Đây có thể gọi là thủ thuật “đánh tráo lương tâm”. Lương tâm của nhà văn can đảm đấu tranh chống áp bức độc đoán được đổi bằng “lương tâm” khác: tha tội cho kẻ tàn ác đối với mình, xử sự có “lễ” đối với bộ máy đàn áp hà khắc, mà lương tâm vẫn cảm thấy yên ổn. Tôi nghĩ đến một trường hợp khác: tướng Trần Văn Trà. Thượng tướng Trà là một tướng có tài năng. Ông là con người gắn bó với chiến trường miền Nam, thường xuyên nhất, bền bỉ nhất, trong thời gian dài nhất. Từ khu trưởng khu 8 thời kháng chiến Pháp, ông là tư lệnh miền Nam rồi tư lệnh B2 (Nam Bộ) thời chống Mỹ. Tôi có dịp ở gần ông 60 ngày liền ở Sài gòn, trong trại Davis, sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc ấy ông là trung tướng Trưởng đoàn đại biểu quán sự của chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt nam, Trưởng đoàn đại biểu quân sự chính phủ Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa là thiếu tướng Lê Quang Hòa.
Hai ông trưởng đoàn khác hẳn nhau. Khác hoàn toàn, cứ như là trái ngược nhau về trình độ, tính tình, tác phong. Ông Hòa to lớn, ông Trà tầm thước. Ông Trà vui tính, xởi lởi, ông Hòa nghiêm nghị lạnh lùng. Ông Trà am hiểu chiến trường, nhiều kinh nghiệm, ông Hòa lần đầu vào phía Nam, vốn là cán bộ chính trị, chính ủy của quân khu 4. Ông Trà chăm đọc sách, xem báo, ưa nghe âm nhạc, thích dùng máy ảnh, máy ghi âm, hiểu biết nhiều loại kỹ thuật, vì vốn tốt nghiệp trường kỹ nghệ thực hành ở Huế. Ông Hòa ít đọc, ít nghe đài, văn hóa mới qua trường văn hóa Lạng Sơn học tắt, chưa đậu lớp 7, xuất thân từ nông dân. Ông Trà đọc được sách tiếng Pháp, hiểu sơ qua tiếng Anh, ham học. Ông Trà rất thông minh, đối đáp sắc sảo ở bàn hội nghị. Ông Hòa đối đáp khó khăn, thường phải do ông Lưu Văn Lợi, nhà ngoại giao ngồi cạnh, chuẩn bị cho các câu phát biểu. Tại các buổi chiêu đãi của các trưởng đoàn trong các câu lạc bộ không quân Huỳnh Hữu Bạc, ông Trà rất vui chuyện.
Đã thỏa thuận là không nói chuyện chính trị ở các buổi ăn tiệc ấy, nên ông Trà nói chuyện rất vui, linh hoạt. Chuyện phong tục, tập quán, chuyện món ăn, thể thao, chuyện ca hát, văn nghệ, cả đến chuyện vui, tiếu lầm gây cười. Ông Hòa thì giữ lặp trường rất “vững”, đến kỳ quặc. Hai buổi tiệc do hai Trưởng đoàn Mỹ và Sài Gòn khoản đãi, ông định không dự. Ông Trà thuyết phục mãi, ông mới chịu đi. Nhưng ông ngồi đó, không cầm đũa hay cầm dao, thìa, mắt nhìn thẳng, không chạm cốc, không nói một câu? Ông chỉ ăn trong bữa tiệc ông Trà khoản đãi. Còn phần ông, ông quyết đinh không mời ăn. Các trưởng phó đoàn ngày cuối còn đùa kháy ông rằng: một trưởng đoàn còn mắc nợ? Tất cả thành viên đoàn miền Bắc đều băn khoăn về thái độ cứng rắn đến kỳ quặc của một ông tướng đi làm ngoại giao! Họ quý trọng, cảm phục ông Trà bao nhiêu thì lại phàn nàn về ông Hòa bấy nhiêu.
Sau khi thống nhất đất nước, ông Trà cho ra cuốn hồi ký Kết Thúc 30 Nam Chiến Tranh, tập cuối của một loạt sách của ông viết về 30 năm chiến tranh. Ông bắt đầu từ tập cuối, rồi ngược dòng lịch sử viết các phần khác sau. Cuốn sách vừa ra được hai tuần thì ông Lê Đức Thọ triệu tập các cán bộ tuyên huấn, báo chí, xuất bản có mặt ở Sài Gòn để đưa ra nhận xét: đây là cuốn sách sai từ trang đầu đến trang cuối, viết không đúng sự thật. Tự đề cao mình. Tổng cục chính trị ra lệnh cấm lưu hành trong quân đội, thu hồi từ các thư viện trong toàn quân!
