Giới thiệu và Tựa

Giới thiệu tác giả tác phẩm

Các bạn đọc có thể ngạc nhiên khi thấy một cuốn sách tiếng Việt, tác giả là người Việt, mà lại là bản dịch. Trường hợp có hơi bất thường nhưng lý do là tại tác giả, ông Hoàng Văn Chí đã viết nguyên bản bằng tiếng Anh, xuất bản ở ngoại quốc để trực tiếp trình bày vấn đề Việt Nam với độc giả quốc tế và phổ biến kinh nghiệm Việt Nam rộng ra khắp thế giới tự do.

Ông Hoàng, hiện còn bôn ba ở hải ngoại, đã tự giao cho mình trọng trách này vì trước khi rời khỏi Bắc Việt, năm 1955, ông đã hứa với các bạn bè trong hàng ngũ trí thức kháng chiến là ông sẽ cố gắng nói lên tâm trạng đau thương của họ và của toàn thể nhân dân miền Bắc đương quằn quại dưới chế độ cộng sản. Sau mười năm cặm cụi theo đuổi mục đích, ông Hoàng đã hoàn tất một phần lớn nhiệm vụ tinh thần kể trên vì như ông P. J. Honey, giáo sư đại học đường ở Luân Đôn đã công nhận, chính nhờ ở các tác phẩm của ông Hoàng mà thế giới bên ngoài đã biết nhiều về nội tình Bắc Việt và chiến thuật Mao Trạch Đông. Thực sự, không một tác phẩm nào của ông không được phổ biến khắp thế giới tự do, dịch ra năm bảy thứ tiếng, từ tiếng Đan Mạch đến các thổ ngữ Ấn Độ, từ các tiếng Á Đông đến tiếng I-pha-nho ở Nam Mỹ. Hiện nay ông là nhà văn Việt Nam có nhiều độc giả nhất ở ngoại quốc.

Sinh tại Thanh Hoá năm 1913 trong một gia đình Nho giáo có truyền thống cách mạng, ông đã từng tham gia cuộc bãi khoá năm 1926, phong trào “Le Travail” năm 1936, hoạt động trong Đảng Xã hội SFIO năm 1937–39, và tham gia kháng chiến chống Pháp từ đầu đến cuối (1946-54). Ông giúp chính phủ kháng chiến với chức vụ một chuyên viên, phụ trách đúc tiền, làm giấy in bạc, chế tạo hoá chất cho quốc phòng. Nhưng sau Hiệp định Genève, mặc dù đã được ông Hồ Chí Minh tuyên dương công trạng trong toàn quốc, ông quyết tâm rời bỏ Bắc Việt, di cư vào Nam. Trong bốn năm ở Sài Gòn, ông đã để lại nhiều bài báo bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa và đặc biệt là tập truyện ngắn, vừa hài hước vừa chua chát, nhan đề Phật rơi lệ, và một thiên khảo cứu về phong tục học nhan đề Đính chánh một định kiến sai lầm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam đăng trong báo Ngày mới xuất bản tại Sài Gòn năm 1958. Vì một sự nhầm lẫn nào đó, bài này đã được dịch ra Anh văn và đăng trong tạp chí Asian Culuture của Hội Liên lạc Văn hoá Á châu, năm 1961, ký tên ông Nguyễn Đăng Thục, Hội trưởng Hội Văn hoá kể trên.

Chúng tôi được quen ông Hoàng Văn Chí hồi chúng tôi nhờ ông đề tựa cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, do chúng tôi soạn năm 1959. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông tình nguyện đi Ấn Độ, giữ chức phó lãnh sự tại New Delhi. Ra sân bay, ông có tâm sự với chúng tôi là mục đích của ông không phải là làm ngoại giao mà là để có dịp nói lên sự thực của cả hai chế độ: Hồ Chí Minh và Ngô Đình Diệm. Quả nhiên ông chỉ ở Ấn Độ đúng một năm, đủ thì giờ để kết giao với một số nhà báo, nhà văn Ấn Độ. Năm 1960, ông sang Thuỵ Sĩ, sang Anh và lưu trú 5 năm tại Paris, nơi mà ông viết cuốn sách này. Sách đồng thời xuất bản ở Luân Đôn, Nữu Ước, New Delhi, bản dịch tiếng I-pha-nho xuất bản ở Buenos Aires và có nhà xuất bản đã mua bản quyền tiếng Nhật, Triều Tiên, Thái, Mã Lai, v.v. Nhận thấy không lẽ một tác phẩm hoàn toàn bằng tiếng Việt phát hành khắp thế giới mà nhân dân Việt Nam không có dịp thưởng thức, nên chúng tôi yêu cầu tác giả cho phép dịch ra tiếng Việt. Bản dịch này được tác giả duyệt lại, sửa chữa một vài sơ suất trong bản tiếng Anh in tại Luân Đôn và thêm bớt một vài câu cho bớt tính chất văn dịch.

