Chương 18

– Tớ không tin! Tớ không thể tin được! – Razumikhin lo lắng nhắc đi nhắc lại trong khi cố hết sức bác bỏ những lý lẽ của Raxkonikov. Họ đã đến nhà trọ Bakaleyev; bà Punkheria Alekxandrovna và Dunia đợi họ ở đấy đã lâu. Trong khi hăng say tranh luận, Razumikhin cứ phút phút lại dừng lại ở dọc đường. Đây là lần đầu tiên họ bàn đến việc ấy một cách không úp mở: chỉ riêng điều đó thôi cũng đã khiến Razumikhin bối rối và xúc động rồi.

– Cậu không tin thì tuỳ, – Raxkonikov đáp với một nụ cười lạnh lùng và uể oải – Xưa nay cậu vẫn thế: cậu chẳng nhận thấy tí gì, nhưng tôi thì tôi cân nhắc từng chữ một.

– Tính cậu đa nghi nên cậu mới cân nhắc… Hừ… quả thật mình cũng thấy giọng của Porfiri khá lạ kỳ và nhất là cái tên Zamiotov vô lại kia nữa! Cậu nói có lý, quả có một cái gì đây… Nhưng tại sao, tại sao mới được chứ?

– Đêm qua, hẳn đã nghĩ lại.

– Không đời nào, ngược lại ấy chứ? Nếu chúng nó có cái ý nghĩ vô lý đó thì lẽ ra chúng phải cố dùng đủ mọi cách để che nó đi, chúng phải giấu kín con bài của chúng để rồi sẽ bắt chộp… Nhưng đằng nầy… thật là trắng trợn và thiếu trận trọng.

– Nếu chúng nắm được những bằng chứng, bằng chứng thật sự ấy, hay ít nhất cũng là những mối nghi ngờ có chút ít cơ sở, thì quả nhiên chúng sẽ cố gắng giấu kín âm mưu của chúng để mong thu được một kết quả khả quan hơn, hơn nữa chúng đã soát nhà tôi từ lâu rồi kia. Nhưng đằng nầy, chúng lại không có bằng chứng, không có lấy một sự kiện nào cả, toàn là ảo giác, toàn là những mối ngờ vực viển vông, không dựa vào cái quái gì cả, cho nên chúng mới cố dùng cái lối trơ tráo ấy để nhát mình… Mà có thể là hắn điên tiết lên vì không tìm được bằng chứng rồi cáu quá mà buột ra như vậy. Cũng có thể hắn còn có ý định gì nữa đây.

Tôi trông hắn cũng thông minh thì phải. Có thể hắn làm ra vẻ hắn biết để nhát mình… ở đây có một vấn đề tâm lý riêng… Cứ phải tìm cách giải thích những thứ đó cũng ngấy thật. Thôi, kệ nó!

– Mà thật là khả ố, khả ố! Tớ hiểu cậu lắm! Nhưng… bây giờ chúng mình đã nói chuyện thẳng thắn với nhau (và như vậy là rất tốt, tớ mừng lắm), tớ xin thú thật với cậu, không quanh có gì, là tớ đã nhận thấy cái ý nghĩ đó trong bọn chúng từ lâu rồi kia, tất nhiên chỉ mới ở trạng thái phôi thai thôi, nhưng dù chỉ phôi thai cũng đã là quá lắm rồi. Làm sao chúng nó lại dám nghĩ như vậy. Không hiểu cội rễ của nó ẩn ở chỗ nào? Giá cậu biết mình điên ruột lên đến nhường nào Gớm chửa? Một sinh viên nghèo khổ, rạc rài đi vì cảnh túng bấn và chứng ưu uất, chỉ còn một ngày nữa là lăn ra ốm mê man, và có thể là đã chớm bệnh sẵn (cậu chú ý điểm nầy); một người giàu tưởng tượng, đầy tự ái, có ý thức về giá trị của mình, một con người đã từng sống trong xó sáu tháng ròng không nhìn thấy ai; áo quần thì rách bươm, giầy thì không đế, phải đứng trước những tên cảnh sát bẩn thỉu, nghe những lời lẽ xấc xược của chúng; rồi chúng lại bất thần tống cho anh ta một tờ hối phiếu đòi anh ta phải trả tiền cho một viên hội thẩm Sebarov nào đó, lại thêm mùi sơn ướt ngập ngụa trong căn phòng kín mít, với nhiệt độ ba mươi độ Reaumer, ngột ngạt lên vì một đống người; lại phải nghe nói đến vụ ám sát một người mà anh vừa mới đến gặp hôm trước, và tất cả những thứ đó trong khi dạ dày đang rỗng tuếch. Làm sao mà lại không ngất đi được? Ấy thế mà chúng dựa vào đấy, dựa vào tất cả những thứ ấy để nghi ngờ Mẹ kiếp? Tớ hiểu rằng chuyện đó thật đáng bực mình, song Rodia ạ, ở địa vị cậu, tớ sẽ cười vào mặt mũi bọn chúng, hay hơn nữa: tớ sẽ nhổ toẹt vào mặt chúng tất, nhổ mạnh vào, nhổ vung ra vài chục bãi ấy với chúng thì phải đối xử như thế mới được, và chấm dứt đi như vậy với chúng. Nhổ lên mặt chúng đi! Can đảm lên! Thật nhục!

