Chương 3 – “Bác Hồ, vị cứu tinh của dân tộc”

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có

(“Bình Ngô đại cáo”, 1427)

Nhìn một cách tổng quát thì có thể nói Cách mạng Việt Nam bắt đầu bằng phong trào quốc gia và kết thúc với chế độ cộng sản. Trong hai thế hệ liên tiếp những người Việt Nam yêu nước đã đấu tranh giành độc lập quốc gia. Họ không thành công nhưng họ giữ ngọn lửa cách mạng không lúc nào tắt hẳn, và những kinh nghiệm xương máu của họ đã giúp cho cộng sản chiến thắng với danh nghĩa giải phóng quốc gia, sau một thời kỳ hoạt động trong bóng tối tương đối ngắn hơn. So với phe quốc gia, cộng sản ít bị thiệt hại hơn, và đã thành công tương đối dễ dàng vì nhiều lý do. Trước hết là nhờ sự lãnh đạo khôn khéo của Đệ Tam Quốc tế và hai là nhờ lòng quả cảm của các đảng viên cộng sản. Hơn nữa, vì chủ nghĩa Mác-xít có tính cấp tiến nên cộng sản đã thu hút được những phần tử trí thức có lý tưởng, đồng thời huy động được đông đảo quần chúng bằng cách hứa hẹn một con đường tắt đưa tới mức sống cao hơn. Vì tất cả những yếu tố này mà cộng sản mỗi ngày một mạnh thêm, trong lúc phong trào quốc gia mỗi ngày một suy yếu dần. Nhưng cuối cùng sở dĩ cộng sản đã thành công, phần lớn là nhờ những chiến thuật hết sức biến ảo, lúc thì hiện hình là cộng sản, lúc thì tự nhận là quốc gia, tuỳ theo tình thế đổi thay mà vẫn giữ kín mục tiêu chiến lược bất di bất dịch của mình.

Cộng sản bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ 1925, là năm ông Hồ Chí Minh thành lập Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội, tuyển mộ các đảng viên đầu tiên trong nhóm thanh niên Việt Nam mà phe quốc gia đã đưa sang Trung Hoa. Hai mươi năm sau, khi lên nắm chính quyền ở Hà Nội, năm 1945, dưới ngọn cờ Việt Minh, Hồ Chí Minh vẫn còn đội lốt một nhà lãnh tụ quốc gia.

Đối với Việt cộng, chiêu bài đấu tranh giai cấp chỉ mang lại cho họ một chút ảnh hưởng trong quần chúng mà không giúp cho họ đạt được thắng lợi to lớn nào cả. Chỉ những khi họ đội lốt quốc gia đấu tranh chống thực dân Pháp mới đạt được những thắng lợi quan trọng, chứng cớ là trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến năm 1951 Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải tuyên bố tự giải tán và rút lui vào bóng tối, mặc dầu họ vẫn kiểm soát nhân dân và quân đội. Ở một nước bán khai như Việt Nam không có lấy một người xứng danh là tư bản thì dĩ nhiên đấu tranh giai cấp chẳng có lợi mấy cho cộng sản, còn giai cấp vô sản vì quá ít ỏi nên thực ra chẳng đóng một vai trò nào đáng kể trong sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản. Những yếu tố sau này đã giúp cho cộng sản nhiều nhất chính là những yếu tố mà trong hoàn cảnh bình thường đáng lẽ đã đưa đến một cuộc cách mạng thuần tuý quốc gia. Những yếu tố đó là chế độ thuộc địa của Pháp, đặt trên nền móng bất bình đẳng dân tộc, và tính chất hà lạm của quan lại phong kiến gây bất mãn trong nhân dân và tiêu huỷ mọi hy vọng canh tân và dân chủ hoá chế độ. Cộng sản thành công chỉ vì quốc gia bất lực không hoàn thành nổi sứ mạng lịch sử của mình. Thẳng thắn mà nói, phong trào quốc gia thất bại một phần vì không đủ sức chống lại sự đàn áp của thực dân, nhưng một phần cũng vì bị cộng sản xâm lấn và làm cho tiêu hao lực lượng bằng mọi mánh khoé và cuối cùng bị tiêu diệt bằng võ lực.

