Chương 26

Khó lòng mà nói cho đúng những nguyên nhân nào đã xui khiến bộ óc rối loạn của Katerina Ivanovna nảy ra cái ý bày bữa tiệc tang rồ dại nầy. Quả nhiên, bà ta đã phải tiêu vào đấy gần đến mười rúp trong số hơn hai mươi rúp của Raxkonikov cho để lo việc chôn cất. Có lẽ Katerina Ivanovna tự cho mình có bổn phận tỏ lòng sùng kính hương hồn chồng “cho tươm tất”, để những người cùng trọ và nhất là bà Amalya Ivanovna biết rằng chồng bà “không những không thua kém gì họ, mà lại còn khá hơn nhiều nữa” và trong bọn họ không ai có quyền được “vênh mặt” lên với ông ta. Có lẽ nguyên nhân chính trong việc nầy là “tính tự hào của người nghèo” khiến nhiều người đem hết những đồng cô-pếch cuối cùng còn dành dụm được ra tiêu pha, vào những lễ nghi bắt buộc cho mọi người trong xã hội, không trừ một ai, cố hết sức làm sao cho khỏi “thua kém người ta” và để cho người ta khỏi “chê cười”. Cũng rất có thể Katerina Ivanovna muốn chứng tỏ ngay trong dịp nầy, đúng vào giờ phút nầy, khi tưởng chừng như bà ta đã bị mọi người ruồng bỏ, cho những “kẻ cùng trọ ti tiện và xấu xa” ấy thấy rằng mình không những “biết cách sống và biết cách tiếp đãi”, mà hơn nữa đã được giáo dục để sống một cuộc đời khác hẳn, trong một “gia đình quý phái, hơn nữa có thể nói là quý tộc thượng lưu, gia đình của một vị đại tá”, chứ tuyệt nhiên không phải để lau sàn và đêm đêm giặt quần áo rách cho con. Những cơn tự hào và sĩ diện đến cùng cực ấy thỉnh thoảng vẫn thấy có ở những người nghèo khổ nhất, khiếp nhược nhất và đôi khi trở thành một nhu cầu cấp thiết không sao cưỡng được. Hơn nữa, Katerina Ivanovna lại không phải hạng người dễ khiếp nhược: có những trường hợp có thể làm cho bà điêu đứng, nhưng làm cho bà khiếp nhược nghĩa là làm cho bà hoàng sợ phải tuân theo ý mình, thì không thể được. Ngoài ra, Sonya rất có căn cứ khi nói rằng trí não của bà bắt đầu rối loạn.

Thật ra điều nầy chưa có thể nói một cách dứt khoát và chắc chắn, nhưng gần đây, suốt một năm nay quả nhiên bộ óc khốn khổ của bà đã trải qua quá nhiều cơn thử thách gian truân đến nỗi không thế nào khỏi bị tổn thương ít nhiều: Bệnh ho lao phát triển mạnh: theo lời các bác sĩ, cũng góp phần tác hại đến trí năng. Rượu không có nhiều và cũng không được mấy thứ, rượu Madera không có, chẳng qua người ta phóng đại ra thế. Nhưng dù sao cũng có rượu: có vodka, rượu rhum và rượu Porto, toàn là mạt hạng cả, nhưng cũng đủ dùng. Các món ăn thì ngoài bánh bột gạo cổ truyền ra còn có ba, bốn món (trong đó có cả bánh rán thịt) đều được nấu nướng trong nhà bếp của bà Amalya Ivanovna; ngoài ra người ta còn đặt hai ấm xamovar để dọn trà và rượu Punch sau bữa ăn. Chính Katerina Ivanovna đã thân hành đi mua sắm với một người Ba Lan ốm đói không hiểu tư đầu đến trọ ở nhà bà Lippevekzen, hắn lập tức tự nguyện đi theo giúp đỡ Katerina Ivanovna, suốt ngày hôm qua và sáng hôm nay hắn đầu tắt mặt tối chạy hết nơi nầy đến nơi khác, lưỡi thè ra, và hình như cố sao cho mọi người chú ý đến chi tiết nầy. Động một là hắn bỏ đi tìm cho được đích thân Katerina Ivanovna, chạy mãi ra tận Goxtiny Dvor1 tìm bà, luôn mồm gọi: “Pani Chorunzhina2, rốt cục làm cho bà phát chán ra, tuy lúc đầu bà nói là không có con người “tận tuỵ và hào hiệp” ấy thì bà không biết xoay xở ra sao nữa. Katerina Ivanovna có một tính đặc biệt là hễ gặp bất cứ người nào cũng vội tô điểm ngay cho họ những màu sắc rực rỡ và, tốt đẹp nhất, ca ngợi tâng bốc không tiếc lời, đến nỗi người ta phát ngượng lên, bịa ra những sự việc không hề có để khen ngợi họ, đồng thời lại thành thật và quả quyết tin rằng những sự việc ấy có thật, rồi về sau bỗng tỉnh ngộ ra, bà hắt hủi, phỉ nhổ và xua đuổi con người mà chỉ cách đây mấy tiếng đồng hồ bà dốc lòng sùng bái.

