Nửa đêm, tôi choàng tỉnh vì tiếng la hét của ai đó.
Khu xà lim 3, theo tôi ước đoán, nằm ở quãng giữa Hỏa Lò, gần đường Hai Bà Trưng, nếu nhìn từ cổng trại giam. Nằm trong xà lim 3 không nghe thấy những tiếng động của thành phố vọng vào. Thành nói cửa xà lim chúng tôi ngoảnh mặt ra phố Quán Sứ.
Tiếng kêu gào nghe gần lắm, nhưng trong mê lộ những tường và hành lang tiếng động bị quăng đi quật lại chán chê rồi mới tới tai mình cho nên không thể biết nó phát ra từ đâu, bên phải hay bên trái, đàng trước hay đàng sau.
Thành bật dậy. Ðối với những tiếng động khác thường trong nhà tù anh thính hơn tôi nhiều.
Một lát sau chúng tôi mới xác định được tiếng gào thét ai oán như lợn bị chọc tiết ấy là của một tù binh Mỹ, chắc là một phi công.
– Help… me! He..lp m..e!(1)
Tiếng kêu cứu của con người trong cơn tuyệt vọng chẳng hướng về ai, chẳng gửi cho ai, vang to giữa đêm khuya trong một vùng bê tông lạnh lẽo.
Tôi nằm xuống, kéo chăn tới tận cằm mà vẫn thấy lạnh.
– Chắc tên Mỹ này mới bị bắn rơi chiều nay.
Thành, mắt đỏ cạch, ngáp dài:
– Có lẽ thế. Người ta đưa thẳng nó về đây.
Tên Mỹ la hét mãi không thôi.
– Chắc nó bị thương. – tôi nói.
– Chắc thế. – Thành gật đầu.
Phải hơn một giờ sau mới nghe tiếng chân người rậm rịch, tiếng cửa xà lim mở, tiếng nói chuyện lao xao. Tên Mỹ thôi kêu cứu, chắc y được tiêm thuốc giảm đau. Tiếng gào nhỏ dần thành tiếng rên rỉ ai oán.
Thành nằm xuống.
– Này, cậu có thường gặp tù binh Mỹ không?
– Thỉnh thoảng. Tôi làm báo mà. Phi công bị bắn rơi luôn.
– Con số máy bay mà bên mình đưa ra là đúng đấy chứ?
Vào thời gian này, máy bay Mỹ rụng như sung, và bao giờ cũng ngay từ loạt đạn đầu, theo tin tức báo chí.
– Nếu tin vào những thông báo chiến sự của hai bên tham chiến thì trên các mặt trận chỉ còn lại những hồn ma đang đánh nhau, chứ lính của hai bên thì đã chết hết từ lâu.
Thành cười khúc khích.
– Này, cậu làm báo, đi nhiều, gặp nhiều, có phải đúng là lính Mỹ hèn hơn lính Pháp không? – gối đầu trên đôi tay, Thành lơ đãng hỏi.
Tôi nằm xuống theo. Trong xà lim không ngồi lên nằm xuống thì còn làm gì nữa? Chẳng lẽ cứ đi bách bộ mãi – năm bước tới năm bước lui trong khoảng không gian hẹp giữa hai phản?
Sau khi biết tôi có thời kỳ ở bộ đội, Thành trở nên gần gụi với tôi hơn, nói chuyện với tôi nhiều hơn, giọng nói của anh cũng ấm áp hơn. Gì thì gì, chúng tôi cũng đã từng là anh em chung một chiến hào. Trong lòng Thành có một anh bộ đội sống dai. Có vẻ anh bộ đội này không bỏ bạn trong cơn hoạn nạn.
– Chưa chắc. – tôi đáp – Anh em trong Nam ra nói lính Mỹ đánh không xoàng, lâm trận cũng dữ ra phết, nhất là đám Mỹ đen… Nhưng khi đã bị bắt rồi thì cả đen lẫn trắng đều không coi thể diện là cái gì.