Trong hoàn cảnh ấy lãnh đạo cộng sản Việt Nam không cần phải là một lý thuyết gia uyên thâm mà là một nhà “xách động chuyên nghiệp” có đủ tài ba để giả dạng làm một lãnh tụ quốc gia. Năm 1926, Đệ tam Quốc tế đã giao cho ông Hồ Chí Minh công tác khó khăn này, và ông đã thành công vì ông có đủ những đức tính cần thiết để đóng vai một lãnh tụ nửa cộng sản nửa quốc gia.

Nhân dân Việt Nam bắt đầu nghe tên Hồ Chí Minh từ tháng 8 năm 1945. Ngày 28 tháng 8 năm đó (nghĩa là ngay sau ngày Việt Minh cướp chính quyền) báo chí Hà Nội công bố thành phần Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thành lập do ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Trước đấy, chưa ai nghe đến tên Hồ Chí Minh bao giờ, và mọi người đều thắc mắc về cái tên hơi kỳ lạ đó. Nhiều người cho rằng cái tên đó văn hoa quá không phải là tên thật mà chỉ là tên hiệu.

Dư luận bàn tán về lý lịch ông Hồ Chí Minh, nhất là các nhân viên trong tân chính phủ hồi ấy lại càng băn khoăn hơn, và tất cả đều nóng lòng muốn biết rõ ông Hồ là ai và tên thật là gì. Nhưng rồi cũng chẳng phải chờ lâu, vì chỉ mấy hôm sau bắt đầu có tin đồn Hồ Chí Minh là tên mới của Nguyễn Ái Quốc, con người bí mật đã từng “khai sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Khi nghe tin đồn này, sở Mật thám Pháp đã lập tức lục lại hồ sơ để tìm ảnh Nguyễn Ái Quốc. Theo hồ sơ chính thức thì Nguyễn Ái Quốc đã chết ở Hồng Kông năm 1933. Khi đem so sánh bức ảnh đã phai nhạt của Nguyễn Ái Quốc với những tấm ảnh của ông Hồ bán đầy đường Hà Nội, sở Mật thám Pháp mới biết họ Nguyễn vẫn còn sống, và sau 10 năm ẩn náu trong bóng tối đã trở lại chính trường dưới cái tên Hồ Chí Minh. Các chuyên viên sở Mật thám Pháp quyết đoán Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc mặc dầu sau 20 năm gian khổ, vóc dáng và nét mặt họ Nguyễn có thay đổi rất nhiều. Bằng cớ là vành tai phải của hai bức ảnh đều nhọn, trong khi tai bên trái vẫn đều đặn. Nhưng ông Hồ cứ chối như Cuội, nói rằng mình không phải là Nguyễn Ái Quốc. Ngay cả khi tướng Salan, đại diện Pháp dự cuộc đàm phán năm 1946, hỏi thẳng vào mặt ông Hồ, ông vẫn một mực chối cãi.

Riêng đối với người Việt thì ông Hồ không chối thẳng nhưng cứ trả lời loanh quanh. Thí dụ như trong năm 1946, ông đáp tầu Dumont D’Urville trở về Hải Phòng sau hội nghị Fontainebleau. Cùng đi trên chuyến tàu này có bốn chuyên gia Việt Nam mà ông Hồ đón từ Paris về nước. Một trong bốn ông là ông Võ Quý Huân, có hỏi ông Hồ: “Thưa chủ tịch, chủ tịch có biết ông Nguyễn Ái Quốc hiện nay ở đâu không ạ?” Ông Hồ chỉ mỉm cười và đáp: “Chú tìm ông ấy mà hỏi, tôi đâu biết”.

