Chương 7

Chỉ trong hai tuần, Scarlett đã thành một người vợ và chỉ hơn hai tháng sau, nàng đã thành góa phụ. Nàng đã được giải thoát thật sớm khỏi mối liên hệ mà nàng đã nhận lấy một cách thật hấp tấp và thiếu suy tư, nhưng nàng chẳng bao giờ còn được hưởng cái tự do vô tư lự của những ngày chưa lấy chồng. Sự góa bụa đã theo sau ngay gót của hôn nhân và thật kinh hoàng cho nàng, bổn phận làm mẹ đến liền sau đó.

Nhiều năm sau, mỗi lần hồi tưởng những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1861, Scarlett không bao giờ nhớ rõ được chi tiết ra sao cả. Thời gian và những biến cố đã đâm sầm vào nhau, hỗn loạn như một cơn ác mộng phi lý. Cho tới ngày chết, nàng vẫn không thể nào bổ khuyết được ký ức của nàng vào những ngày ấy. Chỉ còn một sự mờ nhạt trong trí nhớ của nàng về khoảng thời gian nhận lời cầu hôn của Charles và ngày cưới. Hai tuần lễ! Thật quá ngắn đối với thời gian đính hôn không thể chấp nhận được trong thời bình. Thời gian trung bình hợp lễ là một năm hay ít lắm là sáu tháng. Nhưng miền Nam đã bốc lửa chiến tranh, biến cố đã kéo đến mau lẹ như có mang theo một trận cuồng phong, thổi tung hết những nhịp điệu êm đềm ngày cũ. Ellen vừa vặn vẹo hai bàn tay vừa khuyên nên trì hoãn để Scarlett được cạn nghĩ. Nhưng trước sự biện giải của mẹ, Scarlett nhíu mày làm ngơ. Nàng muốn lấy chồng và lấy thật mau. Chỉ trong hai tuần lễ thôi!

Biết rằng đám cưới của Ashley sẽ cử hành vào khoảng cuối tháng tư đến đầu tháng năm, để chàng có thể gia nhập quân đội ngay khi được gọi, Scarlett đã sắp đặt hôn lễ của nàng vào một ngày sớm hơn của Ashley. Ellen phản đối, nhưng Charles biện hộ với một tài hùng biện mới tìm ra, rằng anh nóng lòng đi Nam Corolina để gia nhập quân đoàn của Wade Hampton, và Gerald lại thuộc về phe hai người trẻ. Ông đã bị kích thích mạnh vì cơn sốt chiến tranh và rất hài lòng vì Scarlett đã tìm được một nơi xứng đáng, còn ai hơn ông để binh vực đường lối tình yêu của tuổi trẻ trong thời chiến? Ellen điên đầu, nhưng sau cùng đành phải làm như những bà mẹ miền Nam khác đã làm. Thế giới nhàn rỗi của họ đã bị đảo lộn, mọi điều khiếu nại, biện hộ và khuyến cáo của họ chẳng có hiệu quả gì trước những lực lượng hùng mạnh đã cuốn họ đi.

Miền Nam đang chuếnh choáng bởi hăng say và khích động. Ai cũng biết là chỉ một trận đánh thôi cũng đủ kết liễu chiến tranh rồi và những người trẻ đều nô nức đầu quân trước khi chiến trận có thể chấm dứt… họ cũng hấp tấp cưới các tình nhân trước khi kéo đi Virginia để giáng một đòn vào mặt bọn Yankee. Hơn một chục đám cưới thời chiến được cử hành trong hạt và chẳng có một thời gian nào để khóc lóc giã từ, vì mọi người đều quá bận rộn và khích động, chẳng ai có thể long trọng nghĩ đến những giọt nước mắt. Đàn bà phải may đồng phục, đan vớ và cuộn băng cứu thương, còn đàn ông thì lo dượt và tập bắn. Mỗi ngày đều có chuyến xe lửa chở quân đội qua ngang Jonesboro tiến lên hướng Bắc về phía Atlanta và Virginia. Một vài quân đội vui vẻ trong bộ đồng phục màu đỏ tươi và màu xanh dương, xanh lục của vệ binh quốc gia. Một vài toán nhỏ bận áo vải dệt lấy và đội mũ bằng da, một vài nhóm khác không có đồng phục, chỉ mặc đồ bằng nỉ đẹp hay vải thượng hạng. Tất cả đều chưa được huấn luyện hoàn bị, võ trang sơ sài, man dại vì khích động. Họ reo hò như đang trên đường tới tham dự một cuộc cắm trại. Nhìn thấy những người nầy, bọn trai trẻ trong hạt lo sợ cuống cuồng là chiến tranh sẽ chấm dứt trước khi họ lên tới Virginia nên mọi chuẩn bị cho cuộc xuất quân đã được xúc tiến mau lẹ.

