Trốn nợ

Vụ “gián điệp Nguyễn Hữu Đang” chẳng lẽ đã khép lại, xếp vào tủ kín, coi như kết thúc hoàn toàn khi nhà nước vui lòng trả lương hưu chuyên viên bậc 5? Chuyên viên bậc 5 có nghĩa là bậc Vụ trưởng. Có nghĩa là vẫn là bị hạ 2 hoặc 3 bậc so với 47 năm về trước, khi ông là Thứ trưởng, ở bậc 7 và bậc 8 chuyên viên. Các vị tổ chức cán bộ thường nghĩ rằng: thế đã là một sự đối xử tốt rồi. Từ chỗ anh bị tù, bị coi là chống đảng, là gián điệp tay sai thực dân, đế quốc, bị quản thúc mấy năm sau khi ra tù, phải tự kiếm sống lấy, nay anh được quyên công dân, được có thẻ cử tri, có giấy chứng minh công dân, được sổ nhận lương hưu, được thò bút ký vào sổ để nhận tiền hàng tháng, vinh dự quá rồi còn gì! Đảng đã cho anh đổi đời, còn muốn gì nữa. Và nhiều hạn bè Nguyễn Hữu Đang ắt cũng chúc mừng anh như vậy. Từ một người bị lên án là một tên gián điệp nay được gặp bạn bè, tay bắt mặt mừng, tổ chức lễ thượng thọ, khá là rôm rả, có bia, có chút rượu, quả là một niềm an ủi lớn rồi.

Thế nhưng rượu ngọt vẫn còn vị đắng. Thế là xong ư? Họ phủi tay hết ư? Đảng bao giờ cũng đúng. Không chút thanh minh, minh oan, xin lỗi anh. Đúng là kiểu gia trưởng phong kiến. Vua bao giờ cung đúng. Đúng cả trong những sai lầm bậy bạ, kỳ quặc trong hành động của ông ta. Cũng có thể có người khuyên anh. Thôi, cho qua tha thứ tất cả? Thể tất cho họ! Miễn là cuối cùng anh trở lại là công dân. Còn hơn khối kẻ đến chết vẫn chưa được hồi phục quân công dân. Một lời an ủi chân tình. Cũng có người có thể khuyên anh: chấp nhận thái độ, chính sách của họ là hơn, chớ cựa quậy gì nữa. Kiện ai bây giờ? Kiện củ khoai à? Phải biết sống yên ổn với họ, tránh những phức tạp, phiền hà… Thế nhưng đảng và nhà nước đang nói ro rằng: quyết tâm xây dựng một nhà nước – pháp luật kia mà! Có nghĩa là nhà nước ứng xử với xã hội, với công dân theo pháp luật và công dân cũng ứng xử với đảng và nhà nước theo pháp luật. Đó là lẽ đương nhiên.

Thương nhau ta để trong lòng
Chuyện này ta cứ phép công mà làm!

Đã theo pháp luật thì không thể có thương hại, thông cảm, thể tất cho qua được!

Các vị lãnh đạo và nhà nước thường viện cớ rằng nhưng chuyện ấy lâu quá rồi, những người liên quan đến vụ án hồi đó đã thay đổi cả rồi, nhiều người đã không còn sống nữa… Việc cũ không thể đặt lại ra bây giờ. Ba mươi năm qua rồi, còn có ai nhớ nữa?…

Xin thưa rằng ở các nước có nếp sống theo pháp luật, các vụ án cũ 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm, khi phát hiện ra sai lầm, khi đương sự đặt vấn đề, đều có thể và phải xem xét lại và xử lại nếu cần công bằng không có quy định về thời gian. Mấy năm gần đây, ở cộng hòa liên bang Đức đã xử những tên đồ tể thời Hitler trốn gần 40 năm sang Nam Mỹ được truy tìm và dẫn độ về. Thời gian không thể xí xóa tội lỗi, không thể hòa cả làng!

