Chương 3

Tháng 10-1949, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Hơn hai tháng sau Cụ Hồ bí mật len qua vùng địch ở Phục Hoà, Cao Bằng đi Trung Quốc qua Thủy Khẩu. Trần Đăng Ninh, Vũ Đình Huỳnh và Phạm Văn Khoa phiên dịch tiếng Trung Quốc theo cụ. Lý Ban vốn tỉnh ủy viên Quảng Đông đi tiền trạm.

Lúc ấy dưới trướng Lý Ban nắm Hoa kiều vụ có Tắc Vầy, Trương Đức Duy, cán sự vô danh nhưng sau này làm đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, lời lời vào tai Hà Nội đều nặng cân lạng vô cùng. Người đứng trên bè nứa bao giờ nom vẫn kém uy hơn người đứng trên tàu lớn.

Bác xuất ngoại, trong ATêKa chúng tôi rất mực vui. Đang vô thừa nhận mà lại sắp vớ được họ hàng toàn oách ra dáng hết. Đâu có biết đại thí sinh Hồ Chí Minh sắp dự cuộc khẩu thí mà nếu trúng tuyển thì đất nước sẽ đoạn tuyệt hẳn với thế giới.

Chừng một tháng sau, Cụ về. An toàn khu mừng mở tom-bô-la, xổ số. Tôi trúng một bàn chải răng. Dòng chữ Three Stars – Made in Shanghai (Làm tại Thượng Hải) óng ánh kim nhũ như soi thấu suốt lên nữa cái cán mầu san hô mà tôi cứ thấy như hành lang thu nhỏ dẫn vào một xứ sở thần tiên vậy.

Thép Mới rủ tôi gặp Phạm Văn Khoa moi chuyện. Khoa đã được dặn cấm không hé răng. Cuối cùng trong hàng thịt chó trên đường sang Bộ tổng tư lệnh, anh chỉ lộ ra một chuyện.

– Chúng mày xì ra thì chết tao… Ừ, tao làm phiên dịch nhưng nhiều lúc Ông Cụ cũng chẳng cần tao… Ông Cụ sang kiểm thảo với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. Họ không hiểu ta. Họp trong này, bên ngoài tao nhớ là có cái bể bơi nước nóng bốc khói, (lúc ấy ai biết Mao có cái thú giầm mình trong bể bơi). Tao nhìn mấy ông Mao, Lưu, Chu thấy trợn bỏ mẹ. Nhất là Mao trắng hồng, cao lớn, trán nhẵn bóng gần như im lặng suốt buổi, hai bàn tay khoanh lại đút vào hai ống tay áo bông. Ông Cụ nhà mình nói… Thỉnh thoảng Mao lại dặng hắng ừ hừ hữ một cái rất to, kinh bỏ con bà, chẳng hiểu là tán thành hay phản đối. Ông Cụ kiểm thảo xong, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét, góp ý kiến. Thôi, đủ rồi, thôi…

– Thôi thế nào được, – hai chúng tôi cứ hai bên trái phải thi nhau huých đẩy Khoa – Chỉ khai một chuyện nữa thôi thì tha – chúng tôi nói.

– Nói rồi chúng mày lại cứ Khoa Tếu lộ cho chúng mày… Thôi, nói cái này thôi… Khi đoàn đến Bằng Tường, Tẫu bốc phắt luôn mỗi mình ông Bác lên xe đưa đi trước. Mất tướng, bọn tao đi sau lo quá…

– Làm cứ như thổ phỉ thế vậy ư? Không coi quân tướng người ta ra gì, không thèm đếm xỉa đến đám hộ tống bảo vệ Cụ, coi như muỗi mắt à? – chúng tôi cáu.

Gần năm sau thì biết Chu Đức, Liêu Thừa Chí, Nhiếp Vinh Trăn đã xuống tận Bằng Tường “bắt cóc” cụ Hồ đi… Nghe mấy cái tên huyền thoại, chẳng hạn Chu Đức, sướng quá.

Chúng tôi cứ dai nhăng nhẳng ép Khoa phải nói gặp Mao đã làm những gì. Khoa xì tiếp ra một bí mật nữa: sau khi Ông Cụ kiểm thảo, trình bày các cái ta chủ trương và làm, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét…

– Sao lại kiểm thảo?

– Là một chi bộ của Quốc tế mà, không nhớ ư? Phải xin Quốc tế cho nhận xét chứ.

– Thôi được, nhận xét sao? – Thép Mới và tôi dồn.

Khoa nghiêm mặt, hơi sửng:

– Tao chỉ nói một cái nữa thôi, nếu không tao báo cáo xừ Lê Văn Lương là chúng mày bắt tao vi phạm kỷ luật bí mật của Bác.

Chúng tôi đành gật đầu. Khoa nói, Lưu Thiếu Kỳ nhận xét chính sách tiêu thổ kháng chiến toàn bàn của Việt Nam là không cần thiết và lãng phí. Vì những nơi có tính chiến lược thì dù là vùng hoang vắng, địch cũng xây cất để đồn trú còn nơi không có tính chiến lược thì nhà cửa nguyên vẹn địch cũng không ở…

Tôi hơi ức. Bác báo cáo coi như kiểm điểm, thôi được, nhưng sao không phải Mao nhận xét Bác mà lại Lưu? Rồi Trì Cửu Chiến của Mao viết ca ngợi tiêu thổ mà tại sao Lưu lại nhận xét ta như thế. Tôi bảo Thép Mới, Thép Mới ờ hờ một lúc nói:

– Họ cũng phải nói thế chứ chả lẽ cứ học họ là giỏi như họ rồi bình đẳng với họ được sao? Họ muốn vạch một démarcation, tuyến phân rõ thày với trò ra mà mày. Họ muốn nói là ta học họ nhưng tự học cho nên đã bị giáo điều. Muốn gì họ cũng phải nắm được đằng chuôi chứ. Mèo còn không dạy hổ leo cây cơ mà.

– Thày cái gì, chuôi cái gì? – tôi phản ứng.

– Không thì sao lại sang ngồi kiểm điểm với họ? Có kiểm điểm với dân, với tao, với mày không? Nhưng vẫn hơn xưa chứ mày. Quang Trung đánh bại nó mà phải xin nó phong cho An Nam Quốc Vương. Nay bình đẳng quá rồi chứ! Ta Dân Chủ Cộng Hoà, họ Cộng Hoà Nhân Dân, khác nhau đấy.

Khoa cho biết sau đó Mao đi Liên Xô ký kết hiệp ước với Liên Xô đồng thời nhân dịp nói trước với Stalin việc Hồ Chí Minh muốn được gặp.

