Không hẳn như vậy

Buổi tối, khi ngồi vào ăn cơm, ngài Oxman than phiền:

– Hôm nay tôi chẳng muốn ăn gì cả.

– Súp mình cũng không muốn ăn à? – Vợ ngài hỏi.

– Có lẽ tôi ăn súp vậy, bà múc cho tôi một ít.

Bà vợ múc cho ngài độ nửa đĩa súp. Lúc bắt đầu ăn ngài Oxman bảo:

– Ngày mai tôi có chuyến đi.

– Bố đi đâu, hả bố? – Cô con gái ngài hỏi.

– Bố với mấy người bạn phải đi đến một vùng để tiếp xúc với cử tri.

Vợ ngài nhăn mặt:

– Lại đi?… Lần này là lần thứ mấy rồi?

– Súp được lắm, múc cho tôi thêm ít nữa, – ngài Oxman yêu cầu.

Vợ ngài múc thêm cho ngài hai nửa đĩa nữa.

Oxman thở dài:

– Hôm nay tôi ăn chẳng ngon miệng tí nào. – Ngài bẻ hai miếng bánh mì khô vào đĩa súp. – Phải tiếp xúc với dân chúng thường xuyên hơn.

Cậu con trai đang ăn súp ngẩng đầu hỏi:

– Để làm gì ạ?

Ngài Oxman nổi khùng:

– Sao lại để làm gì?… Cần phải biết những khó khăn của nhân dân. Còn để làm gì nữa…

Bà vợ mở cái vung xoong lớn.

– Món thứ hai là gà rán và khoai tây nghiền.

Ngài Oxman buồn bã lắc đầu.

– Tôi chẳng thấy thèm ăn gì cả, nhưng thôi cứ cho tôi một tí. Cho cái ức gà ấy…

Bà vợ đặt đĩa thức ăn trước mặt ngài.

– Bà múc thêm ít nước sốt vào. Tôi thích ăn gà rán với nước sốt. Thế món cơm rang thịt làm chưa?

– Rồi ạ.

– Tốt lắm. À, bà cho xin đĩa salat nhé. À, nhà ta có món gì ngâm dấm không nhỉ?

– Có ạ

– Bà mang ra đây cho tôi. May ra món ngâm dấm làm tăng vị giác.

Vợ ngài sai cô người làm mang món rau trộn dấm ra.

Ngài Oxman dùng dĩa xọc một quả dưa chuột.

– Cần phải tiếp xúc với dân chúng thường xuyên hơn.

– Năm ngoái bố đã tiếp xúc rồi, – cô con gái nhận xét.

– Năm ngoái bố mày không đi, đó là năm kia, – vợ ngài chữa lại.

– Bà nó cho thêm ít khoai tây đi. Món dưa chuột dầm ngon đấy.

– Món salat củ cải đâu có kém gì?

– Tôi sẽ ăn, sẽ ăn. Củ cải giúp tiêu hóa tốt. Hôm nay tôi mất hết cảm giác thèm ăn. Không biết tại sao nhỉ?

– Mình ăn rau cần tây hay xúp lơ nào? – Vợ ngài hỏi.

Ngài Oxman nhún vai:

– Thú thật, tôi không biết nữa… Đầu tiên cứ cho rau cần tây, tôi thử xem nào.

– Cần tây và gia vị.

Ngài Oxman dùng dĩa xọc hẳn một dúm lớn rau cần tây cho vào mồm.

– Ngon thật đấy. Tiếc là hôm nay tự nhiên tôi mất cảm giác ăn.

– Khi nào bố đi? – Cậu con trai hỏi.

– Nhớ đánh thức tôi dạy sớm, kẻo ngủ quên mất. Nghe không, đánh thức thật sớm nhé!… Món cần tây vừa lắm. Cho tôi một ít nữa nào.

Vợ ngài lại xúc đầy đĩa cho ngài.

– Có hành tươi không? Hành cũng làm cho ăn ngon miệng đấy.

– Hành tôi cho vào salat rồi.

– Sáng sớm mai tôi lên đường rồi. Tiếp xúc với nhân dân…

– Mình ăn xúp lơ nhé?

