Chương 10

Hè 1958, tôi đi thực tập ở Thẩm Dương hay Phụng Thiên, Moukhden, kinh đô gốc của tộc Mãn và cũng là kinh đô vua bù nhìn Phổ Nghi thời Nhật. Cơ địa công nghiệp nặng từ thời Nhật, nó đang được Liên Xô giúp xây dựng nhiều nhà máy rất hiện đại. Tôi đến phỏng vấn nhiều nhà máy cơ khí, điện cơ, gang thép, săm lốp xe tải, nhà máy chế tạo thiết bị điện, dây điện thật sự nằm trên một nhà máy đồ sộ thứ hai nữa ở ngầm dưới đất phục dịch nó…

Hôm đầu tôi xuống nhà máy, một chị biên tập viên của Thẩm Dương nhật báo dẫn đi. Chị rất u uẩn, tuy cố giữ vẻ bình thường trước mặt người nước ngoài là tôi. Tôi dần hiểu.

Chồng chị, một trưởng ban của báo đã bị bắt đi cải tạo. Anh “dung túng cho phái hữu chống đảng”. “Tôi nghiêm chỉnh tổ chức và động viên quần chúng thiêu đảng là làm theo nghị quyết đảng”, – anh nói. Thế đảng bảo anh lật đổ đảng anh cũng lật sao?”, – đảng kết luận. Và anh đi đâu vợ anh lúc ấy vẫn chưa biết. Tất cả các trưởng ban của báo này và nhiều cây bút khác đã bị như chồng chị. Những con tốt đảng thí trong ván cờ tìm cỏ độc, rắn độc…

Không hiểu sao tôi cứ thấy như có lỗi với chị biên tập viên dẫn đường. Tôi biết bi kịch của chị mà không dám một lời an ủi. Tôi đã buộc chị

phải chui ra khỏi con kén nó che chở nỗi côi cút kinh hoàng của chị để nói lên những lời nhạt nhẽo với guo ji you ren, quốc tế hữu nhân, bạn bè thế giới… Bạn bè thế giới thì mang lại được gì cho chị? Đám đã đến đây thực tập thì chắc cũng một giọ thừa sức bày mưu tống giam đồng chí.

Nhưng chồng chị và chị cũng cộng sản mà? Nghĩ lắm nhức đầu, tôi chọn mũ ni che tai, coi như không có chị… Rất lạ là sau sự kiện vạch tội bạo chúa Stalin rồi nay bạo chúa Mao kinh hoàng đến thế mà tôi vẫn một niềm tin chủ nghĩa!

Thì cũng không hiểu sao ở Thẩm Dương – phải chăng vì ở ngang vĩ tuyến với Triều Tiên? – mà tôi thường hay lên đứng trên sân thượng tức tầng thứ mười hai của Thẩm Dương nhật báo nhìn trời, hình dung vẩn vơ tới chiến tranh Triều Tiên và Kim Ki Hoan, sĩ quan Triều Tiên, bạn cùng lớp. Kim Ki Hoan cục cằn nhưng rất ngay thẳng. Có hai điều ở anh mà mãi tôi không sao hiểu. Một là khi nghe tôi nói – đúng với ý đảng – Pháp đánh trước nên Việt Nam mới phải kháng chiến, anh liền cáu, “sao để chúng nó đánh trước? tha ma tì, – mẹ nó, bên tao, thình lình ba sư đoàn tràn xuống, phải giành chủ động chứ, chúng ta là cách mạng mà, chẳng mấy chốc chỉ còn lại có mỏm Pu San… tha ma tì, – mẹ nó, Mỹ nhảy vào… không thì nẫng ngon miền Nam rồi… Chúng nó vào, chúng tao phải rút, lệnh là huỷ hết mọi thứ để cho không còn dấu vết lính Bắc, đứa nào cũng chỉ còn có cái xan jiao ku, – khố ba cạnh (tức slip)…, tha ma tì, mẹ nó, Saber Thần Kiếm nó bay dưới cả dây điện cao thế để bắn… Liên Hợp Quốc chúng nó vào… Nhưng cũng hả, đánh những bảy tám nước…

– Quân chí nguyện Trung Quốc thế nào, tôi hỏi?