Sau này tài liệu chính thức của ta nói khi Cụ Hồ qua Bắc Kinh thì Mao đã đi Liên Xô rồi. Vì sao không biết, nhưng theo tôi Khoa nói đúng vì về nước mới mươi ngày anh đã kể với chúng tôi và vì không ai có thể bịa ra chi tiết Mao “ngồi đút tay vào ống tay áo bông mà dặng hắng ừ hừ hử hữ nghe kinh bỏ con bà” sống động như thế được. Sau này kể cho tôi viết hồi ký, Vũ Đình Huỳnh cũng bảo có gặp Cụ Mao nhưng khi vào họp thì Huỳnh phải ở ngoài, buồng Huỳnh ngồi trông ra một bể bơi nước nóng có bốc khói. Lúc ấy Mao sắp sang gặp Stalin và trong nghị sự chắc sẽ trao đổi ý kiến về công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do đó Mao phải nghe Cụ Hồ trình bày trước.

Bây giờ, sau khi đã nếm đủ thứ trò quỷ của cộng sản với nhau, mới hiểu Mao đi riêng là để vạch ranh giới. Hai nước lớn chúng tôi bàn chuyện chúng tôi với nhau là chính đã, sau đó nhân thể tôi sẽ thăm dò lo lót cho chuyện anh xin công nhận cho anh vào phe. Chung quy cốt phân rõ tôi trên anh dưới, anh nhờ tôi giúp, kết quả sao chờ tôi gặp Stalin đã! Còn Stalin biết Hồ Chí Minh đã ở Bắc Kinh nhưng nhận hay tiếp tục từ chối Hồ Chí Minh thì Stalin phải bàn với Mao. Phải chăng Mao chính là nhân tố quyết định làm cho Stalin thay đổi thái độ phủ nhận Hồ Chí Minh?

Sau đó nghe truyền đạt Stalin đã phân công Trung Quốc “phụ trách” Việt Nam, tôi cụt hứng dữ. “Phụ trách” thì phải là Liên Xô chứ sao lại Trung Quốc? Tôi khó chịu nhưng đây là chuyện ở trên tầng chót vót đầy linh thiêng thần bí của Đệ Tam Quốc Tế cho nên không vui rồi cũng cho qua. Lúc ấy chúng tôi sao hiểu nổi đây là món quà Stalin hối lộ Mao. Vả chăng bỏ thì thương mà vương thì chưa hết ghét, nên ông mượn bàn tay Mao nắm giúp!

Nhưng hệ lụy đã nằm lại sâu bền trong vô thức đảng viên cộng sản Việt Nam: vị trí đàn em, bên dưới, yên phận biết ơn đã thành nền móng cho một tư thế ứng xử với Trung Quốc.

Xuân Trường cho biết Bác nhà mình chủ động khẳng định với Bác Mao quan hệ môi răng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tự ái dân tộc thế là xẹp. Vai vế, tôn ti này Bác Hồ đặt ra.

Yêu Bác Hồ chả lẽ lại đi tự ái xằng với Anh Hai. Nên biết chính Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục, (điều lệ thêm câu “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam”, điện đảng gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc viết Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Á Đông v.v… Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẩu của CB (tức Cụ Hồ) phổ biến kinh nghiệm mọi mặt của Trung Quốc… dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào: được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô anh cả, Trung Quốc anh hai. Cũng ngầm hiểu mình là anh ba trong cả phe. Có cha nào dám vũ trang đánh đế quốc như hai ông anh và Việt Nam đâu? Bảo mạng, không dám hy sinh mà. Toàn do Nga giải phóng cho!

Một năm sau, mở Đại hội II, Hồ Chủ tịch nói: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam”. Không thích chui lủi, chúng tôi rất sướng được ra ánh sáng và thế là quên mất câu Cụ nói ngày cho đảng rút lui vào bóng tối: Nếu cần có đảng phái thì sẽ là ĐẢNG DÂN TỘC VIỆT NAM…

Việc đảng ra công khai cũng gây một số thắc mắc. Bọn tôi kêu cái tên Đảng Lao Động Việt Nam yếu quá thì được đả thông ngay:

– Ông Cụ đã thỉnh thị Stalin và Stalin bảo lấy tên này, như Mông Cổ lấy tên là Đảng Nhân Dân Cách Mạng.

Thế ra lúc Cộng sản Đông Dương, lúc Lao động Việt Nam đều do Stalin quyết định cả… Thấm đẫm tinh thần quốc tế nên nghe đả thông như thế lại sung sướng được lãnh tụ tối cao quan tâm đến cho từng li từng tí. Không biết nếu quan tâm thì lãnh tụ tối cao đã ôm lấy chứ đâu để Trung Quốc phụ trách. (Nói thêm về đả thông, tức đánh thông tư tưởng cho khỏi thắc mắc, dao động, bế tắc, chữ đầu miệng của cán bộ đảng viên Trung cộng mới ồ ạt nhập vào từ hội Việt cộng). Bây giờ mới thấy Ông Cụ nhiều phần mượn Stalin ra để đỡ phải giải thích dài dòng.

Chúng tôi còn hậm hực quanh chữ Nhân Dân, tên mới của báo đảng. Sao không giữ Sự Thật? như Pravda của Liên Xô, “Sự Thật mới cộng sản, Nhân Dân là kém nước!” Không nhớ ai đó nói: “Nay Liên Xô giao Việt Nam cho Trung Quốc phụ trách thì Việt Nam phải tỏ ra là vui vẻ chấp nhận chứ. Lấy tên báo đảng Trung Quốc là để nói tôi sẵn sàng đi với đồng chí đây. Chả lẽ ăn không của Trung Quốc à?”.

Cuối cùng Đại sứ La Quý Ba đã trình quốc thư mà mãi vẫn không thấy đại sứ Liên Xô đến, chúng tôi hơi lạ. Thép Mới bạo mồm giải thích: “Thông cảm mày, cha Liên Xô ở châu Âu sống sướng quen rồi, sang ta ở rừng hắn cũng ngại…”.

Lúc ấy chưa nhận hết hàm nghĩa của từ phụ trách. Đúng, thế nào là phụ trách? Là phải ốp sát, kèm chặt ở bên! Đồng chí La có tư cách song trùng: vừa đại sứ cách trở vừa thường xuyên đụng đầu bàn bạc ở cương vị “phụ trách”. Có một vị đại biểu của Quốc tế được chúng tôi cảm thấy gần gũi hơn. Đó là Léo Figuère, ủy viên trung ương Đảng cộng sản Pháp. Là cái bóng trung thành của Liên Xô nên cộng sản Pháp cũng đã từng lờ Việt Nam. Nay Stalin công nhận Việt Nam, cộng sản Pháp bèn cử Léo Figuère sang tìm hiểu ngọn nguồn – có là cộng sản thật không hay giả mạo? – và đặt trở lại mối quan hệ đồng chí.

