Chương 6

Tôi bị đuổi việc so với cái họa của Hồng Linh vợ tôi, còn sướng hơn nhiều. Một sáng, phó phòng tổ chức Nhà hát giao hưởng – hợp xướng – nhạc vũ kịch Việt Nam gọi Linh đến bảo: “Chị phải đi khỏi Việt Nam. Và đi một mình, vì Trần Đĩnh không được phép đi đâu cả, còn con gái chị là người Việt Nam nên phải ở lại. Chị không đi, mai kia phòng tuyến Bắc Giang vỡ là sẽ tập trung các người Hoa như chị vào một khu vực xa lắm, khổ ra”.

Linh như không. Vốn đã quen các bất hạnh thường xuyên thình lình ụp xuống nhà này.

Sáng sau tôi đến Nguyễn Thành Lê, uỷ viên trung ương, Trưởng ban đối ngoại. Nói ngay: Anh biết thành ngữ con giun giẫm mãi phải quằn. Chuyến này tôi quằn đây. Hôm nay tôi báo trước với anh rằng nếu cứ đuổi một mình nhà tôi đi là tôi sẽ cùng vợ con trốn vào một đại sứ quán nước ngoài nào bất kỳ, và lúc ấy BBC báo tin Trần Đĩnh, Hồng Linh trốn Việt Nam thì các anh đừng có trách.

Lê cứ ngồi cắn môi nghe. Rồi khe khẽ nói:

– Anh đừng vào đại sứ quán nào cả. Và đừng nói ra (Lê biết tính tôi hay nói thẳng ý nghĩ). Anh cử về, tôi sẽ bảo anh Vũ Ninh (vụ trưởng vấn đề người Hoa) đến gặp anh chị.

Hôm sau tôi đi làm, Vũ Ninh lội bùn cả một quãng dài vào nhà. Lại phải giờ cắt nước mà thùng phuy nhà tôi cạn khô, anh cứ chân bê bết bùn ngồi chuyện. Anh nhắn mời tôi đến nhà anh. Anh trước là thư ký của Trường Chinh, sang báo Học Tập rồi về đối ngoại. Quê Bình Giang, Hải Dương, dòng họ Vũ Hồn, Trung Quốc thuần chủng. Vũ Hoàng Chương cũng tộc ấy, ở làng Phù Ủng ven đê. Ra về Ninh hỏi thăm Linh về tôi, nói một câu hồi ấy ít ai dám nói: “Anh Trần Đĩnh thiệt thòi quá, nhưng chị ạ, rồi sẽ được đền bù thôi”.

Tôi đến Vũ Ninh, chung cư A5 Ngọc Khánh. Anh rất ân cần nói cho nghe khá tỉ mỉ. Chủ trương xua đi 150.000 người Hoa trong số 160.000 ở Quảng Ninh nhưng anh Nguyễn Đức Tâm rất hăng hái nên đuổi gần hết. Anh biết không, súng ống đến tận nhà xua. Nhiều đảng viên người Hoa viết huyết thư để lại rồi tự sát. Công anh Tâm đuổi người Hoa này rất to. Sài Gòn có 600.000 người Hoa, chủ trương đuổi 500.000 thế nhưng anh Vô Văn Kiệt không đuổi, cho cán bộ đến các nhà giải đáp kỹ, còn ai thích đi thì giúp cho nên chỉ có vài chục nghìn người Hoa đi thôi.

– Nhận ra sai to rồi chứ anh? Gốc Hoa ở Việt Nam thế là ngang Do Thái nhá, tôi nói.

Vợ Ninh cười:

– Thôi, nay chị yên tâm ở lại.

– Giả dụ nhà tôi lỡ đi mất rồi thì chia lìa này ai chịu trách nhiệm, tôi hỏi.

Vũ Ninh lại cười, không nói.

– Ta làm gì cũng thắng lợi là vì ta làm sai không nhận lỗi, giết oan không đền mạng. Thiết kế cho đến đời sống từng cá nhân, chẳng hạn anh biết vợ chồng tôi từng khốn khổ vì chủ trương cấm lưu học sinh yêu thì nay lại suýt chia lìa vì chủ trương bắt chỉ mình Hồng Linh đi. Thế những người vượt chỉ tiêu đuổi như ông Tâm ấy thì rồi liệu có sao không?

Im một lát, Vũ Ninh nói:

– Tích cực thì chắc thể nào cũng dược một cái gì chứ anh.

– Đúng, tôi nói và nghĩ thàm chuyến nảy Tâm dễ Bộ chính trị lắm. Không thể nghĩ ra ông sẽ đưa Phạm Thế Duyệt, Vũ Mão thượng kinh theo.