Bẩm sinh bà vốn có tính mau cười, vui vẻ và chan hoà, nhưng vì phải trải qua những tai hoạ và thất bại liên tiếp, bà quay ra mong muốn và khăng khăng đòi hỏi mọi người phải sống cho hoà thuận vui vẻ và không ai được sống cách khác, đòi hỏi đó cực đoan đến nỗi một sự ngang chướng cỏn con nào, một thất bại nhỏ nhặt nào trong cuộc sống cũng lập tức làm cho bà nổi xung lên, và chỉ trong khoảnh khắc, đang ấp ủ những niềm hy vọng và mơ ước tươi đẹp nhất, bà bỗng quay ra nguyền rủa số mệnh, vớ được cái gì cũng xé, cũng vứt tung ra và đập đầu vào tường chan chát. Bây giờ cũng vậy, bà Amalya Ivanovna bỗng dưng đâm ra có một ý nghĩa quan trọng và được Katerina Ivanovna kính trọng khác thường, có lẽ cũng chỉ vì bữa tiệc nầy và vì bà Amalya Ivanovna đã hết lòng tham gia lo việc sửa soạn; bà ta nhận lấy việc bày bàn, kiếm khăn, đĩa v.v… và nấu nướng các món ăn trong nhà bếp của mình. Trong khi ra nghĩa địa, Katerina Ivanovna đã giao cho bà toàn quyền hành động, để cho bà tuỳ tiện liệu lấy.

Quá nhiên, mọi việc đều được chuẩn bị chu đáo: bàn trải khăn khá sạch, các thứ đĩa, cốc, chén, dao, nĩa thì dĩ nhiên rất ô hợp, đủ các kiểu và đủ các cỡ khác nhau, mượn của mỗi nhà mỗi ít, nhưng đến giờ đã định, mọi thứ đã bày biện đầy đủ đâu ra đấy, và Amalya Ivanovna, cảm thấy mình đã làm tròn phận sự một cách vẻ vang, ra đón những người mới về với một vẻ tự hào khá rõ rệt, phục sức sang trọng, đội mũ chụp mới dính dải tang, mình mặc áo dài đen. Vẻ tự hào nầy tuy rất chính đáng, song không hiểu sao không vừa ý bà Katerina Ivanovna: “Cứ như thể không có bà Amalya Ivanovna thì người ta không bày được bàn ấy”. Bà cũng không có thiện cảm gì hơn đối với cái mũ chụp mới dính dải tang: “Hay là con mẹ người Đức đần độn nầy đâm ra kiêu hãnh vì bà thương tình mà thuận giúp đỡ bọn khách trọ nghèo hèn tội nghiệp? Thương tình! Thôi xin lỗi! Ông thân sinh Katerina Ivanovna, ngày xưa làm đại tá và suýt lên chức tổng trấn, đã mấy lần mở tiệc thết đến bốn mươi tân khách, và cái hạng như mụ Amalya Ivanovna cha căng chú kiết nào, nói cho đúng hơn, là Amalya Ludvigovna, thì có muốn vào làm bếp cũng đừng hòng…”. Tuy vậy. Katerina Ivanovna cũng tự chủ sẽ không để lộ những cảm nghĩ của mình ra quá sớm, tuy bà đã định bụng là hôm nay thế nào cũng phải cho mụ ta một bài học cho mụ biết thân biết phận, nếu không thì có trời biết mụ còn sẽ lên mặt đến thế nào. Trong khi chờ đợi, Katerina Ivanovna chỉ tỏ ra một thái độ lạnh nhạt.

Một chuyện rầy rà khác cũng góp phần làm tăng thêm tâm trạng cáu bẳn của Katerina Ivanovna: trong số những người cùng trọ được mời đến dự đám tang, chỉ có mỗi một mình anh chàng người Ba Lan đã xoay xở thế nào có đủ thì giờ ghé vào nghĩa địa, ngoài ra hầu như không có ai đi cả; còn đến dự tiệc tang thì trong bọn họ chỉ có những người hèn mọn và nghèo khổ nhất, trong đó lại có mấy người ăn mặc không còn ra cái thể thống gì nữa, trông như một lũ ma dại. Còn những người hơi có vai vế, hơi ra dáng một chút thì dường như đều cố tình bảo nhau không đến. Piotr Petrovich Lugin chẳng hạn, có thể nói là người khách trọ oai vệ nhất ở đây, cũng không đến. Ấy thế mà tối hôm qua Katerina Ivanovna đã trót loan báo cho khắp mọi người – nghĩa là Amalya Ivanovna, Polenka, Sonya và anh chàng Ba Lan – biết rằng con người tối cao quý, tối hào hiệp nầy, vốn có tiền của và thế lực khó ai bì kịp xưa kia là bạn ông chồng trước của bà, đã từng được cha bà tiếp đón trong nhà, có hứa là sẽ tìm đủ mọi cách lo cho bà một số lương quả phụ khá cao. Ở đây cũng xin nói rõ rằng sở dĩ Katerina Ivanovna có khoe khoang tiền của và thế lực của người nào, thì đó tuyệt nhiên không phải vì vụ lợi, tính toán riêng tư gì cả, bà khoe khoang như vậy một cách hoàn toàn vô tư có thể nói là để trút bớt nỗi lòng, chì vì cái thú được khen ngợi người ta và làm tăng phẩm giá của người được khen lên. Ngoài Lugin ra, và chắc là vì “noi gương ông ta”, còn có “cái tên chó đểu” Lebeziatnikov cũng không đến nốt. “Không biết cái thằng cha nầy cho mình là cái thá gì? Người ta chỉ vì thương tình mà mời hắn đến, và cũng vì hắn ở chung phòng với ông Piotr Petrovich, lại có quen với ông ta, nên không mời không tiện”. Lại còn có một bà thuộc hạng lịch duyệt và cô “con gái quá thì” của bà không đến dự: bà nầy tuy mới đến ở nhà bà Lippevekzen trong vòng hai tuần nay, song cùng đã mấy lần kêu ca về những tiếng ồn ào từ căn nhà của gia đình Marmelazov vang lên, nhất là khi ông chồng quá cố đi uỏng rượu say khướt trở về.