Và có sự ràng buộc về trách nhiệm của tác cơ quan nhà nước nối tiếp nhau. Khi một chính phủ mới được thành lập thay chính phủ cũ, khi một quốc hội được bầu thay quốc hội mãn hạn, khi một Thủ tướng mới nhậm chức thay Thủ tướng cũ một chánh án tuyên thệ nhận trách nhiệm thay chánh án cũ đều có một nguyên tắc: tôi kế thừa trách nhiệm của người bàn giao, tôi phải làm liếp những việc còn làm dở dang, tôi tiếp thu tất cả những công việc trong nhiệm kỳ trước để xem xét lại khi cần, trong sự kế thừa ấy, tôi tiếp nhận cả những ưu điểm và khuyết điểm, thành tích và sai lầm, kể cả những sai lầm chưa được phát hiện để truy cứu trách nhiệm và giải quyết thỏa đáng theo hiến pháp và luật pháp.

Tình hình đã chín để có thể đặt vấn đề xem xét lại một số vụ án oan, gián điệp, chống đảng, xét lại, tay sai địch, chống chủ nghĩa xã hội, chống nhân dân… trong đó vụ Nhân Văn Giai Phẩm là một điển hình. Vụ án theo nghĩa rộng này không chỉ liên quan đến 5 người bị đưa ra xét xử ở tòa án Hà nội cuối năm 1959: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thi Yên (tức Thụy An), Trần Thiếu Bảo (tức Minh Đức), Phan Tài và Lê Nguyên Chi (tòng phạm); nó liên quan đến mấy chục trí thức, giáo sư đại học, văn nghệ sĩ thuộc đủ các ngành văn, nhạc, kịch, họa, và một số sĩ quan quân đội có thành tích trong kháng chiến. Nó còn liên quan đến cả chục ngàn “Nhân văn xóm”, “Nhân văn huyện”, “Nhân văn tỉnh”, những người bị bất, bị giam, bị xét hỏi, bị ghi vào sổ đen… do đã tàng trữ, truyền tay, tán thành ủng hộ các tác phẩm Nhan văn Giai Phẩm. Những người có trách nhiệm đối với vụ án oan này là các ông trùm tư tưởng và văn hóa, những người cám cân nảy mực ở Bộ Nội Vụ, Tòa án Nhân Dân. Đó là Trưởng ban Tuyên huấn của đảng, Tố Hữu, với người trợ thủ đắc lực là Hoài Thanh, đó là cựu Phó an ninh Dương Thông và Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Quốc Hoàn, với các Thứ trưởng Nguyễn Quốc Thân và Viễn Chi. Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch nước Hồ Chí Minh tất nhiên có phần trách nhiệm của mình. Không ai có thể nói một cách vô lý rằng tất cả vinh quang của chiến thắng và thành tích là thuộc về tôi còn tất cả thất bại, sai tâm, khuyết điểm và tội lỗi là thuộc người khác!

