Chương 8

Vào một sáng tháng Năm, năm 1862 ấy, khi chuyến xe lửa mang nàng lên miền Bắc, Scarlett nghĩ thầm chắc Atlanta không đến nỗi nào buồn thảm như Charleston và Savannah. Và mặc dù chẳng thích cô Pittypat và Melanie, nàng cũng tò mò nhìn ra phía trước để xem thành phố đã thay đổi ra sao sau lần thăm viếng cuối cùng của nàng vào mùa đông trước khi có chiến tranh.

Atlanta luôn luôn là nơi yêu thích đối với nàng hơn bất cứ thành phố nào khác, vì từ lúc bé nàng đã nghe Gerald bảo rằng nàng và Atlanta cùng một tuổi với nhau. Khi lớn lên, nàng khám phá ra rằng Gerald đã nói hơi quá sự thật phần nào vì thói quen muốn phong phú hóa câu chuyện của ông. Atlanta chỉ hơn nàng chín tuổi, và điều nầy làm cho thành phố vẫn còn trẻ trung một cách lạ thường so với những thành phố khác mà nàng được biết. Savannah và Charleston thật xứng đáng với cái tuổi của chúng, một đã ở thế kỷ thứ hai và một đang bước vào thế kỷ thứ ba. Và dưới đôi mắt trẻ trung của nàng, chúng lúc nào cũng như những tổ mẫu, phe phẩy quạt một cách bình lặng dưới ánh mặt trời. Nhưng chính Atlanta mới thuộc về thế hệ của nàng, xanh chua đúng nghĩa lại trẻ trung, ương ngạnh và sôi động như chính nàng.

Chuyện Gerald kể dựa trên sự kiện nàng và Atlanta cùng được đặt tên trong một năm. Chín năm trước khi nàng ra đời, thành phố đầu tiên mang tên là Terminus rồi sau đó là Marthasville, và nó chỉ được chính thức gọi là Atlanta vào năm Scarlett được sanh ra.

Ngày Gerald lên miền Bắc Georgia, chẳng có một Atlanta nào, ngay cả cái bề ngoài cho ra vẻ một ngôi làng cũng không và đất đai hoang dại. Nhưng năm sau, 1836, chánh phủ cho phép thành lập một đường xe lửa theo hướng Tây Bắc xuyên qua lãnh thổ của thổ dân da đỏ Cherokee vừa nhượng lại. Thiết lộ dự định chạy tới Tennessee và miền Tây thật là rõ ràng và xác định, nhưng khởi điểm đặt tại Georgia vẫn còn lờ mờ, cho đến một năm sau, một viên kỹ sư cắm một cây tiêu trong đất sét đỏ đánh dấu phần cuối cùng của con đường nơi miền Nam. Và Atlanta chào đời với cái tên Terminus, bắt đầu mở mang từ đó.

Lúc ấy chưa có xe lửa ở miền Bắc Georgia, còn các nơi khác thì rất ít. Nhưng trong những năm trước khi Gerald thành hôn với Ellen, một xóm định cư nhỏ bé cách Tara hai mươi lăm dặm về phía Bắc đã bắt đầu mở mang thành một ngôi làng và thiết lộ cũng từ từ tiến về phía Bắc. Rồi thì kỷ nguyên thiết lộ thực sự bắt đầu. Từ đó thị cố cựu Augusta, một con đường sắt thứ nhì vươn về phía Tây, băng ngang tiểu bang để tiếp liền với con đường mới đi Tennessee. Từ thành phố Savannah già nua, thiết lộ thứ ba đầu tiên đến Macon, ngay trung tâm Georgia, và sau đó chạy lên miền Bắc xuyên qua hạt của Gerald đến Atlanta, tiếp giáp với hai thiết lộ khác mở cho hải cảng Savannah một xa lộ hướng về miền Tây. Từ một giao điểm như Atlanta trẻ trung, người ta thiết lập một thiết lộ thứ tư theo hướng Tây Nam đến Montgomery và Mobile.

Được sanh ra bởi một thiết lộ, Atlanta bành trướng theo đà mở mang thiết lộ đó. Với sự hoàn tất bốn con đường, Atlanta bây giờ được nối liền với miền Tây, thông với miền Nam, miền duyên hải và qua Augusta nó còn được nối liền với miền Bắc và miền Đông. Nó trở nên ngã tư du hành của bốn miền, và ngôi làng nhỏ bé đã nhảy vọt một bước dài.

Không cần nhiều năm hơn tuổi mười bảy của Scarlett, Atlanta vươn mình từ một cây cọc cắm xuống đất thành một tiểu đô thị thịnh vượng với mười ngàn dân, khiến cho toàn quốc chú ý. Những thành phố lâu đời hơn, êm đềm hơn nhìn cái tân đô thị náo nhiệt đó với cảm nghĩ của một con gà mái ấp ra vịt con. Tại sao nó khác xa những đô thị khác của Georgia? Tại sao nó phát triển quá mau như vậy? Chỉ vì nó hoàn toàn không có gì cả để phó thác, ngoài mấy thiết lộ và một đám dân chúng biết nỗ lực xây dựng.

Những người đã thiết lập ra cái thành phố lần lượt được gọi tên là Terminus, Marthasville và Atlanta đúng là những người biết vươn lên. Không mệt mỏi, những người kiên trí đó từ những phần đất xưa cũ của Georgia và từ những tiểu bang xa hơn nữa đã tụ tập lại thành phố càng ngày càng mở rộng ra chung quanh giao điểm của các thiết lộ trong lòng nó. Họ đến với nhiệt tâm. Họ thiết lập những cửa hàng gần nhà ga, nơi năm con đường bùn lầy đất đỏ gặp nhau. Họ xây những ngôi nhà tráng lệ dọc theo đường Whitehall, Washington và dài theo giồng đất cao ráo, nơi liên tiếp nhiều thế hệ vết giày của dân da đỏ đã tạo thành một con đường mòn gọi là “đường mòn Cây Đào”. Họ rất kiêu hãnh về thành phố của họ, về sự phát triển của nó, tự đắc với chính họ đã góp phần mở mang cho nó. Hãy để cho những đô thị già nua muốn gọi nó là gì tuỳ ý. Atlanta không hề quan tâm tới.

Scarlett bao giờ cũng thích Atlanta vì chính những lý do mà Savannah, Augusta và Macon đã kết án nó. Giống như chính nàng, đô thị nầy là sự pha trộn giữa mới và cũ ở Georgia, trong đó cái cũ thường bị đè bẹp trong những cuộc xung đột với cái mới ngoan cố và nhiều nghị lực hơn. Hơn nữa, có một cái gì riêng tư khiến nàng cảm động đối với một thành phố đã ra đời… hay ít nhứt là đã được đặt tên cùng một năm với nàng.

oOo

Đêm qua mưa lớn gió to nhưng khi Scarlett vừa tới nơi, Atlanta đã ấm áp trở lại, ánh nắng đang cố gắng hong khô mấy con đường quanh co đã biến thành mấy lạch nước đỏ ngầu sau cơn mưa. Khoảng trống chung quanh nhà ga lầy lội và lồi lõm bởi sự qua lại không ngớt của hành khách và hàng hóa đến nỗi trông giống như một chuồng heo khổng lồ, đây đó vài chiếc xe đã mắc lầy đến trục bánh. Xe nhà binh, xe cứu thương đậu thành một hàng dài không gián đoạn, đang tiếp nhận và gởi đi các hàng hóa cùng thương binh nơi một chiếc xe lửa, càng làm cho bùn đất lầy lụa hơn. Mấy người xà ích chửi rủa luôn miệng, và bước chân của mấy con la bắn văng bùn tung toé.

Scarlett đứng trên bực thang thấp nhất của toa xe lửa, hơi xanh, mặt xinh xắn trong tang phục màu đen, khăn tang phất phới gần đụng gót. Nàng hơi do dự, không muốn giẵm giày và nhúng vạt áo trong bùn. Nàng nhìn quanh những cổ xe ngựa lẫn lộn hai bánh và bốn bánh tìm cô Pittypat, nhưng chẳng thấy người đàn bà mập mạp với đôi má hồng hào ấy. Trong khi nàng đang sốt ruột rảo mắt thì một lão da đen gầy còm, nón cầm tay, râu màu muối tiêu, cung cách trang trọng, bước qua vũng bùn tiến về phía nàng.