– Sang nhiều thì lại khoẻ ngủ bậy với gái Triều Tiên. Gặp người Triều Tiên mày đừng nói tới Quân chí nguyện…

Mãi sau tôi mới biết Bắc Triều Tiên không nhắc tới Chí nguyện quân. Sợ làm nhụt tinh thần Juchi, Chủ thể, nghĩa như tự lực ở ta. Tất nhiên Kim Ki Hoan và tôi đều không biết Stalin đã bật đèn xanh cho Bắc Triều đánh. Tăng tiền viện trợ lên, cử cố vấn sang đông gấp bội – tính cứ 45 lính Bắc Triều là có một cố vấn Liên Xô. Tướng Liên Xô Vassiliev đã đặt kế hoạch chiếm gọn Nam Hàn trong vòng một tuần, từ 22 đến 27 tháng 6-1950.

Lên lớp Hán ngữ hiện đại, nghe giảng tiếng Trung Quốc hay, đẹp, ảnh hưởng tới nhiều ngôn ngữ, thí dụ (ảnh hưởng) Việt Nam 70 %, Triều Tiên, Nhật Bản 75 %, Hoan ngồi cạnh tôi cứ khua cá giầy loẹt quẹt, mắt lừ lừ liếc nhìn tôi (tranh thủ đồng minh) còn mồm thì lạu bạu:

Tha ma tì, lúc thi tao sẽ nói không hay, không đẹp, không ảnh hưởng tới tiếng Triều Tiên gì hết…, quẹt quẹt quẹt… tha ma tì!

Tôi đã có lúc ngờ lòng yêu nước của mình yếu hơn Kim Ki Hoan. Nghe nói 70% tiếng Việt là thuổng của tiếng Hán tôi lại thấy ông cha mình nhịu mồm cho thành ra hàng lô giỏi quá.

Điều thứ hai thuộc về sinh học. Kim Ki Hoan một hôm bảo tôi:

– Bên tao có tục ngữ cứ nom miệng người đàn bà là biết cái bên dưới của người ấy ra sao.

Tôi ngẩn tò te thì Kim nói tiếp:

– Hai cái ấy rất giống nhau, tha ma tì, đúng lắm đấy (!!!)

Càng ngẩn ra, tôi nói:

– Tao thể nghiệm làm sao được chứ?

Ki Hoan lườm tôi:

– Cái ấy phải tự mày lo! Định nhờ tao giúp nữa à?

– Ở đâu?

Zhe ge jia huo, cái thằng này. Không đây thì đâu?

Ít ra cũng thấy người Triều Tiên thẳng thắn, chả vờ vịt. Và dâm hơn Việt Nam.

Xong thực tập trở về Bắc Kinh.

Trong nước đang đánh Nhân Văn – Giai Phẩm vòng hai.

Năm ngoái dẹp hai tờ báo của nhóm này ngỡ đã xong nhưng nghe nói Chu Ân Lai có sang phổ biến kinh nghiệm chống phái hữu nên ta lôi ra đánh lại. Mang ra toà. Dính cả đến “gián điệp”. Sau này Lê Đạt bảo tôi Đảng cộng sản Pháp có nói với ta gián điệp này là cảm tình của đảng.

Lộ dần ra hình thái hai biên đội Trung – Việt chắp cánh bay cùng nhau trong vòm trời chuyên chính. Hai biên đội bám nhau như bóng với hình. 1957, Bắc Kinh chống phái hữu, Hà Nội chống Nhân Văn – Giai Phẩm. Mười năm sau, 1967, Bắc Kinh Cách mạng Văn hoá, tiêu diệt bọn xét lại đi đường tư bản, tống giam Chủ tịch nước và Tổng bí thư hay Khruschev thứ nhất và thứ hai của Trung Quốc, Hà Nội chửi xét lại Liên Xô, bỏ tù xét lại nội địa. Chưa đến mức tống giam hại chết nhan nhản như nước anh em nhưng cũng làm lao đao liểng xiểng khối người.