Không những ông Hồ chỉ giữ kín lý lịch của ông mà đến quê quán gốc tích của ông, ông cũng hết sức bí mật. Trong một bản danh sách ứng cử quốc hội năm 1946, ông khai sinh quán ở Hà Tĩnh; nhưng hiện nay ai cũng biết rõ ông sinh quán ở Nghệ An. Việc này được phơi bày công khai năm 1958 khi một phái đoàn nhân viên sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa viếng thăm quê hương ông Hồ. Sau cuộc viếng thăm, báo chí Hà Nội đã thú nhận ông Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Tạp chí Tranh ảnh Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Việt Nam Thông tấn xã (Bắc Việt) ấn hành, trong số tháng 8 năm 1960, có đăng bức ảnh Nguyễn Ái Quốc với dòng chữ chú thích “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) năm 30 tuổi, đang bôn ba hoạt động ở hải ngoại”.

Mặc dầu lý lịch của ông Hồ đã được xác định rõ rệt, thế giới tự do vẫn không biết mấy về con người kỳ lạ ấy, và phần lớn những hoạt động của ông Hồ vẫn chỉ có Đệ Tam Quốc tế biết rõ mà thôi. Tất cả những điều ghi chép về ông Hồ chỉ là dựa vào tập hồ sơ mong manh của mật thám Pháp, Anh và những lời thuật lại của một vài người đã có dịp gặp ông.

Trong lúc người Pháp đang ngắm nghía những bức ảnh của ông Hồ và dùng kính viễn vọng để nhìn mặt ông mỗi khi ông ra mắt công chúng thì tất cả nhân dân Việt Nam đều nhất nhất coi ông Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc vì họ không tin được rằng trong cùng một thời đại mà một nước lại có thể sinh ra hai người có tài trí như ông Hồ. Ông Hồ nói lưu loát hàng chục thứ tiếng và đã từng chu du khắp thế giới dưới nhiều biệt danh, nửa đời sống trong khám đường – có thể cả khám đường Xô-viết – và nửa đời hoạt động chính trị trong bóng tối. Ông hơn hẳn các đối thủ chính trị của ông về cả chiến thuật cách mạng lẫn kinh nghiệm chính trị. Hồi thiếu thời ông đã đọc rất nhiều cổ thư Trung Hoa và sau đó tiếp tục tự học trong khi bôn ba khắp châu Âu và châu Mỹ. Suốt trong thời kỳ ấy, ông hoạt động quan sát và học hỏi ở bạn bè cũng như trong sách báo. Cuối cùng ông đã được Đệ Tam Quốc tế huấn luyện một cách kỹ lưỡng và có quy củ: do đó ông đã hấp thụ được ba nguồn văn hoá khác nhau nhưng có giá trị tương đương; văn hoá Đông phương, Tây phương và Mác-xít. Ông nói chuyện lưu loát với bất cứ ai, dù là nông dân Việt Nam, quân phiệt Trung Hoa, triết gia Ấn Độ hay là nhà báo Tây phương.

Trong suốt thời kỳ hoạt động chính trị trong bóng tối ông Hồ đã phải dùng nhiều mánh khoé, mưu mẹo, để trốn tránh cạm bẫy của công an và phá hỏng kế hoạch của kẻ thù. Nhờ sự tập dượt ấy mà ông Hồ đã trở lên một địch thủ vô song, vì qua bao nhiêu năm trời, ông đã học được cái tài đánh lạc hướng bất cứ ai muốn theo dõi ông. Ông đã nhiều lần trốn thoát khỏi tay quốc gia Việt Nam, Trung Hoa Quốc dân Đảng và các cơ quan tình báo Anh, Mỹ.