Chúng tôi thả hồn về quá khứ hào hùng những ngày kháng chiến. Nhờ Thành tôi mới biết quân đội ta có những bài bản rất độc đáo trong chiến tranh. Chẳng hạn, khi ta mở chiến dịch Tây Bắc thì ở Thượng Lào bộ đội rèn cán chỉnh quân. Vũ khí của bộ đội Thượng Lào được cấp tốc bó lại, chuyển ngay cho chiến trường mới. Ðịch choáng váng trước hỏa lực mạnh bất ngờ của ta ở Tây Bắc, chưa kịp hoàn hồn thì đã lại bị đánh rất dữ dội ở đồng bằng Bắc bộ, cũng với những vũ khí được chuyển qua chuyển lại như thế trong hoàn cảnh thiếu thốn của một quân đội trẻ tuổi.
Tù binh Pháp, chúng tôi nhận xét, láu cá hơn tù binh Mỹ. Trong hoàn cảnh nhục nhã nhất đời lính, người Pháp vẫn thông minh trong ứng xử. Họ lập tức làm ra vẻ thân thiện với kẻ thù, cứ như thể chiến tranh giữa hai bên đã chấm dứt thì mọi sự đương nhiên phải trở lại bình thường giữa kẻ thắng kẻ thua trong nền hòa bình cục bộ. Với nụ cười cầu tài, họ bả lả nài xin chúng tôi điếu thuốc, nặn ra dăm ba câu làm quà. Những mẩu đối thoại tầm phào như thế mà, lạ thay, lại có tác dụng xóa đi cái ranh giới tưởng chừng không vượt qua nổi.
Có lẽ do bị tuyên truyền sai lạc về đối phương, tù binh Mỹ rất khúm núm trước kẻ thắng. Gặp sĩ quan Việt Nam, họ cúi gập người, hai tay áp sát đùi mà chào, lễ độ lắm. Tù binh Pháp trong trường hợp ấy ứng xử khác hẳn: “Bonjour, mon capitaine! Comment allez-vous?”(2), họ toe toét, suồng sã. Ai cũng capitaine hết, từ anh lính trơn cho tới cấp chỉ huy cao nhất.
Chính sách tù binh nhân đạo đã góp phần lôi kéo lính Pháp chạy sang hàng ngũ kháng chiến. í thức được cuộc chiến tranh mà họ tham gia là phi nghĩa, những người “Việt Nam mới” sát cánh bên người Việt Nam kháng chiến chống lại chính nước họ. Nhiều người trong bọn họ sau trở thành đảng viên cộng sản, thành sĩ quan trong quân đội Việt Nam.
Họ chỉ buộc lòng phải bỏ Việt Nam mà đi khi ở đây bùng lên ngọn lửa “đấu tranh giữa hai đường lối”. Với màu da trắng, họ bị các nhà mác-xít nửa mùa coi là những tên xét lại bẩm sinh. Không thể trở về Pháp, nơi họ sẽ bị xử tội như những tên phản quốc, những người này lang thang tìm nơi tá túc tại các nước xã hội chủ nghĩa Ðông Âu. Chiến Sĩ trở về Ðông Ðức, Georges Boudarel(3), Albert Clavier, Targo(4)…người đi Hungari, kẻ sang Tiệp Khắc.
Tư tưởng Mao Trạch-đông đòi hỏi người cộng sản phải có lập trường bạn thù rõ rệt, ranh giới địch ta phân minh. Vào thập niên 60, cách đối xử với tù binh Mỹ không còn tử tế như với tù binh Pháp. Dù là tù binh, họ vẫn là địch, là kẻ thù. Ðiều đó gây ra tổn thất cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Không như trong kháng chiến chống Pháp, trong cuộc chiến tranh mới không có một người lính Mỹ nào cầm súng chiến đấu bên cạnh nhân dân Việt Nam.
