Khó cầm được nước mắt!…

Trong nhà tù này người ta xếp lẫn lộn tù nhân thuộc các lứa tuổi và các loại tội do họ gây ra. Trong cùng một buồng giam có cả phạm nhân mười tuổi, cả phạm nhân bị kết án tử hình, lẫn người bị phạt giam ba năm. Vì thế những tên tội phạm nguy hiểm tha hồ ăn chặn quà tiếp tế của những người nhẹ tội. Tệ hại hơn nữa là những chú nhóc bị giam chung với những tên đầu gấu cũng trở thành tay chân cho chúng. Mỗi tên tội phạm nguy hiểm trong buồng giam, mỗi tên tay chân của chúng lại có một chú nhóc được đỡ đầu để làm tay sai.

Đứng đầu cả nhà tù là một tên tội phạm có thâm niên cao. Hắn đã rất nhiều lẫn ra vào tù. Lần cuối cùng hắn bị kết án hai nhăm năm, và đã ngồi tù được mười năm. Những kẻ bị giam lâu trong tù đã biết rõ mọi bí mật của hắn. Hắn, cũng như những đứa trẻ từng làm sai vặt cho hắn, lần đầu tiên vào tù lúc mới mười ba tuổi, sau đó được thả và lại vào lại, lại được thả, rồi lại vào, và cuối cùng bị vướng hẳn.

– Này, hắn là thằng khó chịu lắm? – Những kẻ không ưa sự hống hách của hắn ở trong tù nói về hắn như vậy.

Tên tội phạm này lẽ ra phải chuyển về nhà tù tỉnh từ lâu, vì hắn bị kết án dài hạn, nhưng người ta  không sao chuyển hắn đi được. Mỗi năm một hai lần xảy ra chuyện hắn cầm dao đâm người. Nhưng theo luật hiện hành, muốn kết án kẻ phạm tội cần phải kết án tại nơi hắn gây tội ác. Làm sao có thể chuyển hắn về nhà tù tỉnh, khi hắn phải ra trước tòa vì tội đâm người ở thủ đô?

Một hôm, một chú nhóc mười lăm tuổi, được một tên trùm trong tù đỡ đầu, sau khi ngồi tù sáu tháng được thả tự do. Tên cầm đầu khi chia tay với chú nhóc ra lệnh cho chú ta phải trở lại nhà tù càng sớm càng tốt. Vì trong tù chú nhóc được ăn uống đầy đủ hơn nhiều, nên chỉ một tháng sau chú ta lại đã ở sau song sắt. Trong lúc chú sống ở bên ngoài, tên cầm đầu trong tù gửi tiền ra cho chú bé. Mọi việc cứ thế diễn ra đều đặn.

Nhưng người ta đã thay thế giám thị trại. Sếp mới là một người trẻ tuổi và hăng hái. Chỉ chưa đầy mười ngày ông ta đã nắm rõ tình hình trong tù, tìm hiểu được mọi chuyện thầm kín bên trong. Quyết định chấm dứt nề nếp cũ, việc đầu tiên ông ta bắt tay làm là tách bọn trẻ ra và đưa chúng vào phòng giam riêng. Trong phòng giam có biệt danh là “Phòng choai choai” này lúc đầu có bốn mươi tư chú nhóc. Đứa bé nhất mười một tuổi, đứa lớn nhất – mười bảy. Nhưng đang là mùa đông lạnh giá, nên mỗi ngày có thêm vài phạm nhân nhỏ tuổi nữa được tống vào đây. Sau đó lại bổ sung thêm những phạm nhân trên hai mươi tuổi mà không hiểu sao ngài giám thị cũng xếp vào loại “ choai choai”.

Cái trật tự mới do ngài giám thị đặt ra khiến những tên đại bàng trong tù vốn sống không thua gì vua chúa, lấy làm tức giận, nhưng chúng không dám nói công khai ra miệng. Chỉ những tên mà trong người còn chút lòng tự ái, mới rụt rè nói ra sự bất bình của mình:

– Chả lẽ ngài không còn chút lòng thương xót nào? Những chú bé đáng thương này không có ai thăm nuôi cả, nên thỉnh thoảng chúng tôi phải chăm sóc chúng. Bây giờ chúng bị giam riêng như thế làm sao chúng sống được!

Ngài giám thị mới cho tăng khẩu phần của những chú bé nhân ngày Lưỡi liềm đỏ. Nhưng vị sếp có lòng thương người này không chỉ dừng ở đó. Ngài hiểu rằng cái cần nhất đối với những phạm nhân nhỏ tuổi là món ăn tinh thần, là sự giáo dục đúng đắn, vì thế ngài cho gửi tới đây một thầy giáo, người bị kết án sáu năm tù vị một tội rất xấu xa.