Giữa tình trạng cuồng loạn ấy, mọi sự chuẩn bị cho hôn lễ của Scarlett vẫn được tiến hành và, hình như trước khi biết rõ nàng phải làm gì, nàng đã mặc bộ áo và choàng chiếc khăn cưới của Ellen, bước xuống thang lầu Tara trong cánh tay của cha nàng, đối diện với căn nhà đầy thực khách. Một lúc sau, nàng sực nhớ ra, như vừa trải qua cơn mộng, nàng nhớ lại hàng trăm ngọn nến lung linh trên vách, gương mặt của mẹ nàng, đầy thương yêu ái ngại, hơi ngơ ngác và môi bà mấp máy đọc kinh cầu hạnh phúc cho con. Nàng nhớ lại hình ảnh Gerald mặt đỏ rần vì rượu Brandy và hãnh diện thấy con gái ông có được một người chồng thuộc dòng danh giá cố cựu vừa được một gia tài… và Ashley, cầm tay Melanie đứng dưới chân cầu thang.

Lúc vừa thấy mặt chàng, nàng tự nghĩ:

“Đây nào phải là sự thật, không thể được! Đây chỉ là một cơn ác mộng. Mình sẽ tỉnh dậy và sẽ thấy rằng đó chỉ là một giấc mơ. Mình không thể suy tư về nó bây giờ, ngược lại mình sẽ hét lớn trước đám đông ngay. Mình chẳng suy nghĩ gì bây giờ được. Hãy để sau nầy, khi mình đã chịu đựng nổi, khi nào mình không còn trông thấy ánh mắt của chàng nữa”.

Thật vậy, tất cả đều giống như một giấc mơ, lúc băng qua lối đi giữa đám người vui vẻ, mặt Charles đỏ ửng lên, những câu nói lắp bắp của anh ta và những câu rõ ràng minh bạch của nàng trả lời cũng thật lạnh lùng. Sau đó là những lời chúc tụng, những cái hôn, những ly rượu mừng và khiêu vũ… tất cả, tất cả đều như trải qua trong mơ. Ngay cả cảm giác lúc Ashley hôn phớt lên má và giọng thì thầm của Melanie “Bây giờ chúng ta thực sự là chị em với nhau rồi đó” cũng đều không thật. Ngay cả lúc hồi hộp khi thấy bà cô mập của Charles, cô Pittypat Hamilton ngã xỉu cũng đều là những diễn biến của cơn ác mộng đó.

Nhưng sau khi cuộc khiêu vũ và lễ rượu mừng chấm dứt, bình minh lố dạng, khi tất cả khách từ Atlanta đến, tụ tập trong Tara và nhà của viên quản gia đã ngã mình trên giường, trên ghế dựa hoặc trên những tấm đệm trải ở sàn nhà đều ngủ say và tất cả những khách lân cận đã về nghỉ ngơi để sửa soạn cho hôn lễ ngày mai ở Twelve Oaks, lúc đó cơn mộng mới bị bể tan từng mảnh như pha lê nhường chỗ cho sự thật. Sự thật là Charles, mặt đỏ gay vì thẹn ló ra từ căn phòng trang điểm của nàng trong cái áo ngủ của anh ta, tránh né cái nhìn kinh ngạc của nàng qua lớp mền đắp lên tới cổ.

