Chương 12

Chiến tranh tiếp diễn, phần lớn với nhiều thắng lợi, nhưng mọi người đã thôi nói: “Chỉ còn một chiến thắng nữa thôi, là chiến tranh chấm dứt”. Cũng như chẳng còn ai bảo là bọn Yankee đều hèn nhát.

Bây giờ sự thật đã rõ ràng là tụi Yankee không hề hèn nhát chút nào, và cần phải có thật nhiều chiến thắng nữa mới mong dứt chiến. Tuy nhiên, với những chiến thắng ở Tennessee do công trạng của Tướng Morgan và Tướng Forrest, cộng thêm chiến công oanh liệt Trận thứ nhì ở Bull Run cũng đủ khiến người miền Nam quá hả hê. Nhưng đó cũng là những trận trả giá quá đắt. Tất cả các bịnh viện và tư gia ở Atlanta đều tràn ngập thương bịnh binh, và số phụ nữ mặc tang phục đen càng ngày càng nhiều thêm. Các dãy mộ buồn thảm ở nghĩa địa Oakland cũng càng ngày càng dài ra.

Tiền của Liên bang miền Nam mất giá tới mức độ báo nguy, và giá cả thực phẩm cũng theo mứ độ đó từ từ leo thang. Ban Quân nhu ngày đêm lo thâu góp thực phẩm đến đỗi dân Atlanta phải hạn chế việc ăn uống. Bột mì đã khan hiếm và quá mắc khiến dân chúng phải dùng bột bắp thay thế các món bánh nướng, bánh kẹp. Các hàng thịt chẳng còn lấy một miếng thịt bò nào, chỉ lèo tèo vài ba miếng thịt cừu, nhưng thịt cừu thì giá lại quá cao chỉ vừa túi tiền những người giàu. Tuy thế thành phố vẫn được cung cấp nhiều heo gà và rau cải.

Cuộc phong tỏa càng ngày càng chặt chẽ hơn khiến các loại hàng hóa xa xỉ như trà, cà phê, tơ lụa, nước hoa, tạp chí thời trang, sách vở đều khan hiếm và cao giá. Ngay cả loại vải xấu nhứt cũng lên giá dễ sợ đến đỗi phụ nữ phải buộc lòng sửa áo mùa trước để mặc lại. Các khung dệt từ nhiều năm bị bỏ xó trong kho bụi bám đầy bắt đầu được lôi ra, và gần như tại mỗi phòng khách đều có xuất hiện một vài bộ y phục bằng vải tự tay dệt lấy. Quân nhân, tư chức, phụ nữ, trẻ con và dân da đen bắt đầu mặc loại vải ở nhà dệt lấy. Màu xám của quân phục Liên bang miền Nam gần như biến mất nhường chỗ lại cho màu nâu của vải dệt ở nhà rồi đem nhuộm.

Các bịnh viện bắt đầu lo đối phó với nạn khan hiếm thuốc trị bịnh sốt rét, thuốc trị các chứng đau ruột, á phiện, thuốc mê và thuốc sát trùng. Vải dùng để may băng chữa thương trở nên quí như vàng nên các bà làm ở bịnh viện phải mang về từng thúng đầy những băng loang lổ máu để giặt ủi rồi mang ra để dùng lại.

Nhưng đối với Scarlett vừa nhô ra khỏi lớp vỏ quả phụ thì chiến tranh lại là một thời kỳ vui chơi náo nhiệt. Những thiếu thốn về các vấn đề ăn uống và may mặc không làm cho nàng bận tâm vì đang quá hân hoan trở lại được thế giới bên ngoài.

Nhớ lại các thời kỳ nhàm chán năm qua, từng ngày một giống hệt nhau lặng lẽ trôi, nàng bỗng thấy thời gian bây giờ đi mau khủng khiếp. Cứ mỗi ngày là một thời gian phiêu lưu rộn rã, ngày mà nàng có thể gặp thêm khuôn mặt đàn ông mới, và những người đó xin phép được đến nhà nàng để viếng thăm, trầm trồ sắc đẹp của nàng và cho biết sẽ sẵn sàng chiến đấu hoặc chết vì nàng. Nàng vẫn có thể yêu Ashley tới hơi thở cuối cùng, nhưng điều đó không cấm được việc làm cho bao nhiêu trai trẻ khác bị lôi cuốn đến phải ngỏ ý cầu hôn.

Không khí chiến tranh dai dẳng ở hậu phương khiến cho các cuộc giao tiếp trong xã hội mất đi nhiều nghi thức song có phần thú vị. Đó là một thứ bất qui thức mà những người lớn tuổi đâm ra hoảng sợ. Nhiều bà mẹ bỗng thấy một số đàn ông lạ mặt đến thăm con gái mình, không một lá thơ giới thiệu cũng chẳng biết gốc rễ ở đâu. Và mấy bà cuống cuồng lên khi thấy con gái mình nắm tay những người đàn ông lạ đó.

Bà Merriwether chỉ dám hôn chồng sau lễ cưới đã trố mắt kinh ngạc khi bắt gặp con gái mình là Maybelle hôn anh chàng Zouave nhỏ bé, Trung úy René Picard, và bà còn kinh hoàng hơn nữa khi con gái bà cãi lại, cho rằng việc đó chẳng có gì xấu hổ. Chuyện René ngay lúc đó ngõ ý cầu hôn con gái bà cũng không làm bà thôi ngơ ngác. Theo quan điểm của bà thì miền Nam đang đi lần tới chỗ sụp đổ toàn diện về đạo đức và bà cũng thường nói ra như vậy. Các bà mẹ khác đều cùng một ý như bà và đổ lỗi cho chiến tranh.

Nhưng đối với những người không rõ mình sống chết ngày nào thì không thể đợi nổi một năm trước khi được gọi cô gái mình yêu bằng cái tên thân mật. Họ cũng không thể phá vỡ cái hàng rào tập tục cổ truyền đã quá quen thuộc từ trước chiến tranh. Và những cô gái từng được dạy là muốn tỏ ra đoan trang phải từ chối lời cầu hôn liên tiếp ba lần đã đâm bổ vào ngay lần ngỏ ý đầu tiên.

Lối sống phá lệ đó đối với Scarlett là một trò thú vị. Ngoại trừ công việc nhớp nhúa săn sóc thương bịnh binh và sự chán nản trong những giờ cuộn băng, nàng cứ thấy chiến tranh có kéo dài tới đâu thì tới.

Thật vậy, bây giờ nàng đã chấp nhận được không khí nhà thương một cách điềm tĩnh hơn trước bởi vì nơi đó cũng là một khu vực săn đuổi tốt nhứt của nàng. Các thương binh ngã quỵ trước sắc dáng của nàng, không một kháng cự. Thay băng cho họ, rửa mặt cho họ, lót gối và quạt họ, chỉ bao nhiêu đó cũng đủ khiến họ yêu rồi. Quả là thần tiên sau một năm buồn thảm!