Yêu cộng sản Pháp, Cụ Hồ gửi Léo mang một sợi dây chuyền vàng về tặng con gái Tổng bí thư Maurice Thorez. Ai ngờ, dây chuyền bỗng không cánh mà bay. Tin tối mật nhưng cũng đã lọt tai mấy đứa ở báo đảng sống kề bên Tổng bí thư.

Lê Phát, đại đội trưởng chỉ huy số lính đi theo bảo vệ Cụ qua vùng Pháp đóng để lên biên giới sang Trung Quốc cho tôi xem những bức ảnh anh chụp Cụ trong chuyến anh có vinh dự hộ tống ấy. Đặc biệt hai ba tấm hình Cụ ngủ trưa đã làm tôi se lòng. Cụ nằm ngửa, chân co chân duỗi nét mặt mệt mỏi. Không, có cả lo lắng, nom bỗng như là một ai đó khác, trần trụi, cô độc. Tôi sao biết nổi tâm trạng hết sức căng thẳng của Cụ lúc đó. Nói sao cho các ông anh đa nghi Tào Tháo tin mình là cộng sản thật? Giải thích sao cho trôi đoạn tình báo Mỹ vào căn cứ địa đầu não? Rồi vì sao lại đem đảng ra mà giải tán?… Tập an-bom này sau Lê Phát tặng Bảo Tàng Cách Mạng. Hộ tống Bác len qua vùng địch sang đất Trung Quốc, cuối đời Lê Phát một mình trốn sang Thụy Sĩ và chết ở trời Tây.

Nhân chuyện an-bom, tôi mượn một tấm ảnh để nói lên thực tại an toàn khu trước khi Cụ Hồ sang Trung Quốc cầu viện.

Tấm ảnh này tôi xin một cô bạn để cho gia đình Lê Đạt nhân giỗ đầu của anh. Cầm nó xem, tôi cứ lạ sao Đạt, trẻ nhất, lại là người mở đầu bức ảnh ở bên trái. Và ngay cạnh anh là Cụ Hồ, hai thày trò duy nhất ngồi xổm bên nhau, cạnh năm sáu thư ký của Trường Chinh đứng sau Tổng bí thư tư lự. Bức ảnh đập ngay vào mắt người xem bởi vẻ hoang vu, tiều tụy: một lán nứa nhỏ ba vách nứa tuềnh toàng không nội thất, sau đó một vạt cây cối bị đốn trơ gốc và miếng đất mới khai phá chưa kịp xây cất nhà lán. Nhưng nổi lên hơn cả là hình ảnh Cụ Hồ và Lê Đạt. Ai xui mà chỉ có hai người ngồi xổm? Cụ Hồ – chắc đến chỗ Trường Chinh có việc – hốc hác đăm chiêu, Lê Đạt mặt còn hơi sữa nhưng nom thẫn thờ. Tôi không thể không nghĩ đến hai cha con một nông dân già bán gà ế chợ chiều ủ ê bên nhau mà đường về thì xa và nhà thì nhẵn gạo… Đặc biệt không một chút ranh giới phân chia đẳng cấp giữa người và người. Không một bóng dáng quyền lực. Tất cả là một khung cảnh buồn, hiu hắt, suy tàn… Mấy thành viên cuối cùng của một bộ tộc sống trên một dẻo rừng biệt lập được National Geography chụp được. Bức ảnh với hết không khí hiện thực ủ ê của nó cho thấy Cụ Hồ không thể không băng qua vùng biên giới bị quân Pháp chiếm đóng để tìm Mao Trạch Đông.

***

Để liền một dải với Trung Quốc, với phe xã hội chủ nghĩa, nói khác đi, để làm được tiền đồn của phe, để thoát cảnh một mình “chiến đấu giữa vòng vây” (chữ của Võ Nguyên Giáp) ta mở Chiến dịch Biên Giới giải phóng Cao Bắc Lạng.

Tháng 8-1950 tôi lên Cao Bằng. Một nhóm lên đường với nhau từ Gốc Thông cửa ngõ Bộ Tổng: Dương Bích Liên, Vũ Cao, Hoàng Nghiêm điện ảnh, Thân Nhất Đài phát thanh và tôi. Bộ đội sang Quảng Tây học tác chiến từ mấy tháng trước trở về rầm rập đêm ngày. Cố vấn Trung Quốc cùng với những con ngựa cao to kiểu Xích Thố chở ngất ngưởng chăn đệm, thau chậu. Cố vấn xuống tới tiểu đoàn, trung đội. Ở tiểu đoàn 251 của Nguyễn Hữu An mà tôi xuống đó, có Lìu dính trảng, Lưu dinh trưởng, da mịn như da đàn bà lấm tấm tàn nhang màu mã não. Có hôm Nguyễn Hữu An buột mồm bảo tôi tên gì mà nghe lại như Húng Lìu dính chảo thế nhỉ? Thường đùa bảo cố vấn nói một hai ba bốn tiếng Việt để ôm bụng cười vì cố vấn cứ một hai ma mốn… Cái nọc dân tộc kỵ nhau vẫn cứ ló ra. Giữ kín đáo nhưng thỉnh thoảng đồng chí cố vấn Húng Lìu dính chảo vẫn để lộ cho biết quân Tưởng tác chiến rất giỏi. Có ý so với nó, quân Pháp kém xa.

Tôi ngày ngày dự các buổi trung đội trưởng Trung Quốc dạy bộ đội ta đánh bộc phá, đâm lê. “Chú ý ngoáy cổ tay, vặn thế này, xốc lên”, anh phiên dịch nói to như gắt. Đoàn báo chí, văn nghệ dự buổi Võ Nguyên Giáp phổ biến trên sa bàn kế hoạch đánh thị xã Cao Bằng.

Tôi còn bức ảnh chụp bữa ấy, trong đó tôi ngả người vào Nam Cao ngồi bậc cuối cầu thang nhà sàn. Bên kia thang là Dương Bích Liên.

Đưa ma Thâm Tâm… Một xóm nhỏ, một suối nhỏ nhảy chồm chồm trên nền đá dựng đứng, đổ nước ầm ầm ngay ở đầu nhà như có tiếng sóng đưa Thâm Tâm qua sông, tôi nghĩ khi len qua hẻm đá, sau cỗ áo… Sau đó cả lũ ôm bè nứa lần lượt qua một cái đầm rộng ven vách đá, đẹp như tranh thủy mặc.

Tôi và Nguyễn Địch Dũng đến trung đoàn 174 của Chu Huy Mân và Đặng Văn Việt.