Dĩ nhiên Katerina Ivanovna cũng biết thế, vì bà Amalya Ivanovna, cứ mỗi lần chửi nhau với Katerina Ivanovna, và doạ đuổi cả mấy mẹ con ra khỏi nhà, lại rống tướng lên rằng họ quấy rầy “những khách trọ đáng kính mà họ không bén đến gót chân”. Giờ đây Katerina Ivanovna có ý mời hai mẹ con bà ta, những kẻ mà bà không “bén đến gót chân”, vì một lý do nữa là từ trước đến nay mỗi khi tình cờ gặp nhau, bà kia lại khinh bỉ quay mặt đi – Ấy để cho bà ta biết rằng “nhà nầy cao thượng hơn nhiều, không hề để tâm thù vặt”, và để họ thấy rằng Katerina Ivanovna vốn không quen sống trong một tình cảnh như thế nầy. Bà đã định tâm thế nào cũng phải nói đến chuyện nầy trong bữa ăn, cũng như nhắc đến cái chức tổng trấn của ông cụ, và đồng thời cũng dám chỉ rằng khi gặp bà không việc gì phải ngoảnh mặt đi một cách ngu xuẩn như vậy. Lại còn có một ông trung tá to béo không chịu đến (thật ra đó là một đại uý tham mưu giải ngũ), nhưng sau mới biết là ngay từ sáng hôm qua ông ta đã say bí tỉ “chẳng còn chân cẳng đâu mà lê đi nữa”. Nói tóm lại, chỉ thấy anh chàng người Ba Lan rồi đến một viên thư lại gầy còm câm như hến, mặc áo đuôi tôm cáu ghét, mặt đầy mụn nhọt, người hôi hám kinh tởm; rồi đến một ông già điếc đặc và gần như mù tịt, ngày trước làm ở một trạm bưu chính nào đấy, trọ ở nhà bà Amalya Ivanovna không biết từ đời nào, do ai nuôi và để làm gì. Lại còn có một lão trung uý về hưu nghiện ngập, thật ra chỉ là một nhân viên quân lương, có một lối cười ông ổng hết sức khả ố, vả lại không mặc gi-lê “có chết người không chứ”! Một lão cha căng chú kiết nào cứ thế ngồi vào bàn, thậm chí cũng chẳng chào hỏi gì Katerina Ivanovna, và cuối cùng là một nhân vật vì không có áo khoác nên định xuất đầu lộ diện trong một cái áo dài mặc ngủ, nhưng cái nầy thì thật quá ư thất lễ, cho nên nhờ những cố gắng của Amalya Ivanovna và anh chàng Ba Lan, hắn đã tị tống cổ ra ngoài. Nhưng anh chàng Ba Lan lại rủ ở đâu đến hai anh chàng Ba Lan nữa, xưa nay chưa từng trọ ở nhà bà Amalya Ivanovna và trong nhà nầy chưa có ai trông thấy mặt bao giờ.

Những điều đó làm cho Katerina Ivanovna hết sức khó chịu. “Thế nầy thì sửa soạn, là dọn cho ai?”. Để cho đủ chỗ, người ta đã phải dọn cho mấy đứa trẻ ăn trên một cái hòm đặt ở góc sau, không cho chúng ngồi ở chiếc bàn lớn chưa chi đã choán hết cả phòng. Hai đứa bé ngồi trên chiếc ghế dài, còn Polenka lớn nhất phải trông coi em, cho chúng ăn và chùi mũi cho chúng “cho ra dáng con nhà quý phái”. Nói tóm lại, Katerina Ivanovna buộc lòng phải tiếp mọi người một cách long trọng gấp bội và thậm chí với vẻ khỉnh khỉnh nữa. Có một số khách bị bà nhìn một cách, nghiêm khắc đặc biệt và mời ngồi với một giọng trịnh thượng.

Không hiểu sao Katerina Ivanovna cho rằng bà Amalya Ivanovna phải chịu trách nhiệm về những người không đến, cho nên bỗng quay ra ăn nói hết sức khinh xuất với bà ta, khiến bà ta nhận thấy ngay và mếch lòng không sao tả xiết. Một sự khởi đầu như vậy không thể báo hiệu điều gì tốt lành về sau cả. Cuối cùng, mọi người ngồi vào bàn.

Raxkonikov đến gần đúng vào lúc họ từ nghĩa địa trở về, Katerina Ivanovna mừng quýnh lên, trước hết vì chàng là “người có học duy nhất trong cả đám tân khách, và như mọi người đều biết, đang chuẩn bị để hai năm nữa bước lên bục giáo sư ở trường đại học Petersburg”, sau nữa là vì thoạt mới vào chàng đã kính cẩn xin lỗi bà ngay, vì đã không đến dự lễ an táng được mặc dầu rất muốn. Bà ta cứ vồ vập lấy chàng, mời chàng ngồi ngay bên tay trái mình (bên phải là bà Amalya Ivanovna), và tuy phải luôn luôn xắng xở trông nom cho người nhà bưng thức ăn cho đúng chỗ và múc đủ cho các tân khách, tuy những cơn ho đau đớn cứ phút phút lại làm bà nghẹt thờ, không nói được hết lời (hình như hai ngày qua bà ho nặng hơn trước rất nhiều), bà vẫn nói chuyện không ngớt với Raxkonikov, vội vã thầm thì bày tò với chàng tất cả những cảm xúc tích tụ lại ttong lòng và nỗi căm phẫn chính dáng của mình khi thấy bữa tiệc tang thất bại; tuy vậy cơn phẫn uất của bà 1uôn luôn xen những tiếng cười hết sức vui vẻ không sao nhịn được, nhằm chế giễu các tân khách quây quanh bàn nhưng chủ yếu là chế giễu đích thân bà chủ nhà.

