Chương 35

– Sắp xếp đồ đoàn! – viên quản giáo nói.

Y đứng đuồn đuỗn trong khung cửa vừa được mở ra, thân hình lỏng khỏng in những nét sắc lên nền trời trắng bệch.

Lại chuyển chỗ, tôi nhìn y chán ngán. Chuyển phòng hay chuyển trại đây?

Cuối năm 1971 quản giáo bộ đội không mở cửa cho chúng tôi nữa. Thay chân họ là một tay công an. Anh chàng trẻ măng, mặt mũi hiền lành, có phần hơi ngây ngô, với giọng nói ràn rạn của cậu bé vừa vỡ tiếng. Trong chiếc sơ-mi màu trứng sáo, quần âu màu lam thẫm, y giống học sinh năm thứ nhất trường trung cấp nông lâm hơn là quản giáo trại giam.

Anh tù đưa cơm thì thào báo cho tôi biết cha tôi và tướng Giang đều đã bị đưa đi khỏi chỗ cũ, hình như tới một nơi nào đó cũng nằm trong khu vực trại này, nhưng anh không có phận sự tới đó, không biết có đúng như vậy không. Mấy ngày sau anh tù tốt bụng cũng biến mất. Người đưa cơm mới ít lời đến nỗi tôi tưởng anh ta câm điếc, hỏi gì anh ta cũng một mực lắc đầu.

Tức là có tình hình mới, nhưng cụ thể là cái gì thì không sao đoán được.

Cuốn tiểu thuyết – hồi ký hình thành dần. Tôi đang mê mải miêu tả thú đi câu trong những cái ao làng. Tôi viết với niềm hưng phấn ít gặp, khi toàn bộ con người tôi, từng tế bào nhỏ bé, say sưa ngụp lặn trong hồi ức về những ngày xưa đầm ấm với tất cả tâm trạng náo nức chỉ có trong tuổi ấu thơ. Hồi tôi lên sáu, năm 1939, cha tôi đi tù Sơn La, mẹ tôi bận hoạt động, cho nên tôi phải về quê nội ở với bà cả cha tôi, một bà cô già ngoan đạo, sống trọn đời đồng trinh. Trong nỗi buồn sống xa gia đình, đi câu là cái thú lôi cuốn tôi nhiều nhất, đem lại cho tôi nhiều niềm vui nhất. Tôi bồi hồi sống lại tuổi thơ trong ngôi làng bình dị nơi châu thổ sông Hồng. Chìm đắm trong hồi ức nhiều lúc tôi quên bẵng mình đang ở tù. Ðưa mình về với kỷ niệm tuổi thơ là cách chạy trốn thực tại tuyệt vời.

Ðể tiết kiệm những mẩu giấy hiếm hoi lấy được từ những vỏ bao thuốc lá, giấy gói kẹo, tôi phải nhẩm mỗi câu trong đầu nhiều lần trước khi đặt bút, mà lại phải viết nắn nót bằng những chữ li ti như những con kiến gió kia, cho đỡ tốn diện tích. Cái ruột bút bi lại quá nhỏ, chỉ cần lơi ra một chút, tức thì nó lọt xuống kẽ tay.

Cái khó lớn nhất trong việc viết cuốn sách là làm sao giấu được những bản thảo đã viết xong. Bởi vì những khi tôi đi khỏi phòng giam tới nơi hỏi cung các quản giáo có thể vào phòng lục soát, là việc người ta thường làm. Nhưng họ đã không tìm ra, không phải vì tôi tài giấu, mà vì họ lười. Chẳng ai hơi đâu chui xuống gầm phản để tìm cả, mà những trang bản thảo của tôi nằm chính ở dưới đó, trong cái khe giữa tấm gỗ và trụ bê tông. Tôi giấu rất cẩn thận, ngụy trang thật khéo, nhưng tôi không tin rằng nếu người ta quyết tâm tìm cũng không thể tìm ra. Tôi không sợ kỷ luật của trại giam, Thành cho tôi biết người giấu giấy bút trong tù có thể bị tống vào ca-sô, nhưng tôi sợ bị tước đoạt công việc mà tôi muốn làm. Công việc này mang lại ý nghĩa cho thời gian ở tù, cho tôi thấy tôi vẫn độc lập được đối với quyền lực của bọn độc tài.

Viên quản giáo đến đột ngột. Những con cá trê bóng nhãy đen như bóng đêm còn đang quẫy trong đầu tôi. Tôi chỉ kịp giấu mẩu bản thảo xuống dưới chiếc áo rách mà tôi giả vờ vá hết ngày này qua ngày khác, thì y đã mở xong cửa.

– Chuyển phòng? – trống ngực đánh thình thịch, tôi hỏi lại y.

– Sắp xếp đồ đoàn!

Y không trả lời vào câu hỏi, lười biếng nhắc lại.

Tôi còn đang lúng túng, chưa biết xoay xỏa thế nào với mấy mẩu bản thảo nằm bên dưới tấm áo rách nếu như y cứ đứng ỳ ra đấy chờ tôi thu dọn, nhưng thật may, nói xong y quay ra, khóa cửa lại.

Tôi thở phào.

Khi y trở lại thì tôi đã giấu xong những gì phải giấu. Ði cùng với viên quản giáo trẻ là viên hương sư Thanh Hóa. Cũng tử tế như lần đưa tôi từ Hỏa Lò lên Bất Bạt viên hương sư xách hộ tôi đồ đoàn, giờ đây đã lỉnh kỉnh chăn màn, quần áo, với những gói lớn gói bé quà gia đình tiếp tế.

Chúng tôi bước ra ngoài trời nắng, người nọ theo chân người kia qua những ô xà lim im lìm, cửa sổ khép kín, trên con đường nhỏ lạo xạo sỏi đá.

Chuyển trại rồi, tôi nghĩ, tim đập mạnh.

Viên hương sư dẫn tôi về phía chiếc com-măng-ca đỗ trong bóng mát một cây bàng.

Cái mà tôi lo nhất là bị khám đồ. Cái thủ tục rất khó chịu được nghiêm túc thực hiện ở bất cứ trại nào, lúc đi cũng như lúc đến, không có ngoại lệ. Trong lần chót gặp gia đình tôi đã chuyển được một số chương đầu tiên của cuốn sách ra ngoài. Bây giờ chỉ còn lại vài chương được cất trong mấy bao thuốc lá rỗng ruột.