Scarlett đã trở lại cuộc sống cũ như trước khi lấy Charles và có cảm tưởng như chưa bao giờ lấy chồng, chịu tang cũng như không hề sanh thằng Wade. Chiến cuộc hôn nhân, sanh nở thoảng qua, không hề gợi được một ấn tượng sâu xa nào cho nên nàng vẫn không thay đổi. Nàng có con nhưng đứa bé được chăm sóc quá chu đáo bởi bao nhiêu người trong ngôi nhà gạch đỏ nầy đến đỗi gần như nàng đã quên khuấy nó. Trong tim và óc, nàng vẫn cứ là Scarlett O’Hara, hoa khôi trong hạt. Tư tưởng và hoạt động của nàng vẫn như ngày cũ, nhưng môi trường hoạt động đã được mở rộng ra. Bất chấp sự đối kháng của bạn bè cô Pittypat, nàng cứ sống như trước khi lấy chồng, tham dự tiệc tùng, khiêu vũ, cỡi ngựa rong chơi với quân nhân, làm dáng, hành động như lúc còn con gái, chỉ trừ một việc là chưa lột bỏ tang chồng. Nàng biết những việc đó sẽ như một giọt nước nhỏ vào ly đầy và hai chiếc ly đầy đó là cô Pittypat và Melanie. Là góa phụ, nàng cũng phô trương sắc dáng như thời con gái, hài lòng khi đạt được ý muốn, tự phụ về ma lực thu hút của mình và được có nhiều đàn ông đeo đuổi.

Chỉ mới vài tuần trước đây còn sống trong buồn thảm, bây giờ nàng vui sướng vì được nhiều người si mê, được tán tụng sắc đẹp, vui sướng như đã quên chuyện Ashley cưới Melanie và chàng đang ở một nơi nguy hiểm. Nhưng dù sao ý nghĩ Ashley đã thuộc về kẻ khác cũng không mấy nặng nề bởi vì chàng đang ở cách xa. Với khoảng cách hàng trăm dặm giữa Atlanta và Virginia dường như Ashley cũng thuộc về nàng nhiều như thuộc về Melanie.

Vì vậy mùa thu năm 1862 qua mau với những ngày làm nữ điều dưỡng, khiêu vũ, đi dạo và cuộn băng. Ngần ấy công việc đã choáng hết cả thời giờ khiến nàng chỉ về thăm Tara mấy lần ngắn ngủi.

Những chuyến về quê đó thật chán chường vì nàng ít có dịp hầu chuyện lâu với mẹ – như vẫn mong chờ khi ở Atlanta – không đủ thì giờ ngồi bên Ellen khi bà may vá để ngửi mùi hương thoang thoảng của mã tiên thảo thoát ra từ y phục của mẹ hay đưa má cho bàn tay mềm mại của mẹ vuốt ve.

Ellen đã gầy đi và luôn luôn bận rộn từ sáng sớm cho tới khi cả đồn điền đi ngủ. Những đòi hỏi của Ban Quân nhu mỗi tháng lại nặng nề hơn và nhiệm vụ của bà là phải làm sao để gia tăng mức sản xuất của Tara. Lần đầu tiên từ nhiều năm qua, Gerald cũng làm chẳng hở tay vì phải thay thế chức vụ quản lý của Jonas Wilkerson và phải thân hành đi xem xét đất đai. Chẳng được gì khác hơn là cái hôn của mẹ trước khi đi ngủ, còn cha thì suốt ngày ở ngoài đồng. Scarlett nhận thấy Tara buồn nản quá. Cả hai cô em gái cũng luôn luôn dành hết thì giờ cho chuyện riêng tư. Bây giờ Suellen đã thông đồng với Frank Kennedy và ca luôn miệng bài “Khi cuộc chiến tàn khốc nầy kết thúc” với một vẻ tinh quái khiến Scarlett không sao chịu nổi, còn Carreen thì luôn luôn chìm đắm trong những giấc mơ về với Brent Tarleton nên cũng không thể làm vui nàng được.

Mặc dầu lần nào trở về Tara tim nàng cũng reo vui, nhưng nàng cũng chẳng buồn tiếc gì khi nhận được thơ của cô Pittypat và Melanie khẩn cầu nàng trở lại với họ. Những lúc đó, Ellen thường thở dài buồn bã khi nghĩ rằng đứa con gái đầu lòng và thằng cháu ngoại duy nhứt sắp phải xa bà. Bà nói:

− Mẹ không thể ích kỷ giữ con lại đây trong khi con có nhiệm vụ săn sóc thương binh ở Atlanta. Mẹ buồn chỉ vì… chỉ vì hình như mẹ không có thì giờ nói chuyện với con để tìm lại hình ảnh đứa con ngày nào còn bé bỏng trước khi con rời xa mẹ.

− Lúc nào con cũng là đứa con bé bỏng của mẹ mà.

Scarlett vừa nói vừa chui đầu vào ngực Ellen, mặc cảm phạm tội dâng lên trong lòng. Nàng không thể nói với mẹ là chính những người si mê nàng, những cuộc khiêu vũ chớ không phải là bổn phận đối với Liên bang miền Nam đã lôi kéo nàng trở lại Atlanta. Dạo sau này, nàng đã che giấu Ellen nhiều chuyện. Nhưng quan trọng hơn cả là nàng vẫn giữ bí mật về chuyện Rhett Butler vẫn thường hay lui tới nhà cô Pittypat.

Luôn nhiều tháng sau ngày hội chợ, bất cứ lần nào trở lại Atlanta, Rhett Butler cũng tới thăm và chở Scarlett đi dạo, đưa nàng tới dự những buổi chợ phiên từ thiện hoặc những cuộc khiêu vũ và tới tận cửa bịnh viện để đón nàng về. Nàng không còn sợ hắn tiết lộ những bí mật của mình, nhưng thâm tâm nàng vẫn không quên kỷ niệm đáng ngại lúc gã bắt gặp nàng trong tình trạng tồi tệ nhứt và biết rõ sự thật về Ashley. Đó là lý do khiến nàng phải giữ gìn lời nói mỗi lần bị hắn quấy nhiễu. Và hắn thì cứ luôn luôn quấy nhiễu nàng.

Rhett khoảng trên ba mươi tuổi, lớn hơn bất cứ người nào đang đeo đuổi nàng, và khi đó nàng bất lực như một đứa bé chẳng có cách gì chế ngự nổi hắn như đã từng làm với các cậu trai cùng trang lứa. Trông hắn cứ phớt tinh như trên đời chẳng còn có gì đáng ngạc nhiên. Hắn lại còn thích dồn nàng vào một cơn giận nghẹn lời và dường như đó là những lúc hắn khoái trá nhứt. Thường thường khi bị trêu tức, nàng để cho cơn giận bùng lên theo dòng máu Ái nhĩ lan của Gerald nhưng dòng máu đó chỉ cuồn cuộn chảy dưới khuôn mặt dịu dàng thừa hưởng của Ellen. Lúc trước, nàng không bao giờ nghĩ đến việc kềm chế tánh khí Ái nhĩ lan đó, trừ khi ở trước mặt mẹ. Bây giờ, đau khổ khi phải nén lại vì sợ phải nhìn nụ cười khoái trá của hắn. Nếu hắn cũng mất bình tĩnh như nàng thì có gì đáng gọi là thiệt thòi đâu.

