Chương 5 – Có công mài sắt, có ngày nên kim

Dẫu cường nhược có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có

(“Bình Ngô đại cáo”, 1427)

Việc Việt cộng cướp được chính quyền ở Việt Nam có thể coi là một hậu quả của Thế chiến thứ hai. Nhiều tác giả đã trình bày cặn kẽ về vụ này, nên trong cuốn sách nhỏ này chúng tôi chỉ lược kê lịch trình tổng quát, thay vì nghiên cứu tỉ mỉ, vì chúng tôi muốn dành chỗ để nói nhiều hơn về một điểm mà chưa ai nói tới. Ấy là việc Việt cộng áp dụng chiến lược Mao Trạch Đông để thành lập chế độ vô sản chuyên chính tại Việt Nam. Về một vài sự việc nào đó, sự trình bày của chúng tôi có thể khác với sự trình bày của một quan sát viên từ ngoài nhìn vào. Sở dĩ như vậy là vì chúng tôi chỉ căn cứ vào những sự tai nghe mắt thấy trong thời gian tham gia kháng chiến, không dựa vào những tài liệu của cộng sản hoặc của Pháp, vì những tài liệu đó thường mâu thuẫn và nhiều khi không xác thực.

Phong trào Việt Minh

Năm 1940, ba tháng sau khi Pháp bị bại trận thì quân đội Nhật kéo vào Việt Nam. Vì đã ký một hiệp ước bất xâm phạm với Đức Quốc xã, nên Nga giữ thái độ trung lập, mặc cho hai phe, “đế quốc” và “phát xít” đánh nhau. Nhưng ngồi xa nhìn rõ, có lẽ Đệ tam Quốc tế đã dự đoán hậu quả của việc Nhật chiếm đóng Đông Dương và tiên kiến việc Nhật lật đổ chính quyền thực dân Pháp và có lẽ cả việc Nhật bại trận. Moscou nhận định tình hình Việt Nam rất thuận lợi cho một cuộc cách mạng vô sản. Ông Hồ từ một nơi khuất nẻo nào đó được gọi về Moscou và được phái sang Hoa Nam để tiếp tục một sứ mạng mà ông đã phải bỏ dở trong ngót mười năm.

Như đã tường thuật trong Chương 3, ông Hồ lên đường sang Trung Hoa vào mùa xuân năm 1941; cùng đi với ông có Nguyễn Khánh Toàn. Nhưng cùng ngồi trên xe lửa, ông Hồ nhận thấy Toàn đã mất hết tác phong cách mạng, một điều mà ông quả thực không ngờ. Trong 15 năm sống ở Moscou, Toàn được hưởng quy chế “chuyên viên ngoại quốc”, sống một cuộc đời thảnh thơi với một số lương to hơn lương người bản xứ. Thấy Toàn ăn uống luôn mồm ông Hồ biết là Toàn đã quen thói phong lưu, không thể nào chịu đựng sự gian khổ của một người cách mạng hoạt động trong bóng tối. Vì vậy nên đặt chân đến Diên An, ông Hồ liền thu xếp với Mao gửi Toàn ở lại và hẹn với Toàn là sẽ nhắn Toàn về khi nào cách mạng thành công. Toàn biết vậy và vui vẻ ở lại. Các đảng viên cộng sản kỳ cựu cho rằng đời sống của ông Hồ và của Nguyễn Khánh Toàn là hai thái cực. Ông Hồ thì luôn luôn chịu đựng gian khổ còn Toàn thì luôn luôn phong lưu, có thể nói là “trưởng giả”, mặc dầu hai người đều là cộng sản.

Toàn lưu lại Diên An và một lần nữa, lại được hưởng quy chế dành riêng cho “chuyên viên ngoại quốc”, được hưởng chế độ “tiểu táo” trong khi người vợ bản xứ ngồi cùng bàn phải ăn “đại táo”1. Năm 1945 sau khi cướp được chính quyền, ông Hồ bận quá nên quên khuấy Toàn. Chừng một tháng sau có một ký giả Ca-na-da ghé qua Diên An kể cho Toàn nghe ở Việt Nam mới có chính phủ mới và người cầm đầu là một ông già nói tiếng Anh rất thạo. Toàn đoán chắc là ông Hồ nên quyết định về nước. Sau khi được Mao Trạch Đông chuẩn y, Toàn lên đường về Việt Nam cùng với Nguyễn Sơn, một người Việt đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Hoa từ 1927. Trung cộng nhận hai người là nhân viên của phái đoàn Trung cộng xuống Trùng Khánh. Trung cộng nhờ một Hoa kiều buôn bán ở Bangkok đưa hai người về tới Lạng Sơn. Toàn về tới Hà Nội vào khoảng tháng Chạp 1945, và sau một thời gian được cử làm thứ trưởng Bộ Giáo dục, với nhiệm vụ kiểm soát Nguyễn Văn Huyên, bộ trưởng, nhưng chưa có chân trong Đảng.