Vì ngài không thể kiếm ở đâu một thầy giáo khác. Ngài chỉ có thể sử dụng các phạm nhân mà ngài có trong tay.

Trước khi cử thầy giáo này đến dạy dỗ cho bọn trẻ, ngài giao cho anh ta một nhiệm vụ nghiêm khắc.

– Cẩn thận đấy, – ngài kết luận. – Tôi không chịu nổi bất cứ sự lộn xộn nào Và nếu anh biết giáo dục chúng tốt, anh sẽ được tính thành tích.

Ai cũng biết đối với một phạm nhân, được sự tin tưởng của giám thị còn quan trọng hơn nhiều so với một người ở ngoài nhận được ân huệ của ngài bộ trưởng. Vì thế tay thầy giáo, một người cực kỳ mồm mép, trào nước mắt nói:

– Ôi, thưa sếp, con không có từ nào diễn tả nỗi niềm sung sướng của con. Ngày xưa con là nạn nhân của sự vu khống bỉ ổi. Giờ đây dường như sếp đã trả lại cho con công việc trước đây. Sếp có thể tuyệt đối yên tâm, con sẽ dành cả ngày lẫn đêm cho bọn trẻ của chúng ta.

Quả thật, tay thầy giáo đã làm việc rất đáng khen. Vào cái giờ buổi sáng từ chín đến mười giờ và buổi chiều từ năm đến sáu giờ chỉ có các phạm nhân ít tuổi được dẫn ra ngoài sân tù dạo chơi. Còn các phạm nhân khác bị dồn vào các phòng.

Tay thầy giáo dậy các học trò của mình một số bài hành khúc. Tại các cuội đi dạo, những tù nhân choai choai đứng thành hai dãy, thầy giáo đứng phía trước, rồi tất cả vừa đi vừadậm chân, hát vang các bài hành khúc vòng quanh sân.

Ngài giám thị là một người có trái tim nhân hậu. Đứng sau cửa sổ ngắm nhìn đoàn người diễu hành ầm ĩ ấy ngài không cầm được nước mắt.

Những tù nhân choai choai trong tay thầy giáo biến thành những kẻ ngoan như chi chi. Trước đây khi bị nhốt vào phòng giam chúng làm không còn thiếu trò gì, đập vỡ cánh cửa, dùng các mảnh vỡ đánh nhau, làm náo động cả nhà tù. Nhưng từ ngày thầy giáo được cử về đây, bao nhiêu trò làm loạn chấm dứt hết.

– Đúng là một thầy giáo có nghề. Nguyên nhân là ở chỗ đó. – Ngài giám thị nhận xét. –  Trước đây không gì có thể uốn nắn được bọn trẻ này, quát mắng, roi vọt đều không có tác dụng. Vậy mà chỉ cần có thầy giáo này đến mọi việc trở nên khác hẳn. Quả là ông thầy đã tìm được tiếng nói chung với bọn trẻ!

Bọn trẻ được dạy hai bài hành khúc: “ Kỉ niệm lần thứ chín” và bài “Ôi, Tổ quốc ơi”. Khi đi đều bước, lúc đầu chúng hát bài “Kỉ niệm lần thứ chín”, rồi đến bài “Ôi, Tổ quốc ơi”.

“Ôi, Tổ q-u-u-ô-ố-c ơ-ơ-i! Hãy lau đi những giọt nước mắt, vì chúng con bây giờ đã nên người…”

Không, quả thực những đứa trẻ trong phòng choai choai bây giờ không còn nhận ra được. Chỉ mỗi tội chúng không có quần áo gì cả. Hơn một nửa phải đi chân đất. Còn những gì có ở chân những đứa còn lại thì có giầu tưởng tượng đến mấy cũng không thể gọi là dép. Quần chúng mặc rách tả tơi, lộ ra những cái cẳng chân gầy guộc. Những chiếc áo sơ mi rách nát không che nổi những bộ ngực còm nhom.

Nhưng các bạn thử nghĩ coi, ngài giám thị có thể làm được gì? Vì giày, tất, quần áo đều không được tính đến trong ngân sách…

Một ngày hai lần, sáng và tối, ngài giám thị lại rưng rưng sung sướng nghe tiếng hát của bọn trẻ.

