Những nỗi lo

Ở một xã hội thiếu dân chủ hoặc không có dân chủ, người dân bình thường, muốn được sống bình thường, thường lo sợ đủ thứ. Trước hết là lo. Từ lo mà phải sợ. Trước kia, ở miền Bắc là như thế. Lo cho bản thân mình và gia đình mình yên ổn. Lo để lý lịch mình luôn trong sạch, lý lịch cả nhà mình trong sạch. Lo để các giấy tờ hợp lệ, để hàng năm được cấp phiếu bình thường. Lo để con cái đi học thuận lợi, không bị trục trặc nửa chừng, được học lên đại học, thi đỗ được nhà nước tuyển dụng. Lo cho con được vào Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, rồi động viên nó phấn đấu vào đảng. Cao hơn một chút, lo cho con thi đại học có điểm cao theo qui định hàng năm, để được tuyển đi học nước ngoài ở Liên xô, Trung Quốc hay một nước “anh em”. Cái lo của ai cũng gần giống như nhau, trong một xã hội mặc “đồng phục”. Lo được lên lương, lên cấp đều đều, vì có lên lương lên cấp mới được cấp nhà có phòng rộng hơn một chút, mới được cấp phiếu lương thực, thực phẩm và hàng bách hóa loại cao hơn. Từ nhân viên lên cán sự, từ cán sự lên chuyên viên trung cấp, rồi lên chuyên viên cao cấp là cả một cuộc hành trình không giản đơn.

Hầu như ai cũng là công nhân viên nhà nước, nên cái lo của mỗi người, mỗi gia đình thật giống nhau. Hàng năm lo cho bản thân và vợ con hoặc chồng con, nếu là nhân viên, cán bộ nhà nước, nếu được bình hầu “lao động tiên tiến. Hầu như ai cũng là “lao động tiên tiến”, chỉ trừ bị một lỗi gì nặng, mất “lao động tiên tiến” là bị một kỷ luật rất nặng. Chao ơi là một thời, mỗi con người có những mối lo nhỏ nhoi mà được coi là hệ trọng, mòn mỏi lo âu, mỏi mòn phấn đấu trong những mảnh đời chật hẹp, trong khung cảnh của một chế độ được coi là ưu việt, tự nhận là ưu việt, hơn người. Do không có luật pháp trong nếp sống xã hội, nên con người phải lo ứng xử theo một kiểu cách khác thường: lo làm vừa lòng nhà chức trách. Mà nhà chức trách thì quá nhiều? Phải lo vừa lòng ông bà Thủ trưởng trước hết. Thế nhưng ở một cơ quán, xí nghiệp, đâu chỉ có ông Thủ trưởng cùng với 2,3 đến 4,5 ông bà thủ phó. Còn có bộ tứ. Bộ tứ không phải là bộ bài tứ sắc, như một anh bạn ở miền Nam ra hồi 1976, 1977 hỏi lại tôi khi tôi kể cho anh nghe. Bộ tứ là bốn vị cai quản một đơn vị cơ sở thường gồm có: Thủ trưởng, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch..hay Phụ trách. Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản. Có nơi mở rộng thêm thành bộ 5, thêm bà phụ trách nữ công, nếu ở đó có nhiều phụ nữ; thành bộ 6, thêm trưởng ban thi đua, hoặc trên trưởng ban kiểm tra hay thanh tra, tùy theo tình hình.

Người biết lo toan nghĩa là biết sống yên ổn với tất cả các vị chức sắc trên; cao hơn, khôn hơn là biết sống đẹp với tất cả các vị đó; khôn hơn nữa là tìm kiếm một thế lực, một chỗ dựa, một người đỡ đầu cho mình trong số các quan chức ấy.