Rồi hỏi, thôi xin hỏi anh câu nữa:

– Vậy thì ai ra cái chủ trương kinh khủng này?

– Trời mới biết, Vũ Ninh buột ra.

– Xin lỗi anh, tôi quý anh vì lòng thông cảm của anh với gia đình tôi nhưng anh cho phép tôi nói một câu của dân, anh đã có nghe dân nói thế này chưa: Làm lãnh đạo sướng nhất là ăn bẩn ỉa đùn mà vẫn cứ thơm cứ sạch và dân trí thì cứ ca ngợi… À, anh Ninh, người Hoa bị đuổi có đông không?

– Tôi không có con số cụ thể nhưng cũng phải đến hai trăm nghìn. Không kể số đông đã đi Mỹ hay Canada.

– Các ông ấy liệu có tính tới khả năng những “nạn kiều” đó có thể sẽ là vũ khí Bắc Kỉnh sẽ dùng để ép mình không?

Vũ Ninh cười, không nói.

Tôi đùa:

– Sườn ta hở với Trung Quốc hơi bị nhiều mà lại toàn sườn non. Đấy, chẳng hạn chấm dứt chiến tranh, Liên Xô và các nước Đông Ấu xoá nợ nhưng Bắc Kinh không. Chắc Bắc Kinh coi nợ này là món sườn non ngon xơi nên mới găm lại như thế chứ anh. Không biết các cụ có thấy cái huyệt yểm hiểm này không? Giữ nợ là có dụng ý cả chứ? Trữ lượng đòn của họ phang ta hơi xẵng. Họ có tài ghi tội lắm. Hễ không vừa ý họ lại dứ một thằng ra xin cùng nhau “thương lượng giải quyết” là gay rồi.

Nghe đâu cuối những năm 90, có tin đồn Trung Quốc đã yêu cầu ta đưa hai trăm nghìn người Hoa về nước, bồi hoàn cho họ đầy đủ tư liệu sản xuất và sinh hoạt. Trong công cuộc đuổi người Hoa, bao nhiêu người ăn nên làm ra nhờ tích cực vượt chỉ tiêu. Nguyễn Đức Tâm thôi bí thư tỉnh lên Bộ chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương. Kéo theo bộ sậu Phạm Thế Duyệt, Vũ Mão. Có những chuyện độc ác đếu giả như lấy vàng bạc của người ta xong lại cho tàu đuối theo xả súng giết chết hết hay đục thuyền cho đắm. Chính con rể tôi nói đon vị anh đã đi vớt thuyền nhân bị đắm tàu ở ngay tại bên kia cầu Sài Gòn, thường chờ cho qua phao zê-rô mới rút nút, vâng, đục thuyền ra cắm nút vào rồi đến lúc sẽ rút nút ra, nhưng lần ấy đem rút sớm quá, xác người nằm san sát nhau trên sông như củi rều vậy. “Có lấy vàng chứ bố. Lấy mỗi người năm cây nhưng vẫn cứ đục tàu. Dân kêu dữ mới đụng đến một trưởng ty công an trong Nam”.

Trong lần truy xét phần tử thân Mao này, người đi truy xét dễ được quà. Lộc bé nhất là một đôi dép. Báo Nhân Dân cử một cán bộ tổ chức vào Sài Gòn gặp chị Ngh. công tác ở thư viện báo điều tra tại sao con cả của anh chị lại tên là Ngô (lại là Ngô chứ!) Phương Hồng và các đứa sau đều đệm Phương. “Dạ, lúc sinh cháu, chúng tôi ở Khu Việt Nam học xá Nam Ninh, bác sĩ Trung Quốc đỡ cho cháu đã đặt tên Phương Hồng rồi từ đấy tiện thì cứ Phương luôn”. (Không dám nói vì ta lúc ấy rất quý Mao Chủ tịch Đông phương hồng) Ngh. đã phải mua một đôi dép biếu anh tổ chức cho yên chuyện. Khốn nạn, Việt chính cống mà vẫn phải hối lộ. Dù còm thôi.

***

Rõ ràng cách nhìn của Đảng khác một trời một vực cách nhìn của dân. Sau ngày Hồng Linh từ chối đi, tránh được sự trừng phạt của Đảng thì lại chịu sự trừng phạt của gần hết anh chị em Nhà hát. “Chết thật, miếng ăn thơm thế đến tận mồm lại đem liệng đi!… Ối giời ơi chị biết không, máu Hoa bây giờ là máu vàng máu bạc, máu tinh hoa, máu thượng đằng, đấy, chỉ làm chứng minh thư giả là Hoa thôi cũng đã mất mẹ nó năm cây vàng lận, thế mà chị lại bỏ phí!”