Tôi đã nghĩ đến việc xem xét lại vụ án lớn này từ năm 1986, khi bắt đầu cái gọi là “thời kỳ đổi mới”, trong không khí chuẩn bị cho Đại hội 5. Khi ông Nguyễn Văn Linh từng bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị (tháng 12-1981) và vừa trở lại làm tổng bí thư (tháng 12-1986) gặp các văn nghệ sĩ trong không khí cởi mở, chân thành, tôi cũng nghĩ rằng đã đến lúc xem xét lại vụ án văn nghệ này. Thế nhưng sau đó ít lâu, tình hình Đông Âu đã làm cho ông ta “co vòi” lại. Những anh em từng làm việc thời gian dài gần ông ở Nam Bộ hồi kháng chiến chống Pháp cho biết “ông “Mười Cúc” (tên hồi đó của ông Linh) đôi khi biết lặng nghe, nhưng ai cũng thấy sợ sợ, rợn rợn vì ông mà “để ý đến ai, chiếu tướng ai là người đó coi như tịch!”. Con người định kiến đầy mình như vậy thì sao mà đổi mới được! Tôi đã nghĩ sai và ảo tưởng về thiện chí của người từng nói rằng: “Anh chị em văn nghệ sĩ phải tự cứu lấy mình, không được bẻ cong ngòi bút…” Những người lãnh đạo cộng sản khi phạm sai lầm, rất sợ ánh sáng của sự thật, họ rất sợ công luận. Cho nên họ rất ưa cách làm âm thầm, lặng lẽ, thật ra là dấm dúi, theo kiểu “xử trí nội bộ”. Cách làm này trước kia còn có hiệu quả, khi dân trí còn thấp, cả xã hội bị cô lập, khép kín, “ở dưới đáy giếng”. Nay tình hình đã khác lắm rồi. Nếu không công khai sửa chữa sai lầm, chủ động và công khai xem lại những vụ án lớn thì họ sẽ bị kẹt to. Tốt nhất là họ có chút lương tâm để tự làm lấy, lập ra một tổ chức gồm các đại diện các cơ quan có trách nhiệm, chọn một số người có công tâm, xem xét lại và kết luận lại, minh oan và xin lỗi nếu cần. Họ làm vậy thì chỉ có được hoan nghênh, họ sẽ khôi phục được phần nào niềm tin…

Không làm như vậy, cứ trốn tránh trách nhiệm thì sẽ đến lúc tất cả những người bị án oan sẽ phải họp nhau lại đòi công bằng. Cả xã hội sẽ thấy không có nỗi oan nào của riêng ai cả, vi người này bị oan hôm nay, thì ngày mai sẽ đến lượt anh, lượt chị, lượt tôi, không ai không cảm thấy bị đe dọa trong cuộc sống. Sẽ phải lập nên một “ủy ban đòi công bằng cho những người bị xử oan” trong 50 năm qua, và ủy ban ấy tất sẽ tìm sự ủng hộ của các nhân vật và tổ chức quốc tế quan tâm đến dân chủ, quyền con người. Những người cầm quyền ở Hà nội cần hiểu rõ công luận thế giới vừa qua đã được động viên, Liên Hiệp Quốc đã thảo luận về quyền và nghĩa vụ can thiệp để bảo vệ nhân quyền ở nước này và nước khác, trên nguyên tắc: Trong một xã hội cũng như trong cộng đồng thế giới mỗi người phải có nghĩa vụ cứu những người đang bị nạn. Thấy người bị nạn mà không cứu là phạm pháp. Bị xử trí oan, bị giam cầm oan là bị nạn…

Hoàn toàn ngoài ý kiến tôi việc trả thù cá nhân. Theo tôi, nguồn gốc mọi sai lầm, thảm họa, bất công là cơ chế. Đó là bộ máy, từ những học thuyết ngoại lai. Con người đều là nạn nhân của cơ chế sai lầm, của cỗ máy nghiền ấy. Vấn đề là bỏ đi cơ chế cũ, dựng nên cơ chế mới, có dân chủ và pháp luật Không phải nay lại đưa những người gây bất công ra xét xử bởi những người bị xử oan hồi trước. Không thể thế được, sẽ tạo nên thù hận không cùng. Cần tỉnh táo xem xét kết luận công khai, khôi phục danh dự cho mọi người bị oan. Rõ ràng, minh bạch, không sót một ai. Đề phòng sự trả thù cá nhân, theo kiểu ân oán giang hồ, sẽ gây hỗn loạn. Đất nước đã hỗn loạn quá lâu, quá nhiều rồi. Hiện nay các tệ nạn tham nhung, buôn lậu, quan liêu, đặc quyền đặc lợi đã gây hỗn loạn quá mức rồi. Nhân dân không thể chấp nhận thêm bất cứ một sự hỗn loạn nào nữa. Món nợ lớn của hàng loạt vụ án chính trị vô lý, oan ức của mấy chục năm quá không ai có thể xóa được. Nợ thì phải trả. Đó là nhu cầu của “đổi mới” thứ thiệt, nhu cầu của tương lai trước mắt.