Một người tù đã ngồi sẵn trên ghế sau. Nước da trắng trong, thứ nước da chỉ có ở những người sống lâu trong xà lim thiếu ánh sáng, hai tay bị còng phía trước, anh ta có vẻ như vừa qua một trận ốm. Cảm thấy cái nhìn chăm chú, anh tù quay đầu lại, dò xét nhìn tôi. Viên hương sư leo lên xe, ra hiệu cho tôi chuyển đồ cho y sắp xếp. Sắp xếp xong, y chỉ cho tôi leo lên ngồi bên anh tù. Trước khi bước xuống y rút còng tay. Tôi đưa tay cho y. Mọi việc diễn ra trong im lặng, không ai nói với ai một câu.

Một tiếng cách lạnh lẽo. Hai cổ tay tôi bị khóa chặt. Tôi đưa hai tay lên, ngắm nghía cái còng. Trên nền thép trắng có khắc những chữ Nga viết tắt tên nhà máy sản xuất ra nó. Tôi mỉm cười cay đắng: âu cũng là một sự mỉa mai của số phận. Người ta buộc tội tôi làm gián điệp cho Liên Xô, nay lại khóa tay tôi bằng một cái còng số 8 của Liên Xô.

Lát sau tôi thấy Lê Thanh Tài lững thững đi tới, khẩu súng săn dài thượt trên vai. Không thèm nhìn đến chúng tôi, cũng không nói một câu, y ngồi lên ghế trên, bên cạnh tài xế, khẩu súng gác bên cạnh. Ðó là một một khẩu Verney Caron hai nòng, cỡ 12 ly. Thấy tôi chăm chú nhìn khẩu súng, y gườm gườm nhìn tôi rồi kẹp chặt nó giữa hai đùi.

Chiếc com-măng-ca rời trại Bất Bạt nhằm hướng Bắc. Ðến bến phà Trung Hà, chúng tôi được phép xuống xe, đi bộ.

Trước mắt tôi hiện lên toàn cảnh dòng sông ngầu đục phù sa cuồn cuộn chảy và những làng mạc xanh rì xa tít tắp bên kia. Tôi bước thấp bước cao xuống dốc, cố ý đi thật chậm trên vệ sông thoai thoải để ngắm cảnh. Sau thời gian quá dài trong xà lim đây là lần đầu tiên tôi được thấy một chân trời. Nguyễn Tuân sẽ cười tôi lắm đây: rõ ngợm, cái đường gẫy khúc với những mảng xanh nhấp nhô thế kia mà thằng Hiên nó dám gọi là chân trời!

Trong những ngày kháng chiến chống Pháp Nguyễn Tuân đã lên một cơn thèm chân trời đến điên khùng cũng ở một vùng bán sơn địa như thế này đây. Ông lồng lộn, ông vùng vẫy hòng thoát khỏi sự bủa vây của núi rừng Việt Bắc trùng điệp. Từ đèo Re, đèo Kháng Nhật, ông thượng ba-lô lên vai, về xuôi. Ðến gần Hà Nội, ông cất công leo lên tận đỉnh Tam Ðảo, chui qua những tầng mây xốp để ngóng nhìn cái chân trời mong muốn. Nhưng chẳng thấy nó đâu. Nguyễn Tuân rầu rĩ. Ông thở dài kết thúc bài bút ký về cái sự thèm khát chân trời không ai hiểu được: “Thèm một người bạn tâm tình! Thèm một người đàn bà!”.

Bây giờ tôi chẳng có gì hết. Không một người bạn tâm tình. Không một người đàn bà! Không cả quyền được thèm. Tất cả đều quá sang đối với tôi. Bây giờ thế kia đã là chân trời rồi, một chân trời mà tôi mơ ước, cho dù nó gãy khúc.

Những người phu phà gày gò gồng mình lên chống sào cho con phà rời bến. Khi con phà hướng mũi về bên kia sông, tôi đăm đăm nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy bên mạn phà mà thấy lòng mình buồn rượi. Tôi gập mình xuống, khỏa tay. Tên công an cảnh giác vội bước tới. Nhưng tôi có định nhảy xuống đâu. Tôi chỉ muốn được nhúng tay trong cái mênh mông nước mát một chút, một chút thôi. Biết đến bao giờ tôi mới lại được vùng vẫy trong một dòng sông quê hương như dòng sông này? Có lẽ chẳng bao giờ nữa! Những người Do Thái trên đường tới các các lò thiêu trong Thế chiến thứ 2 chắc hẳn có ý nghĩ giống tôi.

Nhìn sang anh bạn tù ngồi ủ rũ bên mạn, tôi thấy anh kín đáo giấu đôi tay bị còng dưới cái quạt giấy trước cái nhìn tò mò của hành khách qua phà. Tôi cứ để nguyên đôi tay bị còng trên đùi. Việc gì mà xấu hổ. Sau này, biết đâu đấy, sẽ có ai đó trong bọn họ nhớ lại cảnh này và đoán ra họ gặp ai. Tôi nhìn thấy cả những ánh mắt lạnh lùng, thậm chí ghê sợ – hẳn người ta nghĩ chúng tôi là những tên sát nhân. Nhưng lẫn vào những ánh mắt lạnh lùng tôi bắt gặp cả những cái nhìn thương hại.

Con đường chúng tôi đi, hẹp và gập ghềnh, luồn trong những rừng nứa đồi tranh bất tận, qua những những bản làng thưa thớt, những vạt thực vật bị cháy thui, những triền cỏ úa xác xơ dưới mặt trời gay gắt.

Ðầu năm 1947 tôi đã có dịp qua địa phận này, nhưng hồi ấy tôi còn là đứa trẻ. Quá nhiều năm đã qua kể từ ngày ấy. Thế mà trong trí nhớ bập bõm vẫn ghi lại một cái tên ỏi Mỗ. Tôi biết bên kia Trung Hà có con đường dẫn tới sông Thao, con sông đã đi vào ca dao như một lời cảnh cáo:

Sông Thao nước đục người đen,

Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về…

Như vậy, có lẽ chúng tôi đang tiến sâu vào địa phận Phú Thọ. Phía trước chúng tôi mỗi lúc một nhiều thêm đồi núi và rừng non rừng già.