– “Ôi, Tổ quốc ơi! Hãy lau đi những giọt nước mắt, vì bây giờ chúng con đã nên người!…”

Ngài giám thị rất muốn có quan trên nào đó ghé thăm nhà tù. Vì, như bất cứ người nào làm được việc tốt, ngài có quyền được người ta khen ngợi. Nhưng tất nhiên, ngài mong có sự viếng thăm của cấp trên không phải chỉ để khoe thành tích của mình. Nếu có quan chức nào đến thăm, khi nhìn thấy những đứa trẻ được uốn nắn thành người như thế biết đâu ông ta có thể ra lệnh cung cấp giày dép, quần áo cho chúng…

Cuối cùng, ước muốn của ngài cũng trở thành hiện thực. Người ta thông báo cho ngài biết đích thân ngài bộ trưởng sẽ xuống tham quan trại.

Ngài giám thị cho gọi thầy giáo đến bảo:

– Này, bây giờ anh đừng phản tôi đấy nhé. Bốn hôm nữa ngài bộ trưởng sẽ đến thăm chúng ta. Đến ngày đó anh phải cho bọn trẻ hát bài hành khúc đấy nhé…

– Bài nào ạ?

– Bài “Ôi, Tổ quốc ơi!” ấy. Hãy tập cho bọn chúng hát thật tốt. Để không có một chỗ nào ấp úng cả. Hát sao cho thật đều! Còn bây giờ hãy thu dọn chăn màn đến ở luôn cùng phòng với lũ choai choai! Anh phải ngày đêm ở bên cạnh bọn trẻ. Phải chú ý dạy chúng cho thật tốt!

Trên nét mặt người thầy giáo lộ vẻ bối rối:

– Liệu con có thể không cần ở cùng phòng với bọn trẻ được không, thưa thầy giám thị. Tốt nhất cứ để buồi sáng con đến với chúng rồi tối quay về phòng mình?

– Không được! – Thầy giám thị nói. – Ta đã bảo anh là không dược. Hãy làm việc với bọn trẻ cho thật tốt!

– Chỉ sợ, thưa thầy giám thị, – người thầy giáo nói. – Sau này nhỡ có đứa nào trong bọn chúng nghĩ ra trò gì dại dột…

– Câm mồm – Thầy giám thị cáu tiết quát lên. – Còn lần chần gì nữa. Đi mau!

Khi thầy giáo đi rồi, thầy giám thị ra lệnh cho viên cai ngục:

– Không được để tay thầy giáo ấy rời khỏi phòng bọn choai choai. Hắn phải ở đó suốt ngày đêm với lũ trẻ.

Ngày hôm đó tất cả nhũng bức tường nhà tù vang lên lanh lảnh giọng trẻ con:

– Ôi, Tổ quốc ơi! Hãy lau đi nhũng giọt nước mắt. Vì giờ đây chúng con đã nên người.

Đến thăm trại giam cùng một lúc có ngài bộ trưởng, ngài tổng giám thị các trại giam,  hai viên luật sư và ba quan chức cao cấp của quận. Thầy giám thị trại giam ra lệnh cho viên quản ngục và các tù nhân choai choai đi ra sân trại để chuẩn bị. Sau đó, lựa lúc thuận tiện, thầy báo cáo với ngài bộ trưởng về các việc mình đã làm. Để chấm dứt tình trạng lộn xộn, thầy đã dồn những tù nhân ít tuổi vào một phòng. Sau đó cử một thầy giáo trong số tù nhân đến để giáo dục chúng. Phải, ông thầy này rất yêu nghề và dành hết tâm huyết để dạy dỗ bọn trẻ. Ông ta quả là người thầy giáo giỏi… Ông ấy bảo ông ấy bị kết tội oan. Chẳng qua ông ấy bị hạn.

Ngài bộ trưởng chăm chú lắng nghe tất cả những lời thầy giám thị kể và tỏ ra rất hài lòng. Ngài đã chực đi xuống các phòng để xem bọn trẻ thì bỗng cánh cửa bật mở và cái đầu bù xù của viên quản ngục già ló vào.

– Có chuyện gì? – Thầy giám thị đi ra gặp ông ta hỏi.

– Thưa thầy, bọn chúng không muốn hát hành khúc.

– Tại sao?

– Tôi không biết, thưa thầy!

Tất nhiên viên quản ngục đã biết chuyện gì, chỉ có điều lão không dám nói.

Sao lại không muốn? Tôi đã kể hết cho ngài bộ trưởng rồi:

– Thầy giám thị lập tức cho truyền gọi thầy giáo đến.

– Tại sao các người không hát hành khúc?

– Chúng tôi không hát! – Thầy giáo đáp.

– Cái-gì-ì-ì?

Thử nghĩ xem, hắn không nói “chúng nó không hát “, mà nói “chúng tôi không hát!”! Nghĩa là hắn về hùa với bọn nhóc.

– Tại sao? – Ngài giám thị đỏ mặt tía tai hét lên.

– Không hát, thế thôi!

– Cút ngay khỏi đây!