Sau khi để Toàn ở lại Diên An, ông Hồ lẩn qua vùng Quốc dân Đảng và một mình lặn lội xuống Hoa Nam, tới sát biên giới Việt Nam. Ông giấu kín lý lịch, tự xưng là Hồ Chí Minh, giả dạng làm một chiến sĩ quốc gia Việt Nam chủ trương đánh đuổi phát xít Nhật ra khỏi nước. Ông kết liên với nhóm quốc gia đương tích cực hoạt động ở Hoa Nam, nhưng đồng thời ông cũng tập hợp những đồ đệ cũ của ông lẩn quất trong vùng, trong số có ông Hồ Tùng Mậu. Cùng với họ, ông Hồ tổ chức Mặt trận Việt Minh (tức là Việt Nam Độc lập Đồng minh). Ông cử người về nước liên lạc với các tiểu tổ cộng sản còn đang ẩn náu trong bóng tối. Không bao lâu, những đảng viên quan trọng trước kia bị Pháp bắt giam trong các trại tập trung lần lượt thoát khỏi trại giam chạy sang Trung Hoa. Pháp bắt giam các đảng viên cộng sản hồi Nga buông tay cho Đức đánh Pháp, nhưng sau khi Nhật chiếm Đông Dương và Nga bị Đức tấn công thì cộng sản và Pháp không còn kình địch nhau nữa mà chỉ còn một kẻ thù chung trước mắt là Nhật. Vì vậy nên cộng sản bị giam vượt ngục không cần phải trèo tường.

Ông Hồ tình nguyện dùng tổ chức bí mật của ông trong nội địa Việt Nam làm tình báo cho quân đội đồng minh Anh-Mỹ. Ông đảm nhận việc dò xét và báo cáo những di chuyển của quân đội Nhật và giúp các phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi trốn thoát sang Trung Hoa. Sau khi chiếm được Madagascar, Anh phóng thích các đảng viên cộng sản “trong số có Hoàng Hữu Nam” bị Pháp mang sang cầm cố ở đây và thả dù họ xuống vùng du kích Việt Minh ở Cao Bằng2. Ngược lại, Mỹ cho Việt Minh một số radio xách tay và vài trăm tiểu liên. Việt Minh dùng số khí giới này để tấn công mấy đồn khố xanh và lính dõng, nhưng tránh không giao phong với quân đội Nhật can trường và đầy đủ võ trang hơn. Chủ trương của ông Hồ là bảo toàn vũ khí do Mỹ cung cấp để sau khi quân đội Nhật thất trận sẽ dùng để cướp chính quyền và đối phó với phe quốc gia. Mọi việc xẩy ra đúng như ông Hồ đã tiên liệu. Sau khi Pháp được đồng minh giải phóng và phe De Gaulle lên nắm chính quyền, viên toàn Decoux ở Đông Dương hổ thẹn vì đã theo chính phủ Vichy, và muốn đái tội lập công, dự định một cuộc tấn công đánh úp Nhật. Nhưng Nhật biết rõ âm mưu nên ngày 9 tháng 3, 1945, Nhật đảo chính Pháp trước khi Pháp kịp trở tay. Nhật bắt giam tất cả binh lính và thường dân Pháp, để Bảo Đại tiếp tục làm Hoàng đế và được phép có bộ Quốc phòng. Cụ Trần và một số nhân viên trong chính phủ của cụ là những người thật thà yêu nước nên việc đầu tiên họ làm là thả hết chính trị phạm, kể cả cộng sản. Nhưng sau khi ra khỏi tù, việc đầu tiên của cộng sản lại là gia nhập phong trào Việt Minh để lật đổ chính phủ Trần Trọng Kim.

Ngày 19 tháng 8, 1945, Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội. Vì Nhật đã đầu hàng đồng minh từ 5 hôm trước nên bỏ ngỏ thành phố không can thiệp. Việt Minh chỉ biết biểu tình và bắn một vài phát súng sáu là viên khâm sai Phan Kế Toại vội vã đầu hàng. Bảo Đại cũng thoái vị và ông Hồ trở thành Chủ tịch chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mấy ngày sau, theo đúng hiệp ước Postdam, quân đội Anh đổ bộ lên Sài Gòn và Trung Hoa Dân quốc tiến vào Hà Nội để tước vũ khí của bại quân Nhật Bản. Hai đội quân chiếm đóng tìm cách ngăn cản phong trào Việt Minh. Trong Nam thì quân Anh thả tù binh Pháp, cho họ khí giới để đánh chiếm lại Việt Nam, còn ngoài Bắc thì quân đội Lư Hán giúp Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội chống chọi với Việt Minh. Phe quốc gia tuyên truyền chống Việt Minh bắt cóc và thủ tiêu cán bộ cộng sản và chiếm giữ một vài địa điểm làm căn cứ quân sự.

