Hắn không ngờ đơn của hắn gửi ông Hoàng lại được ông giải quyết nhanh như vậy. Cao, người cầm đơn hắn đến chỗ ông Hoàng, hơn một tiếng sau đã lại có mặt ở nhà anh chị Diệu. Cao phấn khởi thuật lại: Nói đến hắn, ông Hoàng nhớ. ngay và kêu lên Nó bị bắt à. Năm năm cơ à? ông lắc đầu tỏ vẻ không tin.
Ông bảo Cao ngồi uống nước. Ông đọc ngay đơn. Gọi ngay điện thoại về P.
– Ông Hoàng sắp về P đấy. Thế nào ông Hoàng cũng gặp mấy ông dưới ấy.
Hắn cứ ngồi ngây ra. Thật hoàn toàn không ngờ được. Cao lại bảo:
– Này. Tối nay ông Hoàng mời cậu đến nhà. Bảy giờ.
Hắn không nói được vì xúc động. Cao nói số nhà, còn nhấn mạnh:
– Đây đi xuống, qua nhà ông.. (Cao nói tên một vị lãnh đạo có tên tuổi). Rồi đến nhà ông Hoàng. Hai nhà sát nhau. Nhà trước cửa có bốt gác là nhà ông Hoàng.
Và cười:
– Bốt gác ở nhà ông Hoàng, mà cũng là gác cả nhà bên cạnh. Hắn đến nhà ông buổi tối. Phố vắng, cây rợp. Rải rác những bốt gác ở hè… Nhìn kỹ số nhà mờ mờ, hắn lễ phép nói với đồng chí bộ đội đứng gác:
– Tôi đến gặp anh Hoàng. Anh Hoàng có hẹn tôi tối nay.
Hắn ấn chuông. Cổng sắt mở. Chính bà Hoàng ra mở. Hắn đi theo bà qua một cái sân, bà dẫn hắn đi dọc sườn nhà, tới một cái ga-ra ô-tô thì rẽ. Hắn không đi lối cửa chính. Hắn đi cửa dành cho người nhà người thân thuộc trong gia đình. Vào trong nhà rồi, hắn lại quành trở ra phòng khách. Ông Hoàng đang ngồi xem ti-vi.
Ở đây tĩnh lặng. Cảm giác hắn nhớ nhất là hắn đang đi vào một khu phố Hà Nội ngày mới tiếp quản. Vắng. Rộng rãi. Cây cối in bóng trong ánh điện càng thêm huyền ảo. Quá khứ ấy đã qua rồi, nhưng vẫn còn ở đường phố này, ở những biệt thự êm đềm, rộng rãi, vắng vẻ này. Một cái gì mong manh như kỷ niệm, như truyện cổ tích của thời đại mới. Điều hắn nhớ nữa là ở một góc nhà những quả tên lửa cháy sáng rực đang lao lên trời, kèm theo tiếng rít của bom đạn. Cảm giác ấy rất lạ đến nỗi khi ngồi nói với ông Hoàng về chuyện hệ trọng nhất của đời hắn, hắn phải cố gắng lắm mới không liếc mắt về phía ấy, nơi đặt chiếc ti-vi Neptun. Lần đầu tiên hắn thấy sản phẩm ấy của trí tuệ con người. Màn hình sáng xanh của nó có thể hiện ra tất cả. Ông Hoàng đứng lên đón hắn. Ông nhìn hắn: “Ngồi đây”. Ông đã qua các nhà tù. Ông hiểu, hay ít nhất ông cũng cảm thông được với hắn. Ông bảo hắn:
“Tôi không biết, tôi không biết gì cả”. Hắn lễ phép trình bày với ông về vụ án của hắn, nếu có thể nói được như vậy. Bởi vì hắn có án từ gì đâu. Ông Hoàng gạt đi: “Thôi. Tôi biết rồi, tôi đọc đơn của anh rồi. Tôi sẽ điện về thành uỷ P. Sắp tới tôi về P, tôi sẽ làm việc với các anh ấy”.
