Các Mác và chủ nghĩa Mác

Ở Việt nam, có một học sinh, sinh viên, trí thức, đảng viên, cán bộ, đoàn viên thanh niên nào mà không học, đọc và biết ít nhiều về Các Mác và chủ nghĩa Mác? Đây là một môn học bắt buộc. Ở Bộ Giáo Dục Phổ Thông có một vụ giáo dục chính trị, trong đó có một phòng giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, làm nhiệm vụ biên soạn, đào tạo giảng viên, chọn đề thi, chỉ đạo việc học tập chủ nghĩa Mác- Lênin ở tất cả các trường học. Các trường đại học đều có một phòng giáo dục Mác-Lênin. Khi 2 bộ Giáo dục Phổ thông và bộ Đại Học và Trung cấp Chuyên nghiệp nhập vào nhau thành Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, các cơ quan giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin cũng được nhập vào nhau. Khi thi tốt nghiệp, mọi sinh viên đều phải học ôn và thi môn Mác-Lênin – Đây là môn cơ bản nhất được tính để xét đỗ hay trượt, lên lớp hay lưu ban.

Trong những năm 1966 và 1967, sau một thời gian làm giảng viên lý luận của quân khu 4 rồi về công tác ở Cục tuyên huấn, tôi nhận được quyết định của Bộ Quốc Phòng giao nhiệm vụ tham gia Ban chấm thi nhà nước để chấm thi tốt nghiệp Trường Sy Quan Lục Quân, môn chính trị. Các trung đội trưởng và đại đội trưởng tương lai phải hiểu biết sâu sắc và vững vàng về chủ nghĩa Mác-Lênin. Theo quy định, môn học chủ nghĩa Mác gồm có môn Triết học (gồm Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử), môn Lịch sử Đảng (gồm Lịch sử Đảng cộng sản Liên xô, Đảng cộng sản Việt nam và Lịch sử Phong trào cộng sản Quốc tế) và môn Chủ nghĩa Xã hội Khoa học. Các cuộc thi đều có cả thi viết và thi ấn đáp quy định của Bộ chính trị cũng như của Ban Tổ Chức và Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (về sau Ban này mang tên Ban Tư Tưởng và Văn Hóa), cán bộ Đảng và nhà nước ở bậc cán sự đều phải trải qua một khóa học ở Trường Đảng Sơ Cấp, cán bộ ở bậc chuyên viên đều phải trải qua một khóa học ở Trường Đảng Trung Cấp và các chuyên viên cấp cao từ bậc 7 trở lên đều phải qua Trường Nguyễn ái Quốc Trung ương. Không có bằng tốt nghiệp về chính trị, về chủ nghĩa Mác-Lênin thì không thể thành cán bộ. Cán bộ nào được chọn đi học Trường Đảng là có thể bắt tay chúc nhau, mở liên hoan nâng cốc chúc mừng nhau, báo tin cho bố mẹ, vợ con để chia vui, với niềm tin rằng đã được đảng chấm, lựa chọn để đưa lên bậc cao hơn, trở thành “cán bộ nguồn”, có nghĩa là cán bộ trong danh sách riêng được coi là nguồn dự trữ để cất nhắc ngay trước mắt.

Cho nên muốn hiểu thấu đáo tình hình chính trị ở Việt nam không thể không xem xét việc truyền bá có hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin đã được thực hiện ra sao, để từ đó giải quyết nhận thức của một bộ phận cực lớn và cực kỳ quan trọng trong xã hội như thế nào trong tình hình mới, khi chủ nghĩa Mác-Lênin đã phơi bày tất cả mặt trái sai tâm và tệ hại của nó, khi cuối cùng nó không thể tìm nổi sức sống trong thực tế.