− Có phải bà là Scarlett không? Tôi là Peter, xà ích của bà Pitty. Bà đừng đặt chân xuống bùn.

Ông ta nói nhưng ra lịnh khi thấy Scarlett vén áo sửa soạn bước xuống.

− Bà cũng yếu như cô Pitty, cô ấy giống như con nít, hễ chân ướt là bị đau ngay. Bà để cho tôi ẵm bà qua.

Ông nhấc Scarlett lên thật dễ dàng mặc dầu người ông quá gầy và đã khá trọng tuổi. Thấy con Prissy đang bế đứa bé đứng trên sàn xe, ông ngừng lại:

− Con bé giữ cậu nhỏ đó phải không, bà Scarlett? Nó còn nhỏ quá làm sao coi chừng con cậu Charles được? Nhưng thôi, hãy tính sau. Con nhỏ kia, đi theo tao! Đừng làm rớt cậu nhỏ nghe không!

Scarlett cứ để yên cho ông ẵm ra cổ xe và ngoan ngoãn nghe những lời chỉ trích của ông về nàng và Prissy. Lúc họ vượt qua đám bùn với con Prissy càu nhàu theo sau, nàng nhớ lại những điều Charles đã nói về bác Peter nầy.

“Bác tham dự suốt trận đánh Mễ tây cơ với ba, săn sóc khi người bị thương… thật ra là chính bác đã cứu ba thoát chết. Chính bác Peter đã nuôi nấng anh và chị Melanie, vì tụi anh còn nhỏ xíu lúc ba má qua đời. Cô Pitty không hợp với chú Henry nên trong thời gian đó, cô sống chung với tụi anh… Cô chẳng được việc gì cả… giống như một đứa trẻ to xác ngoan ngoãn vậy thôi và bác Peter đối xử với cô như với con nít vậy. Cô chẳng làm nổi một việc gì dù để tự cứu mạng mình cũng vậy, nên bác Peter phải gánh vác mọi việc. Chính ông là người đã quyết định tăng thêm tiền trợ cấp cho anh khi anh 15 tuổi, và yêu cầu cho anh được học ở Harvard khi anh qua hết trung học, trong khi chú Henry thì muốn anh vào đại học của tiểu bang. Và ông cũng quyết định là Melly đã đến tuổi phải vấn tóc lên và được đi dự tiệc tùng. Ông còn nói cho cô Pitty biết khi nào trời lạnh hoặc ẩm quá thì không thể đi thăm viếng ai, và nhắc cô khi nào phải choàng khăn. Bác ấy là người lanh lợi và tận tuỵ nhứt trong số những người da đen mà anh từng biết. Chỉ phiền một điều là bác ta chiếm trọn cả ba người chúng anh, cả thể xác lẫn linh hồn. Chắc bác cũng biết rõ điều ấy”.

Những lời của Charles được xác nhận ngay khi bác Peter leo lên xe và cầm lấy con roi.

− Cô Pitty không được khỏe nên không thể đi đón bà. Cô sợ bà không hiểu nhưng tôi nói với cô rằng cô và bà Melly sẽ bị bùn đất làm dơ hết mấy cái áo mới, và tôi sẽ giải thích với bà điều đó. Bà Scarlett, bà nên ẵm đứa nhỏ thì hơn. Con mọi nầy làm rớt cậu nhỏ bây giờ.

Scarlett nhìn Prissy và thở dài. Prissy không kham nổi chức vụ vú em. Nó vừa được lên chức, từ một đứa bé da đen gầy ốm với chiếc váy ngắn trở thành nghiêm trang hơn với cái áo dài bằng vải chúc bâu và cái khăn trắng bịt đầu. Chức vụ mới làm nó lúng túng, không bao giờ nó được địa vị cao quí ấy sớm như vậy nếu không vì nhu cầu chiến tranh và sự đòi hỏi của ban quân nhu đối với Tara khiến cho Ellen quá bận rộn đến nỗi không thể để Mammy, Dilcey, ngay cả Rosa hay Teena theo Scarlett. Con Prissy chẳng bao giờ rời Tara hay Twelve Oaks quá một dặm, và chuyến du hành bằng xe lửa, thêm vào đó sự đặc cách thăng chức vú em đã hơi quá lắm đối với bộ óc ấu trĩ chứa đựng trong cái sọ bé xíu đen đũi của nó. Cuộc hành trình hai mươi lăm dặm từ Jonesboro đến Atlanta đã làm cho nó quá khích động đến đỗi Scarlett phải luôn luôn trông chừng đứa bé. Bây giờ nhìn thấy quá nhiều cao ốc và dân chúng đông đảo, Prissy càng hoang mang hơn. Nó không ngớt quay qua, quay lại, chỉ trỏ, thấp tha thấp thỏm và xốc đứa nhỏ tới nỗi nó phải gào lên thảm hại.

Scarlett tiếc là không có cánh tay mập mạp của Mammy ở đây. Bà chỉ cần ẵm đứa nhỏ lên là nó nín ngay. Nhưng Mammy phải ở lại Tara còn Scarlett thì không quen dỗ con. Nàng có ẵm thằng bé cũng vô ích. Nó sẽ hét lớn hơn khi nàng không bồng nó. Đã vậy, nó sẽ còn bứt phá mấy sợi dây băng trên nón và chắc chắn nó sẽ làm nhăn áo nàng. Nàng vờ như không nghe lời khuyên của bác Peter.

“Có thể một ngày kia mình sẽ biết về trẻ con. Nhưng chẳng bao giờ mình thích vui đùa với chúng”.

Scarlett bực mình nghĩ về chuyện đó, trong khi chiếc xe lắc lư cố gắng vượt qua vũng lầy quanh nhà ga. Và cho tới lúc mặt bé Wade tái ngắt vì đã khóc hết hơi, nàng gắt gỏng bảo:

− Priss, đưa chưa nó cái núm vú trong túi mầy. Miễn sao cho nó nín. Tao biết nó đói rồi, nhưng bây giờ chẳng làm gì được đâu.

Prissy lấy cái núm vú mà Mammy mới trao cho nó hồi sáng, và đứa bé liền nín khóc. Được yên tĩnh trở lại và với những cảnh tượng mới mẻ nàng vừa thấy, Scarlett bắt đầu cảm thấy vui vui. Khi chiếc xe ra khỏi vũng bùn, tiến vào đường Cây Đào, nàng tìm lại được cảm giác yêu đời đã mất mát mấy tháng qua. Thành phố đã phát triển quá đồ sộ! Nó không còn như khi nàng đến lần cuối vào năm trước. Nàng không ngờ nổi là thị trấn Atlanta nhỏ bé kia lại thay đổi nhiều đến thế.

Năm trước, bị chi phối bởi quá nhiều phiền muộn riêng tư, bởi bực mình khi nghe nhắc đến chiến tranh, nàng đã không biết rằng ngay những phút đầu chiến tranh bùng nổ Atlanta đã biến đổi rồi. Cũng chính những thiết lộ đã biến thị trấn nầy thành giao điểm của mọi dịch vụ thương mại trong thời bình, bây giờ lại là những con đường chiến lược sanh tử. Nằm thật xa chiến tuyến, thành phố và hệ thống thiết lộ của nó đã làm một gạch nối giữa hai đạo quân của Liên bang miền Nam, đoàn quân Virginia với đoàn quân Tennessee và Tây bộ. Ngoài nơi gặp gỡ của các đạo quân với miền cực Nam, Atlanta còn là một căn cứ tiếp liệu. Để đáp ứng nhu cầu chiến tranh, Atlanta biến thành một trung tâm sản xuất, một tổng y viện và là một trong những kho dự trữ thực phẩm và quân trang, quân dụng cho các đoàn quân ngoài hỏa tuyến.

Scarlett nhìn quanh để nhớ lại cái thị trấn nhỏ bé mà nàng vẫn chưa quên. Tất cả đều thay đổi. Cái thành phố hiện thời dưới mắt nàng giống như một đứa bé chỉ qua một đêm đã biến thành một gã khổng lồ bận rộn.

