Chương 1 – Sứ mạng lịch sử của dân tộc Việt Nam

Một việc phi thường mà không một sử gia nào có thể giải thích một cách thoả đáng – mặc dầu đã nghiên cứu rất nhiều – là: tại sao, sau hàng ngàn năm đô hộ, dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hoá, và Việt Nam vẫn còn là một quốc gia biệt lập.

Joseph Buttinger (The Smaller Dragon)

Việt Nam là một phần đất của Á châu. Vị trí địa lý của Việt Nam đối với lục địa Á châu quyết định một phần lớn tiền đồ cũng như sứ mạng mà lịch sử đã giao phó cho dân tộc Việt Nam trong mấy ngàn năm nay.

Chúng ta hãy so sánh Âu châu. Âu châu là một đơn vị địa lý duy nhất, không núi cao, sông không rộng nên trong nội địa Âu châu văn hoá thường được trao đổi và các nòi giống thường được pha trộn một cách tương đối dễ dàng. Địa lý Á châu có một điểm trái ngược với Âu châu. Lục địa Á châu bị dãy núi Hi-ma-lay-a, và tiếp theo là dãy Trường Sơn phân chia thành hai đơn vị địa lý văn hoá riêng biệt. Đơn vị phía Bắc thuộc ảnh hưởng Trung Quốc, đơn vị phía Nam chịu ảnh hưởng Ấn Độ.

Việc phân chia địa lý này có rất nhiều ảnh hưởng. Trong khi một vài tư tưởng và đạo lý có thể truyền bá từ Nam lên Bắc và một vài bộ lạc có thể từ từ di chuyển từ Bắc xuống Nam, qua dẫy Hi-ma-lay-a, dãy núi này vẫn là một “Vạn lý trường thành” chặn đứng không cho bên nào tấn công quân sự bên nào. Chính nhờ vậy mà Ấn Độ và các quốc gia khác thuộc Nam Á đã duy trì được nền văn hoá, tổ chức xã hội và chính trị riêng của họ, không bị văn hoá Hán tộc xâm nhập và không hề bị binh mã của “Thiên triều” quấy nhiễu. Ngay cho tới ngày nay, dãy trường thành này vẫn đóng một vai trò tối quan trọng. Nếu một ngày kia Ấn Độ và Trung cộng có thể thoả thuận công nhận giới tuyến Mac Mahon là biên giới thiên nhiên giữa hai nước, và nếu Hoa Kỳ đủ sức bảo vệ Việt Nam Cộng hoà và duy trì một nền trung lập chân chính ở Lào thì dãy Hi-ma-lay-a-Trường Sơn, chạy dài từ Kashmir ở phía Tây đến Việt Nam ở phía Đông, sẽ là bức bình phong đứng giữa hai khối: khối Cộng sản và khối Không cộng sản trên lục địa Á châu. Chỉ vị kỵ binh của Hán, Nguyên, và Thanh triều không hề vượt qua dãy núi này, vì không vượt nổi, nên nhiều chính khách ở Nam và Đông Nam Á đã nhẹ dạ tin tưởng ở cái mà họ mệnh danh là “tình hữu nghị cổ truyền với Trung Quốc”. Khi họ đề ra thuyết trung lập và sống chung hoà bình, họ đã trông cậy quá nhiều vào dãy núi này coi như một cái mốc che chở cho xứ sở của họ.