Có một cách đối xử với chủ nghĩa Mác rất thịnh hành trên không ít sách báo tiếng Việt ở hải ngoại. Đó là chửi bới, phỉ báng, vứt bỏ cả gói bằng tất cả chữ nghĩa thô tục nhất, và gọi Mác là thằng già có tội chửa hoang với người ở, đáng chặt đầu, đáng đào mả để băm vằm cho hả giận. Thật ra xác Các Mác đã được thiêu ở một vùng ngoại ô Luân Đôn. Cách làm cũng vậy, dù là có đốt hết sách vở của Mác cũng chẳng khó gì, nhưng không phải là cách giải quyết vấn đề tận gốc, có chính trị và văn hóa. Phần lớn những người ấy không hiểu gì về nội dung chủ nghĩa Mác. Họ chống theo cảm tính. Họ cũng đáng thương hơn là đáng chê.

Các Mác là nhà nghiên cứu, nhà triết học và tư tưởng, cũng là nhà chính trị. Ông nghiên cứu về xã hội rất sâu sắc. Sức làm việc của ông, sức nghĩ, sức viết thật lớn lao. Ông có thiện tâm, cố tìm ra con đường giải phóng giai cấp cần lao, xây dựng một xã hội không còn có bóc lột, của cải dồi dào. Tư Bản Luận của ông là công trình đồ sộ, mổ xẻ xã hội tư bản từ mọi phía, dựa trên vô vàn quan sát thực tế với cơ man nào là con số, tỷ lệ, thống kê, so sánh. Ông là một nhà bác học uyên thâm. Tôi nghĩ chính vì thế đến nay, người Đức, ở bất cứ trận tuyến chính trị nào, đều tự hào và đánh giá cao về ông, một người con lớn của nước Đức. Tháng 8-1992 tôi ghé qua Berlin, ở phía Đông Đức cũ, còn nguyên tượng đài Mác-Engels ở ngay trung tâm Alexander gần tháp vô tuyến độc đáo. Tượng Stalin bị phá từ hồi 1956, tượng Lênin bị kéo đổ đầu năm 1990, nhưng tượng Mác và Engels vẫn còn. Và ở Đức theo tôi tìm hiểu không có ai đòi phá đi những bức tượng ấy. Điều rất lạ đối với một số người, và không có gì là lạ đối với một số người khác, là ở bên Tây Berlin, có một đại lộ loại bự nhất mang tên Đại lộ Các Mác. Đó, ở một địa bàn chống cộng mạnh mẽ nhất, tên tuổi của Các Mác vẫn được giữ gìn trân trọng.

Ở Berlin cũng như ở Paris tôi nói chuyện với một số nhà báo, một số giáo sư đại học về Mác, về phép biện chứng duy vật và về sự mổ xẻ hàng hóa, sức lao động, tiền lương, lợi nhuận… của Các Mác để xác lập học thuyết về giá trị thặng dư. Tác phẩm của Mác vẫn là tài liệu nghiên cứu và tham khảo bắt buộc của sinh viên, nghiên cứu sinh môn kinh tế và kinh tế chính trị ở Đức cũng như ở Pháp, ở Anh, ở Hoa Kỳ…

Suốt 2 năm nay, tôi đã để công sức vào các thư viện đọc lại sách của Mác, sách của nhiều học giả phương Tây về chủ nghĩa Mác, và nhận thấy thiếu sót và sai lầm của Mác có thể ở 2 phần: một phần là sai lầm và thiếu sót của chính Mác, và phần nữa là sai lầm và thiếu sót của những người tự nhận là đồ đệ của Mác, những người Mác-xít ở khắp nơi, đã tiếp thu và đối xử với chủ nghĩa Mác thế nào.

Cái sai lầm lớn nhất của chính Mác có lẽ là ở phần duy vật lịch sử. Mác đã đơn giản hóa sự phát triển xã hội theo mô hình phát triển từ xã hội cộng sản nguyên thủy lên xã hội nô lệ, xã hội nông nô, rồi xã hội phong kiến, lên xã hội tư bản và sau đó là lên xã hội xã hội chủ nghĩa… Các chế độ trước chủ nghĩa xã hội xem ra là hợp lý vì quan sát, ghi nhận những điều đã trở thành hiện thực, đã có thật rồi. Mối quan hệ qua lại tác động lẫn nhau giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất là khá rõ ràng, có thể chứng minh được cho đến chủ nghĩa tư bản, chế độ mà Mác sống. Phần từ chủ nghĩa tư bản chuyển lên chủ nghĩa xã hội và nội dung của chủ nghĩa xã hội là có vấn đề. Sai lầm và thiếu sót của Mác khá rõ ở những vấn đề này.