Atlanta nhộn nhịp như một tổ ong, hãnh diện vì đã đóng một vai trò quan trọng trong Liên bang miền Nam và làm việc ngày đêm, để biến đổi từ lãnh vực nông nghiệp sang địa hạt kỹ nghệ. Lúc chưa có chiến tranh, ở đây chỉ có lèo tèo vài nhà máy sợi, dệt nỉ, vài cơ xưởng và binh xưởng của miền Nam Maryland… và đó là những gì mà miền Nam rất tự đắc. Miền Nam chỉ sản xuất ra những chính khách và chiến sĩ, nhà trồng trọt và bác sĩ, luật sư và thi sĩ, nhưng chắc chắn không đào tạo kỹ sư hoặc chuyên viên máy móc. Hãy để bọn Yankee chọn những nghề hạ tiện như vậy. Nhưng bây giờ những hải cảng miền Nam đều bị pháo hạm Yankee ngăn chận, chỉ có một ít hàng hóa từ Âu châu vượt được màn lưới phong tỏa đó, và miền Nam đành cố gắng chế tạo quân cụ lấy cho mình. Miền Bắc có thể kêu gọi thế giới cung cấp nhu yếu phẩm và binh sĩ cho quân đội của họ. Hàng ngàn người Ái nhĩ lan và Đức hăng hái gia nhập quân đội Bắc Mỹ. Miền Nam thì phải tự xoay xở lấy.

Ở Atlanta, các xưởng đúc chậm chạp sản xuất các động cơ để chế tạo chiến cụ… thật chậm chạp, vì nó chỉ có một số rất ít những máy móc có thể làm mẫu được, và hầu hết các bánh trớn và bánh xe răng cưa chỉ có thể tạo được theo những họa đồ của người Anh vượt vòng phong tỏa. Bây giờ có những bộ mặt lạ trên đường phố Atlanta, và những công dân cách đây một năm thường vểnh tai khi nhận ra một giọng nói miền Tây, bây giờ không thèm lưu ý tới những thứ tiếng xa lạ của người Âu đã vượt hàng rào phong tỏa để sang đây chế tạo máy móc và sản xuất đạn dược cho Liên bang miền Nam. Và nếu không nhờ tài năng của những người nầy, Liên bang miền Nam đã phải gặp rất nhiều khó khăn trong việc chế tạo súng lục, súng trường, đại bác và thuốc súng.

Dường như trái tim của thành phố cứ đập suốt ngày đêm, bơm chiến cụ lên đường sắt cung cấp cho hai chiến tuyến. Xe lửa gầm thét ra vào thành phố suốt ngày. Từ những cơ xưởng mới xây cất, khói đen tuôn nườm nượp trên những ngôi nhà trắng. Ban đêm, các lò vẫn rực lửa, tiếng búa còn vang dậy thật khuya sau khi dân chúng đã ngủ say. Những thửa đất bỏ trống năm trước, bây giờ trở thành các xưởng sản xuất yên cương và giày da, công binh xưởng sản xuất súng trường và đại bác, nhà máy cán và nhà máy đúc làm đường sắt và toa xe hàng để thay thế những thứ đã bị bọn Yankee phá hủy. Sau hết là những xưởng nhỏ chế tạo đinh thúc ngựa, hàm thiếc ngựa, móc lều, nút áo, súng lúc và gươm. Các lò đúc đã bắt đầu thấy thiếu sắt, vì chỉ có một số lượng sắt rất nhỏ vượt được rào phong tỏa. Riêng các hầm mỏ ở Atlanta hầu như ngưng hoạt động vì thợ mỏ đều ra ngoài chiến tuyến. Ở đây không còn rào sắt, nhà mát bằng sắt, cửa sắt, hay đến cả những tượng sắt trên sân cỏ cũng không, vì tất cả đều sớm chui vào các lò nấu kim khí trong nhà máy cán kim loại.

Dọc theo đường Cây Đào và các đường lân cận đều có các Bộ Chỉ huy của các binh chủng. Văn phòng nào cũng đen nghẹt những người mặc đồng phục, lính quân nhu, truyền tin, quân bưu, vận tải thiết lộ và quân cảnh. Ở ngoại ô có những trạm cấp ngựa, nơi đây la và ngựa được nhốt trong những chuồng rộng lớn, và hai bên đường là những y viện. Theo lời của bác Peter, Scarlett có cảm tưởng rằng Atlanta chỉ là một thành phố của thương binh, người ta không thể đếm biết bao nhiêu những bịnh viện tổng hợp, bịnh viện truyền nhiễm và trung tâm hồi phục. Và mỗi ngày, xe lửa lại càng mang từ Five Points về những thương binh và bịnh binh.

Thành phố nhỏ không còn nữa và bộ mặt của đô thị tiến bộ nhanh chóng nầy đã trở nên rộn rịp, hoạt động không ngừng nghỉ. Cảnh tượng náo nhiệt đó đã làm cho Scarlett, vốn quen thuộc với cảnh nhàn rỗi và yên tĩnh, nhưng nàng vẫn yêu thích nó dù muốn ngừng thở. Một không khí sôi động bao trùm thành phố làm cho nàng cảm thấy chới với dường như nhịp tim gấp rút của thành phố đang cùng một nhịp đập với tim nàng.

Lúc chiếc xe chòng chành vượt qua những hố bùn một cách chậm chạp để hướng về phố chính. Nàng ghi nhận một cách thú vị các cao ốc và những khuôn mặt mới. Lề đường chật ních những người mặc quân phục, đeo đủ cấp hiệu và huy hiệu của ngành mình. Con đường hẹp đã chen chúc xe cộ… xe bốn bánh, xe mui trần, xe cứu thương, xe che mui của quân đội với những gã xa phu thô lỗ luôn miệng chửi rủa mấy con la đang cố rút chân ra khỏi chỗ lún. Các quân bưu viên mặc đồng phục xám phóng thật mau trên đường, bắn bùn tung tóe. Họ di chuyển từ Bộ Chỉ huy nầy sang Bộ Chỉ huy khác, mang các mệnh lệnh và các điện tín hỏa tốc. Những người vừa hồi phục khập khễnh trên cặp nạng, thường thường có mỗi bà đi kèm theo với vẻ lo âu; tiếng kèn, tiếng trống, khẩu lệnh vang vang từ các thao trường, nơi đang huấn luyện các tân binh. Và Scarlett bỗng nghẹn thở khi lần đầu nhìn thấy bộ quân phục màu xanh của quân Yankee lúc bác Peter đưa ngọn roi chỉ về phía một đoàn quân thất thểu bị lùa về ga xe lửa để chở tới trại giam dưới sự canh gác của một toán binh sĩ Liên bang miền Nam, lưỡi lê gắn đầu súng.

“Ồ, mình bắt đầu thích sống ở đây rồi. Thật là náo nhiệt và thích thú!” Lần đầu tiên, kể từ ngày dự dã yến, Scarlett cảm thấy hài lòng thật sự.

Thật ra, thành phố còn sống động nhiều hơn nàng tưởng, ở đây đã có tới vài mươi quán rượu và theo sau quân đội là hàng loạt gái điếm tràn vào, rồi các nhà chứa mọc lên như nấm gây khiếp đảm cho bao nhiêu người mộ đạo. Mỗi khách sạn, mỗi nhà trọ và mỗi tư gia đều chật ních những người khách phương xa tới để thăm viếng và săn sóc thân nhân bị thương đang được cứu chữa trong các bịnh viện to lớn của Atlanta. Không tuần nào là không có những hội hè, những cuộc khiêu vũ, các buổi tổ chức phước thiện và vô số lễ cưới gấp rút vì chiến tranh, với các chú rể được nghỉ phép mặc quân phục bóng ngời, màu xám viền vàng cùng các cô dâu lộng lẫy trong lớp nhung lụa lọt qua được màn lưới phong tỏa, đem về từ các chuyến tàu. Họ đi qua hàng rào danh dự với hai hàng gươm tuốt trần giao nhau ở bên trên, họ uống sâm banh và sụt sùi khóc chia tay. Đêm đêm những con đường hai bên có nhiều cây rậm luôn luôn rộn rịp tiếng bước chân khiêu vũ và tiếng dương cầm thánh thót từ các phòng khác vang ra với các giọng ca cao vút hòa lẫn những giọng ca ồ ề của các binh sĩ được mời tới cùng xướng họa những nhạc khúc bi ai, chẳng hạn như “Tiếng kèn hưu chiến” và “Thơ em tới nhưng trễ mất rồi”, toàn là những điệu hoài cảm dễ khiến những kẻ chưa hề biết khóc vì đau khổ thật sự cũng rơi nước mắt.

Trong khi chiếc xe tiếp tục lăn bánh trên con đường lầy lội, Scarlett hỏi không ngớt miệng và bác Peter luôn luôn trả lời với ngọn roi chỉ trỏ đó đây, hãnh diện phô bày sự hiểu biết của mình.