Sau những lần cãi vã mà ít khi nắm được phần thắng, nàng quả quyết rằng hắn là một kẻ bất xứng, vô giáo dục, không phải giai cấp quí tộc và thề sẽ chẳng thèm giao thiệp nữa. Nhưng sớm muộn gì hắn cũng trở lại Atlanta, đến viếng, làm như để thăm cô Pittypat rồi tặng cho Scarlett một hộp kẹo mang từ Nassau về, với những cử chỉ chiều chuộng thái quá. Hoặc hắn giữ trước một ghế ngồi nghe hòa nhạc, hoặc khẩn khoản mời nàng đi khiêu vũ. Luôn luôn điệu bộ trơ trẽn dễ mến của hắn làm nàng phải bật cười và quên hết chuyện cũ cho đến lúc một vụ trêu tức khác diễn ra.

Dù hắn hay chọc giận, nàng vẫn thấp thỏm mong hắn đến thăm. Người hắn như tỏa ra một thứ gì khích động mà nàng không phân tách được, một cái gì khác xa những người đàn ông mà nàng quen biết. Có cái gì ngây ngất nơi thân hình lực lưỡng của hắn nên mỗi lần hắn bước vào một gian phòng người ta có cảm tưởng như vừa chạm mạnh vào một khối thô cứng nào đó. Có cái gì ngạo mạn và châm biếm trong ánh mắt đen thẳm của hắn làm khơi dậy ở Scarlett lòng thèm muốn được chế ngự hắn.

Nàng bối rối thầm nghĩ: “Làm như mình yêu hắn!” Mỗi khi đến viếng, cái vẻ hoàn toàn đàn ông của hắn làm cho căn nhà mang toàn nữ tính của cô Pitty như nhỏ bé lại. Scarlett không phải là người duy nhứt trong gia đình có phản ứng kỳ lạ và không chịu được sự hiện diện của hắn mà chính cô Pitty cũng phải bấn loạn và xao xuyến vì sự có mặt của hắn.

Cô Pitty vẫn biết sẽ bị Ellen phản kháng nếu hay được việc hắn thường đến viếng con gái bà và cô cũng biết là pháp lịnh của Charleston đã loại hắn ra ngoài xã hội thượng lưu thì không thể coi thường được, nhưng trước những món quà xinh xắn và những cái hôn tay của hắn, cô chỉ còn là con ruồi đặt trước bình mật. Hơn thế nữa, hắn còn thường mang về cho Pitty những món quà nho nhỏ mua từ Nassau mà hắn quả quyết rằng chỉ mua riêng cho cô sau khi liều mạng vượt vòng phong tỏa… kim ghim, kim may, nút áo, suốt sợi lụa và kẹp tóc. Những món xa xỉ nho nhỏ đó không tài nào tìm ra được lúc sau này… Phụ nữ chỉ mang kẹp bằng gỗ chuốc tay, dùng hạt giẻ rừng bọc vải làm nút áo… và cô Pitty thì thiếu hẳn tinh thần chịu đựng để khước từ những món đó. Mặt khác, cô hoàn toàn như một đứa bé chỉ thích thú những món quà bất ngờ và không thể nào cưỡng nổi ý định mở các gói ra xem. Và một khi đã mở ra, cô không còn can đảm từ chối nữa. Đã nhận quà như thế thì làm sao cô còn đủ can đảm để bảo hắn là một người mang tai tiếng xấu, hắn không xứng đáng thăm viếng ba người đàn bà đơn độc, chẳng có đàn ông che chở và Pittypat cũng luôn luôn cảm thấy cần tới sự che chở của đàn ông mỗi khi Rhett Butler có mặt trong nhà. Cô thở dài:

− Cô chẳng biết ông ta là người như thế nào. Nhưng… mặc kệ, cô cứ cho là một người tử tế, một người khả ái nếu cô cảm nhận được là trong thâm tâm ông ta cũng biết kính trọng phụ nữ.

Từ ngày được chuộc giùm nhẫn cưới, Melanie cho rằng Rhett Butler là một nhà quí phái tinh tế, khéo léo nên không khỏi tức vì nhận xét của cô Pittypat.

Phần Scarlett, nàng mặc nhiên tán đồng ý kiến của cô Pitty. Cũng như cô Pitty, nàng nghĩ là chẳng bao giờ hắn kính trọng một người đàn bà nào cả, có lẽ trừ Melanie ra. Nàng vẫn cảm thấy như lõa lồ khi hắn chăm chú nhìn nàng từ trên xuống dưới. Chỉ riêng với Melanie là hắn không có cái nhìn như thế, không ẩn chứa một sự định giá lạnh lùng, không có nét châm biếm trong ánh mắt. Nói chuyện với Melanie, giọng hắn trở nên khác biệt, nhã nhặn, kính nể và sẵn sàng phục dịch.

− Tại sao ông tử tế với chị ấy hơn tôi?

Một chiều, lúc hai người ngồi riêng với nhau trong khi cả nhà còn ngủ trưa, Scarlett đã hỏi Rhett như vậy.

Luôn cả tiếng đồng hồ quan sát hắn ngồi cầm chỉ để Melanie cuộn đan, Scarlett để ý tới nét mặt bí ẩn của hắn trong khi im lặng ngồi nghe người chị chồng hãnh diện kể chuyện Ashley và việc chàng mới được vinh thăng. Scarlett biết rõ là Rhett chẳng mảy may coi trọng Ashley và cũng bất cần tới chuyện chàng vừa được cấp Thiếu tá. Tuy nhiên, hắn vẫn nhã nhặn nói vài ba câu phải phép đối với thành tích dũng cảm của Ashley.

Nàng nghĩ thầm, nếu mình mà nói tới Ashley thì hắn sẽ nhướng mày lên và cười đểu cáng ngay.

Nàng nói tiếp:

− Tôi đẹp hơn chị ấy nhiều… không hiểu tại sao ông lại đối xử với chị ấy lịch sự hơn là đối với tôi.

− Tôi có quyền hy vọng là cô ghen không?

− Ồ, đừng tưởng bở!

− Lại một hy vọng nữa tiêu tan. Tôi lịch sự với bà Wilkes vì bà ấy xứng đáng. Bà ấy là một trong số rất ít người biết tử tế, chân thành và xã kỷ mà tôi đã từng gặp. Có lẽ cô không nhận thấy những đức tính cao quí đó. Hơn thế nữa, dù hãy còn trẻ bà Wilkes có cung cách của một trong số rất ít các bà quí tộc mà tôi đã hân hạnh biết tới.

− Nghĩa là ông muốn ám chỉ tôi không phải là một phụ nữ quí tộc, phải không?

− Dường như ngay trong lần gặp nhau đầu tiên, chúng mình đều đồng ý rằng cô không phải là một phụ nữ quí phái kia mà?

− Nè, đừng có quá tức mà sống sượng đem chuyện đó ra! Tại sao ông cứ dùng cái trò trẻ ấy để đối phó với tôi? Chuyện đã quá lâu rồi và tôi cũng đã trưởng thành nhiều. Nếu không có cái lối nói xiên xéo của ông, chắc chắn là tôi đã quên tuốt hết.

