Những người hâm mộ

Chỗ trống trên xe điện chỉ có ở ngay từ đầu lộ trình. Tôi lên xe ở trạm Mêgiđi. Chưa tới Sixli mà xe đã chật cứng, hành khách đứng ở cả bậc lên xuống và bám vào ô cửa sổ. Bên trong thì khỏi phải nói rồi ! Có đi mới biết thế nào là xe điện !

Còn hành khách thì làm gì ? Có một người đọc báo, người ngồi kế bên ráng nheo nheo mắt đọc ké. Anh chàng thanh niên ngồi phía sau vươn dài cổ, hệt như chú hươu cao cổ, để ngó phần tin thể thao. Đột nhiên chàng ta phẫn nộ kêu lên :

-Chó má thiệt ! Thế là “Phênec” bại rồi !

Chủ nhân tờ báo, một người gù lưng, quay phắt lại nhìn anh chàng gầy gò, mặt đang tái đi, với vẻ khinh bỉ rồi nói, giọng khich bác:

-Thế nhà anh tưởng là nó thắng à ?

Ngồi bên người lưng gù, gã thanh niên to béo như con hải cẩu vừa thở hổn hển vừa xen vào:

-Ngay cả Saban mà là trung phong thì “Phênec” vẫn cứ thua thôi !

Một thanh niên khác, má hóp, hăng hái ủng hộ gã mập:

-Phải đấy, Agabay ạ, đúng lắm ! Cách “Bêsictax” của chúng ta chơi cứ như là bầy sư tử ấy !

Một thiếu phụ ăn mặc lịch sự, buộc miệng :

-Bọn “Bêsictax” của các anh là thứ cặn bã !

Một giọng con nít lanh lảnh lập tức vang lên:

– Chính bà là thứ cặn bã đấy !

Loáng một cái bầu không khí đã trở nên căng thẳng khiến toa xe điện giống như nghị viện lúc có cuộc tranh cãi của nhóm đối lập với đảng cầm quyền . Dường như sắp phải sử dụng quả đấm thì trước mắt đám người đang cãi lộn thấy lấp lóa ánh đèn.

Người bán vé tàu tham gia vào cuộc tranh cãi:

-Tất cả là do đâu ? Do Habip chơi ở hàng phòng ngự. Chứ Habip mà lên tấn công thì “Phênec” đã thắng mấy bàn rồi.

Vị hành khách béo tốt nói lí nhí :

-Đừng có nói vớ vẩn ! Đến mười Habip cũng chả làm ăn gì được đâu. Dù thế nào thì “Phênec” thua vẫn hoàn thua thôi !

-Thế ông đã trông thấy Habip sút bóng như thế nào chưa ? – Người gù lưng, chủ tờ báo, trợ lực cho người bán vé – Tôi không bao giờ quên được cái trận tranh giải vô địch toàn quốc hai năm về trước. Habip từ giữa sân sút bóng bay thẳng vào lưới đối phương. S-ú-t-t ! Thế là vào !

Một hành khách đáp lại bằng cách cho tay lên miệng và phát ra một âm thanh đặc biệt rồi nói:

-Ê này, ông bạn nói bậy rồi đó . Phải có chừng mực chứ.

Vị hành khách cụt tay ngồi phía trước đứng phắt dậy, lách tới chỗ đám người cãi nhau và làm bộ như một diễn giả phe đối lập bị người ta bịt miệng không cho nói:

-Hãy cảm tạ đức Ala vì Người đã nổi gió ! Chứ nếu không có gió thì…

-Gió nào nào ? Có Giaphe tạo ra gió ấy. Anh ta như cơn lốc lao về phía cánh phải.

-Thế còn Habip thì sao ? Habip có ba con rồi mà vẫn chỵ như bay trên sân như ngựa vía ấy.

-Habip có hai con chứ không phải ba .

Người bán vé không nén được, cướp lời:

-Nhà anh nói gì ? Anh ta có ba con, hai trai một gái.

-Láo toét cả ! Chiều nào mà tôi và Habip chả đi nhậu ở tiệm “Trintric”.

-Hắn dám nói với tôi về chuyện Habip hả ? Tôi với anh ta cùng chơi trong đội trẻ ở Tactacal suốt ba năm trời.

Thêm một hành khách nữa nhập cuộc:

-Cả hai anh đều nhầm rồi. Đấy không phải là con anh ta.

-Này, cậu bé kia nói gì thế ? – Một ông già móm mém hỏi.

-Tôi mà là cậu bé của ông à ? Ông thử nghĩ coi ông vừa nói gì nào ?

-Có gì mà anh phải nổi giận lên thế ? Lão nói thân tình với anh mà anh lại đi gây với lão – Ông già phều phào – Anh định nói gì về lũ con của Habip thế ?