Tả khuynh duy ý chí là bệnh gốc của cộng sản, đặc biệt cộng sản kiểu Mao. Cải cách ruộng đất là lần tả khuynh duy ý chí ở quy mô kinh hoàng ở Việt Nam thế nhưng hình như chúng ta không rút bài học. Nếu rút thì sau những Chống phái hữu, Tiến vọt, Gang thép, mâu thuẫn Trung – Xô…, đến 1963-1964, Lê Duẩn đã không viết “Mấy vấn đề quốc tế và Đảng ta”, coi Mao – chứ không phải Hồ Chí Minh – là Lê-nin của thời kỳ ba dòng thác cách mạng Á – Phi – La toàn thế giới tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội…

Một biểu hiện điển hình của duy ý chí tư tưởng nước lớn là “Con đường Trung Quốc” mà báo Trung Quốc bắt đầu nói tới. Nó ra đời ở Hội nghị trung ương họp tại Bắc Đới Hà, sau khi Mao thị sát chớp nhoáng những công xã nhân dân mới mọc, những lò cao gang thép mới dựng, những “sáng kiến vĩ đại” của dân mà đảng thấy là quá thiên tài nên đã tổng kết lại thành đường lối. Từ quần chúng ra lại trở về quần chúng là thế. Đề cao “con đường Trung Quốc” là cố đả phá con đường Xô viết.

Thời gian này Khruschev bất thần đến Bắc Kinh. Mao hí hửng nói trước với Lý Chí Toại, bác sĩ riêng của Mao:

– Tôi sẽ cắm vào mông cha này một cái kim thật là dài.

Lý kể như thế trong hồi ký “Đời tư Chủ tịch” ông viết cuối những năm 1980 vén lên biết bao bí mật xấu xa của lãnh tụ.

Cây kim thật dài cắm ngay lập tức khi Khruschev đến. Trái nghi thức thông thường, Mao đón ông ta ở bể bơi có mái của Mao trong Trung Nam Hải. Sai lấy xịp (quần tắm) cho Khruschev rồi cả hai bồng bềnh dưới nước chuyện trò đại sự. Khác hẳn Khruschev đón tiếp Mao linh đình trọng thể ra sao năm 1957. Lần này Khruschev sang vì ngại Mao đánh Đài Loan sẽ nổ chiến tranh với Mỹ. Biết thóp, Mao cân não lại.

Trước một đồng minh háo đánh Mỹ như Mao, Liên Xô bèn cố thuyết phục bằng vi thiềng lợi ích vật chất. Đề nghị: 1) Lập một đài phát sóng cực mạnh hai nước cùng dùng nhưng đặt ở trên đất Trung Quốc; 2) Lập một hạm đội hỗn hợp Xô – Trung cùng bảo vệ vùng biển hai nước; 3) Trung Quốc khoan giải phóng Đài Loan.

Mao nhận hai khoản trên nhưng không chịu hoà bình với Đài Loan:

– Các đồng chí chớ can thiệp vào sứ mệnh thiêng liêng của nhân dân Trung Quốc.

Mao biết chạy đua vũ trang quá bở hơi tai, Khruschev muốn kéo Trung Quốc vào cuộc hoà hoãn với Mỹ. Nhưng Mao lại có chủ định của Mao. Không thể hai phe mà phải tam quốc hiện đại. Trong khi chưa thành tam quốc mới được thì mở ra ba thế giới – các nước không liên kết. Ta không cầm cân nảy mực cho các ngươi thì thôi chứ lại?