Tù binh Mỹ tuy thế vẫn còn may: cấp lãnh đạo quân đội Việt Nam không hoàn toàn nghe theo những lời chỉ bảo của các cố vấn Trung Quốc trong vấn đề đối xử với tù binh. Khẩu phần cho tù binh Mỹ tôi thấy ở Hỏa Lò khá hơn nhiều so với khẩu phần bộ đội: mỗi bữa một tô đầy súp thịt, một cái bánh mì nhỏ, hai điếu thuốc lá.
Những câu chuyện trên trời dưới đất như vậy có tác dụng làm cho đêm xà lim bớt nặng nề.
– Thằng Mỹ ngủ, cậu ạ. – Thành nghiêng đầu nghe ngóng rồi nói.
Ðã tới bốn giờ sáng rồi chứ không ít. Chúng tôi vẫn tỉnh như sáo.
– Có lẽ thế. Không thấy nó rên nữa. – tôi nói – Không hiểu họ đưa nó vào đây làm gì nhỉ? Nó bị thương thì đưa vào quân y viện, chữa cho khỏi đã. Làm như thế là không tôn trọng công ước quốc tế về tù binh.
Thành cười khe khẽ:
– Mình có ký vào cái công ước ấy đâu mà rộn. Cậu có thấy đói bụng không?
– Cũng hơi ngon ngót.
Tôi làm khách. Thực sự, tôi đói run. Cái rét làm cảm giác đói tăng gấp đôi.
– Ta làm cái bánh xốp đi.
– Nào.
Anh bẻ đôi cái bánh, chia cho tôi một nửa. Tôi không được liên lạc với gia đình, tôi không được tiếp tế. Thành được nhận tiếp tế mỗi tháng một lần.
Chúng tôi nhai dè xẻn từng mẩu nhỏ, cảm thấy vị ngọt của đường mía trôi qua thực quản, qua dạ dày, thấm ướt những tế bào khô héo.
Từ hôm cái bánh mì bộ ra đi, chúng tôi trở về với bữa ăn thường lệ: hai đồng mì luộc đầy xác mọt và rau muống tần đại dương. Tôi không còn thấy gớm cái nước rau đen xì như nước cống nữa. Tôi húp sạchsành sanh, chỉ chừa lại một chút cặn.
Nhìn tôi húp nước rau ngon lành, Thành tế nhị giải thích:
– Lạ một cái là nằm trong xà lim, cả trong mùa đông, mình có làm gì nặng nhọc đâu mà bảo mất mồ hôi, vậy mà cứ thèm chất mặn. Nhiều hôm nhạt mồm nhạt miệng quá, đành nói khó với mấy ông quản giáo, tạ sự rằng đau răng quá, xin các ông làm phúc cho nhúm muối để ngậm. Khốn nạn, bỏ hạt muối vào miệng thấy ngọt như đường. Mình là người đứng đắn người ta mới cho, chứ tù khác đừng hòng…
Tôi ngạc nhiên:
– Mấy hạt muối đáng bao nhiêu mà không cho…
– Không phải chuyện đáng bao nhiêu hay không đáng bao nhiêu. Mà là người ta sợ tù trốn trại. Muối với nước tiểu hòa lẫn ăn mòn sắt dữ lắm. Tù dùng giẻ quấn quanh chấn song sắt, tẩm thứ nước ấy vào, cho sắt mục ra, dễ bẻ. Hỏa Lò chắc là thế mà người ta vẫn sợ tù trốn lắm, thỉnh thoảng lại loại các phòng….
Tôi giương đôi mắt của thằng ngốc:
– Loại là cái gì?
– Tiếng lóng mà, loại là lục lọi, khám xét.
– Có một nhúm muối mà lắm chuyện.
Thành nhún vai:
– Người ta loại còn để tìm ra những thứ khác nữa chứ: cưa sắt, dao, bật lửa…
– Mình thèm muối thế này là trong người thiếu cái gì đấy. Chứ theo khoa học thì ăn muối nhiều chỉ có hại…
– Khoa với chẳng học, quên đi. Khoa học không bao giờ bước chân vào đây. Cứ theo khoa học thì con người không thể sống thiếu ánh sáng mặt trời. Vậy mà trong xà lim có ánh sáng mặt trời quái đâu mà tù vẫn cứ sống nhăn. Có người ở chín năm trong xà lim chẳng sao…
– Chín năm? – tôi kêu lên, ớn lạnh dọc xương sống.