Tuần sau đánh Đông Khê, không đánh Cao Bằng như kế hoạch ban đầu mà Võ Nguyên Giáp đã giới thiệu sa bàn với đám nhà báo, văn nghệ sĩ. Cố vấn Trung Quốc là đồng chí Trần Canh nói đánh vào cổ con rắn thì nó sẽ oằn người lại và ta có cơ diệt viện…

Xin trở lại chuyện chiến dịch lớn đầu tiên nhưng ở đây tôi chỉ kể lại vài ấn tượng in sâu trong tôi, kẻ lần đầu thử lửa lớn. Đánh Đông Khê, tôi đi với tiểu đoàn 251 chủ công Nguyễn Hữu An của trung đoàn 174. Tiến, người Tày là chính trị viên.

Xẩm tối hôm nổ súng, Nguyễn Đắc nhiếp ảnh, Dương Bích Hồng, sĩ quan địch vận, em trai Dương Bích Liên và tôi leo vào một hang đá trên đỉnh núi (nghe nói ban ngày Cụ Hồ đã vào đây quan sát trận địa) nhìn khắp một vùng núi non vắng lặng. Bên dưới kia một dẻo thung lũng hẹp rất êm ả, hết sức êm ả (thấy cả vài bụi cây còm cõi vàng vọt mà tôi chợt có ý muốn đến đó cùng xây nhà bên suối) chạy từ phải sang trái, đầu bên phải đã chìm vào bóng chiều xẫm lại. Trước mặt một hòn núi đá ngỏng lên bơ vơ ở giữa lũng. Khỏi nó, qua trái, lũng bắt đầu nở ra và xa xa dềnh lên âm u một núi mặt bàn cao, dài, phẳng, ma quái: Đông Khê đồn. Tiểu đoàn chủ công của Nguyễn Hữu An, D5, mà tôi theo đã nửa tháng, đêm nay sẽ húc vào đó.

Trời bỗng tối đi, tất cả như thụt lún xuống. Từ bìa rừng bên phải, mấy con cá lưng đỏ đòng đọc quẫy đuôi bơi ra ở giữa lòng lũng. Lại thấy đó là những bắp chuối rủ nhau dung dăng là là mặt đất và chúng đến đâu, đấy liền ưng ửng hoa đào. Nhưng chúng đã tan vào đâu mất rất nhanh. Mà hòn núi côi cút trước mắt, đồn tiền tiêu Cạm Phầy, mô hình phóng to của cái chày thời đá cũ thì bỗng giãy lên, rung rinh. A, hòn núi cổ quái kia là đồn Cạm Phầy và đàn cá, đàn bắp chuối này là đạn 75 li đến nã vào nó, khai hoả cho toàn trận đánh. Cạm Phầy chợt như bị một bùi nhùi rơm khổng lồ quất vào, lửa văng tung toé. Cùng lúc súng nổ ran tứ phía. Nhưng hết một đêm không xong, Nguyễn Hữu An không vào nổi đồn!

Trưa đến quân y tiền phương của trung đoàn. Nghe báo cáo thành tích La Văn Cầu chặt cụt tay khi lên đánh bộc phá bị đạn đui-xết (đạn 12 ly 7, âm tiếng Pháp – BT). Đưa tin luôn.

Đêm hôm sau tôi nằm với bốn khẩu sơn pháo bắn thẳng của tiểu đoàn trưởng Thành. Thành đưa tôi một điện thoại nghe ban chỉ huy trận đánh chỉ đạo. Cho bắn bao nhiêu viên 75 và còn hô bắn phát thứ mấy thứ mấy. Thành bảo tôi cố vấn Trung Quốc nói mỗi viên đạn pháo giá hai lạng vàng. Nghe suốt đêm Lê Liêm chính ủy mặt trận biên giới giục lính 251 “anh dũng tiến lên, hy sinh cũng lên, không thể để đến sáng nữa…”

Sáng tinh mơ sau đêm thứ hai diệt được Đông Khê, tiếng súng im hẳn. Tôi đeo ba lô lên vai toan dời đó lên đồn thì chợt hai phát đại bác trong đồn bắn ra rít lên gần như ở ngay bên mang tai. Tôi tụt vội xuống cái hốc đất ở trước khẩu pháo tôi vẫn núp cả đêm qua. Lầm chết người! Cái hốc ở sau khẩu pháo. Cái hốc đằng trước nó là mép núi buông thẳng đứng xuống con suối ở dưới đó ba chục mét. Tôi gọi to “Cứu! Kéo tôi lên với!”

Sau khi được kéo lên, tôi rời trận địa 75 li của Thành lên ngay đồn. Vừa tới khúc quành lượn rất đẹp lên đồn – con đường rải nhựa nhẵn thín – tôi phải quay về: bộ đội cấm. Pháp có thể nhảy dù xuống chiếm lại Đông Khê như tháng 5 trước đó.

Tối lên đồn. Tan hoang. Lửa khói. Một lính da đen cụt chân thấy tôi, giương hai con mắt trắng rã vì sợ, lê đít giật lùi tránh. Tôi vội phối hợp với anh ta, rẽ ngay ngả khác. Không muốn mình làm anh ta sợ thêm. Đến một góc đồn. Có lẽ là cái mạn bắc mà đêm qua chính ủy mặt trận Lê Liêm cứ suốt đêm điện thoại vỗ về, thúc giục “a lô D3, a lô D3, cố diệt ổ đui-xết mạn bắc đồn, a lô D3, a lô D3, các đồng chí cố lên…”. Dốc dựng đứng. Xung quanh tối om và mây mù bồng bềnh. Một tấm vải bạt căng lên như một cánh buồm phồng gió giữa biển và góc đồn vắng tanh thì như mũi một con tàu trôi trên sương mù. Cạnh cánh buồm, một đống lửa khá đượm và một lính Pháp nằm bên. Một mình. Mắt nhắm nghiền. Miệng thầm thì không dứt gọi Maman, Mẹ…, Maman

Điểm nhịp cho tiếng nhẩm ôn câu đầu đời, cánh buồm ưỡn cong lên thúc trống. Phần phật… Thình thình… Maman… Phần phật… Thình thình.. Maman

Trong mênh mang mờ mịt, cuộc gọi đáp giữa anh lính Pháp trạc tuổi tôi, hai chục tròn xoe và tiếng sóng gió một chuyến hồi hương ảo khiến tôi không thể rời chân. Càng không dám đến đặt bàn tay giả mẹ lên trán người sắp chết. Sợ phá vị trí thiêng liêng dành riêng cho người mẹ, sợ phá vỡ giấc mơ cuối cùng có lẽ là đẹp nhất của anh lính. Tiếng trống cúng tế hộ tống cuộc lên đường “thình thình, phần phật” đầy ắp không gian, đưa hai âm maman uy nghi thiên di.