Trong thực tế, tình hình các xã hội ngay từ khi Mác còn sống phức tạp hơn rất nhiều so với những mô hình xã hội của Mác. ít có xã hội nào thuần túy thuộc một phương thức sản xuất duy nhất. Có nơi tàn dư của chế độ nô lệ còn rớt lại trong một chế độ phong kiến, chung sống với một vài phương thức tư bản thời sơ khai, tất cả cài vào nhau, đan chéo với nhau. Chính Mác đã tỏ ra lúng túng, không rõ ràng khi nhận định về phương thức sản xuất Châu á. Các phương thức sản xuất ở châu Phi cũng phức tạp, rối rắm, đan lồng vào nhau, không thể tìm ra lời giải ở mô thức quá đơn giản của Mác.

Cái sai lầm nữa của Mác là đã đơn giản, chủ quan, nôn nóng nhận định về chủ nghĩa đế quốc, cho rằng chủ nghĩa đế quốc là sự phát triển tột đỉnh của chủ nghĩa tư bản, tới mức phát triển đó là chủ nghĩa tư bản đi xuống để bị diệt vong rồi! Lênin đã phát triển chủ ý này của Mác. Thật ra giai đoạn đế quốc chỉ thuộc giai đoạn đầu hoặc giai đoạn giữa của chủ nghĩa tư bản. Qua thời kỳ xâm chiếm và bóc lột thuộc địa, chủ nghĩa tư bản đã mở rộng, củng cố phương thức sản xuất của mình, tạo nên điều kiện để phát triển hơn nữa chủ nghĩa tư bản với mức độ tập trung và tích tụ tư bản lớn, ngay cả sau khi đã phi thực dân hóa, đã từ bỏ các thuộc địa. Điều này ở ngoài dự kiến của Mác. Thêm nữa, khi tư bản quốc tế phát triển thành đế quốc kinh tế kiểu thực dân mới nó vẫn tạo được đà phát triển.

Cái sai lớn nữa của Mác là đã đề cao một chiều bạo lực và chuyên chính vô sản, coi dùng bạo lực như là phương thức duy nhất để chuyển sang chế độ chính trì mới, từ đó coi nhẹ các hình thức đấu tranh khác. Trong cuốn Nội Chiến pháp, Mác đã nhiều lần nhận định: “Bạo lực là bà đỡ của cách mạng”. Lý luận về giai đoạn sau khi khởi nghĩa thành công, Mác đã coi nhẹ hẳn phần củng cố thắng lợi bằng xây dựng một chế độ dân chủ mới, một xã hội dân sự, bằng sự thức tỉnh của mỗi một công dân và từ đó của toàn thể công dân, trên cơ sở quyền công dân được xử dụng rộng rãi như một vũ khí đấu tranh có ý nghĩa quyết định. Điều này A. Gramsci đã nhận ra, phê phán và bổ xung.

