Chương 2 – Việt Nam trong lịch sử hiện đại

Một việc phi thường mà không một sử gia nào có thể giải thích một cách thoả đáng – mặc dầu đã nghiên cứu rất nhiều – là: tại sao, sau hàng ngàn năm đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hoá, và Việt Nam vẫn còn là một quốc gia biệt lập.

Joseph Buttinger (The Smaller Dragon)

Mất nước với Pháp

Nghe theo mưu kế của một giáo sĩ đạo Gia tô tên là Pigneau de Béhaine, thường gọi là Bá Đa Lộc, Pháp bắt đầu can thiệp vào nội tình Việt Nam, năm 1787, dưới hình thức một giao ước ký với vị giáo sĩ này, đại diện cho Nguyễn Ánh, hứa việc viện trợ cho Nguyễn Ánh một số thuyền bè và vũ khí để kháng cự với Tây Sơn. Điều kiện bắt buộc là nếu thắng, Nguyễn Vương sẽ phải cống nạp hàng năm, giúp Pháp khuyếch trương buôn bán, chinh phục thêm đất đai ở Viễn Đông và nhường đứt cho Pháp cửa Hội An và quần đảo Côn Lôn. Nhưng ngay sau khi ký, Pháp ngần ngại không viện trợ và chỉ hai năm sau cuộc đại cách mạng Pháp bùng nổ, Pháp đình bị lật đổ nên tờ giao ước “bán nước” trở thành giấy lộn. Suốt trong nửa thế kỷ sau không một chính phủ Pháp nào dám chủ trương chinh phục Việt Nam vì sợ quá mạo hiểm. Cuộc thôn tính Việt Nam sau này một phần lớn là do sự vận động của một số võ quan “hiếu động” và của các giáo sĩ Gia tô muốn mượn gươm súng để khuyếch trương địa vực của Cơ đốc giáo.

Vì vậy nên cuộc xâm chiếm của Pháp có tính cách chập chờn, xúc tiến trong những lúc tình hình chính trị và kinh tế của Pháp tương đối ổn định, và tạm thời trì hoãn mỗi khi Pháp có nội biến hoặc ngoại xâm. Mãi đến năm 1880, vì uy tín quốc gia và vì muốn đua tranh với các liệt cường khác, Pháp mới ấn định một chương trình cướp đất có quy củ và quyết tâm thôn tính nốt toàn cõi Việt Nam.

Nhưng Pháp chiếm Việt Nam không phải chỉ vì Việt Nam mà dụng tâm của Pháp là dùng Việt Nam như chiếc bàn đạp để bành trướng thế lực ở Viễn Đông, chờ dịp cấu xé Trung Hoa là miếng mồi ngon hơn. Pháp bắt đầu chiếm đóng Nam Kỳ với chủ tâm ngược sông Cửu Long để tiến lên phía Bắc, nhưng vì sông Cửu Long không lưu thông được nên Pháp chiếm Bắc Kỳ, hy vọng sẽ tới được Vân Nam bằng sông Nhị Hà. Cuối cùng Pháp chiếm nốt Trung Kỳ để nối liền Nam, Bắc, và chiếm luôn cả Lào và Cam-bốt mà Pháp coi là thuộc quốc của Việt Nam.

Từ ngàn xưa, Trung Hoa vẫn mưu tràn qua Việt Nam để Nam tiến. Lần này, ngược lại, Pháp chủ trương Bắc tiến bằng cách chui qua cái cuống phễu Việt Nam để thông lên cái loa phễu Trung Hoa. Nhưng tuy không đủ sức để kháng cự quân đội viễn chinh Pháp, nhân dân Việt Nam cũng nổi loạn liên miên khiến Pháp phải hao binh tổn tướng, mất nhiều thì giờ vào công cuộc bình định và đặt nền cai trị, nên Pháp lỡ mất cơ hội Bắc tiến. Trung Hoa đã bừng tỉnh giấc mơ và thực hiện cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), và Nhật bản, với oai phong một đại cường quốc đã coi toàn thể Đông Nam Á là “Khối Thịnh vượng chung” của mình. Năm 1940 quân đội Nhật Hoàng tiến vào Đông Dương và tháng 3, 1945, Nhật lật đổ Pháp, kết thúc 80 năm đô hộ của Pháp ở Đông Dương.