– È, thôi được, cho một chút vậy… Chả buồn ăn gì cả. Phải cố ăn vậy.

– Đánh thức mình lúc mấy giờ?

– Tám giờ. Chín giờ là phải ra khỏi nhà rồi.

– Phải cố ăn. Chẳng muốn ăn tí nào.

– Hay mình ăn tỏi nhé? Tỏi làm cho ngon miệng.

– Cũng được. Cần phải thường xuyên tiếp xúc với dân chúng! Món xúp lơ ngon đáo để. Bà cho tôi thêm ít nữa.

–  Thế cơm rang thịt mình không ăn à?

– Sẽ ăn, sẽ ăn. Ngày mai phải lên đường mà…

Cậu con trai lại chen vào câu chuyện:

– Bố ơi, con không hiểu..

– Có gì mà không hiểu? Với dân chúng…

– Vâng, nhưng…

– Bà cho tôi ít cơm rang đi. Không biết có ăn nổi hay không?

– Tôi cho ít đậu hà lan lên trên nhé?

– Tất nhiên rồi. Đành phải cố nuốt vậy. May ra món đậu này nuốt được.

– Món canh gà đây.

– Ngửi mùi hấp dẫn quá! Ngày mai nhớ đánh thức tôi sớm, đừng quên đấy. Không biết tôi bị làm sao nữa?… Hoàn toàn chẳng muốn ăn gì cả.

– Mình chẳng nghĩ gì đến sức khoẻ cả. Phải đi khám bác sĩ đi.

– Ôi dào, bác sĩ giải quyết được gì?

– Ông ấy kê thuốc giúp cho ăn được.

– Món cơm rang này khéo đấy.

– Mình ăn thêm nhé?

– Ề, thôi được, cho thêm ít nữa vậy. May ra ăn cố được. Muốn hiểu rõ khó khăn của dân chúng, cần phải thường xuyên…

– Tất nhiên.

– Khi đã mất vị giác người ta chẳng thèm ăn gì hết. Nhà có váng sữa không nhỉ? Rưới cho tôi một ít lên trên cơm rang.

– Thế bao giờ bố về?

– Đi đâu về? Gặp dân chúng về ấy à?… Hai – ba ngày gì đó. Không biết tôi làm sao thế này? Tự nhiên chẳng buồn ăn gì cả.

– Đó là vì mình ngồi nhiều quá. Chẳng hề vận động gì cả.

– Nhưng mai tôi sẽ đi mà… Tiếp xúc với cử tri rất có ích. Có lẽ cho tôi thêm ít cơm rang. Rưới thêm váng sữa vào… Ngày mai nhớ đánh thức tôi dậy sớm, đừng quên đấy! Kẻo không lại ngủ quên mất. Phải tiếp xúc với dân chúng…

– Còn món bánh cuốn thịt, mình có ăn không?

– Thú thật tôi không biết nữa. Tự nhiên không thấy thèm gì cả… Nhưng thôi, cứ gắp cho tôi hai chiếc ra đây. Đành cố ăn vậy.

– Bố sẽ đi bằng gì?

– Bằng ô tô… Bánh cuốn ngon nhỉ! Cho vào mồm là trôi ngay.

– Có nước mận muối đấy, mình ăn không?

Ngài Oxman uống hết hai cốc nước quả và một bát mận muối. Sau đó ngài ăn hạt dẻ rang.

– Trời ơi, sao bụng nóng thế nhỉ! Khát quá, như thể tôi ăn cái gì quá ngọt hay quá mặn.

Ngài uống một cốc nước xong rồi ợ.

– Lạy Chúa, cho tôi cốc sôđa!… Khát quá.

Vợ ngài mang hộp sôđa đến, Ngài Oxman uống ngay một lúc hết hai cốc sôđa, rồi lại ợ thật to.

– Đỡ rồi.

– Tôi làm cho mình cốc vang sủi bọt nhé?

– Ừ, làm đi. Sáng mai nhớ đánh thức tôi sớm nhé. Tiếp xúc với dân là quan trọng lắm đấy. – Ngài uống hết cốc vang sủi và… lại ợ. – Ôi, trời… Vì cần biết những nỗi khổ của dân… Sáng mai từ mờ sáng lên đường rồi. Phải đi nằm sớm thôi.