Ông nhìn hắn, muốn tìm trên người hắn những dấu vết tù đày. Ông thấy ngay điều ấy. Đây là một phóng viên trẻ, tài năng, xông xáo, là cây bút xuất sắc trong thành phố của ông. Là người ông đã chăm chú theo dõi, đọc của anh ta từ những bài trên báo tới các sáng tác in ở trung ương, ở địa phương. Anh ta là gương mặt tiêu biểu về văn học, báo chí của địa phương. Ông đã bảo với Cao – cháu ông khi Cao ở Hà Nội về P công tác: “Thằng Tuấn sẽ viết được tiểu thuyết lớn về công nhân đấy”. Ông tin như vậy. Đó là lời dự báo của ông về hắn.
Ông nhìn hắn và se lòng. Dấu vết của tù tội, của sự tiêu diệt hiện lên quá rõ. Không còn là một thanh niên tràn đầy sức sống, nghị lực, quyết tâm, khiêm tốn, tự tin, cởi mở. Không phải là cặp mắt yêu đời hăm hở. Không còn dáng điệu của một phóng viên trong các cuộc họp do thành uỷ triệu tập, rút bút, lật sổ ghi chép, nắm bắt và suy nghĩ… Hắn ngồi trước mặt ông xo xúi, khép nép, sợ sệt, ấp úng… Hắn lễ phép một cách hơi quá mức, gần như khúm núm với chính ông. Dù ông biết rằng hắn quý ông, tin ông, bấu víu vào ông và ông dành cho hắn sự tiếp đón thân tình nhất mà, ông nghĩ, hắn chưa bao giờ được hưởng từ lúc đi tù về. Một lần nữa ông nhìn vào đôi mắt hắn. Xưa thông minh, trong trẻo, mà nay sao buồn thảm, u tối. Ông cố động viên cho hắn vui lên, nhưng nụ cười của hắn mới gượng gạo thảm thiết làm sao. Ông bảo hắn: “Khổ lắm phải không?” Hắn cắn môi lễ phép: “Thưa anh, khổ lắm!”. Ông khuyến khích hắn: “Kể đi. Kể chuyện tù cho tôi nghe đi!”. Hắn ngớ ra. Biết kể gì cho ông bây giờ. Bao nhiêu chuyện. Xà lim 76. Xà lim 75. Toán tăng gia. Trại QN. Tịch thu bản thảo. Chúng tôi có đủ kiên nhẫn. Lê Bá Di cho hắn bãi phân trâu. Xìn Càm cho hắn nắp ca. Già Đô nằm cạnh hắn. Anh Mán nằm trên xe công nông. Vợ hắn bị đuổi học…
Hắn quên không nhớ được đã kể những gì cho ông. Đụng đến chuyện tù đày là nó ập đến như một thác nước làm lẫn lộn hết cả. Hắn chỉ nhớ khi ở nhà ông về nhà anh chị Diệu thì đã muồn muộn. Anh chị Diệu là những người quý mến, kính trọng ông Hoàng. Anh Diệu kể lại một cuộc họp phóng viên các báo. Ông Hoàng nói chuyện về kinh tế và những biện pháp giải quyết. Giữa lúc các ngành đang đẩy mạnh chiến dịch làm sạch vỉa hè, dẹp hết tư thương. Ông nói quan điểm của ông: Buôn thúng bán mẹt còn tồn tại vì đó là yêu cầu của cuộc sống. Chỉ dẹp được khi mậu dịch làm được nhiệm vụ ấy, làm tốt hơn những người buôn bán nhỏ… Anh chị Diệu đều mừng cho hắn. Ông Hoàng can thiệp nhất định hắn sẽ được giải quyết. Với P, ông là người có uy tín lớn. Những người phụ trách thành phố hiện nay đều là cán bộ của ông…
Hắn thuật lại cho Ngọc và lũ trẻ nghe về kết quả tốt đẹp của chuyến đi Hà Nội, hắn ôn lại những kỷ niệm giữa hắn và ông khi hắn còn làm báo và phập phồng hy vọng.