− Đó là công binh xưởng, vâng, thưa bà, ở đó mới có súng. Không, thưa bà, đó không phải là tiệm buôn mà là các văn phòng coi về việc phong tỏa. Coi nào, bà Scarlett, bà biết đó là cái gì không? Đó là chỗ mấy người ngoại quốc tới mua bông vải của mình rồi từ Charleston và Wilmington đem bán ra ngoài và chở trở về với thuốc súng. Không, thưa bà, tôi không rõ họ là người nước nào. Cô Pitty nói họ là người Ái nhĩ lan nhưng không ai biết họ nói gì. Đúng đó, thưa bà, khói dữ quá và làm hư hết mấy tấm màn tơ của cô Pitty. Khói đó là của lò đúc và xưởng cán kim khí. Trời, ban đêm nó kêu ầm ầm! Không ai ngủ được. Không được đâu, tôi không thể dừng xe để cho bà xem đâu. Tôi đã hứa với cô Pitty là sẽ đưa thẳng bà về nhà… bà Scarlett, bà chào người ta đi! Đó là hai bà Merriwether và bà Elsing. Người ta đang chào bà đó.

Scarlett mơ hồ nhớ có hai bà mang tên đó đã từ Atlanta tới Tara dự lễ cưới của nàng và họ đều là bạn thân của cô Pittypat. Nàng mau mắn quay người lại cúi chào. Hai bà đang ngồi trên một tiệm hàng vải. Chủ tiệm và hai nhân công đang đứng trên lề đường trình bày một lô xấp hàng ôm trên tay. Bà Merriwether người cao lớn và mập mạp, đã siết thắt đai yếm quá độ đến nỗi ngực bà nhô ra trông chẳng khác mũi tàu. Tóc đã xám như màu sắt bà lại còn quấn thêm vào một cuộc tóc giỏ màu nâu, bất cần để ý đến chuyện hai sắc tóc đối chọi nhau kỳ dị. Khuôn mặt tròn trịa hồng hào của bà biểu lộ tánh tình chất phác, lanh lợi, đồng thời cũng phản ảnh thói hay sai khiến. Bà Elsing còn trẻ hơn, vóc người mảnh khảnh, đã một thời là hoa khôi, vẫn giữ được đôi chút tươi mát còn sót lại với dáng điệu kiểu cách thanh lịch.

Hai bà nầy và một bà khác mang tên Whiting đều là những trụ cột của Atlanta. Họ cai quản ba ngôi giáo đường, trông coi luôn các hàng tu sĩ, các ca đoàn và những người trong giáo khu. Họ tổ chức những buổi lễ phước thiện và chủ tọa các hội may vá, điều khiển các cuộc dạ vũ và những buổi ăn ngoài trời. Họ lại còn phân định đám nào xứng đôi vừa lứa, đám nào không, họ cũng biết kẻ nào đã lén lút uống rượu, những ai sắp có con và tới lúc nào mới đi sanh. Họ là những người biết rõ từng chi tiết về phổ hệ của mọi gia đình ở Georgia, Nam Carolina và Virginia, và bất cần để ý tới các người ở những tiểu bang khác vì cho rằng ngoài ba nơi vừa kể, chẳng còn một chỗ nào có được một ai xứng đáng. Họ kiêm luôn cả việc nhận định thế nào là hạnh kiểm đáng khen và thế nào là những hành vi xấu. Điều đáng nói là họ chẳng bao giờ quên phát biểu ý kiến riêng, tự cho đó là mực thước… bà Merriwether thì lúc nào cũng rống to, bà Elsing thì bằng một giọng kiểu cách lê thê còn bà Whiting thì cứ như thì thầm một cách chán chường, ra điều mình không mấy thích nói tới những chuyện đó. Cả ba bà đều ghét nhau và không bao giờ tin cậy lẫn nhau y hệt tình trạng của các chấp chánh quan trọng tổ chức Tam Đầu Chế đầu tiên ở La mã, và sự liên kết của họ có lẽ cũng vì nguyên do đó.

Bà Merriwether mỉm cười:

− Tôi đã nói với Pitty là tôi sẽ mượn cháu vào làm việc trong bịnh viện của tôi. Nhớ đừng có hứa với bà Meade hay bà Whiting!

− Thưa, không đâu.

Scarlett trả lời, chẳng nghĩ gì tới ý nghĩa câu nói của bà Merriwether mà chỉ cảm thấy ấm áp vì được săn đón và mời mọc.

Nàng nói tiếp:

− Rất mong được gặp lại bà.

Xe tiếp tục lăn bánh và phải ngừng lại một lúc để nhường chỗ cho hai phụ nữ tay ôm những thúng đựng đầy băng cứu thương dò từng bước một đi qua trên con đường lài trơn trợt. Đúng ngay lúc đó, Scarlett bỗng chú ý đến một người mặc y phục rực rỡ trên lề đường – quá rực rỡ để mặc đi ngoài phố – với chiếc khăn choàng loại nỉ mềm mại Tô cách lan dài chấm gót. Quay đầu lại, nàng nhận ra đó là một thiếu phụ cao lớn, khá đẹp với khuôn mặt dạn dĩ và mái tóc đỏ chói, quá đỏ để có thể tin là màu tóc thật. Đây là lần thứ nhứt nàng nhìn tận mắt một người đàn bà chắc chắn đã có “làm một cái gì trên tóc” và nàng nhìn ả ta một cách mê mẩn. Nàng thì thầm hỏi:

− Bác Peter, ai vậy?

− Tôi không biết.

− Bác biết mà. Ai vậy?

− Tên là Belle Watling.

Peter vừa đáp vừa xệ môi dưới xuống. Scarlett hiểu ra ngay vì bác ta không nói tới tiếng “cô” hay “bà” để nói về người đó.

− Nhưng là ai mới được?

Peter sầm mặt, quất roi lên mình ngựa:

− Bà Scarlett, cô Pitty không thích bà đặt những câu hỏi không dính líu gì tới bà. Ở đây bây giờ có không biết bao nhiêu người không cần phải nói tới.

“Trời đất!” Scarlett im lìm nghĩ “chắc là một phụ nữ đồi trụy”.

Nàng chưa hề nhìn thấy một người đàn bà đồi truỵ nào cả nên ngoái đầu nhìn theo cho tới khi ả kia khuất dạng trong đám đông.

Các gian hàng và cơ sở quân sự lúc nầy đã ở cách nhau rời rạc, con đường còn nhiều thửa đất trống hai bên. Cuối cùng, khu thương mãi đã lùi lại phía sau và khu tư gia hiện ra trước mắt. Scarlett nhận ra những ngôi nhà quen thuộc, nhà của Leyden – bệ vệ oai nghiêm, nhà họ Bonnell với những chiếc cột trắng và cửa lá sách xanh, nhà của gia đình Mac Lure xây bằng gạch đỏ luôn luôn kín cửa sau hàng giậu hoàng dương. Xe phải đi chậm lại vì có nhiều người gọi Scarlett từ các mái hiên, từ các khu vườn và cả những người trên lề đường cũng chào hỏi nàng. Trong số những người đó có một ít nàng quen biết sơ sài, một số chỉ mang máng nhớ ra, còn phần lớn đều xa lạ. Vậy là cô Pittypat đã loan báo cùng khắp về chuyện nàng tới Atlanta. Nàng phải lần lượt trao thằng bé cho hết bà nầy tới bà khác. Họ đã không ngần ngại giẫm bừa vào bùn tới tận xe nàng để ôm lấy thằng bé, khen ngợi và hôn hít. Tất cả đều đòi hỏi nàng phải gia nhập các hội may vá, đan thêu và các uỷ ban bịnh viện của họ, nhứt là không được hứa với bất cứ ai. Thế là nàng phải hứa bừa với từng người.