Nhưng những biến cố gần đây đã chứng tỏ rằng bức trường thành thiên tạo này không còn hiệu nghiệm như xưa, không chặn nổi sự xâm nhập và cả những cuộc tấn công quân sự của cộng sản. Về phía Tây thì Ấn Độ hiện đương lo phòng thủ biên thuỳ Ấn-Hoa, còn về phía Đông, Hoa Kỳ đương ra sức bảo vệ Việt Nam Cộng hoà và Thái Lan khỏi bị rơi vào tay cộng sản. Nhưng so sánh thì các nước ở phía Đông bị đe doạ nhiều hơn các nước ở phía Tây, vì dãy Trường Sơn phân cách Lào và Việt không cao và hiểm trở bằng dãy Hi-ma-lay-a phân cách Ấn Độ và Tây Tạng. Hơn nữa, Bắc Kinh nối liền với Hà Nội bằng một đường xe lửa, mà trái lại, đường bộ từ Bắc Kinh đến Lhasa, thủ đô Tây Tạng, thì khó khăn, hiểm trở. Vì vậy nên hiện nay cũng như từ ngàn xưa, Trung Quốc vẫn coi Việt Nam là con đường thuận tiện nhất cho mọi cuộc Nam tiến.

Nhìn vào bản đồ hai nước (trang 16), chúng ta có thể ví Trung Quốc với một cái loa phễu khổng lồ, mà Việt Nam là cái cuống phễu vừa hẹp vừa dài. Hình ảnh cái phễu khổng lồ trên đây có thể giải thích một phần lớn đặc điểm của nền bang giao Hoa-Việt, nếu chúng ta hình dung Trung Hoa như một chất lỏng chứa đựng trong loa phễu, và suốt trong lịch sử lúc nào cũng muốn chảy dọc theo cái cuống phễu để tràn xuống những miền đồng bằng phì nhiêu thuộc Đông Nam Á. Lịch sử đã giao phó cho Việt Nam nằm ở đầu cuống phễu, một trách nhiệm nặng nề: ngăn chặn không cho quân lực Trung Hoa tràn qua để xuống tới các đồng bằng kể trên. Dân tộc Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ ấy, và đã đánh bật trở lại tất cả các cuộc chinh phạt liên tiếp của các triều đại, Hán, Nguyên, Minh, Thanh, đặc biệt nhất là các đoàn kỵ binh hùng hậu của Hốt Tất Liệt mà từ Đông sang Tây không một quốc gia nào kháng cự nổi. Hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử kể trên, dân tộc Việt Nam không những đã bảo toàn được nền tự chủ của mình, mà còn giữ cho tất cả các dân tộc khác ở Đông Nam Á khỏi bị Hán hoá.

Theo Hán sử thì ngày xưa, ở phía Nam sông Dương Tử có một trăm bộ lạc, gọi là Bách Việt. Các bộ lạc này đều bị Hán hoá hoàn toàn, bắt đầu từ cuộc chinh phạt của Tần Thuỷ Hoàng, thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Theo nhiều học giả chuyên về nhân chủng và phong tục học thì phần lớn các bộ lạc này thuộc chủng tộc Inđônêsia. Dân tộc Việt Nam cũng thuộc về khối này. Theo một truyền thuyết – một truyền thuyết đã trở thành định kiến – nhiều người Việt Nam hiện còn tin rằng tổ tiên của họ ngày xưa cũng là một trong các bộ lạc Bách Việt, nhưng đã may mắn thoát khỏi nạn Hán hoá mà tất cả các bộ lạc khác phải chịu.