Dĩ nhiên nàng biết rằng vợ chồng phải nằm chung giường nhưng nàng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đó. Đó là chuyện quá hiển nhiên như trường hợp của cha mẹ nàng nhưng nàng chẳng bao giờ đặt mình vào chuyện đó. Và bây giờ, lần đầu tiên từ ngày dự dã yến, nàng mới ý thức rõ những gì do chính tay nàng mang tới cho nàng. Với ý nghĩ gã con trai xa lạ mà nàng chẳng thật tâm muốn lấy lại nằm chung giường giữa lúc mình đang quá đau khổ vì hối tiếc về những hành động hấp tấp của mình và chuyện mãi mãi nàng không còn được Ashley, thật là quá sức chịu đựng. Và khi Charles vừa mon men tới gần giường, nàng đã khàn khàn bảo nhỏ:

− Tôi sẽ la lớn lên khi anh tới gần tôi. Tôi sẽ la, tôi sẽ… thật lớn! Tránh ra! Đừng hòng đụng vào tôi!

Do đó Charles Hamilton đã trải qua đêm tân hôn trong một cái ghế bành đặt ở góc phòng. Anh ta không mấy thất vọng, vì hiểu hoặc tưởng rằng mình hiểu tánh dễ bị xúc động và sự thẹn thùng của vợ. Anh muốn đợi đến khi sự sợ hãi của nàng lắng xuống, chỉ có điều, chỉ có điều… anh thở dài, xoay người qua lại để chọn một lối nằm cho thoải mái… bởi vì anh ta phải ra mặt trận ngày gần đây.

Nếu đám cưới của chính Scarlett đã là một cơn ác mộng thì đám cưới của Ashley lại càng thảm não cho nàng hơn nữa. Scarlett mặc chiếc áo màu xanh vỏ táo, chiếc áo của ngày thứ nhì sau hôn lễ, đứng giữa phòng khách chói lọi bởi hàng trăm ngọn nến của Twelve Oaks. Gian phòng chật nứt với đám người đêm qua. Nàng nhìn khuôn mặt giản dị, nhỏ bé của Melanie, mặt cô ta sáng rỡ vì đã là bà Melanie Wilkes. Bây giờ Ashley đã xa nàng vĩnh viễn. Ashley của nàng. Không, bây giờ không còn là Ashley của nàng nữa. Nhưng còn bao giờ nàng được là của chàng không? Tất cả những điều đó trộn lẫn trong tâm chí và trong đầu óc đã quá mệt mỏi và lạc lõng của nàng. Chàng đã nói yêu nàng, nhưng cái gì đã phân cách hai người? Phải chi nàng có thể nhớ lại được! Lấy Charles, nàng đã ngăn chặn được những lời gièm pha của người trong hạt, nhưng bây giờ vấn đề đó có nghĩa gì đâu? Cái việc trước kia hình như rất quan trọng với nàng, bây giờ hoàn toàn vô nghĩa. Tất cả cái gì đáng kể, chính là Ashley. Nhưng bây giờ chàng đã rời xa nàng. Và nàng đã lấy một người, một người đàn ông mình chẳng hề yêu mà còn khinh bỉ nữa.

Ôi! Nàng tiếc biết bao những chuyện ấy! Nàng thường nghe nói “người ta tự cắt mũi vì ác cảm với khuôn mặt của mình”, nhưng lúc trước câu nầy chỉ là một hình dung pháp. Bây giờ nàng mới biết được ý nghĩa của nó. Và bây giờ nàng vừa điên cuồng ao ước không bị ràng buộc gì với Charles, trở về Tara làm một thiếu nữ chưa chồng như xưa, vừa nhận ra rằng chính nàng là người có lỗi. Ellen đã cố gắng ngăn nàng nhưng nàng chẳng chịu nghe.

Bởi thế nàng đã khiêu vũ suốt đêm trong lễ cưới của Ashley, quay cuồng một cách ngây dại, nói chuyện như một người máy, cười cợt, và ngạc nhiên về sự ngốc nghếch của người ngoại cuộc cứ nghĩ rằng nàng là một tân nương hạnh phúc mà không sao thấu hiểu nổi sự đau đớn của nàng. Tạ ơn trời, họ không sao thấy được.

