39. Chế độ bị dư luận và Chính quyền Mỹ chống đối

Những biến cố ở Huế đã gây xúc động mạnh tại Sài Gòn đối với giới Phật tử cũng như toàn thể dân chúng. Những ngày cuối cùng tôi lưu lại Sài Gòn trước khi đi Mỹ, nhiều người đã đến tìm tôi hỏi han về những chuyện xảy ra ở Huế. Với những người thân thiết hoặc thành thật tôi biết sao kể lại vậy. Đối với những người đến hỏi tôi với mục đích dò xét, thì tôi cũng kể sự thật nhưng là những sự thật dưới mắt mọi người, làm hài lòng mọi người.

Nếu tôi nhớ không lầm thì hôm tôi vào Sài Gòn được một ngày tức vào sáng ngày 10-5-1963 một phái đoàn đại diện Phật giáo gồm các tăng ni đến yết kiến Tổng thống Diệm để bày tỏ các nguyện vọng. Những nguyện vọng của họ thì ai cũng biết, chẳng có gì quá đáng. Ít ra là lúc bây giờ, đại để là huỷ bỏ nghị định cấm treo cờ Phật giáo, trừng phạt thủ phạm gây ra cảnh đổ máu ở đài phát thanh, chấm dứt tình trạng đàn áp Phật giáo nếu quả thực chính quyền có chủ trương đó.

Theo chỗ tôi biết, thì ông Diệm đã tiếp đón phái đoàn Phật giáo một cách cởi mở, ghi nhận và hứa thoả mãn phần lớn những nguyện vọng của họ. Ông Diệm giải thích rằng nghị định cấm treo cờ tôn giáo ngoài khuôn viên chùa chiền hay nhà thờ áp dụng chung cho mọi tôn giáo, không phân biệt Công giáo hay Phật giáo, và không nhằm hạ nhục gì Phật giáo cả. Còn đối với vụ đổ máu ở đài phát thanh Huế, thì ông Diệm hứa sẽ đem ra xét xử và trừng trị những thủ phạm sau khi có cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Cuộc hội kiến gay go, kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, từ hơn 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Sở dĩ tôi biết được việc này là tôi mấy lần gọi điện thoại vào chánh văn phòng phủ Tổng thống để xin giờ gặp ông Diệm, và được người trong văn phòng cho biết giờ giấc trong ngày của ông Diệm.

Cũng trong ngày 10-5 có lẽ để tránh những hiểu lầm và lạm dụng, Đức cha Nguyễn Văn Bình ra thông cáo nhắc nhở giáo dân về việc treo cờ toà thánh đúng theo nghị định của chính phủ, là chỉ được treo trong nhà thờ, và phạm vi các cơ sở giáo hội mà thôi.

Như tôi đã kể đoạn trước, chiều 15-5 tôi vào gặp ông Diệm để sáng hôm sau lên đường sớm. Tôi được biết rằng sáng hôm sau, tức là ngày 16-5 sẽ có một cuộc họp báo của phái đoàn Phật giáo tại chùa Xá Lợi, có sự tham dự của Bộ trưởng công dân vụ Ngô Trong Hiếu, để trình bày kết quả cuộc tiếp xúc ngày 15-5 với Tổng thống. Những lời lẽ trong cuộc họp báo thì ai cũng biết rồi.

Ngày 16-5 tôi lên máy bay đi Mỹ với Âu Ngọc Hồ đến San Francisco. Một trong những mục đích của chuyến đi này là vận động sự giúp đỡ của các giới ở Mỹ trong việc thành lập một trung tâm kỹ thuật tại Huế, trong khu vực đồng An Cựu. Mục đích thứ hai dự định là qua Ba-Lê, gặp các giáo sư Đức, và sẽ cùng họ sang Tây Đức vận động thêm những sự giúp đỡ cho đại học Y khoa Huế.

Nhưng một mục đích khác của tôi là muốn tìm hiểu dư luận Mỹ và thế giới đối với tình hình Việt Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ. Tôi vẫn hiểu rằng vai trò của Mỹ trong việc tồn tại của chính quyền Ngô Đình Diệm rất quan trọng, sự giúp đỡ của họ rất cần thiết, và sự lạnh nhạt của họ rất nguy hiểm.