– Chứ sao! Hiện hắn ta đang ở đây, ngay trong xà lim 3 này này. – Thành thản nhiên – Tôi nghe tiếng hắn ta ho.
– Sao không bắn quách người ta đi cho rồi? Bắn còn nhân đạo hơn.
– Xì, bắn người đâu có dễ! Tòa tuyên án tử hình rồi đấy chứ, mang bắn rồi đấy chứ. Thế mà vẫn sống, mới lạ. Tôi nghĩ con người ta có số, cậu ạ. Anh này ngụy quân, vẫn bị chính quyền địa phương để ý. Ngụy quân ngụy quyền đều trong sổ đen hết. Bỗng xảy ra án mạng, một em bé bị giết, xác vứt trên nắp cống. Ðiều tra thì biết em bé hay được hắn dẫn đi chơi, thế là hắn bị bắt. Ðồ rằng hắn bất mãn chế độ, giết em bé để gây hoang mang trong dân chúng. Chứ điều tra không thấy hắn không có thù oán gì gia đình đứa bé. Chấp pháp hỏi cung cách nào không biết, hắn nhận. Tòa xử tử hình. Hắn xin ân xá. Ðơn bị bác. Hôm giải hắn đi bắn anh chỉ huy thấy tên tử tù cứ vật vã gào khóc, một mực kêu oan, nói tại cán bộ chấp pháp xui hắn mới nhận tội, chứ hắn không giết người, chấp pháp bảo hắn cứ nhận hết thì xin tha cho, có ngờ đâu bị mang bắn thật…
– Người tù không bị giải đi bắn nữa?
– Xì, có thế hắn ta mới còn sống đến giờ chứ.
Câu chuyện hoang đường, khó tin quá.
– Người chỉ huy hành quyết thường cấp bậc gì?
– Trung úy, cũng có khi đại úy. Anh này trung úy.
– Anh trung úy rồi có bị kỷ luật không?
– Ai biết được. Tôi cũng nghe kể vậy thôi. Gan cóc tía, quân lệnh như sơn mà dám cưỡng. Giải tên tù tử hình trở lại xà lim xong, anh ta tức tốc đi gõ cửa các cấp đề nghị xem lại vụ án mà anh ta cho là có uẩn khúc…
– Rồi sao nữa?
– Người ta xét lại vụ án đấy!
– Thế thì cả anh trung úy lẫn những người chịu nghe ý kiến anh ta đều là những người cực tốt. – tôi suýt soa.
Thành nguýt tôi:
– Thế cậu nghĩ cán bộ các ngành công an, tư pháp bây giờ xấu hết à?
Tôi cười. Thành có thể làm chính trị viên xà lim được. Nhưng trong trường hợp này chính trị viên đã nghĩ oan cho tôi. Tôi không đến nỗi tệ như vậy. Ðâu chả có người tốt, người xấu.
Anh trung úy nọ đúng là to gan. Người như thế hiếm lắm. Cán bộ đã nhiều năm chỉ được giáo dục tinh thần vâng lời, không ai được dạy suy nghĩ. Ngay trong ngành tòa án, được coi là độc lập, quan tòa(5) cũng phải xử theo Ðảng chứ không theo luật. Một án xử đã xong, coi như bất di bất dịch, bởi vì Ðảng (một Ðảng bộ chẳng hạn) đã quyết rồi. Thế mà dám cưỡng lại thì liều thật.
Người tù bị bắn hụt tên là Nguyễn Văn Căn, nếu như Thành không nhầm và tôi nhớ không sai. Trong suốt những năm dài của cuộc đời tử tội anh ta đã đi qua hầu hết các xà lim Hỏa Lò. Thảo nào ở xà lim 3 tôi đã gặp những hàng chữ khắc nguệch ngoạc ký tên Căn trên tường. Ðó là những lời thống thiết kêu than: “Tôi bị oan! Tôi không giết người!”, trong xà lim tôi đang ở là những lời căm giận nguyền rủa bọn cộng sản dã man, vô nhân đạo. Lời kêu oan chắc được ghi trong thời gian đầu khi anh ta mới bị bắt. Lời nguyền rủa đến sau, khi anh ta ở xà lim quá lâu.