Liên bang Đông Pháp

Trước khi hoàn toàn mất nước, 1884, Việt Nam đã lập ngoại giao với nhiều cường quốc như Anh, Pháp, I-pha-nho, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, v.v. nhưng sau khi mất nước, thế giới bên ngoài quên đứt hai chữ Việt Nam, vì Pháp đã cố ý cắt đứt quốc gia Việt Nam thành ba “Kỳ” riêng biệt. Người Việt sinh đẻ ở mỗi “kỳ” mang theo một “quốc tịch” và bị đặt dưới một chế độ cai trị khác nhau. Dân “Nam Kỳ” được coi là “thuộc dân” và được hưởng chế độ “thuộc địa” tương đối rộng rãi hơn chế độ “trực tiếp bảo hộ”, hoặc “gián tiếp bảo hộ” dành cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ.Toà án Nam Kỳ xử theo bộ luật “Dân luật Giản yếu 1883” do Pháp soạn thảo, còn Bắc Kỳ và Trung Kỳ vẫn theo luật vừa lạc hậu, vừa nghiêm khắc bội phần. Thực dân Pháp duy trì luật cũ của Nam triều và bộ máy quan lại để dùng làm công cụ đàn áp gián tiếp, với dụng tâm lẩn tránh trách nhiệm trước dư luận. Dĩ nhiên các cấp bậc quan lại và triều đình Huế chỉ là cái bung xung để che đậy cho chính quyền thực dân nấp sau lưng, nắm trọn quyền cai trị. Năm “xứ” Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Ai-lao và Cam-bốt gộp lại thành Liên bang Đông Pháp, đặt dưới quyền cai trị của một viên toàn quyền Pháp, vì Pháp nhận thấy Việt, Miên, Lào, mặc dầu có điểm dị đồng về chủng tộc và văn hoá vẫn có thể hợp thành một khối địa lý chiến thuật duy nhất. Và quả thực, nếu so sánh Đông Pháp với thân thể một con người thì, trên bản đồ, dẫy Trường Sơn in hệt xương sống, và sông Cửu Long, nếu chế ngự được, sẽ là động mạch chính của toàn thể bán đảo. Bao gồm trong Liên bang Đông Pháp, ba nước đã có dịp trao đổi văn hoá và kinh tế, và cả ba đã đồng đều phát triển.

Có một điểm chúng ta nên khách quan công nhận là mặc dầu đã gây nên nhiều tai hoạ không cần phải nhắc tới, đế quốc chủ nghĩa cũng có lưu lại một công trình hữu ích. Đế quốc đã gộp nhiều tiểu quốc hoặc nhiều bộ lạc nhỏ thành những đơn vị rộng lớn hơn. Liên bang Xô viết là nước rộng nhất thế giới chẳng qua là con đẻ của đế quốc Nga-la-tư, và nếu họ Mao tự cho mình quyền mang quân đội chiếm đóng Tây Tạng và đòi “thu hồi” cả Đài Loan, chẳng qua là vì họ Mao đã tự nhận là kẻ “thừa tự” của các đấng “Thiên Tử” thuở xưa. Một số khá đông các quốc gia hiện nay có chân trong Liên hiệp quốc đã được hình thành dưới chế độ thực dân của các đế quốc Tây phương.

Nhưng ngay về điểm này Liên bang Đông Pháp cũng không được may mắn như các cựu thuộc địa khác vì ngay sau khi chính quyền thực dân bị lật đổ thì ba quốc gia liên hiệp lập tức ly khai. Sở dĩ như vậy, một phần lớn là tại chính quyền thực dân chỉ liên kết ba nước để tiện việc hành chính và quân sự, trong khi vẫn ngấm ngầm chia rẽ và gây thù oán giữa người Việt, Miên, Lào và ngay cả giữa người Nam Việt và Bắc Việt. Tuy nhiên, lỗi không phải hoàn toàn ở người Pháp, vì đứng vào địa vị thống trị, họ phải áp dụng phương ngôn “chia để trị” và nhân danh là nước “bảo hộ” họ phải ngăn chặn không cho người Việt tràn vào Miên, Lào. Pháp tìm mọi cách khó dễ không cho dân Trung, Bắc Kỳ di cư sang Miên, Lào và ngay cả vào Nam Kỳ. Trái lại, để giải quyết nạn nhân mãn ở Bắc kỳ, họ có ý định đưa bớt dân Bắc Kỳ sang tận một nơi không ai nghĩ đến là xứ Cameroun thuộc Phi châu. Để thực hiện chương trình này, năm 1938, Pháp cử một phái đoàn sang thăm dò điều kiện định cư ở Cameroun, nhưng chẳng may vừa mới tới, một nhân viên phái đoàn là bác sĩ Trần Văn Lai đã mắc ngay bệnh “sốt rét vàng”, nên toàn bộ kế hoạch phải gác bỏ.

Chỉ vì chính sách “chia để trị” mà sự nghiệp to lớn nhất của Pháp ở Viễn Đông tức là Liên bang Đông Pháp đã bị tan rã. Bây giờ thêm nạn cộng sản đã nắm chính quyền ở Bắc Việt, xâm nhập Ai-lao và đang muốn thôn tính Nam Việt, nền tự chủ của các quốc gia trên bán đảo Đông Dương đương bị đe doạ một cách trầm trọng.

Sát nách sáu, bảy trăm triệu người Tàu, hiện nay hung hăng hơn bao giờ hết, hai trăm triệu nhân dân vùng Đông Nam Á khó tránh nạn diệt vong, nếu họ không đồng tâm nhất trí tìm cách tự vệ. Muốn như vậy, họ phải trông thấy nguy trước mắt, gác bỏ những tị hiềm cũ và liên kết dưới một hình thức nào đó. Nhưng khốn thay việc này rất khó thực hiện vì các dân tộc tản mát ở vùng này không chịu quên những xích mích cũ và vẫn đương đố kỵ lẫn nhau. Vì tình trạng ấy nên lửa chiến tranh vẫn đang âm ỉ ở Đông Dương, nơi mà nhiều người coi là gót chân Achille của Thế giới Tự do.