Mấy hôm sau chạy trên đoạn Khau Luông, Nà Kéo, Cốc Xá đường số 4, nơi quân lính ta và quân Charton, Lepage quần thảo giáp lá cà, tôi phải dốc lên mặt lọ Coty nước hoa chiến lợi phẩm nhặt trong hầm viên đại uý chỉ huy đồn Đông Khê – nó nằm bên một quả bưởi đã bóc hết cùi chưa tẽ múi, quả bưởi cứ khiến tôi nghĩ đến bóng một người đàn bà trong căn hầm cố thủ hẹp vanh đầy gạch vữa này. Xác lính Pháp nằm dài suốt hai vệ đường bốc mùi thối rữa. Cỏ lau mầu cốm non rạp xuống làm thảm đỡ mịn nhẵn đến không thể ngờ. Trên đó, trên tấm thảm ngỡ được là ủi đặc biệt công phu đó, những lồng ngực trống rỗng như đắp bằng bùn trộn trấu có những búi ruồi say sưa đánh vòng vo ve tíu tít ở bên trong. Một trái nghịch ám ảnh mãi tôi: cái khung bên ngoài xù xì ghê rợn sao lại dung được một vận động hớn hở, trơn mượt thế kia? Có phải chỗ miệng khung mở ra cho thấy không gian bên trong nửa sáng nửa tối kia chính là cái vùng người ta vẫn quàng thắt lưng vào? Có những lần cởi nó ra để rồi sau đó nhớ mãi người đàn bà lặng lẽ chờ. Sau này tôi ngạc nhiên bảo Nguyễn Tư Nghiêm sao lúc ấy lại nghĩ lạ như thế? Nghiêm nói:

– Trước cái mệnh sắp thành hư vô, cậu nghĩ tới cái hành vi tạo nên sự sống

Ngước mắt lên những lưng dốc ở trước mặt: mặt đường đang váng lên một chất ngũ sắc óng ánh mỡ. Ôi, biến hoá của vật chất và phần còn lại của một đời người! Tôi bịt mũi cắm đầu chạy. Chợt nghĩ tới những bà mẹ của các người lính chết này. Nếu ở đây lúc này, chắc các mẹ sẽ sờ lần tìm kiếm chi li từng dấu vết các mẹ rất thông thuộc trên người những đứa con… Và tôi không chạy nữa. Tự nhiên thấy yên tâm cho những đứa con đang tự thể hiện ra ở những dạng thối rữa khác nhau lạ lùng nhưng chắc chắn mẹ họ lại nhận ra được…

Nghe tin ta và cố vấn mâu thuẫn nhau. Cố vấn cho rằng ba ngày đánh Cốc Xá là nướng quân nhưng Giáp quyết diệt quân Charton đóng trên núi… Tự nhiên thấy khó chịu với các cố vấn. Như bị xúc phạm.

Trong tổng kết chiến dịch đã có các cuộc tranh luận khá gay gắt về phối hợp giữa binh sĩ Việt Nam và cố vấn.

Nhưng sau khi kết thúc thắng lợi chiến dịch biên giới, ngày 14-10- 1950, Hồ Chí Minh gửi thư cho Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc: “Tóm lại, tôi cho rằng thắng lợi này là thắng lợi của đường lối Mao Trạch Đông cách mạng, quốc tế chủ nghĩa. Tôi không nói lời khách sáo: “Cảm ơn các đồng chí”, mà nói các đồng chí Việt Nam và nhân dân chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa giành lấy thắng lợi cuối cùng lớn hơn, lấy thành công để đền đáp sự kỳ vọng tha thiết và giúp đỡ to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Liên Xô anh em”.

Chả ai thấy chữ đền đáp kỳ vọng nghe nó quá bề dưới…

Không phải ngẫu nhiên mà đến Đại hội 2 (1951), điều lệ đảng đã ghi “Tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam” của đảng.

Báo Sự Thật đăng bài “Khi chúng ta đánh” của tôi viết về trận nhổ đồn Đông Khê. Hai tháng sau, xong chiến dịch, một tối về đến Chợ Chu, vào quán nghỉ, tôi gặp Từ Bích Hoàng, Sĩ Ngọc ở báo Vệ Quốc Quân. Hai anh cho hay báo các anh đã đổi tên thành Quân Đội Nhân Dân và ra số thứ nhất, ở số báo ra mắt này, các anh đã xin phép đăng ở trang nhất bài “Khi chúng ta đánh”.

Và ở đây xin kể thêm lần hành quân qua Đại Bục, Đại Bác, đèo Khau Vác vào đánh Nghĩa Lộ. Tôi đi cùng Tô Hoài. Trung đoàn 88. Trời mưa dữ dội. Quân lính dừng lại ở bên một con suối rộng chừng hai mươi mét. Nước lũ cường dựng ngược lên một con dốc đứng gào thét. Anh trung đội trưởng hất đầu. Một lính trẻ măng mặt bầu bĩnh, má lũm đồng tiền đi lên. Tối qua anh ngủ gần chỗ tôi. Tiếng lính hành quân lần lượt truyền nhau: “Lệnh không ngâm Tây Tiến của Quang Dũng ủy mị”. Truyền miết nó gần như hoá ra Không… Tây Tiến… anh dũng… Lệnh vừa báo nghỉ thì mấy lính trẻ ồn ào tranh nhau ngủ bên anh lính má lũm đồng tiền. “Nằm với nó ấm lắm!” Bây giờ anh đứng ở đây. Anh nhẹ nhàng trườn vào dòng nước. Tôi thầm khen anh giỏi: biết đánh lén con nước dữ. Nhưng anh trúng nghi binh. Nó đã vồ nghiến lấy anh. Cuộn dây thừng trong tay anh tuột ra văng trên mặt nước như một lằn roi sáng quắc. Và chỉ một dìm xuống rồi một nhồi thúc lên là anh lính liền mất tăm. Khi anh dội ngược trở lên lần cuối, hai mắt anh mở đã dại đờ. Cái chết chớp nhoáng nhưng những nghi thức đi kèm nó lại từ tốn rất mực. Cặp mắt dại kia như mơ màng khép lại, tóc trên trán anh thong thả tách ra từng sợi lượn lờ rồi ngoan ngoãn theo nước mơn trớn phân chia để lần lượt rẽ trái rẽ phải hai bên, quá đều, quá phân miêng, khơi ra một đường ngôi quá thẳng, quá sạch, quá trắng ở chính ngay giữa đỉnh đầu anh. Tôi khẽ nấc và cắn chặt môi. Tôi thấy lại anh ba bốn tuổi đang ngửa mặt lên cho bàn tay mẹ định hình đường ngôi đầu tiên trong đời để anh giữ lấy mãi, đường ngôi mà nay con lũ trung thành đang tỉ mẩn xếp lại cho đúng nguyên mẫu ban đầu.