Bị chống đối mỗi ngày một kịch liệt, ông Hồ bắt buộc phải nhượng bộ phe quốc gia, dành cho họ 80 ghế trong quốc hội bầu cử giả hiệu, thành lập chính phủ liên hiệp3 và hô hào toàn dân đoàn kết chống Pháp. Đảng Cộng sản tuyên bố tự giải tán để chứng tỏ nhiệt tâm của họ đối với chính nghĩa quốc gia, nhưng thật ra vẫn tiếp tục hoạt động bí mật và kiểm soát quần chúng. Trong khi ấy phe quốc gia cũng củng cố vị trí và tăng cường tuyên truyền chống cộng. Trong lúc ông Hồ đang lúng túng vì bị Pháp và quốc gia tấn công hai mặt thì một thoả hiệp giữa Pháp và chính phủ Tưởng Giới Thạch mang lại cho ông một lối thoát bất ngờ. Theo thoả hiệp này, Tưởng Giới Thạch ưng thuật rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam nhường chỗ cho quân đội Pháp.

Sau khi quân đội Lư Hán rút khỏi, cộng sản lập tức tấn công và tiêu diệt V.N.Q.Đ, và sau đó tìm cách điều đình với Pháp, theo đó nước Pháp “thừa nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia “tự do” thuộc khối Liên hiệp Đông Dương và Liên hiệp Pháp, có chính phủ, quốc hội, quân đội, và một nền tài chính riêng”. Sau này Việt Minh cố gắng điều đình sửa lại một vài điều khoản trong hiệp ước đó để cho Việt Nam được hoàn toàn độc lập, vì theo Hiệp định Sơ bộ thì quân đội Pháp vẫn có quyền chiếm đóng Việt Nam. Hai cuộc hội nghị Đà Lạt (tháng 4 và tháng 5 năm 1946) và Fontainebleau (tháng 7 và tháng 8 năm 1946) đều thất bại mặc dầu ông Hồ đã đích thân sang Paris để vận động. Rốt cuộc, không lẽ ra về tay không, ông Hồ phải ký với tổng trưởng Pháp quốc Hải ngoại [bộ trưởng Thuộc địa], Marius Moutet, một đảng viên Xã hội mà ông đã quen trên 20 năm, một bản Tạm ước xác nhận những điều khoản đã quy định trong Hiệp định Sơ bộ.

Nhưng quân Pháp không tôn trọng hiệp định cứ viện đủ mọi cớ để chiếm hết vị trí này đến vị trí khác, chịu không nổi, ông Hồ phải trả đũa bằng một cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 19 tháng Chạp năm 1946. Ông Hồ quyết định 11 giờ sáng, và định giờ khởi sự là 8 giờ tối. Võ Nguyên Giáp đã lập tức truyền lệnh này đến tất cả các lực lượng Việt Minh trên toàn lãnh thổ. Nhưng vào khoảng 2 giờ trưa hôm ấy, Giáp nhận được tin là Marius Moutet sắp lên đường sang Việt Nam nên vội vã đến Bắc Bộ Phủ báo cáo với ông Hồ và hỏi xem có nên hoãn việc tấn công lại không. Ông Hồ bảo “cứ việc”, và thế là đêm ngày 19 tháng Chạp năm 1946 mở màn cho một cuộc chiến tranh kéo dài tới hơn tám năm trời.

Trước kia ông Hồ có ý đấu dịu với Pháp vì ông muốn cho Việt Minh có đủ thì giờ củng cố chính trị và quân sự. Có lẽ ông cũng ráng chờ xem Pháp cộng và Trung cộng làm ăn như thế nào, nhưng đến khi tình thế bắt buộc phải tự lực chống Pháp ông vẫn tin chắc thắng lợi cuối cùng sẽ về ông. Ông thừa biết Việt Nam cách xa Pháp hàng ngàn dặm, và nước Pháp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau cuộc chiếm đóng của Đức Quốc xã. Hơn nữa, sau Thế chiến thứ Hai, quốc tế đã thay đổi hẳn khiến một cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa là một chuyện không thể nào thực hiện được nữa. Ông Hồ nhận định rằng Pháp càng đánh thì càng củng cố thêm uy thế của Việt Minh, vì sẽ làm cho cộng sản trở thành những chiến sĩ chân chính bảo vệ đất nước và thực sự giải phóng quốc gia, không “ngáp phải ruồi” như hồi mới cướp chính quyền. Ông Hồ trở thành biểu tượng của đoàn kết quốc gia, và mọi người nhiệt liệt hưởng ứng phong trào kháng chiến chống Pháp.