Ngoài trí thông minh xuất chúng, ông Hồ còn có một nhân phẩm rất cao. Nói tóm lại, ông có đủ những đức tính cần thiết của một nhà lãnh tụ. Nếp sống thanh bạch, lòng nhẫn nại, ý chí sắt đá và sự tận tâm của ông đối với cách mạng là một nguồn phấn khởi cho tất cả những ai đã làm việc dưới quyền ông và phụng sự đất nước nói chung. Nhiều người cho rằng ông Hồ đã thừa hưởng tinh thần cách mạng của tổ phụ và của những người đồng hương. Nhẫn nại, thanh đạm và cần cù là những đức tính thường thấy ở người dân Nghệ An, nơi sinh quán của ông Hồ. Ông Hồ đã phát huy những đức tính người Nghệ, gần giống đức tính của người Nhật Bản, nhưng khác ở chỗ là nói chung người Nhật hết sức có kỷ luật, còn người Nghệ An thì thường có khuynh hướng chống lại tất cả mọi chính quyền. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Nghệ An vẫn là đất cách mạng, và cách đây chưa đầy 10 năm, vào năm 1956. Nghệ An đã là trung tâm cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại chính chế độ của ông Hồ.

Nhờ tuyên truyền khôn ngoan và những câu chuyện truyền kỳ thêu dệt, mà trong những năm kháng chiến, trước khi xảy ra những vụ đấu tố trong phong trào “Cải cách ruộng đất”, ông Hồ Chí Minh đã được dân chúng coi là thánh sống. Trên bàn thờ gia đình nào cũng có ảnh của ông Hồ, và riêng ở một vài nơi như ở Quảng Ngãi chẳng hạn, nông dân thường vái chân dung ông Hồ mấy cái vái trước khi ra đồng làm việc.

Ông Hồ sống rất thanh đạm, những gì là xa xỉ không cần thiết không bao giờ ông dùng đến. Ông chỉ có mỗi tật là nghiện thuốc lá Mỹ và ông hút luôn mồm. Trong nhiều năm trời, ông ăn mặc in hệt một nông dân, bên ngoài khoác một chiếc “Blouson” Gia-nã-đại và đi dép cao su lốp ô tô. Nhìn cách ăn mặc của ông, ai cũng biết ông đã hiến cuộc đời của ông để phục vụ nhân dân. Ông Hồ đã bỏ nhà ra đi từ ngày trẻ tuổi, và không có vợ con, cho nên không ai có thể gán cho ông chủ trương gia đình trị hoặc tệ tham nhũng được. Ông Paul Mus, sứ giả của chính phủ Pháp đến gặp ông Hồ vào năm 1947 để đàm phán ngưng chiến, đã có nói như sau: “Ông Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng cương trực và thanh liêm không khác Saint Just”.

Câu so sánh này là một lời khen vàng ngọc đối với bất cứ một chính khách nào, vì trong thời đại này, nhất là ở cái nước kém mở mang, hiếm có những chính trị gia hoàn toàn thanh liêm. Thành thử, riêng về phương diện đạo đức, ông Hồ đã được toàn dân Việt Nam kính mến trọng vọng. Ông thành công phần lớn là nhờ nổi tiếng cần kiệm liêm chính, vì ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước khiếm khai thác, quần chúng thường tin tưởng ở nhân phẩm và tác phong của vị lãnh tụ, hơn là ở chương trình chính trị của các đảng phái.

Nhìn lại quá khứ, ta thấy không một đối thủ nào của ông Hồ có cơ thắng ông cả. Ông Nguyễn Hải Thần, đồng chí và là người kế vị của Phan Bội Châu, là một nhà ái quốc chân chính, nhưng trong 40 năm lưu vong ở Trung Quốc, ông không may đã bị nghiện thuốc phiện. Cựu hoàng Bảo Đại, mà người Pháp tái phong làm “Quốc trưởng” năm 1949 đã mang tiếng là một người chơi bời, sống một cuộc đời truỵ lạc trong hơn 20 năm. Sau chót là ông Ngô Đình Diệm, nhờ áp lực của Mỹ mà cầm quyền ở Miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1963. Ông Diệm và ông Hồ khác nhau về mọi mặt. Trong lúc ông Hồ từ bỏ gia đình từ hồi thanh niên thì trái lại, ông Diệm lúc nào cũng đùm bọc anh em và họ hàng thân thích, giao cho họ quyền cao chức trọng trong chính phủ và trong quân đội. Trong khi ông Hồ chuyện trò thân mật với thợ thuyền và dân quê thì ông Diệm ngồi bảnh choẹ trên chiếc ghế mạ vàng, thò chân cho các tù trưởng dân tộc thiểu số hứng lấy để rửa, y hệt vua chúa thuở xưa nhận lễ quy thuận của người Thượng.