Đêm đó, sau khi Mammy giúp nàng cởi áo và đi ra ngoài, Charles rụt rè nhô ra từ phòng trang điểm, tự hỏi không biết anh ta có phải trải qua một đêm thứ hai trong cái ghế nệm lông ngựa nữa hay không thì đột nhiên nàng oà ra khóc. Nàng khóc cho đến khi Charles leo lên bên cạnh nàng, cố gắng an ủi, nàng vẫn sụt sùi khóc cho đến khi không còn một giọt nước mắt và cuối cùng tức tưởi tựa vào vai Charles.

Nếu không có chiến tranh, họ phải bỏ ra một tuần lễ để viếng thăm các gia đình trong hạt, dự dạ vũ và dã yến khoản đãi vợ chồng mới cưới trước khi họ lên đường đi viếng hồ Saratoga hoặc White Sulphur. Nếu không có chiến tranh, Scarlett đã mặc đủ các loại áo ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm sau hôn lễ để dự những bữa tiếp đãi nàng tại nhà Fontaine, Calvert hay Tarleton. Nhưng chẳng có tiệc tùng, cũng chẳng có du lịch. Một tuần sau ngày cưới, Charles đã phải lên đường gia nhập quân đoàn của đại tá Wade Hampton, và hai tuần sau đó, Ashley và bộ đội lên đường để lại cho hạt bao nhiêu buồn nhớ.

Trong hai tuần đó, Scarlett không bao giờ gặp Ashley một mình, không một lời riêng nào với chàng. Ngay cả giờ phút khủng khiếp của buổi lên đường, khi chàng dừng lại Tara trên đường tới nhà ga, nàng cũng không nói được một lời nào với chàng. Melanie đội nón, trùm khăn, nghiêm trang trong bổn phận làm vợ mới mẻ, vịn vào tay chồng. Và mọi người ở Tara, da trắng lẫn da đen, đều nghỉ việc để tiễn Ashley ra mặt trận.

Melanie nói với chồng:

− Anh phải hôn Scarlett chớ, bây giờ cô ấy là em của em rồi.

Và Ashley khom xuống, phớt đôi môi lạnh giá trên má nàng, nét mặt khẩn trương. Scarlett chẳng vui gì về cái hôn đó bởi chính Melanie đã nhắc nhở chàng. Cô ta đã làm nàng nghẹt thở vì cái ôm từ giã:

− Em phải lên Atlanta thăm chị và cô Pittypat nghe không? Ồ, cưng, chị mong em lắm! Gia đình muốn biết rõ vợ của Charlie hơn.

Năm tuần trôi qua, từ Nam Carolina, Charles gởi cho vợ một lá thơ rụt rè, ngây ngất và âu yếm kể lể về tình yêu của anh ta, về những dự định khi chiến tranh chấm dứt, về việc ước ao được là một anh hùng vì nàng, và về sự tôn sùng của anh đối với vị chỉ huy trưởng Wade Hampton. Đến tuần lễ thứ mười bảy, một bức điện tín do chính Đại tá Wade Hampton gởi tới, và sau đó là một bức thơ phân ưu với lời lẽ ân cần và trang nghiêm. Charles đã chết. Đại tá không thể báo tin sớm hơn vì Charles nghĩ rằng cơn bệnh của anh không nặng lắm, anh không muốn làm gia đình lo lắng. Người con trai bất hạnh đó chẳng những bị số mạng cướp đi tình yêu mà anh ta tưởng rằng đã chiếm được mà còn mất cả cao vọng được chết vinh dự trên bãi chiến. Anh đã chết một cách tầm thường và mau lẹ bởi chứng sưng phổi và sau đó là bệnh đậu mùa, và cũng chẳng tới gần được bọn Yankee bao nhiêu hơn là căn cứ Nam Carolina.

Đúng ngày tháng, con trai Charles chào đời và theo thói quen, người ta đặt tên cho đứa con theo tên vị chỉ huy trưởng của cha nó. Đứa nhỏ mang tên Wade Hampton Hamilton. Scarlett đã khóc hết nước mắt vì thất vọng khi biết mình có thai, nàng cầu mong được chết cho xong. Nhưng thời gian cưu mang đứa bé đã qua mau, và nàng sanh nó ra không khó nhọc lắm. Nàng chỉ hơi đuối sức và bình phục mau chóng đến nỗi Mammy bảo rằng trường hợp của nàng quá sức tầm thường… Các bà quí tộc cần phải đau đớn lâu hơn. Nàng không thấy thương con lắm. Nàng không hề muốn nó ra đời và còn oán hận vì nó đã được sanh ra. Nhưng bây giờ có nó rồi mà nàng vẫn thấy như chưa, như thằng bé có thể không phải là con nàng.