Công cuộc chống Pháp

Suốt trong thời kỳ đô hộ, không lúc nào phong trào chống Pháp ngừng hẳn và ngay trong những khoảng thời kỳ không có vũ trang kháng cự, cuộc tranh đấu cũng vẫn tiếp tục dưới hình thức công khai. Thời kỳ ổn định nhất là từ 1918 đến 1929, cũng là thời kỳ mà việc kinh doanh của thực dân phát triển đến mức cao độ nhất. Mặc dầu, giữa thời đại “hoàng kim” này của chế độ thực dân, một liệt sĩ Việt Nam là Phạm Hồng Thái cũng ném được một quả bom, mưu giết viên toàn quyền Merlin trong một bữa tiệc ở Sa Diện, hồi viên toàn quyền này viếng thăm Quảng Châu, năm 1924.

Ngoại trừ phong trào cộng sản (1925-45) tất cả các phong trào chống Pháp khác đều theo tôn chỉ quốc gia. Theo thứ tự thời gian, chúng ta có thể liệt kê mấy phong trào chính như sau: phong trào Cần Vương (1885-1912), phong trào Văn Thân (1907-08), phong trào Đông Du (1905-39) và Việt Nam Quốc dân Đảng (1925-22 và 1945-46).

Trong những trang sau đây chúng tôi xin lược qua mấy phong trào quốc gia, còn phong trào cộng sản sẽ xin kể riêng trong Phần 2.

Phong trào Cần Vương

Phong trào Cần Vương bao gồm nhiều vụ nổi loạn liên tiếp hoặc đồng thời, nhưng rời rạc không liên kết, như vụ Tôn Thất Thuyết chống Pháp và mang vua Hàm Nghi ra khỏi kinh thành (1885-88), vụ Phan Đình Phùng khởi nghĩa (1885-95), vụ Bãi Sậy (1885-89), vụ Hoàng Hoa Thám xưng hùng ở Yên Thế (1890-1913). Tất cả những vụ nổi loạn kể trên có thể coi là tiếp tục võ trang chống Pháp và đã lần lượt thất bại vì những người cầm đầu là vua quan hoặc nho sĩ, không hiểu biết về quân sự tối tân. Một yếu tố thất bại là dưới chế độ Nho giáo phong kiến người dân không hề được tham gia quốc sự. Đối với họ, sơn hà Việt Nam là của riêng của vua chúa nhà Nguyễn và việc phòng giữ đất nước là nhiệm vụ riêng của triều đình. Quan lại xuất thân trong Nho giáo quen thói sống xa nhân dân hống hách khinh miệt quần chúng nên gặp lúc quốc gia lâm nguy không khai thác được lực lượng hùng hậu của nhân dân. Vì vậy nên tinh thần yêu nước của nhân dân không trỗi dậy và chỉ riêng giới sĩ phu thức thời mới nhận thấy mối hiểm hoạ của nền đô hộ ngoại bang.

Phong trào Văn Thân

Trong mấy chục năm đầu dưới chế độ cai trị của Pháp, nho sĩ Việt Nam, không khác nho sĩ Trung Quốc, vẫn đinh ninh văn hoá Tây phương kém xa văn hoá Trung Quốc. Vì vậy nên họ nhất định không cho con cái theo học Pháp văn. Về phía người Pháp, họ thấy cũng chẳng cần phải khuyến khích, vì quan lại họ tiếp tục tuyển mộ theo lối khoa cử vẫn có thể cai trị đắc lực dưới sự điều khiển của họ, qua việc thông dịch của một vài thông ngôn. Pháp chỉ lo đào tạo một số ít nhân viên tòng thuộc cần thiết cho một vài cơ quan chuyên môn.

Nên nhắc lại là thời kỳ ấy chính quyền thuộc địa hết sức giấu kín những tư tưởng dân chủ do các triết gia Pháp, như Rouseeau, Voltaire, Montesquieu đề xướng. Đồng thời trong mấy cuốn sách giảng dạy ở các trường Pháp Việt những đoạn nói về cuộc đại cách mạng Pháp 1789 cũng chỉ phớt qua. Mãi về sau, vì đọc những bản dịch sang chữ Hán, xuất bản ở Thượng Hải, các nho gia Việt Nam mới nhận thấy triết học Tây phương cũng có nhiều điểm thiết thực hơn triết học Đông phương. Bừng mắt tỉnh dậy, các cụ bèn đốc thúc con cái nộp đơn xin vào các trường Pháp Việt mà trong suốt một thế hệ các cụ đã tích cực tẩy chay. Vì trường ốc quá ít ỏi mà chính quyền thuộc địa không muốn mở thêm, nên các cụ tự ý mở trường để phổ biến kiến thức Tây phương, kể cả các lý thuyết về kinh tế chính trị (1907). Chính quyền thuộc địa ra lệnh đóng cửa trường và bỏ tù những người đứng ra tổ chức. Sang năm sau, các cụ Văn Thân bèn mở rộng diện đấu tranh, huy động nông dân biểu tình trước dinh công sứ các tỉnh, đòi giảm thuế và mở thêm trường học. Cuộc biểu tình ở Quảng Nam bị đàn áp đẫm máu: nhiều nho sĩ bị hành quyết tù đầy.

