Từ quả bom ở Moscou

Nay hồi nhớ lại cả một thời kỳ “sôi nổi” trong trì trệ và u mê ấy, có thể thấy rõ hơn sự ràng buộc của những sự kiện. Việc phát hiện ra sai lầm cải cách ruộng đất quá chậm trễ, sang đến đợt 5, chỉ còn lại vài vùng rừng núi thưa dân. Người viết lại lịch sử sau này cần nhớ lại một điều: năm 1956 (tháng 2), Đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Liên xô có tác dụng chấn động lớn như một quả bom. Stalin chết năm 1953. Vậy mà chỉ 3 năm sau, “nhà lãnh đạo thiên tài của Đảng cộng sản Liên xô và của toàn phe xã hội chủ nghĩa cũng như cả loài người tiến bộ” ấy bị chỉ mặt vạch tên là kẻ giết người hàng loạt, kẻ tội phạm hai tay đầm máu người lương thiện, nhà độc tài đỏ…

Những gì Đại hội 20 được biết đã vượt rất xa những sự lên án lâu nay của phương Tây, vẫn được coi là trò vu cáo rẻ tiền của chủ nghĩa đế quốc. Hình ảnh Đại Nguyên Soái Stalin vĩ đại, uy nghi lẫm liệt trong biết bao gia đình Việt nam, như co rúm lại! (Nhưng xin nhớ là hình Stalin lồng trong khung kính ở phòng họp lớn Ban Chạp hành Trung ương đảng, ở Mặt Trận Tổ Quốc, ở các cơ quan công cộng vẫn còn nguyên cho đến 1964, 1965… vì “đảng ta” vẫn giữ lập trường vững vàng: công lao Stalin là chính, thiếu sót chỉ là thứ yếu?) Chính cơn động đất về tư thế phẩm chất của lãnh tụ thế giới Stalin đã làm rung rinh bức tượng lớn còn sống Mao Trạch Đông. Mao tuy có đố kỵ với Stalin nhưng cũng lại là người ca tụng Stalin hết cỡ, coi là “người thầy của cách mạng phương Đông, của các dân tộc bị áp bức”.

Bệnh sùng bái cá nhân lãnh tụ được đưa ra mổ xẻ trong tất cả các đảng cộng sản. Bài học của Liên xô nhắn nhủ với các nước đàn em khác, hãy coi chừng, tệ sùng bái cá nhân là tai hại, tội lỗi đến nhường nào! Mà Mao lại là người đang được sùng bái nhất ở phương Đông. Tượng Mao ở khắp Trung Quốc. Tác phẩm Mao tràn ngập, ảnh Mao được in với số lượng lớn nhất thế giới, cổ kim, đông tây…

Chính thời tiết chính trị ấy đã đóng vai trò khá là quyết định đến việc Đảng cộng sản Việt nam “dũng cảm” công nhận sai lầm. Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt nam luôn trì trệ, bảo thủ, đi sau người khác, thường lạc hậu vài năm đến vài chục năm so với thế giới. Điều này luôn được “tô vẽ, thành ra đức tính “vững vàng” và “khiêm tốn”? Lạc hậu một cách khiêm tốn! Quả bom của Đại hội 20 đã rung động tới Châu á và buộc Đảng cộng sản Việt nam phải công nhận sai lầm của mình và phải sửa sai. Nếu không có quả bom về Stalin thì rất có thể sai lầm cải cách ruộng đất đã bị ỉm đi, hoặc giải quyết theo một cách khác, theo kiểu Stalin, tìm ra “những tên tội phạm mới, kẻ thù của nhân dân” để trừng trị, trút lên đầu họ tất cả tội lỗi và sự cảm thù của nhân dân. “Kẻ thù luôn ở quanh ta. Càng đấu tranh thì kẻ thù xuất hiện càng nhiều.” Staline vĩ đại từng dạy thế.

Một điều khá lý thú khác là nghiên cứu thái độ của những người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt nam đối với cải cách ruộng đất. Công bằng mà nói, ông Hồ Chí Minh chẳng mặn mà gì đối với cải cách ruộng đất. Ông có cách nghĩ riêng. Vốn có nhiều kinh nghiệm hơn, hiểu biết rộng hơn các người khác trong cơ quan lãnh đạo nên ông thường chủ trương “lạt mềm buộc chặt”. Ông là con người của những sách lược mềm dẻo, mềm đến độ không ngờ. Để cho quân Pháp vào Miền Bắc Việt nam qua Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3 nam 1946; mời ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam tham gia chính quyền; xã giao lịch thiệp với các tướng Tàu Lư Hán, Long Vân… Cho đến cả ý đồ ngay sau Cách mạng tháng 8 giữ ông Bảo Đại lại làm Quốc Trưởng, ông Hồ Chí Minh làm Thủ Tướng (ý đồ này bị hỏng vì ông Trần Huy Liệu cùng ông Nguyễn Lượng Bằng trót nhảy vội vào Huế tước ấn kiếm của Bảo Đại mà không xin ý kiến ông Hồ đang còn trên Việt Bắc những ngày cuối tháng 8 ấy)… đều là những chủ trương cực mềm nhằm buộc chặt. Ông nhìn xa hơn, sâu hơn, rộng hơn những người quanh ông. Ông thâm hơn.

Vê cải cách ruộng đất ông cho rộng chưa, cần phải tập trung cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã. Cùng lắm là làm giảm tô, giảm tức thôi. Làm êm ả, nhẹ nhàng mà vẫn đạt mục đích là tranh thủ được nông dân nghèo khổ. Ông cũng nghĩ rằng tình hình xã hội Việt Nam khác Liên xô Trung Quốc. Ông từng biết cung cách của Cải cách thổ địa ở vùng Thiểm Cam Ninh, Diên An bên Trung Quốc hồi trước. Ở Việt nam, ít địa chủ lớn, nhiều địa chủ kháng chiến. Đã có lần ông thổ lộ với một số nhân sĩ: tôi nghĩ rằng khi kháng chiến thắng lợi, trong không khí vui mừng của cả nước thì địa chủ Việt nam sẽ vui lòng hiến ruộng. Chính phủ sẽ chia và cấp lại ruộng. Khôn khéo nhẹ nhàng mà đạt mục đích, lạt mềm mà buộc chặt! Khôn thế?

Thế nhưng ông Hồ không có toàn quyền quyết định. Có một thế lực cao hơn ông! Ông Mao, sau khi Cách Mạng Trung Hoa thành công, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập ngày 1-1-1949, trở thành lãnh tụ chính thức của nhà nước to lớn nhất thế giới và Châu á, thì nghiễm nhiên là lãnh tụ của phong trào cộng sản á Châu. Đầu năm 1950, chính phủ Trung Quốc công nhận nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa. Đại sứ La Quý Ba trình quốc thư ở một địa điểm trên Việt Bắc. Cố vấn, chuyên gia Trung quốc ồ ạt nhập Việt, ông Mao nắm được tình hình. Ông liền khuyên dụ ông Hồ phải tiến hành Cải cách ruộng đất. Bởi vì trong thế giới cộng sản, quan hệ anh em là quan hệ chỉ huy, lãnh đạo. Lời khuyên, gợi ý bao giờ cũng dược hiểu ngầm là lệnh, mệnh lệnh. Ông Hồ cố trì hoãn, lần lữa việc này, và chỉ thị cho bộ máy tuyên truyền hồi ấy nêu bật thành tích của giảm tô cho cụ Mao yên lòng. Ông nghĩ vậy.