Tuy thể xác hồi phục mau lẹ sau khi sanh bé Wade, tinh thần nàng vẫn còn ngơ ngẩn và kiệt quệ. Nàng hoàn toàn xuống tinh thần, mặc dù tất cả những người trong đồn điền đều cố làm cho nó hồi sinh. Ellen đi qua đi lại với một vẻ lo lắng và các nếp nhăn trên trán. Gerald chửi thề nhiều hơn trước và thường mang từ Jonesboro về những món quà chẳng ích lợi gì cả. Ngay cả lão bác sĩ Fontaine, sau khi bảo nàng dùng thuốc bổ gồm lưu huỳnh, đá tam hợp và dược thảo, cũng thất bại trong việc làm nàng vui trở lại. Ông nói riêng với Ellen rằng sở dĩ Scarlett hay cau có và thờ ơ như vậy chỉ vì nàng đang có chuyện đau lòng. Nhưng nếu muốn nói ra, Scarlett có thể cho họ biết rằng chứng bệnh của nàng khác xa và phức tạp hơn tâm bệnh nhiều. Nàng không muốn cho ai biết rằng chính sự buồn nản quá mức, sự ngơ ngác vì trở thành người mẹ và hơn tất cả, sự vắng bóng của Ashley đã khiến nàng tiều tụy thiểu não.

Nỗi phiền muộn của nàng cứ như đau xé và dai dẳng. Cuộc sống trong hạt đã trống vắng những cuộc vui chơi và sinh hoạt bình thường kể từ khi những người trai tráng lên đường ra mặt trận. Tất cả những thanh niên hoạt náo đều ra đi… Bốn anh em Tarleton, hai người con trai nhà Calvert, nhóm Fontaine, nhóm Munroe và tất cả những người trai trẻ, dễ thương ở Jonesboro, Fayetteville và Lovejoy cũng thế. Chỉ còn lại những người già cả, những kẻ tàn tật và nữ giới, và họ luôn luôn bận rộn với chuyện may vá, trồng trọt thêm nhiều bông gòn và nhiều bắp, chăm nuôi thêm nhiều bò, heo và trừu để cung cấp cho quân đội. Gần như chẳng có bóng dáng thật sự của một người đàn ông nào cả, ngoài trừ toán quân lương dưới quyền chỉ huy của con người đứng tuổi Frank Kennedy, ý trung nhân của Suellen, cứ mỗi tháng trở về một lần để thâu góp phẩm vật tiếp tế. Các sĩ quan và binh sĩ quân nhu nầy không mấy hấp dẫn, lại thêm thái độ rụt rè của Frank khi tán tỉnh Suellen càng khiến cho Scarlett bực mình đến nỗi khó giữ được lễ độ đối với y. Thà hai đứa nó lấy nhau phứt cho rảnh mắt!

Dù cho những người trong toán vận lương đó có khả ái hơn đi nữa, họ cũng chẳng giúp được nàng thoát khói tình cảnh hiện thời. Nàng đã là góa phụ và trái tim được chôn theo dưới mộ chồng. Đó là điều mọi người cùng nghĩ thế và cùng muốn nàng phải xử sự theo đúng phẩm cách của một người vợ góa. Điều nầy càng làm cho nàng bực bội hơn, bởi vì mặc dầu có muốn đi nữa, nàng cũng không sao nhớ lại được những gì liên quan tới Charles, bộ trừ bộ mặt giống như bò con sắp chết của anh ta khi nghe nàng ưng thuận làm vợ. Ngay cả hình ảnh đó cũng bị lu mờ. Nhưng trên thực tế nàng vẫn là góa phụ và phải biết giữ gìn tiết hạnh. Nếp sống tươi trẻ của các cô gái chưa chồng không phải là của nàng nữa. Nàng phải tỏ ra nghiêm trang và cách biệt. Ellen đã nhấn mạnh dài dòng về điểm đó khi bà bắt gă>p trung uý Frank đẩy chiếc đu của Scarlett ngoài vườn khiến nàng cười ngặt nghẽo. Theo Ellen thì người goá phụ còn phải thận trọng gấp đôi hơn những người đang có chồng.