Về truyền thuyết này, có một câu chuyện khá lý thú đáng được ghi lại. Sau cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911), và sau khi nhường chức Tổng thống cho Viên Thế Khải. Ông Tôn Văn sang viếng thăm Nhật Bản, với tư cách là đảng trưởng Quốc dân Đảng Trung Hoa, và được ông Khuyển Dương Nghị, đảng trưởng Quốc dân Đảng Nhật, thết tiệc khoản đãi. Giữa bữa tiệc, lừa khi ông Tôn Văn bất ý, ông Khuyển Dưỡng Nghị đột nhiên hỏi: “Tôi được biết tiên sinh đã có dịp qua Hà Nội, xin tiên sinh cho biết tôn ý về dân tộc Việt Nam?” Bị hỏi một cách bất thình lình, ông Tôn Văn đáp: “Người Việt Nam vốn nô lệ căn tính. Ngày xưa họ bị chúng tôi đô hộ, ngày nay họ lại bị người Pháp đô hộ. Dân tộc ấy không có tương lai”. Được dịp, ông Khuyển Dưỡng Nghị nói tiếp: “Về điểm này tôi xin phép không đồng ý với tiên sinh. Ngày nay họ thua người Pháp, vì họ thiếu khí giới tối tân, nhưng cứ xét lịch sử thì trong số Bách Việt chỉ có họ là thoát khỏi, không bị Hán hoá. Tôi tin rằng một dân tộc đã biết tự bảo vệ một cách bền bỉ như vậy thì thể nào sớm muộn cũng sẽ lấy lại được quyền tự chủ”. Ông Tôn Văn đỏ mặt không trả lời vì biết mình đã nói hớ. Ông hiểu ý ông Khuyển Dưỡng Nghị muốn châm chọc, cho rằng ông là người Quảng Đông, tổ tiên cũng là “Việt” nhưng kém xa dân tộc Việt Nam vì đã bị đồng hoá hoàn toàn, không còn chút gì là “Việt” nữa. Sau buổi tiệc, ông Khuyển Dưỡng Nghị gọi dây nói mời mấy học sinh Việt Nam tị nạn ở Nhật đến kể chuyện cho nghe tỏ ý hớn hở đã thắng nhà chính khách Trung Hoa trong cuộc đối thoại. Trong số những người được ông Khuyển Dưỡng Nghị mời đến và thuật lại câu chuyện có cụ Lê Dư. Chính cụ Lê Dư đã kể lại câu chuyện này cho tác giả.

Trong hơn hai ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã giữ một vai trò y hệt dân Sparte ở ải Thermopile. Công nghiệp của dân tộc Việt Nam đối với các lân bang ở Đông Nam Á chưa được các sử gia công nhận một cách đầy đủ. Có một điểm cần nêu lên là những Hoa kiều hiện nay đang sống đông đảo ở Singapore, Malaysia và Inđônêsia đều tới định cư ở những nơi này bằng đường biển, và mới gần đây. Họ được di cư tới các xứ này một cách dễ dàng vì các chính quyền thực dân Anh, Pháp, Hà Lan thấy họ cần cù và khéo hơn dân bản xứ.

Trở lại hình ảnh cái phễu khổng lồ, chúng ta có thể hình dung dân tộc Việt Nam như một cái nút bông ngăn chặn quân lực Trung Hoa không cho tràn qua, nhưng vẫn để văn hoá Trung Quốc, ví như nước trong, thấm dần qua cái cuống phễu. Dân tộc Việt Nam thấm nhuần nền văn hoá phong phú này và sử dụng nó như một lợi khí để tự bảo vệ, và đồng thời Nam tiến chinh phục Chiêm Thành. Nước này bị xâm chiếm theo kiểu tằm ăn lá dâu và biến khỏi lịch sử năm 1697. Sau khi đã tiến đến miền cực nam của bán đảo Đông Dương, dân tộc Việt Nam bắt đầu vòng quanh dãy núi Trường Sơn để tiến vào nội địa Cam-bốt, nhưng muộn quá, vì người Pháp đã tấn công và chặn lại bắt đầu từ năm 1858. Mặc dầu là nạn nhân của đế quốc Trung Hoa, người Việt đã có tinh thần đế quốc không kém ai, và dân Cam-bốt thực sự đã chịu ơn người Pháp cứu họ khỏi bị Việt hoá, mãnh liệt không kém Hán hoá.

Về ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, có hai điểm đáng được nêu lên một cách khách quan: đấy là thái độ của thượng lưu trí thức Việt Nam đối với Trung Hoa và nền văn hoá Hán tộc.