Giữa đường, thỉnh thoảng Lê Thanh Tài lại bảo tài xế dừng xe để y bắn chim. Anh hương sư và lái xe lẽo đẽo theo chân thủ trưởng. Quan trên đi khỏi là tên quản giáo chưa có ria mép liền leo tót lên ghế trên, tiếp tục cuộc ngủ gật.

Lòng xe rất nóng và ngột ngạt. Chúng tôi không dám tự tiện xuống xe. Tôi sợ những viên đạn rình một hành động thiếu suy nghĩ của chúng tôi để bay ra khỏi nòng.

Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi bực bội chửi đổng. Người bạn tù nhìn tôi. Tôi hỏi nhỏ:

– Anh tên gì nhỉ?

– Tôi là Mỹ, Phùng Mỹ.

Khi chưa bị bắt tôi có nghe tên Phùng Mỹ. Huỳnh Ngự cũng có lần hỏi tôi có quen Phùng Mỹ không, nhưng khi tôi nói tôi không quen thì y cũng không hỏi thêm. Cơ quan an ninh không đến nỗi quá tồi để không biết những mối quan hệ của tôi.

– Như vậy, anh bị bắt cùng đợt với anh Chính?

– Phải. Còn ông? Bị bao giờ? – liếc nhìn lên ghế trên, chỗ anh chàng quản giáo đang gà gật, anh thì thầm.

– Tháng 12 năm 1967. – tôi đáp.

– Nghĩa là… Có phải Vũ Thư Hiên đấy không?

– Phải.

Mặt Phùng Mỹ tươi rói.

– Tại sao anh biết? – tôi hỏi.

– Tôi đoán. Trong vụ chúng ta có hai người trẻ nhất là Vũ Huy Cương và ông. Tôi chơi với Cương. Người trẻ mà tôi không quen thì đúng là Vũ Thư Hiên rồi.

– Anh có đoán được chúng ta đang bị đưa đi đâu không?

– Không biết!

Những lời thì thào của chúng tôi làm cho anh chàng quản giáo tỉnh giấc.

– Này, cấm nói chuyện đấy nhá! – y cằn nhằn.

Không được nói chuyện thì chúng tôi ngủ gật cùng với y vậy. Trong trạng thái mơ màng tôi nghe thấy tiếng súng đì đẹt xa xa.

Lê Thanh Tài quay về với mấy con chim cu rừng xanh mướt. Y đặt chiến lợi phẩm vào giữa hai ghế trên, sau phanh tay. Những con mắt đen láy mở to ngơ ngác: “Sao lại thế này? Chúng tôi làm gì mà các người giết chúng tôi?!”.

Tôi tỉnh hẳn. Nhìn những con chim ngoẹo đầu bất động mà thương. Tôi đưa tay vuốt mắt cho mấy con chim tội nghiệp. Nhưng vuốt thế nào thì vuốt, không như mắt người, mắt chim vẫn mở trừng trừng. Lê Thanh Tài nhếch mép cười giễu.

Trời vừa tối là tôi lịm đi trong giấc ngủ mê mệt, không buồn nhìn ra bóng tối mịt mùng hai bên và vệt sáng đèn pha quét trên con đường rừng đầy ổ gà.

Chúng tôi tới đích vào nửa đêm. Mắt nhắm mắt mở bước xuống xe, tôi thấy mình trong một cái sân rộng – một khoảng không rộng rãi với những ngôi nhà trắng lên thành những hàng đều đặn trong ánh sáng yếu ớt những ngọn điện vàng vọt và ánh trăng hạ tuần, với bức tường sáng mờ mờ bao quanh. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một trại giam.

Vừa xuống xe Lê Thanh Tài lập tức biến ngay vào bóng đêm. Viên hương sư cần mẫn giúp chúng tôi hạ đồ lề. Bâu quanh chúng tôi là những bộ cảnh phục hoàng thổ thấp thoáng trong ánh sáng chao đảo của mấy cây đèn bão. Khệ nệ đồ lề trên cả hai vai và hai tay, chúng tôi được đưa vào nhà giam. Không có sự khám xét nào. Sau khi chỉ cho chúng tôi chỗ ngủ – hai cái giường tầng thênh thang trong một ngôi nhà dài bằng nhà năm gian ở thôn quê, đám âm binh lặng lẽ khóa trái cửa lại, bỏ đi.

– Có lẽ chúng nó cho hai thằng mình ở với nhau… – Phùng Mỹ mừng rỡ – Ông nghĩ thế nào?

– Cũng chưa biết được. Ðể rồi xem. – tôi nói.

Thành dặn tôi: trong tù không được ngạc nhiên, không vội vã mừng rỡ, cũng không hốt hoảng hoặc buồn rầu trước bất cứ điều gì. Phải bình thản đón nhận tất cả – cái may cũng như cái rủi. Người tù bình thản thì mới đối phó được với những hoàn cảnh oái oăm mà mình không lường trước được.

Chúng tôi dọn chỗ ngủ ở tầng trên, bên cạnh một cửa sổ. Từ đó nhìn ra là một khoảng trời đen mênh mông với một mảnh trăng nhợt nhạt. Tính toán số giờ ngồi trên xe, tôi đoán mình đang ở một nơi nào đó thuộc địa phận Phú Thọ.

Ðám âm binh để lại cho chúng tôi một cây đèn dầu hỏa. Tôi dùng cây đèn rọi vào mọi ngõ ngách trong ngôi nhà. Tôi không thích người ta ghi âm những cuộc nói chuyện của tôi với Phùng Mỹ. Mà họ có thể làm chuyện đó lắm. Phùng Mỹ không hiểu tôi định tìm gì, nhưng anh hào hứng tham gia cuộc khảo sát. Chúng tôi phát hiện một mẩu bút chì giấu kín trong một mộng giường, một số que diêm kẹp trong một vỏ bao xẹp lép. Ở đầu một hồi là chuồng xí, có một hộc nước đủ cho hai người tắm rửa thoải mái. Trên tường, ở đôi chỗ tôi đọc được những dòng chữ ghi ngày tháng và một cái tên lặp đi lặp lại nhiều lần: Tân Lập. Tân Lập có nghĩa là Mới Dựng Nên, Mới Lập Ra. Vậy thì trước đây phải là một rừng hoang.