Nhân có quả tắc(6) Thành dành mấy đồng bánh xốp cho anh tù bất hạnh. Tiếp tế, đối với mọi loại tù, nhất là tù xà lim, là hạnh phúc lớn. Chẳng thế tù xà lim có câu: ” Thứ nhất được tha, thứ nhì quả tắc, thứ ba ra ngoài (trại chung)”. Anh tù nọ, không hiểu sao, rất ít khi có quà gia đình.
Muốn cho bạn tù quà không thể nhờ quản giáo chuyển. Chỉ có thể xin ra sân phơi quần áo rồi lén bỏ quà vào trong túi, hoặc móc vào dây phơi rồi lấy quần áo phủ lên. Người được cho cũng xin phơi quần áo như thế rồi khéo léo lấy quà vào. Một “hộp thư” tình báo cực kỳ thô thiển. Có lẽ những quản giáo đều biết trò này, nhưng nhắm mắt cho qua.
Người mở cửa cho chúng tôi sáng hôm ấy không phải Sứ giả hòa bình, chẳng phải Hách, mà là một quản giáo mới toanh, chưa kịp mỏi mệt hoặc chán nghề. Tên này vè vè theo chúng tôi từng bước. Ðành chờ dịp khác.
Anh tù tử hình không hiểu cho chúng tôi, cho rằng chúng tôi chơi xỏ anh, cất tiếng chửi đổng, lời lẽ rất khó nghe. Tôi sôi máu, bảo Thành đừng cho quà tên khốn kiếp ấy nữa, nhưng Thành ngồi im, không nói gì.
Ngày hôm sau, người mở cửa là Sứ giả hòa bình. Thành lẳng lặng cho bánh vào túi áo bông xin phơi, rồi điềm tĩnh thông báo lần nữa cho anh tù tử hình biết. Việc chuyển giao diễn ra tốt đẹp. Ðêm xuống, Căn nghêu ngao mấy câu vọng cổ bày tỏ lòng ân hận.
Cách nhắn nhủ nhau qua những bài ca, những vần thơ, là cách liên lạc độc đáo trong tù. Quản giáo có bắt được cũng không thể phạt nặng – ối giời ơi, tôi có vi phạm gì đâu, thưa ông, nằm đây mãi buồn quá tôi nghêu ngao tí chút, thế thôi, xin ông bỏ quá.
Căn có thâm niên xà lim cao nhất Hỏa Lò. Vì thâm niên này anh ta được các quản giáo nơi tay. Những người duy vật cùng mình hóa ra trong đáy lòng vẫn còn một chút duy tâm – chẳng ai muốn trong gia đình mình có thêm một con ma thù hận. Án tử hình đã tuyên rồi, chắc gì tòa đã xử lại, tòa xử lại chắc gì đã tha, một sáng nào đó đội hành quyết lại lôi cổ hắn ta đi chửa biết chừng.
– Sao anh không trả lời hắn một tiếng? – tôi hỏi Thành.
Anh lắc đầu:
– Hắn hiểu chúng ta không chơi xấu là đủ.
Tôi nói quả tắc là hạnh phúc lớn đối với tù xà lim là nói chung. Nó không đúng trong mọi trường hợp. Thành chẳng hạn, những lần nhận quà gia đình anh buồn rũ.
Cuối cùng, trong một đêm không ngủ Thành đã kể cho tôi nghe ngọn ngành câu chuyện vì sao anh vào tù.