− Tôi không cho đó là một trò trẻ và cũng không nghĩ là cô đã trưởng thành. Thỉnh thoảng cô cũng còn muốn ném vài cái bình nếu không làm được theo ý mình. Nhưng bây giờ thì đã làm được theo ý mình rồi nên cô chẳng thấy cần phải đập đồ đập đạc nữa.

− Ồ, ông là… Ước gì tôi là đàn ông! Tôi sẽ tống cổ ông ra và…

− Và cô sẽ mất mạng. Trong vòng năm mươi thước, tôi bắn trúng đích như chơi. Tốt hơn là nên sử dụng những thứ vũ khí sẵn có của cô… má lúm đồng tiền, bình bông và những loại tương tự.

− Đồ vô lại!

− Bộ cô tưởng là có thể chọc giận được tôi à? Rất tiếc là đã để cho cô thất vọng. Cô không thể chọc giận được đâu vì những tiếng mắng chửi cùng loại đó đối với tôi đều đúng cả. Đúng vậy, tôi là một đứa vô lại, và tại sao không? Đất nước này tự do và người ta có quyền làm một thằng vô lại nếu người ta muốn được vậy. Chỉ có những kẻ đạo đức giả như cô, thưa người đẹp quí mến, trái tim đen như mực nhưng cố che giấu… chỉ có những kẻ đó mới giận dữ lên khi bị gọi trúng tên.

Trước cái cười trầm tĩnh và những nhận định bằng giọng kéo dài của hắn, Scarlett đâm ra bất lực bởi vì từ trước tới nay nàng chưa hề gặp một người nào hoàn toàn bất khả xâm phạm đến thế. Đối với hắn, các loại vũ khí như khinh bỉ, lạnh lùng và nhục mạ đều vô hiệu. Kinh nghiệm cho Scarlett biết, người nói láo chính là kẻ binh vực mãnh liệt nhứt cho sự thật của mình, người hèn nhát thì hay nói tới lòng can đảm của họ và người đê tiện thì lại thấy là phải quyết liệt bảo vệ danh dự của y. Nhưng với Rhett thì không vậy. Hắn nhìn nhận tất cả rồi cười xòa và chọc cho nàng nói nhiều hơn.

Luôn những tháng đó, Rhett lui tới Atlanta thường hơn, tới không kèn trống và đi không một lời giã biệt. Scarlett không hiểu loại nghiệp vụ nào đã khiến hắn tới Atlanta vì rất ít có người vượt phong tỏa đi quá xa miền duyên hải như thế.

Họ cất hàng lên Wilmington hoặc Charleston, ở đó đã chầu chực sẵn vô số thương gia và những tay đầu cơ khắp miền Nam kéo tới để mua hàng theo thể thức đấu giá. Scarlett cảm thấy hài lòng nghĩ rằng hắn chịu khó lặn lội xa như thế là để thăm mình, nhưng mặc dầu hết sức tự kiêu, nàng cũng không hoàn toàn tin được chuyện đó. Nếu hắn đã có lần thố lộ tình yêu hay giả vờ ghen tuông với những người đeo đuổi nàng, hoặc nắm tay nàng, xin một bức ảnh hay một chiếc khăn tay là nàng quả quyết ngay rằng hắn đã bị nàng mê hoặc. Nhưng không, hắn vẫn cứ là một kẻ chẳng si mê lại hay quấy rầy và tệ hại hơn cả là dường như hắn đã nhìn thấy rõ tất cả những mánh khóe của nàng dùng để quyến rũ hắn.

Cứ mỗi lần hắn tới là nữ giới xôn xao. Họ xôn xao không phải vì hắn mang trên người cái danh dự người hùng vượt phong tỏa nhưng là do mối khích động giống như của người đứng trước trái cấm. Tai tiếng hắn chẳng còn một ai không biết! Và mỗi lần các bà vợ ở Atlanta châu đầu vào nhau để bàn tán thì tiếng tăm của hắn lại còn thảm tệ hơn lên, và điều đó càng làm cho hắn trở thành quyến rũ nhiều thêm đối với các cô gái.

Ngoài những anh hùng trận mạc ra, Rhett là nhân vật được nói tới nhiều nhứt ở Atlanta. Ai cũng biết là hắn bị đuổi ra khỏi Đại học Võ bị West Point là vì hắn say rượu và “dính líu chuyện gái ghiếc”. Cái chuyện tồi tệ khủng khiếp của hắn với một cô gái ở Charleston, kế đó là một trận đấu súng và hắn đã bắn chết người anh của cô gái đó đã được Atlanta coi như là tài sản công cộng. Thơ từ qua lại giữa Atlanta và Charleston càng làm cho câu chuyện sáng tỏ. Cha hắn, một nhà quí tộc, đã phải đuổi hắn ra khỏi nhà không một xu dính túi năm hắn hai mươi hai tuổi. Tên hắn cũng bị xoá luôn trong gia phả. Sau vụ đó, hắn phải lang thang tới California theo chân những người săn vàng năm 1849, rồi từ đó hắn đi qua Nam Mỹ và Cuba. Tất cả những gì hắn làm trong thời kỳ đó đều chẳng có gì tốt đẹp: lăng nhăng với phụ nữ, bắn lộn, buôn súng lậu cho phe Cách mạng Trung Mỹ và tệ hại hơn tất cả, hắn lại là một tay đánh bạc nhà nghề. Đó là những gì Atlanta biết được về hắn.

Ở Georgia, gần như chẳng gia đình nào là không có một thân nhân đánh bạc thua đến phải bán nhà, bán đất và bán luôn cả bọn nô lệ. Nhưng đó là chuyện khác. Người ta có thể phá sản vì cờ bạc nhưng vẫn cứ là người quí phái, chớ đánh bạc nhà nghề thì nhứt định phải là một tên bất lương.

