Đảng vĩ đại ngay cả trong sai lầm?

Chủ nghĩa Mác-Lênin trong chương trình giáo dục của các đảng cộng sản có một bộ phận quan trọng nói về Đảng cộng sản. Đó là phần lý luận về nguồn gốc của Đảng cộng sản, bản chất giai cấp của Đảng cộng sản, vai trò lịch sử của đảng, phương thức và kinh nghiệm xây dựng Đảng cộng sản. Tất cả tạo nên cả một học thuyết về xây dựng đảng. Ở Trường đảng Nguyễn Ái Quốc trung ương ở Hà nội có một đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, chuyên lên lớp về học thuyết xây đảng. Trong lớp học dài hạn hai năm, họ để ra hơn 4 tháng để chỉ học về xây dựng đảng, cuối chương trình có thi kiểm tra cho điểm.

Cho đến nay, dù cho nhiều đảng cộng sản đã tan vỡ, phơi bày cả sự lừa dối, tệ giáo điều về học thuyết xây dựng đảng, những giảng viên ấy cũng vẫn giữ nguyên giáo trình cũ, với những lập luận vòng vo, loanh quanh nhằm bảo vệ những luận điểm sai lầm, dối trá về Đảng. Họ cố truyền bá những điểm cơ bản: sự xuất hiện của đảng cộng sản là hiện tượng quan trọng nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước; tất cả các đảng chính trị khác đều sai lầm, thoái hóa, thất bại vì theo đường lối cải lương, đầu hàng, chỉ có đảng cộng sản là cách mạng nhất, sáng suốt và đúng đắn duy nhất nên thắng lợi; đảng cộng sản là đồng nghĩa với lẽ phải, chân lý, lương tâm và trí tuệ của thời đại; để bảo đảm thắng lợi cho cách mạng và tổ quốc, sự lãnh đạo của đảng cộng sản là thường xuyên, toàn diện, tuyệt đối và duy nhất. Điều này có nghĩa là đảng phải có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, giữ độc quyền lãnh đạo, không chia sẻ với bất cứ ai.

Đảng mang tính tiền phong của giai cấp và dân tộc, bao gồm những người hăng hái, tiến bộ nhất, có nghĩa là người đảng viên là tốt hơn, có ý chí và tài năng lớn hơn người ngoài đảng. Đảng viên phải vừa hồng vừa chuyên, có nghĩa là vừa có đạo đức tư tưởng và tinh thần cao, lại vừa giỏi về chuyên môn, là mẫu mực trong xã hội. Ở Paris, nhiều anh bạn hỏi tôi: Sau khi phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất, trong xã hội nổi lên oán hận, vậy uy tín của đảng giảm sút thế nào? Quan hệ với Trung Quốc ra sao? Nhân dân có căm giận Trung Quốc không? Chính điều này đã làm tôi để tâm quan sát rất nhiều. Tôi cố nhớ lại để dựng lại trong tưởng tượng tình hình thật hồi ấy. Rất tiếc chưa ai viết phóng sự hay tiểu thuyết về phong trào sửa sai, cuộc vận động sửa sai, diễn ra trong hai nam 1956 và 1957. Vì sao sai lầm nghiêm trọng đến thế, tổn thất về nhân mạng và tài sản lớn đến vậy mà đảng vẫn cứ điềm nhiêm giữ được quyền lãnh đạo, xã hội không hề bị xáo trộn? Cần nhớ rằng khi phát hiện ra sai lầm của cải cách ruộng đất thì cuộc cải cách ấy chưa mở rộng ra toàn bộ địa bàn miền Bắc. Sau đợt thí điểm, làm 4 đợt thì sang giữa đợt thứ 5 phát hiện ra sai lầm. Lệnh ngừng lại, rồi rút các đợt phát động về. Nhiều nơi làm dở dang.

Cần thấy rõ rằng, nếu ngay từ đợt thí điểm ở Thái Nguyên người lãnh đạo Việt nam sớm thấy rằng tình hình Trung Quốc và tình hình Việt nam khác xa nhau, cần vận dụng thận trọng những kinh nghiệm của Trung Quốc, làm chủ công việc của mình không để cho cố vấn Trung Quốc lộng hành, thì tình hình đã khác và tránh được biết bao tổn thất về sinh mạng! Mặt khác nếu sang đợt 5 mà không phát hiện sai lầm, ra lệnh dừng lại để sửa sai, cứ thế làm tới thì tình hình còn bi đát, kinh khủng đến mức nào!