Hy vọng tăng thêm khi sau đó mấy ngày, Phan Lâm, nguyên tổng biên tập báo, đương kim giám đốc Sở Văn hoá, thành uỷ viên cho người mời hắn đến cơ quan. Cái cơ quan văn hoá này trước đây hắn chẳng để ý gì đến, nay khinh khỉnh nhìn hắn. Hắn bước vào phòng giám đốc. Phan Lâm bắt tay hắn. Phan Lâm đã đến nhà thăm hắn khi hắn được tha về ít hôm. Đó là một người tốt bụng, hiểu biết những oan khuất của hắn, nhưng đành ngậm miệng. Giữa lẽ phải và sự cầu an, như tất cả mọi người, ông chọn cái thứ hai. Ông cũng đã khốn đốn trong cải cách ruộng đất, bị đình chỉ công tác. Ông biết thảm hoạ của những ai vướng vào mạng lưới vô hình…
Phan Lâm tươi cười, sung sướng vì được báo tin này cho hắn:
– Anh Hoàng gọi điện về cho mình. Mình báo cáo với anh ấy rất trung thực về cậu. Và mình bảo đảm với anh ấy rằng: Chắc chắn cậu không phải là một tên phản động. Anh Hoàng có ý định sẽ giải quyết cho cậu. Giải quyết toàn bộ đấy. Như vậy thì phúc cho cậu, phúc cho vợ con cậu.
Phan Lâm nhấn mạnh chữ phúc. Hắn cảm thấy trước mắt là những lời hứa hẹn, hứa hẹn thôi. Khi ông Hoàng, Phan Lâm tin thì hắn lại nghi ngại. Ông Hoàng giờ đây đâu còn là bí thư thành uỷ. Mặc dù Bình bảo: ông Trần sợ ông Hoàng lắm. Ông Trần chỉ là một trưởng phòng khi ông Hoàng đã là một cán bộ cao cấp của Đảng. Hắn hoài nghi tất cả. Vì hơn ai hết hắn biết người ta không muốn hắn vô tội như thế nào. Người ta quyết tâm tìm tội của hắn như thế nào. Người ta có đủ kiên nhẫn để bắt hắn phải nhận tội, người ta tàn bạo với hắn, với vợ hắn như thế nào.
Ông Hoàng là một chuỗi liên tiếp những bất ngờ với hắn. Ông đã làm cho hắn quá nhiều. Quá nhiều trong một thời gian ngắn. Rất ngắn. Ông là người duy nhất hắn từng biết, từng gặp – có trách nhiệm với con người, thực hiện được điều nhà thơ Roma cổ đại viết và Mác đã nhắc lại: “Tất cả những gì liên quan đến con người không xa lạ với tôi”. Ông là một mẫu người khác hẳn với “những hàng chức sắc”hiện nay. Không phải chỉ với hắn, ông Hoàng còn giơ tay nâng dậy nhiều người bị đánh ngã. Một thường vụ thành uỷ đang khốn đốn vì dám chống lại bí thư và phó bí thư đã được ông nhận về làm tổng cục phó. Thành uỷ đã gửi đơn lên Ban bí thư khiếu nại, nhưng ông đã bảo vệ thắng lợi quan điểm của mình. Ông nhảy vào trận chiến, phá vỡ thế gọng kìm của lãnh đạo một bộ và một quận uỷ để cứu một anh hiệu trưởng trường kỹ thuật vô tội sắp bị tiêu diệt… Lòng thương yêu con người ấy của ông đã hại ông. Ông có nhiều kẻ thù. Đó là thói vô trách nhiệm trước con người. Đó là những vị thủ trưởng tìm mọi cách tiêu diệt cán bộ dưới quyền để bảo vệ cái ghế của mình. Những kẻ cơ hội tham quyền, cố vị. Những quan cách mạng lộng hành, những người như ông K, ông Trần đã cho căng khắp thành phố những khẩu hiệu đỏ tươi để mọi người thực hiện, trừ họ:
“Sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.