Nếu không có tình trạng xáo trộn vì chiến tranh và những dịch vụ riêng của hắn đối với chánh phủ Liên bang miền Nam, chắc chắn hắn không bao giờ được tiếp nhận ở Atlanta. Bây giờ, ngay đến những người câu nệ nhứt cũng nhận thấy rằng tinh thần yêu nước đòi hỏi họ phải bao dung hơn. Phần lớn tình cảm đều nghiêng về phía gia đình con chiên ghẻ Butler và gia tộc hắn, sau khi nghĩ kỹ đã đồng ý mở cho hắn một con đường chuộc tội. Thế là các bà cảm thấy có nhiệm vụ mở rộng chút ít tầm tay ra, đặc biệt là đối với một thuyền trưởng vượt biển gan lì như hắn. Tất cả đều đã nhận ra rằng số phận của Liên bang miền Nam tùy thuộc vào những chiếc tàu tránh né được hạm đội Yankee cũng tương đương với sự tùy thuộc vào các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Theo lời đồn đãi thì Butler là một trong số các thuyền trưởng xuất sắc nhứt của miền Nam và sự liều lĩnh táo bạo của ông ta không ai sánh được. Sanh trưởng tại Charleston, hắn đã thuộc nằm lòng từng eo biển, gành đá cũng như các vũng cạn, chỗ sâu của cả vùng duyên hải Carolina gần với hải cảng nầy. Hắn cũng đi lại dễ dàng như trong nhà trên các vùng biển chung quanh hải cảng Wilmington. Chưa bao giờ hắn để mất một chiếc tàu hay bắt buộc phải ném hàng xuống biển. Ngay từ ngày chiến tranh bùng nổ, hắn từ trong bóng tối hiện ra với khoản tiền đủ mua một chiếc tàu nhỏ chạy nhanh, và bây giờ nhờ vào tiền lời hai ngàn phần trăm trên mỗi chuyến hàng vượt phong tỏa, hắn đã làm chủ bốn chiếc. Hắn mướn toàn những người tài ba và trả lương rất hậu. Những đêm tối trời, thuyền của hắn len lỏi vượt vòng vây ra khỏi Charleston và Wilmington, chở theo bông vải đem bán ở Nassau, Anh quốc và Gia nã đại. Các nhà máy sợi ở Anh lúc nầy lâm vào tình trạng ngưng trệ và công nhân đành chịu cảnh đói khát, cho nên bất cứ ai vượt qua nổi hàng rào biển của hạm đội Yankee đều có thể mặc tình làm mưa gió về giá cả ở Liverpool. Tàu của Rhett luôn luôn may mắn một cách kỳ lạ lúc chở bông vải ra cũng như lúc mang chiến cụ về – toàn là những quân dụng mà Liên bang miền Nam khắc khoải đợi chờ. Vâng, chính vì thế mà các bà có thể tha thứ cho hắn nhờ vào vô số công trạng của hắn, nhứt là đối với một người dũng cảm như vậy.

Là con người phóng khoáng, hắn đi tới đâu đều có người chú ý. Hắn xài tiền như nước, cỡi một con ngựa ô nòi hung hăng và luôn luôn ăn mặc đúng thời trang. Chỉ nội bộ y phục của hắn thôi cũng đủ khiến mọi người để ý tới, bởi vì quần áo của binh sĩ bây giờ đã quá dơ bẩn, tối ám và rách nát, còn dân chúng trang trọng nhứt cũng chỉ với những bộ đồ được chằm và khéo tay thôi. Scarlett không khỏi nhìn nhận là chưa hề thấy ai phục sức thanh lịch và oai vệ như hắn cả.

Rất ít phụ nữ có thể cưỡng chế nổi mỗi khi hắn muốn thu phục nhân tâm và cuối cùng, ngay cả bà Merriwether cũng phải mềm lòng mời hắn tới dùng bữa thân hữu đêm chúa nhựt.

Maybelle Merriwether đang đợi anh chàng Zouave thấp bé của cô ta về phép để làm lễ thành hôn, cứ khóc nức nở khi nghĩ là không được mặc áo cưới bằng hàng sa tanh trắng bởi vì cả miền Nam cũng chẳng đâu còn được một tấc. Đã vậy, cô ta cũng không sao mượn ra một chiếc áo cưới cũ nào, bởi lẽ các chiếc áo cưới đó đều được gom góp để may cờ trận. Bà Merriwether đã vận dụng tới lòng yêu nước để dỗ dành con nhưng vô hiệu. Bà thuyết phục là loại vải tự tay dệt lấy mới xứng đáng may áo cho các cô dâu miền Nam. Nhưng Maybelle vẫn muốn có sa tanh. Cô ta sẵn sàng chấp nhận, hãnh diện chấp nhận không cần tới trâm cài, giày đẹp, kẹo ngon, trà tốt, để chứng tỏ cũng lo lắng cho chánh nghĩa, nhưng cô ta vẫn muốn có áo cưới bằng sa tanh.

Nghe Melanie nói lại, Rhett mang từ Anh về hàng chục thước sa tanh trắng bóng và khăn choàng đăng ten làm quà cưới cô ta. Hắn làm họ không thể nào nghĩ tới chuyện trả tiền cho hắn được. Maybelle mừng rơn lên đến muốn ôm hắn mà hôn. Bà Merriwether biết đó là một món quà đắt giá – một món quà trang phục vượt thời – nhưng bà không có cách nào từ khước khi Rhett giải bày lưu loát rằng đối với tân nương của một vị anh hùng thì chẳng có gì có thể là quá đáng. Vì vậy mà Merriwether đành mời hắn ăn tối ở nhà mình, cảm nhận rằng sự nhân nhượng đó còn đắt giá hơn giá trị món quà.

Không những chỉ tặng Maybelle sa tanh, hắn còn chỉ dẫn kiểu để may áo cưới cho hợp thời trang, đai áo ở Ba Lê mùa nầy nới rộng ra và thân trên ngắn hơn một chút. Áo không còn xếp tổ ong mà xếp theo vòng tròn mặc chung với váy lót viền kim tuyến. Hắn còn bảo là phụ nữ ở Ba Lê không còn mặc quần lót dài cho nên hắn nghĩ là kiểu đó đã lỗi thời. Về sau bà Merriwether nói với bà Elsing bà ngại nếu khuyến khích thêm chút nữa, chắc hắn sẽ kể đúng y kiểu quần lót của đàn bà Ba Lê. Hắn nhớ từng chi tiết một các kiểu áo, kiểu nón và kiểu tóc. Các bà cũng tự thấy lạ khi vây quanh hắn để hỏi về thời trang nhưng họ vẫn buộc lòng phải hỏi. Họ bị cô lập với thời trang thế giới như những thủy thủ đắm tàu, vì chỉ có chút ít sách thời trang lọt được hàng rào phong tỏa. Đàn bà Pháp có cạo đầu và đội nón da họ cũng không biết, vì thế ký ức về cách trang phục của Rhett được cho là quí để thay thế tạp chí thời trang phụ nữ “Godéys Lady”. Hắn chú ý tới mọi chi tiết mà phụ nữ hài lòng nhứt, do đó cứ sau mỗi chuyến tàu từ ngoại quốc về, người ta lại thấy hắn bị các bà vây quanh. Hắn cho biết nào là năm nay kiểu nón đã nhỏ hơn và chóp nón cao hơn, nào là người ta chỉ gắn lông chim chớ không cài hoa trên nón nữa, nào là hoàng hậu Pháp đã hết búi tóc khi dự dạ hội mà tóc được xếp chồng gần giữa đỉnh đầu, để lộ hai tai ra sau, sau cùng là áo dài dạ hội đã hở ngực thêm nhiều.