Một điểm quan trọng mà các quan sát viên ngoại quốc thường không để ý đến là sự phẫn nộ của nhân dân Việt Nam trước nạn tham nhũng của quan lại mà chính quyền thực dân vẫn hay dung túng. Chỉ riêng nạn quan lại tham nhũng cũng đủ là một động cơ thúc đẩy nhiều người hướng theo cách mạng. Bất cứ người nào mưu loạn, không cần biết họ theo tôn chỉ, lý thuyết nào, cũng được nhân dân Việt Nam hâm mộ “coi là một đấng trượng phu quả cảm đứng ra bênh vực lẽ phải và công lý”. Đối với nhân dân Việt Nam, bọn quan lại làm tay sai cho thực dân để lên xe xuống ngựa, “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” sống xa hoa giữa một xã hội đói rách, không những có tội “mãi quốc cầu vinh” mà còn làm gai mắt thiên hạ vì thói “no lưng ấm cật”. Có nhiều nguyên nhân gây lên cách mạng, nhưng ở Việt Nam, nguyên nhân chính là lòng dân khao khát muốn diệt trừ quan lại tham nhũng và cường hào ác bá. Theo sự suy xét của người thường dân Việt Nam thì cách mạng là đấu tranh giữa “liêm” và “vô liêm”, giữa “chính” và “bất chính”, còn vấn đề chủ nghĩa mà sau này cộng sản gài thêm vào chỉ là yếu tố phụ. Cứ xét theo điểm này, cũng đủ biết viên cựu hoàng đế Bảo Đại cũng như viên cựu quan lại Ngô Đình Diệm không tài nào địch nổi Hồ Chí Minh, con người cách mạng thuần tuý, điển hình đạo đức, hay theo lời Paul Mus: Saint Just của thế kỷ thứ 20.

Ông Hồ sinh tại làng Kim Liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, vào ngày tháng nào không ai biết mà có lẽ cũng không nhớ, nhưng sau khi làm chủ tịch, ông nhận đại là ngày 19 tháng 5 năm 1890, vì năm 1946, đúng ngày 19/05 Cao uỷ của Pháp là D’Argenlieu tới Hà Nội. Ông Hồ lấy cớ là ngày sinh nhật của ông để buộc D’Argenlieu phải thân hành đến chúc thọ ông trước. Theo tục lệ ngày xưa ông Hồ được cha mẹ lần lượt đặt cho hai tên. Một tên “cúng cơm” lúc nhỏ và một tên “bộ” khi đến tuổi đi học. Tên cúng cơm của ông là “Côông”. Sự thực là Cung, nhưng vì muốn sau này con cháu khỏi phải kiêng chữ “cung” nên đặt chệch ra là “Côông”. Tên “bộ” của ông là Nguyễn Tất Thành. Sau này, ông còn tự đặt nhiều tên, nào là Nguyễn Ái Quốc, Lý Thuỵ, Victor, Song Man Tcho, Vương Sơn Nhi, Hồ Chí Minh, v.v., cốt để thay hình đổi dạng tuỳ theo công tác bí mật của ông.