– Ở đây có điện!

Phùng Mỹ reo lên, chỉ cho tôi thấy một ngọn đèn lủng lẳng trên cao, dưới một sợi dây cứng quèo, to quá khổ.

Ngày hôm sau, chúng tôi vẫn không bị chuyển đi. Một viên quản giáo lầm lì dẫn theo một anh tù tự giác mang vào cho chúng tôi xoong nồi, gạo, muối và rau, bát đĩa, đủ cho một cái bếp tối thiểu.

– Các anh nấu lấy mà ăn. Gạo nước hàng ngày sẽ được cung cấp vào buổi sáng.

Y nói rồi quay ra.

Chúng tôi có cả một ngôi nhà thênh thang. Ðang bị tù túng trong xà lim, chúng tôi mặc sức chạy nhảy, vừa cười ha hả vừa đánh đu trên giường tầng như hai đứa trẻ. Cần phải luyện lại những bắp thịt đã nhão nhoét. Tôi ngạc nhiên thấy sức mạnh cơ bắp của mình sau thời gian dài ở Bất Bạt không đến nỗi quá tồi. Thì ra những thế cầu kỳ của hatha yoga đã giúp tôi giữ gìn cơ thể khỏi bị tàn phá bởi cuộc sống trong xà lim. Không những thế, cuộc sống chung hai người rõ ràng là một sự giải tỏa tinh thần. Chúng tôi nói chuyện say sưa, ngày này qua ngày khác. Bằng nhiều cách kiểm tra vòng vèo tôi khẳng định Phùng Mỹ đang ở với tôi là Phùng Mỹ thật, không phải một tên chỉ điểm mạo danh. Tuy vậy, tôi cũng không vội cởi mở. Phùng Mỹ quá hồn nhiên, tôi nhận xét. Người như anh không dễ dàng đối phó với bọn chấp pháp khi bị chúng dẫn vào bẫy. Biết đâu đấy, chúng để cho chúng tôi ở với nhau một thời gian rồi lại tách ra, tiếp tục khai thác từng người một. Cho tới lúc ấy chúng vẫn chưa kiếm được ở tôi một bằng cớ nào khả dĩ có thể dùng để buộc tội, trừ cách cả vú lấp miệng em. Hơn nữa, những sơ xuất trong khi trò chuyện với nhau về các anh em còn ở ngoài có thể mang tai họa lại cho họ.

Khu nhà dành cho chúng tôi cách sân trại một khoảng trống. Sáng nào chúng tôi cũng bị quả bom quái ác đánh thức, mặc dầu chúng tôi có thể ngủ cho tới đẫy giấc, tới khi quản giáo mở cửa đưa tiêu chuẩn thức ăn và gạo vào. Quản giáo cũng chẳng vội vàng đưa thức ăn cho chúng tôi. Y cũng chẳng buồn vào sâu trong nhà. Mở cửa cho chúng tôi ra sân xong, y bảo tù tự giác bỏ thức ăn cho chúng tôi ở cổng, rồi bước ra, khóa lại. Ðứng trong khu biệt giam chúng tôi có thể nghe thấy tù chuyện trò xôn xao trên đường ra sân trại tập họp sáng. Ðiểm danh xong, tù đi xong, cả khu trại giam lại vắng tanh vắng ngắt..

Cuộc gặp gỡ với Phùng Mỹ cho tôi hiểu thêm nội dung và tình tiết của vụ án. Cho tới khi ấy tôi chỉ biết lơ mơ, hay nói cho đúng hơn, chẳng biết gì về nó. Theo cách các chấp pháp hỏi tôi thì nhà cầm quyền có vẻ quan tâm nhiều tới những người có quan hệ với đại sứ quán Liên Xô, và muốn hướng những bản cung vào việc buộc tội chúng tôi làm gián điệp.

Phùng Mỹ cho tôi biết anh có giao du với mấy cán bộ đại sứ quán Liên Xô, bị theo dõi, rồi bị bắt. Trong tù anh bị hỏi cung liên tục về mối quan hệ bị cấm. Anh thú nhận bừa đã chuyển cho một người bạn Liên Xô nội dung Nghị quyết 9 mà anh chép lại sau khi dự lớp học. Theo lời Phùng Mỹ thì Phạm Viết cũng ra vào đại sứ quán Liên Xô nhiều lần. Theo các chấp pháp cho biết thì dường như Phạm Viết có tổ chức một cuộc gặp mặt giữa đại sứ Sherbakov với ông Ðặng Kim Giang và cha tôi. Trong cuộc gặp hai ông đề nghị Liên Xô phải tỉnh táo trước những hành động không thân thiện của một số cán bộ Việt Nam đối với Liên Xô, đừng vì thế mà làm ảnh hưởng xấu tới tình hữu nghị giữa hai dân tộc, đề nghị Liên Xô tiếp tục giúp Việt Nam chống Mỹ. Chuyện này tôi không biết. Cha tôi không kể cho tôi nghe(1). Không thấy Phùng Mỹ nói gì về Biên bản hội đàm Việt-Trung mà anh chuyển cho phía Liên Xô, như sau này người ta nói đến như một cái tội của anh. Mà anh thì làm sao có được cái biên bản tối mật đó.

Chắp nối những câu chuyện của Phùng Mỹ với những câu hỏi của Huỳnh Ngự, tôi hiểu rằng chẳng có chuyện ban lãnh đạo Ðảng lo lắng cho bí mật Nghị quyết 9 bị tiết lộ. Cả triệu người được biết về nghị quyết thì không có gì còn là bí mật cả. Cái mà người ta muốn biết là có thể khai thác cái gì dùng được làm cớ để buộc Võ Nguyên Giáp vào tội âm mưu đảo chính hay không?

– Ông có nghe anh em mình nói tới đảo chính bao giờ không? – tôi hỏi Phùng Mỹ.

– Làm quái gì có chuyện đó.

– Thế tại sao người ta xưng xưng nói rằng có.

Phùng Mỹ cười:

– Họ muốn nặn ra cái đó.

– Họ có hỏi ông về âm mưu đảo chính không?

– Có chứ.