Nói chung thì người Việt vẫn coi người Tầu là kẻ thù lịch sử (mười lăm cuộc xâm chiếm trong hai ngàn năm, và một ngàn năm Bắc thuộc), nhưng mỗi khi có nội biến hay ngoại xâm, thường có nhiều người vội vã chạy sang Trung Quốc để khẩn cầu ngoại viện; và mỗi lần như vậy là một lần đại binh mã Trung Quốc kéo sang và ngang nhiên chiếm đóng cho tới khi bị đánh bật ra khỏi.

Gần đây, ông Hồ Chí Minh có nhận viện trợ của ông Mao, nhưng, để bào chữa thái độ của ông, ông nói: “Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc bao giờ cũng coi nhau như anh em. Chỉ có phong kiến Trung Quốc là kẻ thù của cả hai”, lý luận của ông Hồ rất thông, nhưng giới trí thức kháng chiến thường không chấp nhận. Họ phê bình là nguỵ biện.

Một điểm thứ hai đáng được nêu lên là từ ngàn xưa sĩ phu Việt Nam thường ngưỡng mộ văn hoá Trung Quốc một cách quá mức. Ngay trong thời kỳ tự chủ, các nho sĩ Việt Nam thường học thuộc lòng từng câu, từng chữ, trong các kinh, các sách của các vị “thánh hiền” Trung Quốc mà không hề suy luận, phê phán. Họ sùng bái văn học Trung Quốc đến nỗi họ gọi “chữ Nho” – chữ của người Tầu – là “chữ ta”, mà chính tiếng Việt, họ lại gọi là “tiếng nôm”. Vì quá lệ thuộc vào nền văn hoá Trung Quốc nên ngay trong thời đại tự chủ, Việt Nam vẫn là một chư hầu văn hoá của nước láng giếng phương Bắc. Cũng vì vậy mà số phận Việt Nam bị gắn liền vào số phận Trung Quốc. Cả hai đều bị phá sản trước sự tấn công của các học thuyết Tây phương và Mác-xít.

Để sáng tỏ thêm vấn đề, chúng ta có thể đối chiếu Việt Nam với Nhật Bản. Trước kia cả hai đều là đệ tử của nền văn hoá Trung Quốc, nhưng dù vậy, thái độ của mỗi nước đối với Trung Hoa có khác. Trong khi các sĩ phu Việt Nam coi trọng văn học Trung Quốc như chính của nước mình thì người Nhật, vì là dân đảo quốc, vẫn coi Trung Quốc là ngoại bang và triết học Trung Quốc là một thứ hàng nhập cảng. Vì vậy mà người Nhật duy trì được tinh thần phê phán, có thể lựa chọn và hấp thụ một số học thuyết cũng xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng bị Trung Quốc coi là tà thuyết và bác bỏ. Trong số những học thuyết này có học thuyết Lương tri của Vương Dương Minh (1472-1528) mà các triết gia cận đại coi là một giải thích Khổng giáo hướng theo thực tế.

Học thuyết này được truyền sang Nhật vào thế kỷ thứ 17. Chính vì đã hấp thụ được học thuyết Lương tri mà nho sĩ Nhật giữ được một phần nào sáng suốt, không đến nỗi quá hủ lậu như giới Tống nho Trung Quốc và Việt Nam, và do đó, họ dễ dàng công nhận giá trị của kỹ thuật Tây phương. Nhờ sự phản ứng kịp thời của sĩ phu Nhật Bản mà các lãnh chúa Nhật phải thay đổi chính sách, giao thương với Tây phương và thực hiện cuộc cách mạng Minh Trị (1876) tiến đến công cuộc canh tân toàn bộ đời sống.