Mãi sau thế chiến thứ nhất, Pháp mới cảm thấy phải thực hiện chút ít nhiệm vụ “khai hoá” của mình. Họ mở thêm nhiều trường Pháp Việt, tuyển lựa một số học sinh con nhà quyền quý vào trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội, bãi bỏ thi cử khoa bảng (1917) và mở trường Cao đẳng Hà Nội (1918). Việc phát triển giáo dục cần thiết cho sự phát triển kinh doanh của Pháp, làm cho một số sĩ phu Việt Nam tin rằng, bằng cách đề huề hợp tác với Pháp cũng có hi vọng canh tân được xứ sở và dân chủ hoá được chế độ. Người chủ xướng phong trào là cụ Phan Chu Trinh bị đày ra Côn Đảo, nhưng sau được Hội Nhân quyền can thiệp và đưa sang Paris năm 1911. Cụ truyền bá lý tưởng dân chủ và kịch liệt lên án Nam triều, nhưng mặc dầu lời kêu gọi của Cụ được giới trí thức nhiệt liệt hoan nghênh, cuộc đấu tranh của Cụ vẫn chẳng mang lại được mảy may thay đổi về chính sách cai trị của người Pháp. Cụ về nước và mất ở Sài Gòn tháng 3 năm 1926. Được tin cụ Phan từ trần, học sinh trong toàn quốc mặc tang phục để tang Cụ. Pháp ra lệnh khủng bố, học sinh bãi khoá để phản kháng, nên Pháp lại càng khủng bố thêm.

Phong trào Đông Du

Cũng vào khoảng đầu thế kỷ, một số các nhà nho khác lại cho rằng không thể nào đề huề hợp tác được với thực dân Pháp mà phải đấu tranh bằng vũ khí để giành lại chủ quyền, mới có cơ hội canh tân xứ sở. Hồi đó phong trào cách mạng đang sôi nổi ở Hoa Nam và tin Nhật Bản chiến thắng Nga-la-tư làm cho giới nho sĩ Việt Nam tin tưởng ở tinh thần đoàn kết Á châu và mang lại cho họ hoài bão Á châu sẽ tự giải phóng dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản. Cụ Phan Bội Châu trốn sang Tầu, sang Nhật và cổ động thanh niên bí mật xuất dương. Cụ tổ chức Việt Nam Quang phục Hội, đặt trụ sở ở Quảng Châu, và thiết lập một hệ thống bí mật từ Nam chí Bắc. Cụ bôn ba khắp Viễn đông và cùng mấy vị lãnh tụ Á châu khác thành lập Đông Á Đồng minh Hội.

Cụ có dịp giao du với Tôn Văn, Khuyển Dưỡng Nghị, và nhiều lãnh tụ Trung, Nhật khác, cùng lý tưởng như cụ và quyên được nhiều tiền cho hội không kể tiền quyên trong nước, nhiều nhất là ở Nam Việt gởi qua. Cụ xin được học bổng cho một số đông thanh niên Việt Nam sang nghiên cứu quân sự và chính trị ở Nhật và ở Tàu. Cụ đưa được chừng bốn chục người vào đại học quân sự Nhật và một số khác, tác giả chỉ được biết có hai người là cụ Lê Dư và cụ Bùi Uyên vào đại học Waseda ở Tokyo, và vài chục người khác vào trường Trung ương chính trị quân sự Hoàng phố. Về sau, những học sinh tốt nghiệp các trường này về nước tổ chức cuộc bạo động ở Nam kỳ vào năm 1913, tấn công đồn Tà Lùng với khí giới nhận được của lãnh sự Đức ở Bangkok, xúi giục binh sĩ nổi loạn ở Thái Nguyên, và cuối cùng là cuộc khởi nghĩa ở Lạng Sơn năm 1940.

Giữa lúc phong trào Quang phục Hội đang gặp khó khăn nhưng chưa tan rã hẳn thì cụ Phan bị ông Nguyễn Ái Quốc lập mưu bán cho Pháp lấy 10 vạn đồng (hồi ấy một con trâu trị giá 5 đồng). Cụ Phan vốn biết ông Nguyễn Ái Quốc là cộng sản, nhưng Cụ cho rằng cộng sản cũng nhiệt tình yêu nước như quốc gia, nên Cụ quý trọng và hoàn toàn tín nhiệm ông Nguyễn. Cụ theo lời ông đến một địa điểm ở Thượng Hải mà Cụ không biết là thuộc tô giới Pháp. Cụ bị cảnh sát Pháp bắt và đưa về Việt Nam để xử tội. Giới cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc đều biết rõ việc này, và một người đồ đệ của ông Nguyễn Ái Quốc đã thuật lại với chúng tôi rằng sau vụ này ông đã giải thích hành động của ông như sau: Cụ Phan đã già lẫn, không còn ích lợi cho cách mạng; việc Pháp bắt Cụ và xử án Cụ tất nhiên sẽ gây phong trào phản đối trong quốc nội, rất có lợi cho tinh thần cách mạng; sau hết, tiền nhận được của Pháp sẽ dùng để đưa thêm thanh niên trong nước xuất ngoại.