-Đó chẳng phải con của Habip mà là con riêng của vợ anh ta, con người chồng trước.

Trong khi người bán vé và một phần hành khách mãi tranh cãi nhau về số lượng con của Habip và luận giải xem chúng là con của ai thì ở cuối toa nổ ra một cuộc cãi cọ nảy lửa khác.

-Nếu ở hiệp hai Dunphi mà không bị đốn ngã thì anh ta đã tỏ rõ tài nghệ rồi.

-Thế anh không biết Muctax à ? Phải, phải, Muctax ấy ! Anh ta trị gái gấp năm chục lần Dunphi của anh đấy.

-Anh xéo đi với cái gã Muctax của anh ! Trông kìa, đứng có chết vì uất nhé !

-Sao mày, muốn vỡ hàm hả ?

-Này, hãy cẩn thận đấy !

-Cứ thử coi !

Tàu chạy đến Tacxim – trạm đỗ thường có đông người lên tàu. Người bán vé tiếp tục cãi cho bằng được chuyện Habip có ba con, chẳng những quên không bán vé mà còn quên phứt mình chính là nhân viên bán vé . Miệng ông ta không còn tới nửa hàm răng nên cứ phun nước miếng vào hành khách:

-Nếu tôi không biết Habip có ba con thì ai là người biết nào ?

-Chuyện tức cười thiệt !

Trong đám cãi nhau có một người định lách ra phía cửa nhưng anh ta không tài nào nhúc nhích được.

-Kìa, đứng yên nào ! Đừng có chen lấn thế ! Ta bảo bỏ tay ra mà !

-Cứ lách đại đi !Để cho anh thanh niên này ra đi nào !

Hành khách chia thành từng nhóm, tiếp tục cãi lộn, chửi mắng nhau.

Một người đã luống tuổi, cổ rụt chư cổ rùa, tay run run, la những người đang cãi nhau:

-Các người không còn lương tâm, không còn biết mắc cỡ là gì nữa hả?

Tôi bụng bảo dạ:”Ông già này chắc dẹp được họ đây”. Nào ngờ ông ta lại tiếp:

-Mọi chuyện là do trọng tài hết !

Một chú bé chừng 13-14 tuổi, lên tàu từ trạm Megiđiecôê quay sang phía ông già:

-Bố ơi, trọng tài Bakhơ đẳng cấp quốc tế đấy.

-Ai chả biết hắn thành trọng tài như thế nào rồi. Ta biết hết điều bí ẩn của hắn. Cha ta vào đảng Dân chủ thì cũng thành trọng tài quốc tế rồi.

-Ôi chà, chuyện coi mói tới chỗ nghiêm trọng rồi đó.

Một giọng trầm trầm cất lên:

-Thôi, đứng lại ! Trường đại học và tàu điện không phải là chỗ để bàn tới chuyện chính trị. Lái xe ! Ông lái xe ! Người anh em coi kìa, người ta bàn chuyện chính trị trong tàu điện của ông đây nè ! Dừng lại cho tôi xuống ! Kẻo lại mang tội bây giờ.

-Ai bàn chuyện chính trị đó ?

-Ông vừa nhắc đến đảng Dan chủ phải không ?

-Cứ tạm cho là tôi, thế thì sao nào ?

-Còn sao nữa, nhắc tới đảng Dân chủ là chuyện chính trị rồi.

-Các ngài ơi, không nên lẫn lộn chuyện thể thao với chính trị.

Ông già đã kịp rầy chú bé:

-Lúc mày còn chưa nằm trong bụng mẹ thì tao đã là cầu thủ dự bị đá cho đội một của câu lạc bộ trẻ “Aivanxarai” rồi. Hiểu không, đồ ngốc ?

-Hiểu rồi ạ !

Tàu điện dừng ở quảng trường Galataxarai. Người bán vé còn chưa thôi nói về bầy con của Habip. Sau cùng đến lượt người lái xe cũng không nhịn được, bước xuống phía cuối toa tàu. Tôi tưởng ông ta sẽ la người bán vé:”Ê, bắt tay vào phận sự đi chứ !” Ai dè ông ta lại hỏi:

-Ở đây ai ủng hộ đội “Phênecbactrê” ?

Một hành khách đáp ngay:

-Thì sao nào ? Ông không thích à ? Chính tôi ủng hộ đội “Phênecbactrê” đây!

Người lái xe giận sôi lên:

-Ta không chở cổ động viên của đội “Phênecbactrê”. Xuống đi !

-Chính ta cũng không muốn đi trên tàu mà người lái lại cổ động cho đội “Bêsictax”. – Vị khách vừa nói vừa lẻn ra phía cửa.