Nhờ trước chiến tranh tiểu đoàn trưởng Thành có học trường Kỹ nghệ thực hành. Hòa bình lập lại anh được chuyển sang Bộ Công nghiệp. Trong một đợt tinh giản biên chế (7) anh xin hưu non, cùng các bạn bộ đội lập ra một hợp tác xã thủ công nghiệp. Cùng làm với anh có đại tá Trần, một nhân vật lịch sử của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Nhờ những mối quan hệ cũ với quân đội, hợp tác xã nhận được những hợp đồng lớn của Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật. Từ cổ chí kim ai cũng biết hợp đồng với quân đội bao giờ cũng béo bở. Hợp tác xã của các cựu chiến binh lớn lên như thổi. Mức sống của xã viên tăng nhanh đến chóng mặt.
Chuyện Thành vào tù nghe cứ như chuyện bịa.
Chả là anh nhận được một hợp đồng gia công chốt xích xe tăng, với số lượng lớn. Nguyên liệu để làm thứ chốt này là sắt Liên Xô, ký hiệu CT45. Ðúng vào thời gian này người ta sực nhớ đến xe trâu, phương tiện vận tải thô sơ trong kháng chiến chống Pháp. Nó vẫn hữu hiệu trong công việc vận chuyển trên những đường xấu, đường rừng hẹp. Xe trâu được sản xuất hàng loạt. Mọi thứ để sản xuất xe trâu đều đủ, chỉ thiếu có trục xe, mà sắt thanh CT45 làm trục xe rất hợp.
Thành mầy mò tìm ra trong những núi sắt phế liệu thời Pháp nhiều sắt tròn có độ cứng tương đương CT45, liền mua về làm chốt xích xe tăng, còn thép do Tổng cục Kỹ thuật cấp thì bán lại cho các hợp tác xã đóng xe trâu. Nhờ sáng kiến của Thành hợp tác xã thu được một khoản lãi kếch xù.
Các bà vợ ngây thơ làm hại các ông chồng. Lẽ ra phải tiếp tục sống kín đáo thì các bà lại đua nhau phô trương. Các bà sắm sanh đủ thứ, đi chợ không thèm mà cả, tha về làn to làn bé. Quá vui vì món quà bất ngờ của số phận, họ đánh mất sự tỉnh táo để biết sống cho phải đạo. Như một quy luật, nhà cầm quyền ngu dốt bao giờ cũng che đậy sự quản lý vụng về bằng chủ nghĩa khắc kỷ. “Sự bình đẳng hai người mặc chung một quần”, theo cách nói dí dỏm của Nikita Khrusov, làm cho con người trở nên hẹp hòi, họ căm ghét kẻ nào sống sướng hơn họ. Người biết sống phải đạo muốn ăn thịt gà phải đi chợ xa để mua, lén lút mang về, lén lút vặt lông, lén lút ăn rồi lén lút đem lông đi đổ. Lòng ghen tị hiện hình thành những lá đơn tố cáo đầy những câu hỏi nồng nặc mùi cảnh giác cách mạng.
Những ông Bao Công vừa thoát nạn mù chữ nhảy vào cuộc.
Thành bị bắt. Cả ông đại tá danh tiếng cũng bị tống giam.
Trong quá trình điều tra, phía quân đội xác nhận hợp tác xã thực hiện đúng hợp đồng về mọi mặt – thời hạn, số lượng và chất lượng sản phẩm. Kèm theo, có biên bản giám định của Viện kỹ thuật quân sự. Mặc, họ bị buộc tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, bị giam hết tháng này qua tháng khác, rồi năm này qua năm khác.
Thành ôm mối hận trong lòng. Theo thói quen của người thợ, anh dùng vật liệu đúng chỗ của nó. Thay vì Nhà nước phải nhập thêm một lượng thép làm trục xe trâu thì nay không phải nhập nữa. Những đoạn thép ngắn bỏ đi đã được tận dụng. Số trục xe trâu có đủ cho sản xuất, nhu cầu vận chuyển được đáp ứng.