Khi bắt đầu sửa sai, người ta đem các bài giảng của cố vấn Trung Quốc ra đọc lại, nghiên cứu lại thì thấy rõ các điểm sau:

  1. Các bài giảng của “các đồng chí phái viên đặc biệt về cải cách thổ địa của Mao chủ tịch” đều khẳng định ở Trung Quốc, Quốc Dân Đảng là đảng vốn có thế lực cực lớn ở Hoa Nam, bắt rễ khá sâu trong xã hội Trung Quốc. Ở phần lớn địa bàn, lực lượng ấy vượt xa, áp đảo lớn những cơ sở của đảng cộng sản đang còn quá yếu. Có rất nhiều khu vực trắng, chỉ có chính quyền và cơ sở đảng của Quốc Dân Đảng mà không có ai biết về đảng cộng sản. Số người của Quốc Dân Đảng bỏ chạy sang Đài Loan hoặc ra nước ngoài rất ít so với số dân khổng lồ. Có một số người chỉ trốn chạy loanh quanh, tạm lánh rồi trở lại quê hương. Cho nên cải cách ruộng đất là biện pháp cơ bản để phát hiện rồi triệt hạ hết mọi tổ chức Quốc Dân Đảng và vô vàn tổ chức thanh niên, phụ nữ, xã hội, tôn giáo, từ thiện, thể thao, nghệ thuật có dính đến Quốc Dân Đảng, một đảng cầm quyền suốt một thời gian dài… Ruộng đất ở Trung Quốc cũng ở mức tập trung cao, có địa chủ lớn hàng vài ngàn héc ta, chiếm tỷ lệ khá cao trong các hộ nông thôn. Ở miền Bắc nước ta, số địa chủ có nhiều ruộng đất là rất hiếm, có người 10 héc ta, 6 héc ta, thậm chí 3 héc ta, hai héc ta cũng bị quy là địa chủ! Bằng con mắt Trung Quốc, các cố vấn Tàu nhìn xã hội Việt nam, có định kiến trước: Tất cả tổ chức của đảng cộng sản ở những vùng mới giải phóng (vùng tạm chiến cũ) ở Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Đông, Sơn Tây… đều do địch dựng lên, hoặc là Quốc Dân Đảng, hoặc là do Phòng Nhì Pháp cấy lại, giăng bẫy… Họ trông gà hóa cuốc, đâu cũng là địch cả.
  2. Về chỉnh đốn tổ chức, những bài giảng của các cố vấn chóp bu như “đồng chí Triết”, “đồng chí Triệu, “đồng chí Vương”… đều nhấn mạnh đến tình hình ở Trung Quốc là tay chân của Quốc Dân Đảng hoặc liên quan đến Quốc Dân Đảng thâm nhập rất sâu, leo lên rất cao, cần cảnh giác phát hiện và nếu cần, giải thể hết bộ máy cu, tạo nên bộ máy hoàn toàn mới, gồm những trung kiên, cốt cán, phát hiện và được rèn luyện trong cuộc đấu tranh “long trời lở đất” này. Họ nhìn bộ máy đảng, chính quyền, chuyên môn ở Việt nam bằng con mắt đầy định kiến ấy!

Sẵn ý thức tự ty, sùng bái Trung Quốc, sùng bái Mao Trạch Đông (Điều Lệ Đảng đã ghi rõ từ tháng 12-1951 là nền tảng chính trị của Đảng cộng sản Việt nam là tư tưởng Mao Trạch Đông) nên không một ai dám nghi ngờ những kinh nghiệm, lời chỉ giáo vàng ngọc của các thầy đồ Tàu hiện đại cả! Cả một thời mụ mẫm. Tôi đã viết trong Hoa Xuyên Tuyết rằng người ta đã đổ một lọ mực tàu đen ngòm lên trang giấy trắng tinh mà ngỡ rằng đó là ánh sáng chói chang của chân lý! Thời kỳ ấy quả là như vậy. Tội này của ai? Lại một câu trả lời không bình thường. Chỉ người trong cuộc mới hiểu nổi khi cố nhớ lại tất cả. Các bạn ở Pháp, ở Hoa Kỳ, Canada hiện nay, và ở miền Nam hồi trước không thể nào hình dung nổi.

