Chương 10 – Kiểm thảo

Thiên hạ thường tin những câu chuyện bịa đặt nhưng giản dị, hơn là những câu chuyện có thực, nhưng lại rắc rối, khó hiểu.
(De Tocqueville)

Từ năm 1946 đến năm 1950, Việt cộng thường tổ chức những buổi “phê bình và tự phê bình” rất bí mật dành riêng cho đảng viên. Hồi ấy đảng tự ý giải tán và rút lui vào bí mật, bề ngoài vẫn có vẻ dân chủ. Vì chỉ giới hạn trong một số ít đảng viên, và trước khi “phê và tự phê” bao giờ cũng điều tra cặn kẽ, nên kết quả khả quan. Nhiều khi đảng viên bị “phê” thành thật nhận lỗi, không cần đến sự “bồi dưỡng” của tập thể.

Nhưng từ năm 1950 trở đi, sau khi liên lạc trực tiếp với Trung Quốc, Việt cộng thường tổ chức những buổi kiểm thảo cho cả đảng viên lẫn cán bộ ngoài đảng. Phương pháp này từ Hoa Nam chứ không phải từ Bắc Kinh tràn sang Việt Nam và “khốc liệt” hơn phương pháp “phê và tự phê” nhiều lần. Người bị “phê” khoanh tay đứng trước hội nghị trong khi mỗi người lần lượt đứng lên nêu khuyết điểm của anh ta. Mọi người đã biên sẵn những khuyết điểm nhận thấy nơi anh và giở sổ ra đọc. Sau đó hội nghị phân tách ra và suy luận để đạt tới kết luận là anh chàng bị “phê” quả có những tư tưởng phản động rồi dùng “áp lực tập thể” bắt anh ta phải thú nhận khuyết điểm đã nêu ra.

Kiểm thảo thường áp dụng một số chiến thuật rất đặc biệt mà nhân dân đặt tên như sau:

  1. Chụp mũ: nghĩa là dùng áp lực hoặc đe doạ bắt buộc người bị “phê” phải nhận những tội lỗi mà anh ta không hề phạm, và anh ta không được phép tự bào chữa. Không khác gì một người không muốn đội mũ mà người khác cứ cầm mũ chụp đại lên đầu.
  2. Truy kích: nghĩa là chất vấn người bị phê theo kiểu công an lấy cung một người bị can, càng chối càng hỏi vặn, không để cho thoát. Danh từ truy kích gợi ý nghĩa đuổi bắt một tư tưởng phản động như săn một thú dữ, hoặc đuổi bắt một tên sát nhân. Đôi khi cuộc kiểm thảo kéo dài đến mấy ngày liền vì đương sự “ngoan cố” không chịu nhận lỗi.
  3. Suy luận xốt xí: nghĩa là căn cứ vào một hiện tượng rất nhỏ mọn rồi cứ suy luận dần dần để kết thúc là người bị phê quả là một tên phản động lợi hại. Sau đây là một số tỷ dụ của lối suy luận xốt xí do một hiệu trưởng trường trung học kể lại.

    Trong một buổi kiểm thảo do học sinh tổ chức, một giáo sư bị nêu “hiện tượng” là đã cho một học sinh một điểm quá cao. Bản kết án vị giáo sư phạm tội đại khái như sau:

    Hiện tượng: Anh chấm bài của anh X và cho anh ấy một điểm quá cao.

    Suy luận: (1) Anh tâng bốc anh X để cốt ý gây chia rẽ giữa anh X và các học sinh khác trong lớp; (2) học sinh đã chia rẽ thì chỉ có là cãi lộn, không chịu học hành; (3) vì không lo học nên trình độ kém; (4) trình độ học sinh kém thì phụ huynh học sinh không bằng lòng; (5) họ sẽ bảo giáo dục dưới chế độ cụ Hồ không bằng giáo dục thời Pháp thuộc; (6) và họ sẽ cho rằng chế độ thực dân tốt hơn chế độ dân chủ cộng hoà, (7) khi anh cho anh X một điểm quá cao, anh có dụng ý làm tay sai cho thực dân Pháp.

    Kết luận: Anh là tay sai đắc lực của thực dân Pháp và của đế quốc Mỹ.

    Những cuộc xỉ vả thầy giáo như vậy có thể nói là thường xuyên và không mấy thoát khỏi. Vì vậy nên hồi năm 1950-51 vô số giáo sư hậu phương chạy vào thành.