Cuộc kháng chiến

Võ Nguyên Giáp muốn rập theo kế hoạch của Nhật trong cuộc đảo chính mùng 9 tháng 3, tấn công các trại binh Pháp đúng 8 giờ tối là giờ các sĩ quan Pháp đang ăn uống. Nhưng một tên Pháp lai làm tự vệ cho Việt Minh báo cho Pháp biết nên Pháp đủ thì giờ chuẩn bị. Ở một vài nơi không đủ sức chống đỡ, Pháp phải đầu hàng, nhưng Pháp giữ vững những thành phố hoặc vị trí mà quân số của họ đông hơn Giải phóng quân của Việt Minh. Tình trạng kéo dài trong ba năm: quân đội Pháp không dám mạo hiểm ra khỏi các vị trí hoặc thành phố, quân đội Việt Minh kiểm soát vùng quê, phá cầu, cắt đứt đường giao thông. Dần dần quân đội Pháp nới rộng vòng kiểm soát, nhưng đồng thời Việt minh cũng tiến bộ về quân sự. Tình trạng cứ giằng co như thế cho đến ngày chính phủ Nam Kinh sụp đổ và Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh ngày 1 tháng 10 năm 1949. Thấy ông Mao thành công ở Trung Hoa, ông Hồ bèn yêu cầu viện trợ. Tháng Hai năm 1950, Mao Trạch Đông cử tướng Lã Quý Ba làm cố vấn quân sự cho Võ Nguyên Giáp. Ít lâu sau, Trung cộng lại cử thêm nhiều chuyên viên sang giúp Việt Minh trong mọi ngành. Ngoài ra Trung cộng còn ra lệnh cho hai tỉnh giáp giới Việt Nam là Quảng Tây và Quảng Đông cung cấp lương thực, vũ khí và đạn dược cho quân đội Việt Minh. Và rất nhiều sĩ quan Việt Nam được gửi sang Trung Quốc học tập quân sự.

Được Trung cộng ủng hộ, quân đội Việt Minh tổng tấn công các vị trí của quân đội Pháp dọc biên giới Việt-Hoa, buộc quân đội Pháp phải rút về đồng bằng sông Nhị Hà ở phía nam. Thấy bước đầu thành công, tướng Lã Quý Ba khuyên Việt Minh truy kích tấn công vào các vị trí của Pháp ở đồng bằng. Nhưng vì Lã tướng quân không có mấy kinh nghiệm về sự tàn phá của không quân nên trong trận Ninh Bình, quân đội Việt Minh đã bị tổn thất nặng nề, phải tháo chạy tán loạn vì bị phi cơ Pháp dùng bom napan đốt phá. Sau khi nhận thấy là đã tính lầm, Lã tướng quân bèn thay đổi chiến lược và tìm cách dụ quân đội Pháp tiến vào vùng rừng núi. Để thực hiện kế hoạch này, ông khuyên Việt Minh tấn công các đồn binh Pháp ở Lào. Vì nằm ở phía sau dãy núi Trường Sơn, nên Pháp yên trí các vị trí này không bị tấn công, do đó không hề chuẩn bị đề phòng.

Việt Minh bắt đầu dự trữ lương thực, phần lớn là gạo và cá khô, vì ở Lào dân cư thưa thớt, không kiếm được lương thực tại chỗ. Việt Minh trưng dụng xe đạp mà dân chúng đã buôn lậu từ các khu vực bị Pháp chiếm đóng, dùng để “thồ” lương thực và đạn dược. Việt Minh vượt dẫy Trường Sơn và tiến qua các rừng núi Lào nhanh đến nỗi Pháp không kịp trở tay.

Việt Minh mở tất cả ba chiến dịch lớn ở Lào. Chiến dịch thứ nhất nhằm tấn công Luang Prabang, thủ đô Hoàng gia Lào. Trong chiến dịch này, Việt Minh đã tiến tới cách Luang Prabang chưa đầy 50 cây số về phía Bắc, vào ngày 30 tháng 4 năm 1953. Sợ Việt Minh tấn công một lần nữa, ngày 20 tháng 11 năm 1953, Pháp cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Việt Minh bèn mở cuộc tấn công thứ 2 vào Trung Lào và chiếm đóng Thakhek ngày 28 tháng Chạp, và sau đó tiến quân xuống Hạ Lào. Mục đích là buộc Pháp phải chia quân đi trấn giữ mọi nơi ở Lào, và làm cho Pháp phải dùng số lớn phi cơ vào việc tiếp tế các đồn binh tản mát ở những nơi hẻo lánh. Rồi cuối cùng, Việt Minh mở một chiến dịch thứ ba, lần này cũng lại nhằm đánh Luang Prabang, và ngày mùng 8 tháng 2 năm 1954 chỉ còn cách thành phố này chưa đầy 35 cây số. Quốc vương Lào sang bên kia sông Cửu Long lánh nạn, còn Pháp thì vội vàng thả dù thêm quân xuống Điện Biên Phủ.