Tôi nhìn xuống nắm cơm mới bửa trong lòng bàn tay tôi: nó đã thành hai mảnh cùi rỗng bị mưa khoét tan nát hết… Sau đó bám dây qua, tôi trước, Tô Hoài sau. Người, ba lô, ruột tượng (mười ký gạo), tất cả nằm thẳng băng trên sóng cuồn cuộn. Hai đùi rung lên bần bật muốn rời bung ra. Sợi chão lớn chúng tôi ôm bấu lấy nó dạt cong ra như một cánh cung căng hết độ chỉ doạ đứt. Và chúng tôi là những đầu mẩu thừa của những cái nút buộc lật phật trên cánh cung…

Tối hôm ấy, Tô Hoài va tôi ngủ ở sườn núi dốc 30 độ. Đầu gối ba lô, mỗi đứa chèn chân vào một gốc cây cho khỏi tụt… Trước đó, chúng tôi qua một bản Mèo trên đỉnh núi. Ba nhà, mấy người đàn bà mặt phù, vàng ủng nhìn chúng tôi như nhìn người nước ngoài.

Tối hôm sau, đêm hành quân cuối cùng vào vây Nghĩa Lộ, chúng tôi bạt mạng chạy theo người trước mặt qua cây cầu dài mười mét, rộng bằng ba bàn chân tối mờ mờ. Suối reo như sôi bên dưới vực. Vừa chạy vừa nghĩ: Rơi, rơi này… Cái gì đưa chân đi? Không phải mắt! Một vong linh yêu thương nào đó.

***

Tôi ra trận lần đầu vào hồi tháng 8-1948. Kỷ niệm lần thứ ba Cách Mạng Tháng Tám, tỉnh mở “Cuộc tổng công kích Đường 5”. Tôi đi cùng ban chỉ huy một tiểu đoàn hành quân đêm qua vùng chiêm trũng giữa Cẩm Giàng – Gia Lộc để đánh bốt Mao Điền gần Đường 5. Mao Điền này có Văn Miếu đồ sộ không kém mấy Văn Miếu Hà Nội. Giữa chừng lọt vào trúng đồng lụt. Lội lên một xóm nhỏ hẻo lánh vắng tanh có một túp lều tí tẹo xiêu vẹo. Bảy tám chúng tôi vạch liếp vào. Hai người đàn bà, một già chắc là bà, một trẻ chắc là mẹ, và một đứa bé mấy tháng trong tay người mẹ mặt mũi đen nhẻm những vết tro than. Hai người sụp lạy như tế sao: “Bẩm lạy các quan, bẩm lạy các quan sinh phúc…”. Tất cả trở ra. Mình tôi nán lại, nắm tay bà già: “Ta, ta đây mà… ta…”. Thật lòng muốn lạy trả lại hai người đàn bà khiếp đảm.

Khỏi cái lều thì sục vào một bãi hoang đầy thị chín rụng nát dưới chân. Khu Văn Miếu Mao Điền ư! Mùi thơm ngào ngạt, bát ngát kỳ lạ. Cả cái bãi tối như đang được cất bổng lên tới một nơi thanh khiết không hăm hở, không sợ hãi, không người lạy người. Cả đời tôi sau này, ước mong hoà bình luôn hiện ra trong không gian thâm u tràn trề mùi thị lâng lâng đền miếu này…

Sau đó bị phục kích. Quay đầu chạy lui, nước ngang bụng. Những quả hoả châu dập dềnh tròng ghẹo trên đầu.

Trận đánh đầu thị xã Hải Dương có Trần Châu, anh tôi. Những quả mìn nằm trong giọ lợn hai lính khiêng một quả, chẳng rõ thế nào giữa chừng phát nổ. Lộ hết. Thế là rút, không đánh kỷ niệm cách mạng nữa. Nhưng bản tin ty thông tin hôm sau mang măng sét đỏ: Tổng công kích Đường 5 thắng lớn!

Chiến tranh để lại ở tôi ba ấn tượng sâu sắc: buồn, sợ và thương – thương dân, thương đồng đội, thương cả đối phương. Nhưng tất cả đều phải giấu kín. Như giấu nghi ngờ trong đầu: nhiều chiến công là phịa. Và đầu tiên giấu sự thật, cố nhiên.

Cuối cùng một phen hút chết. Sau khi tiêu diệt binh đoàn Charton và Lepage trên Đường số 4 và quân Pháp rút bỏ Thất Khê, ta tổ chức một tối đại lễ mừng chiến thắng ở ngay trung tâm thị xã Cao Bằng. Nghe nói Bác Hồ sẽ đến. Nhưng rồi tan.

Bom Pháp.

Tôi bị trận bom lớn đầu tiên xẩm chiều hôm đó. Ngỡ chữ Thọ vẫn ở trên trán đã văng đi đâu mất. Nằm ngửa nhìn Đa-cô-ta, loại DC3, từng đợt ba chiếc từ từ dịch đến trên nền trời đang tái dần. Đất vặn mình, hơi bom – hay cả mảnh bom – phần phật… Rồi chợt thấy nền trời như một tấm khăn giường rất căng rất phẳng và các chiếc Đa-cô-ta quay về xuôi đang trôi lướt trên đó. Đèn đuôi chúng nhấp nháy êm ả như vài ánh bếp đêm hôm rất gợi nhớ nhà. Biết nguy hiểm đã qua nhưng lại buồn.

***

Trước cảnh chiến địa tan hoang, ngổn ngang xác người tôi cứ luôn thấy buồn. Cố nhiên không dám thổ lộ. Tôi chú ý thấy thương binh địch và ta giống nhau lạ lùng ở con mắt sợ sệt.

Mặc dù ở quân y tiền phương, thương binh ta được cứu chữa tốt hơn… Thì ra cái sợ là dấu hiệu tuyệt đối bình đẳng của con người ở trước cái chết

Tôi không thể quên lần ở đồn Mộc Châu vừa im tiếng súng cuối 1952, tôi hỏi Vũ Lăng:

– Lúc đánh có sợ không?

– Sợ chứ!

– Sợ thật?

– Thật…, vãi đái ra mà. Nhưng chỉ lúc chờ đánh, lúc vây đồn thôi. Còn nổ súng rồi thì hết sợ. Diệt đồn xong, đứng dưới cờ chiến thắng phấp phới, quần đã khô từ bao giờ.

– May, tôi nghĩ thật nhưng nói bằng cái gịọng đùa, nếu cái sợ nó không thể hiện bằng nước mà lại bằng sẹo trên mặt nhỉ?

Vũ Lăng nhồi thuốc vào tẩu ngước lông mày rậm nhìn tôi.

– Thì trên mặt ai cũng dày cộp lên di tích sợ… Khi ấy khéo con người sẽ thôi đánh giết nhau.

Vũ Lăng dư dứ cái đầu tẩu vào tôi… Thuốc trong tẩu là Abdhulla.