Tới trạm Têpebax, kiểm soát viên bước lên tàu. Tôi tự nhủ: “Bác bán vé chắc chết quá ! Suốt từ đầu trạm Megiđiecôê tới đây bác ta có bán được vé nào đâu !”

Một hành khách xuống nước:

-Được rồi ! Chúng ta công nhận là “Bêsictax” thắng “Phênecbactrê”, song trận đấu thô bạo quá.

-Tầm bậy ! – Người lái xe quát lên.

Người khách cổ động cho đội “Phênecbactrê” sợ bị đuổi xuống, vội núp sau lưng người đàn ông béo phị.

Người bán vé vẫn khăng khăng:

-Habip có ba con. Tất cả đều là con đẻ của anh ta. Không thì sét đánh chết ta ngay tại chỗ này !

-Lạy đức Ala, ông hãy cho biết đích mắt ông đã trông thấy Habip bao giờ chưa ?

-Theo anh thì ta là kẻ dối trá hử ? Các ngài hãy làm chứng nhé. Tôi bị xúc phạm ở chỗ công cộng ! Ta sẽ đưa ngươi ra tòa !

-Chuyện gì thế ? -Kiểm soát viên hỏi.

-“Phênecbactrê” thắng “Bêsictax” tới năm chục lần, chỉ thua có mười lần tất cả. Ấy thế mà cái đồ cặn bã này lại muốn chứng minh là…

Hóa ra kiểm soát viên cũng là người hâm mộ đội “Phênecbactrê”. Cả người lái xe và kiểm soát viên đều bị cuốn vào cơn đam mê thể thao của mình.

Người lái xe la lên:

-Sao, anh định dọa phạt bọn ta à ? Cứ mà biên phạt đi ! Bọn ta sẽ nộp phạt nhưng không chịu thua đâu ! “Bêsictax” muôn năm!…

Người bán vé đập cái túi của ông ta lên đầu một hành khách. Ông già vừa nắm cặp sách vừa nắm gáy chú bé. Kiểm soát viên túm chặt khăn quàng cổ một cổ động viên của đội “Bêsictax”. Vừa tầm cảnh sát ập đến.

-Chuyện gì xảy ra ở đây ? -Một viên cảnh sát hỏi kiểm soát viên.

-À người ta bảo là bàn thắng thứ hai của “Phênecbactrê” sút ở tư thế việt vị.

-Thằng ngốc nào nói thế hử ? – Viên cảnh sát nổi đóa lên.

-Nếu không việt vị thì cũng là chạm tay ! – Một người đứng tít phía trong la lên.

Trong số cảnh sát lại có người hâm mộ đội “Galataxarai”.

-Thế thì về đồn hết !

Tất cả bị đưa vào đồn.

Viên thanh tra cảnh sát hỏi tôi:

-Anh ở phía nào?

-Tôi ở Ecdêrum.

-Ồ không, anh ủng hộ đội nào ?

-Không ủng hộ đội nào cả.

-Đức Ala cao cả ! Anh có chân trong câu lạc bộ nào ?

Tôi hiểu là cần phải xướng lên tên một câu lạc bộ nào đó. Nhưng mà không biết quý ngài thanh tra này ủng hộ đội nào, tôi bèn nói hú họa:

-“Phênecbactrê”

-Hay lắm ! Đứng sang đây !

Viên thanh tra cảnh sát chia tất cả hành khách ra thành từng tốp, tùy theo đơn vị câu lạc bộ họ ủng hộ . Sau đó ông ta mới quay về phía đám người cãi cọ:

-Nào, bay giờ các người hãy cho biết đã xảy ra chuyện gì vậy ?

Người hành khách có vết bầm dưới mắt bắt đầu:

-Thưa ngài thanh tra, tôi lên tàu điện ở trạm Mêgiđiecôê. Tôi đi làm. Tôi phải xuống trạm Tacxim.

-Thế sao anh không xuống ?

-Làm sao tôi xuống cho được ? Người ta nói về chuyện thể thao, thế là tôi bị cuốn hút vô đó. Cái ông này nói rằng Madium của đội “Phênecbactrê” đã tự ý rời sân cỏ. Đội “Besictax” tính chuyện kháng nghị liên đoàn bóng đá…

Viên thanh tra cảnh sát dẫy lên như bị phỏng:

-Anh dám nói về Madium như thế hả…?

Thừa lúc không ai để ý, tôi lén rút khỏi đồn cảnh sát.

Dân tộc ta rất yêu chuộng thể thao. Như vậy đấy!…

 

“Phênec” : gọi tắt tên đội bóng “Phênecbactrê” danh tiếng của thành phố Xtămbun

Agabay : tiếng dùng để tỏ ý kính trọng với người trên.

“Bêsictax”: một đội bóng danh tiếng khác ở Xtămbun

“Galatasarai”: một đội bóng nổi tiếng ở Xtămbun.