Sau cùng chúng tôi xin lưu ý các bạn đọc về một điểm sau đây: Vì mục đích của cuốn sách là trình bày chiến thuật Mao Trạch Đông áp dụng tại Bắc Việt, hướng về các độc giả ngoại quốc, nên phần nhắc lại lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam chỉ tóm tắt qua loa, vừa đủ để người ngoại quốc chưa hề biết đến nước ta có thể nắm được đại cương vấn đề. Vì tóm tắt nên không thể trình bày đầy đủ chi tiết, do đó độc giả trong nước có thể có cảm tưởng là quá sơ sài và thiếu chính xác. Về điểm này, thay lời tác giả, chúng tôi xin thành thực xin lỗi các bạn đọc.

Mạc Định

Lời chú thích của dịch giả

Tất cả các đoạn văn trích trong báo chí Bắc Việt đều là nguyên văn, trừ hai bản báo cáo của Trường Chinh, vì không có nguyên bản tiếng Việt nên tác giả đã dịch ra Anh văn từ bản tiếng Pháp do Bắc Việt xuất bản. Chúng tôi cũng dịch theo bản tiếng Pháp ấy.

Do lời yêu cầu của chúng tôi, cũng như của nhà xuất bản tiếng Pháp và tiếng I-pha-nho, tác giả đã viết lại Chương 18 (Chương cuối) để trình bày thêm về tình hình Bắc Việt từ 1962 đến 1965.

Lời giới thiệu của giáo sư P. J. Honey

Trước Thế chiến thứ Hai, không mấy ai ở thế giới bên ngoại biết đến nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam và hoạ chăng chỉ nghe nói đến Đông Pháp, trong đó có xứ “An Nam”. Ngoại trừ người Pháp, không mấy người Tây phương biết đến Việt Nam là một quốc hiệu, và số du khách có dịp ghé qua Việt Nam lại càng hiếm hơn. Vì vậy, năm 1945, dư luận thế giới rất đỗi ngạc nhiên khi báo chí loan tin có một chính phủ mệnh danh là “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” tuyên bố độc lập đối với Pháp. Nhưng vì đồng thời, việc chấm dứt chiến tranh với Nhật Bản gây nên nhiều biến cố khác, nên dư luận thế giới lại lãng quên vấn đề Việt Nam, cho mãi đến cuối năm 1946, khi chiến tranh bùng nổ giữa Pháp và Việt Nam, báo chí thế giới một lần nữa lại nói đến Việt Nam. Nhưng dư luận hồi ấy cho rằng quân đội Việt Nam thiếu luyện tập và chỉ có những vũ khí thô sơ, nên không thể kháng cự nổi với đội quân viễn chinh hùng hậu của Pháp, và chẳng bao lâu sẽ bị dẹp tan.

Nhưng chiến cuộc mỗi ngày một lan rộng, vì Pháp tỏ ra bất lực không dẹp nổi phong trào kháng chiến Việt Nam, hồi đó thường gọi là Việt Minh. Nhiều người Tây phương, và đặc biệt những người Mỹ quan tâm đến thời cuộc Viễn Đông, cho rằng chiến tranh ở Việt Nam là do những phần tử quốc gia lãnh đạo, với mục đích giành lại độc lập cho quốc gia họ. Hoa Kỳ không trực tiếp can thiệp, nhưng một phần nào, có thiện cảm với Việt Minh. Vì chiến tranh “lạnh” mỗi ngày một bành trướng nên dần dần các quốc gia Tây phương mới thấy rõ âm mưu sâu rộng của cộng sản. Lúc bấy giờ Hoa Kỳ mới ngả theo quan điểm của Pháp, nhận định Việt Minh không phải là một phong trào thuần tuý quốc gia, mà thực sự là một phong trào cộng sản chiến đấu với mục đích thiết lập chế độ cộng sản trên một phần đất Á châu. Vì vậy nên Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ mỗi ngày một nhiều cho quân đội Pháp và quân đội Quốc gia Việt Nam mới thành lập. Mặc dù vậy, Việt Minh vẫn thắng trận. Trận Điện Biên Phủ kết thúc chiến cuộc, và hội nghị quốc tế họp ở Genève, đầu năm 1954, mang lại hoà bình ở Việt Nam.