Tôi đã được nghe những dư luận Mỹ từ ít lâu nay và phần lớn những dư luận đó không có lợi cho chế độ ông Diệm. Tôi muốn tìm hiểu sự thật, để may ra còn kịp thì giờ cảnh giác những người có trách nhiệm trong chế độ.

Lúc tôi đến San Francisco thì ông Chủ tịch tổ chức Asi Foundation đang có mặt tại nơi này. Ông Chủ tịch tiếp đón hết sức niềm nở, mời tôi ăn cơm thân mật với ông một bữa. Tôi trình bày dự án thành lập viện kỹ thuật Huế và yêu cầu ông giúp đỡ. Ông hứa sẽ giúp đỡ tuỳ phương tiện và khả năng của tổ chức, tuy nhiên ông cho biết rằng tổ chức không được dồi dào lắm, cho nên sự giúp đỡ nếu có cũng không quan trọng lắm.

Từ San Francisco tôi đến Hoa Thịnh Đốn. Lúc này ông Trần Văn Chương, nhạc phụ ông Ngô Đình Nhu làm đại sứ ở đây, đã biết trước chương trình thăm viếng Mỹ của tôi, ra tận phi trường đón tôi và hướng dẫn về toà đại sứ. Do sự sắp xếp của ông Chương tôi gặp nhiều chính khách và nhân vật chính phủ Mỹ thời đó.

Đầu tiên tôi gặp Thượng nghị sĩ (TNS) Mike Mansfield, thuộc đảng Dân chủ đang nắm quyền đơn vị trách nhiệm của ông là tiểu bang Motana, vốn là nơi Âu Ngọc Hồ theo học trước đây và do đó hiểu biết về tiểu bang này rất nhiều. Nhờ đó câu chuyện giữa chúng tôi rất cởi mở vui vẻ. Câu chuyện kéo dài suốt một buổi chiều.

Ông Mansfield có vẻ lưu tâm nhiều đến tình hình chính trị Việt Nam, lo lắng cho chế độ ông Diệm khó qua được cơn sóng gió. Ông trình bày sự đổi hướng của dư luận Mỹ, những năm trước 1960 thì hết sức thiện cảm với ông Diệm, và ủng hộ ông tích cực, nhiệt thành, nhưng sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9-4-1961 báo chí Mỹ bắt đầu chỉ trích chế độo ông Diệm là một chế độ độc tài, và cuộc bầu cử lần thứ hai này có nhiều trò gian dối, đôi lúc không cần thiết vì lúc đó uy tín của ông Diệm trong nước còn khá lớn, đủ để ông đắc cử dễ dàng.

TNS Mansfield cho tôi biết rằng hiện nay chẳng những dư luận báo chí Mỹ mà phần lớn các nhân vật chính phủ Mỹ đều cho rằng chế độ ông Diệm là một chế độ độc tài, gia đình trị, công giáo trị, không đoàn kết được toàn dân, đẩy những kẻ đối lập quốc gia đến bước đường cùng phải chống đối bằng bạo động, do đó không thể thắng được cộng sản. Chính phủ Mỹ cũng như dân chúng Mỹ hết sức lo lắng và thất vọng. Ông khuyên tôi nên trình bày lại với ông Diệm hiểu chiều hướng của dư luận Mỹ, và nếu có thể nên giúp ông Diệm thay đổi đường lối, nhân sự thì mới được sự ủng hộ của Mỹ, bằng không rất có thể Mỹ sẽ bỏ rơi ông Diệm, nếu không phải là bỏ rơi Việt Nam.

Tôi cố gắng biện hộ cho ông Diệm, trả lời rằng theo chỗ tôi thấy thì không có nạn cuồng tín tôn giáo tại Việt Nam lúc này, và cũng không có sự xung đột tôn giáo nào giữa Phật giáo và Công giáo. Có thể có những mâu thuẫn hiềm khích giữa chính quyền và Phật giáo.

Ông Diệm không mấy tin tưởng Phật giáo và Phật tử tích cực chống cộng cho nên dè dắt đối với Phật giáo. Tôi cũng trình bày về chuyện cấm treo cờ, biến cố ở Huế, vừa đưa ra lối giải thích cùng quan điểm của tôi. Những giải thích và biện hộ của tôi xem chừng không đủ sức thuyết phục được TNS Mansfield.