Ông xuất thân trong một gia đình Nho giáo, tiểu địa chủ và tiểu quan lại như đa số những người có chữ nghĩa thời ấy. Ông nội đỗ cử nhân được bổ làm tri huyện triều Tự Đức nhưng vì gàn bướng nên bị cách chức. Thân phụ ông đậu phó bảng, tên là Nguyễn Sinh Huy, sau đổi là Nguyễn Tất Sắc, thường gọi là cụ Bảng Sắc. Cụ không làm quan và tham gia phong trào Văn Thân. Bị đày ra Côn Đảo vài năm rồi đưa về cầm cố ở Sài Gòn. Trong thời kỳ này cụ làm nghề bồi thuốc, và theo nhiều người kể lại thì cụ không lấy tiền, chỉ cần một ngày hai bữa do gia đình bệnh nhân cung phụng, như tục lệ bấy giờ. Sáng sớm cụ thường ngồi trước cửa chợ Bến Thành, chờ người mời đi chữa bệnh. Nhưng một hôm cụ ngồi suốt từ sáng đến chiều mà không được ai mời cả. Mãi gần tối, một ông bạn đi qua thấy cụ vẫn cứ ngồi yên, mới nhắc cụ là Mồng một Tết, không ai rước thầy lang về nhà. Cụ mới nhớ ra và nhận lời ông bạn mời về nhà dùng cơm.

Ông Hồ là con út trong gia đình. Khác các anh chị, ông Hồ được theo học trường Pháp Việt vì một ông cố đạo khuyên cụ Bảng như vậy. Ông đậu bằng Cơ Thuỷ năm 1907 và được bổ làm hương sư nên thường gọi là cậu giáo Thành. Phong trào Văn Thân thức tỉnh lòng ái quốc của ông và sau khi nghe nói cụ Bảng được đưa về Sài Gòn, ông bỏ việc vào thăm cụ.

Bà chị ông Hồ là Bạch Liên, cũng nổi tiếng là một phụ nữ có khí phách cách mạng. Hồi còn trẻ bà đính hôn với Mai Ngọc Ngôn, người đã đỗ tú tài, nhưng chưa kịp cưới thì vị hôn phu của bà bị bắt đưa ra Côn Đảo và chết ngoài đó. Bà ở vậy, không lấy chồng và mất vào khoảng năm 1953.

Anh ruột ông Hồ là Nguyễn Tất Đạt, thường gọi là ông Cả Đạt. Ông học tài thi phận nên kiếm ăn bằng nghề gõ đầu trẻ. Năm 1946, nghe tin ông Hồ đã trở thành chủ tịch chính phủ, hay nói đúng hơn, chủ tịch Hồ Chí Minh chính là em ruột ông, ông đáp tàu ra Hà Nội mong gặp em sau hơn 30 năm xa cách. Nhưng hồi ấy ông Hồ còn đang dấu tung tích nên không dám tiếp ông anh ở Bắc Bộ phủ. Ông gửi ông Đạt ở nhà một người đồng hương là ông Mai Ngọc Thiệu, và tối ông đến thăm. Hai anh em trò chuyện hồi lâu, sau đó ông Đạt lẳng lặng về Nghệ. Chừng hai năm sau ông Đạt mất, không có dịp gặp ông Hồ trở lại.

Sau khi ông Hồ vào Sài Gòn thăm cha, cụ Bảng Sắc bàn bạc với mấy cụ cách mạng khác và quyết định tìm cách cho ông Hồ sang Pháp. Mấy cụ thu xếp cho ông Hồ xuống làm “bồi” dưới tàu La Touche – Treville chạy đường Sài Gòn – Marseille. Năm 1912 ông Hồ xách khăn gói xuống tàu, mang theo một bức thư cụ Bảng viết cho cụ Phan Chu Trinh, hồi đó ở Paris, mà cụ quen ngày ở Côn Đảo. Cụ Bảng ngỏ ý muốn nhờ cụ Phan dìu dắt ông, lúc bấy giờ còn là một thiếu niên mới lớn lên. Cụ cũng căn dặn ông Hồ phải hết sức nghe lời cụ Phan.