Tội, trách nhiệm của phía Trung Quốc? Lẽ ra phải là như thế. Nhưng không, hãy dở lại những bài giảng của các “đồng chí Triết”, “đồng chí Triệu, “đồng chí Vương”… Mở đầu và kết luận bao giờ cũng là những câu rất sáo, rất công thức, rất nhún nhường: tôi kinh nghiệm không có nhiều, trình độ rất có hạn, xin mạo muội giới thiệu để tùy các đồng chí sử dụng…” Rồi: “Tôi không hiểu tình hình Việt nam, xin trình bày để các đồng chí tham khảo, may ra có ích một phần nhỏ.” Ôi! Cái trịch thượng, kẻ cả, hống hách kiêu ngạo rất là Tàu, coi dân phía Nam là man di, mọi rợ, lại lồng trong một cái vỏ ngôn ngữ cực kỳ sáo rỗng, tỏ vẻ nhún nhường và khiêm tốn đến cùng cực. Ai từng hiểu các quan Tàu mà không thấy ra điều ấy. Cứ nói nhũn như con chi chi, nhưng đối với mỗi trường hợp cụ thể thì họ ra lịnh, cưỡng ép, dứt khoát không để người ta cụ cựa.

Cho nên nghị quyết sửa sai của Trung ương tránh né, không đụng đến chân lông đoàn cố vấn Tàu, phái viên kiệt xuất của Mao chủ tịch, mặc dầu tất cả cái sai là khởi đầu từ đó. Nghị quyết khẳng định rằng, sai lầm “là do ta”, do bệnh không xuất phát từ thực tế, giáo điều, tả khuynh. Việc rút ra bài học kinh nghiệm do đó không nghiêm chỉnh, chân thật! Uy tín của đảng qua sai lầm cải cách ruộng đất có bị sứt mẻ, giảm sút không? Tôi nhớ lại và thật khó trả lời cho đúng.

Xin kể lại cả thời ấy. Sau nghị quyết sửa sai, lại thành lập những đoàn cán bộ sửa sai, công bố cả một loạt tài liệu quy đinh các bước sửa sai, phát hành rộng rãi những văn kiện có lính pháp luật về sửa sai. Lại một lô tài liệu chồng chất về sửa sai. Cuộc sửa sai được tiến hành ráo riết, mỗi nơi là chừng 4 tháng, có nơi hơn 6 tháng. Các bước sửa sai đi cùng với cung cố tổ chức đảng và chính quyền ở cơ sở. Những người bị giam giữ oan ức được trả lại tự do, sau những buổi học thanh minh và xin lỗi theo nội dung: đảng không cố tình mà vô tình làm sai, do không kiểm tra cấp dưới; đảng rất đau xót nhận sai lầm; đảng xin lỗi mỗi đồng chí, đồng bào và khôi phục danh dự và quyền lợi của các đồng chí, đồng bào. Trong cơn khó khăn này, đảng mong mỗi đồng chí sát cánh cùng đảng sửa sai đến nơi đến chốn, mà đóng góp lớn nhất của đồng chí là thông cảm với đảng, cùng đảng sửa sai và ổn định tình hình, không gây thêm bất kỳ khó khăn nào cho đảng. Êm tai. Ngọt ngào.

Số đảng viên ốm yếu được bồi dưỡng, tấm bổ trước khi trở về nhà. Những người mắc bệnh được giới thiệu đi bệnh viện với sự chăm sóc và thuốc men khá là đặc biệt. Số bị qui sai thành phần nhận giấy chứng nhận về thành phần xã hội đã hạ xuống, địa chủ hạ xuống phú nông hoặc trung nông; địa chủ phản động được gỡ mũ phản động…) Những thứ tịch thu sai được trả lại: nhà cửa, đồ đạc như bàn ghế, giường tủ, đồ đồng…, được trở về chủ cũ (tất nhiên không thể nguyên vẹn và đầy đủ). Đảng viên bị khai trừ oan được làm lễ phục hồi đảng tịch. Con em họ còn được ưu tiên nhận vào các cơ sở đào tạo và nhà máy.