  4. Đao to búa lớn: nghĩa là dùng những chữ rất thậm tệ và đôi khi rất tục tĩu để xỉ vả người bị phê, lấy cớ là để tiêu từ những tư tưởng phản động nằm sâu trong đầu óc anh ta. Câu chuyện sau đây là một điển hình.
    Một cơ quan chính quyền mở cuộc kiểm thảo trong nhà một nông dân và hò hét om sòm. Bà chủ nhà thấy nhiều người to tiếng vội vã chạy vào, thấy một người lặng yên khoanh tay trong khi nhiều người khác đỏ mặt tía tai xỉ vả thậm tệ. Bà sợ họ có thể đánh nhau và không khéo xẩy ra án mạng nên bà ta ôn tồn can: “Xin các ông bớt giận làm lành, ai mà chả có điều không hay không phải. Cùng là đồng bào với nhau và cùng làm một sở cả, xin các ông chín bỏ làm mười cho nó vui vẻ cả!” Bà chủ nhà có ngờ đâu đấy chỉ là một cuộc kiểm thảo hàng tuần mà luân phiên mỗi người phải phê bình và để người khác phê bình mình.
    Cuộc đời thân ái, đề huề với anh em cùng sở trong suốt một tuần rồi lại một lần mắng mỏ nhau thậm tệ mang lại cho nhiều người cảm tưởng sống một lúc hai cuộc đời đại khái giống nhân vật trong phim kinh dị “Bác sĩ Jerkins và ông Hyde”.
  5. Khóc đám ma: Ngay từ hồi đầu đã có lệ người bị kiểm thảo rơm rớm nước mắt để tỏ cho hội nghị biết là nhờ sự phê bình của tập thể mà mình đã giác ngộ tội lỗi và vô cùng ân hận. Nhưng đôi khi, thường xảy ra trong đám học sinh, có người đã bộc lộ rồi nhưng cũng có mặt để “viện trợ” anh em bằng cách khóc nức nở, phần đông họ là những thanh niên mới “ngộ đạo” muốn truyền “đạo” cho kẻ khác để “cứu nhân độ thế”. Họ có cảm tưởng là sứ mạng trên thế gian sẽ không thành, nếu họ không cải hoán được một người theo chân lý Mác-xít. Vì vậy nên họ rán sức làm cho những người phạm khuyết điểm phải đấm ngực xưng tội và phải chấp nhận lời dạy của Bác Mao và Bác Hồ. Có lúc họ vừa khóc nức nở, vừa than thân trách phận là nhiệm vụ Đảng đã giao phó mà làm không thành. Họ tiếc là Đảng đã tận tình giáo huấn mà nhiều người cứ như “nước đổ đầu vịt”. Họ khóc một cách thiết tha vì hơi một chút là oà ra khóc vì tinh thần họ lúc nào cũng quá căng thẳng. Có lẽ thiếu thốn về sinh lý và học tập chính trị suốt ngày đêm đã khiến những thanh niên mới lớn lên dễ dàng xúc động và cuồng tín đến tột bực. Sự thực đã có nhiều người điên thực. Ở trường chính trị quân sự Việt Bắc, chỉ riêng một khoá 1952 đã có đến tám học viên hoá điên. Ngay bà Phạm Văn Đồng, mới hơn 20 tuổi và bị kẹt ở khu Năm trong mấy năm, hồi ông Đồng được triệu lên Việt Bắc làm thủ tướng, cũng đã bị điên thực sự.

    Lúc đầu thì hoạ hoằn mới có người khóc, nhưng về sau khóc trở thành thông lệ của mọi cuộc kiểm thảo. Có người nói là Đảng có phép mầu nhiệm làm người lớn trở thành con nít trở lại. Sau cùng “khóc tập đoàn” trở thành một phương tiện – một áp lực tập thể – để thúc đẩy người bị kiểm thảo mau mau bộc lộ. Có một lần nguyên cả một lớp học trường Nguyễn Thượng Hiền kéo đến đông đủ để “viện trợ” một học sinh viết bản kiểm thảo, và vừa vào đến ngõ họ đã bắt đầu khóc “hu hu” từ ngoài vào, khiến chủ nhà hoảng hốt tưởng có chú học sinh nào tản cư chết trong nhà mình. Khóc theo lối “viếng đám tang” như vậy thực ra chẳng có hiệu quả chút nào và trông thấy không thể nhịn cười được; nhưng không ai dám cười trước mặt những người khóc vì trông thấy dáng điệu uy nghi của họ, mọi người đều biết là họ đương “hành lễ” theo một tập tục mới của họ. Cười trước mặt họ, có thể coi là “báng đạo” của họ. Mà cũng vì không ai dám cười, nên thông lệ “khóc” kéo dài trong luôn mấy năm từ 1951 đến 1953.