Việc này ông Nguyễn Ái Quốc đồng mưu với Lâm Đức Thụ1 (tên thật là Nguyễn Công Viễn) một thời là đại diện cho cụ Phan ở Hồng Kông và sau theo cộng sản. Hai người chia đôi số tiền nhận được của Pháp. Về phần ông Nguyễn Ái Quốc thì quả thật ông dùng tất cả phần tiền của ông để chi phí cho Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội do ông tổ chức ở Quảng Châu, nhưng còn Lâm Đức Thụ thì hắn tiêu xài hết phần tiền của hắn vào cuộc đời sa đoạ ở Hồng Kông.

Việc buôn bán cách mạng này tiếp tục trong nhiều năm. Mỗi thanh niên Quang phục Hội đưa sang Tàu phải nộp cho Lâm Đức Thụ ở Hồng Kông hoặc cho đại diện của hắn ở Quảng Châu hai bức hình nói là để lập hồ sơ xin vào trường Hoàng Phố. Đến ngày những sinh viên này tốt nghiệp, sẵn sàng lên đường về nước để hoạt động cách mạng thì số phận của mỗi người đã được định sẵn. Những người đã nghe theo tuyên truyền cộng sản và đã gia nhập Thanh niên Cách mệnh Đồng chí Hội thì được an toàn trở về quê hương để hoạt động bí mật. Còn những người vẫn khăng khăng giữ vững lập trường quốc gia thì hễ qua khỏi biên giới là bị mật thám Pháp đón bắt, theo ám hiệu của cộng sản, vì họ không thu phục được. Những thanh niên này bị bắt và đưa dần vào tù, khiến phong trào quốc gia ở Việt Nam mất liên lạc với trụ sở ở Quảng Châu. Những người trong nước phái ra liên lạc với bên ngoài cũng hoặc bị cộng sản thu hút, hoặc bị Pháp bắt vào tù. Tình trạng cứ tiếp diễn đến nỗi những sinh viên tốt nghiệp Hoàng Phố mà không chịu theo cộng sản thường không dám về nước và chỉ còn cách là gia nhập quân đội Quốc dân Đảng Tàu. Dần dà phong trào quốc gia mỗi ngày mỗi suy sụp và phong trào cộng sản mỗi ngày một bành trướng.

Vì đưa thanh niên ra ngoài để sau ít năm bán cho Pháp nên Lâm Đức Thụ được mệnh danh là “lái thanh niên”. Hắn trở nên cực kỳ giàu có và sống rất sa hoa ở Hồng Kông. Nhưng chỉ mấy năm sau, vì không còn thanh niên để bán nên Thụ hết tiền, không còn phương tiện sinh nhai, phải xin Pháp trợ cấp và che chở cho về Nam Vang, và sau cùng về sinh quán ở Thái Bình. Gặp cuộc khởi nghĩa Việt Minh, Thụ hoảng sợ, nhưng để thoát thân, hắn bí mật đến yết kiến ông Hồ, lúc ấy đã trở thành Chủ tịch chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông Hồ hứa che chở cho Thụ, nhưng bảo Thụ phải về sống yên ổn ở làng, không được tiết lộ những hoạt động của hai người lúc còn ở Hồng Kông. Thụ về Kiến Xương sống yên ổn trong mấy năm liền, nhưng vào khoảng năm 1950, khi quân đội Pháp tiến gần đến huyện, thì cán bộ Việt Minh theo cẩm nang của Đảng đã giao sẵn từ trước, bỏ Lâm Đức Thụ vào rọ mang trôi sông. Thụ để lại một người vợ Tàu và mấy đứa con lai.

Nói về cụ Phan, thì sau khi cụ bị bắt, cụ bị mang ra xử ở Hà Nội, và kết án tử hình. Đúng theo lời tiên đoán của ông Nguyễn Ái Quốc, tin cụ bắt và bị kết án làm sôi sục dư luận từ Bắc chí Nam. Nhờ phong trào phản đối, và cũng nhờ chính phủ Cartel de Gauche lên cầm quyền ở Pháp, viên Toàn quyền Alexandre Varenne, đảng viên Đảng Xã hội Pháp, ân xá cho cụ, nhưng bắt cụ phải cấm cố tại Huế. Cụ mất ngày 20 tháng 10 năm 1940, vài ngày sau khi quân đội Nhật đổ bộ vào Việt Nam, việc mà cụ Phan vẫn ước mong trong suốt đời bôn ba của Cụ. Cụ tin tưởng Nhật Bản sẽ thực tình giúp Việt Nam giành lại độc lập.