Ông đại tá ỷ thế có công với cách mạng, là bạn của ông thủ tướng, và cái chính là ông tin lẽ phải thuộc về ông, nhất quyết không chịu nhún mình trước bọn chấp pháp. Ông thủ tướng ngoảnh mặt đi. Ông cho mọi người biết ông không nể tình riêng mà vượt qua phép nước, ông không can thiệp. Ông đại tá bị đôn lên làm đầu vụ, sẽ bị xử nặng nhất. Chuyện ấy làm cho Thành buồn phiền. Theo anh, các nhà làm án lầm – tội của anh mới là tội nặng. Chính anh đã đề xướng việc làm về sau này bị coi là “phạm pháp”.
Không rõ rồi Thành lĩnh án bao nhiêu năm? Tôi hi vọng người ta sẽ tỉnh ra để không hành hạ những con người khốn khổ. Khi tôi rời Hỏa Lò Thành vẫn còn đó.
– Cậu có nghe thấy gì không? – Thành vụt nhỏm dậy, hỏi tôi.
Tôi lắng nghe. Có một tiếng xào xạc mơ hồ vẳng vào xà lim.
– Hình như chuyển trại. – anh nói.
Tai Thành thính hơn tai tôi. Ðến lúc ấy tôi mới nghe tiếng người lao xao, tiếng dép lạt xạt trên mặt đường.
Một lát sau có tiếng xe vận tải nặng nổ máy, một chiếc rồi hai chiếc, ba chiếc. Tiếng người rộ lên một lát, sau đó đêm lại trở về yên lặng.
Thành cục cựa trở dậy làm điếu thuốc lào. Mặc dầu kế hoạch của anh chặt chẽ, nhưng gặp điều suy nghĩ là nó liền bị vi phạm.
– Họ chở tù đi đâu?
– Ði trại. Tết đến nơi rồi.
– Tết thì liên quan gì đến chuyển trại?
Thành nhìn tôi. Khi nào anh mải suy nghĩ, không muốn trả lời thì cái nhìn của anh không ấm áp.
– Trước những ngày hội lớn, ngày Tết, bao giờ người ta cũng chuyển tù Hỏa Lò đi để lấy chỗ giam tù mới. Ðủ loại: lưu manh, trộm cắp, ngụy quân, ngụy quyền, đĩ điếm, tình nghi phản động… Tất cả gom trong vài ngày, sau đó mới phân loại, đám đưa đi tập trung cải tạo, đám qua Tết cho về. Giam hết lấy chỗ đâu mà chứa!
– Bắt người thế thì tùy tiện quá.
Thành liếc xéo tôi, không buồn trả lời.
– Tôi cứ tưởng bắt một con người là phải qua nhiều thủ tục luật pháp, hóa ra không phải. Anh đừng cười tôi – chẳng riêng tôi, tất cả bọn nhà báo chúng tôi đều bị bịt mắt hết, chúng tôi chỉ nhìn thấy một phía của cuộc sống.
Thành hút thêm điếu nữa.
– Anh lo chuyển trại à?
– Việc gì mà lo. Người ta không cho chuyển trại trong khi chưa có án đâu. Ðược chuyển trại còn phải lấy làm mừng ấy chứ. Nằm xà lim là cực kỳ hại cho sức khỏe.
Tôi thở dài.
– Chẳng biết bao giờ tôi mới ra khỏi xà lim…
Thành nhún vai:
– Họ xử sớm thì ra sớm. Họ xử muộn thì còn phải nằm… Một năm, hai năm không chừng.
– Nếu họ không xử thì sao? – tôi nhỏm dậy.
– Sao lại không xử?
Ngần ngừ một lát, tôi nói:
– Thế mà họ không xử chúng tôi đấy.
Ðến lượt Thành ngạc nhiên:
– Bậy!
– Chấp pháp nói với tôi như vậy.
– Cậu là cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp thì phải xử chứ, nhất định thế. – anh nói bằng giọng quả quyết – Có một chỉ thị của Ðảng nói về việc này rồi, rằng lệnh tập trung cải tạo không được áp dụng cho cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng Tám bốn mươi nhăm và cán bộ kháng chiến chống Pháp.