– Lỗi tại con tu hú nầy cả. Ông hiểu tôi muốn nói ai chứ: nói mụ ấy, mụ ấy đấy! – Katerina Ivanovna bắt đầu trỏ bà chủ nhà cho chàng. – Ông thử nhìn mụ mà xem: mắt mụ đang long lên sòng sọc, mụ biết tôi đang nói chuyện về mụ, nhưng không hiểu nói gì, tức lồi cả mắt lên. Xì, thật như con cú! Ha – ha – ha? – Một cơn ho cắt ngang tiếng cười. – Mụ đội cái mũ chụp ấy để khoe cái gì nhỉ? – Bà lại ho – Ông có để ý thấy không, mụ ta cứ muốn mọi người tưởng mụ ta che chở cho tôi, và mụ đến dự thế nầy là vinh hạnh cho tôi lắm. Tôi tưởng mụ là người tử tế, nhờ mụ mời những khách cho kha khá một chút và phải là những người có quen với nhà tôi, thế mà ông xem, mụ ta mời những ai: toàn một lũ hề ở đâu ấy! Một lũ vô lại ông thử xem cái thằng cha mặt bẩn kia kìa: một thứ sên đi hai chân! Còn mấy thằng Ba Lan kia… ha – ha – ha! – tiếng cười chuyến thành tiếng ho – Chúng chưa từng đến đây bao giờ, từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ trông thấy mặt chúng: thế thì xin hỏi ông chúng đến đây làm cái gì? Chúng ngồi cạnh nhau, trông nghiêm chỉnh ra phết.

– Nầy, pane3 – bà ta bỗng quát gọi một người trong bọn họ. – Pane đã ăn chả rán chưa? Ăn nữa đi, uống bia đi, uống bia đi! Không uống vodka à? Ông xem kìa: hắn đứng phắt dậy chào, ông xem, ông xem chắc là đói meo ra, tội nghiệp! Thôi được cho chúng ăn. Miễn là đừng có làm ồn, ít nhất cũng phải thế… quả tình tôi chỉ sợ cho mấy cái thìa bạc của bà chủ nhà! Amalya Ivanovna? – bà bỗng quay sang bà chủ nhà nói khá to, – nhỡ họ có cuỗm mất thìa của bà thì tôi không chịu trách nhiệm đâu, xin nói trước như vậy! Ha – ha – ha! – Bà cười phá lên một tràng, ngoảnh về phía Raxkonikov hất hàm chỉ bà chủ nhà, rất thích thú với câu nói kháy. – Không hiểu! Lần nầy mụ ta vẫn không hiểu? Cứ ngồi há hốc mồm ra, ông xem như một con cú, thật y như con cú, trên mào có thắt dải ruy băng mới, ha – ha – ha…

Đến đây tiếng cười lại chuyển thành một trận ho dữ dội kéo dài đến năm phút. Một vệt máu dính trên khăn tay, trán toát mồ hôi hột. Bà lặng lẽ đưa cho Raxkonikov xem vệt máu, và chưa kịp thở bà ta lại thì thầm nói với chàng sôi nổi, mà nổi lên những đám đo đỏ:

– Ông thử xem, tôi đã nhờ mụ ta làm một việc có thể nói là hết sức tế nhị, là mời bộ hai mẹ con cái bà thượng lưu kia, ông có hiểu tôi đang nói đến ai không? Ở đây cần phải xử sự thật tinh tế, khéo léo, thế mà mụ đã làm thế nào không biết đến nỗi cái mụ nhà quê ngốc nghếch mới lên tỉnh kia, cái thứ không đáng một trinh mà cũng lên mặt, chỉ vì mụ ta là vợ goá một thằng cha thiếu tá nào đấy lên đây xin lương quả phụ, luồn lọt khắp các công sở, năm mươi tuổi đầu mà còn đánh phấn, thoa son và nhuộm tóc (ai mà chả biết), một thứ người mạt hạng như thế mà mời không thèm đến, thậm chí cũng không thèm cho người đến cáo lỗi, nếu quả không thân hành đến được, thật đến cái lễ độ tối thiểu cũng không biết! Tôi không hiểu tại sao ông Piotr Petrovich cũng không đến. Còn Sonya đâu? À, nó đây rồi, thật là may! Sao Sonya, con đi đâu thế? Đám tang bố mà cũng đến muộn thì lạ thật. Rodion Romanovich, ông cho nó ngồi cạnh với. Chỗ của con đây, Sonyeska… muốn ăn gì thì cứ ăn đi, ăn món cá nấu đông nầy ngon hơn nầy, chả rán sẽ bưng lên ngay. Bọn trẻ có rồi chú. Polenka, đằng ấy có đủ món cho các con không? – Bà ta lại ho một chập, – Thôi được. Lena phải chp ngoan nhé, Kotia đừng có đu đưa hai chân; phải ngồi cho ra dáng con nhà quý phái. Con nói gì Sonyeska?