– Nghĩa là có thể có, nhưng chúng ta không biết? – tôi gặng.

– Tôi tin chẳng có gì hết. Nếu có tôi phải biết. Chúng nó bịa.

Tôi kể cho Phùng Mỹ nghe về cuộc khủng bố trắng của Stalin những năm 30 mà tôi được đọc trên các tạp chí Liên Xô. Phùng Mỹ biết tiếng Nga không giỏi lắm, cho nên anh ít đọc, ít biết về những vụ án oan trong thời kỳ Ðại khủng bố. Tôi muốn anh rút kinh nghiệm của những người xô-viết để biết cách đối phó trong nhà tù Việt Nam. Anh rất tâm đắc chuyện những người xô-viết thoát xử bắn, được thả ra lại sẵn sàng lên đường ra trận.

– Chúng mình cũng vậy thôi! – Phùng Mỹ buồn rầu nói – Nếu đất nước bị xâm lăng thì chúng mình có khước từ bảo vệ nó không? Chúng mình lại phải cầm súng, biết rằng bảo vệ đất nước cũng là bảo vệ ngai vàng của các vị lãnh tụ kính mến. Khốn nạn thật!

– Bi kịch thời đại. Biết làm thế nào?

Sự suy ngẫm về những gì xảy ra ở Liên Xô, ở Trung Quốc, và bây giờ ở Việt Nam cho tôi thấy cái gọi là bàn tay đế quốc chỉ là cái cớ muôn thuở để gây ra những cuộc sát phạt nội bộ. Nguyên nhân chính là một số người bứt khỏi hàng ngang để chiếm lấy địa vị lãnh đạo phong trào cách mạng thấy cần phải củng cố quyền lực đã đạt được. Họ vu cho đồng chí hôm trước là tay sai đế quốc, hữu khuynh, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, xét lại, tả khuynh, hữu khuynh…tùy theo trí tưởng tượng của họ phong phú hay nghèo nàn. Cựu học sinh chủng viện Stalin trịnh trọng ban phát án tử hình do các ủy ban an ninh vài người ký, rồi cho các đồng chí đi ô tô ra pháp trường. Cựu hương sư Mao Trạch-đông mê kinh kịch không chịu thiếu trống phách: Mao còn cho dong Lưu Thiếu-kỳ, Trần Nghị, Bành Ðức-hoài đội mũ cao mà đi chán chê trong tiếng thanh la não bạt, trong tiếng hô đả đảo rầm trời rồi mới cho phép họ được mục rữa trong ngục thất. Xem ra các hình thức trấn áp của Duẩn -Thọ còn nhẹ nhàng hơn nhiều.

Cái sự cho chúng tôi ở hai người với nhau, được tự do trong khuôn khổ một xà lim rộng, được nấu nướng lấy, có vẻ như một sự nới lỏng. Nhưng kèm theo sự nới lỏng là một âm mưu không lấy gì làm sạch sẽ.

Càng ở lâu với Phùng Mỹ tôi càng thấy anh khác Trần Quốc Thành. Thành điềm đạm bao nhiêu thì Phùng Mỹ nóng vội bấy nhiêu. Trước hiện tượng nào Phùng Mỹ cũng có sẵn, ngay lập tức, một nhận định, một kết luận. Thành thì bao giờ cũng lật đi lật lại vấn đề chán chê, xem xét kỹ mặt này mặt khác của nó, rồi mới thận trọng đưa ra một giả thuyết cho người đối thoại cùng suy nghĩ với mình. Cuộc sống chung giữa hai người khác cá tính đã cho thấy mặt trái của nó: chúng tôi thỉnh thoảng cũng có một cuộc cãi vã nho nhỏ do bất đồng ý kiến.

Tôi không muốn người ta được sung sướng thấy chúng tôi hục hặc với nhau. Tôi thương Phùng Mỹ. Cũng như tôi, anh không phải nhà chính trị. Về khía cạnh này anh là người bị oan. Anh chỉ không oan trong tình cảm đối với họ mà thôi – anh không yêu họ một chút nào. Anh sớm nhìn thấy tính cách cai trị độc tài làm thui chột mọi suy nghĩ độc lập. Mà chỉ có sự suy nghĩ độc lập mới mang tính sáng tạo.

Tôi nói với Phùng Mỹ:

– Không phải vô cớ mà người ta cho chúng mình ở chung với nhau. Họ nghiên cứu chán ra rồi. Họ biết chúng mình có tính cách khác nhau, dễ va chạm nhau. Họ muốn chúng ta ghét nhau, căm thù nhau. Ðó là một mánh khóe tiêu diệt kẻ thù.

– Ðúng! – Phùng Mỹ đồng ý – Ðúng lắm!

– Tôi đề nghị thế này: để đối phó với âm mưu của chúng nó, ta phải tự đặt ra chương trình làm việc cho kín thời gian một ngày, người nào làm việc người nấy, chỉ trò chuyện một lát trước khi đi ngủ. Như thế chúng ta sẽ chẳng bao giờ cãi nhau, đơn giản vì không có thời giờ để cãi nhau. Tôi hiểu ít về triết học, ông thì lại có thời gian là giảng viên môn này, tôi đề nghị ông dạy tôi. Còn nếu ông quan tâm tới văn học thì tôi cũng có thể thuyết trình ông nghe một số vấn đề. Như vậy có ích hơn.

Phùng Mỹ tán thành.

Một hôm, viên quản giáo tự giới thiệu là cán bộ phụ trách giáo dục trại vào gặp chúng tôi. Ðó là một anh chàng đẹp trai, tầm thước, về sau mới biết không phải là người của trại Tân Lập, mà của Bộ Nội vụ. Y vui vẻ hỏi thăm sức khoẻ (tiết mục nhàm chán nhưng nhất thiết phải có trong những cuộc gặp gỡ giữa hai bên) rồi mở cặp.

– Hôm nay tôi đến để phổ biến cho các anh một quyết định quan trọng. – y rút ra một tờ giấy, định đưa cho chúng tôi, nhưng rồi lại cất vào cặp – Mà thôi, chẳng vội gì, để các anh ăn Tết Ðộc Lập cho vui vẻ đã…

Lại một quyết định mới nữa, tôi nghĩ. Chúng nó toan tính cái gì mà thay quyết định xoành xoạch, như thay quần lót vậy?