Luôn vài tháng, hắn đã là khuôn mặt quen thuộc và lang bạt tại Atlanta, dầu mang nhiều tai tiếng, dầu có lời xầm xì rằng hắn trục lợi không chỉ trên những chuyến vượt phong tỏa mà còn trong những vụ đầu cơ nhu yếu phẩm. Những người không ưa hắn còn bảo là sau mỗi chuyến tàu, hắn làm cho vật giá Atlanta tăng lên năm đô-la. Nhưng mặc ai nói gì thì nói, hắn vẫn có thể tiếp tục giữ được mối giao dịch với xã hội Atlanta như thường, nếu hắn thấy cần phải giữ. Nhưng thay vì vậy, sau khi chen được vào hàng ngũ của những công dân yêu nước, đứng đắn kia, đã đạt được sự kính trọng và bắt họ miễn cưỡng tỏ ra có cảm tình với hắn, thói ương ngạnh đã làm hắn thay đổi đường lối châm chích họ, chứng tỏ cho họ thấy rằng thái độ của hắn lâu nay chỉ là một màn kịch và bây giờ hắn đã chán đóng vai trò ấy rồi.

Dường như khinh miệt tất cả mọi người và vật ở miền Nam, đặc biệt là Liên bang miền Nam mà không buồn che giấu. Chính những nhận xét về Liên bang miền Nam đã làm dân Atlanta ban đầu còn sửng sốt rồi lạnh lùng và sau cùng là thịnh nộ nổi lên. Ngay từ khi sắp hết năm 1862, nam giới đã lạnh lùng khi chào hắn, các bà bắt đầu kéo con gái vào sát bên mình mỗi khi hắn xuất hiện ở đám đông.

Dường như không những chỉ khoan khoái khi châm biếm lòng chân thành và nhiệt huyết của dân Atlanta, hắn lại thích phơi bày mặt thật của hắn ra một cách trắng trợn. Trong khi người ta tán tụng hắn vì sự can đảm vượt hàng rào phong tỏa, hắn thẳng thừng đáp rằng hắn cũng luôn luôn sợ sệt nguy nan chẳng khác gì những người trai anh dũng ngoài mặt trận. Tất cả đều biết là trong hàng ngũ quân đội Liên bang miền Nam không một ai hèn nhát nên họ vô cùng tức giận. Hắn luôn gọi các chiến sĩ là “những người trai anh dũng của chúng ta” hoặc “những anh hùng quân phục xám” với cái giọng như chửi vào mặt người nghe. Khi các thiếu nữ dạn dĩ hy vọng được hắn chú ý, gọi hắn là một trong những anh hùng đang chiến đấu vì họ, hắn nghiêng mình và tuyên bố rằng đó không phải là trường hợp của hắn, vì hắn cũng có thể hành động như vậy với phụ nữ Yankee nếu số tiền tìm ra cũng tương đương.

Từ khi Scarlett gặp hắn trong hội chợ ở Atlanta đến nay hắn vẫn nói chuyện với nàng với giọng đó, nhưng bây giờ nói với ai, hắn cũng cứ để lộ cái tánh gàn bướng đó ra. Khi được ca ngợi về sự đóng góp của hắn cho Liên bang miền Nam chắc chắn là hắn trả lời rằng cuộc phong tỏa chỉ là dịp để hắn kiếm tiền.

Phần lớn những nhận xét của hắn đều khó bắt bẻ, chính điều đó khiến họ càng thảm hại hơn. Rồi lần lần bỗng lòi ra những vụ xấu xa nho nhỏ của những kẻ ký hợp đồng cung cấp phẩm vật cho chánh phủ. Chiến sĩ ngoài mặt trận đã gởi thơ than phiền về chuyện giày mới nhưng mang có một tuần là nát bét ra, thuốc súng không bắt lửa, yên cương hay bị đứt, thịt thì hư thúi, bột mì đầy mọt sâu. Dân Atlanta cố nghĩ là những nhà thầu đó chỉ là người ở Atlanta, Virginia hay Tennessee chớ không phải là người Georgia, vì có bao giờ những nhà thầu ở Atlanta lại nằm trong hàng ngũ quí tộc.

Không những chỉ châm biếm thành phố với những vụ hối mại quyền thế của những cấp lãnh đạo và nghi ngờ lòng dũng cảm của các chiến sĩ ngoài mặt trận, hắn lại còn đưa các công dân danh vọng vào tình cảnh khó xử trí. Hắn không dằn được ý muốn châm chích tánh tự phụ, thói ngụy biện và lòng ái quốc rực rỡ của những người chung quanh, như một đứa bé không sao cưỡng được ý muốn dùng kim chích vào quả bóng. Hắn khéo léo làm tiêu tán lòng kiêu ngạo, lật mặt nạ những kẻ ngu dốt và cuồng tín, bằng những phương cách tinh vi, đối xử với nạn nhân của hắn thật lễ độ khiến họ không biết được sự thật ra sao cho tới lúc nhận ra mình đang phơi người ra giữa một cơn dông bão.

Trong mấy tháng thành phố tiếp nhận hắn, Scarlett không hề tin tưởng ở hắn chút nào. Nàng hiểu rõ cung cách chiều chuộng hết sức tinh vi và những lời hoa mỹ của hắn đều giả dối. Nàng còn biết rằng hắn đứng trong hàng ngũ những kẻ vượt phong tỏa, yêu nước và hăng hái kia chỉ vì hắn thích chuyện đó thôi. Nhiều khi dưới mắt nàng, Rhett giống như những thanh niên cùng hạt với nàng, anh em song sanh Tarleton luôn luôn bị ám ảnh bởi những trò đùa nghịch ngợm, anh em Fontaine với những hứng thú ma quái thường quấy phá một cách ác độc, anh em Calvert có thể thức suốt đêm để hoàn thành một tin vịt. Nhưng còn có một cái gì khác hơn thế, vì với cái bề ngoài bình thản của Rhett, có một cái gì thật hiểm độc, hung tợn trong cái giọng ngọt ngào của hắn.

Chính trong buổi hòa nhạc tại nhà bà Elsing nhằm gây quỹ cho những chiến binh vừa bình phục, Rhett đã làm cho dân Atlanta hoàn toàn cắt đứt những mối thiện cảm với hắn. Buổi chiều đó, nhà bà Elsing đông nghẹt các quân nhân đang nghỉ phép, thương binh, lực lượng Dân quân, Vệ binh quốc gia, các thiếu phụ, quả phụ và thiếu nữ. Trong nhà hoàn toàn không còn ghế trống, ngay cả cầu thang cũng đầy nứt khách. Cái chậu thủy tinh lớn đặt trước cửa đã được dở ra hai lần đầy những đồng tiền bạc. Điều nầy chứng tỏ bà Elsing đã thành công bởi vì hiện thời đô la bạc có giá trị gấp sáu mươi lần đô la giấy Liên bang miền Nam.

Cô gái nào có chút tài năng đều phải hát, đánh dương cầm và trình diễn hoạt cảnh. Những tràng pháo tay vang dậy nổi lên. Scarlett quá hài lòng vì không những nàng và Melanie trình diễn trong một hợp khúc hai giọng bản “Khi sương bám đài hoa” và sau khi được yêu cầu cả hai hát thêm bản nữa, nàng lại còn được chọn trình diễn một hoạt cảnh cuối cùng tiêu biểu cho tinh thần của Liên bang miền Nam.