Khi họ đi qua một ngôi nhà tường xanh, lợp ngói, một con nhỏ da đen đang đứng canh chừng trên thềm la lên: “Bà ấy tới rồi” thì bác sĩ Meade cùng vợ và đứa con trai Phil, mười ba tuổi chạy ra chào hỏi rối rít. Scarlett nhớ là họ đã có dự hôn lễ của nàng. Bà Meade leo đứng lên đòn xe của xe bà nghểnh cổ để nhìn rõ đứa con nàng. Phần bác sĩ Meade ông chẳng ngại bùn lầy, lội ra đến tận xe Scarlett. Ông hơi cao và gầy, chòm râu nhọn ở càm xám như màu sắt, quần áo rộng thùng thình bay phần phật giống như chúng vừa bị một cơn gió thổi mắc vào người ông. Atlanta xem ông như nguồn gốc của một sức mạnh và cẩn trọng, bởi thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ông thu phục được lòng tin của họ. Nhưng mặc dầu có thói quen hay tiên đoán và hay tự phụ, ông vẫn là người xứng đáng của thành phố.

Sau khi bắt tay Scarlett và khều vào bụng Wade, khen ngợi nó, bác sĩ báo cho nàng biết cô Pittypat thề sẽ không để cho nàng phục vụ ở dưỡng đường hay hội quấn băng nào khác ngoài hội của bà Meade. Scarlett kêu lên:

− Chết chưa, tôi đã lỡ hứa với cả ngàn bà khác!

Bà Meade bất bình:

− Vậy là bà Merriwether lại xen vào. Tồi quá! Chắc chắn là bà ấy đứng đợi từ chuyến xe lửa tới.

Scarlett thú nhận:

− Tôi đã hứa vì chẳng có ý niệm gì về những chuyện đó. Mà uỷ ban bịnh viện là cái gì vậy?

Hai vợ chồng bác sĩ hơi ngượng vì sự dốt của nàng. Bà Meade giải thích:

− Cháu cứ mãi sống ở đồng quê dĩ nhiên là không biết được. Chúng ta đã thành lập nhiều hội nữ điều dưỡng cho các dưỡng đường và hoạt động vào những ngày khác nhau. Chúng ta săn sóc thương binh, giúp đỡ bác sĩ cuộn băng, giặt quần áo và khi thương binh đã đủ sức xuất viện, chúng ta sẽ mang họ về nhà riêng để tĩnh dưỡng cho đến khi nào họ có thể trở về đơn vị được. Chúng ta còn phải chăm sóc vợ con của những thương binh nghèo khổ… phải nói là bần cùng mới đúng. Ông Meade làm việc ở y viện, nơi ủy hội của tôi đang hoạt động, ai cũng nói ông là một bàn tay mầu nhiệm và…

Bác sĩ Meade âu yếm ngắt lời vợ:

− Đó… thôi bà! Đừng nên đem tôi ra khoe khoang trước mặt người khác chớ. Tôi có làm gì đáng kể đâu, bởi vì bà không chịu cho tôi ra mặt trận mà.

Bà Meade giẫy nẩy:

− Không để ông đi! Ông đổ cho tôi hả? Cả thành phố không chịu để ông đi chớ có phải tôi đâu, ông biết mà. Cháu Scarlett nghĩ coi, khi hay tin ông muốn đi Virginia làm quân y sĩ giải phẫu, các bà đều ký tên vào một thỉnh nguyện thơ, yêu cầu ông ở lại. Dĩ nhiên là thành phố nầy không thể làm được việc gì nếu chẳng có ông.

Bác sĩ lại ngắt lời, hiển nhiên xúc động bởi lời ca tụng của vợ:

− Nữa, bà lại nói vậy. Có lẽ đã có một thằng con ra trận là cũng đủ rồi.

Thằng bé Phil la lên, tràn trề hy vọng:

− Năm tới con cũng đi! Con sẽ giữ trống. Con biết cách đánh trống rồi. Ba má muốn nghe con đánh trống không? Để con lấy trống ra.

− Không, bây giờ chưa được, năm tới cũng vậy nữa, con! Có lẽ phải tới năm kia.

Bà Meade kéo con vào lòng, mặt chợt hiện nét lo âu. Phil đẩy bà ra:

− Đợi tới đó thì hết chiến tranh rồi còn gì. Má đã hứa với con mà.

Scarlett nhận thấy cả hai ông bà nhìn nhau lo ngại. Darcey Meade đang chiến đấu ở Virginia, bởi thế họ càng cố giữ đứa con trai duy nhứt còn lại.

Bác Peter hắng giọng:

− Cô Pitty không được khỏe lúc tôi đi, nếu tôi không về sớm, chắc cô ấy lại ngất.

Bà Meade chào:

− Tạm biệt cháu, chiều nay tôi sẽ đến thăm, cháu nhớ nói dùm với Pitty là nếu cháu không gia nhập ủy hội của tôi, bà ấy sẽ khổ với tôi đó.

Cổ xe vọt tới và lướt đi trên con đường trơn trợt. Scarlett dựa vào nệm mỉm cười. Lần đầu trong mấy tháng nay, nàng mới thật sự cảm thấy dễ chịu. Với số dân đông đúc, nhộn nhịp và làn sóng khích động ngấm ngầm, Atlanta thật là thú vị, sôi động và xinh đẹp hơn vùng đồn điền heo hút của Charleston, nơi đêm đêm chỉ nghe có tiếng cá sấu, nơi suốt ngày chỉ quanh quẩn mộng mơ trong những khu vườn có tường cao vây kín. Atlanta cũng có nhiều sinh khí hơn Savannah, nơi chỉ có những con đường rộng thênh thang, hai bên toàn là dừa với con rạch bùn lầy bên cạnh. Phải, ngay lúc nầy nó còn đẹp hơn cả Tara, cho dầu Tara đã chiếm một địa vị quan trọng đối với nàng cũng vậy.

Có một cái gì phấn khởi bao trùm thành phố với những con đường bùn lầy chật chội, những ngọn đồi trọc đất đỏ bao quanh, một cái gì non nớt và thô bạo như bản chất thô bạo và non nớt của nàng được che phủ bởi lớp vỏ dịu dàng mà Mammy và Ellen đã cố tạo ra. Đột nhiên nàng nhận ra, đây chính là nơi nàng mong mỏi, không trầm lặng êm ả như tánh chất của những thành phố cũ buồn tẻ bên cạnh những dòng sông nước đục ngầu.

Nhà cửa lần lần thưa thớt hơn. Scarlett nghiêng đầu ra nhìn ngôi nhà gạch đỏ, mái lợp đá đen của cô Pittypat. Gần như đây là ngôi nhà cuối cùng ở về phía Bắc thành phố. Xa hơn nữa, con đường Cây Đào thu hẹp lần và quanh co dưới những tàng cây khổng lồ, rồi mất hút trong khu rừng dầy bịt, im lìm. Hàng rào cây vừa được sơn trắng và sân trước lốm đốm vàng với những đóa hoa trường thọ cuối mùa.

Trên thềm đã có hai người đàn bà mặc đồ đen đứng đợi, phía sau là một người đàn bà mập mạp màu da vàng ẻo đang nhe răng cười, hai tay thọc vào trong chiếc khăn. Cô Pittypat béo tròn cứ lắc la lắc lư trên đôi chân bé xíu, một bàn tay đè trên ngực để trấn áp nhịp tim đang đập rộn. Nhìn thấy Melanie đang đứng bên cạnh cô, Scarlett ghê tởm nghĩ chính con bé gầy gò trong bộ tang phục kia sẽ là chướng ngại của nàng ở Atlanta nầy. Nàng cũng nhận thấy mấy lọn tóc đen lơ thơ của Melanie đã được vén lên cao gọn gàng, đúng tư cách của người đã có chồng và đón tiếp nàng với một nụ cười âu yếm, nét sung sướng hiện rõ trên khuôn mặt hình trái tim.

oOo

Khi một người miền Nam chịu khó sắp xếp hành lý và đã đi khoảng hai mươi dặm để thăm ai, cuộc viếng thăm ấy ít khi ngắn hơn một tháng, thường thì lâu hơn. Người miền Nam rất thích được làm khách và đãi khách. Không hiếm người thăm bà con vào dịp Giáng sinh thường ở nán lại cho tới tháng bảy. Những cặp vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật, có khi kéo dài thời gian cư trú nơi họ thích cho đến khi đứa con thứ hai của họ ra đời. Thường thường những bà cô, ông bác già đến chơi nhà con cháu vào một chúa nhựt nào đó đã ở lại luôn vài năm sau cho đến khi người ta đưa họ xuống mồ. Chuyện khách khứa không thành vấn đề ở miền Nam. Hầu hết nhà cửa đều quá rộng lớn, gia nhân đông và việc nuôi thêm nhiều miệng ăn chỉ là việc thứ yếu trong miền đất sung túc nầy. Bất cứ ở tuổi nào, phái nào, ai ai cũng có thể đi thăm viếng, chẳng hạn như những cặp vợ chồng hưởng tuần trăng mật, các bà mẹ trẻ đi khoe con mới sanh, người đang dưỡng bịnh, những kẻ mồ côi, các cô gái mà cha mẹ muốn cho xa lánh những cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối, các thiếu nữ đã gần tới tuổi ế chồng nguy hiểm và hy vọng tìm được một hôn phu xứng đáng nhờ sự mai mối của họ hàng nơi khác. Khách khứa làm sôi động và biến đổi nhịp sống đều đều của miền Nam cho nên tất cả đều được tiếp đón niềm nở.