Tới Paris, ông Hồ đưa trình cụ Phan bức thư giới thiệu của cụ Bảng, và ở với cụ Phan trong một thời gian. Nhưng ít lâu sau ông Hồ không tán thành chính kiến của cụ Phan, nhất là chủ trương đề huề hợp tác với Pháp. Thất vọng, ông Hồ trở lại làm “bồi tàu”, bôn ba khắp năm châu bốn bể, trước khi dừng chân ở Luân Đôn. Trong một chuyến đi ông Hồ có ghé qua Sài Gòn thăm cha là cụ Bảng. Hai cha con chưa kịp hàn huyên thì cụ Bảng đã vác gậy rượt đuổi theo ông Hồ, vì từ trước cụ Phan đã biên thư cho cụ Bảng kể chuyện bất đồng chính kiến giữa cụ và ông Hồ ở Paris. Ông Hồ bèn trở xuống tàu, và từ đây ông không gặp cụ Bảng một lần nào nữa. Có thể vì câu chuyện này mà một phần nào ông Hồ đã quyết tâm cắt đứt mọi liên hệ với gia đình. Ngày nay dòng dõi cụ Bảng sắc chỉ còn một mình ông Hồ, vì ông Cả Đạt có lấy vợ nhưng không có con1.

Ông Hồ ở Luân Đôn từ 1913 đến 1917, làm phụ bếp cho khách sạn Carlton dưới quyền một người đầu bếp Pháp nổi tiếng, tên là Escoffier. Ngoài giờ làm việc ở khách sạn ông hoạt động cho Liên hiệp Công nhân Hải ngoại, một tổ chức bí mật chống thực dân do công nhân Hoa kiều và Ấn kiều thành lập ở Luân Đôn. Hồi Thế chiến thứ nhất sắp kết thúc, bạn bè ở Luân Đôn khuyên ông nên sang Pháp tổ chức một phong trào tương tự vì ở Pháp hồi đó có 60.000 Việt kiều cư ngụ (hoặc đi lính Pháp). Tại Paris, ông gặp Nguyễn Thế Truyền, một kỹ sư hoá học. Ông Truyền giới thiệu ông Hồ với một nhóm ái quốc thuộc các thuộc địa khác của Pháp hồi ấy cũng đang lưu vong ở Ba Lê. Nhóm này thành lập một hội mệnh danh là “Liên hiệp Thuộc địa”, xuất bản một tờ báo lấy tên là Le Paria; đồng thời ông Hồ và ông Truyền cũng bí mật xuất bản tờ Việt Nam hồn, nhờ những người Việt Nam “làm tàu” lén đưa về Việt Nam. Một mặt khác, dựa vào những tài liệu do Liên hiệp Thuộc địa cung cấp, ông Hồ viết cuốn Le Procès de la Colonisation Franciaise (Bản án chế độ thực dân Pháp). Nguyễn Thế Truyền đề tựa cuốn sách, hồi ấy ông Truyền đã nổi tiếng trong giới khuynh tả ở Pháp. Ông Truyền còn giúp ông Hồ soạn thảo bản “Chương trình 8 điểm” mà ông Hồ mang vào Versailles, định đưa cho tổng thống Woodrow Wilson, nhân dịp ông này đến Versailles để ký hoà ước với Đức. Trong “Chương trình 8 điểm” ông Hồ đòi tự trị, tự do dân chủ, ân xá các chính trị phạm, bình đẳng Pháp-Nam, và bãi bỏ chế độ “làm xâu”, thuế muối và chính sách bắt dân tiêu thụ rượu ty. Nhưng lính Pháp không cho ông Hồ vào gặp tổng thống Wilson. Do đó ông không có dịp vận động Hoa Kỳ ủng hộ cách mạng Việt Nam. Về Paris, ông Hồ đăng “Chương trình 8 điểm” trên tờ Việt Nam hồn, làm chấn động dư luận ở Việt Nam khi tờ báo về tới nới. Những bài ông viết ông đều ký tên Nguyễn Ái Quốc, cái tên rất nhiều người biết cho đến ngày ông đổi thành Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Thế Truyền cũng giới thiệu ông Hồ với nhiều nhân vật khuynh tả ở Paris, như Léon Blum, Marcel Cachin, Marius Moutet v.v. Chịu ảnh hưởng của mấy người này, ông Hồ gia nhập đảng Xã hội Pháp, và viết bài báo cho tờ Le Populaire, cơ quan ngôn luận của Đảng. Được tham dự đại hội đảng ở Tours năm 1920, ông Hồ bỏ phiếu tán thành việc thành lập Đệ tam Quốc tế và chủ nghĩa cộng sản. Và ngay từ lúc ấy ông ly khai với Nguyễn Thế Truyền và mấy người quốc gia khác ở Paris. Những người này vẫn tiếp tục đấu tranh cho quốc gia dân tộc, còn riêng ông Hồ, ông hiến hẳn đời ông cho cộng sản quốc tế.