Rạng rỡ trong chiếc áo dài kiểu Hy lạp màu trắng, thắt lưng bằng vải đỏ và xanh, Scarlett một tay cầm lá cờ “Stars and Bars”, tay còn lại cầm thanh gươm chuôi vàng của cha con Charles trao về phía Đại úy Carey Ashburn, người xứ Alabama đang quì trước mặt nàng.

Dứt màn trình diễn, Scarlett hối hả tìm xem Rhett có tán thưởng hoạt cảnh mỹ miều đó hay không. Nhưng nàng giận dữ lên khi thấy hắn đang tranh luận và chắc chắn là chẳng chú ý gì tới mình. Nhìn nét mặt của những người quanh hắn, nàng đoán biết ngay là họ đang phẫn uất vì lời lẽ của hắn.

Scarlett vội tới gần, và trong một không khí im lặng kỳ dị vẫn thường xảy ra tại các cuộc cãi vã, nàng nghe Willie Guinan, thuộc đội Dân quân lên tiếng:

− Thưa ngài, có phải ngài muốn bảo rằng chánh nghĩa mà các vị anh hùng của chúng ta đang liều thân bảo vệ là không thiêng liêng chăng?

Tiếng trả lời của Rhett nghe như khiêm nhượng tìm một lời giải đáp:

− Xin lỗi, nếu cậu bị xe lửa cán thì cái chết của cậu có làm cho công ty hỏa xa trở thành thiêng liêng không?

Willie lạc giọng:

− Thưa ngài, nếu không phải chúng ta đang cùng ở trong ngôi nhà nầy…

Rhett ngắt lời:

− Và tôi run sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra… bởi vì lòng dũng cảm của cậu mọi người đều biết rõ.

Mặt Willie tím lại và… mọi người đều lặng thinh. Tất cả đều lúng túng. Willie là một thanh niên cường tráng đã đến tuổi động viên nhưng cậu ta vẫn chưa ra tiền tuyến. Dĩ nhiên cậu ta là con trai duy nhứt và dầu sao cũng cần có người ở lại để bảo vệ tiểu bang. Nhưng có vài tiếng cười nổi lên trong đám sĩ quan vừa bình phục khi Rhett nói về lòng dũng cảm của Willie.

Scarlett bực tức nghĩ thầm:

“Ồ, tại sao hắn không chịu câm miệng lại, hắn chỉ muốn làm hư buổi hội nầy thôi”.

Bác sĩ Meade nhíu mày như sắp nổi trận lôi đình:

− Người bạn trả kia, chẳng có gì thiêng liêng đối với anh… Ông bắt đầu với giọng thường dùng đọc diễn văn:

− Nhưng đối với những công dân ái quốc miền Nam thì có rất nhiều chuyện thiêng liêng. Và công cuộc giành lại tự do trong tay kẻ xâm lăng là một, quyền lợi các tiểu bang miền Nam là hai và…

Rhett uể oải ngắt lời bằng một giọng rất dịu dàng, gần như chán nản:

− Tất cả những cuộc chiến đều thiêng liêng đối với những kẻ đang chiến đấu.

Nhưng khi nàng hấp tấp chen vào nhóm người đang giận dữ thì Rhett ung dung khom mình chào mọi người và bắt đầu đi ra cửa. Nàng định chạy theo hắn nhưng bà Elsing níu áo giữ lại.

− Để nó đi, cứ để cho nó đi. Một thằng phản bội, một tên đầu cơ, một con rắn độc mà chúng ta đang dung dưỡng.

Đang cầm nón đứng ở phòng khách, nghe rõ những lời dành riêng cho mình, Rhett xoay lại, rảo mắt khắp gian phòng một lúc rồi nhìn đăm đăm vào bộ ngực lép xẹp của bà Elsing. Đột nhiên hắn nhe răng cười và cúi đầu chào rồi bỏ đi.

Bà Merriwether về chung xe với cô Pitty. Bốn người vừa ngồi xuống là bà ta nổ ngay:

− Thấy chưa, Pittypat Hamilton! Chắc chị vừa lòng lắm!

Cô Pitty sợ hãi kêu lên:

− Vừa lòng cái gì?

− Với tư cách của tên Butler đốn mạt mà chị đã chứa chấp đó!

Cô Pittypat cuống lên, quá kinh hoảng vì lời buộc tội đến nỗi không nhớ là Merriwether cũng đã nhiều lần đãi Butler tại nhà bà. Scarlett và Melanie thì nhớ ra ngay, nhưng vì lịch sự đối với người lớn tuổi, họ không dám nói ra nên đành nhìn xuống xe.

Bà Merriwether tiếp, thân hình béo phị của bà như muốn phồng to hơn:

− Sỉ nhục mình và luôn cả Liên bang miền Nam. Nó dám nói mình chiến đấu vì tiền! Rằng cấp lãnh đạo nói dối mình. Đáng lẽ phải cho nó vào tù. Vậy mới đáng. Tôi sẽ nói với bác sĩ Meade chuyện nầy. Nếu ông nhà tôi còn sống, chắc nó phải biết. Bây giờ, Pitty Hamilton, chị nghe đây. Chị không được cho tên vô lại đó tới nhà nữa nghe chưa?

− Ồ!

Cô Pitty kêu lên thảm não dường như chỉ mong được chết ngay lúc đó. Cô lờ đờ nhìn hai đứa cháu đang cúi mặt như kêu cứu rồi hy vọng nhìn lên tấm lưng thẳng của bác Peter. Cô biết bác đã lắng nghe và hy vọng bác ta quay lại xen vào chuyện như vẫn thường làm. Cô hy vọng bác sẽ nói: “Thôi bà Dolly, bà hãy để yên cho bà Pitty”. Nhưng bác Peter chẳng hề nhúc nhích. Bác là người chống đối quyết liệt Rhett Butler và cô Pitty cũng biết vậy. Cô đành thở dài:

− Được Dolly, nếu chị nghĩ…

− Chắc chắn chớ không phải nghĩ. Tôi không thể tưởng nổi cái gì đã khiến chị khởi xướng chuyện mời hắn. Kể từ chiều nay sẽ không còn một nhà tử tế nào tiếp đón hắn nữa. Chị phải biết phán đoán và cấm hắn đến nhà.

Bà gay gắt nhìn Scarlett và Melanie:

− Hai cháu nên lưu ý lời tôi. Các cháu cũng chịu trách nhiệm trong vụ nầy vì quá niềm nở với hắn. Hãy cho hắn biết một cách lịch sự nhưng cương quyết là sự hiện diện và những lời bất chánh của hắn chắc chắn không được nhà các cháu chấp nhận.

Tới lúc nầy, Scarlett giận sôi, sẵn sàng chồm lên như một con ngựa khi có một bàn tay lạ tàn nhẫn giựt dây cương. Nhưng nàng ngại. Nàng không muốn liều để rồi bà Merriwether gởi cho mẹ một lá thơ khác nữa. Mặt đỏ lên vì giận, nàng nghĩ thầm:

“Đúng là một con mọi già. Mình sẽ hả hê biết bao nếu có thể nói thẳng với mụ những ý nghĩ của mình về mụ và bộ tịch tác oai tác phúc của mụ”.