Do đó, Scarlett đến Atlanta mà không biết rằng mình sẽ nấn ná lại bao lâu. Nếu chuyện viếng thăm của nàng cũng tẻ nhạt như ở Savannah và Charleston, có lẽ nàng sẽ trở về sau một tháng. Nếu được hài lòng, nàng có thể ở lại một thời gian vô định. Nhưng chưa được bao lâu, cô Pitty và Melanie đều cùng khuyên Scarlett hãy ở lại luôn với họ. Họ viện nhiều lý do có thể chấp nhận được. Họ muốn ở gần nàng vì họ thương yêu nàng. Họ cô độc và luôn luôn hồi hộp lo âu trong căn nhà rộng lớn nầy trong khi Scarlett thừa dạn dĩ để làm cho họ bớt sợ hơn. Vả lại, nàng cũng rất duyên dáng đủ để an ủi sự phiền muộn của họ. Hiện thời Charles đã chết, chỗ của nàng và con nàng phải là gia quyến Charles. Hơn nữa, theo di chúc của Charles, phân nửa ngôi nhà nầy thuộc về nàng. Lý do sau cùng là Liên bang miền Nam cần tới những bàn tay để may vá, đan thêu, quấn băng và săn sóc thương binh.

Chú của Charles, ông Henry Hamilton, sống độc thân trong khách sạn Atlanta gần nhà ga cũng nghiêm trang bàn với Scarlett về vấn đề nầy. Chú Henry thấp bé, bụng to là một ông già khó tính, mặt hồng hào, tóc để dài trắng phếu. Chú thường gắt gỏng với những người đàn bà nhút nhát hay nói nhảm. Đó là lý do khiến chú ít khi nói chuyện với em gái, cô Pittypat. Từ nhỏ, họ đã hoàn toàn bất đồng về tánh khí và càng ngày họ càng mất thêm thiện cảm với nhau bởi những lời phản đối của ông về cách giáo dục Charles của cô Pittypat. Có lần ông chú nói toạc ra:

− Biến đứa con trai của một chiến sĩ thành một thằng lại cái mà coi được à?

Mấy năm trước, chú không ngớt mắng chửi cô Pitty cho đến nỗi tới ngày nay cô chẳng bao giờ nói gì về chú, ngoài những lời thì thầm kín đáo đủ khiến cho một người lạ có thể nghĩ rằng vị luật sư khả kính kia chính là một kẻ sát nhân. Chuyện đó xảy ra một hôm khi cô Pitty muốn rút năm trăm đô-la trong phần gia tài của cô do chú giữ để hùn vào một mỏ vàng chưa thành hình. Chú Henry từ chối, giận dữ mắng là đầu óc cô không hơn gì đầu óc của một con bọ. Chú lại còn nói thẳng ra là không thể nào chịu nổi khi ngồi gần cô năm phút. Kể từ ngày đó, cô chỉ gặp chú mỗi tháng một lần, khi bác Peter chở cô đến văn phòng của chú để lấy tiền chi dụng trong nhà.

Sau những lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy, cô Pitty thường hay nằm luôn cả ngày trên giường để khóc và hít thuốc khỏe. Melanie và Charles rất thuận thảo với chú, thường đề nghị để họ đứng ra dàn xếp mối gay cấn đó nhưng cô Pitty luôn luôn mím chặt cái miệng trẻ con của cô và từ khước. Henry là nỗi khổ của cô và cô muốn tự gánh lấy. Từ đó, Melanie và Charles khám phá rằng cô của họ cảm thấy hài lòng thật sự về những cảm xúc thỉnh thoảng có một lần, bởi vì đó là những xúc động duy nhứt trong cuộc sống quá bình lặng của cô.

Chú Henry thích Scarlett ngay vì theo lời ông, ông có thể nhận thấy bên trong cái kiểu cách ngớ ngẩn, nàng còn có một ít thông minh. Không những ông quản thủ tài sản của Pitty và Melanie mà còn luôn cả tài sản của Scarlett do Charles để lại. Scarlett hết sức ngạc nhiên khi biết mình là một thiếu phụ khá giả vì chẳng những Charles đã để lại cho nàng một nửa ngôi nhà của cô Pitty mà còn một số đất nông trại và bất động sản trong thành phố nữa. Thêm vào đó là những kho hàng và cửa tiệm dọc theo đường xe lửa, gần nhà ga, một phần thuộc về quyền thừa kế của nàng. Từ ngày có chiến tranh trị giá của những thứ đó đã gia tăng gấp ba lần. Khi chú Henry giao cho nàng bảng kết toán di sản, ông bàn luôn với nàng về chuyện ở luôn lại Atlanta. Ông nói:

− Khi Wade Hampton trưởng thành, nó sẽ là một thanh niên giàu có. Cứ theo cái đà phát triển của Atlanta hiện nay, tài sản của nó sẽ có giá trị mười lần hơn trong hai mươi năm tới. Và chẳng còn gì đúng hơn việc một đứa bé được nuôi dưỡng ngay nơi có tài sản của nó, vì nó cần phải học cách chăm sóc sản nghiệp của mình… ừ luôn cả gia tài của Pitty và Melanie nữa. Nó sẽ là người đàn ông độc nhứt mang họ Hamilton ở đây… chú chẳng còn sống được bao lâu nữa.

Về phần bác Peter, bác coi chuyện Scarlett ở luôn lại là chuyện tất nhiên. Bác không nghĩ tới việc đứa con duy nhứt của Charles có thể được nuôi nấng và dạy dỗ ở một nơi nào khác mà không có sự chăm sóc của bác. Trước những lý lẽ đó, Scarlett chỉ cười chớ không nói gì cả. Nàng không muốn hứa hẹn điều gì trước khi tìm hiểu xem mình có thể thích Atlanta và hòa hợp được với chị chồng hay không. Nàng cũng biết là cần phải có sự ưng thuận của Ellen và cả Gerald nữa. Hơn thế nữa bây giờ nàng đã xa lìa Tara, nàng cảm thấy nhớ kinh khủng, nhớ cánh đồng đất đỏ và những đọt lá non bông vải xanh rì, cùng những buổi chiều tàn êm đềm và yên tĩnh. Lần đầu tiên, nàng ý thức được một cách lờ mờ về ý nghĩa lời nói của cha khi ông bảo rằng trong huyết quản của nàng đã có sẵn tình yêu đất.

Bởi thế nàng lịch sự tránh né những câu trả lời xác định về thời hạn lưu ngụ trong chuyến thăm viếng nầy và làm quen một cách dễ dàng với đời sống trong ngôi nhà gạch đỏ ở cuối đường Cây Đào yên tĩnh đó.

Sống chung với thân quyến của Charles, nhìn thấy nơi đã đào tạo nên anh, Scarlett mới hiểu được phần nào về người con trai đã biến nàng thành đàn bà, thành góa phụ rồi sau đó là một bà mẹ trong một thời gian nhanh chóng. Nàng cũng dễ dàng nhận ra tại sao Charles lại quá rụt rè, quá ngây thơ và thiếu thực tế như vậy. Nếu Charles đã thừa hưởng ở người cha chiến sĩ dòng máu nghiêm nghị, dũng cảm và nóng nảy, thì cũng ngay từ lúc nhỏ dòng máu anh hùng đó đã bị tẩy sạch bởi cái không khí đàn bà mà anh đã sống và lớn lên trong đó. Anh đã hết lòng với cô Pitty tánh còn trẻ con, anh gần gũi với Melanie hơn mấy người anh. Đối với Charles đó là hai người đàn bà dịu dàng nhứt trên đời.