Sonya vội và chuyển ngay lời cáo lỗi của Piotr Petrovich, cố nói cho thật to để mọi người đều nghe, dùng những lời lẽ thật lịch sự tao nhã, thậm chí, còn cố ý thêm thắt và tô điểm vào nữa. Nàng nói thêm rằng Piotr Petrovich có dặn thưa lại là hễ có dịp ông sẽ đến ngay để nói chuyện riêng về công việc và bàn xem sau nầy có thể làm gì, mưu tính những gì, v.v…

Sonya biết rằng nói như vậy sẽ làm cho Katerina Ivanovna yên lòng và khuây khoả, sẽ mơn trớn lòng tự ái và nhất là sẽ thoả mãn được tính kiêu hãnh của bà. Nàng vội vàng chào Raxkonikov rồi ngồi xuống cạnh chàng và tò mò liếc nhanh về phía chàng. Tuy vậy suốt từ đấy về sau nàng cứ tránh nhìn chàng và tránh nói chuyện với chàng. Nàng lại còn có vẻ lơ đãng nữa, tuy vẫn nhìn vào mặt Katerina Ivanovna để cho bà vui lòng. Nàng cũng như Katerina Ivanovna đều không mặc tang phục, vì không có áo; Sonya đã chọn một chiếc áo nâu, chiếc áo thẫm màu nhất, đem mặc, còn Katerina Ivanovna thì mặc chiếc áo dài độc nhất còn lại, bằng vải in màu xin xỉn có sọc. Những lời nhắn nhủ của Piotr Petrovich được tiếp đón rất niềm nở.

Katerina Ivanovna trang trọng nghe Sonya truyền đạt, rồi vẫn giữ cái vẻ trang trọng ấy, bà hỏi thăm sức khỏe Piotr Petrovich, đoạn quay ngay sang Raxkonikov nói thì thầm, nhưng nghe rất to, rằng quả tình một con người oai vệ và đáng kính như Piotr Petrovich mà rơi vào một “đám người kỳ quặc” như thế nầy thì rất lạ, tuy ông ta rất tận tuỵ với gia đình bà và vốn là bạn cũ của cụ thân sinh bà.

– Cho nên tôi đặc biệt cảm ơn ông, Rodion Romanovich ạ, vì ông đã không khinh rẻ lòng hiếu khách của tôi, ngay trong một hoàn cảnh như thế nầy, – Bà nói khá to, – vả chăng tôi cũng biết rằng chỉ vì thương tình chồng tôi mà ông giữ lời hứa.

Rồi bà ta lại nhìn qua đám khách khứa một lượt, vẻ kiêu hãnh và đường bệ, rồi bỗng tỏ vẻ ân cần đặc biệt hỏi to ông già điếc ngồi bên kia bàn, xem ông ta có muốn ăn thêm thịt rán không, và người ta đã rót rượu Porto cho ông ta chưa. Ông già không đáp và hồi lâu không hiểu người ta hỏi gì mình, tuy những người ngồi cạnh cứ huých vào người ông ta để cười với nhau, ông ta chỉ há móm ngơ ngác nhìn quanh, khiến cho mọi người càng cười già.

– Rõ là đồ ma dại! Xem kìa, xem kìa? Họ đưa hắn đến làm gì thế không biết? Còn như Piotr Petrovich thì xưa nay tôi vẫn tin tưởng? – Katerina Ivanovna nói tiếp với Raxkonikov – và dĩ nhiên ông ta không giống… – Bà quay sang Amalya Ivanovna nói to và xẵng, vẻ nghiêm khắc đến nỗi bà chủ nhà đâm hoảng lên, – không giống cái bọn nạ giòng diêm dúa nhà bà: bọn ấy thì có muốn xin vào nấu bếp ở nhà cha tôi cũng không được đâu. Giá nhà tôi còn sống mà tiếp họ thì thật vinh dự cho họ, vả chăng có tiếp cũng chỉ vì nhà tôi rất thương người đó thôi.

– Vâng ạ. Ông nhà rất hay rượu; ông uống nhiều lắm! – lão nhân viên quân lương về hưu bỗng rống tưởng lên trong khi nốc chén rượu thứ mười hai.

– Sinh thời nhà tôi quả có cái tật ấy, ai cũng biết thế, – Katerina Ivanovna chộp ngay lấy câu nói của lão nhân viên quân lương – nhưng nhà tôi là người hiền lành và cao thượng, biết kính trọng gia đình, biết thương vợ thương con; chỉ phải cái nhà tôi vì tốt bụng mà quá tin những kẻ xấu xa truỵ lạc, bạ ai cũng kết bạn đánh chén, toàn là những hạng không bén đến gót giầy nhà tôi! Rodion Romanovich ạ, ông thử tưởng tượng: khi liệm tôi tìm thấy trong túi nhà tôi một con gà bằng bột ngào đường: say như chết rồi mà vẫn còn nhớ đến con.

– Gà à? Bà nói là một con gà à? – lão nhân viên quân lương kêu lên.

Katerina Ivanovna không thèm đáp. Bà quay ra suy nghĩ điều gì và cất tiếng thở dài.

– Chắc ông cũng nghĩ như mọi người rằng tôi đối xử với nhà tôi quá nghiệt ngã. – bà nói tiếp với Raxkonikov. – Thật ra không phải thế! Ông ấy rất nể tôi, nể lắm! Ông ấy tốt bụng lắm! Nhiều khi tôi thương nhà tôi quá. Có những lúc ông ngồi trong xó nhìn tôi tội nghiệp quá, cũng muốn vỗ về, an ủi ông ấy, nhưng rồi lại nghĩ bụng: “Dịu dàng với ông ta thì ông ta lại chè chén mất thôi”, phải nghiêm may ra mới giữ được ít nhiều.