Nếu đọc kỹ hai cuốn hồi ký, Chiến thắng mùa Xuân của tướng Văn Tiên Dũng do Hồng Hà ghi và cuốn của ông Trà thì quả thật có nhiều chỗ khác nhau. Có những chỗ khác nhau do mỗi người ở một cương vị và vị trí khác nhau nên cách nhìn nhận khác nhau. Có chỗ khác nhau do mỗi người muốn nhấn nạnh những ý mà mình muốn tô đậm. Bình thường ra thì không nên cấm cuốn nào, mà nên tổ chức thảo luận lành mạnh, ngay thật nhằm đính chính những sai sót. Theo tôi nghĩ cuốn sách ông Trà bị cấm là vi cuốn sách ấy nói lên một số sự thật đúng như nó có, mà những người lãnh đạo cao nhất không muốn công nhận! Nếu nhận định một cách khách quan thì công lao trong chiến thắng mùa xuân 1975 phần lớn thuộc về Bộ tư lệnh miền Nam, và phần thuộc về ông Trà có vẻ nhỉnh hơn hẳn một số nhân vật khác. Chính ông và Bộ tư lệnh miền đã sớm chuẩn bị và mở cuộc tiến công vào Phước Long cuối tháng 12-1974, một cuộc tiến công có nhiều khó khăn nhưng bảo đảm thắng lợi. Qua trận này đã có thể tham dò khả năng phản ứng của chính phủ Ford một cách chuẩn xác cho cả thời gian sau. Mặc dầu có ý kiến ngăn ông không cần ra Hà nội, ông đã cảm thấy nhất thiết phải có mặt ở đại bản doanh để góp ý kiến vào kế hoạch cụ thể của chiến dịch mở ra ở Tây Nguyên, trong đó xác định hướng tiến công chủ yếu vào Ban Mê Thuộc là rất hệ trọng. Giữa bộ tổng tham mưu và các bộ tư lệnh chiến trường và quân khu thường có những điểm khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn nhau. Đó là mâu thuẫn giữa bộ phận và toàn cục, giữa trung ương và địa phương. Nam bộ lại ở xa, Bộ tổng tham mưu ở Hà nội không thể hiểu hết được mình hình cụ thể của chiến trường, những khó khăn, yêu cầu của nó cũng như những khả năng và tiềm lực của nó. Sự bén nhạy với những thay đổi, những chuyển biến của ta và của địch cũng khác nhau. Hơn nữa trong hệ thống lãnh đạo và chỉ huy, không phải không có những trục trặc. Đại tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng Võ Nguyên Giáp không có toàn quyền chỉ huy. Bộ chính trị được coi là cơ quan tối cao lãnh đạo chiến tranh. Tổng bí thư có tiếng nói quyết định vì kiêm Bí thư quân ủy trung ương. ủy viên Bộ chính trị Lê Đức Thọ từ đầu những năm 70 lại tham gia quân ủy trung ương và thường ứng cử ở đại hội đảng toàn quân. Ông thường tự coi là nhân vật quan trọng thứ hai sau Tổng bí thư khi quyết định những vấn đề quân sự. Tướng Trà rất hiểu mọi ngóc ngách của việc hình thành những quyết định quân sự trong đảng, trong bộ máy quốc phòng, trong hệ thống lãnh đạo và chỉ huy. Ông đã quyết định phải có mặt ở Hà nội, tiếp cận rất quả đoán Tổng bí thư đảng, ủy viên Bộ chính trị Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, xông vào cặn cơ quan Bộ tổng tham mưu, các cục tác chiến, cục quân báo, cục thông tin liên lạc, rồi tổng cục hậu cần, tổng cục kỹ thuật để làm cho ý kiến của mình được chấp nhận, tranh thủ được sự chi viện đủ và kịp thời của bộ. Ông có những cách nhìn, cách nghĩ khác với tướng Lê Ngọc Hiền, Tổng tham mưu phó đặc trách về kế hoạch tác chiến. Ông từng tầm sự với tôi, nếu ông Phạm Hùng Bí thư đảng bộ miền Nam và bản thân ông không quyết chí ra Hà nội để tham gia những cuộc thảo luận về Đông Xuân 1974- 1975 thì có thể tình hình không chuyển biến nhanh chóng, suôn sẻ như đã xảy ra. Trên hiểu dưới, dưới làm cho trên hiểu tình hình và góp ý kiến với trên, sự thông suốt trên dưới có ý nghĩa quyết địnl ở Bộ tham mưu, không thiếu gì những ông quan liêu (tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng đến đầu năm 1975 mới đặt chân đến miền Nam). Họ chỉ nắm tình hình chiến trường trên giấy, trong tưởng tượng, họ sống ở Hà nội, trong khung cảnh hòa bình, không sao có sự bức xúc của những người sống ở chiến trường ác liệt, lối nghĩ, lối sống, tinh cảm, lề lối làm việc rất khác nhau. Chỉ một việc làm vô trách nhiệm, tắc trách, đại khái, không nhiệt tình với chiến trường là gây ra biết bao tai hại, thậm chí dẫn đến thất bại và những hy sinh xương máu của chiến sĩ không đáng có.