Sáu mươi năm trước, cô Pitty đã được chào đời với cái tên là Sarah Jane Hamilton, nhưng từ ngày người cha thân yêu của cô đã đeo dính cho cô cái hiệu Pitty ấy, vì cái điệu bộ lăng xăng hiếu động của cô trên đôi chân quá nhỏ, đến nay chẳng ai còn gọi cô tên nào khác nữa. Những năm sau lần đặt tên thứ hai đó, đã có nhiều thay đổi xảy ra khiến cho các biệt danh ấy trở nên không còn thích hợp nữa. Lúc nhỏ cô đi đứng mau lẹ nhưng đến bây giờ cô chỉ còn giữ lại hai bàn chân quá nhỏ, không cân xứng với sức nặng của cô, lại còn cái tật hay nói trăng nói cuội như trẻ con. Người đẩy đà, má hồng hào và tóc bạc trắng, cô luôn luôn như nghẹn thở vì siết quá chặt dây áo nịt. Cô không thể bước xa hơn một dãy nhà trên đôi chân bé nhỏ nhét chật cứng trong đôi giày cũng quá nhỏ. Hơi xúc động một chút là tim cô đập loạn lên, nhưng cô lại thích vậy và chẳng chút xấu hổ nào, cho nên cô cứ ngã ra bất tĩnh, bất luận bởi sự khích động nào.

Mọi người đều biết mấy vụ ngất xỉu của cô chỉ là những giả vờ của các bà quí phái, nhưng họ cũng mến cô nên chẳng nói ra. Tất cả đều mến cô và xử sự với cô như với một đứa bé – chỉ trừ một người và người đó là Henry – anh của cô.

Cô thích nói lăng nhăng hơn là những chuyện bàn tán cũng khá thích thú trong bữa ăn. Cô có thể nói tía lia hàng giờ một cách vô hại về chuyện của những người khác, cô cũng không nhớ tên tuổi, ngày tháng hay nơi chốn của việc gì hay của ai, và thường lẫn lộn các danh tánh của tài tử ở Atlanta với một nơi khác, và điều đó cũng chẳng khiến ai phải bận tâm. Không một ai muốn nói chuyện gì có vẻ khích động hoặc bêu riếu với cô, bởi vì cuộc sống gái già của cô cần phải được bảo vệ mặc dầu cô đã tới tuổi lục tuần, và những bạn bè của cô đều vui vẻ ngấm ngầm là cứ coi cô như một đứa bé được nuông chiều.

Melanie giống cô trên nhiều phương diện. Nàng cũng nhút nhát, dễ thẹn thùng và quá khiêm nhường như cô. Tuy nhiên, nàng vẫn có một khiếu nhận thức riêng. Scarlett bất đắc dĩ nhìn nhận “Trên phương diện nào đó mình không thể coi thường chị ta”. Cũng như cô Pitty, nét mặt của Melanie vẫn là của một đứa trẻ chẳng bao giờ chạm trán những gì khác hơn là cái tâm hồn mộc mạc và khoan thứ, sự thật và tình thương – một đứa bé chẳng bao giờ nhìn thấy những chuyện tàn nhẫn, đồi hoại và cho dầu có chứng kiến đi nữa, đứa bé đó cũng chẳng nhận ra như thế. Lúc nào cũng cảm thấy tràn trề hạnh phúc, Melanie muốn cho mọi người chung quanh đều có hạnh phúc, hay ít lắm là cũng bằng lòng với số phận của họ Trong chiều hướng đó, nàng luôn luôn thấy cái hoàn thiện ở mọi người. Nơi một con ở đần độn mấy nàng cũng có thể tìm thấy một chút gì trung thành và dễ thương, nơi một cô gái xấu xí và khó chịu đến đâu, nàng cũng tìm được vài nét duyên dáng hay thanh nhã và ở một người đàn ông vô dụng hay gắt gỏng, nàng cũng thấy được những điều tốt mà họ có thể thực hiện được hơn là những gì kẻ ấy đang làm.

Vì những đức tính chân thành và tự nhiên xuất phát từ tấm lòng quảng đại đó mà ai cũng đến với nàng. Còn ai có thể cưỡng lại được sự mê hoặc của một người chỉ tìm thấy ở kẻ khác những tánh tình đáng phục mà ngay họ cũng không dám mơ ước? Nàng có thật nhiều bạn trai và bạn gái hơn bất cứ ai trong thành phố, nhưng nàng chỉ được rất ít người si mê vì chẳng có lấy một chút ương ngạnh hoặc ích kỷ nào để có thể mê hoặc đàn ông.

Những gì Melanie đã làm không ngoài những điều mà các cô gái miền Nam đã được dạy bảo để làm cho những người chung quanh họ cảm thấy thoải mái và thích thú hơn. Đó là một sự toa rập đáng yêu của nữ giới làm cho xã hội miền Nam trở nên thú vị. Phụ nữ miền Nam biết rằng một vùng đất mà đàn ông đã binh vực, đã hài lòng và đã được sống an toàn trong lớp vỏ tự phụ không hề bị chỉ trích của họ thì đó cũng là nơi mà đàn bà cho là đáng sống. Vì từ lúc ra đời cho tới khi xuống mộ nữ giới luôn cố gắng làm cho nam giới thỏa mãn lòng tự ái của họ, và những người đàn ông được thỏa mãn đó có bổn phận đền đáp bằng cách ngưỡng mộ đàn bà nhiều hơn. Thật vậy, đàn ông sẵn sàng trao cho đàn bà tất cả, ngoại trừ óc thông minh. Scarlett đã học tập cách làm ra duyên dáng cũng như Melanie, nhưng thiếu chăm chú và thiếu hoàn bị hơn. Cái khác biệt giữa Melanie và Scarlett nằm trong sự kiện Melanie nói năng hòa nhã, và tâng bốc mọi người để làm họ hài lòng, dầu trong chốc lát, còn Scarlett thì chẳng bao giờ như vậy được trừ phi đã có sẵn ý định chiếm đoạt mục đích riêng.

Từ hai con người mà Charles yêu mến nhứt đời đó, anh chẳng đã nhận được một ảnh hưởng quả cảm nào, không học hỏi được gì về sự tàn nhẫn hay thực tế của đời, và ngôi nhà mà anh đã sống cho tới tuổi trưởng thành thật quá êm đềm như một tổ chim. Nó hoàn toàn yên tĩnh, cũ kỹ và êm dịu quá so với Tara. Đối với Scarlett ngôi nhà nầy hãy còn thiếu mùi rượu mạnh ở đàn ông, mùi thuốc lá và mùi dầu Macassar; thiếu những giọng ồ ề, những tiếng chửi rủa; thiếu những cây súng, những bộ râu, yên cương ngựa và lũ chó săn lẩn quẩn bên chân. Nàng thấy nhớ những tiếng cãi lẫy, gây gổ nhau khi Ellen vừa quay lưng đi: Mammy gây với Pork, Rosa cãi với Teena, những cuộc đấu khẩu gay gắt giữa nàng và Suellen, những lời nạt nộ của Gerald. Charles có cái vỏ ẻo lả như con gái cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì đã lớn lên trong một ngôi nhà như vậy. Ở đây không hề có một dấu hiệu sôi động nào, không một tiếng nói to, ai cũng muốn làm theo ý kiến của kẻ khác và rốt cuộc một người da đen độc đoán ở trong nhà bếp đã nắm giữ hết quyền hành. Scarlett tưởng rằng đã thoát được sự kềm chế của Mammy, bây giờ lại khổ sở hơn vì những tiêu chuẩn của bác Peter về lối sống của các bà quí phái, đặc biệt là “quả phụ Charles” còn nghiêm nhặt hơn cả Mammy.

Sống giữa những con người đó, Scarlett trở lại với con người thật của nàng, và gần như trước khi ý thức được điều đó, tâm hồn nàng đã trở lại bình thản. Nàng chỉ mới 17 tuổi, dồi dào sinh lực và ý chí, đã vậy, người nhà của Charles còn cố gắng làm cho nàng được sung sướng. Nếu họ chỉ đạt được một phần nhỏ thì đó không phải là lỗi của họ, bởi không ai có thể xoa dịu được cơn đau nhói ở tim nàng khi nghe nhắc đến tên Ashley, mà Melanie lại thường hay đề cập đến cái tên ấy! Nhưng Melanie và cô Pitty dường như không thối chí trong mục tiêu làm nguôi sự phiền muộn mà họ ngỡ là nàng đang gánh chịu. Họ đặt chuyện buồn phiền của họ một bên để làm nàng khuây khỏa. Họ lo lắng đến chuyện ăn uống, giấc ngủ trưa và giờ đi dạo bằng xe của nàng. Không những họ ngưỡng mộ nàng thái quá về tánh tình linh hoạt, về thân hình đều đặn, về chân tay xinh xắn và làn da trắng nõn của nàng, họ lại thường nâng niu, ôm ấp và hôn hít nàng để nhấn mạnh thêm những lời thương yêu của họ.