Thế là có hôm tôi chợt thấy giá như cái sợ không chỉ để lại di tích trên mặt người bằng những cái sẹo mà cả những thành tích giết địch cũng được lưu lại bằng sẹo trên mặt? Chúng ta sẽ có những anh hùng mà mặt mũi giống hệt người bị hủi cùn hủi cụt. Lúc ấy Nhà nước khéo phải có một hình thức nào đó để giúp phân biệt sẹo anh hùng với sẹo hèn…

Nhưng lại tự dẹp ngay cái ý nghĩ tầm bậy đó. Tôi vẫn chưa nhận ra bản chất bạo lực, nhất là bạo lực vũ trang hay “chính quyền ra từ nòng súng” của cộng sản, hay rõ nữa: với mục tiêu đào mồ chôn tư bản, cộng sản không thể hoà bình với tư bản. Phải đến cuối 2010, đọc Matterhorn, tiểu thuyết ra mắt giữa 2010 viết về một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ chiến đấu ở Khe Sanh, A Lưới, Cam Lộ tôi mới hiểu hơn. Tác giả, Karl Marlantes, tốt nghiệp đại học Yale – như vợ chồng Bill Clinton, W. Bush, Kissinger – 21 tuổi đã là lính ở Khe Sanh và tiểu thuyết này của ông đã được đánh giá rất cao – tác phẩm Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam hay nhất và có lẽ khó có sách nào vượt hơn. Bởi tinh thần nhân văn tràn trề làm chỗ đứng cho tác giả nhìn nhận nhân vật trong tác phẩm. Tôi đã rất cảm động đọc đề tặng của ông: Tiểu thuyết này tặng cho các con tôi, chúng lớn lên với cái hay và cái dở của việc có một người bố là cựu chiến binh Thủy quân lục chiến. Nên biết ông nhận hơn mười loại huân huy chương khác nhau trên chiến trường Việt Nam.

Anh lính có chính ủy giáo dục chỉ thấy thiên đường là dành cho mình, người chính nghĩa; còn địa ngục thì cho thằng phản động, cái đứa mà mình đã lập công giết chết.

Thâm tâm kị chiến tranh, nên tôi nói hơi kỹ cảnh đau lòng của chết chóc. Chính tâm lý ngán chiến tranh đã dẫn tôi tới nỗi tội đồ.

***

Từ Trung Quốc vào ta cùng với vũ khí với những tam tam chế, tứ khoái nhất mạn, nhất điểm lưỡng diện, tiêm đao tung thâm chia cắt…, còn cố vấn, còn chỉnh huấn, có thể nói một nề nếp sinh hoạt mới, một ý tứ mới phải tuân thủ, coi trọng.

Tôi đã dự lớp chỉnh huấn đầu tiên chủ yếu dành cho đảng viên văn nghệ, báo chí ở ATêKa. Lớp cán bộ sang tận Hoa Nam học cách thức về chỉ đạo. Tôi cùng chi bộ – tức một nhà sàn – với Xuân Diệu, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Lê Đạt… năm cái mồm lý sự cùng một số anh chị em khác.

“Mời các đồng chí trọng thính lên trên cùng”. Nam, trong học ủy, trịnh trọng mở lớp. Cả lớp – kể cả thâm nho Ngô Tất Tố – ngớ ra.

– Trọng thính là các đồng chí nặng tai ạ! Mọi người ồ lên.

Tôi vẽ trên báo tường: một người vẹo mặt đi, tai xệ xuống vai vì một quả tạ có chữ “trọng lượng thính”.

Bắt đầu thí điểm cho nên học nặng về tranh cãi chữ nghĩa. Chi bộ tôi bỏ cả ba buổi thảo luận say sưa thế nào là tôn chỉ.

Xuân Diệu cãi hăng nhất. Nhưng hết phần lý luận chuyển sang phần kiểm thảo thì đều cảm thấy ơn ớn. Mang máng một cái gì của sám hối tôn giáo, lờ mờ một cái gì xúc phạm nhân cách, cân cấn một cái gì muốn cưỡng lại nhưng không dám. Trung Quốc làm thế từ Diên An cơ mà! Mỗi người đều phải khai hết sai lầm, khuyết điểm ra với đảng dù nghiêm trọng đến đâu.

Lòng thành khẩn tự phanh phui bản thân là thước đo lòng trung thành với đảng. Xin nói thêm là khai cả tội ác của bố mẹ, vợ con, bạn bè nếu họ có. Một tên chỉ điểm vô hình được cài vào trong từng người. Và khi tên chỉ điểm ấy đã an vị trong anh thì từ đấy cái bóng lù lù của nó – một thằng cò sợ hay một thằng Javert của đảng – bèn trùm lên khắp người anh.

Có thể nói lớp chỉnh huấn tháng 3 năm 1951 ấy là mở đầu cho các cuộc chỉnh huấn đều kỳ của cán bộ đảng viên. Trước mỗi vận động lớn hay trong các cuộc học tập lý luận thường xuyên đều có chỉnh huấn. Chìa khoá vạn năng thúc đẩy tiến bộ tư tưởng! Dĩ nhiên lúc ấy tôi chưa thể nhận thấy đó là cuộc xâm thực ô nhiễm nhân cách. Những người chống Mao ở Trung Quốc chưa cầm quyền, chưa vạch ra mục đích chỉnh huấn nham hiểm của Mao, dùng chỉnh huấn khống chế mỗi tôi con của đảng bằng cách nắm lấy cung của mỗi tôi con – một biến thể của hồ sơ mật thám. Gogol viết một đại điền chủ thu mua các linh hồn chết. Ở đây thì lưu trữ rác rưởi của mỗi linh hồn rồi biến chúng thành một quả mìn đe nổ.

Song lần truy nã tư tưởng đầu tiên chưa gay gắt. Nói chung không có gì ghê gớm. Trừ Ngô Tất Tố bị lưu lại kiểm thảo thêm mấy ngày vì Tố muốn bỏ về sớm. Và Tố đã lỡ khai rằng hồi ở báo Cứu Quốc, trong một lần rượu Tết quá chén, Tố có nói một câu bậy bạ nghiêm trọng như sau: Tôi là con chó, con chó thời Tây rồi thời cộng sản. Cho thời Tây còn ủng oẳng sủa dăm ba tiếng chứ chó thời cong sản thì cúp đuôi nằm im re…

Như Phong, người từng dự bữa rượu kia bảo tôi:

– Bữa ấy, tớ có mặt, tớ cùng ở Cứu Quốc với Tố mà, Tố cứ đấm ngực kêu ô ô lên như mày kể thật nhưng… – Như Phong ôm miệng cười nhìn quanh – đếch biết là hắn say thật hay là vờ để chửi, mày ạ. Theo tớ thì vờ. Dạo ấy đang còn lỏng tay nến chúng nó mượn rượu nói xỏ, nay xem có thằng nào say nói láo nữa đâu!