Giọng bà Merriwether lại vang lên, sôi nổi trong cơn giận mà bà cho là chánh đáng:

− Không ngờ là tôi lại còn sống để nghe người ta phỉ báng xứ sở. Kẻ nào dám nghĩ là chánh nghĩa chúng ta không chánh đáng và thiêng liêng, kẻ đó đáng bị treo cổ! Tôi không muốn nghe hai cháu nhắc nhở đến hắn nữa… Kìa Melly, sao vậy?

Mặt Melly trắng bệch và mắt trợn lên to nhưng cô ta vẫn hạ giọng:

− Tôi vẫn phải tiếp chuyện ông ấy. Tôi không thô lỗ được với ông ta, cũng không cấm ông ấy đến thăm.

Bà Merriwether thở ồ ồ như vừa bị một quả đấm vào giữa ngực. Miệng cô Pitty há hốc lên, bác Peter thì giựt mình quay lại!

“Ồ, chính mình phải nói câu đó mới đúng chớ”, Scarlett nghĩ thầm, vừa ghen tức vừa cảm phục Melanie “Sao con thỏ cái nầy lại có thể nổi xung lên, dám chống đối với mụ già Merriwether?”

Tay Melanie run lên, nhưng nàng vẫn hấp tấp nói tiếp, dường như sợ can đảm sẽ biến mất đi nếu còn ngập ngừng thêm nữa.

− Tôi không thể xử tệ với ông ấy vì những lời ông ấy nói, chỉ vì… ông ấy phát biểu quá trắng trợn… chỉ vì ông ấy thiếu thận trọng nhưng đó… đó đúng là ý nghĩ của Ashley. Tôi không thể cấm tới nhà một người có ý nghĩ giống chồng tôi. Vậy là bất công.

Vừa lấy lại được hơi thở, bà Merriwether liền tấn công:

− Melly Hamilton, tôi chưa bao giờ được nghe một sự láo khoét trắng trợn như vậy. Dòng họ Wilkes không thể có người hèn…

Mắt Melanie long lên:

− Tôi không hề nói Ashley hèn. Tôi chỉ nói chồng tôi cùng ý nghĩ như thuyền trưởng Butler, chỉ khác là chồng tôi giải thích bằng cách khác. Tôi không tin là anh ấy phải đi nói ra ở giữa một buổi hòa nhạc. Nhưng chính chồng tôi đã viết cho tơi về điều đó.

Mặc cảm phạm tội của Scarlett dâng lên, nàng cố nhớ những gì Ashley đã viết cho Melanie đến nỗi chị ta dám lên tiếng như vậy, nhưng nàng đã quên hết cả sau khi đọc xong. Nàng nghĩ là Melanie đang loạn trí.

Melanie vội vàng tiếp:

− Ashley viết rằng, đáng lý chúng ta không nên gây chiến với quân Yankee. Chúng ta đã bị các chánh khách, diễn giả mê hoặc bởi những lời huyênh hoang và những thành kiến. Anh ấy cho biết cuộc chiến nầy chẳng có gì lợi cho chúng ta. Chiến tranh chẳng đem lại vinh quang gì cả… mà chỉ có cảnh khốn cùng và bẩn thỉu.

Scarlett sực nhớ ra: “Ồ, bức thơ đó! Bộ chàng muốn nói vậy sao?”

Bà Merriwether quả quyết:

− Tôi không tin, cháu hiểu lầm ý của Ashley.

Melanie bình tĩnh đáp dầu môi vẫn còn run:

− Tôi không bao giờ hiểu lầm Ashley. Tôi hiểu rõ anh ấy, ý tưởng trong thơ giống hệt ý của thuyền trưởng Butler, chỉ khác chỗ chồng tôi không phát biểu thô lỗ thôi.

− Đáng lẽ cháu phải mắc cở khi so sánh Ashley với một kẻ vô lại như tên thuyền trưởng Butler. Có phải cháu cũng cho là chánh nghĩa chẳng ra gì không?

Melanie bắt đầu hoang mang, máu nóng đã nguội lần nên cuống hoảng vì sự liều lĩnh của mình:

− Tôi… tôi không hiểu gì hết. Tôi… tôi sẵn sàng chết cho chánh nghĩa, cũng như Ashley. Nhưng… tôi muốn nói, tôi cứ muốn để cho đàn ông suy nghĩ vì họ thông minh hơn.

Bà Merriwether khịt mũi:

− Tôi chưa bao giờ nghe nói vậy. Dừng lại, bác Peter! Đi quá nhà tôi rồi.

Mãi nghe ngóng chuyện cãi vã phía sau, bác Peter đã qua khỏi nhà bà Merriwether nên cho xe quay lại. Bà Merriwether xuống xe, mớ tóc lắc lư như cánh buồm trong cơn bão. Bà hăm dọa:

− Rồi cháu sẽ hối hận.

Bác Peter quất ngựa và càu nhàu:

− Hai cô thật đáng xấu hổ khi đặt cô Pitty vào tình thế nầy.

Cô Pitty trả lời, mặt vẫn chưa hết kinh ngạc.

− Cô không khó chịu đâu. Melly, cô hiểu cháu làm vậy để binh vực cô, thật tình cô rất thích có ai dám đương đầu với Dolly, bà ấy hách dịch quá. Sao cháu có can đảm quá vậy? Nhưng cháu có nghĩ rằng những điều cháu nói sẽ làm cho Ashley mang tiếng không?

Melanie khóc rấm rứt:

− Nhưng đó là sự thật. Cháu không xấu hổ vì anh ấy nghĩ vậy. Ashley biết cuộc chiến nầy là vô lý, nhưng anh ấy vẫn sẵn lòng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh. Chiến đấu trong tình trạng như vậy còn can đảm hơn là chiến đấu vì những điều mình cho là hợp lý.

Bác Peter vừa càu nhàu vừa giục ngựa chạy mau hơn:

− Chúa ơi, cô Melly đừng có khóc ngay ngoài đường Cây Đào nầy. Người ta gièm pha chết. Đợi về tới nhà rồi khóc.

Scarlett không nói gì cả. Nàng cũng không siết bàn tay của Melanie vừa vùi vào lòng tay nàng để tìm an ủi. Nàng đọc lén thơ Ashley chỉ với một mục đích… là để yên tâm chàng vẫn yêu mình. Bây giờ Melanie đã vạch trần những đoạn mà nàng không hiểu. Nàng kinh ngạc khi nhận ra một người hoàn toàn như Ashley lại đồng tư tưởng với một gã đê tiện như Rhett Butler. Nàng nghĩ thầm:

“Cả hai đều thấy bộ mặt thật của chiến tranh, nhưng Ashley sẵn sàng hy sinh, còn Rhett thì không. Điều đó chứng tỏ Rhett khôn ngoan hơn”. Nàng ngừng lại một lúc, sững sờ vì đã nghĩ như thế về Ashley.

“Cả hai đều thấy rõ sự thật không hay, nhưng Rhett thì đương đầu với sự thật và chọc giận người khác bằng cách nói ra… Còn Ashley thì không dám nhìn vào sự thật”.

Toàn những điều nàng không sao hiểu nổi.