Trước khi chia tay, TNS Mansfield nhắc nhở lần nữa rằng nếu ông Diệm không có những thay đồi chính trị sâu rộng, nhằm đưa ra một chế độ dân chủ thật sự kết hợp nhiều thành phần chính trị dị biệt, thì chính phủ Mỹ cũng như dân chúng Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ ông Diệm lâu hơn được nữa.

Lúc bấy giờ đảng Dân chủ của Tổng thống Kennedy đang nắm quyền nhiệm kỳ một và ông Mansfield là một lãnh tụ nhiều uy tín của đảng này. Lập trường cũng như ý kiến của ông có thể được coi như lập trường không chính thức của đảng và chính phủ Dân chủ.

Do đó những lời ông Mansfield nói ra làm tôi lo lắng nhiều lắm. Tôi có cảm tưởng là người Mỹ đã hết tin ở ông Diệm và đang nghĩ đến một thay đổi lớn lao không phải chỉ là thay đổi nhân sự hay chính sách.

Tôi muốn biết thêm quan điểm của đảng Cộng hoà đối lập, do đó tôi thu xếp gặp TNS Dirksen, một lãnh tụ Cộng hoà lão thành. Ông Dirksen cũng cho tôi biết những ý kiến tương tự như ông Mansfield, nói rằng dân chúng Mỹ, các chính khách Mỹ không phân biệt Cộng hoà hay Dân chủ đều tỏ ý thất vọng với chế độ ông Diệm, và coi như sự ủng hộ của Mỹ đối với ông Diệm nên được chấm dứt càng sớm càng tốt.

Báo chí Mỹ có vẻ đã thổi phồng những xung đột giữa chính phủ ông Diệm và Phật giáo với một dụng ý nào đó tôi không hiểu rõ lúc bấy giờ.

Trong lúc tôi đang ở Hoa Thịnh Đốn thì có tin về những cuộc lễ cầu siêu cho các nạn nhân vụ đổ máu tại đài phát thanh Huế và lễ cầu siêu đã biến thành biểu tình ở Huế và Sài Gòn, ngày 30-5 báo chí Mỹ đăng những tin tức về những hành động đàn áp Phật giáo, như quân đội hay các lực lượng an ninh canh gác các chùa ở Huế, cúp điện nước trong khu chùa Từ Đàm.

Trong thời gian này, tôi gặp ông Robert Kennedy, bào đệ TT Kennedy, hiệin là Bộ trưởng tư pháp. Ông Kennedy chỉ trích mạnh mẽ những hành động độc tài và đàn áp đối lập, kỳ thị tôn giáo của ông Diệm. Ông nói rằng nếu tình trạng này không thay đổi thì chính phủ Mỹ không thể tiếp tục ủng hộ ông Diệm được nữa, vì dư luận dân chúng và quốc hội Mỹ sẽ áp lực buộc chính phủ Mỹ bỏ rơi ông Diệm hoặc là bỏ rơi hẳn Việt Nam.

Trong cuộc họp báo ngày 22-5 về Việt Nam, TT Kennedy đã có những lời lẽ chỉ trích chính phủ ông Diệm, và một câu nói của ông như một lời giận dỗi: Mỹ sẽ rút hết quân đội và chấm dứt viện trợ cho Việt Nam bất cứ lúc nào chính phủ Việt Nam yêu cầu. Trả lời báo chí, ông ngụ ý là Việt Nam muốn chiến thắng cộng sản, cần phải có những thay đổi chính trị sâu rộng, từ căn bản.

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng tư pháp Mỹ Robert Kennedy tôi được nghe ông nhắc lại những luận điệu này, và ông nói rõ hơn là ông Diệm phải mở rộng chính phủ, lập thủ tướng, tăng quyền cho các Bộ trưởng, kêu gọi các thành phần chính trị đối lập tham gia tân chính phủ, chấm dứt những sự bắt bớ đàn áp vì lý do chính trị hay tôn giáo.