Khó quên hình ảnh Ngô Tất Tố tóc dài nhưng thưa, hoa râm, lòng khòng đứng cúi đầu ăn cơm, một dáng co cụm như đeo biển miễn giao lưu, ở cái bàn tre đan xiêu vẹo vắng tanh dành cho học viên đau dạ dầy ăn nếp. Thỉnh thoảng Lê Đạt đến ngoác mồm ra tán ở bên…

Nhân đây nói liền sang Tố và công tác tư tưởng thời đó ở trong giới văn nghệ sĩ An toàn khu.

Hai năm trước Ngô Tất Tố dịch “Trời Hửng” của Trung Quốc. Tố sống ở một gian nhà nứa ngay cạnh gian của Nguyễn Tuân nhưng hai vị trưởng lão này kỵ vía, không nói năng với nhau. Mạc Phi bảo tôi, sớm nào Phi cũng đun nước sôi cho Tố pha trà. Anh vừa được cất nhắc vào ban lãnh đạo mới của đoàn kịch Chiến Thắng gồm có Song Kim, Hoàng Tích Linh và anh. Hai nhà lãnh đạo tài ba cũ Thế Lữ và Võ Đức Diên, nhà kiến trúc sư kiêm kịch tác gia và anh ruột của Trần Quang Huy đã bị Tố Hữu phế bỏ. Tố Hữu chỉ thị cho Tích Linh và Mạc Phi, hai đảng viên:

– Đảng đưa hai anh vào đây để làm gì? Để lọc hết máu tiểu tư sản cho đoàn kịch. Lọc rồi thì chuyền máu gì cho anh chị em? Máu công nông binh! Nói cụ thể là phải quần chúng hoá, tập thể hoá, quân sự hoá đoàn kịch… Tập thể hoá là thế nào? Nói cho dễ hiểu là không cần sân khấu, bục diễn, hậu trường, cánh gà, son phấn chi cả. Diễn lửa trà… à… trại… giữa trời, lưa.. trà… à… trại là đi thẳng từ quần chúng đến quần chúng. Tư tưởng tập thể còn là gì nữa? Là việc sao chỉ cần một người hát giọi? Đúng, ta cần là quần chúng đều biết hát, đều tự hát để tự nghe, tự nâng cao tình cảm cách mạng lên. Làm sao phải xòn phe cho rối mắt quần chúng? Bên Trung Quốc vì quần chúng, người ta thay đồ, rê bằng 1, 2, 3, quần chúng nhìn vào hát ngay được.

Theo Mạc Phi thì cụ đồ Tố và Tuân xung khắc nhau. Tố cho là Tuân kênh kiệu vờ để hách lác thật. Điệu bộ sang cả chuyện” lột xác “cho khác người. Tố mách Phi lật cái ảnh con trai Tuân, đại đội trưởng Trần Xuân Trường mà Tuân để ở trên bàn nứa của Tuân ra mà xem mặt sau. Phi xem. Thấy Tuân đề ở sau bức ảnh dòng chữ: “Je suis le fils de mon fils”. (Tôi là con của con tôi). Tố hỏi Phi:

– Xem rồi chứ? Tại sao cứt nhà tôm lại lộn lên làm đầu như thế? Vì công nông binh từ nay là đấng phụ mẫu sinh thành ra bọn trí thức vốn không bằng cả cục cứt.

Một sáng Trường Chinh họp kiểm điểm báo với chúng tôi ở dưới ngôi nhà sàn toà soạn. (Đêm đêm, đó là bãi thả dê của cụ chủ nhà người Tày. Sớm nào chúng tôi cũng nằm sấp trên sàn thò đầu nhìn cụ chủ mở cửa thả dê ra rừng. Bốn năm chục con dê toàn cái chen nhau lao ra. Nhưng tới cửa con nào con nấy đều bị con dê đực chặn lại phủ nhay nháy mấy cái, việc mà chúng tôi đùa là “điểm đít” thay cho điểm tâm).

Đang họp, Trường Chinh bỗng chỉ xuống chân đồi, ngay trước mặt:

– Các anh xem kìa.

Trên bờ tràn ruộng hẹp đầy nước loang loáng giữa những búi lúa mới vổng đuôi gà, ba người rồng rắn đi tới. Ba cái mũ vải (sau gọi là tai bèo nhưng dạo ấy ở An toàn khu gọi là mũ Tô Ngọc Vân), ba túi dết vải toòng teng cùng đeo về bên trái hông, ba cây gậy chống và ba cái tẩu phì phèo. Tất cả những đạo cụ sân khấu đi kèm nhà văn nhà thơ ấy đã được chia đều ra ở đầu, tay, miệng của Tố Hữu dẫn đạo, Nguyễn Tuân khúc giữa và Nguyễn Đình Thi khúc đuôi.

– Các anh xem, bắt chước nhau cho khác người nhưng lại phải giống hệt nhau, văn nghệ sĩ là phải như thế ư? Anh Nguyễn Tuân mặt to ngậm píp còn khả dĩ, chứ anh Tố Hữu mặt choắt thì píp nó che kín măt hết…

Trong mắt Trường Chinh, Tố Hữu không chỉ bé mặt mà còn bé chức. Nhưng đến Đại hội II, ba năm sau, anh đưa Tố Hữu vào sổ Thiên tào – dự khuyết trung ương. Cùng Lê Liêm, Xuân Thuỷ…

Trường Chinh lúc ấy rất quan tâm đến văn hoá văn nghệ.

Lê Đạt được kén làm thư ký mảng này. Một dạo Ban Văn Hoá của Trần Huy Liệu kiện Ban Văn Nghệ của Tố Hữu buôn lậu lấy tiền lập quỹ đen tiêu xài vung vãi. Trường Chinh cử Lê Đạt đến nghe hai bên. Đạt tới và trước hai bên nguyên bị sát khí đằng đằng, toét mồm tự giới thiệu:

– Dạ, thưa tôi đến thế này chẳng qua cũng là anh lính lệ nhà quan.

Trần Huy Liệu cười.

Tố Hữu xầm mặt lại.

Ít ra lúc ấy trên rừng, chủ nghĩa Mác-xít chưa thành chủ nghĩa Mác-mít, chủ nghĩa nồi cơm (tiếng Pháp: marmite – BT)… Chưa có câu “ngậm miệng ăn tiền”, “đi bằng đầu gối”, “mác xít có số”. Cái gì làm cho chủ nghĩa Mác-xít biến âm thành chủ nghĩa nồi cơm? Đảng đã dẫn tất cả đi vào con ngõ cụt, bước theo một ngọn đuốc kị lửa trí tuệ mà các “đồng chí” thèm thuồng đất đai lãnh thổ của mình giương lên…