– Vâng, có khi phải túm lấy tóc lôi xềnh xệch ấy, đã nhiều lần rồi đấy, – lão nhân viên quân lương lại rống lên và rót thêm một cốc vodka nữa.

– Không phải chỉ túm tóc mà thôi đâu! – Katerina Ivanovna cắt ngang – Có những thằng ngốc còn phải lấy chổi mà quét ra khỏi nhà ấy. Đây là tôi nói kẻ khác chứ không phải nói nhà tôi đâu.

Những đám đỏ trên má Katerina Ivanovna mỗi lúc một thêm thẫm màu, ngực bà phập phồng. Chỉ thêm chút nữa là bà sẵn sàng gây sự. Có nhiều người cười khúc khích, rõ ràng là họ thích chí lắm. Có mấy người huých lão nhân viên quân lương và nói thì thầm với lão hẳn là muốn xúi bẩy thêm.

– Vậy xin hỏi bà vừa nói, nghĩa là… vừa rồi… bà định ám chỉ… vị nào ở đây?

– Thôi chả cần! Chỉ nhảm! Một mụ đàn bà goá ấy mà! Thôi bỏ qua cho mụ ấy…

– Cho qua! – đoạn lão ta lại nốc rượu.

Raxkonikov im lặng ngồi nghe, trông ông thấy ghê tởm. Chàng chỉ ăn qua loa lấy lệ những thứ atêTina Ivanovna bò vào cho chàng, mà cũng chỉ để bà ta khỏi mếch lòng. Chàng chăm chú nhìn Sonya. Nhưng Sonya bấy giờ mỗi lúc một thêm lo âu và sợ hãi; nàng cũng cảm thấy bữa tiệc sẽ không kết thúc êm thấm, và lo sợ theo dõi thái độ mỗi lúc một thêm cáu gắt của Katerina Ivanovna. Vả lại nàng cũng biết rằng nguyên nhân chính đã làm cho hai người đàn bà mới lên Petersbung từ khước lời mời của Katerina Ivanovna một cách khinh miệt như vậy chính là nàng, Sonya. Chính Amalya Ivanovna có nói với nàng rằng bà mẹ còn lấy làm khó chịu khi nghe mời và hỏi: “Làm sao tôi lại có thể để cho con gái tôi ngồi cùng bàn với cái ngữ ấy?”. Sonya cảm thấy Katerina Ivanovna đã biết được việc nầy, và đối với bà, một điều gì xúc phạm đến Sonya còn quan trọng hơn là xúc phạm đến bản thân bà, đến con cái bà, đến cha bà nữa, tóm lại đó là điều sỉ nhục đau đớn nhất đối với Katerina Ivanovna. Sonya lại biết rằng bà sẽ không sao nguôi lòng nếu “chưa nói được cho hai con mẹ nhà quê diêm dúa kia biết rõ chúng đều là v.v…”

Vừa lúc ấy, như cố tình, có một người nào ngồi ở cuối bàn nhờ chuyển đến cho Sonya một cái đĩa trên đặt hai quả tim nặn bằng ruột bánh mì đen có một mũi tên xuyên qua. Katerina Ivanovna lồng lên và lập tức chõ về phía cuối bàn nói to lên rằng kẻ nào vừa làm như vậy hẳn là mục “con lừa say rượu”.

Amalya Ivanovna cũng linh cảm thấy có triệu chứng bất thường, đồng thời thái độ khinh khỉnh của Katerina Ivanovna cũng làm cho bà ta bầm gan tím ruột đi. Muốn cho không khí đỡ nặng nề và lái cho khách khứa chú ý sang hướng khác nhân thể cũng để đề cao mình lên trước mặt mọi người, bà ta bỗng dưng bắt vào kể lể rằng một người quen của bà là ông “Karl ở hiệu thuốc” có một đêm đang đi trên xe ngựa thì bỗng “người ténh xe muốn giết ông ta và Karl fan nài xin hắn từng giết, chắp tay khoóc loóc mãi, sộ khiếp fa ti“. Katerina Ivanovna cũng mỉm cười, nhưng lại nhận xét ngay rằng Amalya Ivanovna không nên kể chuyện bằng tiếng Nga.

Amalya Ivanovna lại càng thêm tức, và cãi lại rằng ông. “Vater aus Berlin”4 của bà ta “là một nhân vật rất trọng yếu và hai tay bao giơ cũng thò vào túi quần”.

Katerina Ivanovna, tính vốn dễ cười, không sao nén được nữa và cười phá lên như nắc nẻ, đến nỗi Amalya Ivanovna mất hẳn tự chủ.