“Kể ra hắn trình bày tình hình cũng giỏi đấy!” – Raxkonikov nghĩ thầm.

– Nhổ lên! Nhưng ngày mai lại hỏi cung rồi! – Chàng nói giọng chua chát – Lẽ nào mình lại đi phân trần với chúng? Hôm qua tự dưng hạ mình trước mặt Zamiotov ở quán rượu như vậy, mình đã bực quá đi rồi!

– Mẹ kiếp Tớ sẽ đích thân đến đằng Porfiri. Tớ sẽ lấy tư cách bà con, vắt cho kỳ ra mới thôi, hắn phải dốc hết ra với tớ mới được. Còn Zamiotov thì…

“À, mãi đến bây giờ hắn mới đoán ra?” – Raxkonikov nghĩ thầm.

– Khoan hẵng – Razumikhin bỗng chộp lấy vai chàng quát lên – Vừa rồi cậu nói một điều sai bét! Tớ đã suy nghĩ rồi: Sai bét! Cậu bảo hắn bẫy cậu ở chỗ nào? Cậu cho rằng hắn nhắc đến hai người thợ là để bẫy cậu hẳn? Nghiền ngẫm một tí xem, nếu chính cậu làm cái việc ấy, thì cậu có dại gì lại đi nói rằng cậu có thấy người ta đang sơn nhà và có thấy mấy người thợ sơn? Ngược lại, cho dù cậu có thấy, cậu cũng sẽ nói không. Ai dại gì đi buộc tội cho mình bao giờ?

– Nếu mình có làm việc ấy, chắc chắn mình sẽ nói là có thấy mấy người thợ và căn buồng – Raxkonikov tiếp tục trả lời, vẻ miễn cương, chán ngấy ra mặt.

– Nhưng sao lại nói những điều có hại cho mình?

– Là bởi vì chỉ có những người quê mùa hoặc những kẻ tập sự không mảy may kinh nghiệm mới bạ đâu chối đấy khi bị hỏi cung! Một người có chút ít trí thông minh và kinh nghiệm chắc chắn sẽ cố gắng nhận hết những sự kiện bề ngoài không chối cãi được, chỉ có điều là hắn sẽ tìm ra những nguyên do khác dàn xếp theo một kiểu riêng, làm cho những sự kiện đó có một ý nghĩa hoàn toàn bất ngờ rồi trình bày chúng dưới một dạng thức khác. Chính Porfiri có thể tính toán là mình sẽ trả lời kiểu ấy và nói là có thấy mấy người thợ, đã làm cho lời khai của mình có vẻ đúng sự thật rồi tìm cách giải thích sau.

– Nhưng nếu thế thì Porfiri sẽ trả lời ngay lập tức với cậu rằng trước hôm đó hai ngày chẳng có thợ thuyền nào ở đấy cả, và như vậy nghĩa là cậu đã đến đấy ngay hôm xảy ra vụ án mạng, lúc tám giờ. Thế là cậu sẽ vào tròng một cách dễ dàng như không!

Thì chính hắn tính như vậy đấy: hắn mong rằng mình sẽ không có thì giờ suy nghĩ và ắt sẽ vội trả lời cho thật có lý và cũng mong rằng mình quên là ngày hôm trước không thể có hai người thợ ở đấy được.

– Sao lại có thể quên chuyện ấy được?

– Không có gì dễ hơn! Chính vì những chi tiết, vô nghĩa đó mà những kẻ tinh khôn dễ vào tròng nhất đấy. Càng tinh khôn thì lại càng ít nghi ngờ rằng người ta dùng một thủ đoạn rất đơn gián để cho mình vào tròng. Muốn lừa được kẻ tối xảo quyệt phải dùng những cách tối đơn giản. Porfiri tuyệt nhiên không khờ như cậu tưởng đâu?

– Thằng cha đê mạt thật.

Raxkonikov không nhịn được cười. Nhưng cũng lúc ấy chàng lấy làm lạ với lòng hăm hở và niềm thích thú của chàng trong lời giải thích vừa rồi: trước đó, chàng đã miễn cưỡng nói chuyện một cách chán ngán ủ ê, chỉ vì một mục đích nhất định và vì không có cách nào khác.

“Mình đã bắt đầu thú vị với một số điểm nào đấy rồi sao?” – chàng nghĩ thầm.