Vừa nghe mẹ dạy, Scarlett vừa nghĩ “có trời mới biết là những người đàn bà có chồng có gì vui sướng. Như vậy, ở góa kể như là đã chết”.

Người góa phụ phải mặc những chiếc áo đen sầu muộn và không được cài lên đó bất cứ món trang sức nào để cho vui mắt, không có hoa, không dây băng, không ren và không cả nữ trang. Họ chỉ được cài trâm tang hoặc đeo kiềng cổ bện bằng tóc của người chết. Và chiếc mạng che mặt màu đen phải dài từ trên nón phủ tới gối. Phải đợi ba năm sau của cuộc đời góa phụ chiếc khăn đó mới được cho để ngắn ngang vai. Góa phụ không được quyền trò chuyện với nhiệt tâm và không được cười lớn tiếng. Ngay cả lúc cười, họ cũng chỉ được cười ra vẻ buồn thảm. Điều đáng sợ hơn tất cả là họ không được phép tỏ ra tươi vui khi tiếp chuyện đàn ông. Và nếu có một người đàn ông mất dạy nào đó để lộ một chút tình ý gì thì người góa phụ phải chận đứng y lại ngay bằng lời lẽ trang trọng được chọn lựa kỹ càng nhắc tới người chồng đã qua đời. Scarlett chua chát nghĩ:

“Ồ, rồi cũng có một vài góa phụ tái giá nhưng lúc đó họ đã già rồi. Và họ đã phải xoay sở cách nào để tránh những cái nhìn tò mò của người lân cận. Và thường thường họ chỉ được tái giá với những ông chủ đồn điền góa vợ già khọm với cả chục đứa con”.

Lấy chồng đã là một điều tệ hại lắm rồi, còn góa chồng… Ôi, cuộc sống kể như vĩnh viễn không còn nữa. Chẳng biết người đời ngu đần đến mức nào lại có thể cho rằng dầu Charles mất đi nhưng nàng vẫn còn được an ủi nhờ có thằng bé Wade Hamilton! Đã vậy họ lại còn cho rằng nàng có phước còn được một lẽ sống trên đời! Mọi người cũng đồng ý với nhau rằng còn giữ lại được một chứng tích tình yêu của người chồng vắn số quả là một thứ hương tình ngọt lịm. Dĩ nhiên là nàng không có ý định cải đổi tư tưởng họ. Nhưng ý nghĩ của họ nào phải là của nàng. Nàng chẳng quan tâm tới bé Wade bao nhiêu, đôi khi nàng còn quên nó là con của nàng thật.

Mỗi sáng, sau khi thức giấc và trong lúc còn ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nàng lại thấy mình vẫn còn là Scarlett O’Hara ngày trước và ánh nắng bên ngoài cửa sổ vẫn tươi sáng trên cây mộc lan, có tiếng chim ca hót và mùi thơm dìu dịu của thịt heo chiên thoảng đến bên mũi nàng. Nàng trở lại vô tư và trẻ dại. Nhưng rồi sau đó, bỗng có tiếng khóc chát tai đòi sữa, và lần nào cũng vậy… luôn luôn như thế, nàng trải qua một lúc ngạc nhiên khi nghĩ: “Ủa, có một đứa bé trong nhà!” Ngay sau đó nàng nhớ ra đứa bé chính là con nàng. Và tất cả những thứ đó khiến cho nàng hoang mang lạc hướng.

Còn Ashley? Ồ, nhứt là Ashley! Lần thứ nhứ trong đời, nàng oán ghét Tara, oán ghét con đường chạy dài từ đồi cao xuống bờ sông, oán ghét những cánh đồng nâu với bông vải xanh tươi. Mỗi tấc đất, mỗi ngọn cây và lạch nước, mỗi con đường mòn và mã lộ đều nhắc cho nàng nhớ tới Ashley. Chàng đã thuộc về một người đàn bà khác và đã bị cuốn theo luồng gió chiến tranh, nhưng hồn chàng vẫn còn phưởng phất trên những con đường vào mỗi hoàng hôn, vẫn cười với nàng bằng ánh mắt mơ màng trong bóng tối mái hiên. Không lần nào nghe tiếng vó ngựa từ Twelve Oaks mà nàng khỏi tưởng rằng người kỵ mã chính là… Ashley.