Tuy chẳng to tát gì, nhưng Luang Prabang cũng là một “thủ đô” nên Pháp phải bảo vệ đến cùng. Kế hoạch của Pháp là chặn cuộc hành quân của Việt Minh bằng cách cắt đứt đường tiếp vận của họ ở Điện Biên Phủ, một đồn binh nằm sâu trong vùng thượng du và ở ngay phía sau chiến tuyến Việt Minh. Việt Minh bao vây Điện Biên Phủ. Pháp càng thả dù thêm quân thì Việt Minh càng bao vây thêm cho đến ngày Việt Minh dùng cao xạ rất chính xác của Tiệp Khắc hạ máy bay khiến Pháp không thả dù được nữa.

Việt Minh tấn công Lào, không phải nhằm chiếm đóng Lào mà thật ra chỉ để nhử Pháp lọt vào vùng núi. Tướng De Lattre de Tassigny là một chiến lược gia có tài, nhưng người kế vị ông kém quá nên không địch nổi với chiến lược của Việt Minh. Chỉ vì muốn đánh vào hậu quân Việt Minh mà Pháp đã lọt vào tròng. Với quan niệm quân sự cổ điển Tây phương, Pháp đã lâm vào thế bị động và không sao giữ nổi Điện Biên Phủ.

Đến lúc ấy, Liên Xô hở cho Pháp biết là có thể chấm dứt chiến tranh mà Pháp không bị mất mặt nhiều. Pháp hưởng ứng ngay và Hội nghị Genève được triệu tập năm 1954. Thoạt đầu Pháp ngần ngại không chịu chấp nhận điều kiện của Việt Minh, nhưng trong lúc Pháp đang lưỡng lự, thì Việt Minh tấn công đại quy mô vào Điện Biên Phủ. Quân đội Pháp phải đầu hàng ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954. Tin Pháp thua to ở Điện Biên Phủ làm náo động dư luận Pháp, và kết quả là chính phủ Mendès Frances phải hấp tấp ký một hiệp định nhượng bộ cho Việt Minh nhiều hơn là các lãnh tụ Việt Minh từng hy vọng.

Chiến tranh chấm dứt giữa lúc tỉnh Thanh Hoá sắp lâm vào nạn đói. Nằm trong khu vực phì nhiêu sông Mã, Thanh Hoá vẫn được coi là vựa lúa thứ hai của miền Bắc. Tự ngàn xưa, Thanh Hoá vẫn là nơi nuôi quân để chống lại quân Tầu. Vì không hề bị Pháp chiếm đóng, nên trong thời kỳ kháng chiến Thanh Hoá lại là nguồn tiếp tế lương thực cho quân đội Việt Minh. Có lẽ Pháp không đủ quân lực để chiếm vùng này, nhưng có thể là tại các tướng lãnh Pháp không chịu nghiên cứu lịch sử Việt Nam và binh pháp Tôn Tử4 nên đã không chú ý đến tỉnh này.

Muốn hiểu Thanh Hoá quan trọng nhường nào đối với kháng chiến, thì chỉ cần biết tỉnh này đã cung cấp 76 phần trăm tổng số lương thực cho quân đội Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Con số này đã được nêu lên trong một điện văn tuyên dương thành tích của nhân dân Thanh Hoá. Một điều nữa nên biết là chỉ có 10 phần trăm số gạo xuất kho từ Thanh Hoá đến tới Điện Biên, vì hàng vạn dân công gánh gạo ăn dọc đường hết 90 phần trăm. Mỗi người gánh 15 ki lô, mỗi đêm đi 15 cây số. Để tránh máy bay, họ nghỉ ngày, đi đêm. Tối đến có hàng vạn dân công lên đường, cứ 5 người lại có một người cầm đèn soi đường và mỗi khi có tiếng máy bay là lập tức thổi tắt đèn. Đứng trên đồi cao nhìn xuống đoàn người cầm đèn, người xem có cảm tưởng chứng kiến một cuộc múa rồng múa rắn vĩ đại.

Nếu Pháp đã bị kiệt quệ vì chiến tranh Đông Dương, thì Việt Minh cũng gần tê liệt. Việt Minh đã giành được thắng lợi vì kiên nhẫn hơn và biết giấu kín những nỗi khó khăn nội bộ. Ôn lại chín năm kháng chiến người ta có cảm tưởng như Pháp cứ đánh từ từ, tập rượt cho quân đội Việt Minh mỗi ngày một lớn mạnh, cho tới ngày “học viên” quật ngã huấn luyện viên. Hồi kháng chiến mới bùng nổ năm 1946, Việt Minh chỉ có gậy tầm vông, một vài khẩu súng lục và tiểu liên do Mỹ cung cấp hoặc mua rẻ của sĩ quan trong quân đội Lư Hán. Nhưng ngày nay, quân đội Bắc Việt là một quân đội tinh nhuệ, võ trang đầy đủ và tinh thần dũng cảm cao đến tột bực.