Năm 1960, nhân dịp sinh nhật thứ 70 của ông, và sau khi đã tự nhận là Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ có giải thích sự biến chuyển tư tưởng của ông như sau:

Lúc đầu, chính chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế Thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lê, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ.

Ở Việt Nam cũng như ở Trung Hoa có chuyện cẩm nang thần kỳ. Hễ gặp khó khăn chỉ việc mở cẩm nang ra là biết cách xử trí. Đối với cách mạng Việt Nam và dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lê không những là một cẩm nang thần kỳ, một địa bàn chỉ hướng, mà còn là mặt trời soi sáng con đường thẳng tới thắng lợi cuối cùng, tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Xem giọng văn kể trên, ta thấy rõ thoạt tiên ông Hồ chỉ coi chủ nghĩa cộng sản như một lợi khí dùng để tranh đấu cho nền độc lập quốc gia; nhưng sau khi “ăn phải bả” ông bèn coi chủ nghĩa cộng sản là một cứu cánh. Đây là trường hợp thông thường của những người say mê chủ nghĩa cộng sản, nhưng những danh từ ông dùng như “cẩm nang thần kỳ” và “mặt trời soi sáng” chứng tỏ ông tin ở chủ nghĩa Mác-Lê một cách cuồng tín, y hệt tín đồ tin ở đấng “chí tôn” của mình.

Ông Hồ sang Nga lần thứ nhất năm 1922 với tư cách đại biểu thuộc địa lần đầu tiên tham dự Đại hội Thứ tư của Đệ tam Quốc tế.

Năm 1923, ông Hồ lại sang Nga, tham dự Đại hội Nông dân Quốc tế, và đến năm 1924, ông trở lại lần nữa để theo học tại trường đại học Công nhân Đông phương. Lần này, ông ở lại Nga hơn một năm trời, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê và các chiến thuật Bônsêvich. Hồi ấy muốn sang Nga các đảng viên cộng sản Việt Nam ở Pháp thường mua giấy thông hành của sứ quán Trung Hoa ở Paris, bằng giá rất rẻ, giả dạng là Hoa kiều muốn hồi hương qua đường Moscou và Hải Sâm Uy.

Năm 1925, ông Hồ được phái sang Quảng Châu với công tác truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam. Ngày ông lên đường sang Trung Quốc chính là ngày bắt đầu một giai đoạn khác trong sự nghiệp cách mạng của ông. Sự nghiệp này kết thúc khi ông biệt tăm trên chính trường Á Đông vào năm 1933. Vì tất cả những hoạt động của ông Hồ trong khoảng thời gian này đều trực tiếp và mật thiết liên hệ với các biến cố ở Việt Nam, nên chúng tôi sẽ đề cập đến trong Chương 4 nhân dịp trình bày sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.


  1. Theo nhiều nguồn tin thì, hồi ở Hồng Kông, ông Hồ có một người vợ Tàu, sinh được một người con gái. Hồi năm 1950, ông có nhờ đảng bộ Đảng Cộng sản ở Hồng Kông tìm giùm nhưng không thấy.