Cũng nên nhắc lại là cũng vào thời kỳ này, học thuyết Lương tri đã có cơ truyền sang Việt Nam nhưng không thành. Hồi đó một môn đệ của Vương Dương Minh là Chu Chi Dư hiệu là Thuần Thuỷ, trốn khỏi Trung Quốc sau khi Trung Quốc bị Mãn Thanh chiếm đóng, và sang tị nạn ở Hội An. Chúa Hiền biết ông là người hay chữ nên thường mời ông vào cung đàm đạo về văn chương chữ nghĩa. Đấy là một dịp rất tốt cho nhà triết học Trung Hoa truyền bá học thuyết của mình, nhưng điều rất không may là chúa Hiền không đủ học vấn đề nhận định những sai lầm của học thuyết Chu Hy và công nhận những điểm hay của học thuyết Lương tri, và trong khi đó thì các triều thần, thấy chúa coi trọng ông Chu, cũng tìm cách làm thân, nhưng chỉ hỏi ông về lý số. Sau khi trú ngụ trên đất Việt Nam trong mười năm mà không truyền bá được tư tưởng của mình, Chu tiên sinh bèn nghe lời một lái buôn Nhật, lên thuyền của họ di cư sang Nhật. Ông là một trong những người đã có công truyền bá học thuyết Vương Dương Minh trên đất Nhật.

Chỉ vì tôn sùng văn hoá Hán tộc một cách quá đáng mà mãi cho tới khi mất nước hàng chục năm rồi, các nho gia Việt Nam mới nhận thấy Tây phương cũng có một nền văn hoá không kém và đáng được noi theo. Cho đến cuối thế kỷ thứ 19, họ nhất định không chịu quan sát thế giới bên ngoài và không bận tâm đến những phát minh khoa học và kỹ thuật của Tây phương. Trong khi dân tộc Phù tang hối hả canh tân đảo quốc của họ thì vua Tự Đức vẫn điềm nhiên xướng hoạ với mấy vị đại thần. Tám bản “điều trần” của Nguyễn Trường Tộ (1853-1871) lần lượt bị bác bỏ, mà trong khi ấy thì Pháp chiếm Hội An (1858), Nam Việt (1862-1867), Hà Nội (1873-1882) và hoàn thành cuộc đô hộ năm 1884.

Nhìn lại lịch trình tiến hoá của dân tộc Việt Nam chúng ta phải công nhận với sử gia Trần Trọng Kim là sở dĩ Việt Nam giành lại được quyền tự chủ và xây dựng được một cơ cấu xã hội, chính trị, có nền tảng vững chắc, là nhờ ở sự hấp thụ và tiêm nhiễm văn hoá Hán tộc, mà bộ phận chính là Khổng giáo với tinh thần duy lý. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhận định thêm rằng Việt Nam chỉ thực sự phú cường dưới triều đại Lý, Trần, là thời kỳ mà Phật giáo được coi là quốc giáo; và trái lại, Việt Nam bắt đầu suy nhược từ cuối Trần, sau khi Khổng giáo đã chiếm địa vị độc tôn, đánh bật Phật giáo ra ngoài vòng chính trị. Theo thiển ý của tác giả thì có hai nguyên nhân chính. Một là từ Tống trở đi, học phái Chu Hy được coi là học phái chính thống đã đưa Khổng giáo vào một khuôn khổ chật hẹp, hủ lậu và hai là chế độ thi cử dành cho Khổng giáo không đủ sức hấp dẫn để huy động quảng đại quần chúng tham gia kháng chiến. Vì vậy nên những vị anh hùng cứu quốc từ Lê Lợi đến Nguyễn Huệ, đều không phải là những người xuất thân ở cửa Khổng sân Trình. Nói về lịch sử hiện đại thì mất nước với Pháp vào cuối thế kỷ trước, và đất nước tan tành trong hoàn cảnh hiện nay cũng chung một nguyên nhân: Tinh thần nô lệ đối với “Trung Hoa vĩ đại”. Về điểm này sử gia Trần Trọng Kim đã phê bình như sau:

“… Mà sự học của mình thì ai cũng yên trí rằng cái gì đã là của Tầu là hay, là tốt hơn cả: từ tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tầu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tầu là giỏi, không bắt chước được là dở”.

Những sự việc trình bày sau đây sẽ chứng minh hậu quả tai hại của tinh thần hướng ngoại kể trên.