Tôi phải nói vì họ chỉ cho mình Linh đi thôi.

– Ối giời, rõ thật, tính với toán hay thế! Dịp đổi đời mà bỏ! Thì cứ vợ đi lập căn cứ địa ở bên đó như Cụ Hồ lập ở Pắc Bó cái đã rồi sau lôi nhau sang chứ. Thế nào là mở đầu cầu? Quyết một tấc không đi một li không rời cái đói rách à? Xem lại cái đầu bã đậu đi. Nhớ là khi hổ nó nhả ra miếng nào là phải chộp cho mau kẻo nó lại co bố nó về mất, bài học đấy.

Trước nhà tôi, Hồng-Nám-violon và vợ là Oanh trong dàn hợp xướng tự nhiên đóng cửa im ỉm. Đồn là cãi nhau to, chuyến này li dị. Tháng sau, mẹ Oanh vào dọn đồ lề. Thì ra đã mượn máu Hoa vù sang Mỹ. Vài năm sau, hai anh chị về nước. Vào nhà tôi quay phim, chuyện trò. “Về thăm ngay anh chị vì tiếc cho anh chị quá, Hồng nói. Họ hàng chị Linh gần chỗ chúng em, Sacramento, giàu lắm. Nhà bà Hông Ngọc Hà, chị chị Linh, giường nằm có thiết bị tự động hễ xảy hoả hoạn là nó lãn bà ấy vào một cái ống rồi cứ thế trôi xuống vườn. Chúng em nói chuyện chị bị đuổi nhưng không được đem chồng và con đi dạo ấy, ai cũng kêu là dã man, hơn Hitler, quyền nào mà phân li gia đình người ta”.

Tôi nói vài giòng về bà Hồng Ngọc Hà. Khoảng 1986-87, bà về nước. Dạm hỏi con gái tôi cho con bà và tính xin lại một dẫy nhà ở phố Khách Hải Phòng, cả hai chuyện đều không xong. Con gái tôi hỏi bằng học vấn của con trai bà, bà nói “con bác chỉ giỏi kinh doanh thôi”. Còn nhà thì Nhà nước sẵn sàng trả miễn là bà chạy nhà ở mới cho mấy chục hộ đang sử dụng nhà bà.

Bà kể khi ở Hồng Kông, đến khổ với bà con người Nùng ta. Vào các ngăn toa-lét tập thể có vách ni lông che, bà con ta cắt luôn vách ra làm cái chùi khi vệ sinh. Người ta lắp các que chất dẻo vào thay thì bà con ta bẻ que ra quệt. Cứ đứa xây đứa phá như thế suốt. (Tôi ngạc nhiên hỏi Hà, sao họ cứ chịu ta dai như vậy? Hà nói, họ lo không làm tròn trách nhiệm cứu giúp dân tị nạn và họ cũng thật lòng không nỡ để cho “nạn nhân của Việt cộng” đã dạt vào nước họ lại bị khổ nữa). Hà cho biết ở trại tị nạn có đủ sòng bạc, gái điếm, lưu manh. Sức sống của xã hội ta mãnh liệt lắm, sáng tạo lắm chú ơi.

Nhờ Nguyễn Đức Tâm hăng đuổi, Hồng Nghiêu Xuyên, em trai út Linh ở Hòn Gai, sang Mỹ. Nửa năm sau đã không vận đơn kèm một thùng quà gửi về. Thư viết “Em thật lòng cảm ơn Đảng và Chính phủ đã đuổi nên chúng em đến được thiên đàng trái đất”. Con trai cả chú em này nay ba bằng kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ vật lý, hiện làm điện tử chất dẻo, plastic electronics, nghiên cứu cách làm cho thuốc đi trực tiếp đến tế bào bệnh của mỗi bệnh nhân. Đứa em gái khi ra đi mới mười tám tháng nay dạy cao trung. Cháu lớn đã đưa tôi qua Hollywood, Beverly Hills đến Caltec, UCLA, những đại thánh đường khoa học, nơi cháu từng học và thí nghiệm.

Tôi nói bố cháu mà ở lại lái xe cho ty thương nghiệp Hòn Gai thì giỏi lắm cháu cùng đến cửu vạn cõng bia Vạn Lực hay vần dưa hấu, khiêng bao tải rùa rùa, nhím, kì đà…

Ở cạnh nhà Xuyên tại El Monte, Los Angeles là Hoàng Nải Hoài, nguyên anh hùng lao động lái xe Mỏ than Hòn Gai bị bí thư tỉnh Nguyễn Đức Tâm đuổi. Hay thơ thẩn trong vườn nhưng thấy Việt lạ mặt như tôi thì quay ngoắt.