Trái với một số người vẫn tưởng, quân Nhật không hề giúp võ khí cho Việt Minh. Trong mấy ngày đầu sau khi họ đầu hàng, quân Nhật quả có ý định giúp Việt Minh một số vũ khí và quân trang, nhưng họ đình ngay khi có tin Võ Nguyên Giáp, ngày 17 tháng 8, 1945 trong khi kéo quân từ Thái Nguyên về Hà Nội đã tấn công đồn binh Nhật ở Thái Nguyên để “ra oai” với mấy phóng viên báo Mỹ cũng đi theo. Nhật đốt hết kho tàng của họ và trao lại cho quân đội Lư Hán ở Hải Phòng 400.000 tấn vũ khí đạn dược.

Trong vùng kháng chiến, mọi người đều công nhận rằng, ngoài số vũ khí và đạn dược chiếm được của quân Pháp, có 5 vật tư, không thu nhưng mua được của Pháp, đã giúp Việt Minh chiến thắng. Những vật tư ấy là:

  1. Thuốc sốt rét, để quân đội dùng ở những vùng nước độc;
  2. Nylon nhẹ, không thấm nước, dùng để che mưa hoặc để bọc quần áo và thức ăn, làm phao bơi qua sông;
  3. Lốp xe hơi cũ dùng làm dép “cụ Hồ” để trèo đèo lội suối;
  4. Xe đạp để “thồ” lương thực và đạn dược;
  5. Dầu hoả để thắp đèn.

Pháp nhập cảng các thứ này vào Việt Nam, và con buôn mang lậu ra, thường khi có sự thông đồng của các trưởng đồn Pháp.

Chiến tranh Đông Dương kết thúc ngày 21 tháng 7 năm 1954, khi Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cùng với Cam-bốt, Lào, Nga xô, Trung cộng, và Anh ký vào bản tuyên ngôn cuối cùng của hội nghị Genève; đây là bản hiệp định đương nhiên thừa nhận chủ quyền của chính phủ Hồ Chí Minh trên toàn Miền Bắc Việt Nam. Trong 5 năm sau đó, tình hình tương đối được yên tĩnh vì cộng sản còn bận hoàn thành công cuộc tập thể hoá miền Bắc và huấn luyện những phần tử thân cộng tập kết ở Miền Nam để tổ chức chiến tranh du kích hiện còn đang tiếp diễn.

Củng cố chính trị

Về chính trị và văn hoá Việt Minh cũng đạt được những tiến bộ tương tự như về quân sự. Năm 1945, 80 phần trăm dân số hãy còn mù chữ, mà đến đầu năm 1950 nạn mù chữ đã hoàn toàn được thanh toán. Nhờ mẫu tự La-tinh và cách đánh vần rất hợp lý, nên một người lớn tuổi thường chỉ học độ một tháng là đủ biết đọc biết viết. Muốn bắt dân chúng phải học đọc, học viết, Việt Minh đặt cán bộ đứng khảo chữ ở cổng chợ, bến đò hoặc ngay giữa đường, có đánh vần đúng mới được đi qua.

Tuy trình độ văn hoá của nhân dân vẫn còn thấp vì nói chung họ học chính trị nhiều hơn là văn hoá, song làng nào cũng có một trường tiểu học, huyện nào cũng có một trường trung học, và có rất nhiều lớp học bổ túc buổi tối cho tất cả những người lớn tuổi.

Tiến bộ về tổ chức chính trị cũng lớn lao vô cùng. Từ một thiểu số viên chức và chuyên viên thiếu kinh nghiệm, đảng Lao động đã đào tạo được hàng ngàn cán bộ chuyên môn về mọi kỹ thuật, và một khối cán bộ khổng lồ phụ trách việc kiểm soát đời sống hàng ngày của toàn thể nhân dân. Việc kiểm soát nhân dân – công cuộc vĩ đại nhất của cộng sản – có thể tạm chia làm hai giai đoạn: giai đoạn “phản đế” bắt đầu từ 1946 và chấm dứt năm 1949 và giai đoạn “phản phong” từ 1950 đến 1956.