Còn số người chết oan? Những gia đình này được cán bộ cấp huyện và chủ tịch xã đến thăm viếng, nhận lỗi và an ủi. Giấy minh oan được mang đến cặn nơi, với những chứng nhận phục hồi đảng tịch (nếu là đảng viên), trả lại huân chương, bằng khen, còn được tặng thêm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh có đóng dấu của tỉnh. Mộ người chết oan được dân quân đắp lại, việc xây mộ được đặt ra, và lễ phát tang được làm lại với cỗ bàn tử tế, có bà con họ hàng, làng xót cùng các vị chức sắc địa phương tham dự.

Cuối năm 1956 có lúc tình hình khá căng thẳng, một số gia đình oan ức chưa được sửa sai kéo về Hà nội trước trụ sở trung ương đảng, trước cả Phủ Chủ Tịch (Phủ Toàn Quyền cũ) đưa đơn, chờ đợi trả lời với thái độ phẫn uất, có người chít khăn tang, dắt trẻ nhỏ lếch thếch cũng đội khăn trắng. Phải tổ chức nơi tiếp đón, nhận đơn, giải thích, chuyển về địa phương… dần dần mới dịu. Đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ các đại điện những gia đình bị tổn thất lớn trên toàn Miền Bắc ngày 29-10-1956 tại sân vận động Hàng Đẫy, đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính Trị đứng ra nhận tội, xin lỗi, đưa ra phương án sửa sai khẩn cấp thì không khí dịu hẳn lại.

Tại cuộc họp lớn này, người ta đẩy cụ Bùi Kỷ, một nhân sĩ trong Mặt Trận Tổ Quốc ra đọc lời khai mạc. Sau đó đại tướng Võ Nguyên Giáp lên tiếng thuyết phục. Cái lý sự để thuyết phục ở mặt trận, nhất là mặt trận Điện Biên Phủ, chiến sĩ ta còn lấy thân chèn pháo bất kể sinh mạng mình, hàng ngàn chiến sĩ bỏ mình… thì việc tổn thất trong cải cách ruộng đất tuy là đáng tiếc nhưng cũng là đóng góp cho cách mạng tiến lên. ít lâu sau báo Quân Đội Nhân Dân đưa ra xã luận, chỉ rõ “Chính trong sai lầm mà nhân dân ta càng thêm vĩ đại, đảng ta càng thêm vĩ đại”, lập luận rằng: Một đảng có gan nhận sai lầm và nhận trách nhiệm, bắt tay vào sửa sai một cách khẩn trương, chu đáo là thể hiện sức mạnh của toàn đảng đó chứng minh sự vĩ đại của đảng! Mối quan hệ bản chất ruột thịt giữa đảng và nhăn dân càng thêm bền chặt qua thử thách lớn này.

Đó, thế có tài thánh không! Ngay cả khi đảng phạm tội giết bừa hàng chục ngàn sanh mạng nhân danh chủ nghĩa Mác-Lênin và cách mạng vô sản, thì đảng vẫn cứ là vĩ đại! Đảng vĩ đại ngay cả trong sai lầm khủng khiếp nhất. Lẽ phải, chân lý, sự đúng đắn vĩnh viễn nằm trong tay đảng! Ngay sau đó, chế độ “ngày đảng”, còn gọi là “đảng nhật” được áp dụng, theo kiểu Tàu. Cứ ngày thứ bảy, thường là sáng thứ bảy, lất cả các cơ quan xí nghiệp đều họp chi bộ. Trong quân đội, tôi còn nhớ, đó là cả ngày thứ bảy. Anh em ngoài đảng thì làm vệ sinh, sửa chữa doanh đại, nhà cửa, đi làm công tác giúp dân (gọi là dân vận), cán bộ đảng viên thì học tập về đảng, tự phê bình và phê bình, tu dưỡng tư tưởng. Riêng tài liệu của Cục Tuyên Huấn biên soạn: “Đảng lãnh đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện và tuyệt đối quân đội ta, phải tiến hành học tập trung 3 buổi đảng nhật, có lên lớp phát hiện thắc mắc, thảo luận tổ, liên hệ cá nhân, giải đáp thắc mắc, làm thu hoạch và tổng kết cuối cùng. Các tổ trưởng đều phải ghi biên bản thảo luận và tổng kết, phát hiện những “ý kiến sai trái” và những người có ý kiến sai trái, có nhận thức “không đúng”, “lộn xộn”, “không rõ ràng”, “lập trường không vững”, “ảnh hưởng của tư tưởng phi vô sản”, “không thông suốt”; hoặc nếu hay cãi thì: có thái độ “không tiếp thu thậm chí “ngoan cố, “chống đảng”. Những người này lập tức được các cơ quan tổ chức cán bộ chú ý, gạch chéo trong danh sách, nằm trong số cán bộ cá biệt: “không thuần”, “không thông đường lối và chính sách”, “có nhận thức chống đối nguy hiểm”, cần đặc biệt chú ý…