Nhưng hầu như ngay lúc ấy, chàng bỗng thấy bồn chồn tựa hồ một ý nghĩa bất ngờ và đượm lo âu vừa chợt đến với chàng. Cảm giác bồn chồn cứ lớn dần trong lòng chàng. Bấy giờ hai người đã đến trước cổng nhà trọ Bakaleyev.

– Cậu vào một mình đi, – Raxkonikov bỗng nói – mình sẽ trở lại ngay tức khắc.

– Cậu đi đâu? Đến nơi rồi còn gì?

– Mình có tí việc… cần phải làm… Nửa tiếng nữa mình sẽ trở lại… Vào nhà cậu cứ nói thế.

– Tuỳ cậu muốn làm gì thì làm chứ tớ sẽ đi với cậu!

– Sao, cậu cũng muốn hành hạ mình nữa – Chàng thét lên, giọng giận dữ, chua chát, ánh mắt tràn đầy tuyệt vọng, đến nỗi Razumikhin phải im bặt không dám cưỡng nữa. Anh đứng một lát trên bậc thềm, nhìn Raxkonikov đang bước nhanh về hướng nhà chàng. Rồi anh nghiến răng, nắm chặt tay lại và thề rằng ngày hôm ấy sẽ đến vắt Porfiri ra như một quả chanh, rồi leo lên gác để an ủi bà Punkheria Alekxandrovna đã bắt đầu lo lắng hoảng hốt vì mãi chưa thấy họ đến.

Khi Raxkonikov gần về đến nhà, thái dương chàng vã mồ hôi, chàng thở nặng nhọc. Chàng leo vội lên thang gác, vào căn buồng vẫn để ngỏ và móc ngay cửa lại. Rồi hoảng hốt và điên dại, chàng lao vào góc buồng chỗ có cái lỗ thủng trên giấy dán tường mà trước kia chàng đã dùng làm nơi giấu đồ đạc, thọc tay vào trong và thăm dò kỵ lưỡng lỗ giấu một lát, sờ sẫm tất cả các kẽ, các nếp của tấm gìấy. Không tìm thấy gì, chàng đứng dậy thở một hơi dài. Lúc nãy khi đến trước nhà Bakaeyev, chàng chợt nghĩ là một đồ vật nào đó, một sợi dây chuyền, một chiếc nhẫn, hoặc một mảnh giấy gói đồ có những giòng ghi chú viết tay của mụ già, rất có thể buột ra và lọt vào một kẽ hở nào chăng, rồi, sau nầy, bất thần lộ ra thành một tang chứng không sao chối cãi được.

Chàng đứng yên như đang trầm tư mặc tưởng, và một nụ cười kỳ lạ, tủi nhục, gần như điên rồ thoáng hiện trên môi chàng. Đoạn, chàng cầm lấy mũ và ra khỏi buồng. Ý nghĩ của chàng cứ rối tinh lên. Chàng bước xuống cầu thang và đi ra cổng vẻ tư lự.

– A, ông ta đây rồi! – một giọng ồm ồm kêu lên.

Chàng ngẩng đầu: người gác cổng đứng trên ngưỡng cứa buồng đang trỏ chàng cho một người thấp bé dáng dấp như một người tiểu thương. Người nầy mặc một chiếc áo dài và một chiếc gi-lê đứng xa trông như một mụ đàn bà nhà quê. Đầu hẩn đội một chiếc mũ cát-két cáu bẩn cúi xuống phía trước và cả người hắn trông như gù. Cứ nhìn bộ mặt hom hem và nhăn nheo của hắn, thì hắn cũng đã phải quá năm mươi, đôi mắt hắn nhỏ và hõm sâu vào trong hốc mắt, có một vẻ gì lầm lì, nghiêm nghị và bất mãn.

– Gì vậy? – vừa hỏi Raxkonikov vừa đi về phía người gác cổng.

Người lạ mặt gườm gườm liếc mắt nhìn chàng, chăm chú quan sát chàng một lát, không vội vã, đoạn chậm rãi quay lưng lại, và, không hé răng, hắn rời khỏi cổng đi ra đường.

– Có chuyện gì thế? – Raxkonikov quát lên.

– A đấy, có người đến hỏi thăm xem có một sinh viên trọ ở đây không, lão ta nói tên cậu và tên của bà chủ trọ ra. Vừa lúc ấy cậu đi xuống, tôi chỉ cậu, thế la lão ta bước. Cậu thấy đấy!

Người gác cổng cũng có vẻ hơi ngạc nhiên, song chỉ một tí thôi. Lão suy nghĩ thêm một lát rồi quay lưng lại và chui vào buồng.