Mác nhận thấy tính chất quốc tế hóa của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại cũng như xu thế quốc tế hóa của phong trào công nhân. Thế nhưng ông vẫn chủ quan và đơn giản, không thấy được sự phức tạp và khó khăn của phong trào công nhân bị xâu xé bởi quá nhiều xu hướng từ cải lương đến quá khích, cản trở việc làm cách mạng vô sản đồng thời ở các nước phát triển cao nhất, trong khi chủ nghĩa tư bản sớm thực hiện được xu thế liên minh, liên kết quốc tế khá là chặt chẽ. Cái khái niệm “giai cấp công nhân quốc tế” của ông cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Luận điểm về bần cùng hóa tuyệt đối giai cấp công nhân cũng là một luận điểm sai lầm do suy luận chủ quan có tính chất giáo điều. Mác không dự đoán được rằng khi sản xuất phát triển, với phát minh khoa học kỹ thuật mới, năng xuất xã hội lên khá cao, đời sống của công nhân vẫn có thể được cải thiện rõ, và qua đấu tranh hợp pháp họ có thể dành những quyền lợi đáng kể (giảm giờ lao động trong tuần: từ 82 giờ, 75 giờ một tuần xuống 48 giờ rồi 42 hoặc 39 giờ hiện nay; 1 tuần nghỉ 2 ngày, 1 năm nghỉ ăn lương từ 2 đến 3 tuần). Những phụ cấp thất nghiệp, phụ cấp mất việc, bảo hiểm sức khoẻ, người lao động đã đấu tranh để giành được là những thành tựu mà Mác không thể dự đoán nổi. Nó thật sự to lớn và chắc chắn còn lớn hơn nữa qua củng cố những quyền lợi của công dân, của lao động trong một xã hội dân sự. Những quyền lợi trên rất nhiều mặt, kể không hết, vì có quá nhiều quy định cụ thể, tỷ mỷ ấy, ở thời của Mác có mơ tưởng cũng không hình dung nổi. Mác cũng không nghĩ rằng đông đảo người lao động có thể trở thành những người tham gia bằng cổ phần, cổ phiếu vào vốn kinh doanh và thành một kiểu chủ nhân của công ty.

Những thiếu sót khác của chủ nghĩa Mác thì có nhiều. Bởi vì dù có bộ óc thông minh, suy luận và dự đoán tài giỏi, Mác vẫn bị hoàn cảnh lịch sử cụ thể chi phối. Không ai có thể là thầy bói, là nhà tiên tri dự đoán nổi sự phát triển của kinh tế và xã hội mấy chục năm sau một cách chính xác được. Các Mác sinh năm 1818 và mất năm 1883 khi 65 tuổi. Ông chỉ biết sức mạnh kỳ diệu của hơi nước, của điện. Ông không hề biết sức mạnh của nguyên tử, của khinh khí. Ông không hề biết về sự phát triển sau này của máy tính điện tử tốc độ vừa đến tốc độ cực lớn; ông không hề biết về vệ tinh nhân tạo, các con tàu vũ trụ, tên lửa vượt đại châu… mà ngày nay các em bé cũng biết và học sinh trung học đều hiểu về nguyên lý chế tạo và sử dụng. Nếu đột nhiên sống lại và tỉnh đậy, ông sẽ bàng hoàng nhìn chiếc máy vô tuyến truyền hình màu mà em bé 6 tuổi ngày nay cũng biết tắt và mở. Cho nên một sai lầm lớn nữa của chủ nghĩa Mác theo tôi lại là ở sự đối xử của người đời với chủ nghĩa Mác sau khi ông chết. Họ đề cao ông, thần thánh hóa ông, tâng bốc ông là nhà tiên tri dự kiến được rõ ràng tất cả chuyển biến của thế giới ngày nay. Chắc chắn rằng nếu ông sống cho đến nay thì ông đã bổ xung, sửa chữa chủ nghĩa Mác ở rất nhiều điểm rồi. Là nhà nghiên cứu khoa học, phái hiện và tuân theo phép biện chứng duy vật, coi mọi sự vật đều phát triển không ngừng với những đột biến về chất, chắc chắn những ý kiến, quan điểm, lập luận của ông cũng đã phát triển, thay đổi, rất có thể có những đột biến (phủ định của phủ định) khác hẳn với những nội dung ông để lại khi từ trần. Chắc chấn cái chủ nghĩa Mác của ông đã khác, sẽ khác rất nhiều với cái mà hiện nay người ta vẫn gọi là chủ nghĩa Mác… Ông mất đã 110 năm. Bao nhiêu là biến động? Dự đoán 10 năm sau đã khó. Dự đoán 100 năm sau chỉ là điều mạo hiểm, viển vông.