– Còn đói thế mình ngủ sao được?

– Ề, tôi quen rồi.

– Ngộ nửa đêm thức dạy muốn ăn gì thì sao? Hay tôi để đĩa bánh bích quy ở đầu giường nhé?

– Ừ, tốt. Có thể tôi sẽ ăn. Nhưng ai ăn riêng bánh bích quy bao giờ? Phải kèm thêm một phong sôcôla nữa.

– Còn nước chanh?

– Đúng, để một chai nước chanh nữa. Chỉ sợ không biết có ăn được không?

Ngài Oxman lui về phòng ngủ. Trước khi cởi quần áo ngài ăn hết đĩa bích quy và phong sôcôla. Lúc đi nằm, ngài làm một cốc nước chanh nữa. Rồi vừa đặt đầu xuống gối, ngài thiếp đi ngay.

*
* *

Sáng hôm sau ngài Oxman cầm lấy chiếc cặp và bước ra khỏi nhà. Ba nhà chính khách gặp nhau ở quán cà phê, lên ô tô và khởi hành.

Buổi diễn thuyết đầu tiên của họ được tiến hành ở “Câu lạc bộ thương gia” tại một thị trấn nhỏ trong tỉnh, nơi các công chức địa phương đều có mặt. Các chính trị gia của thủ đô đã phát biểu trước họ và lắng nghe những khiếu nại của họ.

Ngài Oxman rút cây bút máy trong túi, mở cuốn sổ ghi chép ra và nói với những người có mặt:

– Xin thưa các vị! Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các vị. Như các vị đã biết, mục đích chuyến đến đây của chúng tôi là gặp gỡ các vị và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của các vị.

Một thương gia đứng lên.

– Tôi xin thay mặt các đồng nghiệp của tôi, – ông này nói, – nhiệt liệt cảm ơn các ngài đã cất công về tỉnh chúng tôi để tiếp xúc với chúng tôi. Nhưng chúng tôi không có khó khăn gì cả.

Các chính khách đưa mắt nhìn nhau.

– Ồ phải, tất nhiên rồi, – ngài Oxman nói. – Tôi nói: những khó khăn, nhưng đó là do tôi buột miệng nói vậy thôi. Chúng tôi biết rất rõ các vị không cần gì cả. Song có thể các vị có những khiếu nại nho nhỏ…

Nhà thương gia thứ hai ngắt lời ngài:

– Rất mong ngài thứ lỗi, nhưng chúng tôi chưa hiểu ý ngài. Hay ngài định đưa ra những câu hỏi có tính khiêu khích?

Nhà thương gia thứ ba lên tiếng:

– Các ngài gỡ nhầm cửa rồi! Cầu thánh Ala, chúng tôi không có khiếu nại gì cả.

Ngài Oxman chưng hửng.

– Tất nhiên, tất nhiên. Làm sao có thể nói đến những khiếu nại được – Rồi ngài quay sang các đồng nghiệp của mình. – Có phải vậy không, các ngài? Chúng ta cũng không quan tâm đến khiếu nại nào. Đúng vậy không?

Mấy người đồng nghiệp của ngài đồng thanh đáp:

– Tất nhiên, tất nhiên.

– Có thể các vị có những nguyện vọng hay yêu cầu gì đó? – Ngài Oxman hỏi.

– Cám ơn, mọi việc ở chỗ chúng tôi đều tốt đẹp. Chúng tôi có thể nhập khẩu không hạn chế, có thể vay tín dụng không hạn chế.

– Không hẳn như vậy, – ngài Oxman nhẹ nhàng nói. – Tất nhiên điều đó đúng, nhưng cũng không hẳn như vậy…. Thậm chí chúng ta cũng còn gặp khó khăn…

Nhà thương gia tiếp tục:

– Chúng tôi có rất nhiều ngoại tệ. Chúng tôi được xuất khẩu tất cả thứ gì chúng tôi muốn. Chưa bao giờ chúng tôi kiếm được nhiều tiền như thế!