Giọng ông có vẻ gay gắt khi nhắc đến những tin tức quanh việc đàn áp Phật giáo. Ông châm biếm rằng không nên vì cái chuyện cờ quạt mà làm mất lòng 80 phần trăm dân chúng Việt Nam. Ông đề cập đến ông bà Nhu và tuy ông không nói rõ, nhưng ngụ ý rằng cách hay nhất để xoa dịu dư luận Việt Nam cũng như Mỹ, là ông Diệm nên cho các ông Nhu, ông Cẩn và bà Nhu rời khỏi chính trường trong ít lâu, hay đi du lịch thế giới với tư cách cá nhân. Đến đây thì tôi không thể nghi ngờ gì được nữa. Tôi hiểu ảnh hưởng của ông Robert Kennedy đối với TT Kennedy, vậy quan điểm của ông em cũng có thể coi như quan đểim của ông anh.

Mặc dầu ông Robert Kennedy không nói rõ ra, nhưng tôi hiểu ý muốn dành cho ông Diệm một cơ hội cuối cùng, muốn tôi khuyên ông Diệm nên cải tổ chính trị sâu rộng để tránh khỏi bị Mỹ bỏ rơi.

Đến nơi nào tôi cũng được nghe những dư luận tương tự. Những sinh viên Việt Nam mà tôi gặp ở các nơi cũng tỏ vẻ bất mãn với ông Diệm, có lẽ vì bị ảnh hưởng của dư luận Mỹ nhiều hơn là do chính kiến của họ. Dĩ nhiên là tôi cố gắng bênh vực ông Diệm, nhưng tôi chẳng thuyết phục được ai cả.

Ở lại Hoa Thịnh Đốn hơn một tuần thì có máy bay của đại học Chio, tỉnh Athenes lên đón tôi về thăm đại học này. Một khoa trưởng và một giáo sư đại học lên theo máy bay hướng dẫn tôi. Từ nhiều năm, đại học Chio đã bảo trợ và giúp đỡ đại học Sư phạm Huế, và hằng năm tôi gửi sang nhiều sinh viên du học, đồng htời Chio cũng đã gửi sang nhiều giáo sư giảng dạy tại đại học Sư phạm Huế.

Tại đại học đường Chio, tôi được tiếp đãi nồng hậu, than dự nhiều cuộc tiếp tân, thuyết trình liên hoan. Đại học đường Chio cấp cho tôi một bằng danh dự. Sau mấy ngày thăm viếng các cơ sở của Đại học, đàm luận với các viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư, sinh viên, tôi lại được Đại học dùng máy bay riêng chổ đến Chicago để gặp một số sinh viên Việt Nam du học tại đây.

Hầu hết các sinh viên đều bất mãn với ông Diệm, nhất là ông Nhu, bà Nhu, và chỉ trích các hành động đàn áp chính trị và tôn giáo.

Một số ký giả Mỹ đến gặp tôi. Tôi không có ý định họp báo, hay dành cho họ một cuộc phỏng vấn nào. Nhưng khi tiếp họ, dĩ nhiên tôi phải trao đổi với họ nhiều câu chuyện quanh những đề tài thời sự Việt Nam. Tôi cố tránh không nêu lên quan điểm của tôi, chỉ giải thích các sự kiện theo hiểu biết của mình. Trong câu chuyện, tôi được biết rằng báo chí Mỹ hầu hết bây giờ quay qua chỉ trích ông Diệm, bênh vực Phật giáo.

Vài hôm sau tôi lên Nữu Ước, và tại đây tôi gặp một chuyện bất ngờ đau lòng: người từng giúp đỡ cho văn hoá Việt Nam, cho đại học Huế tích cực nhiều nhất, là giáo sư Buttinger, trước là chủ tịch hội New Land Foundation và bây giờ là chủ tịch hội “Những người Mỹ bạn Việt Nam” tỏ ra chán nản thất vọng về Việt Nam, về ông Diệm và không còn sốt sắng giúp đỡ cho Việt Nam như trước nữa. Tôi định gặp ông để ngỏ lời cám ơn về những sự giúp đỡ của ông đối với đại học Huế, và đề cập đến dự án lập trường Kỹ thuật Huế, nhưng khi thấy thái độ của ông như vậy tôi không còn nghĩ đến việc xin ông giúp đỡ nữa. Những chỉ trích của giáo sư Buttinger cũng tương tự như của các ông Mansfield, Kennedy, Dirksen.

Giáo sư Buttinger còn nói rõ hơn, là nếu ông Diệm không kịp thời thay đổi sâu rộng, thì Mỹ sẽ bỏ rơi ông.