Tôi bảo Xuyên: Đuổi ông này là phạm tam đại nguyên tắc cộng sản; một là đánh công nhân, hai là đàn áp anh hùng lao động, ba là phá vỡ mối tình môi răng. Anh sang thăm ông ấy được không?

– Đừng, ông ấy ghét Việt Nam nội địa lắm. Ông ấy bảo toàn đồ mắt trắng, phản thùng. Tổ tiên ông ấy sang khai phá mỏ than Hòn Gai trước tiên, Việt Nam có biết dùng than đá quy mô như họ đâu.

– Đúng, Hòn Gai là tiếng Trung Quốc. Móng Cái, Hồng Gai đều có chữ giai là phố. Giá như gặp được cựu công nhân anh hùng mà chuyện trò thì ra bao điều hay. Hồng Phong, chú em sát Linh phải rời khỏi Hòn Gai, về thu mua tôm cá tại một trạm làm nước mắm huyện Hoành Bồ. Cuối cùng sang Canada. Con trai cả là chuyên viên bộ ngoại giao. Hai con trai kế đều học đại học và học giỏi ở Toronto.

Giữa Phong và Xuyên là Hồng Nghiêu Vân, kỹ sư nông nghiệp Thái Nguyên. Mười bảy tuổi xung phong lên xây dựng Tây Bắc. Sống với người Lá Vàng. Bà con suy tôn là Vua Mèo. Đã tham gia đoàn người Hoa có thành tích chiến đấu và xây dựng sang tham quan Trung Quốc nhân Quốc khánh 1 tháng 10. Bây giờ phải về ở Phố Cò, Phổ Yên, làm ở Trại lợn giống Phú Sơn. Không được phép vào chuồng lợn, sợ giết hại tài sản xã hội chủ nghĩa, chú cứ đòn gánh chờ ở ngoài, khi nào hai sọt phân khiêng ra thì gánh đi ủ. Tan nát, nhục nhằn tất cả.

Lý Bạch Luân, nguyên bí thư Yên Bái, phó bí thư Hồng Quảng khi Nguyễn Đức Tâm là bí thư, tham gia Quảng Châu công xã rồi 1930 sang hoạt động ở Việt Nam đúng lúc Pháp ném bom Quốc dân đảng ở Cổ Am, Vĩnh Bảo thì nay bị xúc về ở thị trấn Quảng Yên.

Tôi muốn nói tới vài người Hoa tôi quen.

Một ông lang, Quan Đông Hoa, chữa cổ chướng rất giỏi. Tôi đã mách anh giúp cho Minh Việt hết cái bụng khệ nệ toàn dịch là dịch. Anh không về nước, cứ ở lại. Thì bị cấm chữa bệnh. Em vợ tôi không được đến bên lợn thì sao cho phép anh mó máy vào người được?

Hoa đành khám chui. Bên người hai túi đồ nghề: một chữa bệnh, một chữa xe đạp. Tự chữa lấy xe vì nay không ai chữa xe đạp cho anh một khi anh lơ lớ lên cái giọng Tàu. Tôi bảo anh rằng không chỉ Hoa đâu. Nga đã bị trước anh lâu rồi. Khi Việt Nam kịch liệt lên án Liên Xô, chị Nona người Nga, giáo sư đại học ở ta, vợ Nguyễn Tài Cẩn, mấy lần mếu máo bảo tôi là đi đường chị vẫn bị người lớn trẻ con ném đá, và chửi “đ. mẹ con xét lại!” Dân Việt Nam say mê chính trị lắm, mà thể hiện chủ yếu bằng gạch đá và chửi tục, chị nói. Một lần gặp tôi ở bệnh viện Việt Xô, chị rớm nước mắt hỏi Trần Châu tù chắc khố lắm phải không?