– Con mẹ mới lố làm sao! – Katerina Ivanovna lại vui vẻ thì thầm với Raxkonikov, – định nói hai tay bỏ túi mà thành ra thò tay móc túi người ta, hi – hi! Và ông có nhận thấy không, ông Rodion Romanovich, tất cả những bọn ngoại quốc ở Petersbung ấy mà, nhất là bọn Đức ở đâu đâu kéo sang ta, đều ngu hơn người mình cả? Ông cũng thấy đấy, ai đời lại đi kể rằng “Karl ở hiệu thuốc sộ khiếp fa ti” (thằng cha thật dát như cáy) và đáng lẽ trói gô thằng đánh xe lại, thì đằng nầy lại “chắp tay khoóc loóc fan xin”. Chao ôi, ngốc ơi là ngốc! Thế mà tưởng là cảm động lắm đấy, và cũng không hề ngờ mình ngốc đến thế nào? Theo tôi thì thằng cha mắm muối gạo tiền say be bét kia còn khôn hơn nhiều; ít nhất cũng thấy được rằng hắn đã say mèm, bao nhiêu trí khôn trút vào đấy cốc hết rồi, còn mấy lão kia thì đều ra vẻ nghiêm trang đứng đắn cả… Đấy, mắt mụ ta cứ long lên sòng sọc. Tức lắm! Tức tắm đấy! Ha – ha – ha! – tiếng cười của bà lại chuyển thành một cơn ho.

Vui lên, Katerina Ivanovna mê mải kể hết chuyện nầy đến nọ, và đột nhiên nói rằng với số lương quả phụ xin được bà ta sẽ mở một ký túc xá cho con gái quý tộc ở tình nhà. Bà ta chưa lần nào nói riêng với Raxkonikov về việc nầy, cho nên lập tức say sưa đi vào những chi tiết đầy sức quyến rũ đối với bà. Bà bỗng lấy ở đâu ra một tấm “Bằng khen”, chính tấm bằng mà mồ mả ông Marmelazov đã nói chuyện với Raxkonikov dạo trước trong tiệm rượu, khi kể rằng hôm làm lễ tốt nghiệp Katerina Ivanovna đã nhảy điệu khăn san “trước mặt quan tổng trấn và nhiều nhân vật khác”. Bây giờ tấm bằng khen ấy hẳn là đang được dùng làm một chứng chỉ tỏ ra rằng Katerina Ivanovna có đủ quyền mở ký túc xá; nhưng nó được để dành chủ yếu là để trị cho “hai con mẹ nhà quê diêm dúa” kia một mẻ ra trò, nếu chúng đến dự tiệc tang, và cho chúng thấy rõ rằng Katerina Ivanovna vốn là con nhà quý phái, “có thể nói là quý tộc thượng lưu vào bậc nhất nữa, là con một quan đại tá, và chắc chắn bà hơn xa những thứ đàn bà chuyên chạy chọt cầu may ở đâu mọc ra nhan nhản trong mấy năm gần đây”. Tấm bằng khen lập tức được truyền qua tay các ông khách say mèm, và Katerina Ivanovna cũng cứ để yên, vì trong bằng quá có viết en toutes lettres5 rằng bà ta là con gái một vị tư vấn hoàng cưng được thưởng huân chương bội tinh, và như vậy tức cũng gần như một vị đại tá.

Bốc đồng lên, Katerina Ivanovna quay ra kể lể dài dòng về đủ các thứ chi tiết nầy nọ trong cuộc sống êm đềm và tươi đẹp sau nầy ở T, nào là mình sẽ mời các giáo viên trung học về dạy trong trường ký túc, nào là trước kia mình học tiếng Pháp với một ông thầy Pháp tên là Mango, một ông già dáng kính nay đang yên dường tuổi già ở T… và chắc chắn sẽ nhận lời đến dạy với một số lương hết sức phải chăng. Cuối cùng bà cũng nhắc đến Sonya: nàng sẽ “cùng về T… với bà để giúp đỡ bà trong mọi việc”. Nhưng đến đây ở cuối bàn bỗng có ai phì cười lên. Katerina Ivanovna lập tức cố làm ra vẻ khinh khỉnh không nghe thấy tiếng cười ở cuối bàn, nhưng lại lập tức cố ý cất cao giọng lên, say sưa nói về những năng lực của Sofia Xemionovna, chắc chắn có thể làm người cộng tác đắc lực của bà, nói đến “tính dịu hiền, kiên nhẫn, lòng hy sinh, tâm hồn cao thượng, và học vấn” của nàng, vừa nói vừa vỗ vỗ lên má Sonya, rồi đứng dậy ôm nàng hôn hai lần, rất thắm thiết. Sonya đỏ bừng mặt, còn Katerina Ivanovna thì bỗng khóc oà lên, rồi lại nhận xét ngay rằng mình là “một con mẹ ngốc yếu thần kinh, lại đang lúc hoang mang quá sức”, rằng “đã đến lúc phải kết thúc, bây giờ ăn xong rồi, phải dọn trà lên thôi”.

Ngay lúc ấy Amalya Ivanovna, trong lòng đã giận sôi lên vì suốt câu chuyện không được góp một câu nào, thậm chí người ta cũng chẳng thèm nghe bà nói nữa, liền đi một, nước liều cuối cùng.

Bà ta giấu vẻ bực dọc, đánh bạo nói với Katerina Ivanovna một điều nhận xét hệ trọng và sâu sắc, là trong trường ký túc tương lai phải chú ý đặc biệt đến áo quần lót của các nữ sinh (die Wasche), phải giữ sao cho nó thật sạch, và “nhất tịn cần phải có một pà (die Dame) rất tốt để trôông nom áo quần cho chu đáo“, và thứ đến là phải cấm “các cô con kái trẻ toọc trộm tiểu thuyết pan tệm“. Katerina Ivanovna, bấy giờ quả nhiên đang hết sức hoang mang, mệt mỏi và phát chán lên với bữa tiệc, lập tức “cắt ngang” Amalya Ivanovna, nói rằng bà ta chỉ “nói nhảm” và chẳng hiểu gì hết; rằng lo đến áo quần lót (die Wasche) là việc của người quản lý chứ không phải của bà hiệu trưởng một trường ký túc quý phái; còn như chuyện đọc tiểu thuyết thì chỉ nói như vậy thôi cũng đã quá khiếm nhã rồi, và xin bà ta im đi cho. Amalya Ivanovna nổi khùng lên nói rằng bà ta có “thiện ý”, bà ta rất muốn “tiều lènh tiều tốt, rằng người ta “mãi không chịu trả tiền nhà (des Geld)” cho bà. Katerina Ivanovna lập tức “trả miếng”, nói rằng bà ta nói dối chứ “thiện ý” gì mà thiện vì ngay từ hôm qua, khi thì hài chồng bà còn nằm trẹn bàn, bà ta đã làm tình làm tội về chuyện nhà cửa rồi.