Ngài giám thị cho gọi cậu thanh niên lớn tuổi nhất của phòng ”choai choai” – cậu có mặt dài – đến hỏi. Cậu này mới hai mươi hai tuổi. Nhưng cũng như vậy, ngoài hai câu “chúng tôi không hát “ ra, ngài không moi được gì từ miệng cậu thanh niên này.

Ngài giám thị muốn phát điên vì tức giận. Khi đó ngài lại cho gọi cậu bé ít tuổi nhất đến hỏi. Đó là cậu bé mười một tuổi, có nước da ngăm ngăm với chỏm tóc dựng ngược như con nhím. Cậu bé này bị bắt khi đang ăn cắp than trên đầu máy. Vì tội nhân còn rất ít tuổi nên người ta chỉ kết án cậu một tháng tù.

Cậu bé đi chân đất. Thân hình tiều tuỵ lộ rõ qua bộ quần áo rách tả tơi. Cánh tay áo rách bên phải chỉ che được cái vai.

– Tại sao tụi bay không hát hành khúc?

Nhưng cậu bé, giống như con lừa con, chỉ đứng cúi gằm mặt nhìn xuống chân, đáp:

– Chúng tôi không hát, thế thôi!

Ngài giám thị vung tay tát cho cậu một cái.

– Trả lời đi, tại sao không hát?

Cậu bé khóc rống lên. Vừa lấy vạt áo rách lau nước mắt, cậu vừa sụt sịt thú nhận.

– Chúng tôi không thể hát được. Không còn sức để hát. Chúng tôi đói không hát nổi. Đã bốn ngày rồi, kể từ khi thầy giáo đến ở với chúng tôi. Vì thầy ấy không thể tiếp tế cho chúng tôi cả thuốc phiện lẫn ma túy từ đại ca. Làm sao chúng tôi có sức mà hát? Ngài có giết chúng tôi thì chúng tôi cũng không thể hát hành khúc được. Thậm chí chúng tôi không còn đủ sức bước đi nữa!

– Lạy thánh Ala! – Ngài giám thị giơ hai tay ôm đầu.

– Bây giờ hãy cho tôi xem các phòng giam – Vừa lúc đó ngài bộ trưởng ở phòng bên cạnh ra lệnh.

– Thầy giám thị đâu rồi nhỉ? – Viên thanh tra luật sư hỏi.

Thầy giám thị đã hoàn toàn tuyệt vọng ra lệnh cho viên cai ngục:

– Hãy chạy ngay đi gặp tay đại ca, lấy của hắn thuốc phiện và ma tuý rồi phân phát cho bọn trẻ! Rồi khi nào mọi việc kết thúc ta sẽ cho chúng biết tay!

Viên cai ngục mang đến một gói lớn hêrôin. Người đầu tiên chạy bổ đến là thầy giáo.

Mọi người bước ra sân trại. Các chú nhóc xếp thành hàng.

Thầy giáo đứng phía trước đoàn người hô to:

– Bước đều, bước!…

Đoàn tù nhân choai choai đi ngang qua ngài bộ trưởng. Bốn mươi tư cậu bé – đi chân đất, cởi trần, quần rách nát. Đi đầu tất cả là cậu bé hai mươi hai tuổi – cậu này lớn nhất, đi cuối hàng là cậu bé mười một tuổi. Chúng bước đi rất nhịp nhàng – khi đoàn diễu hành đi ngang qua ngài bộ trưởng, thầy giáo đưa tay ra hiệu.

– Ôi, Tổ quốc ơi! Hãy lau đi những giọt nước mắt, vì giờ đây chúng con đã nên người!… – Những giọng trẻ con hát vang với niềm say sưa phấn kích.

Ngài giám thị không cầm được nước mắt.

– Quả thật, khó cầm được nước mắt, – ngài bộ trưởng nói. – Sau cuộc diễu hành trọng thể ngài bộ trưởng gọi thầy giáo đến.

– Tôi xin chúc mừng thầy đã giáo dục tốt bọn trẻ. Thú thật, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy cảnh này. Thầy không có việc gì làm ở trại này nữa, tôi sẽ chuyển thầy sang trại khác. Tôi hi vọng trong vòng bốn, năm tháng thầy sẽ giáo dục được những đứa trẻ ở đó thành những cậu bé như thế này.

– Tôi xin vâng lệnh ngài, – thầy giáo đáp. – Tôi chi có một yêu cầu mong được ngài chấp thuận.

– Yêu cầu gì?

– Tôi có một cậu bé giúp tôi rất nhiều trong việc giáo dục trẻ. Sẽ rất tốt nếu cậu ấy được đi cùng tôi. Nếu được như vậy tôi bảo đảm với ngài công việc nhất định sẽ thành công.