Nhân Nona nói đến gạch đá tham gia chống xét lại, tôi hỗi chị có biết quân đội 12 nước xã hội chủ nghĩa đá bóng với nhau ở Hà Nội hồi sắp ra Nghị quyết 9 không. Nona nói có, có nghe. Bảo kinh hoàng lắm. Tôi nói chính tôi chứng kiến. Tôi cùng ngồi xem với Trần Đức Hinh cục trưởng điện ảnh và Khánh Căn, báo Nhân Dân, sau này thông gia với Tố Hữu. Hôm ấy quân đội Liên Xô đấu với ai đó, tôi không nhớ – hình như Anbani mà Bắc Kinh phong cho là “ngọn hải đăng Mác-xít” ở cạnh nách trùm xét lại (như Việt cộng là Võ Tòng đả hổ, nói nôm na là mỗi anh đều được Bắc Kinh cắm cho vào đít một cái ống đu đủ) – nhưng thấy trên khán đài A có Nguyễn Chí Thanh cười tươi lắm. (Tôi khẽ bảo Khánh Căn, cũng quan điểm xét lại: Phong trào ủng hộ Mao đang lên, nom ông ấy rạng rỡ chưa kìa!). Dần lại thấy có những bị cói và sọt đan kín phủ báo ở chân mấy người xem gần chỗ chúng tôi. Thì ra đựng đầy đá củ đậu. Trận đấu bắt đầu được chừng mười lãm phút, người xem ở khắp bốn phía sân vân động thình lình nhất tề nhè vào cầu thủ Liên Xô ném đá tới tấp. Ba chúng tôi kinh ngạc. Khánh Căn nói phong trào quăng đá này nhất định là phải có tổ chức từ trên rồi. Tôi lom khom đứng lên để tránh đá ném nhoang nhoáng qua đầu, lẻn ra cổng. Lạy van mãi mới được người giữ trật tự mở cổng cho. Tôi còn nhớ cổng ấy mở về phố Trịnh Hoài Đức, một sứ thần đã xuất ngoại mà tôi chắc không mang theo bị đá. Ra đến ngoài mới gay: phải chờ cho hết trận đấu mới lấy được xe.

Nhân đây nói một thể. Gần bốn chục năm sau, một sáng gặp tôi ở nhà Thọ, con rể út Hoàng Minh chính tại Sài Gòn, Nguyễn Tài Cẩn, chú họ Thọ, ôm lấy tôi:

– Ôi, Trần Đĩnh, gặp Đĩnh mình mừng không thể nói… Không ngờ… Không ngờ…

Tôi cảm động. Chúng tôi một thuở đều là những cái bèo cái bọt bẩn thỉu lềnh bềnh trên mặt xã hội đầy phẫn nộ thần thánh. Cơn phẫn nộ Mao truyền.

Một bạn nữa, Diệp Đình Hoa. Học ở Đại học Bắc Kinh. Lại học hậu đại học ở Liên Xô. Suýt thành dân Canada, như anh nói. Anh đã bị mấy giáo sư sử đồng nghiệp suýt khai tử vì cái họ Diệp – Diệp Kiếm Anh mà! Lúc cần vơ họ sang thì nói Diệp Kiếm Anh là bạn thân của Bác Hồ! Anh bèn đưa ra một giải trình khoa học về sáu họ Trung Quốc thuần chủng ở Việt Nam: Hán, Đặng, Mã, Vũ, Nguyễn, Hồ. Nguyễn thì sau có pha máu bản địa. Duy họ Đặng của Đặng Xuân Khu Trường Chinh thì Trung Quốc không lai một lai. Còn Nguyễn Ái Quốc, nếu là họ Hồ thì càng chính tông Hán, sang từ Hô Hán Thương. “Tài liệu về họ thuần Hoa này đã cứu tôi”, anh nói.

– Người Việt mẫu hệ không có họ, tôi nói. Tàu sang khai hoá thì ban cho cái họ để tiện làm sổ sách. Có thể ta cũng có họ nhưng không giống họ của Trung Quốc và tổ tiên không biết trinh bày thế nào còn các thái thú quan liêu không tìm hiểu, chỉ cốt có cái báo cáo về Thiên triều rằng đã ban ơn mưa móc khai hoá. Sau này, với bà con Vân Kiều ta cũng làm như thế, chẳng cân xem có họ hay không là cứ theo kiểu các quan Tàu thời xưa cho ngay họ vinh dự lấy họ Hồ rồi kể công, quên rằng ở phương diện họ đương này ta chỉ là kẻ nhận sớm hơn bà con mà thôi. Cũng như ta nhận chủ nghĩa Mác-Lê từ bên ấy về rồi đem truyền bá lên tận Hà Giang, Tây nguyên và đưa công nhân Mèo, Dao. v.v. vào đảng. Công nhân công nghiệp quá chứ! Làm lấy súng, làm lấy lưỡi cày, làm lấy vòng bạc đeo cổ đeo tay cơ mà…

Diệp Đình Hoa có nhiều công trình nghiên cứu sử giá trị nhưng người ta không đoái đến anh.

Ôi, anh em bốn biển một nhà!