Raxkonikov lao theo người lạ mặt và thấy ngay y đang đi dọc bờ đường bên kia, vẫn với bước chân đều đều chậm rãi, mắt dán xuống đất tựa như đang suy nghĩ điều gì. Chỉ một nhoáng sau chàng đuổi kịp, song cứ đi sau lưng y một lát. Cuối cùng chàng tiến lên ngang hàng và nhìn chéo sang mặt y. Người kia nhìn ra chàng ngay. Mắt hắn đưaq nhanh về phía chàng, nhưng rồi lại cúi xuống. Họ đi cạnh nhau như vậy trong khoảng một phút, không ai nói năng gì.

– Ông có hỏi tôi, nơi người gác cổng? – Cuối cùng Raxkonikov hỏi khẽ.

Người lạ mặt không đáp, cũng không nhìn chàng. Cả hai lại im lặng.

– Nầy, sao thế… Ông đến tìm tôi, sao bây giờ lại kín tiếng thế… thế nghĩa là thế nào? Giọng Raxkonikov đứt quãng, lời nói cứ nghẽn lại như không chịu ra khỏi cổ.

Lần nầy, người lạ mặt ngửng đầu lên và nhìn Raxkonikov với đôi mắt gườm gườm, hiểm độc.

– Quân giết người! – y bỗng nói, giọng rất khẽ nhưng rõ ràng và rành rọt

Raxkonikov đi bên cạnh y. Chân chàng bỗng mềm nhũn ra, sống lưng lạnh toát đi và tim như ngừng đập trong chốc lát, họ đi cạnh nhau như thế độ trăm bước, không nói với nhau một lời.

Người kia vẫn không nhìn chàng.

– Nhưng mà ông… sao… ai là kẻ giết người – Raxkonikov thì thầm rất khẽ.

– Chính mày là kẻ giết người, – người kia nói, – giọng càng rành rọt và càng rắn rỏi hơn. Rồi với một nụ cười hằn học và đắc thắng, hắn lại nhìn thẳng vào gương mặt tái nhợt và đôi mắt đờ đẫn ra của Raxkonikov. Họ ra đến một ngã tư đường. Người lạ mặt rẽ sang trái và đi thẳng không ngoái lại.

Raxkonikov đứng sững tại chỗ, mắt nhìn theo người kia một hồi lâu. Chàng thay người lạ mặt đi được dăm chục bước lại ngoảnh đi nhìn chàng vẫn đang đứng yên ở chỗ cũ. Đứng xa như thế không thể nào phân biệt được rõ, song Raxkonikov cũng có cảm giác như người lạ mặt lại nhìn chàng với nụ cười hằn học và đắc thắng lúc nãy.

Bước chậm chạp, lảo đảo trên đôi chân rã rời, Raxkonikov quay trở về và leo lên buồng, người lạnh toát Chàng bỏ mũ đặt lên bàn và đứng im cạnh bàn không nhúc nhích đến mười phút. Rồi, kiệt sức, chàng nằm lên đi-văng, và với một tiếng kêu khe khẽ, duỗi thẳng đôi chân đau như dần. Mắt chàng nhắm nghiền. Chàng nằm như vậy đến nửa tiếng.

Chàng không nghĩ gì hết. Chỉ một vài ý nghĩ hoặc vài mẩu ý nghĩ, những hình ảnh mơ hồ, hiện lên trong trí chàng không trật tự, không mạch lạc, những khuôn mặt mà chàng đã từng thấy xưa kia hồi còn thơ ấu hay đã gặp một lần đâu đó, và lâu nay chàng không bao giờ còn nhớ lại: cái gác chuông nhà thờ V…, một ván bi-a trong quán rượu, và cạnh bàn cờ một viên sĩ quan nào đó, một mùi thuốc xì-gà trong một hiệu bán thuốc lá ở tầng sâu dưới đất, một tiệm giải khát, một, cầu thang tối đen, nước bẩn chảy lênh láng vỏ trứng vứt bừa bãi, và xa xa, có tiếng chuông nhà thờ ngày chủ nhật từ đâu vọng lại. Những hình ánh đó kế tiếp theo nhau trong một cơn lốc quay cuồng. Cũng có một vài hình ảnh làm chàng thích thú và chàng cố cầm giữ lại, song nó lại tan đi, và có một cái gì ở bên trong đè lên bóng vía chàng, tuy không nặng nề lắm… Thỉnh thoảng chàng còn thấy dễ chịu nữa… cái cảm giác ớn lạnh vẫn chưa hết, nhưng hầu như đó cũng là một cảm giác dễ chịu.

Chợt nghe thấy bước chân vội và và giọng nói của Razumikhin, chàng nhắm mắt giả vờ ngủ. Razumikhin mở cửa và đứng một lúc trên ngưỡng cửa. Đoạn anh rón rén bước vào buồng và thận trọng đến cạnh đi-văng. Có tiếng Naxtaxia thì thầm:

– Đừng phá, để cho cậu ấy ngủ cho đẫy giấc đã, rồi sẽ ăn sau.