Bây giờ nàng oán ghét cả Twelve Oaks dù rằng đã có lần nàng yêu quí nó. Nàng oán ghét nó nhưng nàng vẫn cứ bị lôi cuốn về bên đó để nghe ông John Wilkes và các cô gái nói về Ashley… nghe họ đọc những bức thơ của chàng gởi về từ Virginia. Những lá thơ đó làm nàng đau xót nhưng nàng vẫn phải tới đó để nghe. Nàng ghét con bé India gàn bướng và con Honey hay nói xỏ nói nói xiên, và cũng biết bọn nó chẳng ưa gì mình, nhưng nàng không thể lảng tránh chúng. Và cứ mỗi lần từ bên đồn điền Twelve Oaks trở về, nàng chán nản nằm mẹp trên giường, bỏ bữa ăn tối.

Chính chuyện bỏ ăn đó khiến cho Ellen và Mammy lo âu nhứt. Mammy mang lên những thức ăn thật ngon, nói bóng gió để nàng nhớ ra rằng đã là góa phụ thì có thể ăn bao nhiêu tuỳ thích, nhưng bà chỉ hoài công.

Khi bác sĩ Fontaine nghiêm trang nói với Ellen rằng tâm bịnh thường làm tàn tạ và đẩy người đàn bà xuống mồ, Ellen xanh mặt, vì đó chính là mối lo đang đè nặng lòng bà.

− Không thể làm gì nữa sao bác sĩ?

− Cách tốt nhứt là cho nó đi đổi không khí thôi.

Lão bác sĩ trả lời, mừng thầm vì chỉ mong thoát khỏi một thân chủ quá khó tánh.

Và Scarlett miễn cưỡng bồng con đi thăm viếng, trước hết là họ O’Hara và Robillard ở Savannah và sau đó là hai bà dì Pauline và Eulalie ở Charleston. Nhưng nàng đã trở về Tara một tháng sớm hơn ngày Ellen dự liệu mà không hề giải thích lý do trở về một lời nào. Ở Savannah, nàng được đối xử niềm nở, nhưng hai ông bác James và Andrew và hai bà vợ thật là thủ cựu, thích được ngồi yên một chỗ, kể lể chuyện xa xưa, những chuyện mà Scarlett không thích chút nào. Đối với họ Robillard cũng vậy, còn Charleston quả là khủng khiếp với nàng.

Dì Pauline và chồng dì, quá kiểu cách, sống trong một đồn điền cạnh dòng sông, hẻo lánh hơn Tara nhiều. Hàng xóm gần nhứt của họ ở cách đó hai chục dặm và muốn tới nơi người ta phải theo những con đường tối om, xuyên qua các khu rừng sồi và trắc bách diệp đắm mình trong đồng lầy. Những cây sồi với lớp màu rêu xám đong đưa trước gió làm Scarlett rỡn gáy và khiến nàng nhớ lại các câu chuyện của Gerald về những con ma Ái nhĩ lan lảng vảng trong sương mù. Ở đó chẳng có chuyện gì khác hơn là ngồi đan suốt ngày và nghe dượng Carey đọc to những tác phẩm cải cách của Bulwer-Lytton.

Dì Eulalie, ẩn dật trong một ngôi nhà rộng lớn có tường cao bao bọc ở Battery trong vùng Charleston cũng không có gì vui hơn. Scarlett đã quen thuộc với khung trời bao la của những ngọn đồi đất đỏ cảm thấy như đang ở trong ngục thất. Ở đây không khí nhộn nhịp hơn nơi dì Pauline nhưng Scarlett không ưa những kẻ đến thăm dì nàng với vẻ kênh kiệu, với óc thủ cựu và sự chú tâm về gia tộc của họ. Nàng biết rõ rằng tất cả bọn họ đều nghĩ nàng là kết quả của một cuộc phối hợp bất xứng và họ ngạc nhiên sao một người trong họ Robillard lại có thể lấy một anh chàng Ái nhĩ lan mới sang lập nghiệp. Scarlett biết dì Eulalie thế nào cũng biện giải với họ sau lưng nàng. Những việc ấy làm cho nàng căm tức, bởi vì giống tánh cha, nàng không hề quan tâm tới vấn đề gia tộc. Nàng hãnh diện vì Gerald bởi ông đã dựng nên sự nghiệp mà không cần sự giúp đỡ của một ai, ngoài bộ óc Ái nhĩ lan minh mẫn.