Phùng Mỹ lo lắng. Bữa cơm chiều anh ăn kém đi một bát.

– Chúng nó định làm gì đây? – anh tư lự đặt câu hỏi.

Tôi đã chai lì rồi, tôi mặc kệ, chúng muốn giở trò gì thì giở.

– Nếu mọi sự tùy thuộc ở ý muốn của chúng ta thì chiều nay tôi mời ông đi ăn chim quay với tôi ở Tiểu Lạc Viên. – tôi nói – Còn khi chúng ta sống tùy thuộc ở chúng nó thì tốt nhất là quên chúng nó đi…

Phùng Mỹ vẫn băn khoăn:

– Không hiểu có quyết định gì mà nó đã định đưa cho chúng ta rồi lại không đưa?

Biết nói thế nào cho Phùng Mỹ yên tâm đây?

– Ông không nghĩ đó có thể là một màn kịch à?

Phùng Mỹ ngẩn người. Rồi vỗ trán đánh bốp:

– Có lẽ lắm. Nếu không, tại sao hắn không nói ngay mà lại bảo để cho chúng ta ăn Tết cho vui vẻ đã? Hiểu rồi! Loi de suspension d’intérêt(2), có thế mà mình không nghĩ ra!

Nói thế, nhưng Phùng Mỹ lo lắm. Còn mấy hôm nữa mới đến 2 tháng Chín. Trong những ngày chờ đợi Phùng Mỹ ủ rũ, trông mà thương. Nhà cầm quyền thật độc ác với trò chơi của họ. Cái lối mèo vờn chuột không quân tử chút nào.

Qua mồng 2 tháng Chín cũng chẳng thấy viên quản giáo đẹp trai bước vào khu biệt giam. Mãi tới rằm tháng Chín mới thấy y dẫn xác đến.

– Quyết định mới của Ðảng đối với vụ các anh là thế này. – y nói, hàm răng trắng bóng lên trong nụ cười tươi tắn – Các anh không bị xét xử theo luật pháp mà được hưởng lệnh tập trung cải tạo. Mỗi lệnh có thời hạn 3 năm. Sau một lệnh, nếu các anh cải tạo tốt Ðảng sẽ cho các anh về đoàn tụ với gia đình. Bằng không, các anh sẽ ở thêm một lệnh nữa, rồi một lệnh nữa… Tất cả tùy thuộc ở thái độ cải tạo, tốt hay không tốt.

Phùng Mỹ nhìn tôi. Tôi nín lặng, chờ viên quản giáo nói tiếp.

– Lệnh tập trung cải tạo được ký ngày… – y nói một ngày thángmà tôi bỏ ngoài tai – Các anh có quyền được khiếu nại, được viết đơn lên Trung ương xin khoan hồng. Chúng tôi sẽ nhận và chuyển lên trên cho các anh(3).

Thấy chúng tôi vẫn im lặng, y hỏi lại:

– Tôi có mang giấy bút cho các anh đây. Nếu các anh muốn làm đơn, tôi sẽ để lại.

– Cảm ơn. – tôi nói – Chúng tôi không viết.

– Cái đó tùy các anh. Tôi khuyên các anh nên viết.

Tôi mỉm cười.

– Căn cứ quân hàm của anh, tôi chắc anh phải là đảng viên có thâm niên…

– Ý anh muốn nói sao?

– Tôi muốn nói rằng nếu như vậy anh phải được biết có một chỉ thị của Ban Bí thư liên quan tới chế độ tập trung cải tạo…

– ???

– Chỉ thị này nói rõ rằng chế độ tập trung cải tạo không được áp dụng cho các cán bộ đã tham gia cách mạng trước Tháng Tám năm 45 và các cán bộ đã tham gia kháng chiến chống Pháp… Tôi chắc anh đã được đọc chỉ thị đó?

Viên quản giáo chớp mắt liên hồi. Y không biết trả lời thế nào: có thể y chưa được đọc thật, nhưng nhận mình chưa đọc hoặc tệ hơn, không được đọc, thì điều đó có nghĩa là nhận mình kém, mình không phải người được Ðảng tin cậy.

– Anh đọc rồi chứ? – tôi gặng.

– Phải.

Tôi cười:

– Thế thì anh bảo chúng tôi khiếu nại mà làm gì?! Trường hợp này các cụ gọi là thế nào nhỉ? Tôi nhớ ra rồi: nhổ đấy rồi liếm đấy. Có nói cũng bằng thừa.

Viên quản giáo tái mặt. Tôi nghĩ y sẽ có một hành động lỗ mãng với tôi, nhưng y chỉ lặng thinh bỏ đi.

Chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi. Chờ đợi một cái gì không biết.

Hàng ngày, vào buổi sáng chúng tôi tắm rửa, làm vườn, rồi quay vào nhà học tập. Ðược nấu nướng lấy, lại có thêm rau tươi tự trồng, lại được tắm nắng tùy thích, sức khoẻ chúng tôi phục hồi nhanh chóng, nước da không còn bủng beo như trước.

Tôi vẫn giấu kín bản thảo Miền Thơ Ấu. Không phải tôi không tin Phùng Mỹ. Nhưng một sự sơ ý của anh sẽ làm mất đi kết quả của rất nhiều thời gian làm việc của tôi. Hơn nữa, nếu người ta đã cảnh giác thì khó mà viết lại lần nữa. Nhưng giấu thì phải ngừng viết, cũng không được. Cho nên đành cho Phùng Mỹ đọc. Hóa ra anh là một nhà phê bình văn học sắc sảo. Nhiều chương trong Miền Thơ Ấu đã được viết ra dưới ảnh hưởng những nhận xét của anh.

