Pigiama lớn tiếng:

– Tôi không để ý, nhưng chắc là có…

Bốc phét! Trên đời này vẫn có khối kẻ như vậy!

– Không để ý mà bác lại nghĩ rằng có? Tôi giận dữ hỏi.

– Cái đài nhiễu quá, vì thế tôi mới kết luận… – Ông ta đáp – Ông cứ mở đài ra nghe mà xem.

– Không, không có mưa đâu – một ông hàng xóm khác tuyên bố khi thấy chúng tôi lời qua tiếng lại.

Tôi vào phòng mở đài. Quả là có nhiều tiếng rè, tiếng xoẹt. Đó là điều vẫn từng thấy mỗi khi mưa xuống.

Ông hàng xóm tầng dưới lúc nãy bảo không mưa, bỗng kêu:

– Có mưa, có mưa!

– Sao tự nhiên ông lại nghĩ thế? – tôi hỏi..

– Hơi đốt bị cắt, hiển nhiên là…vì mưa – ông ấy đáp.

Bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa là có mưa thật dù không hề ngó thấy.

– Lạy thánh Ala, xin ngài cho mưa nhỏ thôi, kẻo điện cũng mất – vợ tôi vừa nói xong thì đèn tắt phụt.

Tôi chạy đến máy điện thoại, nhấc ống, quay số tòa báo và nghe thấy một giọng khản đặc: “A-lô!”.

Tôi biết mình quay nhầm số, bèn xin lỗi.

– Việc gì phải xin lỗi, thưa ngài – vẫn cái giọng khản đặc từ đầu kia đáp – Chỉ cần mấy hạy mưa là đường dây điện thoại cứ loạn cả lên. Lúc nãy suốt mười phút tôi phải nói chuyện với mụ chủ nhà chứa mà cứ yên chí là nói chuyện với mẹ mình. Ngài thế là còn may lắm đấy – Rồi ông ta cười khì khì.

Gần một nửa tiếng tôi quay máy nói chuyện với bao nhiêu người lạ, cuối cùng mới gọi được đến tòa báo.

– Các anh đang làm gì đấy? – tôi hỏi.

– Tai họa! Một người đáp.

– Tai họa gì?

– Nhà dột, nước sối ào ào…Văn phòng biến thành hồ nước.

– Nghe đây, anh ba hoa gì thế? Trên đầu văn phòng chúng ta còn 4 tầng nhà nữa cơ mà…

– Chính thế…Cả 4 tầng nhà đổ nước xuống…

– Đằng ấy mưa to đến thế kia à?

– Hẳn là thế, người ta bảo mưa, nhưng tôi thì không nhìn thấy thực mục.

Tôi nổi cáu ném ống nghe xuống.

– Bưu điện đưa báo mới chưa?

– Nếu mưa to thì họ đã nghỉ hẳn…

Chán nản cực kì, tôi đi ra phố, chờ mãi, chờ mãi – Ô tô buýt không có. Ngoài bến mọi người bắt đầu càu nhàu:

– Mưa bao giờ mà xe buýt lại đến chậm thế nhỉ?

– Lắc rắc mấy hạt. Tôi có nom thấy…

– Mưa chưa dính áo ấy mà…

Mặt trời đổ lửa trên đầu. Cuối cùng xe buýt cũng đến. Người xô lên như nêm cối.

Tàu thủy cập bến sông chậm hai mươi phút. Một ông khách đứng bên tôi đọc báo.

– Tướng Mỹ Becđingơ Uôn sang nước Thổ ta…-Ông ta nói với người bạn.

– Thế hử?

– Tướng Mỹ tuyên bố với các nhà báo “Nước Thổ sẽ chống được mọi cuộc ngoại xâm”.

Ông bạn đối diện xì ra một tiếng gì rất lạ rồi cười phá lên. Ông bạn hỏi ông ta:

– Ông cười gì?

– Người ta hơi đâu mà ném bom chúng ta? Cứ rót hai cốc nước xuống Xtămbun là cuộc sống ngừng lại.

Tôi vốn là người rất mẫn cảm khi có ai đó đụng đến danh dự tổ quốc, vì thế tôi phải đứng ngay dậy để bước lên boong để tránh khỏi phải cho tên vô lại bẩn mồm kia một cái tát tai.

Tôi đến tòa soạn. Hôm nay sao mọi việc cứ lộn ẩu lên. Đáng lẽ mười một giờ thì đến mười bảy giờ công văn mới đến. Cô thư ký mất mặt không thấy đâu. Thang máy không làm việc. Người đưa cà phê thì trượt chân ngã ở cầu thang. Còn vợ tôi thì gọi điện đến bảo tôi phải về sớm có khách.

Tôi cố gắng về sớm mà không được. Cơn đau khớp của tôi nổi lên khiến tôi không bước được bước nào. Đó là điềm báo mây đen bắt đầu xuất hiện.

Tuy thế tôi vẫn ra được đến bến tàu thủy. Cả bến tàu trang trí bao nhiêu là cờ các màu các cỡ…Cờ thế này là nghĩa gì? Hay thật…Hôm nay không phải ngày giải phóng Xtămbun, không phải ngày độc lập, cũng không phải ngày hội Chiến thắng. Chả là ngày gì cả, chỉ là một ngày rất bình thường thôi.

Tôi hỏi người bán vé, anh ta nhún vai.

– Ông hỏi vì sao treo cờ ấy à? Tôi không biết…Nhưng tôi xin hỏi ông hôm nay là ngày lễ gì?

Tôi hỏi anh thợ kéo tàu. Anh ta cũng ngạc nhiên vì sao lại có cờ quạt…

– Chắc hẳn có một ông khách ngoại quốc tầm cỡ bự?

– Có thấy báo nào đưa tin đâu.. – Tôi trả lời.

Giám đốc cảng cũng không biết gì. Trí tò mò của tôi sôi lên khiến tôi không sao ép mình rời xa bến cảng được. Tôi chạy ngược chạy xuôi, hỏi hết người này người kia sự thể ra sao. Một anh thủy thủ bước đến bên tôi:

– Ngài muốn biết vì sao treo cờ phải không? Các vị quanh đây không ai biết đâu, ngài hỏi vô ích. Ngài để tôi nói.

– Anh nói ngay đi!

– Hôm nay chẳng có hội hè gì hết. Sáng nay trời mưa. Mà lại mưa to.

– Ái chà chà! Tưởng chuyện gì! – Tôi nghĩ.

– Trời mưa thì kho ngập, kho ngập thì cờ ướt, cờ ướt thì phải phơi.

Hóa ra là thế! Bây giờ tôi mới có thể ung dung về nhà: Có mưa thật chứ!

Đức Mẫn dịch

 

Nhận xét: Đây là câu hỏi của Hartist dành cho bạn đọc: trời có mưa thật không?

Ý kiến của Hartist: trời không mưa, đấy chỉ là lý do vui của Azit Nexin cho rắc rối trong cuộc sống: cúp điện, cúp nước, dịch vụ công cộng tồi…