Có hai giả thuyết về vấn đề phát sinh ra phương pháp kiểm thảo. Có người cho kiểm thảo là một hình thức sai lạc của Chỉnh huấn, hồi ấy đã áp dụng ở Bắc Kinh nhưng chưa phổ biến xuống Hoa Nam. Theo phương pháp của ông Mao thì mọi chính sách mới đều phải phổ biến từ từ, theo kiểu vết dầu loang. Như vậy có hơi chậm chạp nhưng lúc nào Đảng cũng nắm vững tình hình và phương pháp áp dụng có thể đồng đều cho cả nước. Vì vậy nên có người cho rằng trong khi phương pháp kỳ diệu của ông Mao chưa xuống đến Hoa Nam thì đã có cán bộ ở Hoa Nam chỉ nghe nói đại khái đã hăng hái muốn áp dụng ngay nên phát sinh ra phong trào kiểm thảo. Lại có thuyết nói rằng kiểm thảo đích thực phát xuất ở Hoa Nam và đã được thịnh hành ở Hồ Nam hồi ông Mao mới dấy nghiệp ở đấy. Rồi từ Hoa Nam, phương pháp kiếm thảo tràn qua Bắc Việt, với hình thức còn đang thô sơ và ấu trĩ, trong khi ở Bắc Kinh, Trung cộng đã phát triển một hình thức mới, tinh vi gấp bội và đã được tu sửa trong gần hai mươi năm ở Diên An.

Kể ra thì chẳng biết giả thuyết nào đúng, nhưng có thể là trong khi nóng lòng chờ đợi phương pháp tinh vi ở Bắc Kinh, một số cựu cán bộ ở Hoa Nam đã tạm thời áp dụng phương pháp cổ điển mà họ đã kinh nghiệm từ ba mươi năm về trước. Kiểm thảo và chỉnh huấn thực ra chỉ khác nhau về phương diện kỹ thuật và sự khác biệt giữa hai phương pháp mới và cũ, chứng tỏ Trung cộng đã tiến bộ rất nhiều về tâm lý nhân dân trong vòng ba mươi năm. Họ tiến bộ nhanh một phần cũng tại họ được thừa hưởng một nền văn hoá sáng láng của tổ tông đã để lại.

Nhưng mặc dầu không biết giả thuyết nào đúng và mặc dầu có nhiều khuyết điểm, mọi người đều phải công nhận phong trào kiểm thảo đã thay đổi rất nhiều tính cách của người Việt, trước kia niềm nở, cởi mở bao nhiêu thì bây giờ kín đáo, dè dặt bấy nhiêu. Gặp nhau ở quán cơm hay ở nhà ăn công cộng, mọi người cứ cúi mặt xuống, và nếu gặp nhau ngoài đường, chỉ liếc mắt mỉm cười. Có quan điểm cho rằng người Việt bây giờ “phớt hơn cả người Anh” và “kín đáo hơn người Nhật”. Sự thực thì không khác người Anh và người Nhật, người Việt đã trở thành dân “đảo quốc”, nhưng với ý nghĩa là mỗi người tự coi mình như một đòn đảo, sống riêng trong “hòn đảo” của mình, không liên hệ với những “hòn đảo” chung quanh, tức là bạn bè, hàng xóm láng giềng. Người nào cũng chỉ sống với nội tâm và chỉ giao thiệp với người khác trong trường hợp bất đắc dĩ. Mỗi người, ngay cả cán bộ cao cấp, đều phải kín đáo sắp xếp thân thuộc, bạn hữu, đồng nghiệp thành hai loại: loại có thể tâm sự được vì dò dẫm trong một thời gian thấy họ không mang những ý kiến không chính thống của mình hót với người khác, và một loại cần phải coi chừng. Trong trường hợp bắt buộc phải phát biểu ý kiến trước công chúng thì phương pháp an toàn nhất là cứ nói y hệt như Đảng mới nói trong những số báo mới nhất. Chính vì vậy mà mặc dầu ai nấy đều túng thiếu, báo chí của Đảng vẫn bán chạy như tôm tươi và cũng vì vậy mà ai nấy bận bịu suốt ngày, tối đến vẫn phải chịu khó đi họp, không dám sót một buổi. Hồi ấy mọi người cho rằng “bỏ một buổi họp là đủ lạc hậu”, nghĩa là có thể ăn nói sai với chính sách mới nhất của Đảng.

Phải thành thực công nhận là ăn cơm nắm, muối vừng, không khổ, mà chỉ khổ nhất là phải phân chia bà con, bạn bè thành hai loại riêng biệt, phải nghiên cứu báo chí của Đảng viết theo lối “chách chách vào rừng” (lời ông Hồ phê bình văn chương cộng sản) và phải năng đi họp nghe thảo luận chính trị rức đầu rức óc, mà vẫn không hiểu cán bộ nói lảm nhảm những gì.