– Đúng đấy, – Razumikhin đáp.

Cả hai rón rén bước ra và đóng cửa lại. Nửa tiếng nữa trôi qua, Raxkonikov mở mắt ra vả lại duỗi thẳng người trên đi-văng, hai tay bắt chéo dưới đầu.

“Hắn là ai? Con người trồi từ dưới đất lên ấy là ai? Hắn ở đâu và hắn đã thấy được những gì? Hắn đã thấy hết, không còn nghi ngờ gì nữa? Vậy thì hắn đã nấp ở đâu và đứng ở đâu mà quan sát? Sao mãi đến bây giờ hắn mới lộ mặt? Hắn làm thế nào mà thấy được? Có thể nào như thế được chăng? Hừm! – Raxkonikov nghĩ tiếp, người rùng mình buốt lạnh, – và cái hộp tư trang mà Mikolai tìm thấy sau cánh cửa, lẽ nào lại có thể như vậy? Tang chứng? Chỉ một điểm cỏn con mà đem xét kỹ cũng có thể biến thành một tang chứng bằng cỡ cái kim tự tháp Ai-cập. Một con ruồi bay qua, và nó đã nhìn thấy. Có thế như thế được chăng?”.

Chàng bỗng ngao ngán nhận thấy thể chất mình đã suy nhược quá đỗi.

“Lẽ ra mình phải biết trước như thế!” – chàng mỉm cười chua chát – mình cũng đã tiên cảm được tâm trạng của mình, thế thì làm sao mình lại dám cầm một cây rìu và nhúng tay vào máu? Lẽ ra mình phải biết trước chuyện đó mới phải… Ơ, nhưng mình đã biết trước rồi đấy chứ! – chàng thì thào, tuyệt vọng.

Đôi lúc chàng lại đứng sững lại trước một ý nghĩ: “Không, những con người ấy không phải được đúc nên như thế nầy. Người chúa tể thực sự, người được phép làm tất cả mọi việc, bắn phá Toulon, tổ chức một vụ thảm sát ở Paris, bỏ quên đạo quân của mình ở Ai Cập, tiêu phí một nửa triệu người trong chiến dịch Moskva và đánh trống lảng bằng một trò chơi chữ ở Vilna1; con người đó, đến khi chết người ta dựng tượng cho nó, vậy nghĩa là, với nó, mọi việc đều được phép làm. Không, những con người đó có những tấm thân không phải bằng thịt mà bằng đồng!”

Một ý nghĩ khác ở ngoài lề bất chợt hiện đến, suýt làm cho chàng bật cười lên.

“Napoleon, Kim tự tháp, Waterloo, và một mụ già hom hem nhớp nhúa, vợ goá của một viên thư lại, một mụ chủ hiệu cầm đồ ty tiện có một cái rương bọc đỏ đút dưới giường thì có liên quan gì với nhau? Có ai nuốt trôi được chuyện nầy, ngay cả Porfiri Petrovich nữa?

Làm thế nào cho hắn tin được chuyện nầy? Mỹ học sẽ can thiệp vào đây: “Napoleon mà lại bò xuống dưới gầm giường “mụ già” ấy! Chà, chó má thật!”

Thỉnh thoảng chàng cảm thấy như mình đang mê sảng: chàng đã rơi vào tâm trạng khích động của người lên cơn sốt.