Từng theo dõi tình hình các chiến trường, từng dự tổng kết các chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch xuân 1975, tôi có nhận thức rất sâu sắc rằng đã có lãnh đạo tập thể, đã có sự trùng hợp ý kiến trong đề xuất về kế hoạch của chiến dịch của nhiều người, nhưng giữa các vị tướng lĩnh thì ông Trà nổi lên là người có công lớn, có đóng góp nổi bật nhất. Ông là người bắt mạch được chuyển biến của tình hình. sớm và sâu sắc nhất, cũng là người gỡ được những vướng mắc và trở ngại có thể có, làm cho toàn chiến địch được thuận lợi. Tôi từng khuyến khích ông viết hồi ký, từng gửi cho ông những hồi ký của các nguyên soái và tướng lãnh Liên xô, về chiến tranh thế giới thứ hai để ông tham khảo. Tôi cũng nhận thấy sự ngăn cấm lưu hành cuốn sách của ông là vô lý, bất công. Thế nhưng cơ chế này không chấp nhận bất cứ ai có một cái nhìn riêng, có sự đánh giá cụ thể hơi khác với sự đánh giá của cơ chế.
Cơ chế vẫn là cỗ máy nghiền tai hại…
Hồi 1988, 1989 tướng Trà với nhận thức sắc sảo của mình đã tham gia Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ một cách tích cực. Trước đó, 1979 ông ra Hà nội nhận nhiệm vụ Phó tổng tham mưu trưởng, rồi Thứ trưởng quốc phòng, đặc trách về trang bị và công nghiệp quốc phòng, ông cảm thấy cơ chế quá cứng nhắc để có thể phát huy khả năng, nên lui về Sài gòn viết hồi ký và suy nghĩ. Ông đã có những phát biểu rất đáng chú ý ở một số phiên họp của Câu lạc bộ này, công khai đề xuất yêu cầu dân chủ hóa, lên án tệ quan liêu, nạn tham nhũng, vô trách nhiệm.
Lập tức ông Nguyễn Văn Linh và ông Võ Chí Công đến gặp ông. Khi ấy ông Linh là Tổng bí thư, ông Võ Chí Công là Chủ tịch Hội đồng nhà nước. Ông Công lại còn là thông gia với ông Trà; con trai ông Công lấy con gái ông Trà. Ông Linh và ông Công ra sức thuyết phục ông Trà là lúc này đang đang khó khăn, không nên để cho kẻ xấu như các ông Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng lôi kéo vào hoạt động mang tính chất chống đảng, gây khó khăn thêm cho đảng… Thế là ông trở về với cơ chế. Ông lại còn dùng uy tín của mình để thuyết phục những người khác vì thương đảng, vì có lương tâm với đảng, mà gác lại những yêu cầu về dân chủ, dân chủ trong đảng cũng như dân chủ trong xã hội. Thương dân hay thương đảng?
Cứu dân hay cứu đảng? Khi phải lựa chọn bên nào nặng hơn thì lương tâm thật của ông có lúc nặng về người dân lầm thảm cơ cực, không có tự do, nhưng lương tâm ấy đã bị người ta đánh tráo một cách khéo léo để trở thành sự thủ tiêu đấu tranh; một sự an phận đồng lõa với sai lầm, bảo thủ và giáo điều, nhưng vẫn được ve vuốt, an ủi dưới nhãn hiệu: trung thành với chủ nghĩa xã hội, bảo vệ đảng, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh…
Tôi vẫn tin rằng một con người can trường, nhiều lúc sáng suốt quả đoán, có tư duy độc lập như thượng tướng Trần Văn Trà vẫn còn có khả năng nổi lên như một người đấu tranh cho lẽ phải và tiến bộ của đất nước, chống lại những thế lực độc đoán, bảo thủ đến mức cổ hủ lệ hại.
Một người như tướng Trà màcòn bị bịt mồm! Họ tìm mọi cách để bóp nghẹt mỏi tiếng gào thét đòi tự do một chút, đòi dân chủ một chút. Cứ như một em bé uất ức khóc nức nở nhưng bị người mẹ hung dữ bịt chặt lấy mồm! Và tiếng gào thét của em không sao cất thành tiếng. Một phản ứng tự nhiên, một đòi hỏi bình thường dể hiểu vẫn bị khước từ ở nước ta. Chúng ta vẫn còn như bắt phải sống ở một hành tinh khác, với những lối nghĩ cách sống hoàn toàn khác lạ…