– Quả thực, tôi không biết… – ngài Oxman nói khẽ. – Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng không hoàn toàn như vậy.

Từ “Câu lạc bộ thương gia” ngài Oxman và mấy vị đồng nghiệp đến một cuộc họp khác, nơi gặp gỡ với các viên chức lương thấp.

Ngài Oxman phát biểu trước:

– Thưa các công dân kính mến? Chúng tôi tới thành phố của các vị để tìm hiểu những khó khăn và lắng nghe khiếu nại của các vị.

Có một phụ nữ gày gò đứng phắt dạy:

– Thế nghĩa là gì?… Khiếu nại nào? Khó khăn nào? Các ngài nói gì thế?

Ngài Oxman lúng túng:

– Các vị muốn nói là các vị không có khiếu nại gì?

Một người đàn ông đứng lên:

– Không hề có! Lạy thánh Ala, chúng tôi sống thoải mái, lương cũng không tồi, chúng tôi có đủ mọi thứ…

– Ala! Ala! – ngài Oxman ngạc nhiên. – Thậm chí chúng tôi…

– Không không, thưa ngài, chúng tơi sống rất tốt. Nhờ ơn Đấng sáng lập, chúng tôi ai cũng tin ở tương lai.

– Không hẳn thế… Nghĩa là… E hèm… tất nhiên mọi thứ đều đúng cả, nhưng không hoàn toàn…

Sau đó các vị chính khách đến cuộc họp công đoàn của các công nhân.

– Thưa đồng bào – ngài Oxman nói với họ. – Các vị có thể nói chuyện hoàn toàn thẳng thắn với chúng tôi. Chúng tôi đến thành phố các vị để tìm hiểu những khó khăn và lắng nghe nhũng khiếu nại của các vị.

Một công nhân đứng tuổi hỏi:

– Ngài nói như vậy là ý gì?

– Nghĩa là… ví dụ như… đồng lương chết đói của các vị, ngày làm việc quá dài, không có trang bị bảo hộ lao động.

– Xin lỗi ngài nhé! Nhờ ơn thánh Ala, chúng tôi chẳng kêu ca điều gì cả. Làm sao có thể mong ước hơn thế?!… Chẳng hạn… hàng tháng tôi có thể gửi  tiết kiệm vào ngân hàng ba trăm lia.

– Ala! Ala! Các vị không có khiếu nại gì cả hay sao?

– Tất nhiên là không.

– Điều đó tất nhiên không hẳn như vậy, bạn thân mến!

Ngài Oxman và mấy đồng nghiệp lại lên ô tô đi về một làng xa xôi. Nông dân đã tập trung ở một bãi đất rộng trong làng.

– Thưa các bạn nông dân! – ngài Oxman nói với họ. – Các bạn có biết vì sao chúng tôi đến đây không? Chúng tôi đến để tìm hiểu những khó khăn của các bạn.

– Khó khăn nào cơ? – Một bác nông dân có tuổi lên tiếng.

– À, chẳng hạn như… Các vị có những vấn nạn nho nhỏ như thiếu đường xá, nước sạch…

– Chúng tôi có những đường trải nhựa tuyệt vời. Giếng nước cũng có.

– A, bác ơi, không hẳn như vậy… Còn chuyện thiếu ruộng?

– Đất chỗ chúng tôi đủ cho tất cả mọi người. Chúng tôi còn được cấp tín dụng chỉ có điều chúng tôi không lấy, vì không cần đến.

– À, không hoàn toàn như vậy…

*
* *

Vợ ngài Oxman bước vào phòng ngủ:

– Dậy đi, dậy đi, mình! Dạy ngay đi… Mình bị muộn rồi!

Ngài Oxman ngáp. Vợ ngài lay lay ngài. Ngài mở mắt, ngồi dậy.

– Không hẳn như vậy… .

– “Không hẳn như vậy” nghĩa là gì? Đã chín giờ hơn rồi.

Ngài Oxman bắt đầu vội vã mặc quần áo.

– Mình ngủ quên mất! Ngủ quên mất! Mấy ông bạn chắc đang đợi. Phải đi xuống nhân dân, phải tiếp xúc với họ!…