Và dân Charleston quá buồn cười khi tự nhận trách nhiệm về vụ căn cứ Sumộter. Trời! Họ không hiểu nổi là nếu họ không ngu xuẩn bắn những phát súng khơi mào chiến tranh thì cũng có những tên điên dại khác sẵn sàng làm hay sao?

Quen với cách nói mau lẹ của người miền cao nguyên Georgia, cái giọng kéo dài đều đều của người bình nguyên có vẻ quá kiểu cách đối với nàng. Nàng nghĩ, nếu còn phải nghe những tiếng “paams” thay vì “palms”, hay “hoose” thay vì “house”, và “Maa”, “Paa” thay vì “Ma, Pa” chắc nàng sẽ hét lên vì quá bực mình. Nàng còn bực dọc đến nỗi trong một buổi thăm viếng đáp lễ, nàng đã nhái giọng Ái nhĩ lan của Gerald khiến cho dì nàng phải âu sầu. Sau đó, nàng về Tara. Thà chịu đựng những kỷ niệm về Ashley vò xé còn hơn là nghe cái giọng Charleston.

Ellen bận rộn suốt ngày đêm, tăng gấp đôi mức sản xuất của Tara để phục vụ Liên bang miền Nam, hết sức kinh hoàng khi thấy cô gái lớn trở về Charleston, gầy gò, xanh xao và cáu kỉnh. Chính bà cũng đã biết thế nào là tâm bịnh, và đêm nầy sang đêm khác, bà thao thức cạnh Gerald đang ngủ say, cố tìm cách làm vơi nỗi phiền muộn của Scarlett. Cô của Charles, Pittypat Hamilton, đã nhiều lần viết thơ cho bà, hối thúc bà cho phép Scarlett về Atlanta chơi một thời gian. Và bây giờ, lần đầu tiên Ellen cân nhắc giải pháp đó một cách thận trọng.

Cô Pittypat và Melanie sống trong một ngôi nhà rộng lớn và “không có sự bảo vệ của một người đàn ông nào”. Cô viết “Bây giờ Charlie đã qua đời. Dĩ nhiên, ở đây còn có em tôi là Henry nhưng chú ấy không ở cùng nhà với chúng tôi. Có lẽ Scarlett có nói với chị về Henry. Vì tế nhị, tôi không thể viết thêm nhiều về chú ấy trên thơ nầy. Melly và tôi sẽ khoan khoái và yên lòng hơn nếu có Scarlett bên cạnh. Ba người đàn bà trơ trọi còn hơn là hai. Và có lẽ cháu Scarlett sẽ tìm được đôi chút bình thản để quên buồn, cũng như Melly, bằng cách săn sóc những thanh niên dũng cảm của chúng ta trong bịnh viện… và cố nhiên Melly và tôi đều mong gặp mặt thằng bé cưng…”

Vậy là đồ đạc của Scarlett được gói ghém một lần nữa trong rương với những bộ tang phục. Rồi cùng thằng bé Wade Hampton và vú của nó, con Prissy, nàng lên đường đi Atlanta với một lô những lời căn dặn của Ellen và Mammy, cùng một trăm đô-la tiền giấy của Liên bang miền Nam của Gerald cho trong túi. Nàng không thích đi Atlanta lắm. Theo nàng thì cô Pittypat là người ngớ ngẩn nhứt trong các lão bà và ý nghĩ sống chung dưới một mái nhà với vợ của Ashley mới thật là nhờm tởm. Nhưng trong hạt đã có nhiều kỷ niệm khiến nàng không thể ở lại được cho nên bất cứ sự thay đổi nào cũng được cho là thích đáng.