Nhật Bản bắt đầu tấn công Pháp ở Lạng Sơn tháng 9 năm 1940 và giúp nhóm cựu đảng viên Quang phục Hội nổi lên chống Pháp. Nhưng chỉ vài ngày sau, vì chính phủ Pháp ở Vichy nhượng bộ Nhật, nên Nhật giao trả Lạng Sơn cho Pháp và sau đó, Pháp triệt hạ những người thân Nhật chống Pháp. Cuộc chiến tranh Trung-Nhật đã làm cho cụ Phan thất vọng từ mấy năm trước, nhưng trong khi Cụ nằm trên giường bệnh, tin những đồ đệ cuối cùng của Cụ bị Nhật bỏ rơi và Pháp xử bắn ở Lạng Sơn hình như hối hả cái chết của Cụ. Mấy ngày trước khi Cụ từ trần, viên khâm sứ Pháp đến tán tỉnh Cụ và đưa Cụ ký một bức thư cổ vũ Pháp-Việt đề huề. Không ai rõ vì Cụ đã phủ nhận đường lối đấu tranh của Cụ hay vì ốm đau mà Cụ mất minh mẫn, nhưng dù sao nhân dân Việt Nam vẫn coi Cụ là một anh hùng dân tộc trong lịch sử hiện đại.

Phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng

Ba phong trào kể trên bao gồm những thế hệ ra đời trước khi mất nước, hoặc khi mới mất nước. Các nhân vật lãnh đạo đều xuất thân trong Nho giáo và không biết hoặc biết rất ít về Tây học. Phong trào thứ tư khác hẳn mấy phong trào trước ở điểm các nhân vật tham gia đều sinh vào đầu thế kỷ, được đào tạo ở các trường Pháp Việt và có tiêm nhiễm chút ít Tân học. Thế hệ mới này đứng giữa thế hệ cựu học và thế hệ Tân học hiện nay. Họ giống thế hệ trước về tinh thần bài Pháp và giống thế hệ sau về tinh thần dân chủ. Nhưng trái lại họ vẫn không khác các bực tiền bối ở chỗ họ không vọng ngoại, và lập trường của họ không khác lập trường của phong trào “Tự lập” (Sein-Fein) ở Ái Nhĩ Lan.

Nhưng vì thiếu kiến thức chính trị và kinh nghiệm cách mạng nên họ không thắng nổi đối thủ là cộng sản và kẻ thù là thực dân. Hồi ấy cộng sản đã lôi kéo được phân nửa các phần tử yêu nước, và thực dân, với màng lưới mật thám dầy đặc, đã thừa sức đàn áp. Chung quy, phong trào quốc gia có thể coi là hậu quả của cuộc đàn áp thanh niên hồi cụ Phan Bội Châu bị bắt và cụ Phan Chu Trinh từ trần. Phong trào quốc gia phát sâu từ lòng căm hờn cao độ bộc phát trong tâm hồn giới tiểu trí thức đã giác ngộ chính trị nhân dịp sinh viên bãi khoá. Sinh viên bắt đầu bãi khoá năm 1925 khi cụ Phan Bội Châu bị bắt. Bị đàn áp, phong trào lại trỗi dậy vào dịp để tang cụ Phan Châu Trinh. Nhiều học sinh, sinh viên bị đuổi khỏi trường và cấm không được thi cử. Phần lớn thuộc giai cấp trung lưu, họ là từng lớp thanh cao nhất của xã hội Việt Nam thuở ấy. Sau Thế chiến thứ nhất, giai cấp thượng lưu (quan lại và tư sản) đã mất tiết tháo vì bị sa vào vòng quyền lợi của thực dân ban bố, và lối sống sa đoạ của Tây phương mang lại. Họ không còn đủ chí khí để hi sinh cho cách mạng. Tuy nhiên một số con cháu họ có tâm hồn lý tưởng như phần lớn con nhà giàu có hướng theo một tín ngưỡng mới là chủ nghĩa Mác và lãnh đạo cuộc cách mạng cộng sản sau này.

Người chủ xướng và lãnh đạo phong trào quốc gia là Nguyễn Thái Học, một cựu sinh viên trường Sư phạm. Những đảng viên khác phần đông là tiểu thương, tiểu công chức, tư chức và hạ sĩ quan trong quân đội. Một thiểu số là công nhân và phụ nữ cũng đóng một vai trò quan trọng.

Điều đáng chú ý là Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông có phần gần vô sản hơn là các lãnh tụ cộng sản. Sự thực thì không một đại điền chủ, đại tư sản, hay một đại trí thức nào gia nhập phong trào quốc gia, mà trái lại, phần lớn các lãnh tụ cộng sản đều là con cái quan lại hoặc đại địa chủ. Nhiều ông là cựu sinh viên trường Cao đẳng Hà Nội hoặc đã từng du học tại Pháp.