Phùng Mỹ sốt sắng truyền đạt cho tôi những kiến thức triết học. Nhưng nghe anh giảng vài buổi tôi nhận thấy tầm hiểu biết của giảng viên môn triết ở đại học ta nghèo nàn quá. Phùng Mỹ chắc chắn không phải giảng viên tồi. Có thể anh còn là giảng viên khá nữa là khác. Tôi không trách anh không đáp ứng được yêu cầu của tôi. Lỗi tại nền giáo dục. Nó không đòi người thầy giáo dạy môn này có kiến thức uyên bác. Nếu ông thầy thuộc lầu chủ nghĩa Mác trong những giáo trình được biên soạn lại, với hai môn duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm nền tảng, thì thế đã là đủ. Biết thêm anh sẽ trở thành kẻ đa thư loạn thị, anh không còn là thầy tốt được nữa. So với đòi hỏi của nền giáo dục Phùng Mỹ biết nhiều hơn cần thiết, nhưng hiểu biết thừa này lại không đủ cung cấp cho tôi điều gì mới. Anh không biết được bao nhiêu về triết học cổ ấn Ðộ và những trường phái triết học phương Tây hiện đại. Trong tình hình bế quan tỏa cảng về văn hóa, trí thức khoa học xã hội ở Việt Nam có bị hạn hẹp về kiến thức cũng là chuyện bình thường. Nền đại học Liên Xô về mặt này, theo tôi nghĩ, còn khá hơn đại học Việt Nam. Bằng chứng là tôi không học khoa triết, nhưng các giáo sư Liên Xô đã cung cấp cho tôi những kiến thức cơ bản và một phương pháp tư tưởng không đến nỗi tồi.

Nhờ hiểu rõ mục đích của việc ghép những người có có tính khác nhau ở chung với nhau, chúng tôi biết cách tổ chức cuộc sống để không để xảy ra một cuộc cãi lộn nào. Chẳng bù với những anh em không ý thức được âm mưu của nhà cầm quyền. Sau những ngày đầu mừng rỡ được ở cùng nhau, cái xà lim hai người còn tệ hơn xà lim một người nhiều.

Tôi được chứng kiến cảnh đó sau khi chuyển từ khu biệt giam trại A sang khu biệt giam trại B, ít lâu sau.

Khu biệt giam trại B nhỏ hơn hẳn khu biệt giam trại A. Trong một căn nhà dài thượt, vốn là khu xà lim kỷ luật, người ta cắt ra hai đầu hồi mỗi bên bốn xà lim, phá tường ngăn và hành lang của chúng đi, thế là thành hai phòng biệt giam. Nhưng đó là sau khi ở một thời gian rồi chúng tôi mới biết, chứ khi mới chuyển đến vào ban đêm, chúng tôi chẳng biết mình được đưa đi đâu, đang ở đâu. Sau mới biết trong hai phòng biệt giam ở hai đầu hồi đều được dùng để giam tù trong vụ chúng tôi.

Phòng của chúng tôi nhỏ hơn trước rất nhiều. Mảnh vườn cũng bé tí xíu, đất lại toàn sỏi đá. Chúng tôi ra sức cải tạo nó bằng cách xin đào một hố đổ phân và nước tiểu ngay trong vườn (nếu không tù tự giác sẽ phải đưa bô đi đổ ở xa), rồi dùng thứ phân này bón cho cây trồng. Với những củ khoai lang được phát, để cho mọc mầm chúng tôi nhân giống lên thành một luống rau khoai lang xum xuê, những quả ớt mang theo từ khu biệt giam cũ cũng cho chúng tôi một loạt cây sai quả.

Những xà lim bên cạnh vẫn được dùng, thỉnh thoảng lại có tù được đưa vào. Những người tù kỷ luật không nằm lâu trong xà lim, thường chỉ một tuần hoặc hai tuần họ lại được ra nhường chỗ cho người khác. Họ không dám nói chuyện với chúng tôi, có lẽ không hiểu chúng tôi là ai, chỉ đoán rằng chúng tôi là loại tù nguy hiểm, liên lạc với chúng tôi chỉ mang họa vào thân.

Một đêm, chúng tôi nghe từ phòng bên có tiếng gọi:

– Các chú ơi, các chú!

Chúng tôi im lặng. Tiếng một đứa trẻ. Nó gọi chúng tôi hay gọi ai? Tiếng gọi kiên trì lặp lại một lần nữa, rồi một lần nữa.

– Chào cháu! – tôi lên tiếng đáp.

– Tại sao các chú lại ở đây?

Tôi và Phùng Mỹ nhìn nhau. Biết giải thích cho cháu bé thế nào?

– Chuyện dài lắm. Các cháu không hiểu được đâu.

Từ một xà lim khác vọng lại giọng khàn khàn của một người lớn tuổi:

– Ð…m…! Có cái đéo gì mà không hiểu được. Chính trị nà cùng chứ cái đéo gì mà rộn?

Chúng tôi không trả lời y. Phùng Mỹ cười đau khổ. Là nhà giáo anh xa lạ với mọi biểu hiện của các nền văn hóa hè, văn hóa chợ. Không bao giờ tôi thấy anh văng tục, kể cả khi tức giận nhất.

– Chính trị, phải không các chú?

– Phải. Thế còn cháu.

– Cháu là lưu manh.

Giọng khàn khàn lại vang lên:

– Mày thì nưu manh cái đéo gì hở Hán Còi? Ðừng có sĩ, mày còn nâu mới được nà nưu manh, mày chỉ là thằng nính đú, thằng nính vét thôi, Hán Còi ạ! Cho dù mày có gan cho tóe me(4) thằng Tín Nác.

Hán Còi van vỉ:

– Thì em có dám mẽ đâu. Em nói chuyện với mấy chú cho đỡ buồn thôi.

Giọng khàn cười hô hố.

– Lói đi! Hôm lay các ông ấy đi xem xi-lê, còn nâu mới vào… Dưng mà mày giỏi đấy! Thằng Tín Nác tỏi củ tỉ do tay mày cũng đáng, đéo thằng lào thương!

Hán Còi tiếp tục câu chuyện với chúng tôi:

– Các chú bị mấy năm hở các chú?

– Chưa xử, cháu ạ! Không biết là bao nhiêu. Thế cháu bị xử bao nhiêu năm?

Hán Còi im lặng một lúc lâu.

– Án của cháu là án tù mù, các chú ạ.

– Tù mù là thế nào? – Phùng Mỹ hỏi.

– Các chú không biết án tù mù là thế nào hay sao?

– Không.

– Tức là án cao su, các chú ơi. Nó chỉ dãn ra, chẳng bao giờ co vào…

Một lát sau nó lại nheo nhéo:

– Các chú ơi, các chú làm nghề gì?