Scarlett không quan tâm đến những sự mơn trớn, nhưng nàng cũng thấy thích thú với những lời ca tụng. Không một ai ở Tara nói những lời khoan khoái như thế cả. Thật thế, Mammy chỉ dùng thì giờ của bà để ngăn trở quan điểm sống của nàng. Thằng bé Wade từ lâu không còn quấy rầy nàng nữa, vì cả gia đình, từ da trắng lẫn da đen cho đến láng giềng đều ưa thích và không ngớt tranh nhau bồng ẵm nó. Nhứt là Melanie lại quá nuông chiều nó. Ngay cả những lúc nó la hét chói tai, Melanie cũng cho rằng nó dễ thương và còn nói thêm:

− Cục cưng vàng ngọc của cô, ước gì cưng là của cô.

Đôi khi, Scarlett thấy khó mà giấu được cảm nghĩ của mình, vì nàng vẫn cứ coi cô Pitty như là một bà già đần độn, và tánh ngớ ngẩn cùng những chuyện tầm phào của cô cứ làm cho nàng bực dọc. Với Melanie, lòng ghen ghét của nàng càng gia tăng. Nhiều lúc nàng đột ngột ra khỏi phòng trong khi Melanie mắt sáng ngời vì hãnh diện nói về Ashley hay đọc to những lá thơ của chàng. Nhưng dầu sao, đời sống cũng đã trở nên thoải mái phần nào. Atlanta thú vị hơn Savannah hay Charleston, hoặc Tara. Nó đem tới cho nàng nhiều bận rộn kỳ lạ trong tình trạng chiến tranh đến nỗi nàng ít có thì giờ để nghĩ ngợi hoặc buồn phiền. Tuy nhiên lắm lúc sau khi đã tắt đèn cầy và vùi đầu trong gối, nàng thường thở dài và nghĩ vẩn vơ:

“Phải chi Ashley chưa cưới vợ! Phải chi mình không làm nữ điều dưỡng trong cái nhà thương ôn dịch đó! Ồ, phải chi mình có được vài người theo tán tỉnh!”

Nàng ghê tởm nhiệm vụ nữ điều dưỡng ngay từ đầu, nhưng không thể nào tránh thoát bởi vì nàng có chân ở cả hai uỷ hội của bà Meade và Merriwether. Điều nầy có nghĩa là bốn ngày mỗi tuần, nàng phải làm việc trong nhà thương nóng bức và hôi hám, với mái tóc quấn cao gọn trong khăn và một chiếc yếm che từ cổ xuống chân. Những người có chồng dù trẻ hay già, đều phải làm nữ điều dưỡng. Họ làm phận sự với tất cả hăng say đến nỗi Scarlett cho đó là lòng cuồng tín. Họ cho rằng nàng cũng thâm nhiễm được lòng ái quốc nhiệt thành của họ, và họ sẽ kinh hoàng biết bao nếu biết được rằng Scarlett chẳng quan tâm mấy tới chiến tranh. Ngoại trừ sự đau đớn âm thầm vì việc Ashley có thể tử thương, nàng chẳng chú ý gì tới chiến tranh và phải làm nữ điều dưỡng chỉ vì nàng không biết làm sao từ chối được.

Việc săn sóc thương binh nhứt định là chẳng có gì thơ mộng cả. Với nàng, đó là những tiếng rên la, mê sảng, cái chết và mùi hôi tanh. Bịnh viện tràn ngập những người dơ bẩn, râu ria xồm xoàm, đầy chí rận hôi hám kinh khủng, mình đầy những vết thương ghê tởm đủ làm nôn mửa một tín đồ Thiên Chúa giáo. Các nhà thương đều dậy mùi hôi thối của chứng hoại thư, nó xông thẳng vào mũi nàng thật lâu trước khi nàng đi tới các cửa phòng, nó bám vào tay, vào tóc và ám ảnh nàng cả trong giấc mộng. Ruồi, nhặng và muỗi bay đua nhau vo ve quanh phòng bịnh tấn công tới tấp các bịnh nhân khiến họ chửi rủa ầm lên hoặc khóc thầm đau đớn. Scarlett vừa gãi những vết muỗi, vừa vung quạt lá đuổi ruồi cho đến lúc hai vai đau nhức. Và nàng rủa thầm sao họ không chết hết cả đi.

Melanie hình như không ngửi thấy mùi hôi tanh, không để ý đến những vết thương lở loét hay sự trần truồng của những thương binh. Scarlett thấy làm lạ tự hỏi, một người quá nhát nhúa và nết na như thế sao lại có thể như vậy được. Đôi lúc bưng bồn nước hoặc dụng cụ y khoa cho bác sĩ Meade cắt những lõm thịt thúi, mặt Melanie trắng bệch. Một lần, sau cuộc giải phẫu, Scarlett tìm thấy Melanie trong phòng chứa quần áo, nôn mửa lặng lẽ vào khăn. Nhưng lúc nào ở bên cạnh thương binh, Melanie vẫn khả ái, thật tế nhị và thường hay vỗ về họ. Tất cả thương binh đều gọi nàng là bà tiên nhân từ. Scarlett cũng thích tước hiệu đó, nhưng muốn vậy là phải nhúng tay vào những người lúc nhúc chí rận, phải sờ mó cổ họng những người đang mê thiếp để coi họ có nghẹt thở vì nuốt phải một mẩu thuốc lá hay không, băng bó những đoạn chân tay bị cưa hay bắt giòi trong những chỗ thịt lở loét. Không, nàng không thích làm nữ điều dưỡng chút nào. Nàng có thể cảm thấy dễ chịu hơn nếu được phép sử dụng vẻ duyên dáng của mình với những người vừa hồi phục, vì phần đông họ đều dễ nhìn và là con nhà danh giá, nhưng nàng lại không được cho làm ở đó vì tình trạng góa bụa. Các thiếu nữ quí phái trong thành phố không được làm nữ điều dưỡng vì người ta sợ họ chứng kiến những cảnh không xứng đáng với đôi mắt nguyên trinh của họ. Vì vậy họ được phó thác việc coi sóc những người vừa mới hồi phục sức khỏe. Không chồng mà cũng không phải góa bụa, họ hoàn toàn tự do, mặc sức chọc phá những người nầy. Ngay cả những cô kém duyên dáng nhứt, Scarlett buồn bã nhận thấy, cũng dễ dàng tìm được một anh chàng nào đó để đính hôn.

Ngoài sự hiện diện của những kẻ thiếu hy vọng cứu chữa hoặc bị thương nặng, Scarlett chỉ hoàn toàn sống trong thế giới đàn bà, càng làm cho nàng bực bội hơn bởi vì chẳng những không tin tưởng vào nữ phái, nàng lại luôn luôn khó chịu khi phải chung đụng với người cùng phái. Nhưng cứ ba chiều một tuần, nàng phải tới hội may vá và cuộn băng do thân hữu của Melanie tổ chức. Các cô gái hầu hết đều biết Charles, nên rất ân cần và niềm nở với nàng, đặc biệt là Fanny Elsing và Maybelle Merriwether, ái nữ của hai quả phụ quí tộc trong thành phố. Nhưng được họ kính mến nhiều nàng có cảm tưởng bị loại vào hạng già nua sắp bị phế thải. Họ không ngớt bàn về những buổi khiêu vũ, về những kẻ si mê họ khiến nàng vừa ghen tức hạnh phúc của họ vừa phẫn uất tình trạng góa bụa của mình đã không cho nàng được làm gì nữa cả. Ồ! Mình đẹp gấp ba lần Fanny và Maybelle! Ồ, tại sao cuộc đời cứ bất công! Tại sao mọi người đều cứ nghĩ rằng trái tim của mình đã được vùi xuống mồ trong khi sự thật nó đang ở Virginia với Ashley!

Nhưng mặc dầu có phải phiền muộn như vậy, nàng vẫn hài lòng về Atlanta. Và chuyến viếng thăm của nàng kéo dài từ tuần nầy sang tuần khác.