Và suốt đời họ sẽ “được” chiếu cố!

Cho nên mặc dù có khẩu hiệu “tự do tư tưởng”, “người nói không có tội, người nghe lấy để răn mình”, nhưng rất ít ai dám nói lên ý kiến thật của mình, việc học tập hết sức là xuôi chiều, tán tụng, nói theo, chỉ nói ra những điều mình không hoàn toàn nghĩ như thế, giữ kín những suy nghĩ lành mạnh, những thắc mắc ngay thật theo lương tri của mỗi người. Cái tệ con người “hai mặt”, giả dối, khôn ngoan, giữ mình, “bị điều kiện hóa” dần dần hình thành, ngày càng nặng nề và tệ hại giết bao người nhẹ dạ, cả tin, nêu lên những thắc mắc về tư tưởng Mao Trạch Đông, về nguồn gốc sai lầm trong cải cách ruộng đất là tư tưởng nông dân, nghi ngờ về chính sách cải tạo công thương nghiệp, nói đến bệnh sùng bái cá nhân của Stalin và Mao, “không thông suốt về đường lối cán bộ lấy công nông làm cốt cán”, để rồi từ dó cứ bị định kiến, theo dõi, không được lên chức, lên cấp, lên lương nữa…

Nói và làm của đảng cộng sản luôn cách xa nhau vời vợi…

Khá nhiều bạn ở nước ngoài đọc lại những bài đăng trên các số báo Giai Phẩm Mùa Thu, Giai Phẩm Mùa Xuân, Nhân Văn, Trăm Hoa… hồi ấy thốt lên: nội dung có gì đâu mà họ làm dữ dằn như vậy? Hàng bốn, năm chục văn nghệ sĩ bị tra hỏi, bắt giữ, đi lao động cải tạo, treo bút, đuổi khỏi Hội Nhà Văn, bị xa lánh như bị bệnh hủi và có người bị truy tố ra trước vành móng ngựa, mất trắng cả một đời người, với vô vàn hậu quả cho bố mẹ, vợ con, bạn hữu… Sao kỳ vậy?

Quả vậy, nếu so với hiện nay, khi xã hội giành lại, dù chỉ mới là bước đầu, quyền ăn nói, quyền được trung thực với chính mình, nói thẳng nói thật… thì nội dung bị lên án hồi đó chỉ là chuyện nhỏ xíu. Phải đặt trong khung cảnh hồi ấy, khi mọi người sống gần y như nhau, mặc áo quần đại cán như nhau (cho đàn ông) và mặc quần vải đen áo trắng như nhau (cho đàn bà), cả xã hội như mặc đồng phục, nói năng cũng giống y như nhau, buộc phải nghĩ như nhau, thì chỉ một người đeo cà vát, một chị phụ nữ phi-dê (uốn tóc) đã là một cái gì khác lạ, kỳ quái, đối với một số người… Huống gì là nhận thức và tư tưởng… Cũng như hiện nay, hai điều cấm kỵ là nói tới Stalin và đa nguyên. Vô lý đến độ kỳ quái. Thế nhưng chuyện cấm kỵ ấy đối với không ít người đã hiểu biết chỉ con là trò trẻ con nhảm nhí, chuyện vô lý mà có thật, để lại một vết nhớ hằn sâu ở những người hiện đang còn cố bịt mồm xã hội!