Khruschev cũng khuyên chớ nên làm công xã nhân dân nhưng Mao bảo đó là con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản đặc thù của Trung Quốc. Ý nói con đường các cậu sai rồi không lên được chốn đó đâu. Một dạo ở ta, chiểu tinh thần Mao, Lê Duẩn nói nếu Việt Nam có sức sản xuất như Liên Xô thì đã cộng sản đứt đuôi từ lâu. Ở Liên Xô, chế độ lương cách xa nhau quá đã ngăn cản tiến lên cộng sản. Duẩn khoe ở Việt Nam lương Tổng bí thư với lương cơ bản hơn nhau có mấy chục đồng! Có sức sản xuất như Liên Xô, Việt Nam đã cộng sản từ tám hoánh!

Nay mới thú thật. Lúc ấy tôi đã ngầm cho một câu: “Tổ sư bốc phét!”

Thất bại, Khruschev về nước sớm trước mấy ngày.

Hội nghị trung ương Bắc Đới Hà liền họp. Ra đời Tổng lộ tuyến mà ta mượn chỉ một mẩu là “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” và thực tế hoá ra “hiếm, chậm, tồi, đắt”.

Ba ngọn cờ hồng là: đại nhảy vọt, gang thép nhân dân và công xã nhân dân. Mao có ý bao cấp cả cho toàn dân, xoá bỏ chế độ lương bổng – trong quân đội xoá bỏ lon gù, nhất loạt một mẩu phù hiệu đỏ – đúng như chế độ cộng sản các tận sở năng các tận sở nhu, cái mà Khruschev gọi là “chủ nghĩa cộng sản mặc quần đùi”.

Công xã nhân dân công hữu hoá búa xua hết mọi tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt, nồi niêu, xoong chảo, thau chậu, phích nước nóng… Ra đồng làm, tới bữa tối thì đến nhà ăn tập thể lĩnh phần cơm và phần nước nóng ngâm chân rồi toàn gia ăn uống, bế bồng, ôm ấp, mai lại ra đồng từ sớm. Trẻ con vào nhà trẻ, người già vào nhà dưỡng lão. Có công xã lập trại con gái riêng, con trai riêng, vợ chồng tháng tháng gặp nhau ăn nằm theo lịch công

xã đặt, tuỳ theo độ tuổi mà dầy thưa khác nhau. Báo đăng câu Mao ca ngợi: cái ưu việt của công xã là nắm được hoàn toàn dân chúng trong tay.

Ông đã nuôi ý định công xã hoá cả thành thị. Để nắm cho không sót thằng dân nào.

Tôi đã thăm mấy nhà dưỡng lão trong đó một nơi làm cho tôi buồn hơn cả là của công xã nhân dân tại nhà máy thuỷ điện Mai Sơn, tỉnh An Huy. Một lán nứa dài trong một rừng nứa rậm, một dẫy sạp nứa dài và cao lênh khênh, ọp ẹp làm giường (có lẽ sạp cao thế này là để các cụ không thể tụt xuống trốn đi). Khoảng ba chục cụ ngồi ngơ ngẩn nhìn khách tham quan đến chiêm ngưỡng “hạnh phúc” của các cụ. Tất cả đều ủ dột, đều con mắt vô hồn dửng dưng và đều co chân cao đến ngực và đặc biệt đều tăm tắp mấy chục cẳng chân phù to tướng, căng bóng, những mặt hàng chĩnh bày trong triển lãm.

Tôi bỗng thấy chúng là những cái bình đựng thư cầu cứu mà trong bão tố, thuỷ thủ đem vất cầu âu vào sóng… Già quá, không lê nổi đến nhà ăn, mà có đến nổi nhà ăn thì hết sức chen hàng, nhiều cụ đành chết đói.