“Con mụ già ấy thì chẳng có nghĩa lý gì! – dòng tư tưởng của chàng cuồn cuộn lên từng đợt một – Mụ già ấy… được, thì cứ cho đó là một sai lầm mà vấn đề không phải ở cái mụ ấy! Mụ già chỉ là một cơn bệnh thôi, mình định vượt qua trở ngại thật nhanh… Không phải mình giết một mạng người; mình biết một nguyên lý; cái nguyên lý ấy thì mình đã giết được rồi, nhưng còn vượt qua thì mình chưa vượt được, mình vẫn còn đứng bên nầy… Mình chỉ mới giết được thôi. Mà ngay việc nầy cũng chưa biết cách làm nữa… Nguyên lý? Tại sao vừa qua cái thằng ngốc Razumikhin lại đi sỉ vả bọn xã hội? Họ là những kẻ cần cù, ham buôn ham bán, họ lo đến “cái hạnh phúc chung”… Không cuộc sống đến với tôi chỉ được sống có một lần thôi và không bao giờ trở lại nữa, tôi không muốn chờ đợi “cái hạnh phúc chung”. Tôi muốn bản thân tôi sống, không thì thà đừng sống còn hơn. Còn sao nữa? Tôi chỉ không muốn đành lòng đi qua trước một bà mẹ đói khát mà cứ giữ chịt lấy đồng rúp trong túi để chờ đợi cái “hạnh phúc chung”. Cứ nói là “Tôi góp một viên gạch vào hạnh phúc chung, cho nên tôi tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn”. Ha ha. Vậy thì tại sao các người lại bỏ sót tôi? Đời tôi chỉ có một lần sống, tôi cũng muốn sống cuộc sống của tôi… Về mỹ học ta chỉ là một con rận, không có gì khác hơn – chàng bật cười lên như một thằng điên – Đúng, quá thật ta là một con rận – chàng nghĩ tiếp, bám lấy cái ý tưởng đó một cách hả hê, vùi đầu vào nó, mân mê nó, đùng nó làm trò tiêu khiển, – đúng thế, trước hết là bởi vì lúc nầy ta đang lập luận rằng ta là một con rận, sau nữa là bởi vì trong một tháng ròng ta đã quấy rầy đức Thượng để chí tôn, đã kêu gào người chứng giám cho rằng ta mưu đồ việc ấy không phải vì miếng da của ta, cũng không phải vì sở thích của ta mà vì ta theo đuổi mục đích tuyệt mỹ và cao quý, ha ha! Thứ ba nữa là bởi vì ta đã đặt ra nguyên tắc phải tiến hành công việc hết sức công mmh, phải cân nhắc nặng nhẹ, phải có mức độ và phải chính xác như số học trong tất cả những con rận sống trên thế gian, ta đã chọn con có hại nhất, và khi giết nó, ta đã đinh ninh tự chủ là chỉ lấy của nó vừa đủ chi dùng cho những bước đầu của ta thôi, không hơn không kém (còn lại thì cũng cho tu viện, theo lời di chúc của nó, ha ha). Ta đích thị là một con rận, – chàng nghiến răng kèn kẹt nghĩ tiếp – bởi vì có thể ta là một cái gì còn ti tiện, còn thối tha hơn cả con rận bị giết, bởi vì ta đã linh cảm trước là ta sẽ tự nói như vậy sau khi giết nó! Có gì so sánh được với nỗi khủng khiếp nầy? Ôi, đê tiện, hèn mạt! Ô, giờ ta mới thực hiểu đấng “tiên tri”2 cười ngựa, vung gươm: Allah3 đã phán truyền, hãy vâng mệnh và cúi đầu, hỡi “loài sâu bọ đang run rẩy kia!” Đấng “tiên tri” có lý lắm, khi ông ta đặt ở ngang đường mấy khẩu đội đại bác nh – thật cừ và nã vào cả người ngay lẫn kẻ ác4 mà không thèm giải thích lấy một lời. Ấy vâng mệnh, bởi con sâu run rẩy kia, và đừng có ước muốn vì đó không phải là việc của mày. Ôi? Không đời nào, ta không đời nào có thể tha thứ cho mụ già ấy!

Tóc chàng bết mồ hôi, đôi môi run run của chàng khô nẻ, tia mắt đờ đẫn của chàng đọng lại trên trần nhà.

“Mẹ ta, em ta, ta yêu họ biết nhường nào! Vì đâu mà nay ta lại ghét họ? Phải, ta ghét họ, ta ghét họ với một cảm giác nhục thể và ta không thể chịu được khi họ ở cạnh ta. Lúc nầy ta đến gần mẹ và ôm hôn mẹ, ta còn nhớ ôm hôn mẹ mà lại nghĩ là nếu mẹ biết. Lúc ấy ta có thể nói chuyện đó với mẹ chăng?

Cái đó chỉ tuỳ ở ta thôi… Hừm. Mụ ấy chắc phải y như ta, chàng cô tập trung tư tưởng nghĩ tiếp dường như đang vật lộn với cơn mê sảng đang tràn dần vào người chàng… – Ôi! giờ đây ta mới căm con mụ ấy làm sao! Mụ già? Hẳn là ta sẽ giết hắn một lần nữa nếu hắn sống lại. Tội nghiệp mụ Lizaveta! Sao mụ ta lại về vào lúc ấy? Mà kể cũng lạ thật sao mình lại hầu như không hề nghĩ đến mụ ta thế nhỉ, cứ như thể mình không giết mụ ta ấy Lizaveta. Sonya! Những con người thật đáng thương, thật hiền lành, có đôi mắt dịu dàng Họ đáng mến quá? Sao họ lại không khóc? Sao họ lại không rên rỉ? Họ hy sinh tất cả… họ có một cái nhìn trầm lặng và dỉu dàng… Sonya, Sonya, Sonya dịu hiền!”

Chàng mê man đi; chàng cũng tự lấy làm lạ không nhớ tại sao bỗng dưng lại thấy mình đứng ngoài đường.

