Phỏng vấn Trần Đĩnh (7/2001)

Đinh Quang Anh Thái: Ông Trần Đĩnh năm 15 tuổi đã tham gia cuộc tổng khởi nghĩa do cộng sản lãnh đạo ngày 19 tháng 8 năm 1945. Ông trở thành đảng viên năm 19 tuổi, lúc đó, đảng cộng sản Đông Dương rút vào bóng tối, đổi tên thành Hội Nghiên Cưú Chủ Nghĩa Mác và xuất bản tờ báo Sự Thật, ông được điều về viết cho báo này. Sau đó, ông đưọc đưa qua học tại đại học Bắc Kinh. Trong thời gian học, ông tham gia một cuộc họp chống phái hữu, và chính nhờ vậy, ông rút tiả được nhiều bài học quí báu. Bài học đó là, các đảng viên chân chính, tích cực đã nghe lời đảng khuyến khích họ phê bình đảng. Nhưng khi họ phê bình thì bị đảng quay lại đánh. Theo lời ông Đĩnh thì đó là âm mưu của Mao Trạch Đông. Học xong, ông về Hà Nội làm việc một thời gian, thì xẩy ra việc đảng cộng sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà do Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đưa ra.

Ông Trần Đĩnh ủng hộ lập trường của Khrushov và chống tư tưởng Mao, nên bị khép vào tội chống đảng. Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là nhà báo Trần Châu, hay như những người khác như ông Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu đầy như Nguyễn Minh Cần.v.v…, ông Trần Đĩnh cũng bị khai trừ khỏi đảng và chịu nhiều trù dập về mặt tinh thần cho mãi tới ngày nay. Hiện nay, ông Trần Đĩnh đang sống tại Hà Nội.

Đinh Quang Anh Thái: Tâm trạng của ông ra sao, khi nghe thông báo quyết định bị khai trừ khỏi đảng?

Trần Đĩnh: Tôi vào đảng cộng sản lúc tôi chưa 18 tuổi.

Khi tôi ra đảng năm 1976, tâm trạng của tôi lúc bấy giờ rất nhẹ nhàng. Bố tôi lúc ấy ở trong Nam đã viết thư ra nói bằng tiếng Pháp (bố tôi có thói quen viết thư bằng tiếng Pháp) nguyên văn rằng “phải làm lễ mừng cái việc ra khỏi đảng của Đĩnh”. Bố tôi gọi đây là quyết định vĩ đại của tôi.

Sau chiến thắng năm 1975, họ thanh toán tất cả những người nào còn sót lại mà chưa bị thanh toán. Thì lúc bấy giờ họ khai trừ tôi ra khỏi đảng. Năm 75 là chiến thắng mà.

Đinh Quang Anh Thái: Vụ án mà giới lãnh đạo đảng quy chụp là “Xét lại Chống đảng” xẩy ra khoảng năm 1967, giai đoạn đó đúng cao điểm Hà Nội ào ạt đem quân vào miến Nam, lúc đó, lập trường của ông ra sao đối với cuộc chiến?

Trần Đĩnh: Chúng tôi không tán thành, vì xuất phát từ suy nghĩ là thấy dân mình khổ quá. Đánh nhau mãi rồi, đánh nhau thì chỉ có dân chúng bị khổ. Nhất là chúng tôi ảnh hưởng lập trường của Khrushchev là hoà bình là con đường tốt nhất và muốn xây dựng kinh tế thì phải chung sống hoà bình. Chúng tôi không thích chiến tranh, nhưng chúng tôi không cưõng lại được. Chúng tôi bị phê phán, bị đánh ngay từ đầu. Do đó, chúng tôi không đựoc giao việc gì quan trọng trong thời kỳ đánh nhau. Bản thân tôi không được giao làm nhiệm vụ gì cả, không được viết lách gì nữa cả. Rồi chỉ vài năm sau, xẩy ra những vụ bắt bớ nên anh em chúng tôi tan hết.

Đinh Quang Anh Thái: Khi nghe tin đất nước thống nhất ngày 30 tháng Tư năm 1975, tâm tư của ông lúc đó ra sao?

Trần Đĩnh: Tôi vui vì đất nước hoà bình, không chém giết, không đổ máu nữa, nhưng đồng thời cũng lo, không hiểu rằng rồi đây bà con mình, đồng bào mình trong đó sống thế nào.

Đinh Quang Anh Thái: Khi vào Sài Gòn, xã hội Miền Nam, trong mắt ông ra sao ạ?

Trần Đĩnh: Tôi bị quy chụp là phần tử xấu nên mãi hai năm sau ngày 30 tháng Tư 1975 tôi mới được vào thăm miền Nam. Tôi chủ trương rằng đất nước mình phải thống nhất thôi; nhân dân, đồng bào phải tìm nhau như con cùng bố mẹ, trước sau cũng phải tìm nhau thôi, hà tất phải dùng vũ trang.