Ông khuyên tôi nên làm cách gì cho ông Diệm hiểu mà thay đổi chính phủ cải tổ nội các, bớt quyền Tổng thống, lập thủ tướng tổng trưởng có thực quyền gồm những chính khách có uy tín, và tốt nhất nên mời một số chính khách đối lập tham gia tân chính phủ, bàn về những biến cố thời sự. Giáo sư Buttinger cho rằng ông Diệm cần phải giải quyết cấp thời vấn đề Phật giáo, chấm dứt mọi hành động có tính cách đàn áp hay kỳ thị.

Hôm sau tôi gặp một ông giáo sư khác, ông Fishell từng là bạn thân của ông Diệm từ khi ông còn lưu vong ở Mỹ. Về sau tôi biết rằng ông Fishell là một nhân viên Trung ương tình báo Mỹ, thuộc hàng cao cấp.

Ông đã từ Michigan lên Nữu Ước tìm gặp tôi. Tôi nói chuyện với ông Fishell từ chiều đến 12 giờ khuya và câu chuyện vẫn quanh những đề tài chính trị Việt Nam. Những nhận định và chỉ trích mà ông Fishell nêu lên tương tự như các nhận định và chỉ trích của những nhân vật Mỹ tôi đã từng gặp trước, nhưng ông Fishell nhấn mạnh hơn. Một lúc, không hiểu vô tình hay cố ý để cảnh cáo, nhắn nhủ, ông Fishell nói rõ rằng nếu ông Diệm không thay đổi sâu rộng đường lối chính trị của ông thì nội trong năm 1963, Mỹ phải tìm cách loại bỏ ông Diệm khỏi sân khấu chính trị Việt Nam và biện pháp thủ tiêu có thể được xét tới. Dĩ nhiên là ông Fishell lúc bấy giờ chỉ nói điều này ra như một lời nhận định về kế hoạch trong tương lai gần của chính phủ Mỹ.

Ỏ Nữu Ước được vài ngày thì tôi nhận được điện tín tại toà đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn cho biết Tổng thống gọi tôi về nước gấp. Tôi để Âu Ngọc Hồ ở lại Mỹ tiếp tục công cuộc vận động sự giúp đỡ cho Viện Kỹ thuật Huế, còn tôi rời Mỹ trở về, qua ngã Ba-Lê.

Tôi hẹn gặp các giáo sư Đức tại đây, và dự định sẽ cùng họ sang thăm viếng Đức. Bây giờ vì lệnh triệu hồi khẩn cấp của Tổng thống Diệm tôi đành huỷ bỏ chuyến tham viếng Tây Đức. Tôi dùng cơm trưa với các giáo sư Đức, trình bày tình hình có vẻ khẩn trương ở Việt Nam, xin lỗi họ và ngày hôm sau tôi về thẳng Sài Gòn.

Tôi nhớ thì hình như tôi đến Sài Gòn vào khoảng đầu tháng sáu. Tôi vào ngay dinh Độc Lập gặp ông Diệm. Chính ông cho tôi biết rằng: Các sinh viên và nhiều giáo sư đại học Huế đã biểu tình ủng hộ Phật giáo. Ý ông Diệm định cách chức một số khoa trưởng, giáo sư, vì họ không kiểm soát được sinh viên. Tôi chưa hiểu gì, xin ông Diệm cho tôi một thời gian.

– Xin cụ khoan đưa ra những biện pháp mạnh lúc này. Cụ cho phép tôi ra Huế cố gắng dàn xếp nếu không xong, sau đó cụ muốn có biện pháp nào tuỳ ý cụ.

Tôi đã được biết đại biểu chính phủ miền Trung là ông Hồ Đắc Khương bị thay thế, tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng và phó tỉnh trưởng Đặng Sỹ bị triệu hồi về Bộ nội vụ. Nhiều cuộc biểu tình có bạo động xảy ra tại Huế, các chàu bên kia sông Phú Cam bị phong toả, và ngày nào cũng có những cuộc tiếp xúc giữa Ủy ban liên phái Phật giáo và Ủy ban liên bộ của chính phủ, nhưng không giải quyết được tình trạng căng thẳng khắp toàn quốc.

Tình hình tại Huế rất lộn xộn. Nhiều cuộc biểu tình đã liên tiếp diễn ra mấy hôm nay, mà theo lời ông thì thành phần tham dự đông đảo là học sinh sinh viên Phật tử.