Phần lớn những người tham gia phong trào quốc gia năm 1930 thuộc thành phần trung lưu. Họ là những người trực tiếp bị thực dân bạc đãi hoặc đàn áp nên nóng lòng muốn lật đổ chế độ. Trái lại, những người theo cộng sản là con nhà khá giả, có học thức, có điều kiện để chờ đợi, đủ kiến thức để nhìn rộng trông xa, nên họ tin tưởng ở một “lý thuyết khoa học” mà họ cho rằng tất nhiên phải toàn thắng.

Năm 1927, Nguyễn Thái Học và mấy người bạn của ông thành lập Nam Đồng Thư xã, một nhà xuất bản ở Hà Nội với định ý kiếm lợi để hoạt động chính trị và đồng thời giác ngộ nhân dân Việt Nam về chính trị quốc tế, truyền bá tư tưởng dân chủ bằng sách vở báo chí. Chẳng bao lâu Nam Đồng Thư xã bị nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa nhưng căn nhà vẫn dùng làm nơi tụ họp và rốt cuộc, toàn nhóm quyết định thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng.

Vì thiếu kiến thức chính trị nên họ chỉ biết theo gương cách mạng Trung Quốc. Bắt đầu bằng cách dùng ba chữ Quốc dân Đảng và dựa theo chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên.

Để đánh lạc hướng mật thám Pháp, Nguyễn Thái Học có một mưu mẹo sau này tỏ ra khá có hiệu lực. Ông chia Quốc dân Đảng thành hai nhóm riêng biệt, một nhóm bán công khai và một nhóm hoàn toàn bí mật. Nhóm bán công khai gồm nhiều nhân vật mà mật thám Pháp vừa biết mặt vừa quen tên, chỉ có nhiệm vụ là gây nhiệt khí trong nhân dân. Họ thường xuyên lai vãng Việt Nam Hotel, một quán cơm của Đảng thành lập ngay giữa phố Hàng Bông, Hà Nội.

Hoạt động ngay trước mặt mật thám Pháp và không làm gì trái pháp luật, họ làm chiếc bình phong che đậy cho nhóm thứ hai hoạt động bí mật. Vì chiến thuật này nên Việt Nam Quốc dân Đảng bành trướng rất nhanh. Ở Hà Nội không ai không biết Việt Nam Hotel và đến tháng Giêng năm 1929. Đảng có tới 120 tiểu tổ bí mật, gồm 1500 đảng viên, trong số có hơn một trăm binh lính. Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ Việt Nam Quốac dân Đảng hi vọng tiếp tục như vậy trong ít năm nữa, vừa bán công khai vừa bí mật, để chờ thời cơ, đủ lực lượng khởi nghĩa trước khi có đủ thì giờ sửa soạn.

Tối hôm mùng 9 tháng 2 năm 1929, tên trùm thực dân Pháp là René Bazin, chuyên việc mộ phu Bắc Kỳ cho các đồn điền cao su Nam kỳ, bị một thanh niên Việt Nam bắn chết ngay trước nhà hắn.

Vụ này hiện còn là một bí mật. Chàng thanh niên đón Bazin trước cửa và khi hắn xuống xe thì giao cho hắn một bức thư. Trong khi Bazin đương loay hoay mở bao thư thì chàng thanh niên rút súng sáu bắn chết tại chỗ. Bazin lăn quay ra giữa đường, nằm trong tay một mảnh giấy có mấy dòngg chữ “mày là tên thực dân hút máu Việt Nam”. Mật thám Pháp không tìm ra hoặc tìm ra nhưng không công bố đích danh thủ phạm. Về vụ này một sử gia Mác-xít là ông Lê Thành Khôi ghi rằng (trong cuốn Le Việt Nam, Paris 1955, tr.439) thủ phạm là một tay sai (agent provocateur, của sở mật thám Pháp. Lối giải thích của ông Khôi có hơi khó tin vì lẽ dưới chế độ Pháp thuộc, và hồi đó thực dân vẫn nắm trọn quyền cai trị, không lẽ nào bè lũ thực dân phải hi sinh tính mạng một phần tử trong bọn để kiếm cớ đàn áp. Có một giả thuyết nghe xuôi hơn là vụ ám sát này do cộng sản chủ trương, vì cộng sản nhắm hai mục tiêu. Một là làm tan vỡ chương trình của Quốc dân Đảng, hai là gây ảnh hưởng đối với công nhân các đồn điền cao su của Pháp.

Pháp phản ứng tức khắc bằng cách bắt bớ tất cả những phần tử bán công khai của Việt Nam Quốc dân Đảng và đưa một số đi Côn Đảo. Nhưng về sau, vì thiếu bằng cớ nên chừng hai trăm người được tha về. Nguyễn Thái Học vẫn không bị bắt, nhưng về sau vụ án Bazin, mật thám Pháp biết có nhóm Quốc dân Đảng bí mật và sợ rằng không hành động ngay thì quá muộn, nên Nguyễn Thái Học ra lệnh tích cực sửa soạn tổng khởi nghĩa.

