Giới thiệu

Nghiên cứu, phê bình văn học, tôi rất thích tiếp xúc với giới sáng tác. Người tài, người đẹp bao giờ cũng có sức hấp dẫn đối với tôi.

Người tài, người đẹp, người tốt là những của quý hiếm trên đời, phải biết nể trọng. Ai không biết nể trọng ba đối tượng ấy tôi cho là kẻ thô bỉ, thiếu văn hoá.

Tôi tin ở người sáng tác – tất nhiên phải là những tài năng thật sự – hơn là giới lý luận phê bình. Có lẽ vì khi tôi bắt đầu gia nhập vào giới nghiên cứu phê bình văn học (1960) thì nhiều ông tiêu biểu, hay nói đúng hơn, được coi là chính thống trong giới này, dường như đều không có tín nhiệm gì đối với những người sáng tác: Vũ Đức Phúc, Nam Mộc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Hà Xuân Trường, Thành Duy, Thế Toàn, Đông Hoài, Hoàng Xuân Nhị… Lê Đình Ky, Nguyễn Văn Hạnh có khá hơn, thì đều bị đánh – nghĩa là phi chính thống. Ngay Hoài Thanh cũng không được ưa. Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi đều ghét Hoài Thanh. Đến như Xích Điểu (Trần Minh Tước) mà cũng nói giọng giễu cợt: “Hoài Thanh thấy Tố Hữu làm bài thơ nào cũng: Hay lắm! Hay lắm!”- Ông vừa nói vừa vung tay.

Nguyên nhân sự chia rẽ giữa phê bình và sáng tác có lẽ bắt nguồn từ ý kiến của Trường Chinh, cho rằng Đảng lãnh đạo văn nghệ thông qua phê bình. Vậy là biến phê bình thành cán bộ tuyên huấn rồi còn gì! Và phê bình đóng vai lãnh đạo, tự đặt mình lên trên sáng tác, cao giọng dạy dỗ sáng tác.

Ngoài ra, hồi ấy, tôi thấy lí luận có nhiều điều chẳng ăn nhập gì với thực tế của văn học. Nghĩa là hết sức giáo điều. Vì thế tôi chủ trương phải tiếp xúc trực tiếp với giới sáng tác. Từ kinh nghiệm thực tế của họ mà khái quát lên. Tất nhiên cũng phải đọc lý luận, nhưng phải từ thực tế mà tiếp nhận lý luận.

Lúc đầu tiếp xúc với nhà văn, tôi chưa có ý thức tích luỹ tư liệu, nên không ghi chép lại cẩn thận. Ngày nay, chỗ nhớ, chỗ quên, rất tiếc. Về sau thấy có ích cho việc viết lách của mình, nhất là viết chân dung, tôi bèn ghi lại kín đặc gần 40 cuốn sổ tay. Những nhà văn tôi không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp thì tôi tìm gặp những người từng có quan hệ với nhà văn ấy để khai thác. Như trường hợp Hồ Chí Minh hay các nhà văn đã mất như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao…

Những tư liệu này tôi đã sử dụng một phần để viết những bài chân dung. Khi viết, vì lý do tế nhị, nhiều trường hợp tôi phải dấu tên người này, người khác. Ngoài ra có những tư liệu quá tục tĩu, không sạch sẽ, tôi không dám dùng, hay nếu dùng thì cũng phải gột rửa đi.

Bây giờ tôi cứ bày tất cả ra. Tư liệu thì chỉ cần xác thực. Ai lại đi phân biệt tư liệu thô và tư liệu tinh, tư liệu bẩn và tư liệu sạch!

Chắc có người thắc mắc, những tư liệu ấy thì có ý nghĩa gì? Tôi cho rằng có ý nghĩa hay không là tuỳ ở người biết sử dụng.

Vâng, tôi cứ bầy ra đây những ghi chép ở dạng thô mộc nhất, không gọt rũa, tắm rửa gì hết, chỉ sắp xếp lại đôi chút cho mạch lạc mà thôi.

Tôi cứ trình bầy lần lượt từng nhân vật một. Tôi sẽ không nói lại những điều người khác đã viết ra, như Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu… trong Cát bụi chân ai?, như Vũ Bằng viết về Nguyễn Tuân, Nam Cao… trong Bốn mươi năm nói láo, như Trần Dân Tiên viết về Cụ Hồ trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, hay Vũ Thư Hiên viết về Cụ Hồ trong Đêm giữa ban ngày

Tôi chỉ viết những điều tôi trực tiếp nghe được, biết được- nghĩa là muốn đây là những tư liệu riêng của tôi.

Đối với mỗi người, tôi viết nhiều hay ít, không phải do thái độ khinh trọng khác nhau, mà đơn giản chỉ là tôi biết đến đâu thì viết đến đấy. Có người tôi biết nhiều, có người tôi biết ít. Cũng có trường hợp, tôi biết không ít, nhưng những điều tôi biết, tôi đã viết cả ra rồi trong một bài chân dung nào đấy, nên không còn gì để viết thêm nữa. Đấy là lý do họ không có mặt trong hồi ký này, như trường hợp Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Nguyễn Lương Ngọc.