Giai đoạn phản đế 1946-1949

Khẩu hiệu của thời kỳ này là “Tổ quốc trên hết”. Ông Hồ hô hào toàn dân đoàn kết ủng hộ chính phủ kháng chiến chống Pháp. Để trí thức bớt nghi ngờ, đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán, và trịnh trọng giao quyền lãnh đạo chính trị cho Mặt trận Liên Việt. Quyền tư hữu tài sản được triệt để tôn trọng, và địa chủ vẫn được quyền thu tô. Có nơi nông dân bị truy tố vì không trả đủ địa tô cho địa chủ. Trí thức được trìu mến, nhiều người được giữ chức vụ cao cấp nếu không có thực quyền thì ít nhất cũng có danh vọng còn thân hào nhân sĩ vẫn được trọng vọng như xưa. Để lôi kéo những người khao khát muốn tham gia việc nước, cộng sản thành lập nhiều đoàn thể chính trị “hữu danh vô thực” như Đảng Dân chủ, dành cho địa chủ và phú thương; đảng Xã hội, dành cho trí thức, và Mặt trận Liên Việt, dành cho nhân sĩ và bô lão, già không hoạt động nặng nhọc được, nhưng vẫn còn uy thế đối với con cháu. Những tổ chức này thực ra chỉ là một tấm bình phong để cộng sản nấp sau giật dây. Vì quả thực là bù nhìn, dành riêng cho từng giới, nên chẳng bao lâu mấy đoàn thể nói trên mất hết uy tín đối với dân chúng.

Đảng Dân chủ do một nhóm sinh viên đại học lập ra hồi Nhật chiếm đóng, đã bị rơi ngay vào vòng kiểm soát của cộng sản vì tình nguyện hợp tác với Việt Minh để chung sức chiến đấu chống Pháp và Nhật. Ngày nay Đảng Dân chủ đã trở thành một tổ chức hoàn toàn bù nhìn có kiểm soát thuộc “thành phần tư sản”.

Hai Đảng Xã hội và Dân chủ ngày nay chỉ còn có tên. Còn “mặt trận” thì đã đổi tên đến ba lần: Từ Mặt trận Việt Minh đến Mặt trận Liên Việt, rồi từ Mặt trận Liên Việt đến Mặt trận Tổ quốc, và cuối cùng từ Mặt trận Tổ quốc đổi thành Mặt trận Thống nhất Quốc gia. Mỗi khi đổi tên thì bản cương lĩnh cũng được thay đổi chút ít để phù hợp với yêu cầu của tình thế. Có nhiều quan sát viên sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng những bản tuyên ngôn chính thức của các “mặt trận”, cho rằng có một vài thay đổi thực sự trong đường lối chính sách. Nhưng thực ra sự thay tên đổi dạng này chẳng vì một thay đổi quan trọng nào về chính sách, mà chỉ vì mặt trận đương thời đã mất hết uy tín. Thí dụ như hồi đầu mặt trận được gọi là Việt Minh, viết tắt là VM, đọc nhanh thành Vẹm. Không bao lâu câu thành ngữ Việt Nam “nói như vẹt” được đổi ra “nói như vẹm”, nghĩa là nói liến thoắng như cán bộ Việt Minh, rồi từ đó sinh ra những thành ngữ “nói dối như Vẹm, thủ đoạn như Vẹm”. Chữ Vẹm làm cho cộng sản khó chịu, nên họ đổi thành Liên Việt. Nhưng vẫn thói viết tắt Liên Việt thành L.V, đọc theo lối “truyền bá quốc ngữ” thành “lờ vờ” và quả thật các cụ trong Mặt trận Liên Việt lúc nào cũng chỉ hoạt động một cách lờ vờ. Trong giai đoạn đầu còn nhiều tính chất dân chủ, bộ máy chính quyền đã củng cố rất nhiều mặc dầu vì ưa dùng thủ đoạn nên chế độ mỗi ngày mỗi mất uy tín đối với nhân dân.

Giai đoạn phản phong 1950–1956

Việt Minh giả dạng dân chủ cho đến ngày chiến thắng quân Pháp ở Lạng Sơn, tháng 9 năm 1950, tiến sát tới biên giới Hoa-Việt. Có tin đồn hồi đầu năm 1951 ông Hồ đã bí mật vi hành sang gặp ông Mao và đã bị các lý thuyết gia Trung cộng phê bình là ông “hữu khuynh”, vì họ cho rằng ông Hồ đã chú trọng quá nhiều đến việc kháng chiến chống Pháp mà coi nhẹ nhiệm vụ thiết lập chế độ cộng sản.