Trong một năm, có những sự kiện được coi là quan trọng nhất. Cả đơn vị cơ quan bàn tán xôn xao, thăm dò, điều tra, truyền tin, vui mừng, thất vọng, chia vui, chia buồn… theo những sự kiện ấy. Đó là các dịp kết nạp vào đảng, kết nạp vào đoàn (thường là nhân dịp những kỷ niệm lớn). Ai được xét chọn là đối tượng, ai bị gác ở lại? Đó là dịp xét khen thưởng, cất nhắc và đề bạt thường vào cuối năm. Đó là dịp bình bầu, xét khen thưởng thi đua tháng 5 và tháng 11, dịp giữa và cuối năm để xem ai là lao động ưu tú, ai là lao động xuất sắc là lao động tiên tiến? Cũng là dịp xét lên bậc, lên cấp lên chức, lên lương. Rồi những phiên họp cấp nhà ở, cấp phòng rộng hay hẹp, tầng cao hay thấp, ở nơi gần hay xa, nhà mới hay nhà cũ, bổ xung thêm diện tích bao nhiêu. Cả gia đình được 16 mét vuông hay 20 mét vuông, hay được 26 mét vuông?

Tất cả những chuyện mà ngay này có người cho là tủn mủn, chàng đâu vào đâu, vớ vẩn, vô duyên ấy, cả một thời đã gây biết bao sóng gió trong lòng người. Do ganh tỵ, suy bì, do kèn cựa nhau mà dèm pha, bịt đặt, vu khống, tung tin thất thiệt cho nhau, để đến mức cãi vã, hay giận hờn nhau kéo dài. Và biết bao nhiêu là oan ức, do oan mà ức, mà uất hận.

Những người ngay thẳng, không xu nịnh thì thiệt thòi, những kẻ cơ hội thì được chiếu cố. Và những kẻ cơ hội thường không thiếu. Sáng mồng một tết họ đã có mặt sớm ở nhà Thủ trưởng, cùng vợ con đông đủ mang theo bó hoa thật đẹp, gói quà có giá, đến trình diện và chúc tụng. Từ dưới lên trên. Cho đến ủy viên Bộ chính trị, các Trưởng ban của Trung ương. Dưới có kẻ cơ hội ở dưới, trên có kẻ cơ hội ở trên. Đó là những đệ tử trung thành, để “anh không quên đến em” trong các cuộc họp liên quan đến nguyện vọng của chúng em… Và những lời chúc tết. Không ai chúc nhau: nhất bản vạn lợi thời xưa, kiểu tư sản bóc lột! Không ai chúc nhau giàu sang, phú quý, cũng là của phong kiến cổ hủ. Chúc sức khỏe. Chúc nhau được vào đảng, con cháu được vào đoàn, được đi học nước ngoài, được lên lương, lên chức, được cấp nhà, đổi nhà rộng hơn dám bảy mét vuông. Cả một thời, cuộc đời vươn lên, ước mơ chỉ có thế! Dạo ấy người ta ít lo về tài năng, lại rất lo về chính trị.

Vì lý lịch được bổ xung luôn, nửa năm một lần. Nhận xét đều ghi lòng lý lịch. Những vấn đề “liên quan” là phức tạp nhất, đáng lo nhất. Có “liên quan” đến địa chủ, tư sản? Hoặc: thuộc gia đình bóc lột”, là thành vấn đề. Vợ hoặc chồng thuộc thành phần bóc lột cũng thành vấn đề liên quan hệ trọng. Có anh, chị, em ở miền Nam cũng thành vấn đề phải khai báo, họ làm gì? Hiện có quan hệ gì không? Nếu là công chức, sĩ quan ở miền Nam thì lại càng thêm gay gắt. Bà con, anh chị em ở nước ngoài cũng vậy. Nếu là ở một nước “đế quốc, thì phiền to. Một gạch chéo, một dấu hỏi, thế là ở vào một thế kẹt cứng. Tất cả mọi chuyện sẽ bị chân lại hết, từ vào đoàn, vào đảng, lên đại học, đi học nước ngoài, hoặc lên lương, lên cấp, lên chức cũng vì vậy mà… để xem đã.