– Chú dạy học! – Phùng Mỹ nói.

– Còn chú kia?

– Cũng thế.

Hán Còi nói như nói một mình, giọng não nuột:

– Mẹ cháu cũng dạy học. Mẹ cháu là cô giáo…

Chúng tôi lặng đi. Không ai nói thêm câu nào nữa, kể cả giọng khàn khàn ở cuối phòng.

Tôi thấy cay cay ở mắt. Từ giường bên Phùng Mỹ chăm chú nhìn tôi:

– Ông khóc đấy à?

Tôi chùi nước mắt:

– Mình xấu hổ.

Phùng Mỹ quay mặt đi. Tôi úp mặt xuống gối, mặc cho nước mắt tha hồ chảy. Tôi thấy mình có lỗi trong việc Hán Còi bị án tù mù.

Hán Còi còn quay lại với chúng tôi nhiều lần, không phải vì bị kỷ luật. Nó tới vì cảm giác lưu luyến chúng tôi, lưu luyến các chú nhà giáo. Ngoài Hán Còi ra, trong thời gian ở khu xà lim này, còn có một cháu nữa cũng hay nói chuyện với chúng tôi là cháu Bông. Bông làm lái xe, bị tập trung cải tạo vì làm mất hàng của Nhà nước mà Nhà nước không biết ai lấy, lấy lúc nào. Vì không tìm ra thủ phạm, kẻ tình nghi chỉ có mình Bông, cho nên Bông cũng bị tù mù.

– Thế cháu bị oan à?

– Không, không oan. Cháu lấy! – Bông thú nhận – Thằng nào cũng lấy, cháu không lấy cũng dại.

Về sau, nghe lời khuyên của tôi Bông chịu khó theo lớp học trong tù. Cháu quyết tâm làm lại cuộc đời. Ra tù rồi, tôi được nghe vợ tôi kể lại có một ông mang con đến tạ ơn, nói nhờ tôi khuyên bảo mà con ông thành người. Vợ tôi không nhớ tên ông ta. Tôi khuyên nhiều đứa trẻ đi học, không phải một mình Bông, nhưng tôi ngờ đó là Bông và bố cháu.

Không biết các nhà lãnh đạo hồi ấy có tin thật ở khả năng cải tạo con người bằng cách đưa họ vào tù không? Dường như họ tin thật như vậy. Chẳng thế mà những nhà tù cứ theo nhau mọc lên như nấm mùa xuân.

Một người tù lâu năm lại có cái nhìn khác hẳn về cách cải tạo này. Ông ta nói với tôi: “Mấy thằng bé thằng nào vào tù rồi cũng hỏng. Anh còn ở lâu, anh sẽ thấy. Cứ tha ra là y như rằng chúng trở lại. Tôi gặp chúng nó nhiều lần lắm, gọi là vào đồn ra phủ cứ như cơm bữa. Ở ngoài, chúng chưa đến nỗi hư lắm đâu, nhưng khi vào tù rồi, lại là thứ tù không biết ngày về, chúng không còn trông đợi ở cái gì nữa, chúng hư thật lực, hư cho bõ, đứa nọ truyền cái hư cho đứa kia, càng hư thêm. Nhà tù là một trường đại học đào tạo những công dân mất dạy”.

Ông ta nhận xét đúng. Hoàn toàn đúng.

Với bi kịch Cải cách ruộng đất Trường Chinh là một người cộng sản sai lầm. Với chữ ký đặt dưới Nghị quyết của Ban thường vụ Quốc Hội để đưa công dân vào tù không cần xét xử Trường Chinh là một tên phát-xít.

(1) Tội chống Nghị quyết 9 được ghi: “Ðến Hội nghị Trung ương lần thứ 9 thì hoạt động chống đối có tổ chức của họ bộc lộ rõ: Ðặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Vũ Ðình Huỳnh đã phân công nhau để vận động một số cán bộ, đảng viên viết kiến nghị gửi Trung ương, đồng thời in sao tán phát đến tận nhiều người”. Cũng theo Ban bảo vệ chính trị nội bộ thì Hoàng Minh Chính sau khi chuyển các bí mật nhà nước cho nước ngoài (Liên Xô) đã gửi đơn xin cư trú chính trị tại nước ngoài (Liên Xô) và “chúng ta đã biết được điện của lãnh đạo nước ngoài gửi cho sứ quán của họ ở Hà Nội dặn trả lời thận trọng cho Hoàng Minh Chính nếu họ và gia đình tìm được cách nào rời khỏi Việt Nam tới được Liên Xô thì họ sẽ được sống và làm việc tại Liên Xô (!)”(VTH gạch dưới). Ðiều bịa đặt này trái hẳn với báo cáo của nhân viên KGB tại Hà Nội báo cáo về cho điện Kremli rằng “dường như có một âm mưu đảo chính đã bị phát giác tại Hà Nội”.

(2) Luật kích thích sự chú ý (tiếng Pháp), một thủ pháp trong kịch nghệ.

(3) Theo tài liệu lưu hành nội bộ của Ban tư tưởng-văn hóa Trung ương, đề ngày 20 tháng 3 năm 1994 thì “Do những tội nạn đã rõ ràng của Hoàng Minh Chính, ngày 18 tháng 10 năm 1971 Bộ Chính trị và cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã quyết định xử trí đối với Hoàng Minh Chính: “Khai trừ khỏi Ðảng, cách chức viện trưởng Viện Triết học, ủy ban Khoa học Nhà nước, tập trung và cải tạo”. Lệnh tập trung cải tạo được tuyên bố cho tôi và Phùng Mỹ có trước tháng 9 năm 1971, tức là trước cả quyết định của Bộ Chính trị với tên đầu vụ Hoàng Minh Chính. Anh Trần Thư cho biết khi được thả, người ta đọc cho anh nghe một lúc ba lệnh: lệnh tạm giam 3 năm ký tháng 12.1967 (khi bị bắt), lại tạm giam 3 năm lần thứ hai ký tháng 12.1970, và lệnh tạm tha ký tháng 6.1973. Anh có cảm tưởng cả ba lệnh được ký cùng một ngày, nhưng đề ngày tháng khác nhau.

(4) Tiếng lóng của lưu manh: tóe me = làm đổ máu, chỉ sự đâm, chém.