Phải có bằng chứng về tính ưu việt của công xã chứ! Bằng chứng dễ thuyết phục và dễ kiếm nhất là năng suất lương thực. Lập tức báo chí đăng không kịp “sản lượng vệ tinh” – ở nghĩa lên cao vút – ầm ầm vượt nhau. Bắp cải nặng một tạ ba, muốn xài thì phải lấy cưa mà kéo cưa lừa xẻ chứ dao nào chặt cho lại? Lợn một con đứng chật cả thùng xe cam nhông cỡ nhỡ. Một mẫu ruộng (bằng một phần ba mẫu Việt Nam) 500 tấn khoai. Lúa mì 60 tấn… Một nhát các thứ cây trồng biến ra thành toàn là Phù Đổng Thiên Vương hết. Một hôm báo đăng ảnh một tràn ruộng lúa chín với những đứa trẻ nô nhảy ở bên trên. Và Mao Chủ tịch liền nổ lệnh: Ta cho các người từ nay ăn hẳn năm bữa một ngày!

Phóng viên Việt Nam thông tấn xã kiêm tình báo Lê Phú Hào đi tham quan đồng lúa kiêm “sân chơi trẻ con” về đến ngay trường bảo tôi đó là trò bịp. Anh theo nhà báo nước ngoài tụt xuống thì ngỡ anh là đồng bào, người ta giữ anh lại sợ đông quá sập liếp độn ở bên dưới: cắt lúa chín ở nơi khác về cắm chi chít lên trên.

Tôi nói chuyện này với anh bạn “bà sói răng to”. Anh nói anh biết. Dân Trung Quốc bây giờ có hai điều dặn nhau. Một là sau Tam phản, Ngũ phản thì sợ tiền. Tiền là nguồn của tội ác. Nghèo đói mới sạch sẽ, vẻ vang. Thà ăn cỏ xã hội chủ nghĩa chứ không thèm ăn cơm gạo tư bản. Nay sau chống phái hữu, người Trung Quốc sợ thêm sự thật. Sự thật là nguồn gốc của bất hạnh, chết chóc. Đã muôn người đều sợ sự thật thì cũng lại muôn người thi nhau nói phét. Có người nói ở Trung Quốc bây giờ chỉ phản cách mạng mới còn cái đức nói sự thật, nghe sự thật. Còn toàn là hoan nghênh vờ, tin tưởng vờ, hăng hái vờ. Toàn dân nói phét, chui niu, thổi trâu, mà biết tỏng nhau là nó đang nói phét, vui phét hệt như mình…

Tôi lạnh người. Anh nói tiếp:

– Mình có một ông chú họ làm đội trưởng ở công xã. Trên bắt ông khai vống lên lấy sản lượng vệ tinh. Ông không nghe, sợ khai man nộp hết thì đói. Thế là bị đánh gẫy hai hàm răng. Cứ nhè mồm đánh bắt nhận “vệ tinh”. Cuối cùng đầy mồm máu khai man. Nhờ đó được chữa không tiền cái tay bị đánh què nhưng răng thì đắt quá thành ra từ nay ông chú chỉ nuốt không nhai. Sự thật phải nuốt, nhai gẫy răng ngay. Cứ thả cửa nói phét rồi bạo lực giáng xuống cho thật khoẻ vào là cái giả toàn thắng.

Tôi bắt đầu “hư hỏng” vì đã nhận ra chân tướng đại bịp. Người ta lừa bịp đại trà được là nhờ khai thác những bản năng thấp hèn trong con người: sợ và tham lam. Sợ thì thoả được lòng tham. Tham danh, tham lợi, tham tước. Mà sợ rồi thì dối trá nào cũng thành sự thật, bồ hòn nào cũng ngọt, đồ tể nào cũng Đức Phật Như Lai.