Chiếu theo hiệp định Genève thì Việt Nam bị chia đôi dọc theo vĩ tuyến 17, miền Bắc đặt dưới quyền kiểm soát của cộng sản, và miền Nam vẫn thuộc quyền phe quốc gia. Đây là lần đầu tiên một quốc gia cộng sản xuất hiện ở Đông Nam Á,và sự kiện này vô cùng quan trọng. Từ ngàn xưa con đường từ Đông Á xuống Đông Nam Á vẫn xuyên qua Việt Nam, và trong lịch sử hiện đại, chính vì Nhật Bản chiếm cứ được miền này năm 1941, nên trong chớp nhoáng Nhật Bản đã thôn tính được toàn thể Đông Nam Á. Không ai không nhìn thấy âm mưu của khối Cộng sản là sử dụng Bắc Việt như một bàn đạp để tràn xuống phía Nam. Hoa Kỳ đã phải rút khỏi nước Lào, và chiến tranh hiện nay đương tiếp diễn tại Nam Việt. Chiến cuộc ở Việt Nam có thể mở đầu cho một cuộc xâm lăng rộng lớn của cộng sản.

Muốn ngăn cản cuộc xâm lăng kể trên một cách hữu hiệu, công việc đầu tiên là phải tìm hiểu chiến lược và chiến thuật của cộng sản thì mới có thể dự đoán được kế hoạch của họ và dự trù biện pháp đối phó. Nhưng vì cộng sản Việt Nam rất ít sáng kiến về quân sự và chính trị, nên thực sự việc ấy không khó khăn như thoạt đầu nhiều người tưởng tượng. Họ chỉ ưa bắt chước và áp dụng những chiến thuật đã được thử thách ở các nước đàn anh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích, một nhà học giả Việt Nam rất uyên thâm, đã phê bình cộng sản Việt Nam như sau: “Bất cứ sau một biến cố hay một hành động nào, Việt cộng cũng tổ chức kiểm thảo để tìm ưu khuyết điểm. Mục đích của kiểm thảo là để tránh những sai lầm cũ, không phải để hoạch định kế hoạch cho tương lai. Nhưng vì thiếu sáng kiến nên mỗi lần hoạch định kế hoạch cho tương lai, Việt cộng thường ưa áp dụng những biện pháp đã từng mang lại thắng lợi trong quá khứ. Họ không đủ sáng suốt để nhận định rằng mỗi tình hình mới đòi hỏi một kế hoạch thích ứng và hoàn toàn mới. Chính vì vậy mà Việt cộng thường bị phê bình, mặc dù có đôi khi quá đáng, là chỉ ưa bắt chước và áp dụng những chiến thuật cũ kỹ, không hề sáng tác được chiến thuật nào có thể gọi là mới”.

Chỉ có những lãnh tụ cộng sản mới biết rõ những giai đoạn họ đã vượt qua để lên nắm chính quyền ở Bắc Việt, và cũng chỉ có họ mới biết rõ họ đã trù tính và ấn định mỗi giai đoạn phải như thế nào. Tuy nhiên những người trong hàng ngũ kháng chiến họ có đủ kiến thức và óc quan sát để nhận định những sự việc xảy ra xung quanh họ, phân tích chính sách, đường lối từ trên ban xuống, rất có thể nghiên cứu và trình bày những sự việc đã qua với một độ chính xác rất cao.

Với hoài bão tranh đấu cho nền độc lập của xứ sở, ông Hoàng Văn Chí, tác giả cuốn sách này, đã tham gia kháng chiến ngay từ phút đầu. Mặc dù ông không phải là môn đồ của chủ nghĩa Mác-xít, và ông thừa biết phong trào kháng chiến đã bị Việt cộng lũng đoạn, ông vẫn tích cực tham gia, vì ông cho rằng, nếu những phần tử quốc gia không tham gia kháng chiến sẽ thất bại, và Pháp sẽ có cơ hội đặt lại nền đô hộ trên đất nước Việt Nam. Nhưng sau khi Pháp đã thất bại, ông Hoàng Văn Chí không do dự đứng về phe quốc gia để chống cộng sản.

Trong thời gian kháng chiến, ông Hoàng có điều kiện thuận tiện để nghiên cứu chiến thuật và lập luận của cộng sản. Ông đã chứng kiến việc cán bộ Trung Quốc bắt buộc Bắc Việt phải tuân theo đường lối của họ Mao, và ông đã dự nhiều cuộc đấu tố trong dịp “Cải cách ruộng đất” mà vô số nhân dân Bắc Việt đã bị giết chóc một cách tàn khốc.

Phần lớn những sự việc tường thuật trong cuốn sách này do chính ông Hoàng, nghe tận tai, thấy tận mắt. Phần còn lại là kết quả một công cuộc sưu tầm sâu rộng của ông. Trong suốt cuốn sách, tác giả tường thuật một cách cặn kẽ cộng sản đã lợi dụng và thao túng phong trào ái quốc giành độc lập như thế nào, và đã thành lập chế độ cộng sản ở Bắc Việt như thế nào. Chỉ riêng về phương diện này cuốn sách cũng đã là một công cuộc khảo cứu hết sức quan trọng về chiến thuật hiện đại của cộng sản. Nhưng, hơn nữa, là vì chính những chiến thuật ấy lại đương được áp dụng ở Nam Việt, và rất có thể trong tương lai, ở nhiều nước khác thuộc Đông Nam Á, nên chắc chắn tác phẩm của ông Hoàng sẽ trở thành một cuốn sách giáo khoa mà mọi người có ít nhiều trách nhiệm chống cộng ở Á châu đều cần phải nghiên cứu.