Một trong những việc sửa soạn là chế tạo bom, nhưng vì giao phó công việc pha chế chất nổ cho một học sinh trường Bưởi mới 17 tuổi2, nên nhiều vụ nổ đã xẩy ra, khiến Mật thám Pháp biết rõ công cuộc đang tiến hành. Nhiều đảng viên quan trọng bị bắt và Nguyễn Thái Học cũng bị theo rõi. Trong tình thế bắt buộc, “không thành công cũng thành nhân”, Nguyễn Thái Học ra lệnh tổng khởi nghĩa và ngày 10/2/1930. Nhưng sau ông lại ra lệnh hoãn đến 15 tháng 2. Vì giao thông khó khăn nên lệnh hoãn không tới kịp đồn Yên Bái. Kết quả đồn này khởi nghĩa đúng ngày 10 tháng 2.

Dĩ nhiên là Pháp thẳng tay đàn áp. Làng Cổ Am là nơi các lãnh tụ họp bị ném bom, và chỉ trong vài tuần là tất cả guồng máy lãnh đạo bị bắt gần hết. Ngày 17/7/1930 mười ba chiếc đầu rơi ở Yên Bái, trước khi hô to “Việt Nam muôn năm”. Cô Giang, ý trung nhân của Nguyễn Thái Học, trà trộn vào đám đông để chứng kiến vụ hành quyết. Sau đó cô về làng họ Nguyễn, ngồi dưới gốc cây đa đầu làng và dùng súng lục tự vẫn3.

Nhưng một số đảng viên cũng trốn thoát sang Tàu và thành lập lại Việt Nam Quốc dân Đảng. Nhân dịp Nhật đầu hàng, họ trở về nước và cùng một lúc chiến đấu chống Việt Minh mới nhanh tay cướp chính quyền, và chống Pháp đương ra sức chiếm lại Việt Nam. Họ chiến đấu với một tinh thần vô cùng anh dũng nhưng vì cấp lãnh đạo thiếu đường lối chính trị nên không được đa số nhân dân ủng hộ. Họ được quân đội Lư Hán tích cực giúp đỡ nhưng sau khi quân đội này đột nhiên rút khỏi Việt Nam, họ bị cộng sản tức khắc tấn công và tiêu diệt. Theo lời ông J. H. Brimmel, tác giả cuốn Communism in South East Asia, trang 181, thì Pháp không những để mặc mà còn giúp cộng sản phương tiện để tấn công phe quốc gia vì cộng sản đã thoả thuận nhường cho Pháp một vài thuận lợi nào đó.

Bị đánh bật sang Tàu, nhóm Việt Nam Quốc dân Đảng lại tổ chức lại, nhưng chẳng bao lâu Hồng quân của họ Mao đã tràn qua sông Dương Tử tiến xuống Hoa Nam. Vị lãnh tụ mới là Vũ Hồng Khanh mang một vạn quân, phần lớn là người Tàu, trở về Việt Nam. Việt Minh tránh đường cho toán quân này kéo qua, nhưng Pháp mang lục quân và không quân ngăn chặn, bắt họ phải thừa nhận uy quyền của chính phủ Bảo Đại. Từ đó Việt Nam Quốc dân Đảng không còn là một đảng chính trị có tổ chức4.


  1. Có hai người nữa cùng bị tình nghi về vụ này là Nguyễn Thượng Huyền con cụ Nguyễn Thượng Hiền và Tổng Oánh, rể cụ Phan, nhưng Tổng Oánh hết sức chối cãi. 

  2. Ông Trịnh Văn Yên, sau này có công chế tạo thuốc nổ và nhiều hoá chất cho chính quyền Việt Minh. 

  3. Sở dĩ cô Giang về tận quê nội Nguyễn Thái Học để tự tử vì cô muốn bắt buộc các nhà chức trách địa phương phải chôn cất cô ngay tại đây, gần nghĩa địa của họ Nguyễn. Cô tự coi là vợ chính thức của Nguyễn Thái Học, tức là con dâu họ Nguyễn nên cô muốn “sống không có dịp làm dâu thì chết cũng nhất thiết làm dâu” họ Nguyễn. Điều đáng tiếc là khi chép vụ này, sứ gia Lê Thành Khôi đã dựng đứng câu chuyện là cô Giang đã tự tử dưới gốc cây đa, vì trước kia hai người đã tình tự nơi đây. Ông Khôi sinh sau đẻ muộn nên không biết Nguyễn Thái Học quê ở Vĩnh Yên và cô Giang quê ở Bắc Giang, đã gặp nhau ở Hà Nội trong dịp cùng hoạt động cách mạng. Dựng nên câu chuyện “tình tự dưới gốc cây đa” hình như nhà viết sử Mác-xít muốn hạ giá cô Giang từ một liệt nữ xuống hạng một cô giáo lãng mạn. 

  4. Sự kiện này được rút ra trong quyển Forces politiques du Vietnam của Pierre Dabezies, quyển này chỉ mới in Ronéo chưa xuất bản.