Nên nói tiếp đến phong trào nhân dân luyện gang thép. Công đầu là Tăng Hy Thánh, uỷ viên trung ương, bí thư tỉnh An Huy. Ông đã tiếp đoàn báo Việt Nam chúng tôi ở Hợp Phì, nơi Hàn Tín điểm quân và tôi đã đến đó. Ông cho dựng dọc đường xe lửa Mao sẽ đi qua các lò cao luyện thép. Lò rừng rực lửa như hội hoa đăng, dân gang thép múa ương ca tưng bừng bên cạnh. Lãnh tụ hả cái bụng quá. Bèn đề ra mục tiêu gang thép vượt Anh, vượt Đức, vượt Nhật rồi Mỹ cuối cùng.

Từ Thuỷ Tỉnh – Hà Bắc, một huyện có 31 vạn dân đã đề ra mục tiêu “tiến lên chủ nghĩa cộng sản trong ba năm”, vụ hè vừa thu hoạch được 45.000 tấn lương thực, đã đề ra mục tiêu sản xuất 1,1 triệu tấn ngay trong vụ thu tiếp theo (tăng gấp hơn 24 lần, bình quân đầu người 1,8 tấn). Phải ra sức thu gom sắt phế liệu, có thể tháo dỡ các đường sắt tạm thời không có giá trị kinh tế như đường sắt Ninh Ba, đường sắt Giao Đông.

Tôi không tham gia, tuy sinh viên phải nghỉ học làm gang thép đầy trong campus. Tôi mơ hồ thấy chẳng khác nào lột áo quần ra xé tơi rồi đem bật lại thành bông, xe lại thành sợi để dệt nên thứ vải chất lượng khốn nạn hơn nhiều. Không hiểu sao nhìn các quả đấm cửa bằng sứ trắng có lõi sắt người ta quẳng vào chảo quấy, đảo, tôi cứ nghĩ đó là những con ngươi mắt mỗi hộ dân gửi đến để trừng trừng nhìn mà đặt ra câu hỏi đơn sơ: các người làm trò gì đây?

Màn bịp gang thép rồi cũng xếp xó. Nhưng để cho Mao chủ tịch vui lòng vẫn phải giữ lại 60 triệu lao động túc trực bên cạnh các lò cao hao tài hại của…

Lại trở về Hội nghị trung ương Bắc Đới Hà. Ngoài Tổng lộ tuyến, hội nghị còn cho ra một cách khiêu chiến mới đối với Mỹ cốt phá hoà hoãn của Liên Xô với Mỹ. Hội nghị bế mạc được một tuần, lục địa bắn luôn đại bác vào hai hòn đảo Kim Môn, Mã Tổ của Đài Loan nằm ở gần bờ biển Phúc Kiến. Kim Môn chỉ xa chừng hai cây số, trong ngày đầu nhận 89.000 quả pháo. Ngày hôm sau thêm lên 40.000 quả nữa. Căng thẳng cực độ. Chiến tranh như sắp nổ ra từng ngày.

Mỹ cho hai tàu sân bay tới, cộng vào bốn chiếc đã có sẵn. Và trên một chiếc có đậu một máy bay ném bom A3D. Khi cần, boong tàu sẽ mở ra và

một thang máy liền dâng một quả bom nguyên tử để gắn vào bụng chiếc A3D kia cho nó bay đi quẳng xuống Bắc Kinh hay Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu, Quảng Châu gì gì đó. Phóng viên báo Time lộ ra như thế.

Liên Xô liền phải đánh tiếng nếu Mỹ dùng nguyên tử với Trung Quốc thì Liên Xô buộc cho lục địa Mỹ xơi bom nguyên tử.

Phần nào đã thoả mãn về cục diện gay gắt do mình gây ra, Mao bèn đổi sang một kiểu bắn mới: nếu Mỹ không can thiệp thì chỉ bắn hai hòn đảo kia vào ngày lẻ.

Thế giới tưởng Mao phất cờ giải phóng Đài Loan đến nơi nhưng ông bảo Lý Chí Toại, bác sĩ riêng:

– Ai đánh làm gì? Còn Đài Loan đó thì còn đoàn kết nội bộ chứ giải phóng nó rồi thì kiếm đâu ra cái gậy nào để múa lên cho yên nội bộ được đây? (trong hồi ký “Đời tư Chủ tịch”, The President’s Private Life của Lý Chi Toại).