Bằng những tác phẩm Anh văn đã từng xuất bản, ông Hoàng Văn Chí đã cống hiến cho thế giới bên ngoài rất nhiều kiến thức về cộng sản Việt Nam, và gần đây, trong bài báo mới nhất của ông, nhan đề “Sản xuất lúa gạo dưới chế độ nông nghiệp tập thể”, đăng trong tạp chí China Quarterly, số 9, tháng 2 năm 1962, ông đã giải thích tại sao nông nghiệp không những thất bại ở Bắc Cao. Theo thiển ý của tôi thì tác phẩm này sẽ là một trong những tác phẩm tiêu chuẩn về cộng sản Á châu.

P. J. Honey
Giáo sư trường nghiên cứu Á Phi của Luân Đôn đại học đường

Lời tựa của tác giả

Tường thuật giai đoạn cuối cùng của cuộc cách mạng phản đế quốc ở Việt Nam, cuốn sách này chuyên nghiên cứu một chiến thuật thường được mệnh danh là “Cải cách ruộng đất”, một chiến thuật mà các lãnh tụ cộng sản Bắc Việt đã áp dụng để biến cuộc chiến đấu ái quốc giành độc lập thành một công cuộc thiết lập chế độ vô sản chuyên chính. Đấy là một chiến thuật tinh vi, lợi dụng tâm lý quần chúng đến triệt để, có thể coi là phần đóng góp lớn nhất của Mao Trạch Đông đối với lý thuyết Mác-xít-Lê-nin-nít. Theo thiển ý của tác giả thì “Cải cách ruộng đất” là một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại.

Bắt nguồn từ chủ trương căn bản của họ Mao là cách mạng vô sản có thể dùng nông dân làm lực lượng căn bản, “Cải cách ruộng đất” đã được mang ra thử thách lần đầu tiên, dưới một hình thức thô sơ, trong cuộc nông dân bạo động ở Hồ Nam năm 1926. Sau khi cuộc bạo động này thất bại và cộng sản Trung Hoa phải ấn náu ở Diên An, trong hơn mười năm, họ Mao đã nhân đó mà sửa chữa lại đường lối và kiện toàn lại toàn bộ chiến thuật của ông ta. Nhờ vậy mà sau khi nắm được chính quyền ở Trung Hoa lục địa, ông Mao đã tiêu diệt được tất cả các phong trào chống đối, và những thất bại liên tiếp trong các phong trào “nhảy vọt”, hoặc tiến, hoặc thoái, không lay chuyển nối chế độ do ông thành lập.

Chiến thuật “Cải cách ruộng đất” mà ông Mao áp dụng trên toàn thể lãnh thổ Trung Hoa lục địa ngay sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập là dựa theo hoàn cảnh xã hội và tinh thần của nhân dân Trung Hoa. Chỉ vài năm sau là chiến thuật ấy được mang áp dụng ở Bắc Việt, dưới sự lãnh đạo của một số cố vấn Trung cộng.

Nhân sống ở khu Bốn, là miền cộng sản kiểm soát từ đầu đến cuối, tôi được dịp chứng kiến phong trào “Cải cách ruộng đất”, vừa thán phục vừa kinh hoàng.

Trong những trang sau đây tôi cố gắng diễn tả những gì tôi đã thấy – hoặc đôi khi đã tham dự – với mục đích nhỏ mọn là đóng góp chút ít vào công cuộc phát triển khoa học xã hội, và đồng thời cống hiến cho các tác giả ngoại quốc thường viết về Việt Nam hoặc về Á Đông, một vài chi tiết mà từ trước tới nay họ chưa từng biết.

Toàn bộ vấn đề không thể thu gọn trong một cuốn sách nhỏ, nên ở đây tôi chỉ nêu lên một cách hết sức khách quan một vài yếu tố chính của vấn đề Việt Nam. Tôi cũng muốn nhấn mạnh là tôi không định tâm bênh vực hoặc đả phá một lý thuyết hay một chế độ chính trị nào, vì tôi quan niệm tất cả đều lỗi thời. Tôi không có hoài bão nào khác là trình bày đúng đắn những kinh nghiệm xưa và nay của Việt Nam để góp phần xây dựng cho mai hậu, một triết lý hoàn toàn mới, phù hợp với những phát minh mới nhất của khoa học và kỹ thuật hiện đại.

Paris, tháng 6, 1962
Hoàng Văn Chí