Sau khi ông Hồ từ Bắc Kinh trở về, Đảng Cộng sản đã gỡ bỏ mặt nạ và xuất hiện với cái tên mới là Đảng Lao động Việt Nam (ngày mùng 3 tháng 3 năm 1951). Khẩu hiệu mới của Đảng là: “Đưa Phản phong lên ngang hàng với Phản đế”. Trước đó, mọi khẩu hiệu đều nhằm vào chiến tranh chống Pháp, nhưng nay vì chính sách đã thay đổi nên khẩu hiệu cũng phải thay đổi. Nhưng nếu đột nhiên thay khẩu hiệu cũ bằng khẩu hiểu mới thì sợ gây hoang mang mà cộng sản hết sức muốn tránh, nên họ bắt đầu thay đổi dần dần, nay một chữ, mai một chữ, cho đến khi khẩu hiệu mất hết ý nghĩa cũ. Chẳng hạn như khẩu hiệu “sẵn sàng tổng phản công” năm 1950, đổi thành “sẵn sàng chuẩn bị tổng phản công” vào năm 1951; sang năm 1952 lại giảm xuống “chuẩn bị tổng phản công”, và cuối cùng cất biến. Đến khi phản công thực sự, năm 1954, thì cộng sản đã đầy đủ uy quyền để bắt dân chúng phải tuân lệnh. Vì không còn cần phải “thuyết phục theo đường lối dân chủ” nữa, nên khẩu hiệu kể trên đã trở thành vô dụng.

Hồi khẩu hiệu “đưa Phản phong lên ngang hàng với Phản đế” mới xuất hiện, dân chúng không hiểu “Phản phong” là gì. Nhiều người cho rằng phản phong nghĩa là xoá bỏ tàn tích phong kiến còn sót lại trong guồng máy chính quyền nhà nước. Chỉ có cán bộ được huấn luyện ở Trung Quốc về mới biết rõ Phản phong có nghĩa là “tiêu diệt giai cấp địa chủ”. Mãi đến khoá chỉnh huấn đầu tiên, nên, năm 1953, danh từ “Phản phong” mới được định nghĩa rõ ràng (xem Phần 4).

Chiến dịch chính trong giai đoạn Phản phong là chiến dịch Cải cách ruộng đất (1953- 1954); hy sinh hơn nửa triệu người (tức là 4 phần trăm dân số Bắc Việt). Trước khi phát động chiến dịch Cải cách ruộng đất long trời lở đất này, Đảng Lao động đã phát động hai chiến dịch khác để dọn đường trước. Thứ nhất là chiến dịch Thuế nông nghiệp, rập theo mẫu của Trung cộng, nhằm mục đích bần cùng hoá toàn dân và biến xã hội Việt Nam thành một xã hội bần cố. Tiếp theo là cuộc “Đấu tranh chính trị” nhằm thủ tiêu “tất cả mọi phần tử phản động đầu sỏ”. Còn chính chiến dịch Cải cách ruộng đất thì thực hiện làm hai đợt, hoặc hai chiến dịch liên tiếp: chiến dịch “Giảm tô” và chiến dịch “Cải cách ruộng đất” thực sự. Sau chiến dịch “Cải cách ruộng đất” đến chiến dịch “Sửa sai” với mục đích bình thường hoá tình hình quá căng thẳng sau mấy chiến dịch khủng bố có tổ chức. Mỗi chiến dịch đều được sửa soạn trước bằng một khoá chỉnh huấn để chuẩn bị tinh thần cán bộ khỏi bị dao động trước những hành động đẫm máu của chiến dịch. Toàn bộ chiến dịch này chỉ được thực hiện từ mấy năm trước ở Trung Quốc, và thường được mệnh danh là “chiến thuật Mao Trạch Đông”. Vì tầm quan trọng của các chiến dịch này cũng như sự phản ảnh chủ tâm của các lãnh tụ cộng sản, chúng tôi sẽ trình bày mỗi chiến dịch riêng biệt trong các Chương sau. Chúng tôi mong độc giả sẽ có một quan niệm tổng quát về toàn bộ chiến thuật mà Mao Trạch Đông đã vạch ra cho Trung Quốc, và tin rằng có thể áp dụng cho tất cả các nước kém mở mang, như Việt Nam chẳng hạn.


  1. Tiểu táo (bếp nhỏ): một người đầu bếp hầu riêng một người ăn, thức ăn sang trọng. Đại táo (bếp lớn): ăn theo kiểu tập đoàn, thức ăn sơ sài. 

  2. Cộng sản xui Anh không tha những người quốc gia, trong số có cụ Nguyễn Thế Truyền. 

  3. Chính phủ liên hiệp gồm có cộng sản, quốc gia và trung lập có thể coi là một thí nghiệm “tam đầu chế” đầu tiên trong lịch sử thế giới. 

  4. Tôn Tử chủ trương “thứ nhất công tâm, thứ hai công lương và thứ ba công đồn”, nghĩa là trong mỗi cuộc tấn công phải lo chiếm cảm tình nhân dân địa phương trước, thứ đến triệt nguồn lương thực của địch, và cuối cùng mới tính chuyện tiến đánh đồn địch. Đối chiếu với binh pháp Tôn Tử chúng ta thấy Pháp ngày xưa cũng như Mỹ ngày nay chú trọng quá nhiều vào hành động thứ ba mà coi nhẹ hành động thứ nhất và thứ nhì, trong khi Việt cộng cũng như Trung cộng lúc nào cũng theo đúng lời dậy của Tôn Tử?