Thế nhưng nhiều người lại đinh ninh ông rừng rực lửa căm thù đế quốc, lửa giải phóng dân tộc, lửa chi viện của đại hậu phương rồi đội ông lên và đến xin ông một chút tâm hồn… Rồi theo cờ ông chỉ mà xông lên đánh.

***

Một sáng, An Cương, phó tổng biên tập Nhân Dân nhật báo đến nói chuyện với lớp báo chí.

– À, xin hỏi, tôi vừa đi Ba Lan về. Nay nơi nào xét lại nhất các đồng chí?

Sửng sốt hết. Vừa bỏ mũ xét lại cho Nam Tư trở về với phe xong thì sao nay lại xét lại?

– Ba Lan, nước tôi vừa mới đến đó.

Kể ra một lô những tệ nạn xã hội, ăn chơi, nhảy đầm, thoát y vũ, thoát ly chính trị, sùng bái phương Tây… Cảnh giác các đồng chí, mất cách mạng, mất đảng vì cái xét lại này. Hở tay hở đùi là nguy cho chế độ rồi đó…

Với tiêu chuẩn chia ra trại đàn ông với trại đàn bà thì ăn nằm xả láng với nhau đúng là phản cách mạng thật.

Tôi không ngờ đời tôi bắt đầu bị yểm chính là từ hôm nghe thấy hai chữ xét lại ấy.

Hai bóng ma Mỹ, Đài Loan chưa đủ cho Mao bắt được ai cũng phải nem nép ở dưới cái gậy ông vung lên. Ông phải thêm cho một bóng ma “xét lại” nội bộ đảng và phong trào cộng sản. Bên ngoài, ông nhằm Khruschev còn ở trong nước ông nhòm đến Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình từng cho hê “tư tưởng Mao Trạch Đông”. Hai vị chống Mao quá hiền lành liền bị Mao gọi luôn cho là Khruschev Trung Quốc thứ nhất là Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình là Khrouchev thứ hai.

Biết Liên Xô đang oải trong chạy đua vũ trang với Mỹ, dân đầy bất mãn, thất vọng, Mao bèn kêu gọi phá chớp nhoáng trật tự thế giới bằng một cuộc “cải cách ruộng đất trên toàn hành tinh”. Địa chủ, cường hào ác bá là đế quốc Mỹ cùng phương Tây, bần cố nông là các nước nhược tiểu có vấn đề với Mỹ, chẳng hạn Việt Nam. Hay mưu lật đổ của Đảng cộng sản ở Indonesia rồi bị Sukarno trấn áp thảm sầu.

Mao đầu tiên hỏi thăm láng giềng Ấn Độ. Trả miếng vụ Ấn cho Dalai Latma tị nạn và che đi yêu cầu độc lập gay gắt của Tây Tạng. Buộc Liên Xô hoặc theo Trung Quốc thì mất liên minh Xô-Ấn, hoặc bênh Ấn thì lòi mặt “xét lại”. Đến 1963-1964 thì Liên Xô bênh Ấn Độ, Hà Nội chửi Ấn Độ và Nerhu có dã tâm chiếm đất Trung Quốc.

Hà Nội hình như hay phù suy, chống thịnh… Đặng chống Mao bằng mèo trắng mèo đen, Mao chống Đặng bằng hồng chuyên thì Hà Nội lại phát động cả nước hồng chuyên. Thủ tướng Đồng đăng một bài rất dài ca ngợi hồng chuyên trên Nhân Dân. Sau này Dương Thượng Côn “chống diễn biến hoà bình” để ngáng Giang Trạch Dân lên Tổng bí thư thì ta cho dịch quyển “chống diễn biến hoà bình” – Chủ mưu là đế quốc Mỹ, và phát làm cẩm nang cho tất cả đại biểu dư Đại hội Đảng VII.