Chiều đã xuống. Bóng tối dần dần dày đặc, ánh trăng rằm mỗi lúc một sáng hơn, song khi trời lại ngột ngạt khác thường. Ngoài đường người qua lại đông đúc, nào là thợ thuyền, nào là những người đi làm công đang đi về nhà, nào là những kẻ đi dạo; không khí phảng phất mùi vôi, mùi bụi, mùi nước đọng. Raxkonikov bước đi, buồn bã lo âu: chàng nhớ rất rõ là mình ra khỏi nhà với một ý định nào đấy, mình có một việc gì phải làm gấp, song đích xác việc gì thì chàng quên mất. Chợt chàng dừng lại và thấy bên kia đường, trên vỉa hè có một người đang vẫy tay ra hiệu cho chàng. Chàng băng qua đường đi về phía người kia, nhưng hắn bỗng quay ngoắt lại bỏ đi thẳng dường như không có chuyện gì xảy ra cả, đầu cúi gằm, không ngoái nhìn lại phía sau không có vẻ gì là vừa ra hiệu gọi Raxkonikov cả. “Kìa hay chưa có thực là hắn gọi mình không? – Raxkonikov tự hỏi, tuy nhiên chàng cũng cứ bước theo.

Chàng đi chưa được mươi bước, bỗng nhận ra được hắn và choáng người đi: chính là lão lái buôn lúc nãy, vẫn mặc cái áo dài ấy, vẫn cái lưng gù ấy. Raxkonikov theo hắn cách một quãng xa xa, trống ngực đập thình thình hai người rẽ vào một ngõ hẻm, người lạ mặt vẫn không hề ngoảnh lại. “Hắn có biết là mình đi theo hắn không?” – Raxkonikov nghĩ thầm. Người lạ mặt đi vào cổng một toà nhà lớn. Raxkonikov bước nhanh đến cổng và đưa mắt nhìn xem lão kia có ngoảnh lại nhìn hoặc gọi mình không. Quả thật khi hắn qua hết vòm cổng, vào đến trong sân, bèn quay phắt người lại và dường như vậy tay ra hiệu cho chàng: Raxkonikov liền đi vào cổng, nhưng vào đến sân thì không thấy người kia đâu nữa. Thế nghĩa là hắn đã lên cầu thang gác đầu tiên bên phải. Raxkonikov lao theo. Quả nhiên từ hai tầng gác trên còn nghe thấy tiếng chân bước thong thả và đều đều. Kỳ lạ thay, cái cầu thang trông như quen quen. Đây là chiếc cửa sổ ở tầng thứ nhất: ánh trăng dọi qua tấm cửa kính, buồn bã và huyền bí; và đây là tầng hai. Kìa, đây chính là căn buồng những người thợ sơn làm việc. Sao chàng lại không nhận ra ngay nhỉ? Những bước chân của người đi trước chàng im bặt.

“Thế tức là hắn đã dừng lại hoặc nấp ở đâu đây”. Và đây là tầng thứ ba; có nên lên nữa chăng? Xung quanh im lặng quá; chàng thấy rờn rợn. Nhưng rồi chàng vẫn cứ bước lên. Tiếng bước chân của chính chàng làm cho chàng sợ hãi và lo lắng. Trời ơi, sao tối om thế nầy? Người lạ mặt chắc là nấp trong một xó nào gần đâu đấy. A! Cửa buồng trông ra cầu thang mở rộng!

Chàng suy nghĩ một lát, rồi bước vào. Phòng ngoài tối om và vắng tanh, không một bóng người, không một đồ vật, tuồng như người ta đã dọn đi hết. Chàng rón rén bước vào phòng khách, khắp căn phòng ngập trong ánh trăng vằng vặc, mọi vật đều vẫn y nguyên như cũ: mấy chiếc ghế dựa, tấm gương, chiếc đi-văng vàng và những bức tranh đóng khung. Trăng rằm như một quả cầu bằng đồng đỏ đồ sộ nhìn vào cửa sổ. “Chính vì ánh trăng cho nên mới im lặng quá thế nầy, – Raxkonikov thầm nghĩ – chắc là trăng đang gỡ mối một điều bí ẩn gì đây” Chàng dừng lại, đợi chờ; chàng đợi hồi lâu, và vầng trăng càng yên tĩnh bao nhiêu thì tim chàng càng đập mạnh bấy nhiêu, đến nỗi ngực chàng đau nhói lên.

Xung quanh vẫn im phăng phắc. Bỗng một tiếng rắc khô và gọn vang lên, tựa như có ai bẻ một nhánh củi, rồi mọi vật lại chìm vào im lặng. Một con ruồi thức giấc bay lên đâm vào tấm cửa kính và vo ve rền rĩ.