Bà Amalya Ivanovna liền nhật xét một cách rất ăn nhịp với câu trên, là bà ta “tã mồi các pà kia, nhưng họ không tến, vì họ là người quý phái khôông thể tến nhà người khóông quý phái được“. Katerina Ivanovna lập tức “nhấn mạnh” rằng một mụ cầu bơ cầu bất như bà ta thì làm gì có tư cách phán đoán thế nào là quý phái thật, thế nào là quý phái giả. Amalya Ivanovna không chịu được nữa, bèn tuyên bố rằng ông “Vater aus Berlin” của bà ta là một người “rốt, rốt quan troọng, khi nào ti hai tay cũng thò fào túi, mồm thở puf!, puf!” và để cho mọi người hình dung thật rõ ông Vater, bà ta đứng phắt dậy, thọc cả hai tay vào túi, phồng má lên, mồm phát ra những âm thanh mơ hồ nghe như puf! puf! làm cho khách khứa cười rộ lên: họ cố ý cười như vậy để khuyến khích bà Amalya Ivanovna, vì biết trước thế nào cũng có một cuộc xung đột. Nhưng thế nầy thì Katerina Ivanovna không còn tài nào chịu được nữa, liền “nhấn mạnh” cho mọi người đều nghe thấy, rằng có thể bà Amalya Ivanovna xưa nay không có Vater gì cả, bà ta chẳng quả là một mụ kiều dân “Phần Lan ở Petersburg”, chắc chắn trước đây đi ở nấu bếp cho nhà ai, có lẽ còn tệ hơn thế nữa. Mặt bà Amalya Ivanovna đỏ ửng lên như con tôm luộc, và bà tru tréo lên rằng chính Katerina Ivanovna mới “không hề có Vater” còn bà ta thì có ông “Vater aus Berlin”, mặc áo đuôi tôm dài thế nầy nầy, mồm lúc nào cũng puf! puf! puf!.

Katerina Ivanovna khinh bỉ nói rằng dòng dõi của bà thì ai nấy đều biết và ngay trong tấm bằng khen nầy có ghi bằng chữ in rằng cha bà là một quan đại tá; còn như bố bà Amalya Ivanovna (là nói giả dụ như bà ta có bố thật đi nữa) thì chắc hẳn chỉ là một gã kiều dân Phần Lan ở Petersbung làm nghề bán sữa; nhưng đúng hơn cả là bà ta chẳng hề có bố chút nào, vì cho đến nay vẫn không rõ phụ danh bà ta là gì; gọi là Amalya Ivanovna hay Ludvigovna? Đến đấy bà Amalya Ivanovna như điên như dại nện quả đấm lên bàn, rít lên rằng bà ta là Amal Ivan chứ không phải Ludvigovna, rằng cha bà “tên là Johann, trước làm đến chức thị trưởng” còn cha bà Katerina Ivanovna thì “chưa pao giờ làm thị trưởng“. Katerina Ivanovna liền đứng dậy, và với một giọng có vẻ bình tĩnh (tuy mặt bà tái mét, ngực phập phồng dữ dội), nói với bà ta rằng nếu một lần nữa bà ta còn “dám cả gan đặt cái ông Vater chết tiệt ấy ngang hàng với cha bà, bà sẽ giật phăng cái mũ chụp kia dẫm nát ra”. Nghe thấy thế, Amalya Ivanovna lồng lộn chạy khắp phòng, gân cổ tru tréo lên rằng bà ta là chủ nhà nầy và Katerina Ivanovna phải “cuốn kói ti ngay lệp tíc!”, đoạn chẳng hiểu sao lại cuống cuồng chạy đi thu vén các thìa bạc ở trên bàn. Trong phòng huyên náo hẳn lên; trẻ con khóc oà. Sonya chạy ra toan giữ Katerina Ivanovna; nhưng khi Amalya Ivanovna bỗng léo nhéo những gì về cái thẻ vàng, Katerina Ivanovna ẩy Sonya và xông vào Amalya Ivanovna để thực hiện lời hăm doạ lúc nãy về cái mũ chụp. Nhưng vừa lúc ấy cánh cửa vụt mở, và Piotr Petrovich Lugin hiện ra trên ngưỡng cửa. Ông ta đứng yên đảo mắt nhìn qua các khách khứa một lượt, vẻ chăm chú và nghiêm nghị. Katerina Ivanovna đâm bổ về phía ông ta.


  1. Một khu buôn bán gồm nhiều cửa hiệu chiếm bốn phố ở Petersburg 

  2. Bà trung uý (tiếng Ba Lan). 

  3. Các ông (tiếng Ba Lan). 

  4. Ông bố ở Berlin 

  5. Rõ ràng, phân minh (tiếng Pháp).