Tôi nhớ ra rồi. Chỉ thị đó tôi có đọc. Anh Hoàng Nguyên Kỳ thỉnh thoảng cho tôi xem một số chỉ thị và nghị quyết mới của Ðảng, trong đó có một chỉ thị của Ban Bí thư về tập trung cải tạo. Lúc đó tôi không chú ý.
– Họ nói vụ của chúng tôi nằm trong phạm trù mâu thuẫn nội bộ, tức là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, nội bộ Ðảng, nội bộ phong trào cộng sản quốc tế…
Thành cúi đầu suy nghĩ:
– Họ nói thế à? Thế thì không lo. Nhưng… cũng chẳng biết được nó là thế nào, rất có thể vì thế mà nó lại dằng dai cũng nên… Vụ án của cậu khó hiểu… Cậu bị bỏ tù hẳn hoi, sao lại gọi là mâu thuẫn nội bộ?
– Thì thế mới lạ!
Tôi quyết định nói cho Thành nghe những nét chính của vụ án chúng tôi. Tại sao lại không nói nhỉ? Tại sao lại phải nghe lời chúng nó để giấu giếm cho chúng nó cái mà chúng nó giấu giếm?
– Thế ra cậu bị cùng với các ông Hoàng Minh Chính, Ðặng Kim Giang. Và cả ông cụ cậu nữa?
Tôi gật đầu.
– Hồi mới vào chắc cậu nghĩ tôi là chỉ điểm?
– Chẳng có sở cứ nào để nghĩ như vậy. Nhưng vẫn phải cảnh giác. Anh không trách tôi chứ?
Anh buồn rầu:
– Có gì mà trách. Cảnh giác là đúng thôi.
– Họ không cho anh biết tôi là ai?
Tôi thấy một chút lưỡng lự, rất nhỏ, trong khoảng cách giữa câu hỏi và câu trả lời.
Tên tù binh Mỹ đã ngủ yên. Hoặc đã chết. Tôi không nghe thấy bất cứ tiếng động nào từ phía xà lim của y nữa.
(1) Cứu tôi với! Cứu tôi với! (tiếng Anh).
(2) Xin chào ông đại úy! Ông vẫn được mạnh giỏi đấy chứ? (tiếng Pháp).
(3) G. Boudarel (tên Việt là Ðại Ðồng) sau trở về Pháp, giảng dạy tại trường đại học Diderot (Paris). Cho tới khi tôi viết những dòng này cuộc chiến ở Ðông Dương đối với anh vẫn chưa chấm dứt. Anh bị những cựu tù binh Pháp còn cay cú với cuộc chiến tranh Ðông Dương đã qua đòi đưa ra tòa vì tội phản quốc. Ðiều đáng ngạc nhiên là nhà cầm quyền Hà Nội không hề quan tâm tới số phận người chiến sĩ đã chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam.
(4) Tôi kể tên mấy người quen: Chiến Sĩ (Ðức), G. Boudarel, A. Clavier (Pháp), Targo (Tây-ban-nha). Chiến Sĩ sau chết ở Ðức, G. Boudarel tôi còn gặp ở Paris năm 1996. Không rõ số phận những người khác ra sao.
(5) Các quan tòa Việt Nam hồi này phần nhiều không có chuyên môn. Họ được rút từ các ngành khác, được dự những khóa huấn luyện cấp tốc để trở thành quan tòa. Ngành tư pháp nói chung ở trong tình cảnh tội nghiệp. Do ảnh hưởng của sự sợ hãi nguyên tắc tam quyền phân lập, Ðảng luôn dè chừng ngành này.
(6) Quà gia đình được phép gửi cho tù, ở miền Bắc gọi là tiếp tế.
(7) Những đợt tinh giản biên chế diễn ra thường xuyên trong bộ máy nhà nước mỗi ngày một thêm cồng kềnh. Trong tinh giản biên chế những người xin ra ngoài thường là những người tài năng, không cần bám vào bộ máy nhà nước. Ông Phạm Văn Ðồng ví tình hình này như việc đập lúa, những hạt mẩy nhất bắn ra đầu tiên, những hạt lép thì bám rất dai.