Ngay lúc ấy trong góc, giữa chiếc tủ con và khung cửa sổ, chàng trông thấy cái gì như một chiếc áo choàng phụ nữ treo trên tường. “Sao lại có một chiếc áo choàng ở đây? – chàng nghĩ – Trước kia có đâu?” Chàng bước rất khẽ lại gần và đoán ra rằng có ai đang nấp ở phía sau chàng. Chàng thận trọng giơ tay vén chiếc áo choàng lên thì thấy có một chiếc ghế dựa, và trên ghế một mụ già đang ngồi, người gập hẳn lại, đầu cúi gằm nên chàng không trông thấy mặt nhưng đó chính là mụ ta.

Raxkonikov đứng nhìn mụ một lảt. “Mụ ta sợ”, chàng nghĩ, đoạn từ từ rút rìu ra khỏi quai và giáng lên đỉnh sọ mụ già một nhát, rồi một nhát nữa. Nhưng, lạ hay, bị mấy nhát rìu mà mụ cũng không hề nhúc nhích, tưởng chừng như người mụ làm bằng gỗ. Chàng đâm hoảng, cúi gầm gần hơn để nhìn cho kỹ, nhưng đầu mụ lại càng gục thấp xuống. Chàng cúi rạp xuống sát sàn nhà để nhìn mặt mụ từ dưới lên: chàng nhìn mụ già và chết khiếp đi. Mụ già đang ngồi cười nhăn nhở, một trận cười im lặng mà mụ cố giữ hết sức đừng vang lên thành tiếng để chàng khỏi nghe thấy. Bỗng nhiên chàng thấy như cửa buồng ngủ hé mở và ở bên kia cũng có ai cười nói thì thầm. Chàng như điên như dại, lấy hết sức giáng rìu vào đầu mụ ta, song mỗi nhát rìu giáng xuống thì tiếng cười và tiếng thì thầm lại mỗi lúc một to và rõ thêm; còn mụ già thì rũ ra cười ngặt nghẽo. Chàng toan chạy trốn, nhưng phòng ngoài đã đông nghịt những người, cánh cửa cầu, thang đã mở toang và ở đầu cầu thang, dọc các bậc cấp, từ trên xuống dưới lố nhố những người, chỉ thấy lúc nhúc những đầu là đầu. Mọi người đều nhìn chàng, nhưng lại tìm cách giấu mặt và nín lặng chờ đợi… Tim chàng thắt lại, chân chàng không nhấc lên được, tưởng như đã bắt rễ xuống. Chàng muốn kêu lên một tiếng… và tỉnh dậy.

Chàng khó nhọc thở ra một hơi dài, nhưng lạ thay, giấc mơ tuồng như vẫn tiếp diễn: cửa buồng chàng mở rộng và một người chàng không hề quen biết đang đứng trên ngưỡng cửa chăm chú nhìn chàng.

Raxkonikov chưa kịp mở hẳn mắt ra đã vội nhắm ngay lại. Chàng nằm dán sát xuống đi-văng không cựa quậy: “Có phải giấc mơ của mình tiếp diễn hay không?” chàng tự nhủ vả lại khẽ hé mi mắt ra liếc nhìn: người lạ mặt vẫn đứng nguyên chỗ cũ và tiếp tục nhìn chàng.

Bỗng hắn dè dặt bước qua ngưỡng cửa, khép cửa cẩn thận, tiến lại gần bàn, đợi một lát, mắt vẫn không rời Raxkonikov rồi từ từ, nhè nhẹ ngồi lên chiếc ghế dựa trước bàn, cạnh đi-văng. Hắn đặt mũ xuống sàn nhà, cạnh hắn, hai bàn tay đè lên đầu gậy và tỳ cằm lên bàn tay. Rõ ràng là hắn chuẩn bị chờ đợi lâu. Qua đôi mi he hé mở, Raxkonikov thấy người kia hình như cũng đã đứng tuổi; khổ người chắc nịch, mặt để một bộ râu rậm màu hoe nhạt gần như bạc.

Mười phút trôi qua. Trời còn sáng, nhưng chiều đang xuống dần. Trong buồng im phăng phắc. Từ dưới cầu thang cũng không có một tiếng động khẽ nào vọng lên. Chỉ có tiếng vo ve của một con nhặng to, bay loạng choạng húc vào cửa kính. Cuối cùng, tình huống nầy không sao chịu được nữa. Raxkonikov bỗng vùng dậy và ngồi lên đi-văng.

– Nào, nói đi, ông muốn gì?

– À tôi đã biết mà: ông không ngủ mà chỉ giả vờ ngủ thôi, – người lạ mặt buông một câu trả lời kỳ quặc và điềm nhiên cất tiếng cười.

– Xin phép ông được tự giới thiệu: Arkadi Ivanovich Xvidrigailov.


  1. Đoạn nầy nhắc tới những hành động của Napoleon 

  2. Tức Mohammet Hồi giáo 

  3. Thượng đế của Hồi giáo 

  4. Ám chỉ một hành động của Napoleon năm 1791