Cái mà người ta (đảng cộng sản) đánh tôi nhiều nhất là vì tôi chủ trương không dùng vũ trang, không dùng chiến tranh.

Tóm lại, dân tộc mình hai miền đều cùng khổ cả như nhau.

Tôi không phân biệt hai miền. Tôi cho rằng nhân dân mình bị gánh nặng nhiều quá. Dân trí thì kém, dân tình thì khổ cực.

Rốt cục thì cũng phải tìm nhau thôi, như Nam Bắc Triều Tiên, như Đông Đức, Tây Đức, thực ra chẳng ai có thể chia cắt được.

Đinh Quang Anh Thái: Ông nhận định như thế nào về bản hiệp định thương mại Mỹ-Việt được Washington và Hà Nội ký kết hôm 13 tháng 7 vừa qua?

Trần Đĩnh: Có lợi quá chứ. Tôi rất tán thành Mỹ. Đôi bên đều có lợi. Tất nhiên, trong ấy có nhiều người được hưởng lợi hơn, thì phiá Việt Nam có lợi hơn cả. Vì sao? Vì Việt Nam chúng ta là những người đang đi đất, đang đi xe đạp, đang không có tiền, thì nếu được làm ăn, hợp tác với người ta thì theo tôi, nó sẽ tốt, sẽ lợi, làm cho chúng ta trở thành người đi auto, cả nước đi auto, cả nước sẽ có công ăn việc làm, sẽ giàu có, có kiến thức mới, có công nghệ mới, và do đó, vì cấu trúc kinh tế tự do như vậy, sẽ khiến sinh hoạt của xã hội được tự do. Vì kiến thức nó vào thì xã hội phải khác đi. Chứ còn bây giờ cứ nói rằng dân chủ mà người dân thì khổ sở, người ta ra đường cứ phải kiếm ăn từng tý một thì người ta sẽ không thể nghĩ gì tới sinh hoạt dân chủ chân chính.

Đinh Quang Anh Thái: Theo ông nhận định, tình hình Việt Nam hiện nay đang diễn biến theo chiều hướng nào?

Trần Đĩnh: Việt Nam hiện đang có đổi mới, tình hình đang có chiều hướng đi lên. Trước kia, giới lãnh đạo đảng đóng cửa đất nước, bây giờ thì họ phải mở cửa làm bạn với thế giới.

Thế là bắt đầu thoáng rồi đấy. Trước kia, không ai biết tình trạng đất nước như thế nào, bây giờ thì mọi người biết trẻ em suy dinh dưỡng ra làm sao, bệnh viêm gan như thế nào, đói thế nào. Đó là bước đầu của tiến trình minh bạch hoá mọi việc. Những sự kiện đó cho thấy có tiến lên, tất nhiên theo kiểu của Việt Nam.

Đinh Quang Anh Thái: Xin ngắt lời ông, hướng thay đổi đó có tốt đẹp không?

Trần Đĩnh: Tốt đẹp chứ. Thế giới ngày nay đang toàn cầu hoá. Mà khi đã toàn cầu hoá thì dân chủ phải toàn thế giới.

Thế giới mới sẽ có một nền dân chủ cho cả thế giới. Tức là cái tiêu chuẩn chung sẽ thành là của chung. Như tại Việt Nam, tự do kinh tế sẽ khiến dân chúng khá hơn, và tự do kinh tế sẽ dẫn tới những tự do khác. Tất nhiên đảng cộng sản vẫn còn những điều mà dân người ta không bằng lòng thì dân người ta sẽ có ý kiến. Mà tôi cho rằng từ nay trở đi, dân chúng bắt đầu có ý kiến được rồi đấy, mà tôi thấy giới lãnh đạo đảng cũng bắt đầu phải nghe dân rồi đấy. Còn tất nhiên, nghe đến mức nào thì còn cần phải có thời gian. Còn nếu mình quan niệm phải có cái gì long trời lở đất xẩy ra thì suy nghĩ đó cũng không phải. Vì đất nước mình khổ quá rồi, lầm than quá rồi, dân mình chém giết nhau nhiều rồi, thành ra làm thế nào mình phải đưa đất nước lên tốt đẹp.

Đinh Quang Anh Thái: Ông nhận định như thế nào về những người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam như Hoà thượng Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, cựu Trung tướng Trần Độ, nhà văn Dương Thu Hương, nhà trí thức Hà Sĩ Phu v.v…

Trần Đĩnh: Là một người đòi dân chủ, tôi thấy đấy là những người tôi rất ủng hộ. Họ là những người đã từng đau khổ, đã từng có ý kiến như nhau về dân chủ.

Đinh Quang Anh Thái: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.